Phát triển trong chánh niệm

 

Những pháp môn tu tập của đạo Bụt vì sự phát triển kinh tế - xã hội
Thông điệp cho Đại Lễ Phật Đản Quốc Tế, 2011 tổ chức tại Thái Lan


Thân kính gửi chư tôn Hoà Thượng và các bậc chức sắc trong các Phái Đoàn đại diện tham dự Ngày Phật Đản QuốcTế,

Chúng tôi xin chúc mừng Hội Đồng Tăng Già tối cao Thái Lan cũng như tất cả những thành viên tham dự và tổ chức Đại Hội Phật Đản Quốc Tế lần thứ tám, 2011. Quý vị đã tập họp ngày hôm nay thành một cộng đồng để cảm nhận tình thân hữu, sự có mặt cho nhau, và để cùng nhau xây đắp tình huynh đệ. Chúng tôi thật sự tin tưởng rằng sự thực tập chân thực những lời dạy của đức Thế Tôn có thể đóng góp lớn cho một nền tâm linh và đạo đức toàn cầu, có thể dẫn dắt nhân loại trong thời điểm khó khăn, cấp bách hiện nay.

Chứng kiến các cuộc khủng hoảng khác nhau đang diễn ra trên khắp toàn cầu, trong chúng ta ai cũng thấy rõ kỷ nguyên của những quốc gia sống hoàn toàn độc lập, với đường biên giới ngăn cách và với những mối quan tâm riêng rẽ đã đi đến hồi kết thúc. Chúng ta cũng ý thức được rằng nỗi khổ niềm đau của một dân tộc có liên hệ mật thiết và được chia sẻ bởi người dân của nhiều dân tộc khác trên thế giới; rằng sự bất ổn và khủng hoảng trầm trọng của một quốc gia ảnh hưởng đến sự phồn thịnh và an ninh của rất nhiều quốc gia khác trên toàn cầu. Lúc này và ở đây, trong phút giây hiện tại, chúng ta đều thấy rõ rằng sự phát triển kinh tế-xã hội cũng như những thách thức đi kèm không còn là vấn đề của một cá nhân hay của riêng một quốc gia nào.

Tuy nhiên, chúng ta không tuyệt vọng. Những vấn đề mà địa cầu và toàn thể nhân loại đang phải đối diện – khủng hoảng sinh thái toàn cầu, thiếu hòa hợp trong gia đình và xã hội, bất ổn về kinh tế và chính trị - cũng đồng thời cho chúng ta cơ hội để dừng lại, nhận diện và xem xét lại nguồn gốc của những khổ đau mà chúng ta đang phải gánh chịu và tìm ra con đường có thể đưa đến một tương lai tươi sáng hơn và ngay cả một hiện tại tươi sáng hơn. Đây là công thức căn bản mà Bụt đã sử dụng trong suốt cuộc đời Ngài để hướng dẫn hàng đệ tử và vô số người vượt thoát khổ đau của họ. Và giờ đây, công thức căn bản này có thể dẫn lối cho chúng ta đến sự giải thoát khỏi những khổ đau hiện tại. Ba phẩm chất đặc thù, ba cách thực tập từng giai đoạn rõ ràng mà Bụt đã dạy là Niệm, Định và Tuệ sẽ đưa chúng ta đến chỗ giải thoát khỏi những bế tắc đó. Với ba cách thực tập này, nếu áp dụng đúng mức và khéo léo, chúng ta có thể khám phá ra một nền đạo đức toàn cầu và một lối sống chánh niệm giúp định hướng cho sự phát triển của xã hội chúng ta ngày nay theo một đường hướng thanh bạch và lành mạnh hơn.

Chúng ta phải tìm ra cách thức phù hợp để áp dụng những điều Bụt dạy - như phương pháp thực tập chánh niệm, giáo lý về khổ đau và hạnh phúc, tuệ giác tương tức và vô phân biệt (về sự tương tức, liên hệ mật thiết trong nhau và không kỳ thị, không loại trừ những người có cái thấy, cách hành xử khác mình), Năm Phép Tu Tập Chánh Niệm (tức là Năm giới) và những lời Bụt dạy về Bốn Loại Thực Phẩm. Những điều này sẽ giúp cho xã hội chúng ta trở nên chánh niệm hơn trong cách sản xuất và tiêu thụ; những công ty và những cá nhân sẽ bớt sản xuất những sản phẩm có thể làm tổn hại tâm thức của đại đa số cộng đồng và làm ô nhiễm môi trường sinh thái. Chúng ta có thể tiêu thụ ít lại, tiêu thụ làm sao để nuôi dưỡng được thân và tâm ta. Chúng ta, với tư cách cá nhân và với tư cách một dân tộc, cần áp dụng những điều Bụt dạy về thiểu dục tri túc, nghĩa là biết đủ.

Trong mối liên hệ thân thiết thuộc phạm vi gia đình, cha và con nên áp dụng những điều Bụt dạy để có nhiều thời gian cho nhau, có mặt cho nhau nhiều hơn (thay vì chỉ dành thời gian ngồi trước màn hình máy tính) và có thể phục hồi được sự truyền thông bằng cách cùng nhau thực tập lắng nghe sâu và nói với nhau những lời hòa ái.

Trong lớp học khô khan và trong những giảng đường lạnh lẽo, thầy cô giáo và học viên nên giúp đỡ nhau để tạo nên không khí ấm áp của một gia đình, giúp giảm bớt căng thẳng, thư thả hơn, biết xử lý những cảm thọ và cảm xúc mạnh của mình và áp dụng những cách xử lý đó để đưa mọi người đi về hướng lành mạnh hơn, đó là đào tạo ra một thế hệ trẻ hiền thiện, có tự do, mong muốn hợp tác hơn là cạnh tranh, thay vì chỉ tạo ra một lực lượng lao động để cung cấp cho guồng máy tư bản.

Trong các văn phòng của công ty hay các công sở của nhà nước – nơi bị thúc đẩy nhiều bởi quyền lực, những người đồng nghiệp nên làm việc và cư xử chánh niệm với nhau hơn, cùng nhau xây dựng tình anh chị em, nuôi dưỡng lòng từ bi và bao dung hơn, để từ đó có thể đưa xã hội ta đi về hướng hạnh phúc và hòa hợp chân thật.

Trong thế giới hiện đại ngày nay, trước bối cảnh các nước đang cố gắng tìm kiếm những mô hình phát triển thì những mô hình phát triển tự do được đánh giá cao và được mọi người chạy theo. Tuy nhiên, cái giá mà thế hệ trẻ và nền sinh thái mong manh của chúng ta phải trả cũng như những chi phí mà thân tâm ta và toàn nhân loại đang gánh chịu là bao nhiêu? .

Không bao giờ quá muộn để dừng lại và suy ngẩm, để tìm ra những phương pháp thực tập có thể khôi phục lại tinh thần trách nhiệm, phục hồi lại các giá trị đạo đức cho xã hội ta, cho các chính quyền, cho gia đình và cho chính bản thân chúng ta .

Với tất cả tình thương và tin cậy
Thích Nhất Hạnh

Năm Phép Tu Tập Chánh Niệm
(Năm giới quý báu)

Giới thứ nhất: Bảo vệ sự sống

Ý thức được những khổ đau do sự giết chóc gây ra, con xin nguyện thực tập nuôi dưỡng tuệ giác Tương Tức và lòng Từ Bi để có thể bảo vệ sinh mạng của con người, của các loài động vật, thực vật và môi trường của sự sống. Con nguyện không sát hại, không để kẻ khác sát hại và không yểm trợ cho bất cứ một hành động sát hại nào trên thế giới, trong tư duy cũng như trong đời sống hằng ngày của con. Thấy được rằng tất cả những bạo động do sự sợ hãi, hận thù, tham vọng và cuồng tín gây ra đều bắt nguồn từ cách tư duy lưỡng nguyên và kỳ thị, con nguyện học hỏi thái độ cởi mở, không kỳ thị và không cố chấp vào bất cứ một quan điểm, một chủ thuyết hay một ý thức hệ nào để có thể chuyển hóa hạt giống cuồng tín, giáo điều và thiếu bao dung trong con và trong thế giới.

 

Giới thứ hai: Hạnh phúc chân thực

Ý thức được những khổ đau do lường gạt, trộm cắp, áp bức và bất công xã hội gây ra, con nguyện thực tập san sẻ thì giờ, năng lực và tài vật của con với những kẻ thiếu thốn, trong cả ba lĩnh vực tư duy, nói năng, và hành động của đời sống hằng ngày. Con nguyện không lấy làm tư hữu bất cứ một của cải nào không phải do tự mình tạo ra. Con nguyện thực tập nhìn sâu để thấy rằng hạnh phúc và khổ đau của người kia có liên hệ mật thiết đến hạnh phúc và khổ đau của chính con, rằng hạnh phúc chân thực không thể nào có được nếu không có hiểu biết và thương yêu, và đi tìm hạnh phúc bằng cách chạy theo quyền lực, danh vọng, giàu sang và sắc dục có thể đem lại nhiều hệ lụy và tuyệt vọng. Con đã ý thức được rằng hạnh phúc chân thực phát sinh từ chính tự tâm và cách nhìn của con chứ không đến từ bên ngoài, rằng thực tập phép tri túc con có thể sống hạnh phúc được ngay trong giây phút hiện tại nếu con có khả năng trở về giây phút ấy để nhận diện những điều kiện hạnh phúc mà con đã có sẵn. Con nguyện thực tập theo Chánh Mạng để có thể làm giảm thiểu khổ đau của mọi loài trên trái đất và để chuyển ngược lại quá trình hâm nóng địa cầu.

 

Giới thứ ba: Tình thương đích thực

Ý thức được những khổ đau do thói tà dâm gây ra, con xin học hỏi theo tinh thần trách nhiệm để giúp bảo hộ tiết hạnh và sự an toàn của mọi người, mọi gia đình và trong xã hội. Con biết tình dục và tình yêu là hai cái khác nhau, rằng những liên hệ tình dục do thèm khát gây nên luôn luôn mang tới hệ lụy, đổ vỡ cho con và cho kẻ khác. Con nguyện không có liên hệ tình dục với bất cứ ai nếu không có tình yêu đích thực và những cam kết chính thức và lâu dài. Con sẽ làm mọi cách có thể để bảo vệ trẻ em, không cho nạn tà dâm tiếp tục gây nên sự đổ vỡ của các gia đình và của đời sống đôi lứa. Con nguyện học hỏi những phương pháp thích ứng để chăm sóc năng lượng tình dục trong con, để thấy được sự thật thân tâm nhất như và để nuôi lớn các đức Từ, Bi, Hỉ và Xả, tức là những yếu tố căn bản của một tình yêu thương đích thực để làm tăng trưởng hạnh phúc của con và của người khác. Con biết thực tập Tứ Vô Lượng Tâm ấy, con sẽ được tiếp tục đẹp đẽ và hạnh phúc trong những kiếp sau.

 

Giới thứ tư: Lắng nghe và ái ngữ

Ý thức được những khổ đau do lời nói thiếu chánh niệm và do thiếu khả năng lắng nghe gây ra, con xin nguyện học các hạnh Ái Ngữ và Lắng Nghe để có thể hiến tặng niềm vui cho người, làm vơi bớt nỗi khổ đau của người, giúp đem lại an bình và hòa giải giữa mọi người, giữa các quốc gia, chủng tộc và tôn giáo. Biết rằng lời nói có thể đem lại hạnh phúc hay khổ đau cho người, con nguyện học nói những lời có khả năng gây thêm niềm tự tin, an vui và hi vọng, những lời chân thật có giá trị xây dựng hiểu biết và hòa giải. Con nguyện không nói năng gì khi biết cơn bực tức đang có mặt trong con, nguyện tập thở và đi trong chánh niệm để nhìn sâu vào gốc rễ của những bực tức ấy, nhận diện những tri giác sai lầm trong con và tìm cách hiểu được những khổ đau trong con và trong người mà con đang bực tức. Con nguyện học nói sự thật và lắng nghe như thế nào để có thể giúp người kia thay đổi và thấy được nẻo thoát ra ngoài những khó khăn đang gặp phải. Con nguyện không loan truyền những tin mà con không biết chắc là có thật, không nói những điều có thể tạo nên những sự bất hòa trong gia đình và trong đoàn thể. Con nguyện thực tập Chánh Tinh Tấn để có thể nuôi dưỡng khả năng hiểu, thương, hạnh phúc và không kỳ thị nơi con và cũng để làm yếu dần những hạt giống bạo động, hận thù và sợ hãi mà con đang có trong chiều sâu tâm thức.

 

Giới thứ năm: Nuôi dưỡng và trị liệu

Ý thức được những khổ đau do thói tiêu thụ không chánh niệm gây nên, con nguyện học hỏi cách chuyển hóa thân tâm, xây dựng sức khỏe cơ thể và tâm hồn bằng cách thực tập chánh niệm trong việc ăn uống và tiêu thụ. Con nguyện nhìn sâu vào bốn loại thực phẩm là đoàn thực, xúc thực, tư niệm thực và thức thực để tránh tiêu thụ những thực phẩm độc hại. Con nguyện không uống rượu, không sử dụng các chất ma túy, không ăn uống hoặc tiêu thụ bất cứ một sản phầm nào có độc tố, trong đó có mạng lưới toàn cầu, phim ảnh, truyền thanh, truyền hình, sách báo, bài bạc và cả chuyện trò. Con nguyện thực tập thường xuyên trở về với giây phút hiện tại để tiếp xúc với những gì tươi mát, có khả năng nuôi dưỡng và trị liệu trong con và xung quanh con, không để cho tiếc nuối và ưu sầu kéo con trở về quá khứ và không để cho lo lắng và sợ hãi kéo con đi về tương lai. Con nguyện không tiêu thụ chỉ để khỏa lấp sự khổ đau, cô đơn và lo lắng trong con. Con nguyện nhìn sâu vào tự tính tương quan tương duyên của vạn vật để học tiêu thụ như thế nào mà duy trì được an vui trong thân tâm con, trong thân tâm của xã hội, và trong môi trường sự sống.

 

Thích Nhất Hạnh

Theo phusaonline