Đình Chùa Lệ Mật

chualematgialamhanoi.jpg Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 8 km về phía đông bắc, Lệ Mật là một làng cổ xưa thuộc vùng văn hóa Kinh Bắc, nay do yêu cầu mở rộng đất đai và cư dân nội thành, đã trở thành một địa danh thuộc phường Việt Hưng, quận Gia Lâm, Hà Nội. Như nhiều làng quê ngoại thành Hà Nội, nơi đây hiện còn lưu giữ một quần thể di tích đình, chùa, miếu… có quy mô bề thế, được quy tụ cận kề nhau ở ngay giữa trung tâm làng. Chùa làng thờ Phật, miếu làng thờ vị công chúa con vua Lý (?), còn đình Lệ Mật thờ đức thánh họ Hoàng, người có công khai khẩn, mở mang đất đai sang phía Tây kinh thành Thăng Long, lập nên khu Thập tam trại. Đây một địa danh nổi tiếng, được các nhà nghiên cứu lịch sử quan tâm, vì việc tìm hiểu lịch sử Thập tam trại có liên quan mật thiết với việc xác định hoàng thành Thăng Long thời Lý - Trần.

Trải qua thời gian, những đổi thay do tác động của tự nhiên và xã hội đã ít nhiều ảnh hưởng tới cảnh quan, môi trường của làng và các di tích. Bài viết này đặt vấn đề khảo sát hiện trạng di tích đình, chùa Lệ Mật với mục đích lưu lại dấu tích xưa cũ của chúng trước nguy cơ "xâm lấn" của quá trình đô thị hóa đang diễn ra sôi động ở Lệ Mật trong những năm gần đây.

Đình Chùa Lệ Mật

Tạ Duy Hiện

 Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 8 km về phía đông bắc, Lệ Mật là một làng cổ xưa thuộc vùng văn hóa Kinh Bắc, nay do yêu cầu mở rộng đất đai và cư dân nội thành, đã trở thành một địa danh thuộc phường Việt Hưng, quận Gia Lâm, Hà Nội. Như nhiều làng quê ngoại thành Hà Nội, nơi đây hiện còn lưu giữ một quần thể di tích đình, chùa, miếu… có quy mô bề thế, được quy tụ cận kề nhau ở ngay giữa trung tâm làng. Chùa làng thờ Phật, miếu làng thờ vị công chúa con vua Lý (?), còn đình Lệ Mật thờ đức thánh họ Hoàng, người có công khai khẩn, mở mang đất đai sang phía Tây kinh thành Thăng Long, lập nên khu Thập tam trại. Đây một địa danh nổi tiếng, được các nhà nghiên cứu lịch sử quan tâm, vì việc tìm hiểu lịch sử Thập tam trại có liên quan mật thiết với việc xác định hoàng thành Thăng Long thời Lý - Trần.

Trải qua thời gian, những đổi thay do tác động của tự nhiên và xã hội đã ít nhiều ảnh hưởng tới cảnh quan, môi trường của làng và các di tích. Bài viết này đặt vấn đề khảo sát hiện trạng di tích đình, chùa Lệ Mật với mục đích lưu lại dấu tích xưa cũ của chúng trước nguy cơ "xâm lấn" của quá trình đô thị hóa đang diễn ra sôi động ở Lệ Mật trong những năm gần đây.

1. Đình Lệ Mật

Trước đây làng Lệ Mật có hai ngôi đình: đình Thượng và đình Hạ. Theo các cụ cao tuổi trong làng, đình Thượng là ngôi đình được dựng đầu tiên, vị trí ở sát Ủy ban hành chính phường Việt Hưng hiện nay, thờ trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ngôi đình này trước được dùng làm trụ sở hành chính xã, sau do xuống cấp nghiêm trọng nên bị dân làng phá vào năm 1960 rồi chuyển các đồ tế tự, bài vị, bằng sắc về phối tự tại đình Hạ.

Đình Hạ, vốn được dựng cách vị trí hiện tại khoảng 200 mét. Nay dấu tích xưa đã thành đồng, thành bãi, nhưng vẫn còn được dân gian ghi nhận qua việc gọi tên một xứ đồng (ruộng Đình). Các cụ già làng giải thích về việc di chuyển đình Hạ từ "ruộng Đình" ra vị trí hiện nay như sau: Từ khi đình Hạ dựng lên, làng xảy ra nhiều biến cố, đặc biệt là phong hóa bị xuống cấp nghiêm trọng. Người ta nhận thấy những người phụ nữ Lệ Mật xưa vốn cần cù, chịu khó, nay như nổi loạn. Còn cánh đàn ông dường như mất hết dũng khí, ngày càng trở nên nhu nhược. Các cụ bô lão khẳng định, chắc chắn phong thổ của làng có vấn đề và bàn nhau đi mời thầy địa lý. Họ đã mời được thầy Tả Ao (?) một thầy địa lí Trung Hoa nổi tiếng vào thời đấy đến xem xét. Ông thầy cho biết: Đình làng bị "hỏng hướng", nó không những phải chuyển hướng mà còn phải rời sang vị trí khác. Nếu tiếp tục để ngôi đình ở đây, cánh đàn ông trong làng sẽ bị toét mắt và phải làm các việc "tề gia, nội trợ". Còn đám phụ nữ trong làng sẽ trở nên ngang ngược, đi cướp bóc thiên hạ (?).

Sau khi xem xét đất đai, phong thủy, cảnh quan làng, thầy Tả Ao đã tìm được một nơi "đắc địa". Đó chính là vị trí của ngôi đình Hạ hiện nay. Nhưng có một trở ngại: xưa, nơi này là vị trí của chùa Lệ Mật (tương truyền, chùa làng còn được dựng trước cả hai ngôi đình). Hương lão và các vị chức sắc trong làng bèn bàn với nhà chùa, chuyển chùa Lệ Mật sang mảnh đất bên cạnh để nhường đất dựng đình. Ngôi chùa rời đi nhưng tam quan chùa vẫn được giữ nguyên. Khách tham quan đến đây, nếu không được dân giải thích cặn kẽ về lịch sử khởi tạo quần thể di tích này, sẽ không khỏi ngạc nhiên bởi lối kết cấu kỳ lạ: Tam quan chùa cao lớn sừng sững, đứng án ngữ trước tổng thể di tích đình Hạ (bao gồm nghi môn, sân, phương đình, 4 dãy tào mạc và chính đình). Nó vừa mang đậm dấu ấn xưa cũ của ngôi chùa làng, vừa là chứng tích ghi nhận một "sự kiện" trong lịch sử văn hóa làng Lệ Mật.

Từ con đường rước kiệu vào tới nghi môn đình, khách tham quan phải đi qua 3 "mảng" di tích: đó là giếng đình, miếu công chúa và tam quan chùa Lệ Mật. Ngoài ra, cũng nằm trong quần thể di tích này còn có ao đình rộng tám sào nằm đối diện với tam quan chùa. Có lẽ nó nằm trong kết cấu tổng thể chùa Lệ Mật.

Giếng đình: Là giếng tự nhiên, có tên gọi Thiên Hồ Lệ (Giếng thiên tạo). Giếng cũng do thầy Tả Ao yểm, nên trải qua nhiều đời vẫn còn nguyên vẹn, hầu như không bị sụt lở. Xưa, cả làng Lệ Mật gánh nước giếng về ăn. Giếng đình gắn kết với nhiều giai thoại, truyền thuyết xung quanh vị thành hoàng Lệ Mật. Trong tâm thức dân gian Lệ Mật, cùng với miếu công chúa, giếng là một trong những "di tích thiêng".

­Miếu công chúa: Không ai rõ miếu công chúa được dựng lên từ thời nào. Người được thờ trong miếu là con gái vua Lý Thái Tông (được chàng trai họ Hoàng vớt lên sau trận giao tranh với thủy quái). Người dân cho rằng ngôi miếu xuất hiện như một sự tri ân đối với vị Thành hoàng đang được thờ phụng trong đình. Miếu công chúa có kích thước nhỏ bé (rộng 6m2) với kết cấu kiến trúc, điêu khắc đơn giản. Nhưng điều kỳ lạ nhất là nó gắn kết chặt chẽ với một cây đa cổ thụ: một phần mái gắn sâu vào thân cây, trong khi phần mái còn lại bị rễ bao phủ. Trên cây đa, giữa chạc ba của thân cây mọc lên một cây cọ. Dân làng và khách thăm quan đều cho rằng đây là một hiện tượng "có một không hai". Miếu công chúa rất thiêng, không ít người do sơ ý nói năng hoặc có những cử chỉ "không phải" xúc phạm đến miếu thiêng mà bị mang vạ suốt đời. Dân làng còn gọi đây là "miếu trình" hay "miếu chúa", vì hàng năm vào dịp hội làng, vào khoảng 8 giờ sáng ngày 22-3 âm lịch diễn ra tục đánh cá ở giếng đình. Cá được đánh từ giếng lên, trước khi mang vào đình đều phải "trình" (đặt lên ban thờ rồi thắp hương) qua miếu công chúa.

Tam quan: Chúng tôi không hiểu vì sao các cụ rời chùa (nhường đất cho đình Lệ Mật) lại không rời Tam quan. Rất may chùa chỉ chuyển sang khu đất nằm sát phía bên phải đình, từ đình có đường tắt đi sang chùa nên nhìn trên kết cấu mặt bằng tổng thể di tích đình - chùa Lệ Mật, người ta thấy vị trí của tam quan cũng không đến nỗi khập khiễng. Các cụ già đều khẳng định, tam quan cùng với chùa Lệ Mật được dựng nên từ thời Lý (?). Chúng tôi chưa tìm được tư liệu nào chứng minh điều này. Tam quan chùa Lệ Mật có kích thước cao lớn, bề thế, với lối kết cấu 2 tầng, 8 mái. Các mảng chạm nổi trang trí bám kết dày đặc cả hai mặt trong và ngoài. So với các tam quan chùa làng khác, đây là một di tích đẹp. Có lẽ, một trong các nguyên nhân để dân làng giữ nguyên vị trí hiện nay của tam quan là vì họ không muốn phá vỡ các mảng chạm nổi trang trí hình tứ linh, bát tiên rất công phu, tinh xảo của người xưa để lại.

Đình Hạ: Được trùng tu lần gần đây nhất từ năm 1998, toàn bộ chi phí khoảng trên 600 triệu đồng do công sức đóng góp chủ yếu của dân làng và Thập tam trại, Nhà nước chỉ hỗ trợ 100 triệu đồng. Sau nhiều lần trùng tu, đình vẫn giữ nguyên được mặt bằng tổng thể như khi khởi tạo, với lối kết cấu cổ điển của các ngôi đình muộn thời hậu Lê (thế kỷ XVII, XVIII). Từ tam quan bước vào, qua một sân rộng, giữa sân là một bức bình phong, 2 bên 2 dãy tào mạc (tả, hữu vu), mỗi dãy rộng 3 gian, ta bước tới nghi môn đình. Hai mảng nghi môn, mỗi bên có 2 cột nanh cao to sừng sững, được xây nối tiếp với 2 dãy tào mạc nữa, mỗi dãy rộng 5 gian. Giữa 2 tào mạc, sát với tiền đình là phương đình, kết cấu bởi 2 tầng 8 mái, đặt vuông vắn, cân đối giữa khoảng sân rộng. Qua phương đình, ta bước vào gian tiền tế rộng 7 gian (chưa kể 2 gian kép). Toàn bộ chính đình có kết cấu mặt bằng kiểu "nội công, ngoại quốc" được phân định bởi 2 sân thiên tỉnh. Sàn đình ngày nay tuy không lót bằng gỗ, nhưng ngay từ khi khởi tạo đã được phân bố từng mảng nền cao thấp khác nhau để phù hợp với vai vế của các bậc chức sắc, hương lão, giai đinh trong làng.

Tòa tiền đình nằm kề sát trung đình, cùng được cấu tạo bởi 2 hàng cột cái, mỗi hàng 8 chiếc (đường kính mỗi cột khoảng 60cm). Toàn bộ vì kèo kết cấu theo kiểu chồng rường. Ở đây hầu như không có sự tham gia của điêu khắc trang trí (trừ một vài cấu kiện được chạm nông các hình hoa lá cách điệu). Người xem có cảm giác chủ nhân của ngôi đình dường như chỉ chú ý đến quy mô hoành tráng, bề thế của nó mà bỏ qua việc đầu tư cho chạm khắc trang trí.

Gian hậu cung đặt một bức tượng đức thành hoàng và các đồ tế tự. Phía trước gian hậu cung đặt 3 hương án trên 3 bậc cao thấp khác nhau. Các hương án nay đều được chạm trổ, sơn son thếp vàng rất đẹp. Tuy nhiên, toàn bộ nghệ thuật trang trí nội thất đình đều tập trung nơi cửa võng. Ở đây, trừ các mảng chạm lộng bao quanh làm diềm, phần còn lại được chia thành nhiều ô chữ nhật to nhỏ khác nhau, tuân thủ theo nguyên tắc đăng đối qua một trục, từ kích thước mảng chạm tới các đề tài trang trí (ví dụ: mai - tùng, hạc - rùa, hoa hồng - hoa cúc…), và từng cặp môtíp trang trí lại đối xứng nhau (rồng, phượng, sư tử, rùa, cuốn thư, hổ phù…). Nhìn trên toàn cảnh, người xem dễ dàng nhận thấy, ở đây, đề tài tứ linh, trong đó đặc biệt là đề tài rồng được ưu tiên hàng đầu. Trên đó, có rất nhiều cảnh rồng, phượng quấn quít, rùa ngậm cuốn thư, hoặc rồng đan xen với cá chép hóa rồng.

Trong đình Hạ, ngoài các đồ tế lễ còn một đôi hạc (cao gần 2m) cưỡi trên lưng rùa và một con ngựa trắng. Nghe nói trước đây đình Hạ thờ một con ngựa hồng, sau bị mất cắp.

2. Chùa Lệ Mật

Nằm theo hướng nam ghé đông, chùa Lệ Mật có tên chữ là Cổ Giao tự. Tương truyền, ngôi chùa này đã được dựng lên từ thời Lý (?). Theo suy nghĩ của chúng tôi, niên đại của chùa rất có thể gắn bó mật thiết với niên đại của chiếc cổng tam quan (được xây vào khoảng "cuối Lê, đầu Nguyễn" - thế kỉ XVIII, XIX), hiện đang "ngự" trước sân đình. Nhìn vẻ hoành tráng của tam quan này, có thể đoán định rằng, trước kia, chùa Lệ Mật đã từng được xây dựng rất to lớn, bề thế, như vậy tầm cỡ của nó mới có thể tương xứng với chiếc cổng.

Phần trên chúng tôi đã nói đôi lời về nguyên nhân chuyển chùa Lệ Mật. Sau khi chùa Lệ Mật lùi xuống nhường chỗ cho việc dựng đình thì ngôi chùa bị hỏng hướng (nói theo ngôn ngữ dân gian là bị "mất hướng"). Có thể, chùa làng bị di rời vào thời điểm "Nho thịnh, Phật suy", nên sự quan tâm của dân làng chỉ tập trung vào ngôi đình. Chùa làng Lệ Mật phải nhường chỗ cho đình chứng tỏ Phật giáo tại địa phương này cũng chỉ giữ vai trò khiêm nhường bên cạnh vị thành hoàng của họ (Ngoài ra, cũng còn một cách lí giải khác: vì chùa là của riêng làng Lệ Mật, còn đình là nơi phụng thờ của 13 làng trại, nên các khoản kinh phí đóng góp hàng năm dành cho đình lớn hơn rất nhiều so với chùa). Nói như thế không có nghĩa ở Lệ Mật, người dân không tôn trọng, hoằng dương Phật pháp, bởi chính vùng đất Kinh Bắc là cái nôi Phật giáo của nước ta từ thời đầu công nguyên. Bên cạnh việc tế, lễ, cầu đức thành hoàng, người dân bao giờ cũng lễ Phật. Các ngày hội đình, nhà chùa bao giờ cũng "góp lễ" tham gia vui chung cùng dân làng. Người dân đi hội đình cũng đồng thời sang lễ chùa trong ngày hội vui Xuân. Dường như việc tách bạch hội đình ra khỏi không gian chung của cụm di tích (đình - miếu công chúa - chùa) là một khái niệm mơ hồ mà người dân không ai nghĩ đến.

Chùa Lệ Mật đã qua nhiều đợt tu sửa, song, vết tích những lần tu sửa cho thấy, đây chỉ là những "vá víu" mang tính tạm thời, không có quy hoạch, không được đầu tư một cách cẩn thận. Ngay cả mặt bằng tổng thể ngôi chùa hiện cũng bị cắt xén, không được vuông vắn.

Chùa có kết cấu 5 gian, khung và vì kèo đều được làm bằng gỗ. Gian chính kết hợp với hậu cung tạo thành mặt bằng hình chuôi vồ. Hiện trạng chùa đang bị xuống cấp nghiêm trọng: Mái chùa thấp, lòng chùa hẹp, sàn chùa bị "ốp lát" một cách tùy tiện, các cột chống đều bị mối mọt. Trừ các pho tượng trên Phật điện và mảng cửa võng được sơn thếp, còn các bộ phận khác, hầu như không có trang trí. Các pho tượng Phật cũng rất bé nhỏ, khiêm tốn. Di sản của chùa hiện chỉ còn một chuông đồng (đã bị sứt), một tấm bia hậu (bằng đá) niên đại Tự Đức và một vài đôi câu đối cổ (cũng mang niên hiệu Tự Đức).

Trước đây, nằm trong phần đất thuộc sở hữu của chùa còn có hai chiếc ao: Một chiếc nằm trước cổng, một chiếc khác ở bên trái cổng chùa. Nay một chiếc đã bị san lấp để làm nhà văn hóa, chiếc kia đã bàn giao cho Ban quản lí di tích Lệ Mật. Vì vậy, đất chùa ngày càng bị thu hẹp lại.

Không chỉ có đất chùa bị xâm lấn, thời gian gần đây, trong quá trình đô thị hóa, ao đình nằm trong vành đai xanh của cụm di tích, cũng đã bị san lấp gần hết (để chuyển cho dự án xây dựng trường mầm non). Đây là một thiệt thòi đáng tiếc cho phong hóa làng Lệ Mật. Theo thuyết phong thủy, không nên hoặc rất hạn chế cải tạo không gian bao quanh di tích, bởi những ao chuôm, dòng chảy, núi đồi… là những chuẩn mực tạo nên thế đất thiêng liêng tụ phúc. Sự tác động của con người một cách quá đáng sẽ làm cho thế phong thủy bị cạn mòn, suy lạc. Nhìn chung, những nơi thờ thần không thể thiếu nguồn nước, đặc biệt nước ở phía trước để tạo nên "tụ thủy tích phúc". Người ta tin rằng, với thế đất như vậy thì sức mạnh của thần sẽ lớn hơn và ban ân huệ cho con người càng nhiều.

Là những thiết chế văn hóa được dựng lên do nhu cầu thực hành các nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng dân gian, mặc dù đã trải qua nhiều thăng trầm, nhưng đình, chùa Lệ Mật không những tiếp tục gắn bó với đời sống tâm linh của người dân nơi đây, mà sự hiện diện của chúng còn là những dấu ấn đậm nét, lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống, tạo những cảnh quan đặc sắc của làng quê Việt Nam xưa. Do đó, gìn giữ và phát huy những di sản vật thể di tích đền chùa miếu mạo là ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi nó là một trong những nơi để niềm tin neo đậu.

Trích Văn Hóa Nghệ Thuật 3-2006