Con Rồng Bướng Bị Chinh Phục

thuydinhchuathay.jpgNúi Sài Sơn mang hình con rồng, đầu kề vào đỉnh một hồ nước, thân bao quanh hai phần ba chu vi hồ, còn đuôi thì khúc ẩn khúc hiện ở mãi phía xa. Chùa Thầy nằm ở chính hàm rồng. Phía trên chùa là vầng trán rồng lởm chởm những tảng đá tai mèo. Hai sườn chùa thì một bên là hòn đảo nhỏ thờ mẫu, bên kia là cổng vào con đường chính dẫn lên núi. Cả hai được nối liền với chùa bằng hai cây cầu làm theo kiểu thượng gia hạ kiều có tên là Nhật tiên kiều và Nguyệt tiên kiều, trông như hai chiếc râu rồng vểnh lên. Trước chùa là một nhà Thủy đình tượng trưng cho viên ngọc mà rồng nhả ra ngậm vào để giỡn chơi...Hàng nghìn năm qua, con rồng bướng Sài Sơn này bị trời đày mà không khuất phục. Thế mà nay nó đã bị chinh phục bởi con người... Con rồng bướng bị khuất phục bởi nó mất dần mạch sống. Quá trình làm rồng mắc cạn này bắt đầu từ việc dựng cạnh đó một nhà máy xi măng. Sau niềm tự hào vì có công nghiệp địa phương, người địa phương dần dần nhận ra tai hại của nó. Nhà máy ngày đêm nhả ra một đám mây bụi che kín cả một làng. Đến đây du khách không tài nào chịu nổi bầu bụi quyển thiếu dưỡng khí này. Ngồi một lúc là muốn đi ngay. Và sau khi đứng lên thế nào cũng để lại trên ghế hình một con át cơ to tướng. Bụi chui vào quần áo, đầu tóc, móng tay, kẽ mắt… Tinh thần chịu đựng của con người thật phi phàm. Nhưng cơ thể hình như không phải như vậy. Hay cứ nhìn những thôn dân xanh xao, thỉnh thoảng lại húng hắng ho thì biết…

Nhưng có lẽ nguy hơn cho cả vùng Quốc Oai - chùa Thầy là từ khi có con đường cao tốc Láng - Hòa Lạc. Con đường đi đến đâu là kéo theo hai bên sườn nó những nhà máy, những công ty trách nhiệm hữu hạn, những nhà nghỉ, nhà hàng đặc sản… Người nông dân và đặc biệt là chính quyền địa phương thì hồ hởi nhượng lại quyền sử dụng ruộng đất để lấy tiền, bởi đất có phải của mình đâu, đằng nào cũng của nhà nước cả! Thế là những ngôi nhà cao tầng, những ống khói lại mọc lên. Chỉ dăm năm nữa nếu đi từ Hà Nội về, người ta sẽ không còn được nhìn thấy Sài Sơn xa xanh như một con rồng xà xuống phía chân trời... Sao ta không bảo tồn vùng này để làm khu du lịch văn hóa - dân tộc học?

Con Rồng Bướng Bị Chinh Phục

Thanh Tâm

Vãng cảnh Sài Sơn bước luyến chân

Thăm con rồng bướng của Chu Thần

                           Xuân Diệu

Núi Sài Sơn mang hình con rồng, đầu kề vào đỉnh một hồ nước, thân bao quanh hai phần ba chu vi hồ, còn đuôi thì khúc ẩn khúc hiện ở mãi phía xa. Chùa Thầy nằm ở chính hàm rồng. Phía trên chùa là vầng trán rồng lởm chởm những tảng đá tai mèo. Hai sườn chùa thì một bên là hòn đảo nhỏ thờ mẫu, bên kia là cổng vào con đường chính dẫn lên núi. Cả hai được nối liền với chùa bằng hai cây cầu làm theo kiểu thượng gia hạ kiều có tên là Nhật tiên kiều và Nguyệt tiên kiều, trông như hai chiếc râu rồng vểnh lên. Trước chùa là một nhà Thủy đình tượng trưng cho viên ngọc mà rồng nhả ra ngậm vào để giỡn chơi.

Cao Bá Quát khi bị triều đình Huế ruồng bỏ, đã bị đưa về đây làm Huấn đạo. Ông thường dẫn học trò lên chùa bình văn hoặc đơn độc đăng cao để làm thơ. Có thể, do tâm trạng bi phẫn của mình, Cao đã nhận ra dãy núi này là con rồng bướng bị trời đày xuống hạ giới tại vùng Quốc Oai - đất trích này. Và, dường như để trấn an nó, ngài cũng cho xuống đây cả một bầy những con vật khác như chim phượng, cú vọ, rùa… khiến vùng đất bằng bỗng nổi lên một quần sơn. Đúng là một Hạ Long cạn. Nếu Ba Vì của xứ Đoài là núi thiêng của cả nước thì Sài Sơn là núi thiêng của xứ Đoài. Núi Thầy quả giống như một con rồng đang quẫy trên biển lúa xanh như sắp sửa cất mình bay lên. Con rồng bướng này còn là tính cách của người Sơn Tây, xứ sở đá ong và mây trắng.

Hàng nghìn năm qua, con rồng bướng Sài Sơn này bị trời đày mà không khuất phục. Thế mà nay nó đã bị chinh phục bởi con người. Như người khổng lồ lạc vào nước chim chích, nó bị những người tí hon kia bắn hạ bằng hàng vạn mũi tên kim. Con rồng bướng bị khuất phục bởi nó mất dần mạch sống. Quá trình làm rồng mắc cạn này bắt đầu từ việc dựng cạnh đó một nhà máy xi măng. Sau niềm tự hào vì có công nghiệp địa phương, người địa phương dần dần nhận ra tai hại của nó. Nhà máy ngày đêm nhả ra một đám mây bụi che kín cả một làng. Đến đây du khách không tài nào chịu nổi bầu bụi quyển thiếu dưỡng khí này. Ngồi một lúc là muốn đi ngay. Và sau khi đứng lên thế nào cũng để lại trên ghế hình một con át cơ to tướng. Bụi chui vào quần áo, đầu tóc, móng tay, kẽ mắt… Tinh thần chịu đựng của con người thật phi phàm. Nhưng cơ thể hình như không phải như vậy. Hay cứ nhìn những thôn dân xanh xao, thỉnh thoảng lại húng hắng ho thì biết…

Cơ thể con người thì dẫu sao cũng luôn luôn có sự bù đắp, còn cơ thể thiên nhiên thì không. Thời Cao Bá Quát, cả vùng Quốc Oai có 17 quả núi lớn nhỏ chầu về ngọn chủ là núi Thầy. Vào đầu những năm 60 thế kỷ trước, phim Đi bước nữa dựa theo tiểu thuyết của Nguyễn Thế Phương được quay ở Sài Sơn còn có hình ảnh quả núi Mõm Vọ, thế mà sau đó ít lâu nó đã biến mất. Và bao núi khác đã trở thành mồi của con vật ngày đêm nhả khói. Thử hỏi núi xưa ngày nay còn lại mấy hòn? Có lẽ đã đến lúc đặt ra vấn đề to be or not to be của nhà máy xi măng để bảo vệ cảnh quan của vùng đất này?

Nhưng có lẽ nguy hơn cho cả vùng Quốc Oai - chùa Thầy là từ khi có con đường cao tốc Láng - Hòa Lạc. Con đường đi đến đâu là kéo theo hai bên sườn nó những nhà máy, những công ty trách nhiệm hữu hạn, những nhà nghỉ, nhà hàng đặc sản… Người nông dân và đặc biệt là chính quyền địa phương thì hồ hởi nhượng lại quyền sử dụng ruộng đất để lấy tiền, bởi đất có phải của mình đâu, đằng nào cũng của nhà nước cả! Thế là những ngôi nhà cao tầng, những ống khói lại mọc lên. Chỉ dăm năm nữa nếu đi từ Hà Nội về, người ta sẽ không còn được nhìn thấy Sài Sơn xa xanh như một con rồng xà xuống phía chân trời. Và đứng trên đỉnh núi Thầy, sẽ không còn hiểu được cái hay của câu thơ Quang Dũng:

Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn,

Về núi Sài Sơn ngắm lúa vàng,

Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc,

Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng.

Bởi cánh đồng lúa sẽ không còn, dòng sông Đáy đã cạn chảy, còn sáo diều thì sao át nổi tiếng nghiền đá ngày đêm? Và cùng với cao trào “hiện đại hóa” này, quanh chân núi Sài Sơn, dân làng cũng bắt đầu xây nhà cao tầng để làm nhà hàng, nhà nghỉ. Nghe đâu phía bên kia núi, gần chùa Một Mái, một công ty nọ mua mấy héc ta đất để làm khu vui chơi giải trí. Bằng những vành đai nhà cửa và nhà máy như vậy, Sài Sơn không còn khu chân núi thơ mộng, khu nền tạo sự hùng vĩ của núi. Nó sẽ biến thành một hòn non bộ. Con rồng bướng đã bị chinh phục!

Tôi không phải là người hoài cổ. Một kẻ cố chấp như ông cả Coóc ni cố giữ lấy cối xay gió khi đã có máy hơi nước. Tôi không phải không hiểu rằng ngừng nhà máy xi măng thì sẽ có nhiều công nhân bị thất nghiệp, hoặc đất Quốc Oai muốn giàu lên thì phải thoát dần nông nghiệp. Nhưng ở mảnh đất Quốc Oai - Sài Sơn hơn đâu hết tăng trưởng phải gắn với phát triển bền vững và giải quyết vấn đề tăng trưởng ở Quốc Oai phải đặt nó trong toàn cảnh tỉnh Hà Tây, thậm chí cả vùng Hà Nội nữa.

Quả thật, mỗi lần từ Hà Nội về quê, vượt qua đê sông Đáy, trước mắt tôi lại hiện ra một cảnh đẹp đến nao lòng. Cánh đồng đất màu phù sa trồng rau xanh. Xa xa là làng xóm yên lành. Bên phải là núi Sài Sơn, núi Phượng Cách, bên trái là núi Trầm, núi Đồng Lư, núi Hoàng Xá, còn trước mặt là núi Voi, núi Ba Vì. Đây là một vùng nông thôn điển hình của làng quê Bắc Bộ.

Sao ta không bảo tồn vùng này để làm khu du lịch văn hóa - dân tộc học? Bởi ở đây ngoài phong cảnh chùa - núi Thầy ra còn có nhiều làng cổ đẹp nổi tiếng như làng thuần nông Ngọc Than, Đa Phúc, làng nghề Chàng Sơn, Phùng Xá… Khu du lịch này sẽ nằm trong tổng thể của chương trình du lịch Hà Nội - Hà Tây với những Suối Hai, Ao Vua… được hiện đại hóa đang trở nên giống nhau, tẻ nhạt. Phá một ngọn núi sẽ mất đi vĩnh viễn. Chặt một cánh rừng tuy có thể trồng lại được nhưng hệ sinh thái cũ không còn. Đừng nên hy sinh cái muôn đời cho cái trước mắt.