Về Nhân Thân Hai Vị Quốc Sư Thời Lý Dương Không Lộ Và Nguyễn Minh Không

Trong truyền thuyết và cổ tích dân gian, hình tượng Dương Không Lộ (1016-1094) thường được hình dung là ông Khổng Lồ đúc chuông, lấy nón làm thuyền, lấy gậy tích trượng làm mái chèo, chở hết cả kho đồng xứ Bắc về nước Nam và hình tượng Nguyễn Minh Không (1066-1141) thường được hình dung là nhà sư có pháp thuật cao chữa cho vua Lý Thần Tông khỏi bệnh hóa hổ. Cả hai ông đều là quốc sư đời Lý nhưng theo lịch sử thì Dương Không Lộ là quốc sư đời vua Lý Thánh Tông (1054-1072) và Nguyễn Minh Không là quốc sư đời vua Lý Thần Tông (1128-1138). Vấn đề thân nhân của hai vị quốc sư tưởng đã được giải quyết thỏa đáng từ giữa thập niên 80 của thế kỷ XX, vậy mà đến giữa năm 2004 vẫn có vị giáo sư còn cho rằng thực ra hai vị quốc sư đó vẫn chỉ là một...

Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không tuy đều là quốc sư thời Lý, đều chữa bệnh cho 2 nhà vua, nhưng là 2 con người thật khác nhau, sống ở các đời vua khác nhau và công trạng cũng khác nhau. Dương Không Lộ là sư tổ chùa Thần Quang tức chùa Keo Thái Bình còn Nguyễn Minh Không là sư tổ chùa Quỳnh Lâm, Quảng Ninh. Hành trạng và tiểu sử nhân thân của 2 vị sư này đã được ít nhiều sử sách, thần phả, truyền thuyết, cổ tích khẳng định và sự nhầm lẫn cho 2 vị chỉ là 1 con người cho đến tận giữa năm 2004 này là một điều không nên có, khó chấp nhận.

Về Nhân Thân Hai Vị Quốc Sư Thời Lý Dương Không Lộ Và Nguyễn Minh Không

Chu Huy

Trong truyền thuyết và cổ tích dân gian, hình tượng Dương Không Lộ (1016-1094) thường được hình dung là ông Khổng Lồ đúc chuông, lấy nón làm thuyền, lấy gậy tích trượng làm mái chèo, chở hết cả kho đồng xứ Bắc về nước Nam và hình tượng Nguyễn Minh Không (1066-1141) thường được hình dung là nhà sư có pháp thuật cao chữa cho vua Lý Thần Tông khỏi bệnh hóa hổ. Cả hai ông đều là quốc sư đời Lý nhưng theo lịch sử thì Dương Không Lộ là quốc sư đời vua Lý Thánh Tông (1054-1072) và Nguyễn Minh Không là quốc sư đời vua Lý Thần Tông (1128-1138). Vấn đề thân nhân của hai vị quốc sư tưởng đã được giải quyết thỏa đáng từ giữa thập niên 80 của thế kỷ XX, vậy mà đến giữa năm 2004 vẫn có vị giáo sư còn cho rằng thực ra hai vị quốc sư đó vẫn chỉ là một.

Trong bài viết về Hiện tượng hội nhập văn hóa dưới thời Lý - Trần nhìn từ một trung tâm Phật giáo tiêu biểu Quỳnh Lâm in trên nguyệt san Giác ngộ số ra tháng 4-2004, GS Huệ Chi cho rằng:

"Người thứ nhất đến với chùa Quỳnh Lâm không được chính thức ghi trong sách vở của Nhà nước Đại Việt, nhưng lại được nhiều truyền thống dân gian lưu lại là 1 vị sư đời Lý: Không Lộ. Tương truyền ông là người có công khởi dựng chùa Quỳnh Lâm vào giai đoạn đầu. Ngay tấm bia lớn trước cổng chùa, tuy văn bản bị khắc lại đã rất lủng củng, vẫn còn những dòng chữ xác nhận công lao của con người này từng đúc nên pho tượng Di Lặc cao 6 trượng 6 thước tại chùa Quỳnh. Theo Thiền uyển tập anh thì Không Lộ là vị thiền sư thuộc thế hệ thứ 9 dòng thiền Vô Ngôn Thông. Nhưng theo hành trang của Không Lộ ngay cả 1 hệ thống tài liệu folklore tồn tại từ thời Lý - Trần đến nay thì ông lại là người có nhiều phép thuật". Tiếp đó GS lại viết: "Ở đây ông gắn bó như hình với bóng với 1 cái tên khác: Nguyễn Minh Không - người đã từng chữa cho vua Lý Thần Tông khỏi căn bệnh hiểm nghèo hóa hổ. Có thể thấy Nguyễn Minh Không folkfore hóa chính là con số cộng giữa 1 Không Lộ thiền tông và 1 Không Lộ mật tông mà có. Nhưng có phần chắc, điểm xuất phát đầu tiên của cái thần lực siêu việt của vị sư Minh không này chính là nguồn tín ngưỡng bản địa rất phong phú trong đời sống người Việt. Nó không tách khỏi 1 thứ bùa chú dân gian cũng như về mặt tư tưởng, nó thấm đậm triết lý dân gian của dân tộc Việt Nam".

Như vậy nếu theo đúng lôgíc của đoạn văn là Không Lộ, nhưng ở phần sau của đoạn văn lại là Nguyễn Minh Không "1 cái tên khác" của Không Lộ? Rõ ràng ở đây có sự nhập làm một 2 nhân vật được coi là có thật trong lịch sử (có quê quán, năm sinh, năm mất, có hành trạng được lịch sử ghi chép). Không rõ GS xuất phát từ những cơ sở suy luận khoa học nào mà lại nhập 2 vị quốc sư thời Lý sống ở 2 đời vua cách nhau vào 1 vị như thế, cho dù đó chỉ là hiện tượng folklore hóa.

Về sự nhầm lẫn này, PGS Bùi Duy Tân từng có lời giải đáp trong bài viết Không Lộ… sư tổ chùa Keo… cuộc đời, văn nghiệp công bố trên nội san Nghiên cứu Phật học số 5-1992, nay được tuyển vào công trình Khảo và luận một số thể loại tác gia, tác phẩm văn học trung đại Việt Nam, tập 2, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2001 của ông. PGS Bùi Duy Tân viết: "Do có sự nhầm lẫn chưa rõ từ bao giờ giữa Không Lộ và Minh Không, con người và huyền thoại… mà một số tập sách, bài báo xuất bản ở trung ương và địa phương trước đây (như sách Chùa Keo của Đỗ Văn Ninh, Trịnh Cao Tưởng, Ty Văn hóa Thái Bình xb 1974, Thơ văn Lý - Trần, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1977, Di tích lịch sử văn hóa Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1991) chưa có sự phân định rõ ràng tiểu sử và hành trạng của 2 thiền sư này, thậm chí còn cho "chuyện về quốc sư thời Lý có thể đúng sai khó bề khảo định" (Chùa Keo, sđd). Điều đáng nói hơn nữa là tác giả của những điều nghi ngờ ấy đều có đọc ít hoặc nhiều những thư tịch cổ hầu hết đã được phiên dịch, xuất bản như Thiền uyển tập anh, Lĩnh Nam chích quái, Đại Việt sử ký toàn thư, An Nam chí lược, Nam Ông mộng lục… trong đó 2 thiền sư khác nhau cả về tên họ, quê quán, năm mất… chỉ còn nhầm nhoè đôi chút. Thế mà còn quá thận trọng nên vẫn chưa cả quyết đây là 2 con người đích thực. Lạ nữa sau khi Phạm Đức Duật đã công bố Sự tích Không Lộ, Minh Không trên Nghiên cứu Hán Nôm, 1984 Về một tập sách Quốc sư bảo lục của Đặng Xuân Bảng, viết khoảng năm 1898, biện minh về 2 nhà sư này" mà Thiền uyển tập anh in năm 1990 vẫn cứ "Tạm lược bỏ chuyện Minh Không, không đưa vào bản dịch này". Sách Di tích lịch sử văn hóa Việt Nam xuất bản năm 1991 cũng chưa thật rạch ròi trong việc khảo cứu về các đền chùa liên quan đến 2 nhà sư. Vì vậy muốn có một thực lực về Dương Không Lộ để có thể giải toả những nghi vấn, ngộ nhận về sư tổ chùa Keo, tuy mất thì giờ nhưng không khó khăn gì lắm, chỉ cần dựa vào Thiền uyển tập anh, Lĩnh Nam chích quái, Đại Việt sử ký toàn thư, và Quốc sư bảo lục, nghiên cứu Đặng Xuân Bảng đã viết: Không Lộ họ Dương, Minh Không họ Nguyễn, họ không giống nhau. Không Lộ quán ở Hải Thanh, Minh Không ở Đàm Xá, quán chỉ cũng khác nhau. Không Lộ sinh năm Bính Thìn, niên hiệu Thuận Thiên thứ 7 (1016) đời Lý Thái Tổ, Minh Không sinh năm Bính Ngọ, niên hiệu Long Chương Thiên Tự thứ 1 (1066) đời Lý Thánh Tông. Không Lộ tịch năm Giáp Tuất, niên hiệu Hội Phong thứ 3 (1094) đời Lý Nhân Tông, Minh Không tịch năm Tân Dậu niên hiệu Đại Định thứ 2 (1141) đời Lý Anh Tông... Khi sinh cách nhau 48 năm, ngày sinh, ngày tịch cũng không giống nhau"

(Dẫn theo sách Khảo và luận của PGS Bùi Duy Tân, tr.170).

Việc chùa Quỳnh Lâm đại thiền tự do Không Lộ khởi dựng hay do Nguyễn Minh Không khởi dựng cũng là một vấn đề cần phải bàn thêm. Biên niên lịch sử các đời vua Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông chưa thấy nhắc đến sự hiện diện của trung tâm Phật giáo Quỳnh Lâm mặc dù nhà vua và thái hậu Ỷ Lan cho dựng khá nhiều ngôi chùa lớn. Thực ra thì trong tấm bia trước cửa chùa có dòng chữ: "Nguyên hữu Lý triều Đinh Lê Lý Trần lịch đại thập xích. Lý thị đệ tứ cung phi vương tạo thượng điện ngũ tầng cao thập xích. Trần triều trùng tu kiến tạo ký vãng cổ đế vương…" có thể dịch là: "Nguyên có từ thời nhà Lý, nhiều đời sư tổ các thời Đinh Lê Lý Trần Phật Không Lộ đức cao khởi tạo Di Lặc Phật cao 6 trượng 60 thước. Cung phi đời vua thứ tư nhà Lý xây toà thượng điện cao 5 tầng 70 thước. Triều đại nhà Trần tiếp tục trùng tu…". Nội dung của đoạn văn bia trên chỉ nói việc Không Lộ tạc tượng Di Lạc, không nói chuyện khởi dựng chùa Quỳnh Lâm. Cho nên việc đưa Không Lộ là người thứ nhất có công khởi dựng chùa Quỳnh e là điều chưa thật thỏa đáng. Rất có thể thời Không Lộ còn tại thế chưa hiện diện ngôi chùa Quỳnh ở huyện Đông Triều. Trong khi đó thì thần phả viết về Dương Không Lộ không hề nói đến việc nhà sư này dựng chùa Quỳnh Lâm hay đúc tượng chùa Quỳnh Lâm cả. Bản giới thiệu Di tích lịch sử văn hóa chùa Keo tỉnh Thái Bình do Bảo tàng tỉnh Thái Bình và Công ty phát hành sách Thái Bình xuất bản năm 2000 có viết: "Theo sử sách thiền sư họ Dương, húy là Minh Nghiêm, hiệu là Không Lộ, người làng Giao Thủy, phủ Hà Thanh nối đời làm nghề đánh cá. Mẹ người họ Nguyễn, người ở ấp Hán Lý, huyện Vĩnh Lại, phủ Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Thiền sư sinh ngày 14 tháng 9 năm Bính Thìn (1016) xuất thân làm nghề chài lưới, song đức Không Lộ là người có chí hướng mộ đạo thiền. Năm 29 tuổi đi tu tại chùa Hà Trạch cùng các sư Đạo Hanh, Giác Hải kết bạn chuyên tâm nghiên cứu đạo thiền. Năm 1060 ba ông đã sang Tây Trúc để tu luyện về đạo Phật. Năm 1061 thời vua Lý Thánh Tông, sư về nước, dựng chùa Nghiêm Quang, tiền thân của chùa Thần Quang ngày nay. Từ đó ông đi chu du khắp vùng rộng lớn của châu thổ Bắc Bộ, dựng chùa, truyền bá đạo Phật và được suy tôn là vị tổ thứ 9 của phái thiền Việt Nam. Ông có công chữa bệnh cho vua Lý Thánh Tông và được vua phong cho làm quốc sư triều Lý. Ngày 3 tháng 6 năm Nhâm Tuất (1094 - đời vua Lý Nhân Tông) đức Không Lộ hóa, hưởng thọ 79 tuổi. Đến năm 1167 đời vua Lý Anh Tông, nhà vua xuống chiếu đổi tên chùa Nghiêm Quang thành chùa Thần Quang". Bản giới thiệu Di tích lịch sử văn hóa chùa Địch Lộng do tác giả Lã Đăng Bật viết, Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình xuất bản 1997 thì lại viết rất kỹ về nhà sư Nguyễn Minh Không dựa theo thần phả lưu trữ tại chùa. Thần phả viết: "Nguyễn Minh Không sinh 15-10-1065 ở đời vua Lý Thánh Tông (1054-1072) tại xã Đàm Xá, phủ Tường Yên (nay là xã Gia Thắng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) tên tự là Chí Thành. Năm 11 tuổi, ngài xuất gia thọ giáo đạo Phật với Từ Đạo Hạnh (?-1117) người làng Yên Lãng (nay thuộc Hà Nội) là một bậc cao tăng nổi tiếng thời bấy giờ. Trở thành nhà tu hành, thiền sư Nguyễn Minh Không đã lập ra nhiều chùa và trụ trì ở nhiều chùa như chùa Quỳnh Lâm (xã Hạ Lôi, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) chùa Phả Lại (huyện Quế Dương, tỉnh Bắc Ninh). Ngài là một nhà tu hành lớn thời bấy giờ. Đại Việt sử ký toàn thư có ghi: "Quốc sư Minh Không rất linh ứng. Phàm khi có thủy hạn, tai họa gì cầu đảo đều linh nghiệm cả" (Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1973, tr.277). Sách Kiến trúc Phật giáo Việt Nam tập 1 của tác giả Nguyễn Bá Lăng, Viện Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn xuất bản 1972 cũng ghi "gần An Sinh, tại xã Hà Lôi có chùa Quỳnh Lâm. Chùa do thiền sư Nguyễn Minh Không triều Lý lập ra và ngoài có đúc 1 pho tượng Phật bằng đồng thật lớn để thờ trong chùa. Tượng này là một trong Thiên Nam tứ khí đã nói ở trên" (tr.119).

Như vậy là rõ, Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không tuy đều là quốc sư thời Lý, đều chữa bệnh cho 2 nhà vua, nhưng là 2 con người thật khác nhau, sống ở các đời vua khác nhau và công trạng cũng khác nhau. Dương Không Lộ là sư tổ chùa Thần Quang tức chùa Keo Thái Bình còn Nguyễn Minh Không là sư tổ chùa Quỳnh Lâm, Quảng Ninh. Hành trạng và tiểu sử nhân thân của 2 vị sư này đã được ít nhiều sử sách, thần phả, truyền thuyết, cổ tích khẳng định và sự nhầm lẫn cho 2 vị chỉ là 1 con người cho đến tận giữa năm 2004 này là một điều không nên có, khó chấp nhận.

Trích Văn Hóa Nghệ Thuật số 8-2006