Về Niên Đại Chùa Thổ Hà

chuathohangayhoi.jpgNằm ở tả ngạn sông Cầu, Thổ Hà (xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) nổi tiếng khắp thiên hạ từ xa xưa không chỉ nhờ bề dày năm, sáu trăm năm chế tác những sản phẩm gốm, phục vụ cho nhu cầu dân sinh, mà còn do làng đã lưu giữ một trong những di tích mang tầm cỡ quốc gia: đình Thổ Hà.

Ngôi đình nằm trong quần thể các công trình kiến trúc lớn đặt giữa làng, kề sát với sông Cầu. Theo thứ tự từ dưới sông lên là bến đò Tam Bảo (còn gọi là bến Chùa), tiếp đến là đình; sau đình là chùa và từ chỉ(1); cuối cùng là cổng làng, cũng là một trong những chiếc cổng đẹp nhất ở vùng hạ - trung lưu sông Cầu.

Bên cạnh ngôi đình được coi là mẫu mực của kiến trúc dân gian cách đây 3, 4 thế kỷ, chùa Thổ Hà chỉ chiếm một vị trí rất khiêm nhường. Nhưng lịch sử ngôi chùa, ngay từ khi khởi tạo đã có những mối liên quan, gắn bó chặt chẽ với “lý lịch” ngôi đình. Và niên đại của chùa, thoạt đầu tìm hiểu tưởng như đã rất rõ ràng, song không phải không có những vấn đề cần bàn thêm.

Về Niên Đại Chùa Thổ Hà

Trương Minh Hằng

Nằm ở tả ngạn sông Cầu, Thổ Hà (xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) nổi tiếng khắp thiên hạ từ xa xưa không chỉ nhờ bề dày năm, sáu trăm năm chế tác những sản phẩm gốm, phục vụ cho nhu cầu dân sinh, mà còn do làng đã lưu giữ một trong những di tích mang tầm cỡ quốc gia: đình Thổ Hà.

Ngôi đình nằm trong quần thể các công trình kiến trúc lớn đặt giữa làng, kề sát với sông Cầu. Theo thứ tự từ dưới sông lên là bến đò Tam Bảo (còn gọi là bến Chùa), tiếp đến là đình; sau đình là chùa và từ chỉ(1); cuối cùng là cổng làng, cũng là một trong những chiếc cổng đẹp nhất ở vùng hạ - trung lưu sông Cầu.

Bên cạnh ngôi đình được coi là mẫu mực của kiến trúc dân gian cách đây 3, 4 thế kỷ, chùa Thổ Hà chỉ chiếm một vị trí rất khiêm nhường. Nhưng lịch sử ngôi chùa, ngay từ khi khởi tạo đã có những mối liên quan, gắn bó chặt chẽ với “lý lịch” ngôi đình. Và niên đại của chùa, thoạt đầu tìm hiểu tưởng như đã rất rõ ràng, song không phải không có những vấn đề cần bàn thêm.

Là một trong số ít ngôi đình cổ có hiện trạng gần như nguyên vẹn với một niên đại tưởng như đã được “đóng đinh” bằng Hán tự trên các văn bia và một số cấu kiện kiến trúc (như câu đầu, cửa võng v.v...); ví dụ, tấm Thuỷ tạo đình miếu bi dựng năm Chính Hoà thứ 13 (1692) xác nhận: “Năm Ất Sửu (1685) hưng công làm đình lớn. Cột lớn, cột nhỏ và thượng lương đều do các quan viên trong làng công đức. Chỉ còn thu của mỗi người, chẳng kể gái trai, từ 5 đến 100 tuổi, đóng góp 4 quan sử tiền và 200 bát gạo. Mùa thu năm Bính Dần (1686) công việc hoàn tất. Năm Đinh Mão (1689) mở hội khánh thành. Đến năm Nhâm Thân (1692) thì làm cửa võng v.v...”; vì vậy đình Thổ Hà, ngay từ nửa đầu thế kỷ XX đã thu hút được sự quan tâm, chú ý của giới nghiên cứu.

Cách đây 27 năm, trong một bài viết đăng trên tạp chí Nghiên cứu nghệ thuật, hai tác giả Nguyễn Du Chi và Nguyễn Tiến Cảnh “sau khi đã xem xét kỹ lưỡng tại thực địa”, đã công bố những tư liệu mới nhất về niên đại của đình Thổ Hà.

Căn cứ vào lời các cụ truyền lại rằng “đình có trước chùa” và vị trí ngôi đình hiện nay đang “án ngữ” trước mặt chùa (điều đó có nghĩa là vì chùa được xây sau nên phải chấp nhận “thiệt thòi” như vậy - T.M.H); và đặc biệt là căn cứ vào một số thành phần kiến trúc, điêu khắc trang trí có niên đại sớm hơn niên đại được ghi khắc trên bia kí, sử liệu, các tác giả bài viết đã dựng lại những mốc chính về niên đại của đình Thổ Hà như sau:

- Khoảng nửa cuối thế kỷ XVI: khởi công dựng đình.

- Năm Đức Long thứ 5 (1633): dựng chùa.

- Năm Chính Hoà thứ 6 (1685): khởi đầu đại tu đình.

- Năm Chính Hoà thứ 7 (1686): cơ bản đại tu xong, tuy vẫn còn bộ cửa võng cũ.

- Năm Chính Hoà 13 (1692): đại tu tiếp cửa võng, sơn son thiếp vàng và dựng bia công đức.

Một số vật liệu và thành phần kiến trúc của đình cũ được sử dụng lại trong hai đợt đại tu này (tức là đợt 1, 1685: đại tu đình và đợt 2, 1692: đại tu cửa võng - T.M.H), đồng thời vị trí của đình mới cũng nằm ngay trên vị trí đình cũ, tức là vị trí của đình Thổ Hà ngày nay.

Sau khi đưa ra những bằng chứng khoa học rất có sức thuyết phục, các tác giả bài viết kết luận: “ Như vậy, niên đại hiện biết của đình Thổ Hà, 1686, chỉ là niên đại của một lần tu bổ lớn, hoàn toàn không phải là niên đại sớm nhất của đình. Mặc dù những thành phần kiến trúc và điêu khắc có tuổi sớm ở đình Thổ Hà hiện không nhiều lắm, song không vì thế mà ta không thể nâng niên đại sớm nhất của đình lên khoảng nửa cuối thế kỷ XVI, nghĩa là sớm hơn niên đại hiện biết chừng một thế kỷ”(2).

Về những chi tiết và kết luận liên quan tới niên đại của ngôi đình, chúng tôi không có ý kiến gì. Nhưng nếu viết rằng, năm Đức Long thứ 5 (1633) là niên đại sớm nhất của chùa Thổ Hà thì vẫn có điều cần phải bàn luận.

Vào thời điểm gần đây nhất, tháng 8 năm 2001 khi khảo sát mặt bằng chùa Thổ Hà, chúng tôi được cụ Nguyễn Đình Oánh (năm nay 78 tuổi) và một số cụ trong Ban quản lý di tích xã cho biết: “Chùa được xây dựng trước đình. Trước đây chùa Thổ Hà nằm ở sát đình (vị trí gần cổng tam quan hiện nay). Sau, khi làng cắm đất làm đình, do qui mô của ngôi đình rất lớn nên ngôi chùa (ở vào thời điểm “Nho thịnh, Phật suy”) phải “lùi” về vị trí hiện nay để nhường chỗ cho đình”.

Như vậy, cũng là những lời được truyền ngôn trong dân gian Thổ Hà, nhưng có hai ý kiến trái ngược nhau. Một ý kiến cho rằng đình được xây dựng trước chùa. Ý kiến này được Nguyễn Du Chi và  Nguyễn Tiến Cảnh ủng hộ và sử dụng trong bài viết của mình. (Thực ra, nếu không có thêm chi tiết này thì những tư liệu được dẫn giải trong bài viết đã đủ cơ sở khoa học để minh định niên đại sớm nhất của đình Thổ Hà - vào nửa cuối thế kỷ XVI). Ý kiến thứ hai cho rằng, chùa được xây dựng trước đình (?). Trước khi đưa ra ý kiến của mình, chúng tôi xin được khảo sát kết cấu mặt bằng chùa Thổ Hà.

Nằm theo hướng nam chếch tây như hướng đình, theo các văn bia hiện còn, chùa Thổ Hà có tên chữ là Đoan Minh Tự, được dựng vào năm Đức Long thứ 5 (1633); sau người ta dựng bức liễn tường vào năm Mậu Tý (1648); sửa gác chuông vào năm Kỉ Sửu (1649); dựng cầu 12 gian vào năm Canh Dần (1650); mua đá lát tường vào năm Tân Mão (1651); tu sửa chùa, đồng thời làm thêm tam quan và gác chuông vào năm Giáp Dần (1674) v.v...(3). Theo trí nhớ của các bậc tuổi tác trong làng, gác chuông của chùa cao hai tầng, nằm về phía bên phải. Vào những năm toàn quốc kháng chiến (1950, 1951), gác chuông này đã bị du kích phá dỡ rồi nộp chuông cho Uỷ ban quân giới đúc làm vũ khí. Hiện sân trước chùa chỉ còn một đôi lân bằng đá và một bia đá vuông khắc kín cả bốn mặt đông, tây, nam, bắc (Bia được dựng vào năm Kỉ Mùi, 1679). Đây là một di chứng xác nhận: “Toàn thể các quan viên hương lão, già trẻ, lớn nhỏ... năm Giáp Dần (1674) đã góp của, góp công, xây dựng gác chuông, tạo khánh đá và bưng trống lớn... Đến năm Ất Mão (1675) hoàn thành, mở hội ăn mừng”(4).

Cũng trong số văn bia còn lại của chùa, chúng tôi tìm thấy tấm Tam bảo thị độ bi lập vào năm Thịnh Đức thứ nhất (1653), tức là vào trước thời gian làng dựng tam quan và gác chuông. Trong bia ghi rõ: “Từ trước đến nay, chợ và bến đò vẫn thuộc về Tam Bảo..., từ nay về sau, nếu có người dựa vào thế nha môn mà thu tróc tiền chợ và bến đò thời xin Hoàng Thiên và Chư Phật xét soi...(5).

Theo suy luận của chúng tôi, xét về vị trí xây dựng, đình gần bến đò hơn. Nhưng những người dân nơi đây đã dành các khoản thu (phần trăm thuế và doanh lợi) từ chợ và bến đò cho chùa. Hơn nữa, bến đò này lại được gọi theo lối dân gian là bến chùa hoặc bến đò Tam Bảo. Như vậy, chi tiết này có thể coi là một gợi ý để chúng ta nghi vấn: phải chăng chùa đã xuất hiện trước khi có đình (?).

Được xây dựng đồng thời với gác chuông, tam quan chùa có kết cấu 2 tầng 8 mái. Lòng cổng tới trên 30m. Chính vì vậy, trong những năm chiến tranh, tam quan đã bị xây bít lại một số cửa để làm lớp học. Hiện nó đã bị xuống cấp nghiêm trọng: mái sụt, tường long lở. Điều dở nhất là vị trí tam quan gần như áp mặt vào lưng đình (chính xác hơn là áp mặt vào gian hậu cung, cách hậu cung khoảng 4 - 5m). Dựa vào chi tiết này, các tác giả bài Về niên đại của đình Thổ Hà (bđd, tr 195) luận giải:

Nếu đình vừa giữ một chức năng tôn giáo (nơi thờ thành hoàng làng), vừa giữ một chức năng chính trị - xã hội (nơi hội họp của kỳ mục), thì chùa lại là một trụ sở hành đạo thuần tuý, một nơi tôn nghiêm. Chẳng những thế, nhân dân ta vốn có một tập quán tốt đẹp: “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”. Thực khó mà tưởng tượng được rằng chùa Thổ Hà đã ra đời trước đình Thổ Hà, và khi chọn đất xây đình, người ta không ngần ngại đặt đình ngay trước mặt chùa và áp sát lưng vào tam quan chùa. Chỉ còn mỗi một cách minh giải hợp lý: một thời gian sau khi đình được kiến tạo xong, người ta mới tổ chức dựng chùa; Và, vì không còn chỗ đất nào khác rộng rãi hơn, thuận tiện hơn, với hướng đất và vị trí phong thuỷ tốt đẹp hơn, nên người ta đành phải dựng chùa áp mặt vào lưng đình. Điều này hoàn toàn phù hợp với sự xác nhận của “truyền thuyết” địa phương.

Song, cũng chính chi tiết này, người ta có thể sử dụng để bổ sung và củng cố thêm ý kiến cho rằng, “chùa được xây dựng trước đình”. Bởi, nếu “nhân dân ta vốn có một tập quán tốt đẹp: “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng” thì không ai xây một cái cổng chùa áp sát vào lưng đình trong khi phía sau nó còn  rất nhiều diện tích (sân trước chùa rộng gần 1500m2). Quan sát mặt bằng hiện tại chùa Thổ Hà, ai cũng dễ dàng nhận thấy, chỉ cần lùi tam quan xuống khoảng giữa sân chùa (hoặc 1/3 chiều dài của sân) thì mọi khoảng cách (từ toà tiền đường đến tam quan, từ tam quan đến đình) đều rất thuận mắt. Hơn nữa khi đặt ra vấn đề xác định niên đại đình Thổ Hà, các tác giả bài viết chỉ quan tâm đến niên đại của toà đại đình (đại bái) mà bỏ qua các kiến trúc khác nằm trong quần thể kết cấu đình, đó là toà tiền tế và hậu cung. Cả hai toà nhà này nằm về phía trước và sau toà đại bái, đều có niên đại vào thế kỷ XVIII và XIX, tức muộn hơn niên đại của đại đình rất nhiều(6).

Như vậy, vấn đề cần rõ ràng và cụ thể hơn ở đây không phải là chùa và đình cái nào có trước, mà là tam quan chùa và hậu cung đình, cái nào có trước. Và, nếu như tam quan chùa, với niên đại tuyệt đối là năm Giáp Dần, 1674 (như trên đã dẫn) được xây dựng sau toà đại đình thì không có nghĩa là chùa được xây dựng sau đình.

Chùa Thổ Hà có kết cấu mặt bằng kiểu nội công, ngoại quốc. Qui mô và phong cách kiến trúc, điêu khắc trang trí cho thấy chùa đã được mở mang, tu bổ nhiều lần so với khởi thủy. Từ cổng tam quan bước vào, ngay trước toà tiền đường là một khoảng sân rộng gần 1500m2, còn nguyên dấu vết của con đường (chính đạo) lát gạch vuông chạy thẳng từ tam quan vào tận cửa chùa. Nền tiền đường cao 0,5 mét có 3 bậc thềm được bó bằng đá tảng xanh, trên đó ngự một đôi rồng đá uốn khúc cuồn cuộn, hướng về cổng chùa. Hiện chỉ còn một con bên trái nguyên vẹn, con bên phải đã bị nứt làm đôi và sứt mẻ một vài chi tiết. Điều đáng chú ý là trên thân rồng (con bên trái) được khắc những dòng chữ sau: Giáp Thân niên, các sĩ mại long thạch, chí Canh Thân niên, xuân tiết, cốc nhật, toàn xã các sĩ tu long thạch.

Thời điểm các năm Giáp Thân và Canh Thân được các cụ trong làng xác định là năm 1580, đời Mạc Mậu Hợp và năm 1610, đời Lê Kính Tông(7). Tuy nhiên, chúng tôi đã dựa vào Bảng đối chiếu âm dương lịch 2000 năm và niên biểu lịch sử(8) tra lại là, năm Giáp Thân: 1584, đời Mạc Mục Tông và năm Canh Thân: 1620, đời Lê Thần Tông (có lẽ các cụ đã tính nhầm thành 1580 và 1610). Xét theo lôgic tự nhiên, chùa phải được xây dựng trước, sau mới mua rồng đá. Như vậy, chùa Thổ Hà phải được dựng trước năm 1584.

Đôi rồng này có niên đại thuộc về thời Mạc, nhưng nó không mang phong cách chung của đa số rồng Mạc là sự kế thừa và kết hợp nhuần nhuyễn giữa rồng thời Trần và rồng thời Lê sơ. Đây là một trong những dạng ít gặp của rồng Mạc bởi nó “bước ra ngoài sự uyển chuyển truyền thống, ra ngoài tâm lý nông dân... và ít nhiều gắn với giai đoạn phát triển của kinh tế thương mại thế kỷ XVI”(9). Rồng đá chùa Thổ Hà có khối hình thon thả. Các mảng trang trí (râu, bờm và hình mây lửa) thưa thoáng, tinh tế. Đặc biệt phần thân được làm theo lối nhiều đoạn vuông góc khúc triết. Có thể so sánh đôi rồng này với hình đôi rồng được chạm trên một mảnh gốm thuộc thành phần của một mô hình tháp thờ Phật bằng men trắng hoa lam, hiện vật ở xã Toàn Thắng, Tiên Lãng, Hải Phòng, thế kỷ XVI, để thấy rằng chúng có chung một phong cách (xem ảnh tư liệu số 59, sách Mỹ thuật thời Mạc)(10). Có thể nói đây là một trong những hiện vật hiếm hoi còn lại, giúp các nhà nghiên cứu mỹ thuật có thêm tư liệu nhận diện điêu khắc thời kỳ này.

Tiền đường Thổ Hà rộng 7 gian, 5 gian chính, 2 gian phụ với 8 hàng cột lớn. Ba gian giữa nối với nhà tam bảo chạy sâu hút vào phía trong tạo thành mặt bằng hình chuôi vồ. Còn 2 gian phụ nối với 2 nhà cầu (hành lang) được dựng vào năm Canh Dần, 1650 (theo tư liệu bia) mỗi nhà dài 6 gian để tới toà trung đường cũng dài 7 gian là nơi đặt động Phật. Từ toà trung đường, bước qua một khoảng sân hẹp, hai bên sân là hai dãy nhà khách, nhà kho và khu phụ, tới toà hậu điện. Toà này rộng 5 gian (chưa kể 1 gian thờ Mẫu ở bên trái, chắc mới được xây thêm vào giai đoạn gần đây), cũng có kết cấu mặt bằng hình chuôi vồ với phần nhô ra ở phía sau là một Phật điện (gọi là tam bảo nhỏ). Ở phía bên phải, sát Phật điện được dành làm nơi thờ tổ. Chùa Thổ Hà không có vườn. Toà hậu điện là kiến trúc cuối cùng có chức năng khép lại quần thể di tích này.

Xét về kết cấu kiến trúc và điêu khắc trang trí, chùa Đoan Minh không có gì thật nổi trội, ngoại trừ lối qui hoạch mặt bằng tổng thể rất khang trang, bề thế. Có khoảng 40 pho tượng thờ hầu hết là tượng nhỏ (trừ pho A di đà ở tam bảo) nhưng gọt đẽo công phu. Phần lớn những bát hương đặt trên ban thờ đều là loại gốm sành nâu là sản phẩm truyền thống của làng.

Tìm hiểu kiến trúc, điêu khắc chùa Thổ Hà, không thể không nói tới quần thể tượng tròn nằm trong khu động Phật. Đây là một công trình điêu khắc khá độc đáo, diễn tả quá trình nảy sinh, hình thành ý tưởng Phật giáo và thời kỳ tu luyện của Thích Ca Mâu Ni. Hầu hết tượng tròn trong động Phật đều được làm từ đất nung phủ sơn, có kích thước từ 15 đến 40cm (có khoảng gần 100 pho), được gia công một cách cầu kỳ, dung dị. Cách bố cục và dùng màu cũng rất lạ. Từ xa trông lại, động Phật giống như một bức tranh thờ khổng lồ của các dân tộc miền núi phía Bắc.

Đến đây, sau khi khảo sát mặt bằng chùa Thổ Hà và đưa ra bằng chứng xác định lại niên đại của chùa, chúng tôi đã có đủ cơ sở để khẳng định: cũng giống như niên đại 1686 của đình Thổ Hà, niên đại 1633, được ghi khắc trong Đoan Minh tự bi chỉ là niên đại của một lần tu bổ lớn, không phải là niên đại sớm nhất của chùa. Và như vậy, có thể xác lập lịch trình kiến thiết cụm di tích đình chùa Thổ Hà như sau: Chùa và đình đều được khởi dựng vào nửa cuối thế kỷ XVI. Lúc này, chùa có thể mới chỉ có toà tiền đường và thượng điện, cũng như đình mới chỉ có toà đại bái. So với đình, chùa có một niên đại xác thực hơn: trước năm 1584 (tức là trước thời điểm “các sĩ mua rồng đá”). Sang nửa đầu thế kỷ XVII, năm 1633, khởi công đại tu chùa. Và trong vòng 40 năm tiếp theo, người ta lần lượt dựng bức liễn tường, dựng cầu 12 gian, mua đá lát tường v.v...(đã dẫn ở trên). Năm 1674, người ta dựng thêm tam quan và gác chuông. Khi dựng tam quan, vì chưa có gian hậu cung nên khoảng cách giữa cổng tam quan và toà đại đình còn khá xa (một cự li có thể chấp nhận được). Sang thế kỷ XVIII, XIX, đình và chùa Thổ Hà tiếp tục được tu bổ và hoàn thiện. Và khi dựng thêm hậu cung, người Thổ Hà đã bị rơi vào tình thế “cực chẳng đã” nên tam quan chùa mới bị “án ngữ” một cách bất công như vậy. Hiện nay, dân vào chùa không theo lối đi qua tam quan nữa nên nó gần như bị rơi vào quên lãng.

Nằm trong cụm di tích văn hoá lớn nhất làng, bên cạnh con đường rước kiệu chạy thẳng từ cổng làng ra bến đò (chùa Đoan Minh chỉ cách cổng làng khoảng 50m về phía bắc), và cũng khác với đa số các ngôi chùa Việt thường được xây dựng ở nơi vắng vẻ, u tịch; vị trí chùa Đoan Minh cho thấy, trong quan niệm và tư duy dân gian nơi đây, đạo Phật không những chỉ là con đường thoát tục mà còn là sự dấn thân và hoà nhập trong cuộc sống cộng đồng ./.

Chú thích:

1. Từ chỉ này đã được dời sang vị trí khác từ năm 1855.

2, 3. Nguyễn Du Chi, Nguyễn Tiến Cảnh, Về niên đại của đình Thổ Hà, T/c Nghiên cứu nghệ thuật, 1976, số 3, tr.76-89, 123. Bài này được đăng lại trong sách Nghiên cứu Mỹ thuật, Viện Mỹ thuật xuất bản, H, 1992, tr.175 - 196. Các tư liệu sử dụng trong bài lấy từ sách Nghiên cứu Mỹ thuật.

4, 5, 7. Hồ sơ di tích đình đền chùa Thổ Hà, Ban quản lý di tích xã Vân Hà biên dịch và lưu trữ.

6. Xem thêm Chu Quang Trứ, Đình Thổ Hà, T/c Kiến trúc, 1996, số 2, tr.44 - 46.

8. Nguyễn Trọng Bỉnh, Nguyễn Linh, Bùi Viết Nghị, Nxb Khoa học xã hội, 1976.

9, 10. Nguyễn Tiến Cảnh, Nguyễn Du Chi, Trần Lâm, Nguyễn Bá Vân,  Mỹ thuật thời Mạc, Viện Mỹ thuật, 1993, tr.85, 182.