KIẾN NGHỊ CỦA CÁC TRƯỜNG TRUNG CẤP PHẬT HỌC PHÍA NAM

Trong nỗ lực tìm hiểu nhằm chấn chỉnh, định hướng các hoạt động của hệ thống giáo dục cả nước, vừa qua phái đoàn Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương (GDTN T.Ư) do HT.Thích Giác Toàn, Phó ban Thường trực làm trưởng đoàn cùng GS.Trần Tuấn Mẫn và ĐĐ.Thích Phước Đạt - Chánh, Phó Thư ký Ban GDTN T.Ư, đã về thăm, làm việc tại các Trường Trung cấp Phật học (TCPH) Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Nai.

Tại Trường TCPH Long An - điểm đến đầu tiên - đoàn đã được chư tôn đức lãnh đạo BTS Tỉnh hội và BGH nhà trường thân mật tiếp đón và thông báo một số tình hình về sinh hoạt học tập tại 2 cơ sở: chùa Thiên Khánh (Tăng) và chùa Thiên Phước (Ni).

Theo đó, từ ngày thành lập (1992) đến nay, đã có 491 Tăng Ni sinh (TNS) tốt nghiệp qua 4 khóa TCPH và 437 TNS tốt nghiệp SCPH.

Thế nhưng, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, chư tôn đức cũng bày tỏ ưu tư về những bất cập trong hoạt động giáo dục như: thiếu nhân sự phụ trách bộ môn, thiếu giáo án chung và đặc biệt không đồng bộ về quan điểm giáo dục lâu dài, cụ thể qua công tác tuyển sinh khóa VII Học viện PGVN tại TP.HCM vừa qua.

Lãnh đạo PG và ngành GDTN địa phương mong muốn Giáo hội có kế hoạch tổ chức hoàn thiện theo hướng xây dựng sinh hoạt nội trú theo từng cụm hoặc khu vực ở tầm vóc quy mô, đảm bảo nhân sự điều hành và chuyên môn đáp ứng yêu cầu học tập và tăng trưởng đạo lực của TNS.

Cuối buổi làm việc, đoàn công tác đã ghi nhận một số yêu cầu chính như sau: 1. Duy trì các khóa sơ, trung cấp đang đào tạo cho đến khi mãn khóa. 2. Liên kết với các tỉnh lân cận như Tiền Giang, Bến Tre mở trường sơ, trung cấp và cao đẳng cấp khu vực, đồng thời hoàn thiện cơ sở vật chất và nội dung đào tạo cho mỗi cấp học. 3. Phối hợp với các ngành chức năng tổ chức hội thảo chuyên đề, mở khóa đào tạo ngắn ngày, bồi dưỡng chuyên môn cho các Tăng Ni đã tốt nghiệp trung cấp và cao đẳng nhằm nâng cao nghiệp vụ đảm bảo đạt hiệu quả trong hoạt động cơ sở.

Tại Trường TCPH Tiền Giang, theo báo cáo của BGH nhà trường, đã có 237 TNS tốt nghiệp, hiện đang đào tạo khóa IV (2006-2010) với 120 TNS học năm thứ hai. Cùng thời gian này, có 131 TNS tốt nghiệp 2 khóa SCPH.

Tại buổi làm việc, xuất phát từ thực tế địa phương, BGH kiến nghị một số điểm nhằm thúc đẩy sự ổn định, phát triển của ngành GDTN từ T.Ư đến các tỉnh thành: 1. Thống nhất việc ấn định cụ thể tiêu chuẩn thành lập trường và thành phần nhân sự BGH, giáo thọ, giảng viên cho từng cấp học. 2. Các trường Phật học nên theo chế độ nội trú và sinh hoạt như một tu viện PG. 3. Ban GDTN T.Ư nên thành lập bộ phận kiểm tra theo dõi việc giảng dạy và học tập cũng như đời sống phạm hạnh của TNS. 4. Tiến tới hình thành trường khu vực theo mô hình xanh, sạch, đẹp, mang ý nghĩa thiền vị để việc tổ chức, quản lý và nội dung giảng dạy đồng bộ, đạt chất lượng cao. 5. Ban GDTN T.Ư nên trực tiếp tổ chức các kỳ thi tốt nghiệp TCPH tại các trường khu vực để có cơ sở thẩm định trình độ tốt nghiệp đồng đều giữa các trường.

Tại Trường TCPH Vĩnh Long, HT Hiệu trưởng đã giới thiệu khái quát hoạt động của nhà trường qua 4 khóa đào tạo với 241 TNS tốt nghiệp theo hướng chú trọng tăng trưởng song hành giữa học và tu. Chư tôn đức cũng bày tỏ nguyện vọng trong nhiệm kỳ tới, BTS PG tỉnh sẽ tiến hành xin phép thành lập một trung tâm văn hóa-giáo dục PG có tầm vóc quy mô tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, xây dựng một trường cao đẳng Phật học theo chế độ nội trú với nội dung đào tạo chất lượng tu học tốt nhất.

Sau 17 năm hình thành, Trường TCPH Đại Tòng Lâm (BR-VT) đã đào tạo được 5 khóa với 811 TNS tốt nghiệp, trong đó kể từ năm 1995, nhà trường mở thêm 3 khóa CĐPH với 499 TNS theo học và đã tốt nghiệp. Đặc biệt TNS theo học tại trường được hưởng chế độ nội trú với các điều kiện ăn ở, tài liệu học tập được chu cấp đầy đủ, tạo thuận lợi cho TNS an tâm trong tu học.

Đã có một số TNS du học nước ngoài tốt nghiệp tiến sĩ, thạc sĩ trở về tham gia công tác lãnh đạo và giảng dạy tại trường. BGH nhà trường, dựa vào tình hình thực tế, đã đề nghị Giáo hội và Ban GDTN T.Ư can thiệp cho phép trường tiếp nhận TNS các trú xứ tạm trú theo học dài hạn; hạn chế tình trạng TNS trẻ các tỉnh tự ý đổ dồn về TP.HCM, tạo lỗ hổng lớn trong quản lý, đào tạo lớp kế thừa ở địa phương.

Đó là chưa kể đến các hiện tượng thuê mướn nhà ở đi học, đánh mất phẩm hạnh người tu, làm sút giảm niềm tin vào sự hộ trì Chánh pháp của Phật tử tín tâm, tác động tiêu cực vào sự nghiệp công đức khai phá, gầy dựng môn phong của lịch đại Tổ sư.

Đoàn công tác đã hoan nghênh các nỗ lực vượt bậc của hệ thống giáo dục PG tỉnh, lắng nghe và ghi nhận các kiến nghị phù hợp: 1. Đề nghị hoàn thành sớm bộ sách giáo khoa Phật học thống nhất cho các cấp học. 2. Hoàn tất thủ tục xin phép thành lập các trường CĐPH và mở rộng việc thu nhận các đối tượng có nhu cầu theo học nhằm tạo điều kiện cho TNS ở vùng sâu, vùng xa.

Trường TCPH Đồng Nai qua 4 khóa đào tạo đã có 623 TNS tốt nghiệp, khóa V đang có 117 TNS theo học và tất cả đều đạt trình độ văn hóa tốt nghiệp phổ thông trung học. Cũng như Trường TCPH Đại Tòng Lâm, TNS tại đây được hưởng chế độ nội trú, tạo điều kiện tốt nhất để trau giồi kiến thức Phật học, văn hóa xã hội và tu tập hành trì phạm hạnh.

Đặc biệt chư tôn đức Ban Quản chúng luôn gần gũi, gắn bó với mọi sinh hoạt của TNS trong học tập và các thời khóa tu tập. Được biết nhà trường cũng đang nỗ lực xây dựng thêm cơ sở nội trú cho phân hiệu Ni. Đóng góp vào việc phát triển sắp tới, BGH có 2 kiến nghị: 1. Hoàn thành sớm bộ sách giáo khoa cho các trường Phật học trên cả nước. 2. Việc tuyển sinh vào Học viện PGVN tại TP.HCM nhất thiết phải đạt điều kiện tốt nghiệp TCPH, có ý kiến của bổn sư và BTS PG tỉnh thành để việc quản lý giáo dục có hiệu quả.

Những ghi nhận từ thực tế hoạt động của các trường TCPH trong chuyến thăm và làm việc của đoàn Ban GDTN T.Ư đã phản ánh nhiều thành tựu và cũng lắm bất cập trong hệ thống giáo dục PG trên cả nước. Các văn bản và nhận định cũng như kiến nghị của các địa phương sẽ là tiền đề vững chắc cho việc hoàn thiện, góp phần thiết kế định hướng phát triển ngành GDTN trong nhiệm kỳ tới.

 

Thích Như Điển

(Giác Ngộ)