16. Kinh thiện sanh

16. KINH THIỆN SINH

[70a20] Tôi nghe như vầy.

Một thời Phật ở tại núi Kỳ-xà-quật, thành La-duyệt-kỳ[1] cùng với chúng đại Tỳ-kheo một nghìn hai trăm năm mươi người.

Bấy giờ, đã đến giờ, đức Thế Tôn khoác y cầm bát vào thành khất thực. Tại thành La-duyệt-kỳ lúc bấy giờ có con trai của trưởng giả tên là Thiện Sanh[2], vào buổi sáng sớm, ra khỏi thành, đi đến khu công viên[3] sau khi vừa tắm gội xong, cả mình còn ướt, hướng đến các phương, Đông, Tây, Nam, Bắc, trên, dưới, mà lạy khắp cả.

Đức Thế Tôn thấy Thiện Sinh, con trai nhà trưởng giả, sau khi đi đến khu công viên, vừa tắm xong, cả thân mình còn ướt sũng, bèn đến gần và hỏi:

“Vì sao, ngươi vào buổi sáng sớm ra khỏi thành, đi đến khu công viên, với cả người còn ướt đẫm, mà ngươi lại lạy các phương như thế?”

Thiện Sinh bạch Phật:

“Khi cha con sắp chết có dặn, “Nếu con [70b]muốn lạy, trước hết hãy lạy các phương Đông, Tây, Nam, Bắc, trên và dưới”. Con vâng lời cha dạy không dám chống trái, nên sau khi tắm gội xong, chấp tay hướng mặt về phương Đông mà lễ phương Đông trước, rồi tiếp theo lễ khắp các phương Tây, Nam, Bắc, trên, dưới.”

Phật bảo Thiện Sinh:

“Này con trai trưởng giả! Quả có cái tên các phương đó chứ không phải không. Nhưng trong pháp Hiền Thánh của ta chẳng phải lễ sáu phương như thế là cung kính đâu.”

Thiện Sinh thưa:

“Cúi xin đức Thế Tôn thương dạy cho con cách lễ sáu phương theo pháp Hiền Thánh.”

Phật bảo con trai trưởng giả:

“Hãy lắng nghe, hãy suy ngẫm kỹ! Ta sẽ nói cho ngươi nghe.”

Thiện Sinh đáp:

“Thưa vâng. Con rất muốn nghe.”

Phật bảo Thiện Sinh:

“Nếu trưởng giả hay con trưởng giả nào biết tránh bốn nghiệp kết[4] không làm ác theo bốn trường hợp và biết rõ sáu nghiệp hao tổn tài sản. Như thế, này Thiện Sinh, nếu trưởng giả hay con trai trưởng giả nào tránh được bốn việc ác là lễ kính sáu phương; thì đời này tốt đẹp và cả đời sau cũng được quả báo tốt đẹp; đời này có căn cơ và đời sau có căn cơ[5]; trong hiện tại được người trí ngợi khen, được quả bậc nhất[6], sau khi chết được sanh lên trời, cõi thiện.

(i) “Này Thiện Sinh, nên biết, hành bốn kết là: Sát sinh, trộm cắp, dâm dật, vọng ngữ.

(ii) “Thế nào là bốn trường hợp ác? Đó là: tham dục, sân hận, sợ hãi, ngu si.[7] Ai làm những việc ác theo bốn trường hợp đó sẽ bị hao tổn. Nói như vậy xong, Phật lại nói bài tụng:

Ai làm theo bốn pháp,

Tham, sân, sợ hãi, si,

Thì danh dự mất dần,

Như trăng về cuối tháng.

“Này Thiện Sinh, người nào không làm ác theo bốn trường hợp thì sự ích lợi ngày càng tăng thêm.”

Người nào không làm ác,

Do tham, hận, sợ, si,

Thì danh dự càng thêm,

Như trăng hướng về rằm.

(iii) “Này Thiện Sinh, sáu nghiệp tổn tài là: 1. đam mê rượu chè, 2. cờ bạc, 3. phóng đãng,[8] 4. đam mê kỹ nhạc, 5. kết bạn người ác và 6. biếng lười.

“Này Thiện Sinh, nếu trưởng giả hay con trai trưởng giả biết rõ bốn kết hành,[9] không làm ác theo bốn trường hợp, lại biết sáu nghiệp tổn tài, ấy là, này Thiện Sinh, tránh được bốn trường hợp, [70c] cúng dường sáu phương, thì đời này tốt đẹp, đời sau tốt đẹp; đời này căn cơ và đời sau căn cơ; trong hiện tại được người trí ngợi khen, được quả báo bậc nhất; sau khi chết được sanh lên trời, cõi thiện.

(1) “Lại nữa, này Thiện Sinh, nên biết, uống rượu có sáu điều lỗi: một, hao tài; hai, sanh bệnh; ba, đấu tranh; bốn, tiếng xấu đồn khắp; năm, bộc phát nóng giận; sáu, tuệ giảm dần.

“Này Thiện Sinh, nếu trưởng giả hay con trai trưởng giả ấy uống rượu không thôi thì nghiệp gia sản ngày mỗi tiêu tán.

(2) “Này Thiện Sinh, cờ bạc có sáu điều tai hại: một, tài sản ngày một hao hụt; hai, thắng thì gây thù oán; ba, bị kẻ trí chê; bốn, mọi người không kính nễ tin cậy; năm, bị xa lánh; và sáu, sanh tâm trộm cắp. Thiện Sinh, nếu trưởng giả hay con trai trưởng giả mê đánh bạc mãi thì gia sản ngày mỗi tiêu tán.

(3) “Này Thiện Sinh, phóng đãng có sáu lỗi: một, không tự phòng hộ mình; hai, không phòng hộ được tài sản và hàng hóa; ba, không phòng hộ được con cháu; bốn, thường hay bị sợ hãi; năm, bị những điều khốn khổ ràng buộc xác thân; sáu, ưa sinh điều dối trá. Đó là sáu điều lỗi. Nếu trưởng giả hay con trai trưởng giả phóng đãng mãi không thôi thì gia sản ngày mỗi tiêu tán.

(4) “Này Thiện Sinh, say mê kỹ nhạc có sáu lỗi: một, tỳm đến chỗ ca hát; hai, tỳm đến chỗ múa nhảy; ba, tỳm đến chỗ đàn địch;[10] bốn, ba-nội-tảo[11]; năm, đa-la-bàn[12]; sáu, thủ-ha-na.[13] Đó là sáu tai hại của kỹ nhạc. Nếu trưởng giả hoặc con trai trưởng giả say mê kỹ nhạc mãi không thôi thì gia sản ngày mỗi tiêu tán.

(5) “Này Thiện Sinh, giao du với bạn xấu có sáu lỗi: một, tỳm cách lừa dối; hai, ưa chỗ thầm kín; ba, dụ dỗ vợ người; bốn, mưu đồ chiếm đoạt tài sản của người; năm, xoay tài lợi về mình; sáu, ưa phanh phui lỗi người. Đó là sáu tai hại về bạn xấu. Nếu trưởng giả hay con trai trưởng giả làm bạn với kẻ ác mãi thì gia sản mỗi ngày mỗi tiêu tán.

(6) “Này Thiện Sinh, lười biếng có sáu lỗi: một, khi giàu sang không chịu làm việc; hai, khi nghèo không chịu siêng năng; ba, lúc lạnh không chịu siêng năng; bốn, lúc nóng không chịu siêng năng; năm, lúc sáng trời không chịu siêng năng; sáu, lúc tối trời không chịu siêng năng. Đó là sáu điều tai hại của sự lười biếng. Nếu trưởng giả hay con trưởng giả lười biếng mãi, thì gia sản mỗi ngày mỗi tiêu tán.”

Nói như vậy xong, Phật làm bài tụng:

Người mê say rượu chè,

Lại có bè bạn rượu,

[71a] Tài sản đã tích lũy,

Liền theo mình tiêu tan.

Uống rượu không tiết độ;

Thường ưa ca, múa, nhảy;

Ngày rong chơi nhà người:

Nhân thế tự đọa lạc.

Theo bạn ác không sửa;

Phỉ báng ra nhà người.

Tà kiến bị đời chê:;

Làm xấu bị người truất.

Cờ bạc, đắm ngoại sắc;

Chỉ bàn việc hơn thua.

Bạn ác, không đền trải:

Làm xấu bị người truất.

Bị rượu làm hoang mê;

Nghèo khó không tự liệu;

Tiêu xài chẳng tiếc của;

Phá nhà gây tai ương.

Đánh bạc, xúm uống rượu;

Lén lút vợ con người.

Tập quen nết bỉ ổi:

Như trăng về cuối tháng.

Gây ác phải chịu ác.

Chung làm cùng bạn ác;

Đời này và đời sau,

Rốt không đạt được gì.

Ngày thời ưa ngủ nghỉ,

Đêm thức những mơ tưởng,

Mê tố,i không bạn lành;

Chẳng gây nổi gia vụ.

Sáng chiều chẳng làm việc;

Lạnh, nóng lại biếng lười.

Làm việc không suy xét;

Trở lại uổng công toi.

Nếu không kể lạnh nóng,

Sáng chiều siêng công việc,

Sự nghiệp gì chẳng thành?

Suốt đời khỏi âu lo.

(iv) Phật bảo Thiện Sinh:

“Có bốn hạng kẻ thù mà như người thân, ngươi nên biết. Bốn kẻ ấy là những ai? Một, hạng uý phục; hai, hạng mỹ ngôn; ba, hạng kính thuận; bốn, hạng ác hữu[14].

(1) “Hạng úy phục thì thường hay làm bốn việc: một, cho trước đoạt lại sau; hai, cho ít mong trả nhiều; ba, vì sợ gượng làm thân; bốn, vì lợi gượng làm thân.

(2) “Hạng mỹ ngôn thì thường hay làm bốn việc: một, lành dữ đều chiều theo; hai, gặp hoạn nạn thì xa lánh; ba, ngăn cản những điều hay; bốn, thấy gặp nguy tỳm cách đun đẩy.

(3) “Hạng kính thuận thì thường làm bốn việc: một, việc trước dối trá; hai, việc sau dối trá; ba, việc hiện dối trá; bốn, thấy có một chút lỗi nhỏ [71b] đã vội trách phạt.

(4) “Hạng bạn ác thì thường làm bốn việc: một, bạn lúc uống rượu; hai, bạn lúc đánh bạc; ba, bạn lúc dâm dật; bốn bạn lúc ca vũ.”

Đức Thế Tôn nói như vậy rồi, bèn làm một bài tụng:

Úy phục, gượng làm thân;

Hạng mỹ ngôn cũng thế.

Kính thuận, thân nhưng dối.

Ác hữu là ác thân.

Bạn thế chớ tin cậy,

Người trí nên biết rõ.

Nên gấp rút lìa xa

Như tránh con đường hiểm.

(v) Phật lại bảo Thiện Sinh:

“Có bốn hạng người thân đáng thân vì thường đem lại lợi ích và che chở. Những gì là bốn? Một, ngăn làm việc quấy; hai, thương yêu; ba, giúp đỡ; bốn, đồng sự. Đó là bốn hạng người thân đáng thân cận.

(1) Này Thiện Sinh, hạng ngăn quấy thì thường làm bốn việc đem lại nhiều lợi ích và hay che chở: thấy người làm ác thì hay ngăn cản, chỉ bày điều chánh trực, có lòng thương tưởng, chỉ đường sinh Thiên. Đó là bốn trường hợp ngăn cản việc quấy đem lại nhiều lợi ích và hay che chở.

(2) Hạng thương yêu thì thường làm bốn việc: Mừng khi mình được lợi, lo khi mình gặp hại, ngợi khen đức tốt mình, thấy mình nói ác thì tỳm cách ngăn cản. Đó là bốn điều thương yêu đem lại nhiều lợi ích và hay che chở.

(3) Hạng giúp đỡ có bốn việc. Những gì là bốn? Đó là: che chở mình khỏi buông lung, che chở mình khỏi hao tài vì buông lung, che chở mình khỏi sợ hãi, khuyên bảo mình trong chỗ vắng người.

(4) Hạng đồng sự thì thường làm bốn việc: không tiếc thân mạng với bạn, không tiếc của cải với bạn, cứu giúp bạn khỏi sợ hãi, khuyên bảo bạn lúc ở chỗ vắng người.”

Nói như vậy xong, đức Thế Tôn lại nói bài tụng:

Bạn ngăn ngừa điều quấy,

Bạn từ mẫn thương yêu,

Bạn làm lợi ích bạn,

Bạn đồng sự với bạn.

[71c]Đó bốn hạng đáng thân,

Người trí đáng thân cận;

Thân hơn người thân khác,

Như mẹ hiền thân con.

Muốn thân người đáng thân;

Hãy thân bạn kiên cố.

Người bạn đủ giới hạnh,

Như lửa sáng soi người.

Phật lại bảo Thiện Sinh:

“Ngươi nên biết ý nghĩa sáu phương. Sáu phương là gì? Phương Đông là cha mẹ, phương Nam là sư trưởng, phương Tây là thê thiếp, phương Bắc là bạn bè thân thích,[15] phương trên là các bậc trưởng thượng, Sa-môn, Bà-la-môn, phương dưới là tôi tớ.

(i.a) “Này Thiện Sinh, kẻ làm con phải kính thuận cha mẹ với năm điều. Những gì là năm? 1. Cung phụng không để thiếu thốn. 2. Muốn làm gì thưa cha mẹ biết. 3. Không trái điều cha mẹ làm. 4. Không trái điều cha mẹ dạy. 5. Không cản chánh nghiệp mà cha mẹ làm.

(i.b.) “Kẻ làm cha mẹ phải lấy năm điều này chăm sóc con cái: 1. Ngăn con đừng để làm ác. 2. Chỉ bày những điều ngay lành. 3. Thương yêu đến tận xương tủy. 4. Chọn nơi hôn phối tốt đẹp. 5. Tùy thời cung cấp đồ cần dùng.

“Này Thiện Sinh, kẻ làm con kính thuận và cung phụng cha mẹ thế thì phương ấy được an ổn không có điều lo sợ.

(ii.a) “Đệ tử cung phụng sư trưởng có năm việc: 1. Hầu hạ cung cấp điều cần. 2. Kính lễ cúng dường. 3. Tôn trọng qúi mến. 4. Thầy có dạy bảo điều gì không trái nghịch. 5. Thầy có dạy bảo điều gì nhớ kỹ không quên. Kẻ làm đệ tử cần phải thờ kính sư trưởng với năm điều ấy.

(ii.b) “Thầy cũng có năm điều để săn sóc đệ tử: 1. Tùy thuận pháp mà huấn luyện. 2. Dạy những điều chưa biết. 3. Giải nghĩa rành rõ những điều trò hỏi. 4. Chỉ cho những bạn lành. 5. Dạy hết những điều mình biết không lẫn tiếc.

“Này Thiện Sinh, nếu đệ tử kính thuận, cung kính sư trưởng, thì phương ấy được an ổn không có điều lo sợ.

(iii.a) “Này Thiện Sinh, chồng cũng phải có năm điều đối với vợ: 1. Lấy lễ đối đãi nhau. 2. Oai nghiêm không nghiệt. 3. Tùy thời cung cấp y, thực. 4. Tùy thời cho trang sức. 5. Phó thác việc nhà.

(iii.b) “Này Thiện Sinh, chồng đối đãi vợ có năm điều, [72a]vợ cũng phải lấy năm việc cung kính đối với chồng[16]. Những gì là năm? 1. Dậy trước. 2. Ngồi sau. 3. Nói lời hòa nhã. 4. Kính nhường tùy thuận. 5. Đón trước ý chồng.

“Này Thiện Sinh, ấy là vợ đối với chồng cung kính đối đãi nhau, như thế thì phương ấy được an ổn không điều gì lo sợ.

(iv.a) “Này Thiện Sinh, người ta phải lấy năm điều thân kính đối với bà con: 1. Chu cấp. 2. Nói lời hiền hòa. 3. Giúp ích. 4. Đồng lợi[17]. 5. Không khi dối.

(iv.b) “Bà con cũng phải lấy năm điều đối lại: 1. Che chở cho mình khỏi buông lung. 2. Che chờ cho mình khòi hao tài vì buông lung. 3. Che chở khỏi sự sợ hải. 4. Khuyên răn nhau lúc ở chỗ vắng người. 5. Thường ngợi khen nhau.

Này Thiện Sinh! Người biết thân kính bà con như vậy thì phương ấy được yên ổn không điều chi lo sợ.

(v.a) “Này Thiện Sinh, chủ đối với tớ có năm điều để sai bảo: 1. Tùy khả năng mà sai sử. 2. Tùy thời cho ăn uống. 3. Phải thời thưởng công lao. 4. Thuốc thang khi bệnh. 5. Cho có thời giờ nghỉ ngơi.

(v.b) “Tôi tớ phải lấy năm điều phụng sự chủ: 1. Dậy sớm. 2. Làm việc chu đáo. 3. Không gian cắp. 4. Làm việc có lớp lang. 5. Bảo tồn danh giá chủ.

“Này Thiện Sinh, nếu chủ đối với tớ được như vậy thì phương ấy được an ổn không điều chi lo sợ.

(vi.a) “Kẻ đàn việt cung phụng hàng Sa-môn, Bà-la-môn với năm điều. 1. Thân hành từ. 2. Khẩu hành từ. 3. Ý hành từ. 4. Tùy thời cúng thí. 5. Không đóng cửa khước từ.

(vi.b) “Sa-môn, Bà-la-môn cũng khuyên dạy theo sáu điều: 1. Ngăn ngừa chớ để làm ác. 2. Chỉ dạy điều lành. 3. Khuyên dạy với thiện tâm. 4. Cho nghe những điều chưa nghe. 5. Những gì đã được nghe làm cho hiểu rõ. 6. Chỉ vẻ con đường sanh thiên.

“Này Thiện Sinh, nếu đàn việt kính phụng hàng Sa-môn, Bà-la-môn như thế thì phương ấy được an ổn không điều gì lo sợ.”

Đức Thế Tôn nói như vậy xong, lại làm một bài tụng:

Cha mẹ là phương Đông,

Sư trưởng là phương Nam,

Vợ chồng là phương Tây,

Thân tộc là phương Bắc,

[72b]Tôi tớ là phương dưới,

Sa-môn là phương trên.

Những người con trưởng giả

Kính lễ các phương ấy.

Thuận thảo không lỗi thời,

Khi chết được sanh thiên.

Huệ thí, nói hòa nhã,

Giúp người đạt mục đích.

Ta  ngườilợi  đồng đẳng,

Mình có người hưởn chung.

Bốn việc[18] ấy như xe,

Chở tất cả nặng nề.

Đời không bốn việc ấy,

Sẽ không có hiếu dưỡng.

Bốn việc ấy ở đời,

Được người trí chọn lựa.

Làm thời kết quả lớn,

Tiếng tốt đồn vang xa.

Trang sức chỗ nằm ngồi,

Dọn thức ăn bậc nhất,

Cung cấp sẽ đạt được

Tiếng tốt đồn vang xa.

Không bỏ người thân cũ;

Chỉ bày việc lợi ích;

Trên dưới thường hòa đồng,

Tất được danh dự tốt.

Trước hãy tập kỹ nghệ,

Sau mới có tài lợi.

Khi có tài lợi rồi:

Hãy khéo lo gìn giữ;[19]

Tiêu dùng không xa xí,

Hãy lựa chọn người trước;[20]

Gặp việc dối, đột ngột,

Hãy cầu chỗ chưa dùng [21].

Của dồn từ khi ít;

Như ong góp nhụy hoa.

Tài bảo ngày chứa dồn,

Trọn đời không hao tổn.

Một, ăn biết vừa đủ;

Hai, làm việc siêng năng;

Ba, lo dồn chứa trước,

Đề phòng khi thiếu hụt;

Bốn, cày ruộng buôn bán,

Và lựa đất chăn nuôi;

Năm, xây dựng tháp miếu;

Sáu, lập tăng phòng xá.

Tại gia sáu việc ấy,

Siêng lo chớ lỗi thời.

Ai làm được như thế

Thời nhà khỏi sa sút,

Tài sản ngày một thêm,

Như trăm sông về biển.

Bấy giờ Thiện Sinh bạch Phật:

“Lành thay, bạch Thế Tôn! Thật quá chỗ mong ước của con xưa nay, vượt xa những lời dạy của cha con. Như lật ngửa những gì bị úp xuống; như mở ra những gì bị đóng kín; như người mê được tỏ, đang ở trong nhà tối được gặp đèn, có mắt liền thấy. Những gì được Như Lai thuyết giảng [72c] cũng như thế; bằng vô số phương tiện khai ngộ cho kẻ ngu tối; làm rõ pháp thanh bạch. Phật là Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác, do đó có thể chỉ bày, hướng dẫn cho đời. Nay con xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Cúi xin đức Thế Tôn chấp thuận cho con được làm ưu-bà-tắc ở trong Chánh pháp. Kể từ hôm nay cho đến trọn đời, con nguyện không giết, không trộm, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu.”

Bấy giờ, Thiện Sinh sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành. [22]

 


佛說長阿含第二分[02]善生經第十二

[1] No. 16: Vương xá quốc Kê sơn 王舍國雞山. No 17: La-duyệt-kì, Xà-quật sơn 羅閱耆闍崛山. No. 26. 135: Vương xá thành, Nhiêu hà mô lâm 王舍城饒蝦蟆林. Pl.: Rajagaha, Veluvana. Kalandaka-       nivapa.

[2] Trưởng giả tử Thiện Sanh 長者子善生. No.16: Trưởng giả tử Thi-ca-la-việt 長者子尸迦羅越. No. 17: cư sĩ Thiện Sinh 居士善生 (tên người cha). No. 26. 135: Thiện Sinh cư sĩ tử 善生居士子. Pl.: Singalakam gahapatiputtam, con trai gia chủ tên là Singalaka.

[3] Hán: viên du quán 園 遊 觀.

[4] Tứ kết nghiệp 四結業. No. 17: tứ diện cấu ác chi hành 四面垢惡之行. No. 26. 135: tứ chủng nghiệp tứ chủng uế 四種業四種穢. Pl.: cattāro kammakilesā: bốn sự ô nhiễm của nghiệp, hay bốn nghiệp phiền não hay bốn phiền não của nghiệp.

[5] Pl.: ubholokavijayāya… tassa ayañceva loko āraddho hoti paroca loko: thắng lợi cả hai đời, người ấy thu hoạch lợi ích trong đời này và đời sau.

[6] Hoạch thế nhất quả 獲 世 一 果. TNM: 三十一 果 Tam thập nhất quả (?).

[7] Pl.: chandāgatiṃ, dosāgatiṃ, mohāgatiṃ, bhayāgatiṃ gacchanto pāpakammaṃ karoti, hành ác nghiệp do tham, do sân, do si, do sợ hãi.

[8] Pl.: vikālavisikhācariyānuyogo: rong chơi đường phố phi thời. No 26. 135: phi thời hành cầu tài vật 非時行求財物.

[9] Kết hành 結行; trên kia dịch là kết nghiệp.

[10] Hán: ca 歌, Pl.: gīta; vũ 舞, Pl.: nacca; cầm săt  琴瑟, Pl.: vādita.

[11] Ba-nội-tảo 波內早 , Pl.: pāṇissara: nhạc bàn tay, thủ linh? No 26(135): Hỷ lộng linh 喜弄鈴.

[12] Đa-la-bàn 多羅盤, Pl. ? No 26(135): Hỷ phách lưỡng thủ 喜拍兩手: Skt. talavant (không tỳm thấy Pali tương đương).

[13] Thủ-ha-na 首呵那 (Pl. sobhanaka: diễn tuồng thần tiên ? No 26(135): Hỷ đại tụ hội 喜大聚會).

[14] No. 16: ác tri thức có bốn: 1. trong lòng thù oán, ngoài gượng làm bạn; 2. trước mặt nói tốt sau lưng nói xấu; 3. gặp lúc người hoạn nạn trước mặt ra vẻ buồn nhưng sau lưng thích thú; 4. ngoài mặt như thân hậu trong lòng tính chuyện mưu oán.

[15].     Hán: thân đảng 親 黨. Đoạn dưới nói là thân tộc.

[16] No. 26. 135: Vợ kính thuận chồng theo 13 điều.

[17] Tức bốn nhiếp sự: bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự. Pl.: dāna, peyyavajja, atthacariya, samānatta.

[18] Đây chỉ bốn nhiếp sự (nhiếp pháp).

[19] Cf. No 17 và No 26(135): sau khi thu hoạch, chia tài sản ra làm bốn phần: tiêu dùng, làm vốn, cất giữ, phòng khi nguy cấp.

[20] Hán: đương soạn trạch tiền nhân當撰擇前人: không rõ nghĩa.

[21] Ninh khất vị cử dử 寧乞未舉與 ?

[22] Bản Hán, hết quyển 11.