1. Kinh đại bản

PHẦN I

1. KINH ĐẠI BẢN

[1b12] Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở động Hoa lâm[1] vườn cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ, cùng với chúng đại Tỳ-kheo một nghìn hai trăm năm mươi người.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo sau khi khất thực, tụ họp ở Hoa lâm đường[2], cùng nhau bàn luận rằng:

“Các Hiền giả Tỳ-kheo! Duy chỉ đấng Vô Thượng Tôn, rất là kỳ diệu, hy hữu, có thần thông thấu đến chỗ xa, có oai lực lớn lao, mới biết rõ quá khứ vô số đức Phật; các Ngài đã nhập Niết-bàn, dứt sạch các kết sử, tiêu diệt các hý luận. Và cũng biết rõ kiếp số các đức Phật ấy dài hay ngắn; cho đến danh hiệu, dòng họ thác sinh, sự ăn uống, thọ mệnh dài ngắn, cảm thọ lạc và cảm thọ khổ như thế nào[3]; lại biết rõ các đức Phật ấy có giới như vậy, có pháp như vậy, có tuệ như vậy, có giải thoát như vậy, trụ như vậy. Thế nào, này Chư Hiền, đó là do đức Như Lai thông rõ các pháp tính mà biết được, hay do Chư Thiên kể lại?”

Lúc bấy giờ Thế Tôn đang ở chỗ thanh vắng, bằng thiên nhĩ thanh tịnh, nghe rõ các Tỳ-kheo luận bàn như thế, bèn từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến Hoa lâm đường, ngồi vào chỗ ngồi dọn sẵn. Bấy giờ, Thế Tôn tuy đã biết nhưng vẫn hỏi:

“Này chư Tỳ-kheo! Các ngươi tụ tập nơi đây bàn luận chuyện gì?”

Các Tỳ-kheo bèn đem hết mọi việc bạch lại với Phật. Rồi thì, đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Lành thay, lành thay! Các ngươi đã với tâm chánh tín[4] xuất gia học đạo, nên làm hai việc: một là nói năng theo pháp Hiền Thánh, hai là im lặng theo pháp Hiền Thánh. Những điều các ngươi luận bàn phải nên như thế. Thần thông và oai lực của Như Lai vô cùng lớn lao; Ngài biết khắp mọi việc từ vô số kiếp quá khứ, như thế là do [1c] thông rõ các pháp tính, đồng thời cũng do Chư Thiên nói lại.”

Bấy giờ Phật nói bài tụng:

Tỳ-kheo họp pháp đường

Giảng luận pháp Hiền Thánh.

Như Lai từ am vắng

Nghe rõ bằng thiên nhĩ.

Mặt trời Phật rọi khắp,

Phân tích nghĩa pháp giới.

Cũng biết việc quá khứ,

Chư Phật[5] bát-niết-bàn,

Tên, dòng họ, chủng tộc.

Cũng biết thọ sanh phần.

Vị ấy ở nơi nào,

Ghi nhận bằng tịnh nhãn.

Chư thiên uy lực lớn,

Dung mạo rất đoan nghiêm,

Cũng đến bẩm báo Ta

Chư Phật bát-niết-bàn,

Chỗ sinh, tên, chủng tộc,

Âm thanh vi diệu tỏ[6].

Đấng Chí Tôn trong đời

Biết rõ Phật quá khứ.

Phật lại bảo các Tỳ-kheo:

“Này các Tỳ-kheo! Các ngươi có muốn Như Lai, bằng trí túc mạng biết nhơn duyên của chư Phật quá khứ, nói cho nghe chăng?”

Các Tỳ-kheo liền bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, nay chính là lúc. Chúng con muốn nghe. Lành thay, Thế Tôn! Lúc này thích hợp để giảng thuyết. Chúng con sẽ phụng hành.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Hãy lắng nghe, hãy suy gẫm kỹ! Ta sẽ phân biệt giải thuyết cho các ngươi nghe.”

Lúc bấy giờ, các Tỳ-kheo vâng lời, lắng nghe.

Phật nói:

“Này các Tỳ-kheo! Quá khứ cách đây chín mươi mốt kiếp có đức Phật hiệu là Tỳ-bà-thi[7], Như Lai, Chí Chân, xuất hiện ở thế gian.

“Lại nữa, Tỳ-kheo, trong quá khứ cách đây ba mươi mốt kiếp có đức Phật hiệu là Thi-khí[8], Như Lai, Chí Chân, xuất hiện ở thế gian.

“Lại nữa, Tỳ-kheo, cũng trong ba mươi mốt kiếp đó có đức Phật hiệu là Tỳ-xá-bà[9] Như Lai, Chí Chân, xuất hiện ở thế gian.

“Lại nữa, Tỳ-kheo, trong Hiền kiếp[10] này có Phật hiệu là Câu-lưu-tôn,[11] Câu-na-hàm,[12] Ca-diếp.[13] Ta nay cũng ở trong Hiền kiếp này mà thành Tối Chánh Giác.”

Bấy giờ, Phật nói bài tụng:

Qua chín mươi mốt kiếp

Có Phật Tỳ-bà-thi.

Ba mươi mốt kiếp kế

Có Phật hiệu Thi-khí.

Cũng ở trong kiếp này,

Xuất hiện Phật Tỳ-xá.

[2a] Nay trong Hiền kiếp này,

Vô số na-duy[14] tuổi,

Có bốn Đại Tiên Nhân,

Xuất hiện vì thương đời:

Câu-lưu-tôn, Na-hàm,

Ca-diếp, Thích-ca-văn.

“Các ngươi nên biết, thời đức Phật Tỳ-bà-thi, nhân loại sống đến tám vạn tuổi. Thời đức Phật Thi-khí, nhân loại sống đến bảy vạn tuổi. Thời đức Phật Tỳ-xá-bà, nhân loại sống đến sáu vạn tuổi. Thời đức Phật Câu-lưu-tôn, nhân loại sống đến bốn vạn tuổi. Thời đức Phật Câu-na-hàm, nhân loại sống đến ba vạn tuổi. Thời đức Phật Ca-diếp, nhân loại sống đến hai vạn tuổi. Và nay Ta ra đời, nhân loại sống đến một trăm tuổi, tăng thì ít mà giảm thì nhiều.”

Rồi Phật nói bài tụng:

Người thời Tỳ-bà-thi,

Thọ tám vạn bốn nghìn,

Người thời Phật Thi-khí

Thọ mạng bảy vạn tuổi.

Người thời Tỳ-xá-bà

Thọ mạng sáu vạn tuổi.

Người thời Câu-lâu-tôn

Thọ mạng bốn vạn tuổi.

Người thời Câu-na-hàm

Thọ mạng ba vạn tuổi.

Người thời Phật Ca-diếp

Thọ mạng hai vạn tuổi.

Người thời Ta hiện nay

Tuổi thọ không quá trăm.

“Đức Phật Tỳ-bà-thi sinh về dòng Sát-lị, họ Câu-lị-nhã[15]. Phật Thi-khí và Phật Tỳ-xá-bà, dòng họ cũng vậy. Phật Câu-lưu-tôn sinh trong dòng Bà-la-môn, họ Ca-diếp[16]. Phật Câu-na-hàm, Phật Ca-diếp, dòng họ cũng vậy. Còn nay Ta, Như Lai, Chí Chân thì sinh trong dòng Sát-lị, họ Cồ-đàm[17].”

Phật lại nói bài tụng:

Tỳ-bà-thi Như Lai,

Thi-khí, Tỳ-xá-bà;

Ba vị Đẳng Chánh Giác,

Sinh họ Câu-lị-nhã.

Ba đức Như Lai kia,

Sinh vào họ Ca-diếp.

Ta nay, bậc Vô thượng,

Dẫn dắt các chúng sanh.

Bậc nhất trong trời người,

Họ Cù-đàm dũng mãnh.

Ba đức Chánh giác đầu,

Sinh vào dòng Sát-lị.

Ba đức Như Lai sau

Thuộc dòng Bà-la-môn.

Ta nay đấng Tối Tôn,

Dòng Sát-lị dũng mãnh.

“Đức Phật Tỳ-bà-thi ngồi dưới cây ba-ba-la[18] chứng thành bậc Tối Chánh Giác. Phật Thi-khí ngồi dưới cây phân-đà-lị[19], thành bậc Tối Chánh Giác. Phật Tỳ-xá-bà [2b] ngồi dưới cây sa-la[20] thành bậc Tối Chánh Giác. Phật Câu-lâu-tôn ngồi dưới cây thi-lị-sa[21] thành bậc chánh giác. Phật Câu-na-hàm ngồi dưới cây ô-tạm-bà-la[22] thành bậc chánh giác. Phật Ca-diếp ngồi dưới cây ni-câu-luật[23] thành bậc chánh giác. Ta nay, Như Lai, Chí Chân, ngồi dưới cây bát-đa[24] thành bậc Chánh giác.”

Rồi Phật nói bài tụng:

Tỳ-bà-thi Như Lai

Đi đến cây ba-la*

Và ngay tại chỗ ấy

Đắc thành Tối Chánh Giác.

Thành đạo, dứt nguồn hữu.

Tỳ-xá-bà Như Lai

Ngồi dưới gốc sa-la[25]

Đ kiến.

Thần túc không trở ngại.

Câu-lâu-tôn Như Lai

Ngồi gốc thi-lị-sa

Vô nhiễm, vô sở trước.

Câu-na-hàm Mâu-ni[26]

Ngồi dưới gốc ô-tạm

Và ngay tại chỗ ấy

Diệt các tham, ưu não.

Đức Ca-diếp Như Lai

Ngồi dưới ni-câu-lâu,[27]

Và ngay tại chỗ ấy

Trừ diệt gốc rễ hữu.

Ta nay, Thích-ca Văn

Ngồi dưới cây bát-đa.

Đấng Như Lai, mười lực,

Đoạn diệt các kết sử,

Hàng phục đám ma oán,

Diễn ánh sáng giữa chúng.

Bảy Phật, sức tinh tấn,

Phóng quang, diệt tăm tối;

Mỗi vị ngồi gốc cây,

Ở đó thành Chánh giác.

“Đức Phật Tỳ-bà-thi có ba hội thuyết pháp. Hội đầu có mười sáu vạn tám ngàn đệ tử. Hội hai có mười vạn đệ tử. Hội ba có tám vạn đệ tử. Phật Thi-khí cũng có ba hội thuyết pháp: Hội đầu có mười vạn đệ tử. Hội hai có tám vạn đệ tử. Hội ba có bảy vạn đệ tử. Phật Tỳ-xá-bà có hai hội thuyết pháp. Hội đầu có bảy vạn đệ tử. Hội hai có sáu vạn đệ tử. Đức Câu-lưu-tôn Như Lai, một hội thuyết pháp, đệ tử bốn vạn người. Đức Câu-na-hàm Như Lai, một hội thuyết pháp, đệ tử ba vạn người. Đức Ca-diếp Như Lai, một hội thuyết pháp, đệ tử hai vạn [2c] người. Ta nay một hội thuyết pháp, đệ tử một nghìn hai trăm năm mươi người.”

Bấy giờ Phật nói bài tụng rằng:

Tỳ-bà-thi tên Quán,[28]

Trí tuệ không thể lường,

Thấy khắp[29], không sợ hãi,

Ba hội chúng đệ tử.

Thi-khí, sáng,[30] bất động,

Diệt trừ các kết sử,

Vô lượng đại oai đức,

Không thể trắc lượng được,

Ngài cũng có ba hội,

Tụ hội các đệ tử.

Tỳ-xá-bà đoạn kết,

Đấng Đại tiên tụ hội,

Tiếng tăm khắp các phương,

Pháp mầu được tán thán;

Chúng đệ tử hai hội,

Diễn rộng nghĩa thâm áo.

Câu-lưu-tôn một hội,

Thương xót, trị các khổ,

Đạo sư dạy chúng sanh,

Chúng đệ tử một hội.

Câu-na-hàm Như Lai,

Bậc Vô Thượng cũng vậy,

Thân sắc vàng ròng tía,[31]

Dung mạo thảy toàn hảo,

Chúng đệ tử một hội,

Rộng diễn pháp nhiệm mầu.

Ca-diếp, mỗi sợi lông[32],

Nhất tâm không loạn tưởng,

Không một lời rườm rà,[33]

Chúng đệ tử một hội.

Năng nhân Ý Tịch Diệt,[34]

Ta, Sa-môn họ Thích,

Chí Tôn, Trời trên Trời,

Có một hội đệ tử;

Hội ấy, Ta hiện nghĩa,

Quảng diễn giáo thanh tịnh.

Trong tâm thường hoan hỷ,

Lậu tận, không tái sinh,

Tỳ Bà, Thi-khí, ba;

Phật Tỳ-xá-bà, hai;

Bốn Phật mỗi vị một

Hội Tiên Nhân diễn thuyết.

“Đức Phật Tỳ-bà-thi có hai đệ tử là Khiên-trà và Đề-xá[35], là bậc nhất trong các đệ tử. Đức Phật Thi-khí có hai đệ tử là A-Tỳ-phù và Tam-bà-bà[36], là bậc nhất trong các đệ tử. Phật Tỳ-xá-bà có hai đệ tử là Phò-du và Uất-đa-ma[37], là bậc nhất trong các đệ tử. Phật Câu-lưu-tôn có hai đệ tử là Tát-ni và Tỳ-lâu[38], là bậc nhất trong các đệ tử. [3a] Đức Phật Câu-na-hàm có hai đệ tử là Thư-bàn-na và Uất-đa-lâu[39], là bậc nhất trong các đệ tử. Đức Phật Ca-diếp có hai đệ tử là Đề-xá và Bà-la-bà, [40] là bậc nhất trong các đệ tử. Còn nay Ta có hai đệ tử là Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên[41], là bậc nhất trong các đệ tử.”

Bấy giờ, Phật nói bài tụng:

Khiên-trà và Đề-xá:

Đệ tử Tỳ-bà-thi.

A-Tỳ-Phù, Tam-bà:

Đệ tử Phật Thi-khí.

Phò-du, Uất-đa-ma,

Bậc nhất hàng đệ tử;

Cả hai hàng ma oán:

Đệ tử Tỳ-xá-bà.

Tát-ni và Tỳ-lâu:

Đệ tử Câu-lâu-tôn.

Thư-bàn, Uất-đa-lâu:

Đệ tử Câu-na-hàm.

Đề-xá, Bà-la-bà:

Đệ tử Phật Ca-diếp.

Xá-lợi-phất, Mục-liên:

Bậc nhất đệ tử Ta.

“Đức Phật Tỳ-bà-thi có vị đệ tử thị giả[42] là Vô Ưu[43]. Phật Thi-khí có vị đệ tử chấp sự là Nhẫn Hành[44]. Phật Tỳ-xá-bà có vị đệ tử chấp sự là Tịch Diệt[45]. Phật Câu-lưu-tôn có vị đệ tử chấp sự là Thiện Giác[46]; Phật Câu-na-hàm có vị đệ tử chấp sự là An Hòa[47]; Phật Ca-diếp có vị đệ tử chấp sự là Thiện Hữu[48]; còn Ta có vị đệ tử chấp sự là A-nan[49].”

Vô Ưu và Nhẫn Hành,

Tịch Diệt và Thiện Giác,

An Hòa và Thiện Hữu

Thứ bảy là A-nan.

Ấy là thị giả Phật

Đầy đủ các nghĩa thú,

Ngày đêm không buông lung,

Lợi mình và lợi người.

Bảy Thánh đệ tử ấy

Hầu tả hữu bảy Phật

Hoan hỷ và cúng dường,

Tịch nhiên vào diệt độ[50].

“Đức Phật Tỳ-bà-thi có con tên Phương Ưng[51]. Phật Thi-khí có con tên Vô Lượng. Tỳ-xá-bà có con tên Diệu Giác. Câu-lâu-tôn có con tên Thượng Thắng. Câu-na-hàm có con tên [3b] Đạo Sư. Ca-diếp có con tên Tập Quân. Ta nay có con tên là La-hầu-la.”

Phật lại nói bài tụng:

Phương Ưng, và Vô Luợng,

Diệu Giác và Thượng Thắng,

Đạo Sư và Tập Quân,

Thứ bảy La-hầu-la.

Các con hào quý ấy

Nối dõi hạt giống Phật;

Yêu Pháp, ưa bố thí,

Trong Thánh Pháp, vô úy.

“Đức Phật Tỳ-bà-thi có cha tên Bàn-đầu[52], dòng vua Sát-lị; mẹ tên Bàn-đầu-bà-đề[53]. Quốc thành vua trị tên là Bàn-đầu-bà-đề[54].”

Phật bèn nói bài tụng:

Biến Nhãn[55], cha Bàn-đầu,

Mẹ Bàn-đầu-bà-đề.

Thành Bàn-đầu-bà-đề,

Phật thuyết pháp trong đó.

“Đức Phật Thi-khí có cha tên Minh Tướng,[56] dòng vua Sát-lị; mẹ tên Quang Diệu;[57] quốc thành vua cai trị tên là Quang tướng[58].”

Phật lại nói tụng:

Thi-khí, cha Minh Tướng,

Mẹ tên gọi Quang Diệu;

Ở trong thành Quang tướng,

Uy đức dẹp ngoại địch.

“Đức Phật Tỳ-xá-bà có cha tên Thiện Đăng,[59] dòng vua Sát-lị; mẹ tên Xưng Giới,[60] quốc thành vua cai trị tên Vô dụ[61].”

Phật nói tụng:

Cha Phật Tỳ-xá-bà,

Vua Sát-lị Thiện Đăng;

Mẹ tên gọi Xưng Giới;

Quốc thành tên Vô dụ.

“Đức Phật Câu-lưu-tôn có cha tên Tự Đắc[62], dòng Bà-la-môn; mẹ tên Thiện Chi.[63] Vua tên An Hòa[64] và quốc thành cũng theo đó mà có tên là An hòa.[65]

Bà-la-môn Tự Đắc,

Mẹ tên gọi Thiện Chi.

Vua tên là An Hòa,

Cai trị thành An hòa.

“Đức Phật Câu-na-hàm có cha tên Đại Đức,[66] dòng Bà-la-môn; mẹ tên Thiện Thắng.[67] Vua tên Thanh Tịnh[68] và quốc thành này cũng theo đó mà có tên là Thanh tịnh[69].”

Bà-la-môn Đại Đức,

Mẹ tên là Thiện Thắng;

Vua tên là Thanh Tịnh,

Ở trong thành Thanh tịnh.

“Đức Phật Ca-diếp có cha tên Phạm Đức,[70] dòng Bà-la-môn; mẹ tênb [3c] Tài Chủ.[71] Vua thời đó tên Cấp-Tỳ[72], trị vì quốc thành tên Ba-la-nại.[73]

Bà-la-môn Phạm Đức,

Mẹ tên là Tài Chủ;

Thời vua tên Cấp-Tỳ,

Trị thành Ba-la-nại.

“Còn Ta có thân phụ tên là Tịnh Phạn[74] dòng vua Sát-lị, mẹ tên Đại Thanh Tịnh Diệu[75]; trị sở thành của vua là Ca-tỳ-la-vệ.[76]

Cha: Sát-lị Tịnh Phạn,

Mẹ tên Đại Thanh Tịnh;

Đất rộng, dân sung túc;

Ta sinh ra ở đó.

“Đó là nhơn duyên, danh hiệu, chủng tộc và chỗ xuất sinh của chư Phật. Kẻ trí nào nghe đến nhơn duyên đó mà không vui mừng sinh tâm ưa muốn!”

Bấy giờ[77], Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Này các Tỳ-kheo! Nay Ta muốn, bằng túc mạng trí, sẽ nói về sự tích của chư Phật quá khứ. Các ngươi muốn nghe không?”

Các Tỳ-kheo trả lời:

“Nay thật thích hợp. Chúng con muốn nghe.”

Phật nói:

“Này các Tỳ-kheo, hãy nghe kỹ, hãy suy ngẫm kỹ! Ta sẽ phân biệt giải thuyết cho các ngươi.”

“Này các Tỳ-kheo, nên biết, pháp thường của chư Phật như vầy:

“Đức Bồ-tát Tỳ-bà-thi từ cõi trời Đâu-suất giáng thần vào thai mẹ, do hông phải mà vào, chánh niệm không tán loạn. Ngay lúc ấy cõi đất rung chuyển; ánh sáng rực rỡ soi khắp thế gian; những chỗ mặt trời mặt trăng không soi tới cũng đều mong nhờ chiếu sáng. Chúng sinh chốn u minh nhờ đó được trông thấy lẫn nhau và tự biết mình hiện đang sinh ở chỗ nào. Ánh quang minh đó lại soi đến cung điện Ma vương, Chư Thiên, Đế Thích, Phạm thiên, Sa-môn, Bà-la-môn và các chúng sanh khác; tất cả thảy đều được mong nhờ ánh sáng. Ánh sáng của Chư Thiên tự nhiên biến mất.”

Rồi Phật nói bài tụng:

Mây dày kín hư không,

Ánh chớp chiếu thiên hạ;

Tỳ-bà-thi giáng thai,

Ánh sáng chiếu cũng vậy.

Chỗ nhật nguyệt không tới,

Thảy đều được chiếu sáng,

Thai thanh tịnh, vô nhiễm:

Pháp chư Phật đều vậy.

“Này các Tỳ-kheo, nên biết, pháp thường của chư Phật như vậy. Bồ-tát Tỳ-bà-thi, lúc ở thai mẹ, [4a] chuyên niệm, không tán loạn; thường có bốn vị thiên thần tay cầm qua mâu, hộ vệ cho mẹ ngài, dẫu loài người hay loài phi nhân đều không thể xâm phạm. Đó là pháp thường.”

Rồi Phật nói bài tụng:

Bốn phương bốn thiên thần,

Có tiếng tăm, uy đức,

Thiên đế Thích sai khiến,

Khéo thủ hộ Bồ tát.

Tay thường cầm qua mâu,

Hộ vệ không chút rời.

Nhân, phi nhân không hại.

Ấy pháp thường chư Phật.

Được Chư Thiên hộ vệ,

Như thiên nữ hầu Trời;

Quyến thuộc đều hoan hỷ.

Ấy pháp thường chư Phật.

“Lại nữa, này các Tỳ-kheo, đây là pháp thường của chư Phật: Bồ-tát Tỳ-bà-thi từ trời Đâu-suất giáng thần vào thai mẹ, chuyên niệm, không tán loạn, khiến thân mẹ được an ổn, không có những điều lo lắng, trí tuệ càng tăng trưởng. Mẹ tự xem thai mình, thấy rõ thân Bồ-tát đủ các căn, tốt đẹp như chất vàng tía, không chút tỳ vết, khác nào kẻ có mắt sáng, xem vào đồ lưu ly trong sạch, thấy suốt cả trong ngoài không chút ngăn ngại. Này các Tỳ-kheo, đó là pháp thường của chư Phật.”

Bấy giờ Thế Tôn nói bài kệ:

Như ngọc lưu li sáng,

Ánh sáng như trời trăng;

Nhân Tôn trong thai mẹ,

Khiến mẹ không não hoạn.

Trí tuệ càng tăng thêm.

Thấy thai như vàng ròng;

Mẹ mang thai an lạc.

Ấy pháp thường chư Phật.

“Này các Tỳ-kheo, Bồ-tát Tỳ-bà-thi từ trời Đâu-suất giáng thần vào thai mẹ, chuyên niệm, không tán loạn, khiến tâm mẹ lúc nào cũng thanh tịnh, không có các dục tưởng, không bị lửa dục thiêu đốt. Ấy là pháp thường của chư Phật.”

Thế Tôn lại nói bài kệ:

Bồ-tát trụ thai mẹ,

Phước trời trên cõi trời,

Tâm mẹ Ngài thanh tịnh,

Không có các dục tưởng.

Dứt bỏ các dâm dục,

Không nhiễm, không gần gũi,

Không bị lửa dục thiêu,

Mẹ chư Phật thường tịnh.

“Này các Tỳ-kheo, pháp thường của chư Phật: Bồ-tát Tỳ-bà-thi từ trời Đâu-suất giáng thần vào thai mẹ, chuyên niệm, không tán loạn, khiến mẹ Ngài giữ trọn năm giới, [4b] phạm hạnh thanh tịnh, thuần tín và nhân từ, thành tựu mọi điều lành, an lạc không sợ hãi; và khi thân hoại mệnh chung, được sanh cõi trời Đao-lị. Ấy là pháp thường của chư Phật.”

 Bấy giờ Thế Tôn lại nói kệ:

Hoài thai đấng Chí Tôn,

Tinh tấn, Giới đầy đủ;

Mạng chung lại sinh thiên.

Duyên ấy, nói mẹ Phật.

“Này các Tỳ-kheo, pháp thường của chư Phật: Bồ-tát Tỳ-bà-thi, khi sanh, từ hông phải của mẹ mà ra, cõi đất rung động, ánh sáng chiếu khắp nơi. Khi mới vào thai, những chỗ tối tăm thảy đều được chiếu sáng. Ấy là pháp thường của chư Phật.”

Thái tử sinh, đất động,

Ánh sáng rọi khắp nơi,

Cõi này và cõi khác,

Trên dưới và các phương.

Phóng quang, cho mắt sáng,

Trọn đủ nơi thân trời,

Bằng tịnh tâm hoan hỷ,

Chuyển xưng tên Bồ-tát

“Này các Tỳ-kheo, pháp thường của chư Phật: Bồ-tát Tỳ-bà-thi, lúc sanh, do hông phải của mẹ mà ra, chuyên niệm, không tán loạn. Khi ấy mẹ Bồ-tát tay vin cành cây, không ngồi không nằm, có bốn thiên thần bưng nước hương đứng trước Mẹ mà thưa rằng: ‘Tâu Thiên mẫu, nay Ngài sanh thánh tử, chớ có lo lắng.’ Đó là pháp thường của chư Phật.”

Mẹ Phật không nằm, ngồi;

Trụ giới, tu phạm hạnh;

Không lười; sinh Chí Tôn,

Được trời người phụng thờ.

“Này các Tỳ-kheo, pháp thường chư Phật: Bồ-tát Tỳ-bà-thi lúc sanh, do hông phải của mẹ mà ra, chuyên niệm, không tán loạn, thân Ngài thanh tịnh không bị ô nhiễm bởi các thứ ô uế. Ví như kẻ có mắt sáng, liệng hạt minh châu sáng sạch lên lụa trắng, thấy rõ cả hai đều không làm bẩn nhau, vì cả hai đều sạch. Bồ-tát ra khỏi thai cũng như vậy. Đó là pháp thường của chư Phật.”

Như minh châu sáng sạch,

Trên lụa, không vấy bẩn;

Bồ-tát khi xuất thai,

Thanh tịnh, không nhiễm ô.

“Này các Tỳ-kheo, pháp thường của chư Phật: Bồ-tát Tỳ-bà-thi, khi sanh, do hông phải của mẹ mà ra, chuyên niệm không tán loạn. Ngài từ hông phải ra, vừa xuống đến đất, [4c] không cần người đỡ, liền đi bảy bước, nhìn khắp bốn phương, rồi đưa tay lên nói rằng: ‘Trên trời dưới đất, duy Ta là tôn quý. Ta sẽ cứu độ chúng sanh khỏi sinh, già, bệnh, chết[78].’ Ấy là thường pháp của chư Phật.”

Giống như sư tử bước,

Nhìn khắp cả bốn phương;

Nhân Sư Tử khi sanh,

Đi bảy bước cũng thế.

Lại như rồng lớn đi,

Khắp nhìn cả bốn phương,

Đấng Nhân Long khi sanh,

Đi bảy bước cũng thế.

Khi đấng Lưỡng Túc sanh,

Đi thong thả bảy bước,

Nhìn bốn phương rồi nói:

Sẽ dứt khổ sinh tử.

Ngay lúc mới sanh ra,

Đã không ai sánh bằng,

Tự xét gốc sinh tử,

Thân này thân tối hậu.

“Này các Tỳ-kheo, pháp thường của chư Phật: Bồ-tát Tỳ-bà-thi, khi sanh do hông phải của mẹ mà ra, chuyên niệm, không tán loạn, tức thì có hai suối nước, một ấm, một mát, tự nhiên ở dưới đất tuôn ra, để cúng dường tắm rửa cho Bồ tát. Đó là thường pháp của chư Phật.”

Đấng Lưỡng Túc khi sinh,

Hai suối tự tuôn ra,

Để cúng Bồ-tát dùng;

Biến Nhãn tắm sạch sẽ.

Hai suối tự tuôn ra,

Nước suối rất trong sạch;

Một ấm, một lạnh mát,

Tắm đấng Nhất thiết trí.

“Lúc Thái tử mới sanh, Phụ vương Bàn-đầu mời các tướng sư và đạo sĩ đến xem tướng Thái tử để biết sự tốt xấu. Bấy giờ, các tướng sư vâng lệnh đến xem, và ngay trước khi chưa mặc áo, họ nhìn rõ các tướng đầy đủ. Bèn đoán rằng: ‘Người có tướng này sẽ có hai con đường, chắc chắn không nghi ngờ. Nếu tại gia, sẽ là Chuyển Luân Thánh vương, trị vì bốn châu thiên hạ, đủ bốn thứ quân binh, bằng Chánh pháp trị dân, không thiên lệch; thi ân khắp thiên hạ; tự nhiên có bảy thứ báu qui tụ; có ngàn người con dũng kiện hay dẹp trừ ngoại địch; không cần dùng đao binh mà thiên hạ thái bình. Còn nếu xuất gia học đạo, sẽ thành bậc Chánh giác, đầy đủ mười hiệu.”

Rồi các tướng sư tâu vua:

“Con trai của Đức Vua có ba mươi hai tướng, sẽ có hai con đường, chắc chắn không nghi ngờ. Nếu tại gia sẽ là vị Chuyển luân thánh vương. Nếu xuất gia sẽ thành bậc Chánh giác, đầy đủ mười hiệu.”

[5a] Bấy giờ, Phật nói bài tụng:

Thái tử trăm phước sinh,

Được tướng sư ghi nhận,

Như chép trong điển sách,

Chắc chắn theo hai đường:

Nếu ngài vui tại gia,

Sẽ là Chuyển luân vương,

Được bảy báu hiếm có,

Báu tự hiện cho vua.

Bánh xe vàng nghìn căm,

Với lưới vàng bao quanh;

Bánh xe hay bay khắp,

Nên gọi bánh xe trời.

Voi bảy ngà khéo luyện,

Cao lớn trắng như tuyết,

Có thể bay trên trời:

Voi báu là thứ hai.

Ngựa đi khắp thiên hạ,

Sớm đi, chiều về ăn,

Lông đỏ, bờm khổng tước,

Là báu vật thứ ba.

Ngọc lưu ly trong sáng,

Chiếu rọi một do-tuần,

Đêm sáng như ban ngày,

Là báu vật thứ tư.

Sắc, thanh, hương, vị, xúc,

Không ai có thể sánh,

Bậc nhất hàng nữ nhân:

Đó là báu thứ năm.

Hiến vua ngọc lưu ly,

Châu ngọc các thứ quí,

Hoan hỷ mà phụng cống:

Đó là báu thứ sáu.

Theo ý niệm Luân vương,

Quân binh tiến thoái nhanh,

Nhậm lẹ theo ý vua:

Đó là báu thứ bảy.

Đó là bảy báu vật:

Bánh xe, voi, ngựa trắng,

Cư sĩ báu, nữ báu,

Quân binh báu thứ bảy.

Nhìn xem mà không chán,

Ngũ dục tự vui thú.

Như voi bứt dây trói,

Xuất gia, thành Chánh giác.

Vua có con như thế,

Đấng Lưỡng Túc loài người,

Chuyển Pháp luân trong đời,

Đạo thành, không biếng nhác.

“Lúc bấy giờ, Phụ vương ân cần hỏi lại tướng sư ba lần: ‘Các ngươi hãy xem lại, ba mươi hai tướng của Thái tử gồm những gì?’ Các tướng sư bèn khoác áo lại cho Thái tử, và kể rõ ba mươi hai tướng: 1. Bàn chân bằng phẳng đầy đặn, đi đứng vững vàng. 2. Dưới bàn chân có dấu chỉ như bánh xe có ngàn căm, ánh sáng rọi lẫn nhau. [5b] 3. Có màng lưới mỏng giữa kẽ ngón tay, chân như chân ngỗng chúa. 4. Tay chân mềm mại như áo trời. 5. Ngón tay chân thon dài không ai bằng. 6. Gót chân đầy đặn trông không chán. 7. Ống chân thon dài như của nai. 8. Các khớp xương móc lấy nhau như xích chuyền. 9. Mã âm tàng. 10. Đứng thẳng tay duỗi dài quá gối. 11. Mỗi chân lông đều có một sợi lông; sợi lông ấy xoáy hữu, màu lưu ly xanh biếc. 12. Lông mọc xoay phía hữu, màu xanh biếc thẳng lên. 13. Thân sắc huỳnh kim. 14. Da thịt mịn màng không dính bụi nhơ. 15. Hai vai ngang bằng, đầy đặn, tròn đẹp. 16. Giữa ngực có chữ vạn.[79] 17. Thân cao gấp đôi người thường. 18. Bảy chỗ trong người đầy đặn. 19. Mình cao, to lớn như cây ni-câu-lô.[80] 20. Hai má như sư tử. 21. Ngực vuông đầy như ngực sư tử. 22. Có bốn mươi cái răng. 23. Răng ngang bằng, đầy đặn. 24. Răng khít nhau không hở. 25. Răng trắng, trong sáng. 26. Yết hầu thanh sạch, ăn thức gì cũng thích hợp. 27. Lưỡi rộng dài có thể liếm tới mép tai. 28. Tiếng nói trong rõ như tiếng Phạm thiên. 29. Con mắt màu xanh biếc. 30. Mắt như mắt trâu chúa, trên dưới có hai mí[81]. 31. Có lông trắng giữa hai chân mày, mềm mại, kéo ra dài một tầm, thả thì xoáy trôn ốc về phía hữu, như chơn châu. 32. Trên đỉnh có chỗ thịt nổi. Ấy là 32 tướng đại nhân.”[82]

Bèn nói bài tụng:

Đứng vững, chân mềm mại,

Không dẫm đất, hiện dấu;

Trang nghêim tướng nghìn căm;

Đủ màu sắc tươi sáng;

Thân cao rộng ngay thẳng,

Như cây ni câu loại;

Như Lai, chưa từng có,

Mã âm tàng ẩn kín;

Vàng báu trang nghiêm thân,

Các tướng chói lẫn nhau;

Tuy lưu hành[83] theo tục,

Song bụi đất không dính;

Như sắc trời mịn màng;

Lọng trời tự nhiên che;

Phạm âm, thân vàng tía,

Như hoa vươn khỏi ao.

Vua bèn hỏi tướng sư.

Tướng sư kính tâu vua.

Ngợi khen tướng Bồ-tát,

Sáng chói khắp toàn thân,

Các gân khớp tay chân,

Trong ngoài đều hiện rõ;

[5c]Thực vị thảy vi diệu;

Thân ngay ngắn không vẹo;

Bánh xe hiện dưới chân;

Tiếng nói như chim oanh;

Tướng bắp đùi đầy đặn,

Ấy do túc nghiệp thành;

Cùi chỏ tròn đầy đẹp;

Mày mắt rất đoan nghiêm;

Đấng Sư Tử giữa người,

Có oai lực hơn hết.

Hai má đều đầy đặn;

Nằm nghiêng như sư tử;

Bốn mươi răng đều đặn;

Dày khít không kẽ hở;

Tiếng Phạm âm ít có,

Xa gần tùy duyên nghe;

Đứng thẳng thân không nghiêng,

Hai tay sờ đến gối;

Ngón tay đều, mềm mại;

Đủ các tướng tôn quí.

Mỗi chân lông một sợi;

Màng lưới kẽ tay chân;

Nhục kế, mắt xanh biếc;

Mắt trên dưới hai mí;

Hai vai ngang, tròn, đầy;

Đủ ba mươi hai tướng.

Gót chân không cao thấp;

Đùi thon như đùi nai.

Đấng Chí Tôn xuất hiện,

Như voi bứt dây trói,

Độ chúng sanh thoát khổ,

Khỏi sanh già bệnh chết.

Ngài đem tâm đại bi,

Truyền dạy bốn chân đế,

Diễn bày các pháp nghĩa,

Được mọi người tôn quý.

Phật lại bảo các Tỳ-kheo:

“Này các Tỳ-kheo, lúc Phật Tỳ-bà-thi sinh ra, Chư Thiên ở phía trên, giữa hư không, tay cầm lọng trắng, quạt báu, để ngăn che lạnh, nóng, gió, mưa, bụi bặm.”

Hiếm có trong loài người,

Đấng Lưỡng Túc ra đời,

Được Chư Thiên cung kính,

Dâng lọng báu, quạt báu.

“Bấy giờ, Phụ vương cấp bốn người vú: một, cho bú; hai, tắm rửa; ba, bôi hương; bốn, vui đùa. Họ vui vẻ nuôi nấng, không hề biếng nhác.”

Nhũ mẫu lòng từ ái,

Nuôi dưỡng con mới sinh:

Cho bú và tắm rửa,

Bôi hương và vui đùa.

Hương bậc nhất trong đời,

Bôi xoa đấng Chí Tôn.

[6a]“Lúc còn là đồng tử, con trai con gái cả nước ngắm nhìn Ngài không chán.”

Được nhiều người thương kính,

Như tượng vàng mới thành,

Trai gái cùng nhìn ngắm,

Nhìn mãi không biết chán.

“Lúc còn là đồng tử, con trai và con gái cả nước chuyền nhau ẵm bồng, như ngắm hoa báu.”

Phật nói bài kệ:

Khi Lưỡng Túc Tôn sanh,

Được nhiều người thương kính,

Chuyền tay nhau bồng ẵm,

Như ngắm hương hoa báu.

“Bồ-tát khi mới sanh, mắt Ngài không nháy như Chư Thiên trời Đao-lị[84]. Do cặp mắt không nháy mà có hiệu là Tỳ-bà-thi.”

Đấng Chí Tôn không nháy,

Như Chư Thiên Đao-lị,

Thấy sắc mà chánh quán,

Nên hiệu Tỳ-bà-thi.

“Bồ-tát khi sanh, âm thanh của Ngài trong suốt, êm dịu, hòa nhã như tiếng chim ca-la-tần-già[85].”

Như chim trên núi Tuyết,

Uống nước hoa mà hót,

Đấng Lưỡng Túc Tôn ấy,

Tiếng trong suốt cũng vậy.

“Bồ-tát khi mới sinh, mắt có thể nhìn thấy suốt một do-tuần.”

Do nghiệp quả[86] thanh tịnh,

Ánh sáng trời mầu nhiệm,

Mắt Bồ-tát nhìn thấy,

Khắp suốt một do-tuần.

“Bồ-tát khi sinh, tuổi lớn dần, ở tại Thiên chánh đường để khai hóa theo lẽ đạo. [87] Ân đức ban đến thứ dân, đức lớn đồn xa[88].”

Thơ ấu, ngồi Chánh đường,

Xử thiên hạ đúng luật,

Quyết đoán các sự vụ,

Nên gọi Tỳ-bà-thi.

Trí thanh tịnh quảng bác,

Sâu thẳm như biển cả,

Hài lòng với mọi người,

Khiến trí tuệ tăng trưởng.

“Một hôm, Bồ-tát muốn ra khỏi thành để dạo chơi và quan sát, bèn ra lịnh người đánh xe[89] sửa soạn xe báu để Ngài đi đến công viên [90] tuần hành và du ngoạn. Người đánh xe sau khi sửa soạn xa giá xong, tâu Thái tử: ‘Giờ đã thích hợp.’ Thái tử cỡi xe báu đi đến khu vườn công cộng[91] kia. Giữa đường, Ngài gặp một người già, đầu bạc, răng rụng, lưng còm, mặt nhăn, rung rinh trên chiếc gậy, thở khò khè theo nhịp bước khó khăn. Thái tử liền xoay hỏi quân hầu: ‘Đó là [6b] người gì?’ Đáp rằng: ‘Đó là người già.’ Lại hỏi: ‘Già là thế nào?’ Đáp: ‘Già là người mà tuổi thọ sắp hết, không còn sống bao lăm nữa.’ Thái tử lại hỏi: ‘Ta đây cũng sẽ như thế, không tránh khỏi tai họa này chăng?’ Đáp: ‘Phàm đã có sinh tất có già, đâu kể gì sang hèn.’ Nghe vậy Thái tử buồn bã không vui, liền bảo quân hầu đánh xe về. Ngài lặng lẽ suy niệm: ‘Ta cũng sẽ như vậy, chịu nỗi khổ vì bệnh này.’”

Bấy giờ Phật bèn nói bài kệ:

Thấy già, mạng sắp chết,

Chống gậy bước đi run,

Bồ-tát tự suy ngẫm:

Ta chưa khỏi nạn này.

“Bấy giờ Phụ vương hỏi quân hầu: ‘Thái tử xuất du có vui không?’ Đáp: ‘Không vui.’ Vua hỏi lý do: ‘Tại sao vậy?’ Đáp: ‘Tại giữa đường Ngài gặp người già nên không vui.’ Phụ vương mới âm thầm nhớ lại: ‘Ngày trước tướng sư xem tướng, đoán Thái tử sẽ xuất gia; nay Thái tử không vui, hẳn đúng như thế chăng? Ta hãy dùng mọi cách giữ Thái tử lại thâm cung, đem ngũ dục làm nguôi lòng Thái tử, để Thái tử đừng xuất gia.’ Nghĩ xong vua liền hạ lệnh trang sức cung quán, chọn hàng thế nữ để giúp vui Thái tử.”

Phật nói bài tụng:

Phụ vương nghe lời ấy,

Sai trang hoàng cung quán,

Tăng thêm bằng ngũ dục,

Muốn khiến không xuất gia.

“Một thời gian sau, Thái tử bảo quân hầu đánh xe đi dạo. Giữa đường, Ngài gặp một người bệnh, thân gầy, bụng lớn, mày mặt sạm đen, nằm một mình trên phân dơ, không ai chăm sóc. Bệnh rất khổ, miệng cứng không nói được. Thái tử xoay lại hỏi quân hầu: ‘Đó là người gì?’ Đáp: ‘Đó là người bệnh.’ Hỏi: ‘Bệnh là thế nào?’Đáp: ‘Bệnh là là bị các thứ đau nhức hành hạ, chết sống không biết lúc nào.’ Hỏi: ‘Ta cũng sẽ như thế, không tránh khỏi tai họa này sao?’ Đáp: ‘Phải. Phàm có sanh thì có bệnh, không kể gì sang hèn.’ Nghe vậy, Thái tử trở nên buồn bã không vui, liền bảo quân hầu đánh xe trở về. Ngài lặng lẽ suy nghĩ: ‘Ta cũng sẽ như vậy, chịu nỗi khổ vì bệnh này.’”

Rồi Phật nói bài kệ:

Thấy người bịnh lâu kia,

Nhan sắc bị suy tổn,

Im lặng tự suy ngẫm:

Ta chưa khỏi hoạn này.

“Bấy giờ, Phụ vương lại hỏi quân hầu: ‘Thái tử đi dạo có vui không?’ Đáp: [6c] ‘Không vui.’ Quân hầu đáp. ‘Tại sao thế?’ ‘Tại giữa đường Ngài gặp người bệnh, nên không vui.’ Phụ vương âm thầm suy nghĩ: ‘Ngày trước tướng sư xem tướng Thái tử, đoán rằng sẽ đi xuất gia. Ngày nay Thái tử không vui, hẳn đúng thế chăng? Ta sẽ tỳm cách tăng thêm mọi thứ dục lạc làm nguôi lòng Thái tử. khiến cho khỏi xuất gia’. Vua liền hạ lệnh nghiêm sức cung quán, chọn thêm thể nữ để giúp vui.”

Phật lại nói kệ:

Sắc, thanh, hương, vị, xúc,

Vi diệu, đáng ưa thích;,

Bồ-tát phước tột cùng,

Nên sống trong hoan lạc.

“Lại một lúc khác, Thái tử bảo quân hầu đánh xe đi dạo. Giữa đường, Ngài gặp một người chết; phan lụa nhiều màu dẫn đường trước sau; dòng họ, thân quyến, tiếc thương than khóc, đưa ra khỏi thành. Thái tử lại hỏi: ‘Đó là người gì?’ ‘Đó là người chết.’, quân hầu đáp. Hỏi: ‘Chết là thế nào?’ Đáp: ‘Chết tức là hết. Hết gió đến hết lửa, các căn bại hoại. Kẻ còn kẻ mất đôi đường, gia đình ly biệt. Đó gọi là chết’ Thái tử lại hỏi người đánh xe: ‘Ta đây cũng sẽ như thế, chưa khỏi tai hoạn này chăng?’ Đáp: ‘Phải. Phàm đã có sanh tất có chết, chẳng kể sang hèn.’ Nghe vậy, Thái tử lại càng buồn bã không vui, bảo đánh xe về. Ngài trầm ngâm suy nghĩ: ‘Ta cũng sẽ như vậy, chịu nỗi khổ vì bệnh này.’”  

Phật liền dạy bài kệ:

Lần đầu thấy người chết,

Biết họ còn tái sanh;

Thầm lặng tự suy nghĩ:

Ta chưa khỏi hoạn này.

“Phụ vương lại hỏi quân hầu: ‘Thái tử đi dạo lần này có vui không?’ - ‘Không vui’, quân hầu đáp: - ‘Tại sao thế’? - ‘Tại giữa đường Ngài gặp người chết, nên không vui.’ Phụ vương âm thầm suy nghĩ: ‘Ngày trước tướng sư xem Thái tử, đoán rằng sẽ đi xuất gia. Ngày nay Thái tử không vui, hẳn là đúng thế chăng? Ta hãy tỳm cách tăng thêm các thứ kỹ nhạc để làm nguôi lòng Thái tử, khỏi xuất gia.’ Liền hạ lệnh trang sức cung cấm, chọn thêm thể nữ để khiến cho giúp vui.”

Tuổi thơ đã nổi tiếng,

Các thể nữ vây quanh,

Tự vui thú ngũ dục,

Như thú vui Thiên đế.

[7a]“Lại một lúc khác, Thái tử bảo quân hầu đánh xe đi dạo. Giữa đường, Ngài gặp một vị Sa-môn, bận pháp phục, tay cầm bát, mắt nhìn xuống đất mà bước đi. Thái tử liền hỏi quân hầu: ‘Đó là người gì?’ ‘Đó là vị Sa-môn’, quân hầu đáp. - ‘Sao gọi là Sa-môn?’-‘Sa-môn là người xa lìa ân ái, xuất gia tu đạo, chế ngự các căn, không nhiễm ngoại dục, có tâm từ đối với hết thảy, không làm tổn hại vật gì; gặp khổ cũng không buồn, gặp vui cũng không mừng, hay nhẫn như đất. Đó gọi là Sa-môn.’ Thái tử bèn nói: ‘Lành thay! Đó là đạo chân chính, tuyệt hẳn mọi trần lụy, chỉ vui thú với cái vi diệu thanh hư.’ Thái tử liền bảo quân hầu đưa xe đến gần, và hỏi Sa-môn rằng: ‘Ông cạo bỏ râu toc, bận pháp phục, cầm bát như vậy, chí ông muốn cầu chuyện gì?’ Sa-môn đáp: ‘Phàm người xuất gia là cốt điều phục tâm ý, xa lìa trần cấu, thương xót cứu giúp quần sanh, không làm điều gì xâm hại, trong lòng rỗng rang tịch mịch, chỉ có bề giữ đạo mà thôi.’ Thái tử khen: ‘Hay lắm! Đạo này rất chân chính.’ Liền bảo quân hầu: ‘Mang áo trân bảo của Ta và xa giá về, tâu lại Phụ vương biết rằng ngay tại đây, Ta sẽ cắt bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia tu đạo. Vì Ta muốn điều phục tâm ý, xa lìa trần cấu, giữ mình thanh tịnh để cầu chánh đạo.’ Quân hầu liền đem xa giá và y phục của Thái tử về tâu lại phụ vương, còn Thái tử thì cắt bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia tu đạo.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Này các Tỳ-kheo! Thái tử nhân thấy người già, người bệnh mà thấu rõ cõi đời là khổ não; nhân thấy người chết mà lòng tham luyến thế thế tiêu tan; nhân thấy Sa-môn mà tâm được quách nhiên đại ngộ. Trong khi Thái tử xuống xe bước đi, cứ mỗi bước tiến tới là mỗi bước rời xa triền phược. Thế ấy là chân xuất gia, chân viễn ly.

“Bấy giờ, nhân dân trong nước nghe Thái tử đã cạo bỏ râu tóc, bận pháp phục, cầm bát, xuất gia hành đạo, bèn bảo nhau rằng: ‘Đạo ấy chắc là đạo chân chính, mới khiến Thái tử bỏ nước, bỏ ngôi vị cao sang, cùng mọi sự quý trọng.’ Lúc ấy có tới tám vạn bốn ngàn người trong nước đến xin Thái tử cho làm đệ tử xuất gia tu đạo.”

Phật nói bài tụng:

Lựa chọn pháp thâm diệu,

Nghe xong, liền xuất gia,

Thoát khỏi ngục ân ái,

Không còn các trói buộc.

“Thái tử bèn thâu nhận, cho cùng đi theo, giáo hóa khắp nơi, từ thôn này sang thôn khác, từ nước nọ đến nước kia. Ngài đến chỗ nào cũng được cung kính, [7b] cúng dường tứ sự. Bồ-tát nghĩ rằng: ‘Ta cùng đại chúng thường đi qua các nước, chỗ nhân gian ồn ào; sự này không thích hợp với ta lắm. Lúc nào ta mới xa được đám đông này ở chỗ nhàn tịnh mà suy tầm đạo lý?’

“Sau đó, Ngài được như chí nguyện, đi đến chỗ nhàn tịnh, chuyên tinh tu đạo. Ngài lại suy nghĩ: ‘Chúng sanh thật đáng thương, thường ở trong tăm tối, mang lấy cái thân nguy khốn, mong manh, nào sanh, nào già, nào bệnh, nào chết, đủ mọi thứ khổ não. Chúng chết đây sanh kia, chết kia sanh đây, cứ duyên theo cái khổ uẩn này mà trôi nổi, không bao giờ cùng. Ta lúc nào mới có thể thấu triệt khổuẩn, diệt hết sanh, già, chết?’

“Ngài lại suy nghĩ rằng: ‘Sanh tử từ đâu, duyên cái gì mà có?’[92] Ngài liền dùng trí tuệ quán sát sở do, thấy rằng do sanh mà có già và chết; sanh là duyên của già-chết. Sanh lại do hữu mà khởi; hữu là duyên của sanh. Hữu do thủ mà khởi; thủ là duyên của hữu. Thủ do ái mà khởi; ái là duyên của thủ. Ái do thọ mà khởi; thọ là duyên của ái. Thọ do xúc mà khởi; xúc là duyên của thọ. Xúc do sáu xứ[93] mà có; sáu xứ là duyên của xúc. Sáu xứ do danh sắc mà khởi; danh sắc là duyên của sáu xứ. Danh sắc do thức mà khởi; thức là duyên của danh sắc. Thức do hành mà khởi, hành là duyên của thức.[94] Hành do si mà khởi, si là duyên của hành. Thế tức là do duyên là si có hành, do duyên là hành có thức, do duyên là thức có danh sắc, do duyên là danh sắc có sáu xứ, do duyên là sáu xứ có xúc, do duyên là xúc có thọ, do duyên là thọ có ái, do duyên là ái có thủ, do duyên là thủ có hữu, do duyên là hữu có sanh, do duyên là sanh có già, bệnh, chết, sầu, buồn, khổ, não. Khổ uẩn[95] này do duyên là sanh mà có. Chính đó là sự tập khởi của khổ.’  

“Khi Bồ-tát tư duy về sự tập khởi của khổ uẩn ấy, liền phát sinh trí, phát sinh con mắt, phát sinh giác, phát sinh minh, phát sinh thông, phát sinh tuệ, phát sinh chứng ngộ.[96]

“Bồ-tát lại suy nghĩ: ‘Do cái gì không có mà già-chết không có? Do cái gì diệt thì già-chết diệt?’ Rồi bằng trí tuệ, Ngài quán sát nguyên do, biết rằng, do sanh không có nên già-chết không có; do sanh diệt nên già-chết diệt; do hữu không có nên sanh không có, hữu diệt nên sanh diệt; do thủ không có nên hữu không có, thủ diệt nên hữu diệt; do ái không có nên thủ không có, ái diệt nên thủ diệt; do thọ không có nên ái không có, thọ diệt nên ái diệt; do xúc không có nên thọ không có, xúc diệt nên thọ diệt; do sáu xứ không có nên xúc không có, sáu xứ diệt nên xúc diệt; do danh sắc không có nên sáu xứ không có, danh sắc diệt nên sáu xứ diệt; do thức không có nên danh sắc không có, thức diệt nên danh sắc diệt; do hành không có nên thức không có, hành diệt nên thức diệt; do si không có nên hành không có, [7c] si diệt nên hành diệt. Thế tức là vì si diệt nên hành diệt, hành diệt nên thức diệt, thức diệt nên danh sắc diệt, danh sắc diệt nên sáu xứ diệt, sáu xứ diệt nên xúc diệt, xúc diệt nên thọ diệt, thọ diệt nên ái diệt, ái diệt nên thủ diệt, thủ diệt nên hữu diệt, hữu diệt nên sanh diệt, sanh diệt nên già, chết, ưu, bi, khổ, não diệt.

“Khi Bồ-tát suy nghĩ về sề diệt tận của khổ uẩn như thế liền phát sinh trí, phát sinh con mắt, phát sinh giác, phát sanh minh, phát sanh thông, phát sanh tuệ, sanh chứng.

“Sau khi Bồ-tát quán mười hai duyên khởi theo hai chiều thuận nghịch, biết như thật, thấy như thật, tức thì ngay tại chỗ, Ngài chứng được đạo quả A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề.”

Phật bèn nói bài tụng:

Lời này nói giữa chúng,

Các ngươi nên lắng nghe.

Bồ-tát quá khứ quán          

Pháp vốn chưa từng nghe:

Già, chết từ duyên gì?

Do nhân gì mà có?

Quán sát đúng như vậy,

Biết già, chết do sanh.

Sanh lại từ duyên gì,

Nhân gì mà có ra?

Suy nghĩ đúng như vậy,

Liền biết sanh do hữu.

Chấp thủ đây, kia rồi,[97]

Hữu lần lượt chồng chất.

Vậy nên Như Lai dạy:

Thủ là duyên của hữu.

Như đống chứa dơ bẩn[98].

Gió thổi, ác tuôn chảy[99],

Như vậy nhân của thủ,

Do ái mà rộng sâu.

Ái do từ thọ sanh,

Nảy sinh gốc lưới khổ,

Vì nhân duyên nhiễm trước,

Cùng tương ưng khổ lạc.

Thọ vốn do duyên gì,

Nhân gì mà có thọ?

Suy nghĩ như thế rồi,

Biết thọ do xúc sanh.

Xúc vốn do duyên gì,

Nhân gì mà có xúc?

Suy nghĩ như thế rồi,

Biết xúc từ sáu xứ.

Sáu xứ do duyên gì,

Nhân gì có sáu xứ?

Suy nghĩ như vậy, biết,

Sáu xứ do danh sắc.

Danh sắc do duyên gì,

Nhân gì có danh sắc?

Suy nghĩ như vậy biết

Danh sắc từ thức sanh.

Thức vốn do duyên gì,

Nhân gì mà có thức?

[8a]Suy nghĩ như vậy rồi,

Biết thức từ hành sanh.

Hành vốn do duyên gì,

Nhân gì mà có hành?

Suy nghĩ như vậy rồi

Biết hành từ si sanh.

Nhân duyên như vậy đó,

Mới thật nghĩa nhân duyên.

Bằng phương tiện  trí tuệ,

Quán thấy gốc nhân duyên.

Khổ không do Thánh hiền,

Cũng không phải vô cớ.

Nên với khổ biến dịch,

Kẻ trí lo đoạn trừ.

Nếu vô minh dứt sạch,

Lúc đó không còn hành.

Nếu đã không có hành,

Thời cũng không có thức.

Nếu thức vĩnh viễn diệt,

Thì danh sắc không còn.

Danh sắc đã dứt rồi,

Làm gì có sáu xứ.

Nếu sáu xứ trọn dứt,

Thời cũng không có xúc.

Nếu xúc đã dứt hẳn,

Thời cũng không có thọ.

Nếu thọ dứt hết rồi,

Thời cũng không có ái.

Nếu ái dứt hết rồi

Thời cũng không có thủ.

Nếu thủ đã dứt rồi,

Thời cũng không có hữu.

Nếu hữu dứt hết rồi,

Thời cũng không có sanh.

Nếu sanh dứt hết rồi,

Thời không khổ già-chết.

Hết thảy đều dứt sạch.

Đó lời người trí nói,

Mười hai duyên sâu xa,

Khó thấy, khó hiểu biết;

Duy Phật mới biết rõ,

Tại sao có, sao không.       

Nếu hay tự quán sát,

Thời không còn các nhập.

Người thấu triệt nhân duyên

Không cần tỳm thầy ngoài.

Ai đối uẩn, giới, xứ,

Lìa dục, không nhiễm trước,

Xứng đáng nhận bố thí;

Thí chủ được báo lành.

Nếu đặng bốn biện tài,

Thành tựu quyết định chứng;

Giải trừ mọi ràng buộc,

Đoạn trừ, không buông lung,[100]

Sắc, thọ, tưởng, hành, thức,

Giống như xe cũ mục.

Quán rõ được như vậy,

Thời thành bậc Chánh giác.

[8b]Như chim bay giữa không,

Đông tây theo ngọn gió;

Bồ-tát đoạn kết sử,

Như gió thổi áo nhẹ.

Tỳ-bà-thi tịch tịnh,

Quán sát rõ các pháp:

Già-chết duyên đâu có?

Từ đâu già-chết dứt?

Ngài quán như vậy rồi,

Phát sanh trí thanh tịnh,

Biết già-chết do sanh.

Sanh dứt, già-chết dứt.

“Lúc Phật Tỳ-bà-thi vừa mới thành đạo, Ngài tu tập nhiều về hai phép quán, là an ẩn quán và xuất ly quán[101].”

Phật liền dạy bài tụng:

Như Lai bậc tối thượng,

Thường tu hai phép quán,

An ẩn và xuất ly,

Đại Tiên sang bờ kia.

Tâm Ngài được tự tại,

Đoạn trừ mọi kết sử,

Lên núi nhìn bốn phương,

Nên hiệu Tỳ-bà-thi.

Ánh đại trí trừ tối,

Như gương sáng soi mình.

Trừ ưu khổ cho đời;

Dứt khổ sanh, già, chết.

“Phật Tỳ-bà-thi, lại ở chỗ nhàn tịnh suy nghĩ như vầy: ‘Ta nay đã chứng được pháp vô thượng thậm thâm vi diệu là pháp khó thấy khó hiểu, tịch tĩnh, thanh tịnh, chỉ có người trí mới thấu biết chứ kẻ phàm phu không thể nào hiểu thấu được. [102] Bởi vì chúng sanh có những nhẫn dị biệt, kiến dị biệt, chấp thủ dị biệt, sở kiến dị biệt. Dựa theo kiến thức dị biệt đó mỗi người chỉ thích điều mình mong cầu, làm theo tập quán của mình[103], cho nên chúng không thể thấu hiểu đối với lý nhân duyên thâm diệu này.[104] Đối với Niết-bàn diệt tận khát ái lại càng khó hiểu gấp bội phần. Nếu Ta dầu vì chúng mà nói ra thì chắc chúng không hiểu nổi còn trở lại gây phiền nhiễu.’ Suy nghĩ như thế rồi, Ngài im lặng không muốn thuyết pháp.

“Lúc ấy vị Vua trời Phạm thiên, biết đức Tỳ-bà-thi đã nghĩ gì, liền tự nhủ: ‘Thưong thay, thế gian này đang bị sụp đổ! Đức Phật Tỳ-bà-thi vừa chứng được pháp thâm diệu như thế mà không muốn nói ra.’ Tức thì, trong khoảnh khắc, như lực sĩ co duỗi tay, ông từ cung Phạm thiên bỗng nhiên hiện xuống, đến trước mặt Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi đứng lui một bên, đầu gối phải quỳ sát đất, chấp tay bạch rằng: ‘Ngưỡng mong đức Thế Tôn kịp thời thuyết pháp. Nay bụi bặm nơi các chúng sanh này   mỏng nhẹ; chúng có các căn bén nhạy, có lòng cung kính, dễ bề khai hóa. Chúng đã biết sợ những tội lỗi không thể cứu chữa trong đời sau, biết dứt trừ diệt pháp ác, [8c] là phát sinh con đường thiện.’

“Phật bảo Phạm vương: ‘Thật vậy, thật vậy, đúng như lời Ông nói! Nhưng Ta ở chỗ nhàn tịnh, thầm lặng suy nghĩ: ‘Nếu Ta nói pháp thâm thâm vi diệu mà Ta chứng đắc cho chúng, tất nhiên chúng không thể hiểu, lại gây thêm điều xúc phạm, Vì vậy, Ta im lặng không muốn thuyết pháp. Ta trải qua vô số a-tăng-kỳ kiếp cần khổ không biếng nhác tu tập những công hạnh vô thượng, nay mới chứng đắc pháp khó chứng đắc này, nếu nói cho hạng chúng sanh còn dâm, nộ, si, tất chúng không làm theo, chỉ thêm luống uổng. Pháp vi diệu này trái nghịch với đời. Chúng sanh bị dục nhiễm, ngu si che ngăn không tin hiểu nổi. Này Phạm vương, Ta thấy rõ như thế, nên im lặng không muốn thuyết pháp.’

“Khi ấy, Phạm vương lại ân cần khẩn thiết thưa thỉnh một lần nữa, rồi một lần nữa, ân cần khẩn thiết thỉnh cầu đến ba lần rằng: ‘Bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn không thuyết pháp, thì nay thế gian này phải bị sụp đổ, rất đáng thương xót. Ngưỡng mong Thế Tôn kịp thời giảng dạy, chớ để chúng sanh sa đọa nẻo dữ.’

“Đức Thế Tôn nghe Phạm vương ba lần ân cần thưa thỉnh, liền dùng Phật nhãn soi khắp thế giới, thấy sự cáu bẩn của chúng sanh có dày có mỏng, căn tánh có lanh lợi, có chậm lụt; có kẻ dễ khai hóa, có kẻ khó khai hóa. Hạng dễ khai hóa biết sợ tội lỗi đời sau, nên gắng lo dứt trừ pháp ác, làm phát sanh đường lành. Chúng như hoa ưu-bát-la, hoa bát-đầu-ma, hoa câu-vật-đầu, hoa phân-đà-lị, có cái vừa ra khỏi bùn nhưng chưa tới mặt nước; có cái đã ra khỏi bùn lại lên ngang mặt nước, có cái tuy lên khỏi mặt nước mà chưa nở; nhưng cái nào cũng không bị dính bẩn, mà dễ dàng nở ra. Chúng sanh trong thế gian này cũng như thế.

“Đức Thế Tôn bảo Phạm vương: ‘Ta vì thương tưởng các ông nay sẽ mở rộng cửa pháp cam lồ.[105] Pháp ấy thâm diệu khó hiểu, khó biết, nay Ta sẽ nói cho những người tín thọ, muốn nghe, chứ không phải vì hạng người quấy nhiễu, vô ích’.

“Phạm vương biết Phật đã nhận lời thỉnh cầu, nên vui mừng hớn hở, đi quanh Phật ba vòng, cúi đầu đảnh lễ rồi biến mất.

“Phạm vương đi chưa bao lâu, đức Như Lai lại tĩnh mặc suy nghĩ: ‘Nay ta nên nói pháp cho ai trước hết?’ Rồi Ngài lại suy nghĩ: ‘Ta hãy đi vào thành Bàn-đầu, trước hết mở cánh cửa cam lộ cho Vương tử Đề-xá và con Đại thần là Khiên-đồ.’ Rồi thì, liền trong khoảnh khắc như lực sĩ co duỗi tay, Thế Tôn bỗng biến mất khỏi cây đại thọ; Ngài đi đến thành Bàn-đầu, vào vườn Lộc dã của vua Bàn-đầu, trải chỗ ngồi rồi ngồilên.”

Bấy giờ, Phật nói bài tụng:

Như sư tử trong rừng,

Mặc tình mà đi dạo.

[9a] Phật kia cũng như vậy,

Du hành không trở ngại.

“Phật Tỳ-bà-thi bảo người giữ vườn: ‘Ngươi hãy vào thành nói với Vương tử Đề-xá và Khiên-đồ con Đại thần rằng: Các ngài có biết không, đức Phật Tỳ-bà-thi hiện ở trong vườn Lộc dã, muốn gặp các ngài? Các ngài nên biết bây giờ là phải thời.’ Người giữ vườn vâng mệnh tỳm đến chỗ hai người trình đủ những điều Phật dạy. Hai người nghe xong, liền đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ, rồi đứng lại một bên. Phật lần lượt thuyết pháp cho họ nghe, chỉ bày, giáo huấn, khiến cho lợi ích, khiên hoan hỷ.[106] Ngài giảng về bố thí, trì giới, sanh thiên; dục là xấu ác, bất tịnh, là hữu lậu, là nguy hiểm; tán dương sự xuất ly là pháp rất vi diệu tối thượng, thanh tịnh bậc nhất. [107] Khi Phật thấy tâm ý của hai người đã nhu thuận, hoan hỷ, tin vui, đủ sức lãnh thọ Chánh pháp, Ngài bèn nói cho họ về Khổ thánh đế; phân tích, giảng giải, mở bày rành rẽ; về Khổ tập thánh đế, Khổ diệt thánh đế, và Khổ xuất yếu thánh đế. Bấy giờ Vương tử Đề-xá và con trai Đại thần là Khiên-đồ ngay trên chỗ ngồi mà xa lìa trần cấu, được sự thanh tịnh của con mắt pháp, như tấm vải trắng dễ nhuộm sắc màu.

“Lúc ấy, Địa thần bèn xướng lên rằng: ‘Đức Tỳ-bà-thi Như Lai ở vườn Lộc dã, thành Bàn-đầu, chuyển Pháp luân vô thượng mà các Sa-môn, Bà-la-môn, Chư thiên, Ma Phạm và các người khác trong thế gian không thể chuyển được.’ Tiếng nói ấy lần lượt vang đến cõi Tứ thiên vương, cho đến cõi trời Tha Hóa Tự Tại, rồi trong khoảnh khắc vang đến cõi Phạm thiên.”

Phật liền dạy bài kệ:

Tâm vui mừng hớn hở,

Xưng tán đức Như Lai.

Tỳ-bà-thi thành Phật,

Chuyển Pháp luân vô thượng.

Bắt đầu từ Đạo thọ,

Đi đến thành Bàn-đầu.

Vì Đề-Xá, Khiên-đồ

Chuyển Pháp luân Tứ đế.

Đề-xá và Khiên-đồ

Nghe xong lời Phật dạy,

Ở trong pháp thanh tịnh

Được phạm hạnh tối cao.

Thiên chúng trời Đao-lị

Cho đến Thiên đế Thích,

Vui mừng bảo lẫn nhau,

Nghe khắp cả Chư Thiên:

Phật xuất hiện thế gian,

Chuyển Pháp luân vô thượng;

Tăng thêm hàng chư Thiên,

Giảm bớt A tu la.

Đấng Thế Tôn danh vang

Thiện trí[108] lìa thế biên.

[9b]Tự tại đối các pháp,

Đại trí chuyển Pháp luân.

Quán sát pháp bình đẳng,

Tâm dứt sạch cấu bẩn,

Để lìa ách sanh tử,

Đại trí chuyển Pháp luân.

Diệt khổ, lìa các ác,

Ly dục được tự tại,

Xa lìa ngục ái ân,

Đại trí chuyển Pháp luân.

Đấng Chánh giác Tối Tôn,

Đấng Điều ngự Lưỡng túc,

Giải thoát mọi ràng buộc,

Đại trí chuyển Pháp luân.

Đạo sư khéo giáo hóa,

Hay uốn dẹp oán ma,

Xa lìa mọi điều ác,

Đại trí chuyển Pháp luân.

Sức vô lậu hàng ma,

Các căn định, không lười,

Lậu tận, lìa ma trói,

Đại trí chuyển Pháp luân.

Nếu học pháp quyết định,

Biết các pháp vô ngã,

Đó là pháp cao tột,

Đại trí chuyển Pháp luân.

Không vì cầu lợi dưỡng

Cũng chẳng vì danh dự,

Chỉ vì thương chúng sanh,

Đại trí chuyển Pháp luân.

Thấy chúng sanh khổ ách,

Già, bệnh, chết bức bách,

Vì ba đường ác đó,

Đại trí chuyển Pháp luân.

Đoạn tham, sân nhuế, si;

Nhổ sạch gốc tham ái,

Được giải thoát bất động,

Đại trí chuyển Pháp luân.

Ta thắng việc khó thắng

Thắng để tự hàng phục,

Đã thắng ma khó thắng,

Đại trí chuyển Pháp luân.

Pháp luân vô thượng đó,

Duy Phật mới chuyển nổi.

Hàng Thiên, Ma, Thích, Phạm,

Không ai vận  chuyển được.

Thân cận chuyển Pháp luân,

Làm ích lợi thiên nhơn;

Bậc Thiên Nhân Sư đó,

Đã vượt đến bờ kia.

“Lúc ấy vương tử Đề-xá và công tử Khiên-đồ đã thấy pháp, đắc quả, chân thật không dối, thành tựu vô úy, liền bạch Phật rằng: ‘Chúng con muốn tịnh tu phạm hạnh trong giáo pháp của Như Lai.’ Phật nói: ‘Hãy đến đây, Tỳ-kheo. Pháp Ta thanh tịnh, tự tại; hãy tự mình tu hành để dứt trừ hết thống khổ.’ Ngay lúc ấy hai người liền [9c] đắc cụ túc giới. Họ đắc giới chưa bao lâu, Như Lai lại thị hiện bằng ba sự kiện: một là thần túc, hai là quán tha tâm, ba là giáo giới[109], tức thì chứng đắc tâm giải thoát vô lậu[110], phát sinh vô nghi trí.[111]

“Bấy giờ số đông nhân dân ở thành Bàn-đầu nghe hai người xuất gia học đạo, bận pháp y, cầm bát, tịnh tu phạm hạnh, họ nói nhau rằng: ‘Đạo ấy chắc là đạo chân thật, mới khiến các người kia bỏ vinh vị ở đời, bỏ các thứ quý trọng để tu theo.’ Rồi thì, trong thành có tám vạn bốn ngàn người đi đến vườn Lộc dã, chỗ Phật Tỳ-bà-thi, cúi đầu đảnh lễ, ngồi lại một bên. Phật lần lượt thuyết pháp, chỉ bày, giáo huấn, khiến cho lợi ích, khiến hoan hỷ; nói về bố thí, về trì giới, về sinh thiên; chỉ rõ dục là xấu ác, bất tịnh, là hữu lậu, nguy hiểm; tán thán sự xuất ly là vi diệu tối thượng, thanh tịnh bậc nhất. Khi Đức Thế Tôn thấy tâm ý của đại chúng đã nhu thuận, hoan hỷ tín thọ, đủ sức lãnh thọ Chánh pháp, Ngài liền nói về Khổ thánh đế; phân tích, giảng giải, công bố; về Khổ tập thánh đế, Khổ diệt thánh đế, Khổ xuất yếu thánh đế. Ngay tại chỗ, cả bốn vạn tám ngàn người đều xa lìa trần cấu, được sự thanh tịnh của con mắt pháp, như tấm vải trắng dễ nhuộm sắc màu; họ được thấy pháp, chứng quả, chân thật không dối, thành tựu vô úy, liền bạch Phật rằng: ‘Chúng con muốn ở trong giáo pháp Như Lai mà tịnh tu phạm hạnh.’ Phật dạy: ‘Hãy đến đây, Tỳ-kheo! Pháp ta thanh tịnh, tự tại; hãy theo đó tu hành để dứt trừ thống khổ.’ Khi đó tám vạn bốn ngàn người đều đắc cụ túc giới. Họ đắc giới chưa bao lâu, Như Lai lại thị hiện bằng ba việc để giáo hóa: một là thần túc, hai là quán tha tâm, ba là giáo giới. Họ tức thì chứng đắc tâm giải thoát vô lậu, phát sinh trí vô nghi.

“Hiện tiền có tám vạn bốn ngàn người khác, nghe Phật ở trong vườn Lộc dã chuyển Pháp luân vô thượng mà hàng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên, Ma Phạm và các người khác trong thế gian không thể chuyển được, liền đến thành Bàn-đầu chỗ Phật Tỳ-bà-thi, cúi đầu đảnh lễ, ngồi lại một bên.”

Phật lại nói bài tụng:

Như người cứu đầu cháy,

Nhanh chóng tỳm chỗ dập;

Người kia cũng như vậy,

Vội đến trước Như Lai.

“Phật cũng nói pháp cho họ nghe như trước.

“Đến lúc này tại thành Bàn-đầu đã có đại chúng tỳ kheo gồm mười sáu vạn tám ngàn[112] vị đại Tỳ-kheo. Tỳ-kheo Đề-xá và Tỳ-kheo Khiên-đồ, ở giữa đại chúng, bay lên không trung, thân tuôn ra nước lửa, hiện các thần thông biến hóa, nói pháp vi diệu cho đại chúng nghe. Bấy giờ đức Như Lai thầm nghĩ: ‘Nay [10a] tại trong thành này đã có mười sáu vạn tám ngàn đại Tỳ-kheo, Ta nên sai đi du hóa; chớ đi hai người một nhóm[113], đến khắp các nơi, đúng sáu năm lại trở về thành này để thuyết cụ túc giới’[114]

“Bấy giờ, có vị trời Tịnh cư[115] biết được tâm tư của Như Lai, trong khoảnh khắc như lực sĩ co duỗi cánh tay, biến mất khỏi cõi trời kia mà hiện đến nơi này, đến trước đức Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ, đứng lại một bên; giây lát, bạch Phật rằng: ‘Bạch Thế Tôn, thật như vậy, trong thành Bàn-đầu này có nhiều Tỳ-kheo, Ngài nên phân bố đi khắp mọi nơi, đúng sáu năm sẽ trở lại thành này để thuyết giới, con sẽ ủng hộ, khiến không ai tỳm cơ hội quấy phá được.’ Như Lai sau khi nghe lời ấy, im lặng nhận lời. Vị trời Tịnh cư thấy Phật im lặng nhận lời, bèn đảnh lễ Phật xong, hốt nhiên biến mất, trở lại cõi trời.

“Không bao lâu sau, Phật bảo các Tỳ-kheo: ‘Nay trong thành này Tỳ-kheo đã đông, nên mỗi người phân bố đi mỗi hướng du hành giáo hóa. Sau sáu năm hãy trở về, tập họp thuyết giới.’ Các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy, khóac y cầm bát, đảnh lễ Phật rồi đi.”

Phật bèn nói bài tụng:

Phật sai[116] chúng không loạn,

Ly dục, không luyến ái,

Oai như chim Cánh vàng;

Như hạc bỏ ao hoang.

“Sau đó một năm, trời Tịnh cư nhắc lại các Tỳ-kheo: ‘Các ngài đi du hóa đã qua một năm, còn năm năm nữa, các ngài nên nhớ trọn sáu năm rồi hãy nhóm về thành mà thuyết giới.’ Cứ như thế, đến năm thứ sáu, trời lại nhắc rằng: ‘Sáu năm đã mãn, nên trở về thành mà thuyết giới.’ Các Tỳ-kheo nghe lời nhắc xong, thu xếp y bát, trở lại thành Bàn-đầu, đến Lộc dã chỗ Phật Tỳ-bà-thi, cúi đầu đảnh lễ, ngồi lui một bên.”

Phật nói bài tụng:

Như voi khéo huấn luyện,

Tùy ý sai khiến đi;

Đại chúng cũng như vậy,

Vâng lời mà trở về.

“Bấy giờ, ở trước mặt đại chúng, Như Lai bay lên không trung, ngồi kiết già, giảng nói Giới kinh:

Nhẫn nhục là bậc nhất,

Niết-bàn là tối thượng,

Cạo tóc, não hại người,

Không phải là Sa-môn.[117]

“Trời Tịnh cư lúc ấy ở cách Phật không xa, dùng bài kệ tán Phật rằng:

Như Lai đại trí,

Vi diệu độc tôn,

[10b]Chỉ, quán đầy đủ,

Thành Tối Chánh Giác.

Vì thương quần sanh,

Ở đời thành đạo.

Đem bốn chân đế

Dạy hàng Thanh-văn.

Khổ cùng khổ nhân,

Chân lý diệt khổ;

Tám đạo Thánh hiền;

Đưa đến an lạc.

Phật Tỳ-bà-thi

Xuất hiện thế gian;

Ở giữa đại chúng

Như ánh mặt trời.

“Nói xong bài kệ, vị ấy hốt nhiên biến mất.”

Bấy giờ, Phật lại bảo các Tỳ-kheo:

“Ta nhớ lại, thuở xưa, khi ở tại núi Kỳ-xà-quật, thành La-duyệt, có một lần sinh tâm nghĩ rằng: ‘Chỗ Ta tái sinh vào khắp mọi nơi, duy trừ cõi trời Tịnh cư. Giả sử Ta sanh cõi trời kia, thời đã không trở lại đây. Này các Tỳ-kheo, khi ấy Ta lại nghĩ rằng: khi Ta muốn đến cõi trời Vô phiền[118], tức thì trong khoảnh khắc như tráng sĩ co duỗi cánh tay, Ta biến mất ở đây mà hiện ở kia. Chư thiên lúc đó thấy Ta đến, liền đảnh lễ, đứng lại một bên, bạch với ta rằng: ‘Chúng con đều là đệ tử đức Phật Tỳ-bà-thi, được Ngài giáo hóa nên sanh đến cõi này.’ Rồi họ kể lại nhân duyên sự tích của đức Phật Tỳ-bà-thi. Họ lại nói: ‘Các đức Phật Thi-khí, Tỳ-xá-bà, Câu-lưu-tôn, Câu-na-hàm, Ca-diếp, Thích-ca Mâu-ni, thảy đều là Thầy của con. Con được các Ngài giáo hóa mà sinh lên đây.’ Họ cũng nói nhân duyên sự tích chư Phật. Cho đến Chư Thiên ở cõi trời Sắc cứu cánh,[119] cũng kể với ta như thế.”

Bấy giờ Phật nói bài tụng:

Ví như lực sĩ,

Co duỗi cánh tay

Ta, bằng thần thông,

Đến trời Vô phiền.

Đại Tiên thứ bảy[120],

Hàng phục hai ma,

Vô nhiệt[121] vô kiến

Chắp tay kính lễ.

Như cây trú độ,[122]

Tiếng đồn Thích sư,

Tướng tốt đầy đủ,

Đến trời Thiện kiến.[123]

Ví như hoa sen,

Không bị dính nước.

Thế Tôn vô nhiễm,

Đến Đại thiện kiến[124].

Mặt trời mới mọc,

Không chút bụi che;

[10c]Sáng như trăng thu,

Đến Nhất cứu cánh.[125]

Năm Tịnh cư này,

Chúng sanh hành tịnh,

Tâm tịnh nên đến

Trời không phiền não.

Tịnh tâm mà đến,

Làm đệ tử Phật.

Xả ly nhiễm thủ,

Vui nơi vô thủ.

Thấy pháp quyết định,

Con Tỳ-bà-thi.

Tịnh tâm mà đến

Với Đại Tiên Nhân.

Đệ tử Thi-khí

Vô cấu, vô vi,

Tịnh tâm mà đến

Với đấng Ly Hữu.

Đệ tử Tỳ-xá,

Các căn đầy đủ.

Tịnh tâm đến Ta,

Như mặt trời chiếu.

Con Câu-lâu-tôn,

Xả ly các dục.

Tịnh tâm đến Ta,

Sáng mầu rực ánh.

Đệ tử Câu-na-hàm,

Vô cấu vô vi.

Tịnh tâm đến Ta,

Sáng nhu trăng đầy.

Đệ tử Ca-diếp,

Các căn đầy đủ,

Tịnh tâm đến Ta,

Như bắc thiên niệm.[126]

Đại tiên Bất loạn.[127]

Thần túc bậc nhất,

Bằng tâm kiên cố,

Làm đệ tử Phật.

Tịnh tâm mà đến,

Làm đệ tử Phật.

Kính lễ Như Lai,

Kể rõ Chí Tôn,

Chỗ sinh, thành Đạo,

Danh tính, chủng tộc,

Tri kiến thâm pháp,

Thành Đạo vô thượng.

Tỳ-kheo nơi vắng,

Xa lìa bụi dơ,

Siêng năng không lười.

Ðoạn trừ hữu kết.

Ấy là nhân duyên,

Sự tích chư Phật,

Mà được diễn giải,

Bởi đứcThích-ca.

Phật nói kinh “Đại nhân duyên” xong, các Tỳ-kheo nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.[128]

 


* 第一分初[13]大本經第一

[1] Hán: Hoa lâm quật 華 林 窟. No 2,  3, Không đề cập. No 4: Phật cùng 500 Tỳ kheo thọ thực tại nhà Bà Vô-diên Mẫu 無延
母 (Pl. Migāramātu), mẹ của ông Vô-diên 無延 (Pl. Migāra).  D. 14 : Karerikuṭikā, am cốc Kareri, ở trong khu vườn của ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc).  

[2] Hán: Hoa lâm đường 華 林 堂. No 2: Ca-lí-lê đạo tràng 迦里梨道場. No 4: Ngồi trên điện, trong nhà Bà Vô-diên Mẫu (Pl. Migāramātupāsāda). D. 14: Karerimaṇḍalamāle: trong sảnh đường hình tròn Kareri, viên đường Kareri.

[3] Hán: sở canh khổ lạc 所 更 苦 樂.

[4] Nguyên Hán: bình đẳng tín 平 等 信.

[5] Nguyên Hán: tam-Phật 三 佛, tức tam-Phật-đà 三 佛 陀 (Pl./Skt. Sambuddha): Chánh giác 正 覺.

[6] Nguyên Hán: ai loan âm tận tri 哀 鸞 音 盡 知; ai loan âm 哀 鸞 音, tức ca-lăng-tần-già âm 迦 菱 頻 伽 音 tiềng chim Skt. kalaviṅka/ Pl. karavīka, một loại sáo sống trên Tuyết sơn.

[7] Tỳ-bà-thi 毗 婆 尸; No2, 3: đồng. No 4: Duy-vệ 維衛. Pl.: Vipassin.  

[8] Thi-khí 尸 棄. No 2: đồng. No 4: Thức 式.  Pl.: Sikkhin.

[9] Tỳ-xá-bà 毗 舍 婆. No 2: Tỳ-xá-phù 毗 舍 浮. No 4: Tùy-diệp 隨葉. Pl.. Vessabhū.

[10] Hiền kiếp 賢 劫. No 4: Phi-địa-la kiếp 披
地羅劫. Pl.: Bhaddakappa.

[11] Câu-lâu-tôn hay 拘 樓 孫. No 2: Câu-lưu-tôn 俱留孫. No 4: Câu-lâu-tần 拘樓秦. Pl.: Kakusandha.

[12] Câu-na-hàm 拘 那 含. No 2: Câu-na-hàm Mâu-ni 俱那含牟尼. No 4: Câu-na-hàm Mâu-ni 拘那[04]含牟尼. Pl. Konāgamana.

[13] Ca-diếp 迦 葉. No 4: đồng. No 2: Ca-diệp-ba 迦
葉波. Pl.: Kassapa.

[14] Na-duy 那 維. Skt. nayuta; Pl.: nahuta; số đếm.

[15] Câu-lị-nhã 拘 利 若; TNM: Kiều-trần-nhã 憍 陳 若. No 2: Câu-lân 拘隣. Pl.: Koṇḍañña.

[16] Ca-diếp 迦 葉. Pl.: Kassapa.

[17] Cù-đàm 瞿 曇; Pl.: Gotama.

[18] Ba-ba-la 波 波 羅; TNM: ba-bà-la 波 婆 羅. No 4: ba-đà-la 波陀羅. D 14: pāṭali.

[19] Phân-đà-lị 分 阤 利. No 4: phân-đồ-lị 分塗利. D 14: puṇḍarīka.

[20] Sa-la 娑羅; TNM: bác-lạc-xoa 博 洛 叉. No 4: tát-la thọ 薩羅樹. D 14; sāla.

[21] Thi-lị-sa 尸 利 沙. No 4: tư-lị thọ 斯
利樹. D 14: sirīsa.

[22] Để bản: Ô-tạm-bà-la 烏 暫 婆 羅; TNM: ưu-đàm-ba-la 優 曇 婆 羅. No 4: ô-tạm thọ 烏暫
樹. D 14: udumbara.

[23] Ni-câu-luật 尼 拘 律; TNM: ni-câu-loại 尼 拘 類. No 4: đồng. D 14: nigrodha.

[24] Bát-đa 缽多. No 4: a-phái-đa 阿沛多. D 14: assattha, Skt. aśvattha.

[25] TNM: bác-xoa 博 洛 叉.

[26]  Để bản: vô-ni 無尼. TNM: mâu-ni 牟尼.

[27] Ni-câu-lâu 尼拘樓; TNM: ni-câu-loại 尼拘類.

[28] Quán 觀; dịch nghĩa của âm Tỳ-bà-thi, do động từ Skt. vipaśyati (Pl. vipassati): nhìn rõ.

[29] Hán: biến kiến 遍見,  hấy khắp; do hiệu Phật Vipassin (Pl.) hay Vipaśyin (Skt.), cũng được dịch: quán 觀, kiến 見, thắng quán 勝觀, diệu quán sát 妙觀察, chủng chủng quán覺種種觀.

[30] Quang 光; từ nguyên của Thi-khí, Skt. śikhin/ Pl. sikhin < śikhā: tia sáng; chóp đỉnh.

[31] Tử ma kim sắc thân紫磨金色身; từ nguyên của Phật hiệu < Skt. kanaka: vàng tía.

[32] Hán: nhất nhất mao 一 一 毛, không rõ nghĩa. Có lẽ liên hệ từ nguyên Skt. keśa thay vì kaśati: chiếu sáng.

[33] Nhất ngữ bất phiền trọng一語不煩重. Minh: nhị ngữ…二語…

[34] Năng nhân ý tịch diệt 能 仁 意 寂 滅, dịch nghĩa của Skt. Śākya-muni/ Pl.: Sakya-muni hay Sakka-muni.

[35] Để bản: Khiên-trà 騫 茶; TNM: Khiên-đồ 騫 荼. Đề-xá 提 舍; TNM: Chất-sa 躓 沙; No 2: đệ tử đại trí là Khiếm-noa Để-tả 欠拏底寫. No 4: Phật Duy-vệ có đệ tử số một là Tắc 塞, số hai là Chất-xá 質舍. D 14:  Khaṇḍa  và Tissa.     

[36] A-tỳ-phù 阿 毗 浮, Tam-bà-bà 三 婆 婆. No 2: Bộ, Tam-bà-phạ 部三
婆嚩. No 4: đệ tử số một là A-tỉ-vụ 阿比務, số hai là Tam-tham 三參. D 14.: Abhibhū và Sambhava.

[37] Phò (phù)-Du 扶 遊 và Uất-đa-ma 鬱 多 摩 (Pl.: Uttama?). No 2: đại đệ tử Dã Thâu-đa-la (Pl: Yasodhara?). No 4: Phật-đề 佛提 (Pl: Cakkavattī?) và Uất-đa 欝多; hình như có sự nhầm lẫn với đệ tử của Phật Câu-na-hàm, xem cht. 39. D 14.: Soṇa.- Uttara.

[38] Tát-ni 薩 尼 và Tỳ lâu 毗 樓. No 2: Tán Lận-phạ 散躪嚩. No 4: Tăng-kì 僧耆 và Duy-lưu 維
留. D 14: Sañjīva-Vidhūra.  

[39] Thư-bàn-na 舒 盤 那 (TNM: Ưu-ba-tư-đa 優 波 斯 多) và Uất-đa-lâu 鬱多樓 (TNM: Uất-đa-la 鬱多羅). No 2: Tô-rô Nỗ-đa-la 穌嚕[04]努多囉. No 4: Chuyển luân 轉 輪 (Pl.: Cakkavattī ?) và Uất-đa; xem cht. 38..D 14:  Bhiyyosa và Uttara.

[40] Đề-xá 提 舍 và Bà-la-bà 婆 羅 婆. No 2: Bà-la-đặc-phạ-nhạ 婆囉特嚩惹 (Một người). No 4: Chất-da-luân 質耶輪 và Ba-đạt-hòa 波達和.  D 14l.: Tissa và Bhāradvāja.

[41] Xá- lị-phất 舍 利 弗 và Mục-kiền-liên 目 犍 連. No 2: chỉ kể Xá-lị-phất. No 4: Xá-lị-phất-la 舍利弗羅 và Ma-mục-kiền-liên 摩目[02]乾
連. D 14: Sāriputta và Moggallāna.

[42] Nguyên Hán: chấp sự đệ tử 執 事 弟 子. Pl.: upaṭṭhāka.

[43] Vô Ưu 無 優. No 2: A thâu ca 阿 輸 迦. No 4: A-luân 阿輪 (Thâu 輸?). D 14: Asoka.

[44] Nhẫn Hành 忍 行No 2: Sát-ma-ca-rô 殺 摩 迦 嚕. No 4: Sai-ma-kiệt 差摩竭. D 14: Khemaṃkara.

[45] Tịch diệt 寂 滅No 2: Ô-ba-phiến-đổ; 烏 波 扇 睹. No 4: Phục Chi Diệp (?). D 14: Upasanta.

[46] Thiện Giác 善 覺. No 2: Một-đề-dũ 沒 提 逾. No 4: Phù-đề 浮提. D 14: Buddhija.

[47] An Hòa 安 和No 2: Tô-rô-đế-lí-dã 蘇 嚕 帝 里 野. No 4: Tát-chất 薩質. D 14: Sotthija.

[48] Thiện Hữu 善 友No 2: Tát-lí-phạ-mật-đát-ra 薩 里 縳 瞇 怛 囉. No 4: Tát-ba-mật 薩波[11]蜜. D 14: Sabbamitta.

[49] A-nan 阿 難No 2: A-nan-đà 阿難陀. No 4: A-nan. D 14: Ānanda.

[50] Tịch nhiên 寂 然, TNM: tịch diệt 寂 滅.

[51] Phương ưng 方 膺. Vô lượng 無 量. Diệu giác 妙 覺. Thượng thắng 上 勝. Đạo sư 道 師. Tập Quân 集軍. La-hầu-la 羅睺羅. No 4: Tu-viết-kiền-đà 須曰多鞬陀, A-đâu-la 阿兜羅, Tu-ba-la-viết 須波羅曰, Uất-đa-la欝多羅, Đọa-di-đà-tiên-na墮夷陀
先那, Sa-đa-hòa 沙多和, La-vân 羅云. No 2 và D 14 không đề cập. 

[52] Bàn-đầu 盤 頭, TNM: Bàn-đầu-ma-đa 盤 頭 摩 多. No 2, No 3: Mãn-độ-ma 滿度摩. No  4: Bàn-nậu sát-lị vương 槃
裱剎利王. D 14: Bandhumant.

[53] Bàn-đầu-ba-đề 盤 頭 婆 提, TNM: Bàn-đầu-ma-na 盤 頭 摩 那. No 2: Mãn-độ-ma-đế 滿度摩帝. No 4: Bàn-đầu-mạt-đà 槃頭末陀. D 14: Bandumatī.  

[54] Bàn-đầu-ma-đề 槃頭婆提. No 2: Mãn-đô-ma 滿度摩. No 4: Sát-mạt-đề 剎末提. D 14: Bandumatī.

[55] Xem cht. 28, 29.

[56] Minh Tướng 明 相. No 2: A-rô-noa 阿嚕拏. No 4: A-luân-noa 阿輪[06]拏. D 14: A ruṇa.

[57] Quang Diệu 光 耀. No 2: 阿嚕拏. No 4: 波羅呵越提. D 14: Pabhāvati,

[58] Quang tướng 光 相. No 2: A-rô-phạ-đế 阿嚕嚩帝. No 4: A-lâu-na-hòa-đề 阿樓那惒提. D 14: Aruṇavatī.

[59] Thiện Đăng 善 燈. No 2: Tô-bát-ra-để 穌鉢囉底. No 4: Tu-ba-la-đề-hòa 須波羅提惒.  D 14: Suppatīta.

[60] Xưng giới 稱 戒. No 2: Bát-ra-bà-phạ-để 鉢囉婆嚩底. No 4: Da-xá-việt-đề 耶舍
越提.  D 14: Yasavatī

[61]. Vô Dụ 無 喻. No 2: N-nỗ-bát-ma阿努鉢麼. No 4: A-nậu-ưu-ma 阿耨憂摩. D 14:  Anopama.  

[62] Tự đắc 祀 得 (TNM: Lễ Đức 禮 德). No 2: Dã-nghê-dã-na-đa 野倪也那多. No 4: A-chi-vi-đâu 阿枝違兜. D 14: Aggidatta.

[63] Thiện Chi 善枝. No 2: Vĩ-xá-khư 尾舍佉. No 4: Tùy-xá-ca 隨
舍迦. D 14: Visākhā.

[64] An Hòa 安 和. No 2: Sát-mô-sát-ma 剎謨剎摩. No 4: Tu-ha-đề 須訶提. D 14: Khema.

[65] An hòa 安 和. No 2: Sát-ma 剎摩. No 4: Luân-ha-rị-đề-na 輪訶唎提那. D 14: Khemavatī.

[66] Đại Đức 大 德. No 2: Dã-nghe-dã-na-đỗ 野倪也那覩. No 4: Da-thiễm-bát-đa 耶[07]睒鉢多. D 14: Yaññadatta.

[67] Thiện Thắng 善 勝. No 2: Ô-đa-ra 烏多囉. No 4: Uất-đa-la 欝多羅. D 14:Uattarā.

[68] Thanh Tịnh 清淨. No 2: Thâu-bộ 輸部. No 4: Sai-ma 差
摩. D 14: Sobha.

[69]. Thanh tịnh thành 清 淨. No 2: Thâu-bà-phạ-đế 輸婆嚩帝. No 4: Sai-ma-việt-đề 差摩越提. D 14: Sobhavatī.  

[70] Phạm Đức 梵 德. No 2: Tô-một-ra-hạ-ma 穌沒囉賀摩. No 4: A-chi-đạt-da 阿枝達耶. D 14: Brahmadatta.

[71] Tài-Chủ 財主. No 2: Một-ra-hạ-ma-ngu-bát-ma 沒囉賀摩虞鉢多. No 4: Đàn-na-việt-đề-da 檀那
越提耶. D 14: Dhanavatī.

[72] Cấp-tỳ 汲 毗 (TNM: Ba-la-tỳ 波 羅 毗; có lẽ nhầm tự dạng cấp 汲và ba 波. No 2: Ngật-lí-kế 訖
里計. No 4: Thậm Đọa 甚墮. D 14: Kikī.

[73] Ba-la-nại 波羅奈. No 2: đồng. No 4: Ba-la-tư 波羅私. D 14: Bārāṇasī.

[74] Tịnh Phạn 淨飯. No 2: đồng. No 4: Duyệt-đầu-đàn 閱頭檀. D 14: Suddhodana.  

[75] Đại Thanh Tịnh Diệu 大 清 淨 妙, TNM.: Đại Hóa 大 化. No 2: Mô-ha-ma-da 謨訶摩耶. No 4: Ma-ha-ma-da 摩訶[08]摩耶. D 14: Mahamāya.

[76] Ca-tỳ-la-vệ 迦毗羅衛. No 2: Ca-tỳ-la 迦毘羅. No 4: Ca-duy-la-vệ 迦維羅衛. D 14: Kapilavatthu.

[77] D. 14 (D.i.i. 8 ): Phật giảng xong đoạn trên liền đi vào tịnh xá. Truyện kể được tiếp tục vào buổi chiều hôm đó.

[78] D. 14 (D.i.i  15): aggo’ham asmi lokassa, jeṭṭho ‘ham asmi lokassa, seṭṭho ‘ham asmi lokassa, ayam antimā jāti, n ‘atthi ‘dāni punabhavo ti, “Ta là đấng tối thượng của thế gian, là tối thắng của thế gian, là tối tôn của thế gian. Đây là sự sanh cuối cùng, không còn đời nào nữa.” 

[79] Vạn tự 萬字.

[80] Ni-câu-lô 尼拘盧; TNM: ni-câu-loại 尼拘類. Pl: nigrodha.

[81] Nguyên Hán: nhãn thượng hạ câu huyến 眼 上 下 俱 眴, nếu dịch sát: mắt trên dưới cùng nháy; không rõ nghĩa. So sánh Pl.: gopakhuma, có mí mắt như của bò cái; nghĩa là, mắt hai mí.

[82] Xem thêm: Trung 11 (tr. 493c19); Đại Bát-nhã 573 (tr. 960a28); Đại Tỳ-bà-sa 177 (tr. 888a6); Đại trí độ 29 (tr. 273c1). Pali, D.i.i 17.

[83] Để bản: lưu hành 流行. NM: lưu ô 流汙: đổ mồ hôi?

[84] Hán: kỳ mục bất huyến, như Đao lợi thiên 其 目 不 眴 如 刀 利 天  D. 14 (D.i.i  17): animisanto pekkhati seyyathāpi devā tāvatiṃsā, animisanto kumāro pekkhatā’ti kho… ‘vipassī vipassī’ tveva samaññā udapādi. “nhìn thẳng sự vật bằng cặp mắt không nháy như Chư Thiên Tāvatimsa, vì vậy, gọi là Vipassī (người quan sát).”

[85] Ca-la-tần-già 迦 羅 頻 伽; xem cht. 6.

[86] D 14 (ii 20): kammavipākajam, phát sinh từ dị thục của nghiệp.

[87] Thiên chánh đường 天 正 堂; TNM: Đại chánh đường 大 正 堂. D 14: atthakaraṇa: công đường hay pháp đường, để xử kiện. Tham chiếu, D. 14 (D.i.i  20): bandhumā rājāatthakaraṇe nisinno vipassiṃ kumāraṃ aṅke nisīdāpetvā atthe anusāsati, “Vua Bandhumā khi ngồi ở pháp đinh, đặ Vương tử Vipassī trên đùi, dạy xử án.”

[88] Tham chiếu, D. 14 (ii 20): “…do hoàng tử Vipassī có thể quan sát và phán quyết đúng chánh lý nên càng được gọi tên là Vipassī.”

[89] No 4: Du-nga 瑜誐.

[90]  Viên lâm 園 林. Pl.: uyyānabhumi; Skt. udyāna: công viên, viên quán.

[91] Hán: viên quán 園 觀, tức viên lâm. Xem cht. 90.  

[92] Sanh tử 生死, nên dọc là lão tử 老死, già và chết. Cf. Pali, D. ii 30: kimhi nu kho sati jarāmaraṇaṃ hoti, kiṃpaccayā jarāmaraṇan’ti?

[93] Nguyên Hán: lục nhập 六入.

[94] Cf. Pali, D.i.i 32: kimhi nu kho sati viññāṇaṃ hoti, kiṃpaccayā viññāṇan’ti? … nāmarūpe kho sati viññāṇaṃ hoti, nāmarūpapaccayā viññāṇan’ti. ..paccudāvattati kho idaṃ viññāṇaṃ nāmarūpamhā, nāparaṃ  gacchati. “Do có cái gì mà có thức? Do duyên là gì mà có thức? … Do có danh sắc mà có thức; do duyên là danh sắc mà có thức… Thức này từ danh sắc mà quay trở lui, không đi lên nữa. 

[95] Nguyên Hán: khổ thạnh ấm苦盛陰. Pl.: kevala-dukkhakkhanda: toàn bộ khổ uẩn.

[96] Hán: 生智, 生眼, 生覺, 生明, 生通, 生慧, 生證 sinh trí, snh nhãn, sinh giác, sinh minh, sinh thông, sinh tuệ, sinh chứng. Pali,  D.i.i 29: pubbe ananussutesu dhammesu cakkhuṃ udapādi, ñāṇaṃ udapādi, paññā udapādi, vijjā udapādi, āloko udapādi., “phát sinh con mắt thấy được các pháp chưa từng được nghe từ trước, phát sanh trí, phát sanh tuệ, phát sanh minh, phát sanh ánh sáng.

[97] Hán: thủ bỉ thủ bỉ 取彼取彼. Cf. D. ii 58: upādānañca hi… nābhavissa sabbena sabbaṃ sabbathā sabbaṃ kassaci kimhici, “nếu không có thủ với bất cứ  lọai nào, trong bất cứ trường hợp nào…”

[98] Hán: như chúng uế ác tụ 如 眾 穢 惡 聚; TNM: dĩ thâm uế ác tụ 以 深 穢 惡 聚.

[99] Hán: phong xuy ác lưu diễn 風 吹 惡 流 演; TNM: phong xuy vô lưu diễn 風 吹 無 流 演. Có lẽ muốn nói, do gió nghiệp thổi, ác pháp hay uế pháp từ ngoài rò chảy vào tâm.

[100] Đoạn trừ vô phóng dật 斷除無放逸. TNM: đoạn ấm vô phóng dật 斷陰無放逸.

[101] An ổn quán 安隱觀, xuất ly quán 出離觀.

[102] Hán: tức diệt thanh tịnh 息滅清淨 (TNM: tĩnh huyên 靜 喧). Cf. D.i.i 36:  adhigato  kho  myāyaṃ  dhammo  gambhīro duddaso duranubodho santo paṇīto atakkāvacaro nipuṇo paṇḍitavedanīyo. “Pháp mà Ta đã chứng đắc này thật là sâu xa, khó thấy, khó giác ngộ, tịch tĩnh, vi diệu, siêu việt tư duy, thâm áo, chỉ có thể biết được bởi kẻ trí.”

[103] Hán: dị kiến, dị nhẫn, dị thọ, dị học. Y bĩ sở kiến, các lạc sở cầu, các vụ sở tập (…) 異見異忍異受異學依彼所見各樂所求各務所習 (…). Đoan kinh Pali tương đương không đồng nhất với bản Hán, mà Vô Trước và Thế Thân dẫn để chứng minh sự tồn tại của thức A-lại-da: ālayarāmā kho panāyaṃ pajā ālayaratā ālayasammuditā ālayarāmāya kho pana pajāya ālayaratāya ālayasammuditāya duddasaṃ idaṃ ṭhānaṃ yadidaṃ idappaccayatā paṭiccasamuppādo. “Chúng sanh này do ham muốn ái dục (= a-lại-da), tham đắm ái dục, vui thích ái dục … do đó, khó thấy pháp này, đó là y duyên tánh và duyên khởi pháp.”

[104].    Pl., sđd.: idappaccayatapaṭiccasamuppāda, y tánh duyên khởi (cái này có do cái kia có, …)

[105] Hán: cam lộ pháp môn 甘 露 法 門; Pl.: amatassa dvāra, cánh cửa dẫn vào bất tử.

[106] Thị giáo lợi hỷ 示教利喜, tuần tự thuyết pháp của Phật: khai thị, giáo huấn, khích lệ, làm cho hoan hỷ. Pali, định cú: dhammiyā kathāya  sandassesi  samādapesi  samuttejesi  sampahaṃsesi.

[107] Dục ác bất tịnh thượng lậu vi hoạn 欲 惡 不 淨 上 漏 為 患. So sánh Pl., D. ii 44: kāmānaṃ  ādīnavaṃ   okāraṃ   saṃkilesaṃ  nekkhamme  ānisaṃsaṃ  pakāsesi, “Ngài soi sáng sự nguy hiểm, sự thấp kém, sự ô nhiễm của các dục, chỉ rõ ích lợi của sự xuất ly.”

[108].    Thiện trí 善 智, TNM: khổ trí 苦 智.

[109] Ba sự thị hiện 三事示現; xem Trường 8 (tr. 50b04), ba biến hóa 三變; Trường 16 (tr. 101c08), ba thần túc 三神足; Tạp 8 (tr. 50b16), ba thị hiện giáo hóa 三種示現教化; Tăng 15 (tr. 622b10), ba sự giáo hóa 三事教化; Đại Bát nhã 469 (tr. 372c23), ba thị đạo 三種示導; Tập dị 6 (tr. 389b17), ba thị đạo 三示導.

[110] Vô lậu tâm giải thoát 無漏心 解 脫; Pl. định cú: anupādāya āsavehi cittāni vimucciṃsu, do không còn chấp thủ mà tâm giải thoát khỏi các lậu.

[111] Để bản: sinh tử vô nghi trí 生死無疑智; TNM: sinh vô nghi trí生無疑智, không còn nghi ngờ về bốn Thánh đế.

[112] TNM: 34 vạn 8 nghìn. D 14: aṭṭhasaṭṭhibhikkhusatasahassaṃ, sáu trăm tám mươi vạn (6 800 000) tỳ kheo.

[113] Nguyên trong bản: các nhị nhơn câu 各 二 人 俱. Nên đọc là vật 勿: chớ có, thay vì các 各. Tham chiếu Pl. D. ii. 45: mā ekena dve agamittha, chớ đi hai người thành một nhóm.

[114] D 14 (ii 45): pātimokkhuddesāyā, để tụng đọc Ba-la-đề-mộc-xoa (Giới bổn của Tỳ kheo)

[115] Nguyên Hán: Thủ-đà-hội 首陀會, phiên âm của Skt. Śuddhāvasa (Pl: Suddhāvasa), dịch là Tịnh cư thiên 淨 居 天, trú xứ của các Thánh giả Bất hoàn 不 還 (Anagāmin). D. 14: aññataro mahābrahmā, một vị Đại Phạm thiên kia

[116] Nguyên Hán: Phật tất vô loạn chúng 佛悉無亂眾; TNM: Phật khiển vô loạn chúng 佛 遣無亂眾.

[117] Xem, luật Tứ phần, giới bổn tỳ kheo. Cf. Dh. 184. khantī paramaṃ tapo titikkhā, nibbānaṃ paramaṃ vadanti buddhā; na hi pabbajito parūpaghātī, na samaṇo hoti paraṃ viheṭhayanto.

[118] Nguyên Hán: Vô tạo 無造. thừong gọi là Vô phiền 無煩.  Pl.: Avīha, Skt. Avriha: 1 trong 5 Tịnh cư thiên.

[119] Nguyên bản: A-ca-nị-trá 阿迦膩咋 , dịch là Sắc cứu cánh 色究竟, tầng chót trong 5 Tịnh cư thiên. Pàli: akaniṭṭha, Skt. Akaniṣṭha.

[120] Đệ thất Đại tiên 第七大仙, chỉ đức Thích tôn; Skt. Saptamarsi, Pl: Isisattama.

[121] Vô nhiệt 無熱, Pl.; Atappa, phía trên Vô phiền thiên (Pl.. Avīha); 1 trong 5 Tịnh cư thiên.

[122] Trú đạc (độ) 晝度 cây thần thoại, tín hiệu cho ban ngày trên trời Đao-lị. Pl: Pāricchattaka.  

[123] Thiện kiến thiên 善見天, Pl.: Sudassa (Skt. Sudṛśa), 1 trong 5 cõi Tịnh cư của Thánh giả A-na-hàm.

[124] Đại Thiện kiến 大善見, Pl.: Sudassī (Skt. Sudarśana) tức chỗ khác gọi Thiện hiện, 1 trong 5 cõi Tịnh cư của Thánh giả A-na-hàm.

[125] Nhất cứu cánh 一 究 竟, tức Sắc cứu cánh, xem cht. 119.

[126] Như bắc thiên niệm 如 北 天 念, không rõ nghĩa. Để bản sót; chép theo TNM.

[127] Bất loạn 不亂; TNM: bất năng 不能, đều không rõ nghĩa.

[128] Bản Hán. hết quyển 1.