13. Kinh đại duyên phương tiện

13. ĐẠI DUYÊN PHƯƠNG TIỆN

[60a29] Tôi nghe như vầy:

Một thời gian Phật ở tại nước Câu-lưu-sa, trú xứ Kiếp-ma-sa[1], cùng với chúng đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi người.

Bấy giờ, A-nan ở tại chỗ thanh vắng suy nghĩ: “Kỳ diệu thay! Hy hữu thay! Ánh sáng của mười hai duyên khởi[2] mà đức Thế Tôn đã dạy thật là sâu xa, khó hiểu! Nhưng theo ý ta quán xét thì như thấy ở trước mắt, có gì mà gọi là sâu xa?”

Rồi thì, A-nan liền rời khỏi tịnh thất đi đến chỗ Phật; đầu mặt lễ chân Phật, rồi ngồi sang một bên, bạch Thế Tôn rằng:

“Vừa rồi, ở nơi tịnh thất, con tự thầm nghĩ: ‘Kỳ diệu thay! Hy hữu thay! Ánh sáng của mười hai duyên khởi mà Đức Thế Tôn đã dạy thật là sâu xa, khó hiểu! Nhưng theo ý ta quán xét thì như thấy ở trước mắt, có gì mà gọi là sâu xa?’”

Bấy giờ, Phật bảo A-nan:

“Thôi, thôi, A-nan! Chớ nói như vậy. Ánh sáng của mười hai duyên khởi rất sâu xa, khó hiểu. Mười hai duyên khởi này khó thấy, khó biết. Chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, những người chưa thấy duyên, nếu muốn tư lương, quán sát, phân biệt nghĩa lý của nó, đều bị hoang mê không thể thấy nổi.

“Này A-nan, nay Ta nói với ngươi: Già-chết có duyên. Nếu có người hỏi: Cái gì là duyên của già-chết? Hãy trả lời người ấy: Sanh là duyên của già-chết. Nếu lại hỏi: Cái gì là duyên của sanh. Hãy trả lời: Hữu là duyên của sanh. Nếu lại hỏi: Cái gì là duyên của hữu? Hãy trả lời: Thủ là duyên của hữu. Nếu lại hỏi: Cái gì là duyên của thủ? Hãy trả lời: Ái là duyên của thủ. Nếu lại hỏi: Cái gì là duyên của ái? Hãy trả lời: ‘Ái là duyên của thủ. Nếu lại hỏi: Cái gì là duyên của ái? Hãy trả lời: Thọ là duyên của ái.[3] Nếu lại hỏi: Cái gì là duyên của thọ? Hãy trả lời: Xúc là duyên của thọ.Nếu lại hỏi: Cái gì là duyên của xúc? Hãy trả lời: Sáu xứ là duyên của xúc. Nếu lại hỏi: Cái gì là duyên của sáu xứ? Hãy trả lời: Danh sắc là duyên của sáu xứ. Nếu lại hỏi: Cái gì là duyên của danh sắc? Hãy trả lời: Thức là duyên của danh sắc. Nếu lại hỏi: Cái gì là duyên của thức? Hãy trả lời: Hành là duyên của thức[4]. Nếu lại hỏi: Cái gì là duyên của hành? Hãy trả lời: Vô minh[5] là duyên của hành.

“Này A-nan, như vậy duyên vô minh có hành, duyên hành có thức, duyên thức có danh sắc, duyên danh sắc có sáu xứ, duyên sáu xứ có xúc, duyên xúc có thọ, duyên thọ có ái, duyên ái có thủ, duyên thủ có hữu, duyên hữu có sanh, duyên sanh có già, chết, lo, rầu, khổ, não, tập thành một khối đại hoạn. Đó là duyên của khối đại khổ uẩn vậy[6].

“Này A-nan, duyên sanh có già-chết: điều này có ý nghĩa gì? Giả sử hết thảy chúng sanh không có sanh,[7] thì có già-chết không?”[8]

“A-nan đáp: “Không”.

“Vậy nên, A-nan, Ta do lẽ đó, biết già-chết do sanh, duyên sanh có già-chết, nghĩa của Ta nói thế đó.[9]

“Lại nữa, này A-nan, duyên hữu mà có sanh là nghĩa thế nào? Giả sử hết thảy chúng sanh không có dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu, thế thì có sanh không?”

Đáp: “Không”.

“Này A-nan, Ta do lẽ đó, biết sanh do hữu, duyên hữu có sanh. Điều mà Ta nói, ý nghĩa là ở đó.

“Lại nữa, này A-nan, duyên thủ mà có hữu là nghĩa thế nào? Giả sử hết thảy chúng sanh không có dục thủ, kiến thủ, giới thủ, ngã thủ, thế thì có hữu không?”

Đáp: “Không”.

“Này A-nan, Ta do lẽ đó, biết hữu do thủ, duyên thủ có hữu. Nghĩa của Ta nói tại đó.

“Lại nữa, này A-nan, duyên ái mà có thủ là nghĩa thế nào? Giả sử hết thảy chúng sanh không có dục ái, hữu ái, vô hữu ái,[10] thế thì có thủ không?”

Đáp: “Không”.

“Này A-nan, Ta do lẽ đó, biết thủ do ái, duyên ái có thủ. Nghĩa của Ta nói tại đó.

“Lại nữa, này A-nan, duyên thọ mà có ái, là nghĩa thế nào? Giả sử hết thảy chúng sanh không có cảm thọ lạc, cảm thọ khổ, cảm thọ không lạc không khổ[11], thế thì có ái không?”

Đáp: “Không”.

“Này A-nan, Ta do lẽ đó, biết ái do thọ, duyên thọ có ái. Nghĩa của Ta nói tại đó.

“A-nan, nên biết, nhân tham ái mà có tỳm cầu, nhân tỳm cầu mà đắc lợi, nhân đắc lợi mà thọ dụng, nhân thọ dụng mà tham muốn, nhân tham muốn mà tham chấp, nhân tham chấp mà tật đố, nhân tật đố mà chấp thủ, nhân chấp thủ mà phòng hộ[12]. Này A-nan! Do phòng hộ nên mới có dao gậy, tranh cãi, gây vô số điều ác. Nghĩa của Ta nói là ở đó. Này A-nan! Nghĩa đó thế nào? Giả sử hết thảy chúng sanh không phòng hộ thế thì có dao gậy, tranh cãi, gây ra vô số ác không?”

Đáp: “Không”.

“Này A-nan, Ta do lẽ đó, biết dao gậy, tranh cãi là do tâm phòng hộ, nhân bởi tâm phòng hộ mà sinh ra. Nghĩa của Ta nói là ở đó. Lại này A-nan, nhân chấp thủ mà có phòng hộ[13] là nghĩa thế nào? Giả sử chúng sanh không tâm chấp thủ thế thì có phòng hộ không?”

Đáp: “Không”.

“Này A-nan! Ta do lẽ đó, biết có phòng hộ là do chấp thủ; nhân chấp thủ mà có sự phòng hộ. Nghĩa của Ta nói là ở đó. Lại này A-nan! Nhân tật đố có chấp thủ là nghĩa thế nào? Giả sử chúng sanh không có tâm tật đố thế thì có chấp thủ không?”

Đáp: “Không”.

“Này A-nan! Ta do lẽ đó, biết chấp thủ do tật đố; nhân tật đố mà có chấp thủ. Nghĩa của ta nói là ở đó. Lại này A-nan! Nhân tham chấp mà có tật đố là nghĩa thế nào? Giả sử chúng sanh không tham chấp thế thì có tật đố không?”

Đáp: “Không”.

“Này A-nan! Ta do lẽ đó, biết tật đố do tham chấp; nhân tham chấp mà có tật đố. Nghĩa của Ta nói là ở đó. Lại này A-nan! Nhân ham muốn mà có tham chấp là nghĩa thế nào? Giả sử chúng sanh không ham muốn thế thì có đắm trước không?”

Đáp: “Không”.

“Này A-nan! Ta do lẽ đó, biết tham chấp do ham muốn; nhân ham muốn mà có tham chấp. Nghĩa của Ta nói là ở đó. Lại này A-nan! Nhân thọ dụng mà có ham muốn là nghĩa thế nào? Giả sử chúng sanh không thọ dụng thế thì có ham muốn không?”

Đáp: “Không”.

“Này A-nan! Ta do lẽ đó, biết ham muốn do thọ dụng; nhân thọ dụng mà có ham muốn. Nghĩa của Ta nói là ở đó. Lại này A-nan! Nhân đắc lợi mà có thọ dụng là nghĩa thế nào? Giả sử chúng sanh không đắc lợi thế thì có thọ dụng không?”

Đáp: “Không”.

“Này A-nan! Ta do lẽ đó, biết thọ dụng do đắc lợi; nhân đắc lợi mà có thọ dụng. Nghĩa của Ta nói là ở đó. Lại này A-nan! Nhân tỳm cầu mà có đắc lợi là nghĩa thế nào? Giả sử chúng sanh không tỳm cầu thế thì có đắc lợi không?”

Đáp: “Không”.

“Này A-nan! Ta do lẽ đó, biết đắc lợi do tỳm cầu; nhân tỳm cầu mà có đắc lợi. Nghĩa của Ta nói là ở đó. Lại này A-nan! Nhân tham ái mà có tỳm cầu là nghĩa thế nào? Giả sử chúng sanh không tham ái thế thì có tỳm cầu không?

Đáp: “Không”.

“Này A-nan! Ta do lẽ đó, biết tỳm cầu do tham ái; nhân tham ái mà có tỳm cầu. Điều mà Ta nói, ý nghĩa là ở đó.”

Lại bảo A-nan:

“Nhân tham ái mà có tỳm cầu, cho đến có thủ hộ. Thọ cũng vậy. Nhân thọ có tỳm cầu, cho đến thủ hộ.”

Phật lại bảo A-nan:

“Duyên xúc mà có thọ, là nghĩa thế nào? Giả sử không có con mắt, không có sắc, không có thức con mắt, thế thì có xúc không?”

Đáp: “Không”.

“Nếu không có tai, không có tiếng, không có thức của tai; không có mũi, không có hương, không có thức của mũi; không có lưỡi, không có vị, không có thức của lưỡi; không có thân, xúc, thức của thân; không có ý, pháp, ý thức, thế thì có xúc không?”

Đáp: “Không”.

“Này A-nan! Giả sử chúng sanh không [61b] có xúc, thế thì có thọ không?”

Đáp: “Không”.

“A-nan, Ta do nghĩa đó, biết thọ do xúc; duyên xúc mà có thọ. Điều mà Ta nói, ý nghĩa là ở đó.

“Này A-nan! Duyên danh sắc mà có xúc, là nghĩa thế nào? Giả sử chúng sanh không có danh sắc, thế thì có tâm xúc[14] không?”

Đáp: “Không”.

“Nếu chúng sanh không có hình sắc, tướng mạo, thế thì có thân xúc không?[15]

Đáp: “Không”.

“Nếu không có danh sắc, thế thì có xúc không?”

Đáp: “Không”.

“A-nan, Ta do lẽ đó, biết xúc do danh sắc; duyên danh sắc mà có xúc. Điều mà Ta nói, ý nghĩa là ở đó.

“Này A-nan, duyên thức mà có danh sắc, là nghĩa thế nào? Nếu thức không nhập thai mẹ thì chừng có danh sắc không?”

Đáp: “Không”.

“Nếu thức nhập thai mẹ rồi không sinh ra[16], thế thì có danh sắc không?”

Đáp: “Không”.

“Nếu thức ra khỏi thai mẹ mà đứa hài nhi bị hỏng thì danh sắc có được tăng trưởng không?”

Đáp: “Không”.

“A-nan, nếu không có thức, thế thì có danh sắc không?”

Đáp: “Không”.

“A-nan, Ta do lẽ đó, biết danh sắc do thức; duyên thức mà có danh sắc. Nghĩa của ta nói là ở đó.

“A-nan, duyên danh sắc có thức là nghĩa thế nào? Nếu thức không trụ nơi danh sắc thời thức không có trú xứ. Nếu thức không có trú xứ, thế thì có sanh, già, bịnh, chết, ưu bi khổ não không?”

Đáp: “Không”.

“Này A-nan, nếu không danh sắc thì có thức không?”

Đáp: “Không”.

“A-nan, Ta do lẽ đó, biết thức do danh sắc; duyên danh sắc mà có thức. Nghĩa của Ta nói là ở đó. Vậy nên, danh sắc duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên sáu xứ, sáu xứ duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên già-chết, ưu bi khổ não, tập thành một đại khổ uẩn.

“Này A-nan, trong giới hạn ấy là ngôn ngữ, trong giới hạn ấy là sự thích ứng, trong giới hạn ấy là hạn lượng, trong giới hạn ấy là sự phô diễn, trong giới hạn ấy là trí quán, trong giới hạn ấy là chúng sanh[17].

“Này A-nan, các Tỳ-kheo nào ở trong pháp này mà như thật chánh quán, với tâm giải thoát vô lậu, Tỳ-kheo ấy được gọi là tuệ giải thoát[18]. Tỳ-kheo giải thoát như vậy có thể biết Như lai tồn tại hay không tồn tại sau khi chết, cũng biết Như lai vừa tồn tại vừa không tồn tại sau khi chết, cũng biết Như Lai chẳng phải vừa tồn tại vừa không tồn tại sau khi chết. Vì sao? Này A-nan, trong giới hạn ấy là ngôn ngữ, trong giới hạn ấy là sự thích ứng, trong giới hạn ấy là hạn lượng, trong giới hạn ấy là sự phô diễn, trong giới hạn ấy [61c] là trí quán, trong giới hạn ấy là chúng sanh. Sau khi đã hiểu biết tận cùng, Tỳ-kheo với tâm giải thoát vô lậu không biết không thấy tri kiến như vậy[19].

“Này A-nan, nói rằng chấp ngã, cho đến mức nào thì được gọi là ngã kiến? Danh sắc và thọ đều được chấp là ngã.

“Có người nói, ‘thọ không phải ngã; ngã là thọ.’ Có người nói, ‘thọ không phải ngã, ngã không phải thọ; nhưng thọ pháp là ngã.’ Có người nói, ‘thọ không phải ngã, ngã không phải thọ, thọ pháp không phải ngã; nhưng thọ là ngã[20]’.

“Này A-nan, đối với người thấy có ngã, nói rằng ‘thọ là ngã’, hãy nói với người ấy: Như Lai nói có ba thọ là cảm thọ lạc, cảm thọ khổ, cảm thọ không lạc không khổ. Trong lúc hiện hữu thọ lạc thì không có thọ khổ, không có thọ không lạc không khổ. Trong khi hiện hữu thọ khổ thì không có thọ lạc, không có thọ không lạc không khổ. Trong lúc hiện hữu thọ không lạc không khổ thì không có thọ lạc, không có thọ khổ. Sở dĩ như vậy, A-nan, là vì do duyên là xúc lạc mà phát sanh thọ lạc. Nếu xúc lạc diệt mất, thì thọ lạc cũng diệt mất. A-nan, do duyên là xúc khổ mà phát sinh cảm thọ khổ. Nếu xúc khổ diệt mất thì thọ khổ cũng diệt mất. Này A-nan, do duyên là xúc không lạc không khổ mà phát sanh thọ không lạc không khổ. Nếu xúc không lạc không khổ diệt mất thì thọ không lạc không khổ cũng diệt mất. A-nan, ví như hai khúc cây cọ lại với nhau thì lửa bật ra; hai khúc cây rời nhau thì lửa không có. Ở đây cũng vậy, nhân bởi duyên là xúc lạc mà thọ lạc phát sanh; nếu xúc lạc diệt thì thọ cũng đồng thời diệt. Nhân bởi duyên là xúc khổ mà thọ khổ phát sanh; nếu xúc khổ diệt thì thọ cũng đồng thời diệt. Nhân bởi duyên là xúc không lạc không khổ mà thọ không lạc không khổ phát sanh; nếu xúc không lạc không khổ diệt thì thọ cũng đồng thời diệt. Này A-nan! Ba thọ đó là hữu vi, vô thường, duyên khởi, là pháp phải tận, phải diệt, là pháp hủ hoại, nó chẳng phải sở hữu của ngã; ngã không phải là sở hữu của nó. Hãy chánh quán điều đó một cách như thật với chánh trí. A-nan, ai thấy có ngã, cho rằng ‘thọ là ngã’, người ấy sai lầm.

“A-nan, với những ai thấy có ngã, nói rằng, ‘thọ không phải là ngã; (nhưng) ngã là thọ’, hãy nói với người ấy rằng: Như Lai nói có ba thọ: thọ khổ, thọ lạc, thọ không khổ không lạc. Nếu thọ lạc là ngã; khi thọ lạc diệt mất, sẽ có hai ngã. Điều ấy sai lầm. Nếu thọ khổ là ngã; khi thọ khổ diệt mất thì sẽ có hai ngã. Điều ấy sai lầm. Nếu thọ không lạc không khổ là ngã; khi thọ không lạc không khổ diệt, thì sẽ có hai ngã. Điều ấy sai lầm. A-nan, những ai thấy có ngã, nói rằng ‘thọ không phải là ngã; ngã là thọ’, người ấy sai lầm.[21]

“A-nan, với những ai chủ trương có ngã, nói rằng: ‘thọ không phải là ngã; ngã không phải là [62a] thọ, thọ pháp là ngã’,[22] hãy nói với người ấy rằng: ‘Hết thảy không thọ, làm sao ông nói được có thọ pháp. Ông là thọ pháp chăng’?[23] Đáp: ‘Không phải.’

“Vì vậy, A-nan, những ai chủ trương có ngã, nói rằng: ‘thọ không phải là ngã, ngã không phải là thọ; thọ pháp là ngã’, người ấy sai lầm.

“A-nan, với những ai chủ trương có ngã, nói rằng: ‘thọ không phải là ngã, thọ pháp không phải là ngã; nhưng thọ là ngã[24] ”, nên nói với người ấy: ‘Hết thảy không có thọ, làm sao có thọ. Ông chính là thọ chăng?[25] ’ Đáp: ‘Không phải.’ Vì vậy, A-nan, những ai chủ trương có ngã, nói rằng: ‘thọ không phải là ngã, ngã không phải là thọ, thọ pháp không phải là ngã; thọ là ngã’, người ấy sai lầm.

“A-nan, trong giới hạn ấy là ngôn ngữ; trong giới hạn ấy là sự thích ứng; trong giới hạn ấy là hạn lượng; trong giới hạn ấy là sự phô diễn; trong giới hạn ấy là trí quán; trong giới hạn ấy là chúng sanh.

“A-nan, các Tỳ-kheo ở trong pháp này mà như thật chánh quán, với tâm giải thoát vô lậu, A-nan, Tỳ-kheo ấy được gọi là tuệ giải thoát. Với Tỳ-kheo tâm giải thoát như vậy, có ngã cũng được biết, không có ngã cũng được biết, vừa có ngã vừa không có ngã cũng được biết, không phải có ngã không phải không có ngã cũng được biết. Vì sao? Này A-nan, trong giới hạn ấy là ngôn ngữ; trong giới hạn ấy là sự thích ứng; trong giới hạn ấy là hạn lượng; trong giới hạn ấy là sự phô diễn; trong giới hạn ấy là trí quán; trong giới hạn ấy là chúng sanh. Sau khi biết rõ thấu suốt như vậy, Tỳ-kheo với tâm giải thoát vô lậu không biết không thấy tri kiến như vậy.”[26]

Phật nói A-nan:

“Với những người chủ trương có ngã, cho đến giới hạn nào thì được xác định?”

“Với những người chủ trương có ngã, hoặc nói: ‘Ít, sắc, là ngã’;[27] hoặc nói: ‘Nhiều, sắc, là ngã’;[28] hoặc nói: ‘Ít, vô sắc, là ngã’;[29] hoặc nói: ‘Nhiều, vô sắc, là ngã.[30]

“A-nan, những người nói ít, sắc, là ngã, xác định rằng ‘Ít, sắc, là ngã: sở kiến của ta là đúng, ngoài ra đều sai.’ Những người nói nhiều, sắc, là ngã, xác định rằng ‘Nhiều, sắc, là ngã: sở kiến của ta là đúng, ngoài ra đều sai.’ Những người nói ít, vô sắc, là ngã, xác định rằng ‘Ít, vô sắc, là ngã: sở kiến của ta là đúng, ngoài ra đều sai.’ Những người nói nhiều, vô sắc, là ngã, xác định rằng ‘Nhiều, vô sắc, là ngã: sở kiến của ta là đúng, ngoài ra đều sai.’”

Phật nói với A-nan:

“Có bảy trú xứ của thức[31], và hai nhập xứ[32], mà các Sa-môn, Bà-la-môn nói: ‘Chỗ này là nơi an ổn, nơi cứu vớt, nơi hộ trì; là cái nhà, là ngọn đèn, là ánh sáng, là nơi qui tựa, là không hư dối, là không phiền não.’

“Những gì là bảy? Hoặc có hạng chúng sanh, với nhiều thân khác nhau và nhiều tưởng khác nhau, tức (một phần) chư Thiên và loài Người. Đó là trú xứ thứ nhất của thức, mà các Sa-môn, Bà-la-môn nói: ‘Chỗ này là nơi an ổn, nơi cứu vớt, nơi hộ trì; [62b] là cái nhà, là ngọn đèn, là ánh sáng, là nơi qui tựa, là không hư dối, là không phiền não.’ Này A-nan, nếu Tỳ-kheo biết trú xứ thứ nhất của thức, biết sự tập khởi, biết sự diệt trừ, biết vị ngọt, biết sự tai hại, biết sự xuất ly, biết một cách như thật; A-nan, Tỳ-kheo ấy nói: ‘Cái ấy không phải là ta. Ta không phải là cái ấy’[33] với tri kiến như thật.

“Hoặc có hạng chúng sanh với thân đồng nhất nhưng với nhiều tưởng khác nhau, như trời Phạm chúng. Hoặc có hạng chúng sanh với thân đồng nhất, tưởng đồng nhất, tức trời Biến Tịnh. Hoặc có hạng chúng sanh trú nơi không vô biên xứ xứ. Hoặc có hạng chúng sanh trú nơi thức vô biên xứ. Hoặc có hạng chúng sanh trú nơi vô sở hữu xứ. Đó là bảy trú xứ của thức mà các Sa-môn, Bà-la-môn nói: ‘Chỗ này là nơi an ổn, nơi cứu vớt, nơi hộ trì; là cái nhà, là ngọn đèn, là ánh sáng, là nơi qui tựa, là không hư dối, là không phiền não.’ Này A-nan, nếu Tỳ-kheo biết bảy trú xứ của thức, biết sự tập khởi, biết sự diệt trừ, biết vị ngọt, biết sự tai hại, biết sự xuất ly, biết một cách như thật; A-nan, Tỳ-kheo ấy nói: ‘Cái ấy không phải là ta. Ta không phải là cái ấy’ với tri kiến như thật.

“Thế nào là hai nhập xứ? Vô tưởng xứ và phi tưởng phi phi tưởng xứ[34]. A-nan, đó là hai nhập xứ mà các Sa-môn, Bà-la-môn nói: ‘Chỗ này là nơi an ổn, nơi cứu vớt, nơi hộ trì; là cái nhà, là ngọn đèn, là ánh sáng, là nơi qui tựa, là không hư dối, là không phiền não.’ Này A-nan, nếu Tỳ-kheo biết hai nhập xứ, biết sự tập khởi, biết sự diệt trừ, biết vị ngọt, biết sự tai hại, biết sự xuất ly, biết một cách như thật; A-nan, Tỳ-kheo ấy nói: ‘Cái ấy không phải là ta. Ta không phải là cái ấy’ với tri kiến như thật.

“A-nan, lại có tám giải thoát.[35] Những gì là tám? Có sắc, quán sắc; giải thoát thứ nhất. Bên trong có sắc tưởng, quán ngoại sắc; giải thoát thứ hai. Tịnh giải thoát; giải thoát thứ ba. Vượt sắc tưởng, diệt hữu đối tưởng, không niệm tạp tưởng, an trú không vô biên xứ; giải thoát thứ tư. Vượt không vô biên xứ, an trú thức vô biên xứ xứ; giải thoát thứ năm. Vượt thức vô biên xứ, an trú vô sở hữu xứ; giải thoát thứ sáu. Vượt vô sở hữu xứ, an trú phi tưởng phi phi tưởng xứ; giải thoát thứ bảy. Diệt tận định, giải thoát thứ tám. A-nan, các Tỳ-kheo an trú trong tám giải thoát này theo chiều thuận và nghịch, xuất nhập tự tại; Tỳ-kheo như vậy chứng đắc câu giải thoát.[36]

Bấy giờ, A-nan sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

 


*  佛說長阿含第二分[03]大緣方便經第九

[1] Câu-lưu-sa quốc Kiếp-ma-sa trú xứ 拘流沙國劫摩沙住處; Pl.: Kurūsu viharati Kammāsadhammaṃ nāma Kurūnaṃ nigamo, trú giữa những người Kuru, tại một ấp của người Kuru gọi là Kammāsadhamma. No 14: Câu-loại quốc, Pháp trị xứ 拘類國法治處.

[2] Thập nhị nhân duyên chi quang minh thậm thâm nan giải 十二因緣之光明甚深難解; D 15 (ii 55): yāva gambīro cāyaṃ bhante, paṭiccasamuppādo gambīrāvabhāso ca, lý duyên khởi thật sâu xa, sự biểu hiện (ánh sáng) cũng rất sâu xa. No 26(97): Thử duyên khởi thậm kỳ; cực thậm thâm; minh diệc thậm thâm. 此緣起甚奇極甚深明亦甚深: duyên khởi này thật kỳ diệu, rất sâu thẳm; ánh sáng của nó cũng rất sâu thẳm.

[3] No 14: lần ngược từ lão tử lên đến ái thì trở lui: ái cầu 愛求 nhân duyên thọ 受 (thủ); thọ (thủ) nhân duyen hữu 有; hữu nhân duyên sanh 生; sanh nhân duyên lão tử 老死.

[4] D 15 ibid.: kiṃpaccayā    viññāṇan’ti iti ce vadeyya, nāmarūpaccayā viññāṇan’ti iccassa vacanīyaṃ  iti kho, ānanda, nāmarūpapaccayā viññāṇaṃ, viññāṇapaccayā nāmaūpaṃ: duyên gì có thức? Duyên danh sắc có thức. “Duyên danh sắc có thức, duyên thức có danh sắc.” Cf. D 14. Lưu ý, trong các bản Pàli dẫn trên, không đề cập đến hai chi cuối là hành (saṅkhāra) và vô minh (avijja). Nhưng, bản Hán, trong phần quảng diễn sau, cũng chỉ truy lên đến “thức duyên danh sắc và danh sắc duyên thức”, không lên đến hành và vô minh.

[5] Nguiyên Hán: si 痴.

[6] D 25 ibid.: evam etassa kevalassa dukkhakkhandassa samudayo hoti, đó là sự tập khởi của khối đau khổ toàn diện này.

[7] No 26(97): “giả sử không có sanh; cá…, chim…, trời..., người…, không có cái gì, không có bất cứ nơi đâu có sanh…” Cf. No 14.

[8] D 15, ibid.: sabbaso jātiyā asati jātinirodhā api nu kho jarāmaraṇaṃ paññāyethā”ti? “Nếu hoàn toàn không có sự sanh, hay sanh đã diệt, thì có thể có khái niệm về già-chết không?”

[9] Pali, ibid.: eseva hetu etaṃ nidānaṃ esa samudayo esa paccayo jarāmaraṇassa, yadidaṃ jāti, như vậy là nhân, nhân do, tập khởi, duyên của già-chết. đó là sanh. No 26(97): đó là nhân 因, là tập習, là bản 本, là duyên 緣 của già-chết, tức là sanh.

[10] Pali, ibid.: sáu ái thân, sắc ái (rūpataṇhā), cho đến pháp ái (dhammataṇhā).

[11] Pali, ibid.: sáu thọ thân: thọ sanh bởi nhãn xúc (cakkhusamphassajā vedanā), cho đến thọ sanh bởi ý xúc (manosamphassajā vedanā).

[12] Chuỗi quan hệ, Hán: ái 愛, cầu 求, lợi 利, dụng 用, dục 欲, trước 著, tật 嫉, thủ 守, hộ 護. Pl.: taṇhā (khát ái), pariyesanā (tỳm cầu), lābho (thủ đắc), vinicchayo (quyết định, sử dụng), chandarāgo (ham muốn), ajjhosānaṃ (tham chấp), pariggaho (giữ chặt), macchariyaṃ (keo kiệt), ārakkho (canh giữ). Cf. No 26(97): ái 愛, cầu 求, lợi 利, phân 分, nhiễm dục 染欲, trước 著, xan 慳, gia 家, thủ 守. No 14: ái 愛, cầu 求, lợi 利, kế 計, lạc dục 樂欲, vãng ái 往愛, xan 慳, hữu gia 有家, thủ 守.

[13] Pali, ibid.: nhân keo kiệt mà có canh gữ (macchariyaṃ paṭicca ārakkho’ti.).

[14] Hán: tâm xúc 心觸. No 14: tâm cánh 心更. Cf. 15 (ii 52).: yehi … ākārehi yehi lingehi yehi nimittehi yehi uddesehi nāmakāyassa paññatti hoti, tesu (…) asati api nu kho rūpakāye adhivacanasamphasso paññāyethā ti ? “Với những hình thái, dấu hiệu, hình tướng, biểu hiện, mà danh thân (danh trong danh sắc) được khái niệm, nếu những hình thái ấy không tồn tại, thì có thể có khái niệm về xúc chạm tinh thần nơi sắc thân (sắc trong danh sắc) được không ?” adhivacana-samphassa: tăng ngữ xúc, danh mục xúc, sự xúc chạm do bởi các yếu tố tinh thần hay tâm lý (danh); tương đối với paṭigha-samphassa, hữu đối xúc.

[15] Hán: thân xúc 身觸. Cf. D 15, ibid. : yehi … ākārehi yehi liṅgehi yehi nimittehi yehi uddesehi rūpakāyassa paññatti hoti, tesu (…) asati api nu kho nāmakāye paṭighasamphasso paññāyethā ti ? “Với những hình thái, những dấu hiệu, những hình tướng, những biểu hiện mà có khái niệm về sắc thân; nếu những cái ấy không tồn tại, thì có thể có khái niệm về xúc chạm bởi vật chất (sắc) nơi danh thân được không; paṭigha-samphassa: hữu đối xúc, xúc chạm do đối ngại, tức sự tiếp xúc bởi vật chất, trái với adhivacana-samphassa, sự tiếp xúc bởi tinh thần.

[16] Hán: nhập thai bất xuất 入胎不出; Pl.: viññāṇaṃ mātukucchismiṃ okkamitvā vokkamissatha, thức sau khi vào thai mẹ mà lại đi ra (bị trụy thai).

[17] Hán: tề thị vi ngữ, tề thị vi ứng, tề thị vi hạn, tề thị vi diễn thuyết, tề thị vi trí quán, tề thị vi chúng sanh 齊是為語齊是為應齊是為限齊是為演說齊是為智觀齊是為眾生. D 15.: ettātavā adhivacanapatho, ettāvatā niruttipatho, ettāvatā paññattipatho, ettāvatā paññāvacaraṃ, ettāvatā vaṭṭaṃ vattati itthattaṃ paññāpānāya yadidaṃ nāmarūpaṃ saha viññaṇa aññamaññapaccayatā pavattati, trong giới hạn ấy là con đường của danh ngôn; … “là con đường của ngữ nghĩa, … là con đường của sự giả lập (khái niệm), … là cảnh giới của trí tuệ, là sự lưu chuyển luân hồi để giả lập (có khái niệm) thế giới này, tức là danh sắc cùng với thức xoay chuyển làm điều kiện cho nhau.”

[18] Tuệ giải thoát (Pl.: paññā-vimutti), chỉ vị A-la-hán do tuệ mà đoạn trừ sở tri chướng, chứng đắc giải thoát; khác với vị A-la-hán do định mà đoạn trừ phiền não chướng, chứng đắc giải thoát, và được gọi là tâm giải thoát (Pl.: citta-vimutti).

[19] Hán: (…) bất tri bất kiến như thị tri kiến 不知不見如是知見; cf. D 15: evaṃ vimutticittaṃ…bhikkhuṃ yo evaṃ vadeyya: ‘hoti Tathāga(…) tad abhiññāvi        muttaṃ bhikkhuṃ yo paraṃ maraṇā(…)’ itissa diṭṭhī ti, tad akallaṃ, ‘na jānāti na passati itissa diṭṭhī’ ti, tad akallaṃ: “ai nói, Tỳ-kheo với tâm giải thoát như vậy mà có quan điểm rằng ‘Như Lai tồn tại sau khi chết (…)’, người ấy sai lầm. (…). nói rằng, Tỳ-kheo với thắng trí giải thoát như vậy mà ‘không biết, không thấy quan điểm như vậy;’ điều ấy sai lầm.”

[20] Bốn quan điểm về tự ngã theo bản Hán: thọ thị ngã 受是我; thọ phi ngã, ngã thị thọ 受非我我是受; thọ phi ngã, ngã phi thọ, thọ pháp thị ngã 受非我我非受受法是我; thọ phi ngã, ngã phi thọ, thọ pháp phi ngã, đản thọ (bản khác: ái) thị ngã 受非我我非受受法非我但受(愛)是我. Cf. D 15 (ii 56): vedanā me attā ti: na heva kho me vedanā attā, appaṭisaṃvedano me attā; na heva kho pana vedanā attā, no pi appaṭisaṃvedano ime attā, attā me vediyate, vedanādhammo hi me attā, thọ là tự ngã của tôi; thọ không phải là tự ngã của tôi, (vì) tự ngã của tôi không cảm thọ; không phải thọ là tự ngã của tôi, cũng không phải tự ngã của tôi không có cảm thọ, (nhưng) ngã của tôi được (bị) cảm thọ, pháp cảm thọ là tự ngã của tội. Bốn trường hợp này trả lời câu hỏi: phải quán sát ngã như thế nào? (kittāvatā attānaṃ samanupassamāno samanupassati).

[21] Bản Hán và Pali không thông nhất về trường hợp này.

[22] Cf. D 15: ne heva kho me vedanā attā, appaṭisaṃvedano me attā: thọ không phải là ngã của tôi; (nhưng) ngã của tôi (là cái) không có cảm thọ.

[23] (…): yattha panāvuso sabbaso vedayitaṃ natthi api nu kho tattha ‘ayam ahamasmī” ti? nơi nào hoàn toàn không được cảm thọ, nơi đó sao có thể nói: tôi đang hiện hữu?”

[24] Cf. D 15: na heva kho me vedanā attā, nopi appaṭisaṃvedano me attā, attā me vediyati, vedanādhammo hi me attā’ ti, “không phải rằng ngã của tôi là thọ, cũng không phải rằng ngã của tôi là cái không cảm thọ; (nhưng) ngã của tôi được (bị) cảm thọ, pháp thọ thật vậy là ngã của tôi.””

[25] Cf. ibid.: vedanā ca hi, āvuso, sabbena sabbaṃ sabbathā sabbaṃ aparisesā nirujjheyyuṃ, sabbaso vedanāya asati vedanānirodhā api nu kho tattha ayam aham asmī ti siyā’ ti ? “Này bạn, nếu tất cả các loại cảm thọ, một cách triệt để, đều bị diệt hoàn toàn; vậy trong khi cảm thọ không tồn tại, cảm thọ diệt, thế thì ở đó có thể nói: ‘tôi đang hiện hữu’ được chăng ?”

[26] Bản Pali: với Tỳ kheo vô lậu tâm giải thoát như vậy, ai nói vị ấy không thấy, không biếtquan điêm như vây; người ấy sai lầm.

[27] Hán: thiểu sắc thị ngã 少色是我. D 15: rūpī me paritto attā, “ngã của tôi có sắc, có hạn lượng.”

[28] Hán: đa sắc thị ngã 多色是我. D 15: rūpī me ananto attā, “ngã của tôi có sắc, vô biên.”

[29] Hán: thiểu vô sắc thị ngã 少無色是我. D 15: arūpī me paritto attā, “ngã của tôi là vô sắc, có hạn lượng.”

[30]. Hán: đa vô sắc thị ngã 多無色是我. Pl.: arūpī me ananto attā, “ngã của tôi là vô sắc, vô biên.”

[31] Thất thức trú 七 識 住; Pl.: satta viññāṇaṭṭhitiyo, bảy trạng thái tồn tại của thức. Tham chiếu các kinh số 9 “Chúng tập”, số 10 “Thập thượng”, số 11 “Tăng nhất”, mục 7 pháp.

[32] Nhị nhập xứ 二入處; Pl.: dve āyatanāni.  

[33].     Hán: bĩ phi ngã, ngã phi bĩ 彼 非 我 我 非 彼. Tham chiếu Pl.: (…) kallaṃ nu tena tad abhinandituṃ ti ? Có thích hợp chăng nếu vị ấy thích thú với trú xứ này?

[34].     Vô tưởng nhập 無 想 入; Pl.: asaññāsattāyatanaṃ, cảnh vực của chúng sanh không có tưởng. Hán: phi tưởng phi vô tưởng nhập 非 想 非 無 想 入; Pl.: nevasaññānāsaññāyatanaṃ, cảnh vực phi có tưởng phi không có tưởng.

[35].     Xem các kinh, số 9 “Chúng tập”, số 10 “Thập thượng.”

[36] Câu giải thoát, hay câu phần giải thoát 俱分解脫 (Pl.: ubhatobhāga-vimutti), chỉ vị A-la-hán chứng đắc diệt tận định, với hai phần giải thoát là tâm giải thoát (Pl.: citta-vimutti) và tuệ giải thoát (paññā-vimutti).