Bản Sắc Của Phật giáo Việt Nam

...Phật giáo Việt Nam đã có được những bản sắc riêng. Và người Phật tử Việt Nam đã biết đem đạo Phật làm phương châm sinh hoạt cho quốc gia và dân tộc.

Tuy nhiên, nếu văn hóa Việt Nam chưa có được những sắc thái kỳ đặc nào lớn lao thì Phật giáo Việt Nam cũng chưa có được những nét huy hoàng nhiệt liệt. Trải qua bao nhiêu nguy nan đau khổ của các thời đại sống trong chiến họa liên miên, dân tộc Việt Nam đã không có thì giờ và điều kiện để mà phát triển nền văn hóa Việt Nam, cố nhiên là cũng cùng chung số phận đó.

...Bản chất của văn hóa Phật giáo là sự sống an hòa, tịnh lạc. Hình thái của văn hóa Phật giáo phải là phản chiếu được nếp sống an hòa tịnh lạc đó. Từ giáo lý cho đến nghệ thuật, âm nhạc, điêu khắc, kiến trúc, tinh thần Phật giáo được lưu lộ cùng với tinh thần dân tộc, một mái Chùa cong, một ngôi Tháp cổ, một tiếng chuông thuần hậu,... đã nói với ta những gì? Hồn dân tộc sống lành mạnh trong tinh thần Phật giáo. Quay về với nền Phật giáo dân tộc, xây dựng cho nền Phật giáo dân tộc để đưa nước nhà đến chỗ an lạc phú cường, đó là bổn phận của người Phật tử Việt Nam.


Bản Sắc Của Phật giáo Việt Nam

Trần Thạc Ðức

Ðạo Phật là một đường lối sống, một lẽ sống. Nhưng đạo Phật không phải là một khuôn khổ giáo điều và giới điều khô khan, cứng cỏi, thiếu tính chất sống động. Một giáo lý có gần ba ngàn năm lịch sử truyền bá, luôn luôn phát triển với thời gian, thích nghi với không gian, hòa hợp chặt chẽ với cuộc sống như đạo Phật, không thể được xem như một mớ giáo điều khô khan và cứng cỏi.

Nhựa sống của Phật giáo tràn trề và phong phú, bất tuyệt, vì đạo Phật là chân lý, là nguồn sống của tất cả mọi sự sống. Thế cho nên đạo Phật sống vĩnh viễn giữa cuộc sống nhân loại với nguyên tắc tùy thời và tùy cơ. Ðạo Phật có thể sống trong bất cứ một thời đại nào, ở bất cứ một địa phương nào, vì Phật giáo có một khả năng đồng hóa hết sức mầu nhiệm.

Nhiều người không bằng lòng khi thấy Phật giáo có nhiều phân phái quá, nhiều màu sắc, nhiều chủ trương quá. Nào Phật giáo Tiểu thừa, nào Phật giáo Ðại thừa, nào Không tôn, nào Hữu tôn, nào Hiển, nào Mật, nào áo vàng, nào áo nâu. Nơi thì Tăng chúng khất thực, nơi thì Tăng chúng cư trú tại tự viện; nơi thì sùng thượng Phật sống, nơi thì thành lập phái Tân Tăng,... Người ta muốn rằng Phật giáo phải là duy nhất, đồng một màu sắc, một tổ chức, một hình thức. Nhưng người ta đã lầm. Thời đại khác, địa phương khác, căn cơ khác, thì làm sao mà cùng có chung một hình thức sinh hoạt cho được. Vì thế cho nên đi đến xứ nào, Phật giáo cũng liền tìm cách thích nghi với xứ ấy để tự hòa mình trong sinh hoạt quần chúng. Cùng là Phật giáo cả, nhưng Phật giáo Tây Tạng khác, Phật giáo Trung Hoa khác, Phật giáo Nhật Bản khác, Phật giáo Thái Lan khác. Y phục khác nhau. Kiến trúc tự viện khác nhau. Tổ chức giáo hội khác nhau. Giáo lý hệ phái khác nhau. Nói tóm lại, mỗi quốc gia có một nền Phật giáo đặc biệt của riêng mình, một nền Phật giáo độc lập.

Vì điều kiện khí hậu, phong tục, chủng tính của địa phương, quốc gia là những đơn vị cần thiết không thể nào xóa bỏ được, Phật giáo là một viên đá nền tảng cho nền văn hóa quốc gia cố nhiên cũng cần thích hợp với địa phương tính để làm căn bản tinh thần duy trì nền độc lập quốc gia. Cũng vì thế Phật giáo của một quốc gia nào cũng cần phải có những bản sắc riêng biệt, thích hợp với sinh hoạt quần chúng của quốc gia ấy.

Nhìn sang các nước láng giềng ta thấy Phật giáo của họ đều có những sắc thái đặc biệt, Phật giáo của họ có những hệ thống giáo lý riêng, những tôn phái riêng, những lề lối giáo dục và tự học riêng, những phương tiện hoạt động riêng, những nghi lễ và phong tục riêng,... Tất cả những cái "riêng" ấy thích hợp với cá tính dân tộc họ, với lề lối sinh hoạt của quốc dân họ và có lợi ích thiết thực cho đời sống mọi người. Một nền Phật giáo dân tộc được tạo dựng trên một lịch sử truyền bá, với những hệ thống giáo lý, những vị danh Tăng, những tác phẩm văn học là những hoạt động phổ biến và sinh hoạt hóa giáo lý trong đời sống quốc dân.

Nước Việt Nam ta, một nước thấm nhuần Phật giáo từ mười mấy thế kỷ nay, lý nào lại không có một nền Phật giáo dân tộc?

Lật lại những trang sử Phật giáo nước nhà, chúng ta thấy luôn luôn Phật Tử Việt Nam muốn đi đến sự thành lập một nền Phật giáo quốc gia. Ngoài những dòng Thiền tông do Trung Hoa truyền xuống, Phật giáo Việt Nam còn có một phái Thiền tông đặc biệt của mình: đó là phái Trúc Lâm Yên Tử. Ngoài những giáo lý hệ do ngoại quốc đưa vào, danh Tăng Việt Nam đã cố dựng những giáo lý hệ đặc biệt của mình: đó là thuyết Tam Bản của Ngộ Ấn Thiền sư, thuyết Tam Pháp nhất của Cứu Chỉ Thiền sư,... Ngoài những tác phẩm Kinh điển của ngoại quốc đưa vào, danh Tăng Việt Nam còn sản xuất thêm nhiều loại: đó là những tác phẩm thi ca, phiên dịch, sáng tác của nền văn học Phật giáo Việt Nam từ đời Lý, Trần, sang các đời Lê, Nguyễn. Phật giáo Việt Nam lại có một cố gắng đáng khen hơn cả là đã cố dung hợp được hai phương diện xuất thế, nhập thế để tạo thành một lối sống đặc biệt cho người Phật tử: một nhà vua có thể là một vị Thiền sư và một vị Thiền sư có thể là một quốc sư. Ðời không xa đạo là đạo sống ngay trong cuộc đời, đó là khuynh hướng dung hòa hai phương diện xuất thế và nhập thế của phái Thiền tông Việt Nam đời Lý vậy.

Nói tóm lại, Phật giáo Việt Nam đã có được những bản sắc riêng. Và người Phật tử Việt Nam đã biết đem đạo Phật làm phương châm sinh hoạt cho quốc gia và dân tộc.

Tuy nhiên, nếu văn hóa Việt Nam chưa có được những sắc thái kỳ đặc nào lớn lao thì Phật giáo Việt Nam cũng chưa có được những nét huy hoàng nhiệt liệt. Trải qua bao nhiêu nguy nan đau khổ của các thời đại sống trong chiến họa liên miên, dân tộc Việt Nam đã không có thì giờ và điều kiện để mà phát triển nền văn hóa Việt Nam, cố nhiên là cũng cùng chung số phận đó.

Hiện nay, quốc dân đang cố xây đắp tô bồi cho các bộ môn văn hóa: văn học, mỹ thuật, Kinh tế, chính trị, tư tưởng, phong tục đều đang ở trên đà tiến triển. Những tinh hoa của văn hóa quốc tế được thu thập để bồi bổ cho văn hóa nước nhà. Những gì đặc biệt của văn hóa quốc gia được nêu cao và phát triển mạnh mẽ. Trong công trình xây dựng văn hóa, Phật giáo vẫn phải đóng những vai trò quan trọng của ngày xưa. Nghĩa là Phật giáo Việt Nam phải tìm ngay cho mình những sắc thái riêng biệt, độc lập, Phật giáo Việt Nam phải hòa hợp trong cuộc sống của dân tộc để sáng tạo văn hóa và sáng tạo cho mình những bản sắc đặc biệt, duy trì được cá tính quốc gia, bảo vệ được nền độc lập và tự do của tổ quốc.

Một tam tạng Kinh điển bằng quốc văn phải được cấp thời tạo dựng. Những trường cao đẳng Phật học phải được xây dựng lên để nghiên cứu và phổ biến giáo lý, đào luyện những Tăng tài đất nước, tổng hợp và tinh luyện lên những giáo lý hệ hợp với tâm hồn, căn cơ, và sinh hoạt của quần chúng Việt Nam. Nghi thức tán tụng, lễ nhạc, phẩm phục phải được nghiên cứu lại cho hợp với cá tính người Việt và đúng với chánh pháp. Từ hội họa, âm nhạc, cho đến kiến trúc, điêu khắc, Phật giáo Việt Nam phải có những nét đặc biệt thuần túy và bao giờ cũng biểu thị được tinh thần đạo Phật.

Mong rằng chúng ta không còn phải bắt chước Tàu mãi như ở ngày xưa và cũng sẽ không bị lai Tây như thời nay. Ðâu đó người ta còn thờ đức Quan Ðế và xin xăm trong Chùa như bên Tàu, và đâu đó người ta cũng hát những bài "hát Phật" giống như các bài thánh ca của Gia Tô. Người ta lại còn đang làm Chùa theo kiểu... nhà Tây, và nóc Chùa đã dần dần hết cong, hết mang hình con rồng con phụng,...

Bản chất của văn hóa Phật giáo là sự sống an hòa, tịnh lạc. Hình thái của văn hóa Phật giáo phải là phản chiếu được nếp sống an hòa tịnh lạc đó. Từ giáo lý cho đến nghệ thuật, âm nhạc, điêu khắc, kiến trúc, tinh thần Phật giáo được lưu lộ cùng với tinh thần dân tộc, một mái Chùa cong, một ngôi Tháp cổ, một tiếng chuông thuần hậu,... đã nói với ta những gì? Hồn dân tộc sống lành mạnh trong tinh thần Phật giáo. Quay về với nền Phật giáo dân tộc, xây dựng cho nền Phật giáo dân tộc để đưa nước nhà đến chỗ an lạc phú cường, đó là bổn phận của người Phật tử Việt Nam.

Muốn đi đến một nền Phật giáo dân tộc, ta phải trở lại trong tinh thần truyền thống. Ta lại phải thu thập những tinh ba của người để bồi đắp cho chính mình. Nhưng thu thập không phải là vay mượn. Hãy trở về những cái gì "của ta" và "do ta sáng tạo". Rồi sau đó, hãy luyện những cái hay của người trở thành thích hợp với mình và dùng nó để bồi bổ cái của mình càng ngày càng thêm tốt đẹp.

4. Vị Sơ Tổ Của Phật giáo Việt Nam

Phật giáo Việt Nam đã có một lịch sử muời lăm thế kỷ, lẽ cố nhiên phải tôn thờ một vị Sơ Tổ để tượng trưng cho mười lăm thế kỷ lịch sử ấy. Không phải là ngày nay chúng ta mới lo tìm nguồn đâu. Ngay từ hồi xưa, nhiều người đã cố ý tìm tòi nguồn gốc Phật giáo Việt Nam.

Trong sách Thuyền Uyển Tập Anh có ghi câu chuyện bà Ỷ Lan, mẹ vua Lý Nhân Tông hỏi Thông Biện quốc sư đã trả lời rành mạch và dẫn chứng những thư tịch cũ để minh chứng. Về sau, có các sách Tam Tổ Thực Lục, cũng có mục đích ghi lại những sự kiện lịch sử của đạo Phật ở Việt Nam.

Trong khi Phật giáo Trung Hoa tôn thờ Ngài Bồ Ðề Ðạt Ma làm Sơ Tổ, thì tại sao Phật Gíáo Việt Nam lại không tôn thờ Ngài Tỳ Ni Ða Lưu Chi mà lại cứ mãi bắt chước theo Tàu?

Ðã đành rằng Ngài Tỳ Ni Ða Lưu Chi chỉ là Sơ Tổ của phái Thiền tông có đầu tiên trên đất Việt. Nhưng ngoài Thiền tông ra, thử hỏi ở Việt Nam ta còn có những tông nào?

Ngay ở Trung Hoa nói rằng có mười tông nhưng kỳ thực chỉ có Thiền tông là có cơ sở vững vàng chắc chắn. Ngài Bồ Ðề Ðạt Ma là vị Tổ đầu tiên của Thiền tông Trung quốc và được xem như là Sơ Tổ của Phật giáo Trung Hoa. Vậy thì ở Việt Nam, Ngài Tỳ Ni Ða Lưu Chi, vị Sơ Tổ của Thiền tông Việt Nam, tại sao ta lại không xem như là Sơ Tổ của Phật giáo Việt Nam được?

Cũng đã đành rằng trước khi Ngài Tỳ Ni Ða Lưu Chi qua đất Vìệt, đã có các Ngài Ma Ha Kỳ Vực, Khương Tăng Hội, Mâu Bác, và Chi Cương Lương qua truyền đạo. Nhưng đó chỉ là một vài người rời rạc, không đủ sức lập nên được tông phái có truyền thống. Ở Trung Hoa, trước khi Ngài Bồ Ðề Ðạt Ma bước chân đến, vẫn cũng đã có những vị đi truyền đạo và dịch Kinh, như các Ngài Ma Ðằng Trúc Pháp Lan,... Tuy nhiên, các Ngài này vẫn không được suy tôn làm Sơ Tổ vì họ đã không tạo nên một truyền thống nào.

Ngày xưa ta có thói thường bắt chước theo Trung Quốc, từ cách thờ tự, lễ tụng cho đến lề lối học tập, trước thuật. Giờ đây, tất cả mọi ngành đều vươn đến cá tính dân tộc, ta không thể còn bắt chước mãi. Về tam tạng, ta phải có một tam tạng quốc văn. Về lễ nhạc, phẩm phục, tổ chức, kiến trúc, ta phải đi đến cá tính Việt Nam. Trên bước đường xây dựng nền Phật giáo dân tộc, cố nhiên ta phải tôn thờ vị Sơ Tổ của Phật giáo Việt Nam để luôn luôn có ý thức về một ngàn rưỡi năm lịch sử.

Tôn thờ Ngài Tỳ Ni Ða Lưu Chi thay thế cho Ngài Bồ Ðề Ðạt Ma không phải là một việc làm thay bậc đổi ngôi, không phải là việc nâng cao một Ngài lấy cớ là Sơ Tổ của mình và hạ thấp một Ngài lấy cớ là Sơ Tổ nước người. Không, các vị Tổ Sư đều là những bậc Thầy đáng kính của chúng ta. Chúng ta kính trọng liệt vị và luôn luôn đầu thành đảnh lễ. Nhưng chúng ta phải có ý thức dân tộc, nghĩa là ta nên thờ Sơ Tổ Phật giáo Việt Nam như người Tàu đã thờ Sơ Tổ Phật giáo Trung Hoa, và người Nhật đã thờ Sơ Tổ Phật giáo Nhật Bản.

Hiểu biết rõ ràng như thế rồi, chúng ta không thấy có điều gì trở ngại trong việc làm của chúng ta. Tất cả các nhà Chùa ở Việt Nam đều nên thờ Ngài Tỳ Ni Ða Lưu Chi thay cho Ngài Bồ Ðề Ðạt Ma. Ðó là việc làm đầu tiên để chúng ta tỏ ra rằng cần xây dựng một nền Phật giáo dân tộc.

Ngày kỷ niệm Tổ Tỳ Ni Ða Lưu Chi, chúng tôi đã đòi hỏi nhiều vị cao đức trong Phật giáo, đều đồng ý chọn ngày rằm tháng mười âm lịch. Nếu Giáo Hội Phật giáo Việt Nam chấp thuận ngày ấy, thì tất cả các Chùa trên lĩnh thổ Việt Nam sẽ cùng làm lễ Kỵ Tổ trong ngày lễ Hạ Nguyên.

* Phụ lục:

Ngài Tỳ Ni Ða Lưu Chi, tên Phạn là Vinitaruci, nguyên người Nam Thiên Trúc, về phái Bà La Môn. Thuở nhỏ, Ngài đã có chí khác tục, đi du hành trong khắp cõi Thiên Trúc để mong tâm ấn của Phật. Vì cơ duyên chưa gặp, nên Ngài sang các xứ Ðông Nam để qua Tràng An, Kinh đô nhà Trần bên Trung Quốc. Ðó là vào năm 574, niên hiệu Ðại Kiến thứ 6.

Ngài muốn sang đất Nghiệp, (thuộc tỉnh Hồ Nam bây giờ) nhưng may được gặp Tổ Tăng Xán ở núi Tư Không. Thấy Tổ phong độ khác thường, Ngài động lòng kính phục, chắp tay làm lễ. Ba lần làm lễ mà Tổ Tăng Xán vẫn ngồi lim dim mắt, không nói gì. Ngài đứng yên, nghĩ ngợi một lúc, bỗng thấy bâng khuâng như có sở đắc điều gì, liền sụp xuống lạy ba lạy. Tổ Tăng Xán cũng chỉ gật đầu ba cái mà thôi.

Ngài bước lại ba bước mà bạch rằng:

"Ðệ tử đến đây xin Hoà Thượng từ bi cho được theo hầu bên tả hữu".

Tổ trả lời:

"Ngươi phải đi sang ngay phương Nam mà tiếp chúng, không nên ở lâu đây làm gì."

Ngài liền từ tạ ra đi, đến trụ trì Chùa Chế Chỉ đất Quảng Châu. Ở đấy Ngài dịch Kinh trong sáu năm. Tháng ba năm Canh Tý (580) Ngài sang Giao Châu, trụ trì Chùa Pháp Vân (ở làng Văn Giáp, huyện Thượng Phúc, tỉnh Hà Ðông bây giờ) dịch Kinh Tổng Trì. Ngài ở luôn đó được mười lăm năm mới tịch, và truyền tâm pháp lại cho Ngài Pháp Hiền, đệ tử của Ngài.

Ngài tịch vào năm Giáp Dần 591, đời Tùy Khai hoàng. Ngài gọi Pháp Hiền Thiền sư vào phòng và dặn:

"Người nên biết, tâm ấn của chư Phật không có thể mập mờ được. Tâm ấy viên mãn như thái hư, không thừa, không thiếu, không đến, không đi, không được, không mất, không phải đồng nhất cũng không phải sai biệt, không thường cũng không đoạn, không sinh cũng không diệt, không xa cũng không gần. Chỉ vì đối với vọng duyên nên giả đặt ra tên ấy mà thôi.

"Vì thế, cho nên chư Phật trong ba đời do đấy mà chứng đạo, lịch đại tổ sư do đấy mà có chỗ sở chứng. Ta đây cũng vậy và rồi ngươi cũng thế. Cho đến các loài hữu tình vô tình đều cũng phải như thế.

"Vả lại, Tổ Tăng Xán khi ấn chứng tâm ấy cho ta, đã bảo ta rằng: "Ngươi nên sang phương Nam mà tiếp chúng, chớ nên ở đây lâu mà làm gì." Vì thế, ta đi trải bao nơi mới đến nơi đây. Nay gặp ngươi thật là đúng lời huyền ký ấy. Vậy là ngươi phải nhớ kỹ lấy lời ta: đã đến lúc ta đi rồi đây".

(Phù chư Phật tâm ấn, tất bất tương chẩn, viên đồng thái hư, vô khiếm vô dư, vô khứ vô lai, phi nhất phi nhị, phi thường phi đoạn, bản vô sinh xứ diệc vô diệt xứ, diệc phi viễn ly, phi bất viễn ly. Vị đối vọng duyên, giả lập danh dĩ. Sở dĩ tam thế chư Phật diệc dĩ như thị đắc. Lịch đại tổ sư diệc dĩ như thị đắc. Ngã diệc dĩ như thị đắc. Nhữ diệc dĩ như thị đắc. Thả ngô tổ Xán Công, ấn ngô thử tâm thời, vị ngô tốc nam, hành giao tiếp, bất nghi cữu trú. Khoáng lịch vu tư, kim dữ nhữ ngộ, quá phù huyền ký. Nhữ thiện tri chi, ngô khứ thời chí hỹ).

Nói xong, Ngài Tỳ Ni Ða Lưu Chi chắp tay ngồi yên mà hóa. Ðệ tử rước Ngài lên trà tỳ rồi thu Xá lợi xây Tháp thờ.

Ðến đời nhà Lý, Vua Thái Tông (1028 1054) có làm bài kệ truy tán Ngài như sau:

Sáng tự lai Nam Quốc

Văn quân cữu tập Thiền

Ứng khai chư Phật tín

Viễn hợp nhất tâm nguyên.

Hạo hạo Lăng già Nguyệt

Phân phân Bát Nhã Liên

Hà thời hạnh tương kiến

Tương dữ thoại trùng huyền?

Dịch:

Mở lối qua Nam Việt

Nghe Ngài thông đạo Thiền

Nguồn tâm thông một mặt

Cõi Phật rộng quanh miền

Lăng già ngời bóng Nguyệt

Bát Nhã nức mùi sen

Biết bao giờ được gặp

Ðàm đạo lẽ thâm huyền?

Và nhà vua kính cẩn sắc phong cho Ngài là "Pháp Vân, Tỳ Ni Ða Lưu Chi là Pháp Tự" tôn Ngài là đại diện của Phật giáo truyền thống.

Quả như lời truy tán của vua Lý Thái Tông, đạo hạnh của Ngài sáng ngời như ánh nguyệt trên núi Lăng Già, và trí tuệ của Ngài thơm ngát như hương sen Bát Nhã. Không còn lời tán dương nào đẹp và xứng hợp hơn thế nữa...

(Trích Phật giáo Việt Nam Và Hướng Đi Nhân Bản Đích Thực)