Mấy Vần Thơ Hiếu Hạnh

Bổn phận làm con là phải hết lòng phụng dưỡng Cha Mẹ luôn luôn ân cần săn sóc chăm nom từ miếng ăn thức uống cho đến gối đến giường.

Dẫu ở trong hoàn cảnh nghèo nàn họ cũng:

“Đói lòng ăn bát cháo môn,

Nhịn cơm nuôi Mẹ cho tròn hiếu trung.”

Người đã hiểu lý nhân quả chắc hẳn biết rằng sự phụng dưỡng Cha Mẹ bằng miếng ăn tấm mặc thức này thức khác, hầu hạ chăm sóc cũng chưa phải là đủ, mà người con còn phải đem ánh sáng đạo Phật về nơi gia đình. Giới thiệu với Cha Mẹ con đường chánh pháp. Khuyến hoá Cha Mẹ Quy y Tam Bảo, thực hành hạnh từ bi, sống theo lời Phật dạy. Nói chung lại bổn phận người con ngoài sự cung phụng còn phải thúc đẩy Cha Mẹ gieo những nhân lành để gặt lấy những qủa tốt cho ngày mai, vì cuộc đời của một cá nhân phải do bàn tay của cá nhân ấy sáng tạo.


Mấy Vần Thơ Hiếu Hạnh

Đức Thương

“Nâng niu bú mớm đêm ngày,

Công Cha nghĩa Mẹ xem tày bể non.”

Câu hát bình dân ấy đã bộc phát một cách chân thành lòng hiếu thảo của rngười Việt Nam đối với Cha Mẹ. Nhưng đó chỉ mới ý thức được tình thương và công lao của Cha Mẹ chứ chưa xác đinh rõ cái bổn phận của người làm con.

Nhiều câu ca dao khác đã nói lên một cách đầy đủ hơn, vạch rõ cho ta những nhiệm vụ phải làm để hoàn thành chữ hiêú:

“Tôm càng lột vỏ bỏ đuôi

Giã gạo cho trắng mà nuôi Mẹ già.”

hoặc:

“Đi mô bỏ Mẹ ở nhà

Gối nghiêng ai sửa chén trà ai bưng.”

Bổn phận làm con là phải hết lòng phụng dưỡng Cha Mẹ luôn luôn ân cần săn sóc chăm nom từ miếng ăn thức uống cho đến gối đến giường.

Dẫu ở trong hoàn cảnh nghèo nàn họ cũng:

“Đói lòng ăn bát cháo môn,

Nhịn cơm nuôi Mẹ cho tròn hiếu trung.”

Đó cũng là quan niệm chung của người Việt Nam. Với thi sĩ Tố Như, bổn phận người con đối với Cha Mẹ cũng không ngoài sự cung kính phụng dưỡng. Khi nàng Kiều vì hoàn cảnh gia đình phải xa lìa Cha Mẹ, nỗi đau đớn của nàng là:

“Sân hoè đôi chút thơ ngây,

Trân cam ai kẻ đỡ thay việc mình.”

Với nhà thơ Nguyễn Bính, khi người con gái chia ly Cha Mẹ để về với nhà chồng họ cũng không quên dặn em:

“Em ơi em ở lại nhà

Vườn dâu em đốn Mẹ già em thương

Mẹ già một nắng hai sương

Chị đi một bước trăm đường xót xa.”

Vâng họ làm sao khỏi xót xa, dù là bước đi để mở đầu cho một cuộc đời mới, sống một cuộc đời êm đềm bên cạnh người yêu chăng nữa họ cũng cảm thấy đau đớn vì chưa báo đáp được công ơn Cha Mẹ. Trong đời họ ai là người đã từng thương yêu chân thành và tận tụy hy sinh cho họ bằng người Cha quý mến và người Mẹ yếm âu. Cuộc đời cô gái kia ngày mai có sung sướng bao nhiêu thì giờ đây họ phải khóc nhiều bấy nhiêu vì họ làm sao có thể vui sướng được khi tuổi già của bà Mẹ không được bàn tay họ chăm lo. Một câu thơ chữ Hán cũng đã nói nên được điều đó.

“Khấp như Thiếu nữ vu quy nhật”

Có người cho rằng vì cô gái kia sung sướng được bước qua cuộc sống hạnh phúc mới nên phát khóc, con người đứng trước sự sung sướng cũng có thể khóc được, một bà Mẹ đã khóc lên mô lấy đứa con trai khi chàng trở về sau mấy năm chinh chiến.

Có người lại bảo cô gái khóc khi về nhà chồng là vì bỡ ngỡ thẹn thùng. Song, có lẽ yếu tố chính làm cho dòng lệ nóng của nàng tuôn trào là vì nhớ Mẹ thương Cha, vì lòng hiếu của người con vậy.

Đúng thế, dù một chàng trai dũng cảm, chưa bao giờ để đôi mắt phải ướt lệ, nhưng chàng cũng không khỏi quặn lòng khi nhớ đến người Mẹ thân yêu mà chàng không được sống gần gũi. Nữ thi sĩ Phạm Từ Quyên đã dệt thành bài thơ nỗi cảm xúc của chàng trai nhớ Mẹ ấy.

“...Bỗng hiện về bóng Mẹ chốn xa xăm

Tóc trắng cước tay gầy nâng gậy trúc !

Tim con trẻ phút giây như ngừng đập.

Chí muôn phương thu hẹp, nghĩa gia đình...”

Khi Cha mệ đã khuất núi người con còn phải có bổn phận phụng thờ. Ca dao Việt Nam cũng có câu:

“Công Cha ba năm tình thâm cốt nhục,

Nghĩa Mẹ chín tháng dưỡng dục cưu mang.

Bên ướt Mẹ nằm bên ráo con lăn

Biết lấy chi đền nghĩa khó khăn.

Chừ hai đứa mình lên non gánh đá, xuống xây lăng phụng thờ.”

Quan niệm thông thường về chữ hiếu của người Việt Namhay nói chung là người Đông phương tưởng như thế cũng khá đầy đủ. Song đối với người đã hiểu đạo Phật chút ít thì quan niệm ấy vẫn còn hời hợt không được sâu đậm lắm.

Người đã hiểu lý nhân quả chắc hẳn biết rằng sự phụng dưỡng Cha Mẹ bằng miếng ăn tấm mặc thức này thức khác, hầu hạ chăm sóc cũng chưa phải là đủ, mà người con còn phải đem ánh sáng đạo Phật về nơi gia đình. Giới thiệu với Cha Mẹ con đường chánh pháp. Khuyến hoá Cha Mẹ Quy y Tam Bảo, thực hành hạnh từ bi, sống theo lời Phật dạy. Nói chung lại bổn phận người con ngoài sự cung phụng còn phải thúc đẩy Cha Mẹ gieo những nhân lành để gặt lấy những qủa tốt cho ngày mai, vì cuộc đời của một cá nhân phải do bàn tay của cá nhân ấy sáng tạo.

Nhưng đó là lúc Cha Mẹ sinh thời, khi người đã quá vãng thì cũng không phải hương khói phụng thờ xây lăng đắp mộ theo quan niệm thông thường ấy là đủ, vì con người còn phải tùy theo hành động thiện ác mà luân hồi trong sau nẻo, chúng sinh xung quanh ta cũng có thể là Cha Mẹ chúng ta từ kiếp trước. Vậy ngay chính người con hiếu lại còn phải thực hành hạnh từ bi hơn ai hết. Đến đây bổn phận người con đối với Cha mẹ chưa phải là tròn. “Ân Cha Mẹ bằng trời bể” làm sao người con có thể đền đáp đầy đủ được. Một nhà thơ Phật giáo đã nói.

“Bơ vơ cảnh khổ con đành ở,

Chẳng biết làm sao đáp thâm ân.” (Hoài Sơn)

Ngày xưa đức Mục Kiền Liên, một vị Bồ Tát cũng không thể tự mình cứu Mẹ trong địa ngục được, huống nữa chúng ta, những con người đang sống trong “Bể trần khổ.” Nhưng, như chúng ta đã biết, không phải vì thế mà Ngài thất vọng; cũng như chúng ta ngày nay không phải quá bi quan trong việc cầu nguyện giải thoát cho Cha Mẹ. Một phương tiện cuối cùng nữa là nhờ đức Phật và nhờ công năng Tu tịnh của chư Tăng trong ba tháng An cư kiết hạ, sức thanh tịnh chú nguyện của các chư Tăng ảnh hưởng không phải là ít. Vì thế đến ngày xuất Hạ Tự tứ, ai là người con hiếu hạnh không thể không nhớ ơn đức Mục Kiền Liên, Ngài đã mở đầu và chỉ lại cho chúng ta pháp môn giải đảo huyền:

“Nhưng cũng may thay có Mục Liên

Thấy bao đau khổ của Mẹ hiền

Nặng lòng báo hiếu nên cầu Phật

Chỉ dạy pháp môn giải đảo huyền.” (Hoài Sơn)

Ngày nay hầu hết mọi người đã hiểu được phương pháp cứu khổ Cha Mẹ đều thành tâm hành lễ Vu Lan cúng dường Tam Bảo để cầu nguyện cho Cha Mẹ. Điều ấy cũng đã trở thành một phong tục của dân tộc Á Đông, luôn cả các dân tộc Tây phương theo Phật giáo mà nhà thơ Hoài Sơn đã khéo ghi lại vừa gọn gàng vừa đầy đủ trong mấy câu thơ:

“Từ ấu đến nay khi Thu sang

Năm châu thành thị lẫn xóm làng

Những ai là kẻ mang ân nặng

Đều vận lòng thành đón Vu Lan.”

Họ đón Vu Lan bằng cách nào? Đây Hoài Sơn đã nói tiếp:

“Hôm nay gặp lễ đảo giải huyền

Con nguyền noi bước Mục Kiền Liên

Chư Tăng tự tứ con cầu nguyện

Mười phương phụ mẫu thoát đảo huyền.”

Trước nỗi lòng thương Cha nhớ Mẹ nhà thơ Phật giáo cũng ghi được tất cả tình cảm trong vần thơ như các thi sĩ khác, nhưng những vần thơ ấy đã tô đậm nét cho chữ Hiếu hơn, nói lên được lòng hiếu của người con một cách sâu đậm và đầy đủ.

Chúng ta hãy đọc thêm vài dòng thơ của Hoài Sơn:

“Mẹ thấu cho chăng ở cõi trần

Đứa con của Mẹ mãi bâng khuâng.

Ngày đêm suy nghĩ và suy nghĩ

Thân con mang nặng mối thâm ân.

Nghĩ đến thâm ân con động lòng

Công Cha nghĩa Mẹ tợ núi sông

Ăn Chay nuốt đắng nuôi con trẻ

Đau khổ gian nguy chẳng nản lòng.

Đồng thời các nhà thơ Phật giáo còn bổ chính thêm cho bổn phận người con hiếu được xác định rõ ràng. Ngoài Hoài Sơn, Trúc Diệp cũng cho ta một ý niệm về chữ hiếu qua mấy vần thơ:

“Mẹ hiền về chốn thiên cung,

Toại lòng con thảo nguyện cùng Thánh Tăng

Từ bi công đức vạn năng

Mấy ngàn năm vẫn không tằng đổi thay...”

Vâng người con mãi đem lòng thành cầu nguyện dức Phật, chư Tăng và chỉ khi nào người Mẹ được về thiên cung hoạ chăng người con lúc ấy mới toại lòng. Chính ngày ấy đối với nhà thơ Trúc Diệp là ngày vui của thế kỷ vậy:

“Con cầu cho Mẹ đa sinh

Cửu huyền thất tổ tâm tình thảnh thơi

Hôm nay ngày của ba đời

Ngày vui thế kỷ không rời hôm nay.”

Như vậy các nhà thơ Phật giáo đã vạch cho chúng ta một lối thoát. Với quan niệm thông thường người con hiếu luôn luôn bị bế tắc vì người con ấy chỉ có thể đem hết lòng phụng dưỡng để Cha Mẹ hiện tiền được đầy đủ với cuộc sống được thoả mãn mọi như cầu, nhưng đó là vật chất. Trên phương diện tinh thần Cha Mẹ đã chắc gì được an vui. Hơn nữa lúc tạ thế Cha Mẹ sẽ về đâu? Cuộc đời có được sung sướng không? Người con đâu có biết và đâu có còn được theo bên Cha Mẹ để săn sóc chăm nom.

Nhưng đọc qua những dòng thơ của vài nhà thơ theo Phật giáo về vấn đề báo hiếu, ắc hẳn chúng ta không còn phải thắc mắc khó khăn gì nữa.

Phương tiện báo hiếu đã có và bằng phương tiện ấy người con hiếu có thể đạt đến cứu cánh. Ở đây chỉ còn đợi lòng chí thành và sự ngưỡng mộ Tam Bảo của người con hiếu hạnh.

Đây, Vu Lan đến khi mùa Thu đã đến.

Trời Thu hương khói toả thanh

Muôn người con hiếu kính thành cầu xin

Đoá hoa với tấm lòng tin

Ngưỡng trông đức Phật bắt vin nhịp từ.

Cành dương tiếp dẫn qua bờ

Bảy đời Cha Mẹ nương nhờ Đạo Thiêng

Tâm an, thân mạnh hiện tiền

Người qua chín suối về miền Tây phương.”

(Trích tập văn Hướng Thiện, tháng sáu, PL. 2514)