Một thoáng Champasak

Champasak là một tỉnh lớn ở Tây Nam Lào, là một trong những vựa lúa lớn nhất của Lào. Champasak còn là một địa chỉ du lịch hấp dẫn với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: khu đền Wat Phou – di sản văn hóa thế giới, thác Khone Phapheng – thác nước lớn nhất Đông Nam Á, các đền đài cổ mang đậm màu sắc kiến trúc Angkor…

Thành phố Paksé là thủ phủ của tỉnh Champasak. Trên bản đồ, Paksé trông như một doi đất nhô ra, được ôm ấp bởi hai dòng sông, Sedon ở phía Bắc và Mê Công phía Nam. Paksé có nghĩa là “thành phố cửa sông”.

Từ Paksé qua cầu Hữu nghị do Nhật Bản xây dựng bắc qua sông Mê Công, đi thêm khoảng hơn 40km là đến Cửa khẩu Vang Tao tiếp giáp với tỉnh Ubon của Thái Lan. Phía Nam Champasak có đường biên giới với Campuchia và hiện cũng đã có cửa khẩu thông thương qua lại. Từ biên giới này, đi thêm 40km là đến tỉnh Stưng Teng của Campuchia.
 
Từ Paksé, theo đường 13, đi thêm 650km là lên đến Viêng Chăn, thủ đô của Lào. Như vậy, Paksé là đầu mối giao thông từ Thái Lan, Campuchia, từ Trung Lào xuống và đi sang phía Đông.  
 
Ở Paksé có rất nhiều người Việt Nam sinh sống. Đến Paksé, du khách có thể bách bộ dọc các con đường trong thành phố để khám phá nhiều thứ.
 
Phật giáo giữ vị trí quan trọng trong tâm thức và đời sống của người Lào nên cũng như các nơi khác của quốc gia này các lễ hội lớn thường diễn ra quanh năm như: Lễ hội buôn Wat Phou tháng 2, Lễ hội buôn Pha Veat tháng 3, Lễ hội buôn Pi Mai Lao tháng 4, Lễ hội buôn Bang Phai tháng 5, Lễ hội buôn Khao Phan Sa tháng 6, Lễ đua thuyền tháng 10...
 
Mỗi buổi sáng, các tăng sĩ xếp hàng dài đi khất thực dọc các con đường chính. Các ngôi chùa có kiến trúc mái uốn lượn, một màu thếp vàng rực rỡ dưới ánh nắng. Xung quanh mỗi ngôi chùa có hàng trăm cái tháp nhỏ, gọi là vats (đựng xương và tro của di thể người chết được hỏa thiêu), làm thành hàng rào. Kiểu dáng của các vats đa dạng, trang trí sặc sỡ với nhiều màu sắc và lớn nhỏ khác nhau... 
 
Công trình văn hóa tiêu biểu nhất của Champasak là ngôi đền thiêng Wat Phou - Di sản văn hóa thế giới. Nằm cách thành phố Paksé về phía Nam gần 40km, theo dọc bờ sông Mê Công, Wat Phou từ thế kỷ thứ 9 đến 13 được xem là một trong những đền thiêng liêng nhất của các vương triều xưa trên vùng đất này.
 
Ngôi đền thiêng Wat Phou.                      Ảnh: Internet
 
Wat Phou còn được gọi là Chùa Núi, nằm dưới chân của một núi thiêng gọi là Phou Kao (Núi Voi). Theo các nhà sử học, Wat Phou là đền thờ xưa nhất ở Lào, từng là trung tâm của đạo Hindu, thờ thần Shiva. Đến thế kỷ 13, Wat Phou trở thành đền thờ Phật và tồn tại cho đến ngày nay, trở thành một trong những nơi lưu giữ các giá trị về lịch sử và văn hóa Lào.  

Ngay cổng vào đền Wat Phou có một bảo tàng trưng bày hơn 100 bức tượng đá, phù điêu, họa tiết trang trí chạm khắc trên đá đẹp tuyệt vời. Những cổ vật này có niên đại từ thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ 11. Cổng chính và mặt trước của ngôi đền hiện nay đã đổ nát nhưng vẫn còn rõ nét dấu ấn những bức phù điêu chạm khắc hình ảnh các vị thần của Ấn Độ giáo.  

Qua cổng, du khách theo con đường rộng đến chân núi thẳng tắp những hàng trụ đá hình Linga, biểu tượng của thần Shiva. Mặt đường được lót những tảng đá phẳng. Cuối con đường lộ ra hai ngôi đền chính, hướng về phía Đông, đối xứng với nhau, trên một gò cao. Cả hai ngôi đền này đang được trùng tu. Các công trình kiến trúc ở đây đều bằng đá.
 
Khu đền thượng nằm ở lưng chừng núi. Đường lên đền thượng cũng là những bậc cấp lát đá, hai bên có những cột đá tròn dựng đứng. Ngôi đền là một khối kiến trúc được xếp từ những tảng đá lớn, chạm trổ hoa văn cầu kỳ, tinh xảo. Phía sau ngôi đền là vách núi, trên đó những người thợ tài hoa xưa đã tạc những bức tượng lớn nhỏ rất sống động.
 
Nhìn vào kiến trúc ngôi đền, hình dung công việc vận chuyển những khối đá lớn, gọt đẽo, chạm khắc hoa văn, tượng Phật, thần linh rồi lắp ghép lại để tạo thành một quần thể kiến trúc to lớn nhưng hài hòa, vững chãi trên triền núi cao... mới thấy người xưa đã đổ biết bao công sức, trí tuệ, của cải mới tạo dựng được một Wat Phou kỳ vĩ. 
 
Cách Wat Phou khoảng 1km về phía Nam là các đền cổ khác như Nandin, Nang Sida. Bên kia bờ sông Mê Công là đền Oubmong. Champasak còn sở hữu “một viên ngọc quý” nữa là thác Khone Phapheng – thác lớn nhất Đông Nam Á, nối hai bờ của sông Mê Công với 2 tỉnh Champasak và Strung Treng của Campuchia.
 
Khi đến đây, du khách mới thực sự hiểu vì sao Khone Phapheng được mệnh danh là “Niagara của châu Á”. Mặc dù vách nước không thẳng đứng và cao như Niagara (một trong hai dòng thác lớn nhất thế giới, nằm ở biên giới Mỹ-Canada), nhưng thác có chiều dài 12km và luôn luôn có một lượng nước khổng lồ chứa đầy phù sa chảy qua trên một bề mặt rộng lớn nhiều mỏm đá lởm chởm khi đổ xuống.
 
Thác Khone Phapheng.        Ảnh: Internet
 
Mùa nước thấp, khoảng tháng 3 – 5, có khoảng 4.000 hòn đảo lớn nhỏ lại nổi lên trên sông. Đến đây, du khách có thể ngồi nhìn người dân địa phương bắt cá, hoặc thuê xuồng đi canh cá heo nước ngọt giỡn sóng hay thả mình tự do trên những phiến đá ven bờ lắng nghe thác đổ ầm ầm vang ngân...

Theo Báo Cần Thơ