Bất Khả Thuyết, Bất Khả Tư Nghì, Bất Khả Đắc...

ImageThật hay biết mấy khi tôi vô tình đọc được bài viết của tác giả Đỗ Hồng Ngọc. Bác sĩ đã mượn tác phẩm của nhà văn Kim Dung để nói lên tiêu chí "Bất khả Thuyết' trong đạo Phật ...có ít nhiều nhận định khen chê trong tác phẩm của Kim Dung, nhưng phần nào trong những tác phẩm ấy cũng phản ánh phần nào tiêu chí của tôn giáo. Nói cách thông thường vạn vật đều có Pháp ...mời các bạn cùng xem với tôi bài viết sau đây .

NÓI KHÔNG ĐƯỢC

BS. Đỗ Hồng Ngọc

Đọc Kim Dung, thấy có một nhân vật Hòa thượng tên là "Nói Không Được" rất thú vị. Thú vị không vì tính cách của ông mà vì cái tên của ông. Thật ra, trong nguyên bản gọi là Hòa thượng Bất Khả Thuyết. "Bất Khả Thuyết" hay "Nói Không Được" ta đã gặp nhiều khi học Phật, không chỉ là Bất khả thuyết mà còn Bất khả tư nghì, Bất khả đắc, Bất khả …

Đã biết là "bất khả" mà vẫn cứ tò mò truy tìm mọi ngóc ngách, đó là cái nghiệp của chúng sinh, nhất là người làm khoa học, không dễ tin nếu chưa được “chứng minh”. Điều này quả thật hợp ý Phật. Phật đã chẳng luôn nhắc nhở ta đừng vội tin, phải thể nghiệm đi cái đã, phải trực tiếp lấy thân tâm mình làm cái “labo” để mà quan sát ngắm nghía cho thật thấu đáo đó ư? Phật đã chẳng luôn nhắc nhở ta phải tinh cần, tinh tấn, phải thực hành, không được lơ là, chểnh mảng đó ư? Thú vị là, khi còn có thể “thuyết” được thì chỉ mới tới được cái vỏ ngoài, còn tới được chỗ thâm sâu, cốt lõi bên trong hẳn là phải im lặng, phải ú ớ, phải hỏi một đằng trả lời một nẻo, hoặc tốt hơn cả là phải “tu rị, tu rị…”. Tóm lại là nói không được, là bất khả thuyết!

Khi Phật phát hiện ra con đường, chính Ngài cũng ngại ngùng không muốn tiết lộ, không muốn bày tỏ, vì con đường qủa thật là tuyệt diệu nhưng lạ lùng qúa, ngược đời qúa, khó có ai tin, có khi còn gây phản ứng ngược. Mãi sau ngài mới chịu nói ra và dĩ nhiên rất đắn đo, nói từng phần, với mỗi người một cách khác nhau, tùy đối tượng. Thường khi chứng ngộ rồi, các Thiền sư mới chịu chọn một vài học trò để truyền đạt, mà cũng ít chịu truyền, vì truyền không dễ, bởi nhiều điều “nói không được”, phải quan sát trực tiếp ở thầy và phải thực hành miên mật. có học trò uyên thâm mà không tới cả, loay hoay không thoát; có học trò giã gạo, nấu cơm, không biết chữ mà ngộ. Học giả trí thức, có bằng cấp cao cũng chẳng đến đâu, còm có người hàng thịt, một hôm buông dao thành Phật. cho nên tin không dễ

Trong kinh Kim Cang, Phật và Tu Bồ Đề, hai thầy trò đối đáp như kiểu “role play”, sắm vai để giảng dạy thật hấp dẫn - trước đó, Phật đã lặng lẽ trình diễn “demonstration” một màn rất ấn tượng nhưng không phải ai trong hội chúng cũng nhìn ra. Có lúc, hình như người học trò Tu Bồ Đề giả bộ hoang mang, không tin người đời sau có thể hiểu nổi và thực hành được những lời Phật dạy thì Phật quở: “Chớ nói vậy! Ông chớ nói vậy!” Người đời sau còn “thông minh” hơn, còn nhiều điều kiện hơn, dĩ nhiên là con nhiều khổ đau hơn để mà hiểu Phật. Lạ lùng là nhiều người trẻ ngày nay hiểu Phật rất nhanh, tin Phật nữa - không phải là cái tin di đoan mê tín đâu, mà tin một cách khoa học - như là một phương thuốc chữa bệnh tâm thần cho thời đại, giúp cho con người không dấn mình thêm vào những nỗi khổ đau, ưu phiền, sợ hãi; giúp con người hạnh phúc hơn; tạo một môi trường xã hội tốt đẹp hơn và môi trường thiên nhiên an lành hơn. Những người trẻ thậm chí mới đôi mươi, đặc biệt ở phương Tây ngày nay có vẻ hiểu Phật, thấm phật và hành Phật hơn cả ở phương Đông.

Nỗi khổ đau của kiếp người thật vô vàn, và dĩ nhiên hạnh phúc cũng vô vàn không kém, thấn chí cái chuyện được làm người trên cõi đời này cũng đã là chuyện hi hữu, thế mà lạ thay, chúng ta chỉ thấy những khổ đau, chỉ nguyền rủa cuộc đời, cay đắng với bản thân mình, và có vẻ như rất khoái gặm nhấm những nỗi hkổ đau kia, mà quên đi, lờ đi những niềm hạnh phúc: “Rồi bị thương người ta giữ gươm đau/ Không muốn chữa không chịu lành thú độc” (Xuân Diệu). Cái “thú độc” đó có khi còn gọi là “thú đau thương”, được con người ca tụng, nâng niu, vun vén, hưởng thụ đã bao đời.

Cứ hỏi một người đi, hỏi anh ta có hạnh phúc không, anh ta sẽ sung sướng kể cho nghe triền miên những điều bất hạnh. Còn nếu hỏi anh ta những điều bất hạnh, anh ta sẽ sung sướng kể cho nghe biết bao nỗi khổ đau. Con người sống trong cái hkổ như vậy, loay hoay với cái khổ như vậy, thoát ra không dễ. Một số không nhiều “ngộ” được cái khổ đau kia chính là mấm sống của hạnh phúc, phiền não kia là “nguồn lực” của Bồ đề. Cho nên, có người tìm được con đường, vạch ra con đường, chỉ ra con đường, làm sao không cảm kích. Mà thú vị, con đường đó không ở đâu xa, có sặn đó rồi ở trong ta thôi. Cho nên, người chỉ đường nói, nhả có pháp gì đâu mà bày vẽ, chả có cái gì giành được, lấy được, chiếm được để mà khoe khoang. Conngười đó mới thật dễ thương làm sao. Con người đó bỏ vương quyền, bỏ nhà bỏ cửa lên rừng, lội suối trèo đèo, nhịn đói nhịn khát, có lúc chỉ còn xương bọc da, sờ bụng thì đụng xương sống, có lúc sống trong nghĩa địa, để bọn trẻ chăn trâu nhổ vào mặt (…), rồi ngộ ra một điều thú vị, sảng khoái, thấy con người đáng sống, đáng hạnh phúc. Con người đó đã biết từ bỏ, dám buông bỏ, đã kiên trì, đã kham nhẫn, đã thiền định, đã vượt thoát bằng con đường trí tuệ, và điều quan trọng là không giữ cho riêng mình mà chia sẻ cho tất cả chúng ta, chẳng đáng quý ư? Thấm chí, có lúc không thể nói lên được bằng lời thì Ngài đưa lên một cành hoa và im lặng. Cái sự trao truyền trong im lặng này mới thật là tuyệt diệu, nó làm cho ta được tự do khám phá. Khám phá không ra thì ta…ú ớ, khám phá ra rồi thì ta càng ú ớ, càng nói không được.

“Quán Tự tại Bồ tát hành thâm Bát nhã Ba la mật đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách…”.

Toàn bộ “bí mật” nằm trong mấy chữ “hành thâm Bát nhã Ba la mật” đó mà không dễ tìm ra. Bát nhã Ba la mật là dịch âm của Prajna paramita. Rõ ràng không phải để đọc tụng. Hành cái gì? Hành cách nào? Câu hỏi đặt ra. Và câu trả lời có thể đơn giản: hành cái “prajna”, theo cách “paramita”. Không thể dựa vào chữ mà cũng không thể không dựa vào chữ. Sai một ly đi một dặm. Nói vậy mà không phải vậy. Không phải vậy mà vậy. Nó cho ta hoàn toàn tự do, và nó đòi ta phải tự thể nghiệm. Không ai có thể “hành” giùm người khác. Bát nhã chỉ là một từ dich âm của Prajna, có nghĩa là Khí, là Thở, là Hô hấp. Thế nhưng bằng cách nào chuyện Thở, chuyện Khí, chuyện Hô hấp rất vật chất kia được chuyển thành cái “Trí”, Trí Bát Nhã, Không, Vô Ngã… Đó là một hành trình không đơn giản, một khám phá tự thân, và với một kết quả hình như cũng “nói không được”. Thưc ra, Phật cũng đã chịu khó nói, chịu khó giảng giải rồi đó trong Tứ Niệm Xứ, trong Anapanasati, chỉ có điều ta chưa “hành thâm” tới nơi tới chốn thôi: “Đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sinh, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí….”.

Và như thế, Khí, Hô hấp, Prajna kia đã tự vượt qua lúc nào để trở thành Không, Vô Ngã bên trong Quán Tự Tại mà cũng sẽ là bên trong của tất cả chúng ta khi thực sự “hành thâm”? Cái đó nói không được, bất khả thuyết chăng?