Kinh Nhân Quả Ba Ðời

Thuở xưa, có người đến hỏi một vị Thiền sư: "Bậc tu hành đã ngộ lý Chân Không, có lạc vào vòng Nhân quả đặng?" Thiền sư đáp: "Bậc đại tu hành chẳng lạc vào vòng Nhân quả".

Vì câu trả lời này mà khiến cho Thiền sư phải đọa làm kiếp chồn năm trăm năm, sau gặp ngài Bá Trượng mới được giải thoát.

Cũng do câu chuyện trên đây, nên các vị cổ đức khuyên người học Phật, trước tiên phải duyệt các kinh nói về Nhân quả tội phước, chú trọng phần giới hạnh, cùng hiểu biết sự Luân hồi trong ba cõi sáu đường, sau mới nghiên cứu qua kinh cao. Nếu trái thứ tự, bước đầu tiên đọc những kinh như: Kim Cang, Pháp Bảo Đàn... nếu không phải là người có nhiều căn lành, tất dễ sinh lòng khinh mạn và lạc vào lối chấp không. Thật ra, Nhân quả không phải là chuyện thấp nhỏ, vì từ chúng sinh đọa tam đồ cho đến chư Phật thành Chánh giác đều không ngoài Nhân quả.


Kinh Nhân Quả Ba Ðời

Việt Dịch: HT Thích Thiền Tâm

(Tái bản lần thứ hai)

Nhà Xuất Bản Tôn Giáo Hà Nội. PL. 2549 – DL.2005

Mục Lục

Lời Nói Đầu

I. Kinh Phật Nói Nhân Quả Ba Đời

II. Nhân Quả Luân Hồi Tạp Lục

1/ Mạnh Phu Nhân

2/ Lai Tinh Hải

3/ Hạ Phùng Thánh

4/ Chuyện Vị Lão Tăng

5/ Thái Thú Họ Ngưu

6/ Giết Dê Hại Vợ

7/ Phạm Dâm Trả Quả

7/ Bất Hiếu Đọa Làm Heo

9/ Vùi Trong Bếp Lửa

Lời Nói Đầu

Thuở xưa, có người đến hỏi một vị Thiền sư: "Bậc tu hành đã ngộ lý Chân Không, có lạc vào vòng Nhân quả đặng?" Thiền sư đáp: "Bậc đại tu hành chẳng lạc vào vòng Nhân quả".

Vì câu trả lời này mà khiến cho Thiền sư phải đọa làm kiếp chồn năm trăm năm, sau gặp ngài Bá Trượng mới được giải thoát.

Cũng do câu chuyện trên đây, nên các vị cổ đức khuyên người học Phật, trước tiên phải duyệt các kinh nói về Nhân quả tội phước, chú trọng phần giới hạnh, cùng hiểu biết sự Luân hồi trong ba cõi sáu đường, sau mới nghiên cứu qua kinh cao. Nếu trái thứ tự, bước đầu tiên đọc những kinh như: Kim Cang, Pháp Bảo Đàn... nếu không phải là người có nhiều căn lành, tất dễ sinh lòng khinh mạn và lạc vào lối chấp không. Thật ra, Nhân quả không phải là chuyện thấp nhỏ, vì từ chúng sinh đọa tam đồ cho đến chư Phật thành Chánh giác đều không ngoài Nhân quả. Do sự kiện trên bút giả mới phiên dịch quyển kinh này.

Vì kinh Nhân quả nói tóm tắt không mấy trang nên bút giả lại phụ thêm một ít câu chuyện tạm gọi là "Nhân quả Luân hồi Tạp Lục".

Về việc Luân hồi Nhân quả ở Việt Nam ta cũng có nhiều, tiếc vì không ai ghi chép thành sách, nên tản mác đi. Vì thế, bút giả đành tìm dịch các câu chuyện bên Trung Hoa, và những việc này đều có thật. Cái thông bệnh của người tu Phật, là hay luận huyền nói diệu, mà việc thường nhỏ lại ít khi làm được. Nhớ lại hồi xưa sư cụ Khánh Hòa còn tại thế, có một Phật tử hỏi về đạo lý "vô thỉ vô chung". Sư Cụ mỉm cười đáp: "Hỏi chi xa vời vậy? Gắng ăn chay và niệm Phật cho đều đều là tốt lắm rồi!" Đại để, người đã lăn lội trong nhiều giáo điển, lại không muốn nói diệu huyền mà chỉ chú trọng đến sự thật hành thông thường, là như thế.

Kinh Hoa Nghêm nói: "Lòng tin là bước đầu của đạo, và mẹ của tất cả công đức".

Mong những vị hữu duyên, khi xem đến quyển sách này, bắt đầu tu niệm tin có tội phước báo ứng, việc chuyển kiếp Luân hồi, cùng sự linh hiển của Phật Pháp. Do đó, lần lượt tiếp tục xem những kinh cao hơn. Chừng ấy, lẽ không không sắc sắc, đường thị thị phi phi, sẽ hỏi Phật đà mà tỉnh ngộ.

Mùa An Cư Năm Canh Tuất

Thích Thiền Tâm

I. Kinh Phật Nói Nhân Quả Ba Đời

Một hôm, Tôn giả A Nan Đà, ở trên hội Linh Sơn cùng với một ngàn hai trăm năm mươi đại Tỳ kheo câu hội.

Khi ấy A Nan Đà Tôn giả, chắp tay đảnh lễ Phật, nhiễu quanh ba vòng, rồi quỳ xuống thưa thỉnh đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn rằng:

- Bạch Thế Tôn! Đến thời Mạt pháp, tất cả chúng sinh ở cõi Nam Diêm Phù Đề, nhiều kẻ sinh niệm chẳng lành, không kính Tam bảo, không trọng cha mẹ, không có tam cang. Năm giềng rối loạn, nghèo khó, thấp hèn, sáu căn chẳng đủ, trọn ngày sát sinh hại mạng cho đến nghèo giàu sang hèn không đồng nhau. Do nhân duyên quả báo gì khiến nên như thế?

Cúi xin đức Thế Tôn từ bi, vì chúng con giải thích mọi sự việc.

Phật bảo A Nan cùng các đại đệ tử: Lành thay! Lành thay! Các ông hãy lắng nghe! Ta sẽ vì các ông mà giải thích rành rẽ".

Tất cả nam nữ ở thế gian giàu sang hay nghèo hèn, chịu khổ vô cùng hoặc hưởng phước vô lượng đều do nhân duyên từ đời trước mà cảm quả báo.

Cho nên tất cả chúng sinh, trước phải hiếu kính cha mẹ, kế đó phải tin trọng ngôi Tam bảo, thứ ba nên bỏ giới sát mà phóng sinh, và thứ tư cần ăn chay bố thí mới có thể gieo giống ruộng phước về sau.

Phật liền nói bài kệ Nhân quả rằng:

Giàu sang đều bởi mạng

Đời trước có tu nhân

Ai thọ trì kinh này,

Đời đời hưởng phước lộc.

Thiện nam, tín nữ nghe ta nói:

Suy nhớ kinh Nhân quả ba đời

Nhân quả ba đời việc chẳng nhỏ,

Phật nói lời Phật chớ chê khinh.

1. Đời nay làm quan do nhân gì?

Kiếp trước vàng ròng thếp tượng Phật

Đời nay hưởng phước bởi nhân xưa

Đai vàng, áo tía, cầu nơi Phật.

Vàng trang nghiêm Phật, trang nghiêm mình.

Làm đẹp Như Lai, đẹp tự thân.

Đừng bảo làm quan là chuyện dễ,

Không tu phước ấy đến từ đâu?

2. Cưỡi ngựa, ngồi kiệu do nhân gì?

Kiếp trước làm cầu, bồi đắp lộ.

3. Do nhân duyên gì mặc gấm vóc?

Đời trước thí áo giúp Tăng Ni.

4. Có ăn, có mặc do nhân gì?

Xưa giúp kẻ nghèo cho ăn uống.

5. Ăn mặc thiếu thốn bởi nhân chi?

Kiếp trước một nửa không xả thí.

6. Lầu cao nhà lớn do nhân gì?

Xưa lên chùa am cúng thí gạo.

7. Phước lộc đầy đủ cho nhân gì?

Xưa lập chùa am cất nhà mát (1)

8. Tướng mạo xinh đẹp do nhân gì?

Đời trước hoa tươi cúng dường Phật.

9. Thông minh trí tuệ do nhân gì?

Kiếp trước ăn chay, thường niệm Phật.

10. Người thấy vui mừng do nhân gì?

Xưa kết duyên lành cùng đại chúng.

11. Chồng vợ bền lâu do nhân gì?

Đời trước tràng phan nghiêm cúng Phật.

12. Cha mẹ song toàn do nhân gì?

Đời trước kính trọng người cô độc.

13. Không cha mất mẹ do nhân gì?

Kiếp trước là người đánh bẫy chim.

14. Con cháu đông nhiều do nhân gì?

Đời trước mở lồng thả chim thú.

15. Nuôi con không được do nhân gì?

Xưa sinh con gái dìm cho chết? (2)

16. Đời nay không con do nhân gì?

Kiếp trước bẻ gãy hại trăm hoa.

17. Đời nay sống lâu do nhân gì?

Kiếp trước mua vật phóng sinh nhiều.

18. Đời nay mạng yểu do nhân gì?

Kiếp trước xẻ thịt giết chúng sinh.

19. Đời nay không vợ do nhân gì?

Kiếp trước tham mưu gian vợ người.

20. Đời nay ở góa do nhân gì?

Kiếp trước buông lung khinh rẻ chồng.

21. Làm thân tôi đòi do nhân gì?

Kiếp trước quên ơn cùng phụ nghĩa.

22. Đời nay mắt sáng do nhân gì?

Kiếp trước cúng dầu đốt đèn Phật.

23. Đời nay đui mù do nhân gì?

Kiếp trước chỉ đường chẳng phân minh.

24. Môi miệng sứt thiếu do nhân gì?

Kiếp trước thổi tắt đèn cúng Phật.

25. Đời nay câm điếc do nhân gì?

Xưa từng ác khẩu mắng cha mẹ.

26. Đời nay lưng gù cho nhân gì?

Kiếp trước chê cười người lễ Phật.

27. Tay bị cong quẹo do nhân gì?

Đời trước đều là người tạo nghiệp.

28. Chân bị co rút do nhân gì?

Kiếp trước ngăn đường đánh cướp người.

29. Làm thân trâu ngựa do nhân gì?

Xưa thiếu nợ người không chịu trả.

30. Đọa làm heo chó do nhân gì?

Kiếp trước lừa gạt phỉnh hại người.

31. Đời nay nhiều bệnh do nhân gì?

Xưa đem rượu thịt bày cúng Phật.

32. Đời nay không bệnh do nhân gì?

Xưa thí thuốc men cứu bệnh nhân.

33. Hằng bị lao tù do nhân gì?

Kiếp trước làm ác chẳng nhượng người.

34. Đời nay chết đói do nhân gì?

Kiếp trước thường lấp hang rắn chuột

35. Bị thuốc độc chết do nhân gì?

Kiếp trước đăng lưới giết hại cá.

36. Nổi trôi cơ khổ do nhân gì?

Ác tâm lấn hiếp mưu hại người.

37. Đời nay lùn bé do nhân gì?

Kiếp trước xem kinh để dưới đất. (3)

38. Nay thường thổ huyết do nhân gì?

Xưa ăn thịt rồi đi tụng kinh. (4)

39. Đời nay ngu điếc do nhân gì?

Kiếp trước tụng kinh chẳng lắng nghe.

40. Ghẻ lác phong điên do nhân gì?

Xông hơi thịt cá trước bàn Phật.

41. Thân có mùi hôi do nhân gì?

Xưa bán hương thơm trọn dối gian.

42. Đời nay chết treo do nhân gì?

Kiếp trước đem dây săn bẫy thú.

43. Quan, quả, cô độc do nhân gì?

Xưa thường ganh ghét hiềm mắng người.

44. Sét đánh lửa thiêu do nhân gì?

Cân non, già, thiếu lòng gian xảo.

45. Rắn cắn cọp ăn do nhân gì?

Kiếp trước gây oan tạo đối đầu.

Muôn việc mình làm lại mình chịu

Thọ khổ Địa ngục oán trách ai?

Đừng nói Nhân quả người không thấy.

Xa trả con cháu, gần trả mình.

46. Chỉ nhìn trước mắt người hưởng phước.

Sẽ tin bố thí với trì trai.

Kiếp trước tu nhân nay hưởng quả.

Đời này tu tích để về sau.

Nếu ai hủy báng kinh Nhân quả

Kiếp sau đọa lạc mất thân người.

Kẻ nào thọ trì kinh Nhân quả.

Chư Phật, Bồ tát đều chứng minh.

Kẻ nào biên chép kinh Nhân quả,

Truyền đời tu học đạo nhà hưng.

Ai mà mang đội kinh Nhân quả,

Tai hung hoạnh họa chẳng vào thân.

Nếu người giản nói kinh Nhân quả

Đời đời kiếp kiếp được thông minh

Kẻ nào đề xướng kinh Nhân quả

Đời sau người thấy sinh cung kính.

Người nào ấn tống kinh Nhân quả.

Kiếp sau sẽ được thân Đế Vương.

Theo Kinh Nhân quả hỏi đời trước.

Chính sự thọ hưởng của đời nay.

Theo Kinh Nhân quả hỏi đời sau.

Chính sự gây nhân của kiếp này,

Nếu như Nhân quả không cảm ứng,

Do đâu Mục Liên cứu được mẹ?

Người nào tin sâu kinh Nhân quả.

Đồng sinh Tây phương cõi Cực lạc.

Nhân quả ba đời nói không hết.

Thiên long chẳng bỏ ý người lành.

Nên ngôi Tam bảo ruộng phước lớn,

Nhân tu tuy một, hưởng muôn ngàn.

Gởi kho bền chắc không hư mất, (5)

Nhiều đời thọ dụng phước vô cùng.

Muốn biết nhân đời trước,

Xem sự hưởng đời nay,

Muốn biết quả đời sau,

Xem việc làm kiếp này.

(Chung)

* Chú thích

(1) Nhà dưỡng Lão, cô nhi

(2) Thuở xưa từ Ấn Độ, cho đến Trung Hoa, những nhà nghèo sinh con nhiều nuôi không kham nên dìm cho chết bớt con gái lúc mới sinh ra.

(3) Ngồi dưới đất xem kinh, nên để kinh trên một cái kệ, khinh mạn cũng là nhân của tướng lùn bé. Lễ Phật, khiêm hạ là nhân của tướng cao hơn.

(4) Ăn mặn rồi muốn tụng kinh, phải súc miệng rửa tay, rửa miệng sạch, và tụng chú như sau, tất được thanh tịnh không tội lỗi: Tịnh tam nghiệp chân ngôn: Um Soa Pha Va Suýt Đà, sạt và đạt ma, soa phạ va suýt đa hàm (7 biến) Aum! Syabhava sudaha, sarva drama svabhava suddhà hàma.

(5) Gởi kho đây không phải đốt giấy tiền vàng bạc gởi vào kho, mà ý nói tiền của thế gian không bền, khi chết rồi phải bỏ lại tất cả. Chỉ có tu phước làm lành ăn chay, tụng kinh, tham thiền, niệm Phật, là kho.


II. Nhân Quả Luân Hồi Tạp Lục

Ai nói luân hồi chuyện vẩn vơ,

Người, dê chuyển kiếp lẹ không ngờ (6)

Đốt lò hương hỏi niệm xưa cũ,

Nghe giọng triều âm tỉnh giấc mơ.

1/ Mạnh Phu Nhân

Điền Canh Dã, quan Đề đốc tỉnh Quảng Tây, có bà vợ là Mạnh Phu nhân, bẩm tính hiền lương nhưng chẳng may mất sớm.

Khi Điền Công thuyền quan ở trấn Lương Châu, đêm trăng ngồi một mình nơi Nha dinh, bỗng mơ màng như vào mộng thấy Phu nhân dung mạo cực đẹp, từ trên ngọn cây phới phới bay xuống. Công mừng rỡ, cùng nhau hỏi chuyện hàn huyên như thuở sanh bình. Phu nhân bảo: “Thiếp vốn là một vị Thiên nữ do túc duyên trước nên nay làm bạn với tướng công, duyên trần đã mãn, lại trở về ngôi cũ. Nay bởi còn chút duyên thừa nên mới đến viếng thăm”.

Công hỏi: “Tôi kết cuộc ở quan tước nào?”

Đáp: “Quan vị còn tăng không phải chỉ chừng ấy mà thôi”.

Hỏi: “Tôi thọ được bao lâu?”

Đáp: “Cơ trời khó nói, tướng công lúc chết không về nơi hương lý, không ở chốn quan nha, không tại quán dịch bên đường, cũng không mất ở giữa chiến trận, thời đến sẽ tự rõ”.

Hỏi: “Sau khi tôi chết, còn được thấy nhau nữa chăng?”

Đáp: “Việc này đều bởi tướng công nếu cố gắng tu, khi sanh lên cõi trời tất sẽ được gặp, bằng không chắc khó hy vọng”.

Sau Điền Công đi chinh phạt giặc Miêu trở về già, yếu chết dưới trướng binh.

2/ Lai Tinh Hải

Lai Tinh Hải ngoại danh Lai Phục, người ở Tam Nguyên xứ Hiệp Tây. Ông thi đỗ Tiến sĩ khoa Đinh Mùi, niên hiệu Vạn Lịch, cha ông là Lai Thiếu Sâm, tánh tình điềm đạm khiêm nhường, cũng là một bậc Tiến sĩ.

Khi Tinh Hải chưa sanh, trong làng có một vị Tăng pháp danh Lai Phục, dốt chữ, chỉ nhờ người dạy học thuộc lòng được phẩm Phổ Môn và Bát Nhã tâm kinh, ngoài ra không biết chi cả. Cách làng hơn mười dặm, có khoảng sông cạn đầy cát, đến mùa mưa nước tràn ngập, người đi lại rất lấy làm khổ sở. Sư Lai Phục không nề nhọc nhằn, tự thân đứng ra đắp đường làm cầu, có ai quyên trợ cũng đều từ tạ. Do đấy, xa gần đều gọi sư là Phật Hòa thượng. Có người thấy sư khổ hạnh, dốt nát, gọi là Chuyết Hòa thượng (Hòa thượng quê vụng). Cũng có kẻ hiềm sư không chịu đi đám tụng Kinh, nên gọi là Lại Hòa thượng (Hòa thượng làm biếng). Duy Tiến sĩ Lai Thiếu Sâm kính trọng sư, nên gọi là Hữu Hạnh Hòa thượng.

Sư tánh không thích cầu cạnh người, Lai Công biết ý, thỉnh thoảng đến chùa nghe sư tụng hai thứ kinh và cúng dường vải gạo cùng các thức ăn.

Một hôm, Lai Công đang ngồi ở thính đường xử việc chợt thấy Lai      Phục đi qua. Công vội vã đứng lên đón rước, nhưng sư không đoái đến, đi thẳng vào nhà trong; kêu hỏi cũng chẳng đáp. Công đang lấy làm lạ thì giây lát có tin truyền ra là Phu nhân sinh được một đứa bé trai. Thiếu Sâm vội sai người đến chùa hỏi thăm, mới hay sư vừa tọa hóa. Công biết sư đã thác sanh làm con mình, nên đặt ký danh là Lai Phục.

Thuở thiếu niên, Phục cực thông minh, đọc rất nhiều sách, tinh cả nghề thuốc và bách công kỹ nghệ. Lớn lên thi đỗ đi làm quan các nơi, kẻ nghe biết đến cầu trị bịnh, cứu được rất nhiều người. Khi tuổi lớn, ông cáo bệnh về quê, thường bảo người rằng: “Ta vốn là kẻ xuất gia, đi trên đường hoạn lộ đã lâu; e quên mất tánh bản lai, biết làm sao?”

Lúc sắp chết ông lại nói: “Nay ta muốn trở về để nối thành công nhiệp cũ”.

Nói xong liền qua đời.

3/Hạ Phùng Thánh

Quan tướng quốc đời Minh là Hạ Phùng Thánh, trong niên hiệu Sùng Trinh, cùng gia nhân từ miền quê lên Kinh sư. Thuyền vừa đến mũi tầm ngư thuộc dòng Cửu Giang, sóng to gió lớn chợt nối lên. Hạ Công vội mặc triều phục cầm hốt ra trước thuyền khấn vái. Khi ấy người trên thuyền thấy giữa hư không có vị thần mặc áo lụa đỏ, xách con quỷ đem liệng xuống nước. Liền đó, sóng gió dừng lặng. Công cho thuyền ghé vào bờ, thiết lễ cúng nơi miếu Đại vương ở bên sông, để đáp ơn thần phò hộ. Do duyên sự này, từ đó về sau dân chúng càng tin tưởng, đem hương đèn dê lợn dâng cúng nơi miếu mỗi ngày thêm nhiều.

Năm Sùng Trinh thứ mười ba, Kỳ Thân vương muốn phục hưng đạo tràng Quy Ngưỡng, cho rước Tam Muội Quang Luật sư vào đất Sở. Thuyền qua Cửu Giang, Luật sư mơ thấy một vị áo mão trang nghiêm đến thưa rằng: “Tôi là Tống Đại vương, thủy thần ở sông Cửu Giang. Kiếp trước tôi cùng Luật sư và Hạ Tướng Công, ba người là bạn đồng tu ở chốn thâm sơn. Luật sư không mê là chính nhân, nên đời này là bậc cao Tăng. Hạ công do phước duyên, lên đến ngôi tể tướng. Còn tôi, vì một niệm sai lầm, trở thành vị thần hưởng huyết thực. Trước đây, Hạ Công bị con yêu nơi cây đại thọ ở mũi Tầm Ngư nổi sóng muốn lật thuyền, tôi vì nghĩ đến tiền duyên nên ra tay giúp đỡ. Không ngờ do sự việc đó mà dân chúng sát sinh đến cúng tế ngày càng thêm nhiều, e rằng tương lai tất bị đọa vào Vô gián Địa ngục. Ngày mai Luật sư đi ngang qua đây, xin ghé vào miếu từ bi thọ ký cho. Lại xin công bố việc này cho bốn phương hay biết, để về sau dân chúng đừng sát sanh cúng tế nữa. Như thế, niềm hân cảm, mối thâm ân sẽ vô hạn!”. Sau khi tỉnh dậy Luật sư ghi nhớ và nhất nhất làm y theo lời.

Từ đó về sau, giang thuyền qua lại mũi Tầm Ngư, quanh năm đều được yên ổn, kẻ lữ hành chỉ dùng trai thực hoa quả cúng tế mà thôi. Chuyện này cùng với việc thần hồ Cùng Đinh Thác mộng cho vị sư con vua nước An Tức cầu cứu độ, có phần tương đồng.

(Trích lục Trì Bắc Ngẩu Đảm)

4/ Chuyện Vị Lão Tăng

Thế gian diễn hứa bi hoan sạ

Dục nhập tham thiền vạn kiếp không.

Thời Trung Hoa Dân Quốc, cư sĩ Uông Hiểu Viên một hôm ra chợ, thấy vị lão Tăng đứng ngó sững vào hàng thịt rưng rưng nước mắt, cư sĩ lấy làm lạ hỏi duyên cớ. Lão Tăng đáp.

Câu chuyện rất dài xin lược thuật phần đại khái. Tôi nhớ được việc hai kiếp về trước. Đời thứ nhất, tôi là một tên đồ tể. Hơn ba mươi tuổi mãn phần, hồn bị người bắt trói đưa đi. Minh quan trách là nghiệp sát nặng, cho quỉ áp giải đến ty Chuyển luân để thọ ác báo. Lúc bị xô xuống con sông đen tối, tâm thức tôi hoảng hốt mơ màng, thoạt tiên thật nóng như lửa đốt khó nhẫn, kế đó là cảm hơi mát mẻ; tỉnh ra thì mình đã sinh làm kiếp súc vật trong chuồng heo. Sau khi dứt sữa, thấy thức ăn không được sạch, lòng cũng biết nhàm gớm nhưng vì đói quá gan ruột cồn cào, nên bất đắc dĩ phải nhắm mắt nuốt vào. Sau lần lần thông tiếng nói của loài heo, thường cũng hỏi han nhau, trong đồng loại cũng lắm kẻ nhớ biết kiếp trước của mình, song không thể nói cho người hiểu được. Đại để đều nhận thức mình sẽ bị giết, nên có lúc rên rỉ, đôi mắt ướt, là tỏ dấu bi sầu. Loài heo thân thể thô nặng, vào mùa hạ rất nóng khổ chỉ tìm đống bùn nằm vùi mới đỡ, song cũng không thường có được. Bởi lông thưa và cứng, nên mùa đông lại khổ vì lạnh, thân thể giá buốt, thấy loài dê chó lông nhuyễn dầy, hằng mơ ước, xem như loài thú tiên. Đến lúc bị bắt tự biết mình không khỏi, nhưng sợ quá nhảy chạy càn, mong kéo hưỡn mạng sống được phút nào hay phút nấy. Khi bị trói rút bốn chân khiêng đi, dây huyết đau đến tận xương. Lúc người bỏ lên xe chạy về, thân hình cùng đồng loại chồng chất đè lên nhau, máu huyết ứ đọng, gần như muốn đứt. Khi đến nhà lò, bị liệng xuống đất, gan ruột tựa hồ tan nát. Nhìn thấy dao bén chảo vạc để hai bên, lòng bắt run sợ, không biết đến khi bị giết sẽ đau đớn như thế nào? Lúc thọc huyết, thân tâm sảng sốt rụng rời, thấy ánh đao chớp lên liền nhắm mắt không dám nhìn thẳng. Khi đồ tể ấn lưỡi dao vào cổ, rung lắc mạnh cho huyết chảy xuống bồn, ban đầu còn kêu la, sau chỉ rên nhỏ trong cổ họng, cho đến máu chảy đến tắt hơi, sự đau khổ thật không thể hình trạng! Bấy giờ hoảng hốt mê ly như say như mộng, chừng tỉnh dậy thấy mình đã thành hình người. Minh quan xét thấy kiếp trước còn có nghiệp lành, nên cho chuyển sinh làm người, tức là thân đời nay đây. Vừa rồi tôi thấy loài heo bị giết thương nó đau đớn, nhớ lại kiếp trước mình đã chịu khổ độc, rồi tiếc cho người đồ tể tương lai cũng bị nỗi khổ đó, ba mối niệm giao cảm, bất giác thương tâm không biết rơi lệ từ lúc nào!.

Nói xong, quay mặt bỏ đi. Lúc ấy người xung quanh nghe nói, chỉ trỏ bàn tán phân vân. Bác hàng thịt được biết câu chuyện, sanh lòng sợ hãi, từ đó về sau đổi nghề đi bán rau đậu.

(Trích lục Phật Học Chỉ Nam)

5/ Thái Thú Họ Ngưu

Miền Tích Châu, có Uông Tả Viên tiên sinh, biệt hiệu là Sĩ Khan. Trong liên hiệu Gia Khánh, Uông thi đỗ Tiến sĩ, được bổ làm huyện lệnh ở Tứ Xuyên. Dưới quyền quản lãnh của tiên sinh có viên Thái thú họ Ngưu, vốn là hàng đồng niên và đã chiếm Á nguyên ở bản tỉnh.

Quan Thái thú này, bàn tay mặt là tay người, còn bên trái lại là móng ngựa. Ông nhớ rõ việc ba kiếp trước, từng thuật với tiên sinh rằng:

Đời trước tôi là một vị tướng, vì đánh giặc Miêu tàn sát quá nhiều, nên Minh quan phạt cho chuyển kiếp làm ngựa. Khi sanh ra đã đổi thành thân ngựa ở trong tàu, tự bị thường la ré nhảy cắn, không ăn mà chết. Minh ty quở là cưỡng lệnh, đánh phạt, rồi cũng cho chuyển sanh làm ngựa như cũ. Lần này, vì sợ bị trách phạt, nên không giám cầu chết. Khi lớn lên được một vị tướng quan chọn lựa để cưỡi. Viên tướng này tánh tình nóng nảy hung bạo, nên thân mình hằng bị roi vọt, trăm điều thống khổ.

Một hôm vị tướng đánh giặc thua quân địch đuổi theo rất gấp. Tôi chở chủ tướng bôn đào, thoạt chạy đến một khe núi rộng ước hơn trượng, bờ bên kia đá nhọn dựng chập chồng. Lúc ấy tôi nghĩ: “Nếu nhảy qua mình sẽ phải chết, song chủ tướng có thể đào sanh. Như không vượt qua, tất chủ bị binh giặc theo giết”. Nghĩ xong, liều mình cố hết sức nhảy qua khe núi, bụng bị đá nhọn đâm, rách ruột mà chết. Vị tướng nhờ đó mà thoát nạn.

Sau khi tôi chết, Minh ty khen là trung nghĩa, hứa cho chuyển thân người lại là văn quan, lên đến bậc tứ phẩm. Trước khi lúc tôi sắp làm ngựa, quỉ tốt lấy da ngựa khoác vào mình; đến khi trở lại làm người, lại lột da ngựa ấy đi. Nhưng vì tôi đã hai kiếp làm ngựa, da dính khắn vào thân, quỷ dùng dao lột da, đau đến tận xương tủy. Khi dao rạch đến móng lại càng đau đớn không thể nhẫn, nhân mới lén lút giấu móng chân đằng trước. Quỷ tốt cũng không để ý phát giác. Cũng ngờ vì duyên cớ đó, mà lúc chuyển sanh, bàn tay trái lại thành móng ngựa.

Kể chuyện xong, Thái thú bảo Uông Tả Viên rằng: “Lộc vị của tôi chỉ đến chừng này, mạng sống cũng chẳng còn bao lâu, đến ngày tháng ấy... sẽ từ trần”. Sau việc quả nhiên.

(Dung ai bút ký)

6/ Giết Dê Hại Vợ

Lưu Đạo Nguyên làm quan huyện tại Bông Khê, lúc giải chức trên đường về ở trọ nhà họ Tần. Đêm ấy ông mộng thấy một thiếu phụ đến khóc thưa: “Tôi vốn là vợ họ Tần nhà này. Vì lỡ tay đánh chết người thiếp. Nên bị Minh quan xử phải đền mạng, lại phạt làm dê. Nay tôi đang ở trong chuồng, sáng sớm sẽ bị giết để đãi ông. Tôi chết vẫn không tiếc, nhưng vì trong bụng hiện mang thai dê con. Nếu nó nhân đó mà chết theo, thì tội lỗi càng thêm nặng”.

Lưu Đạo Nguyên đợi đến sáng thuật lại, thì dê cái đã bị giết. Cả nhà nghe nói khóc rống, nhét dê con trở vào bụng dê cái rồi đem đi chôn.

7/ Phạm Dâm Trả Quả

Trần Sinh ở Động Đình nhà rất nghèo, nên đem vợ và em trai di cư đến Châu Kinh. Nơi đây thương khách tới lui tấp nập. Trần tánh hay chiều chuộng nịnh bợ lại khéo mua bán, nên chẳng mấy năm gia tư có đến ngàn lượng vàng.

Một hôm, ông bỗng vướng bệnh nằm liệt vài ngày, rồi trỗi dậy bảo vợ và em rằng: “Ba người chúng ta kiếp trước đều là Tu sĩ, chung nhau gian dâm một thiếu phụ, rồi giết người chồng. Kẻ cầm giao giết chính là tôi. Nay Minh vương cho quỷ đến bắt, oan trái tất phải đền trả. Bây giờ tôi đi trước còn hai người chắc chắn cũng không thoát khỏi đâu”. Nói xong tự nhổ râu tóc, lấy dao cắt lưỡi mình; lại dùng lấy hai ngón tay móc đôi tròng mắt lôi ra, giây phút liền tắt thở.

Cô vợ và người em mấy ngày sau cũng chết.

8/ Bất Hiếu Đọa Làm Heo

Hầu Nhị ở Kim Đơn vốn là kẻ bất hiếu. Bà mẹ đem gạo giúp đỡ người ăn xin, Hầu Nhị trông thấy nổi giận đánh mẹ và đuổi ra khỏi nhà, vợ con khóc lóc can gián, y cũng không nghe. Chẳng bao lâu khắp mình Nhị sinh ghẻ độc lở lói, hành hạ đau nhứt cho đến lúc y mãn phần.

Sau khi chết, Hầu Nhị về ứng mộng cho con thấy, bảo rằng: “Cha do ngỗ nghịch bất hiếu nên bị phạt đọa làm heo ở nhà Trương Nhị nơi cửa Tuyên Võ tại Kinh sư. Con nên qua đó mà chuộc mạng cha, nếu để trễ e không kịp!”.

Thức dậy đứa con y theo lời tìm đến nhà Trương Nhị, quả có heo nái vừa sinh ra mấy heo con. Trong đó một heo con hình thú mặt người, có râu mép, trạng mạo giống cha mình. Đứa con thương khóc thuật lại duyên cớ, nguyện đưa ra mười lạng vàng xin chuộc đem về. Nhưng Trương Nhị không nghe đem heo con ra giết.

Việc này xảy ra vào niên hiệu Khang Hy thứ 39 đời Thanh.

9/ Vùi Trong Bếp Lửa

Bên nhà một phú ông ở Hoa Đĩnh có thân cây khô rất to. Ông sắp đốn, thì đêm lại mộng thấy một lão nhân dẫn nhiều người tới, xin hãy thong thả chậm lại ít hôm cho dời đi. Phú ông biết trong cây có vật lạ, sai người trèo lên nhìn xem, thì thấy cây đó bọng ruột. Trong bọng cây có vô số rắn lạ nằm khoanh. Ông liền bảo đầy tớ chất củi đổ dầu đốt cháy cây ấy. Lúc đó hơi tanh hôi bay xa cả dặm, phú ông đắc ý vỗ tay cả cười.

Không bao lâu, ban đêm phú ông thấy có đám lửa to bay vào nhà. Ông gọi gia nhân thức dậy đến cứu chữa, nhưng lại tịnh nhiện không có chi cả. Việc như thế xảy ra nhiều lần rồi đều lặng lẽ, cả nhà không thấy làm lạ. Đem nọ đứa tớ gái trộm củi đem nấu đồ riêng, bỗng lửa phát cháy đỏ, phú ông và tất cả gia nhân đều cho là trạng thái cũ, nằm nghỉ luôn không thức dậy. Nhưng lần này nhà cháy thật, cả gia quyến đều bị vùi thân trong lửa.