Ý Nghĩa và Mục Đích Khóa Tu Phật Thất

Phật thất cũng có thể xem là đoản kỳ xuất gia và cũng là một dạng biến thể của Bát quan trai giới. Bát quan trai giới là hành giả phát nguyện tu trong 1 ngày 1 đêm. Còn Phật thất thì thời gian tu tập trong suốt 7 ngày 7 đêm. Đoản kỳ xuất gia là một loại hình thức xuất gia ngắn ngày, suốt trong thời gian 7 ngày ở tại chùa, người Cư sĩ tại gia cố gắng tu tập giống như đời sống phạm hạnh của người Tu sĩ xuất gia.

Mục đích là để giúp cho những Phật tử tại gia có điều kiện thuận lợi cắt bớt trần duyên, đến chùa tu tập hầu thúc liễm thân tâm, trau giồi Giới đức, Nhất tâm niệm Phật, chứng nghiệm sự an lạc trong Giáo pháp của Phật.


Ý Nghĩa và Mục Đích Khóa Tu Phật Thất

Thích Chân Tính

Nhà Xuất bản Tôn giáo Hà Nội. PL. 2548 – DL. 2004 bttdtkvn

 

Mục Lục:

I. Ý Nghĩa và Mục Đích Khóa Tu Phật Thất

1/ Ý Nghĩa Phật Thất

2/ Nguyên Nhân Và Vấn Đề Tổ Chức

3/ Mục Đích Của Khóa Tu Phật Thất

II. Nội Quy Khóa Tu Phật Thất

1/ Nội Quy

2/ Thời Khóa Tu Tập.

3/ Trước Khi Đến Đạo Tràng

4/ Khi Đến Đạo Tràng

5/ Trong Thời Gian Tu Học

6/ Trước Khi Ra Về.

III. Oai Nghi Của Người Phật Tử

1/ Tác Phong Và Hạnh Kiểm

- Xá Chào

- Lạy Phật

- Tướng Đi

- Kinh Hành

- Tướng Đứng

- Tướng Ngồi

- Tướng Nằm

- Tướng Ăn

2/ Cách Thức Cúng Quá Đường

3/ Cách Thức Thỉnh Tăng Và Cúng Dường

4/ Cách Mặc Y Phục

5/ Cách Giao Tiếp Với Mọi Người

6/ Những Phần Phụ

IV. Nghi Thức Tụng Niệm Trong Khóa Tu Phật Thất

V. Nghi Thức Cúng Quá Đường

VI. Hô Kệ Niệm Phật

I. Ý Nghĩa và Mục Đích Khóa Tu Phật Thất

Khóa tu Phật thất lần đầu tiên được tổ chức tại chùa Hoằng Pháp từ ngày 2/ 5 đến 9/ 5/ 1999 (17/ 3 đến 24/ 3 Kỷ Mão) với số lượng 68 Phật tử tham dự. Đến nay là khóa thứ 6 được tổ chức từ ngày 17/ 9 đến 24/ 9/ 2000 (20/ 8 đến 27/ 8 Canh Thìn) với số lượng Phật tử tham dự là 313 vị. Đây là một mô hình tổ chức khá mới lạ, nên dù đã mở được 6 khóa tu, và số Phật tử đến tham dự ngày càng đông, nhưng vẫn có nhiều người chưa hiểu rõ được về ý nghĩa của khóa tu.

Nay, nhân buổi pháp thoại này, chúng tôi xin được giảng giải về ý nghĩa và mục đích của khóa tu Phật thất, để quý vị hiểu thật rành rõ, khi đó mới có thể phát lòng chánh tín và chí tâm thực hành để đem lại lợi ích cho mình, cho người.

1/ Ý Nghĩa Phật Thất

Chữ “Phật” có nghĩa là niệm Phật. Chữ “Thất” có nghĩa là 7. Như vậy “Phật thất” có nghĩa là 7 ngày tu tập niệm Phật.

Quý vị nên phân biệt rõ sự khác nhau giữa hai từ “Phật thất” và “Nhập thất.” “Nhập thất”, nghĩa chữ thất ở đây là nhà. Nhập thất là chỉ có một người tu tập riêng biệt trong căn nhà một thời gian nào đó tùy theo sự phát nguyện. Còn Phật thất là một tập thể gồm nhiều người cùng tu tập niệm Phật trong thời gian 7 ngày tại tự viện.

Phật thất cũng có thể xem là đoản kỳ xuất gia và cũng là một dạng biến thể của Bát quan trai giới. Bát quan trai giới là hành giả phát nguyện tu trong 1 ngày 1 đêm. Còn Phật thất thì thời gian tu tập trong suốt 7 ngày 7 đêm. Đoản kỳ xuất gia là một loại hình thức xuất gia ngắn ngày, suốt trong thời gian 7 ngày ở tại chùa, người Cư sĩ tại gia cố gắng tu tập giống như đời sống phạm hạnh của người Tu sĩ xuất gia.

2/ Nguyên Nhân Và Vấn Đề Tổ Chức

Mô hình Phật thất do người Trung Quốc tổ chức đầu tiên. Có lẽ họ căn cứ theo kinh A Di Đà: “Nếu có người thiện nam thiện nữ nghe nói về Phật A Di Đà, chuyên trì danh hiệu, hoặc một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày, bảy ngày Nhất tâm không loạn, người ấy khi chết được Phật A Di Đà và Thánh chúng hiện ở trước. Người này khi chết tâm không điên đảo liền được vãng sinh về cõi Cực lạc của Phật A Di Đà.”

Từ đó, các bậc Tổ sư Trung Quốc đã nghĩ ra mô hình Phật thất nhằm tạo điều kiện cho Phật tử tại gia đến chùa tu tập trong 7 ngày để tinh tấn niệm Phật đạt đến chỗ “Nhất tâm bất loạn”.

Còn ở Việt Nam, Phật thất có từ lúc nào và được tổ chức ở đâu, thì chúng tôi không biết chắc chắn, nhưng tại Thành phố Hồ Chí Minh, có lẽ chùa Hoằng Pháp là nơi tổ chức mô hình Phật thất đầu tiên.

Nguyên nhân nào mà chúng tôi tổ chức khóa tu Phật thất này?

Trước đây chúng tôi có hoài bão làm thế nào tổ chức được một đạo tràng tu học có quy củ nề nếp, dành cho Phật tử tại gia. Khi tìm hiểu về các khóa tu học của Phật giáo Đài Loan qua sách vở, nhất là thông tin của Phật Quang Sơn, trong lòng chúng tôi rất cảm mộ và ao ước có dịp nào được đến đó chiêm bái và học hỏi thêm kinh nghiệm tổ chức của Phật giáo nước bạn.

Thế rồi một nhân duyên đã đến, Thầy Minh Hiệp du học bên Đài Loan về chơi, có ghé thăm chùa Hoằng Pháp. Thầy mời chúng tôi qua Đài Loan dự lễ khánh thành tháp Phật Đà Xá Lợi do Thượng tọa Thích Quảng Tâm xây dựng. Nhân chuyến đi này chúng tôi có đến thăm Phật Quang Sơn. Hôm đó chúng tôi được tham dự một thời công phu khuya, nhận thấy từ cách xếp hàng, đi đứng đến việc tụng kinh, từng động tác lễ lạy của đại chúng đều được thể hiện rất trang nghiêm. Chắc chắn họ phải trải qua một quá trình luyện tập thật kỹ mới được như vậy.

Sau đó, chúng tôi đến chùa Linh Nham của Hòa thượng Diệu Liên (Là đệ tử của Ấn Quang Đại sư) Hòa thượng là một trong những vị cao tăng chuyên tu về pháp môn Tịnh độ. Ngài đã nhiều lần Nhập thất tu pháp Ban Chu tam muội, thời gian mỗi lần Nhập thất là 90 ngày không ngồi, không nằm, không ngủ, chỉ đi đứng niệm Phật. Khi chúng tôi đến thấy khoảng gần 400 Phật tử đang niệm Phật tại chánh điện, âm thanh niệm Phật của họ trầm bỗng du dương, và động tác lễ lạy, đứng lên ngồi xuống, kinh hành của họ rất nhịp nhàng thuần thục. Quả thật công lao của chư Tăng huấn luyện cho Phật tử tu tập được như vậy là điều rất đáng phục, đáng để cho chúng ta học hỏi.

Được chứng kiến tận mắt, chúng tôi có suy nghĩ, so với Phật giáo Đài Loan, Phật giáo Việt Nam đã có bề dày lịch sử hơn 2000 năm, nhưng nhìn lại về hình thức tổ chức tu học cho Phật tử tại gia thì lại thua kém rất nhiều. Điều này khiến cho chúng tôi băn khoăn suy nghĩ, làm thế nào để đưa vấn đề tu tập của Phật tử chúng ta nâng cao lên, nhằm đạt được một trình độ nào đó, mặc dù chưa nói về tâm linh, chỉ riêng về mặt hình thức thôi thì cũng cần phải có một tổ chức để đưa Phật tử vào khuôn khổ nề nếp.

Chúng tôi rất muốn thực hiện mô hình tu học đó, nhưng không biết cách thức tổ chức như thế nào. Vì thời gian thăm viếng của chúng tôi lại quá ngắn ngủi, chỉ mới được nhìn ngó sơ sơ qua sự sinh hoạt, chưa tiếp xúc được nhiều, chưa nắm được một cái gì cụ thể hết thì làm sao tổ chức được. Cần phải có thời gian lâu dài ở tại chỗ, quan sát cách thức sắp xếp, điều hành như thế nào thì mới học hỏi được nhiều cái hay.

Nhưng khi chúng tôi hoài bão một việc gì thì nhất quyết phải làm cho bằng được. Với nhiệt tâm đó, chúng tôi trình bày với hai vị Thượng tọa Chánh và Phó Ban Đại diện Phật giáo huyện Hóc Môn về việc tổ chức mô hình Phật thất để tạo điều kiện cho Phật tử tu tập. Khi nêu ý kiến này ra thì cả hai vị Thượng tọa đều rất hoan hỷ và chấp nhận coi đó là Phật sự của Ban Đại diện Phật giáo huyện Hóc Môn.

Sau khi thống nhất ý kiến, Ban Đại diện quyết định đứng ra xin phép tổ chức, và địa điểm khóa tu Phật thất được đặt tại chùa Hoằng Pháp, do chùa Hoằng Pháp chịu trách nhiệm đảm nhận khâu tổ chức. Sau đó, chúng tôi lên xin phép Thành hội Phật giáo TP.HCM, khi mới nghe qua thì chư tôn đức lãnh đạo thấy cũng hơi lạ, nhưng sau khi nghe chúng tôi giải thích cặn kẽ, quý Ngài cũng hoan hỷ đồng ý cho tổ chức.

Về mặt chính quyền, khi đưa đơn xin phép thì Ban Tôn giáo huyện Hóc Môn cũng thấy hơi lạ, nhưng do đây là một Phật sự của Ban Đại diện nên Ban Tôn giáo thấy không có gì trở ngại, và tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp đỡ Ban Đại diện Phật giáo huyện Hóc Môn tổ chức khóa tu Phật thất. Trong buổi lễ khai khóa tu Phật thất đầu tiên, ông Nguyễn Kim On, Phó Ban Tôn giáo huyện Hóc Môn, phát biểu rằng: “Hôm trước Ban Đại diện có gởi đơn để xin tổ chức khóa tu, nhưng tôi thấy sao cái này nó lạ quá, trước đây tổ chức tu Bát quan trai chỉ có 1 ngày 1 đêm, mà bây giờ tổ chức tu Phật thất tới 7 ngày 7 đêm. Tôi mới suy nghĩ lại hình như trong kinh Di Đà có câu nhất nhật, nhị nhật, thất nhật gì đó, như vậy trong kinh nói là tu 7 ngày, chắc là quý vị tổ chức tu 7 ngày đây….” Câu nói này khiến mọi người hiện diện trong khóa tu đều cảm động và hoan hỷ.

Như vậy, bước thứ nhất là Giáo hội, bước thứ hai là chính quyền, tức là về mặt pháp lý, mọi việc tương đối được ổn định rồi.

Còn về phía nhà chùa, để tạo điều kiện thuận lợi cho một số đông Phật tử tập trung về tu tập trong nhiều ngày, thì trước nhất đòi hỏi phải có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt như chỗ ăn, chỗ ngủ, nhà vệ sinh…; rồi kéo theo nhiều thứ như mùng mền, chiếu gối v.v…. Những thứ này có thể giải quyết được, nhưng cái đáng lo nhất là việc tổ chức thời khóa tu tập cho Phật tử như thế nào để ổn định và đạt được kết quả tốt đẹp. Sau đó chúng tôi có mời Sư Ngộ Chơn Thành trụ trì chùa Giác Hạnh ở Mỹ Tho, Tiền Giang đến cùng bàn bạc và đề ra chương trình tu học.

Chúng tôi phải tập trung quý Thầy lại để tập niệm Phật, suốt mấy ngày cũng chưa chọn ra được cách niệm Phật nào cho thích hợp. Rồi lại phải lo sắp xếp mọi việc ăn uống, ngủ nghỉ, vệ sinh sao cho chu đáo, nhất nhất việc gì cũng đều mới lạ cả.

Mọi việc đã được sắp đặt xong xuôi. Chúng tôi còn lo một điều nữa là không biết có ai đến tu không? Vì tu Bát quan trai một ngày một đêm đã là khó rồi, còn tu Phật thất đòi hỏi tới bảy ngày bảy đêm thì không dễ gì có người đủ điều kiện tham dự.

Nhưng rồi do nhân duyên tốt đẹp, khóa tu đầu tiên được gần 70 người tham dự. Mặc dù là lần đầu tiên tổ chức khóa tu Phật thất, nhưng chúng tôi đã đưa ra những nội quy cùng thời khóa tu tập khá nghiêm ngặt. Từ hạt nhân 70 người này có lẽ sau khi tu tập khóa Phật thất đầu tiên chắc đạt được nhiều điều hay và lợi ích, nên mới Giới thiệu với bạn bè. Đến khóa 2 số lượng tăng gấp đôi gần 150 người. Và đến khóa 6 này thì đã hơn 300 vị.

Đến khóa 3, chúng tôi có nghe một Phật tử nói chùa Nhất Nguyên ở Bình Dương cũng tổ chức tu niệm Phật tới 100 ngày. Chúng tôi liền đến tận nơi tham khảo để học tập rút kinh nghiệm cho tổ chức của mình. Chúng tôi được biết khóa niệm Phật bá nhật này được tổ chức từ trước năm 1975, cứ mỗi năm tổ chức một lần kéo dài tới ngày vía Phật A Di Đà thì kết thúc. Về thời khóa tu tập, thì thấy họ luân phiên niệm Phật suốt ngày đêm, có tính chất tự do. Sau khi quan sát kỹ cách tu hành này, chúng tôi thấy tổ chức niệm Phật như thế rất hay nhưng không thể đưa mọi người vào khuôn khổ nề nếp được.

Khóa 6 này chúng tôi dự định nhận khoảng 250 người thôi. Khi Phật tử đăng ký đã đủ số lượng như dự định, chúng tôi đã ngưng không nhận nữa, nhiều vị cứ điện thoại về xin mãi. Cuối cùng chúng tôi bàn với quý Thầy là người ta ham tu quá, cũng phải tạo điều kiện cho họ tu thôi. Về phía nhà chùa thấy quý vị về tu đông thì rất hoan hỷ. Nhưng sau cái vui là cái lo, lo là không tạo được mọi điều kiện thuận lợi tốt đẹp để cho các vị tu. Vì khi quý vị về đây tu tập đông đảo mà chỗ ăn chỗ ngủ không được chu đáo, không biết quý vị có hoan hỷ không, hay là đôi khi do chật hẹp lại sinh phiền não thì uổng công tu tập quá.

Để đáp ứng nhu cầu tu học ngày càng đông của quý vị, chúng tôi đã nới rộng thêm nhà ăn, nhà vệ sinh, và đang tiến hành xây dựng một dãy nhà ngang 14m, dài 38m, một trệt hai lầu với sức chứa khoảng hơn 600 người. Nhưng rồi không biết trong tương lai những cơ sở vật chất ấy có đủ để phục vụ cho nhu cầu tu học của quý vị không?

3/ Mục Đích Của Khóa Tu Phật Thất

Khi đưa ra mô hình khóa tu Phật thất tại Việt Nam, chúng tôi nhằm vào mục đích: Để giúp cho những Phật tử tại gia có điều kiện thuận lợi cắt bớt trần duyên, đến chùa tu tập hầu thúc liễm thân tâm, trau giồi Giới đức, Nhất tâm niệm Phật, chứng nghiệm sự an lạc trong Giáo pháp của Phật.

1. Cắt bớt trần duyên.

Trần có nghĩa là bụi bặm; cắt bớt trần duyên nghĩa là cắt bớt cái duyên bụi bặm. Thường người ta gọi là trần thế hay thế gian, để chỉ cho cõi đời này. Tại sao lại gọi cõi đời này là bụi bặm? Trong kinh A Di Đà, Đức Phật cũng nói cõi đời này là ngũ trược: kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sinh trược, mạng trược, là năm thứ dơ bẩn…

Vì trong cuộc đời này chúng ta thường đắm chìm vào năm thứ ham muốn (ngũ dục) là tiền tài, sắc đẹp, danh lợi, ăn ngon, ngủ kỹ. Đó là những thứ mà con người chúng ta bị lệ thuộc, bị ràng buộc vào đó. Từ những thứ ham muốn đó nó lôi kéo chúng ta đi vào cái vòng tham, sân, si, phiền não, nối tiếp theo muôn ngàn điều ác. Vì muốn có được tiền tài, sắc đẹp, danh lợi mà chúng ta phải lao vào tính toán, thậm chí gây ra biết bao tội lỗi để phục vụ cho ngũ dục.

Vấn đề mà chúng ta thấy trong thế gian ít ai tránh khỏi, đó là nghiệp nhà, nghiệp gia đình, vợ chồng, con cái, từ cái nghiệp nhà này đã gây biết bao nhiêu điều phiền toái, bất hạnh xảy ra.

Cho nên người đời thường nói: “Con là nợ, vợ là oan gia, cửa nhà là nghiệp báo.” Tuy biết đó là nghiệp báo, là oan gia, nhưng người đời vẫn cứ ham thích. Vẫn biết nghiệp nhà là nghiệp phiền não, nghiệp đau khổ, nhưng mà hình như người ta vẫn không sao tránh được nó. Vì đã vướng vào vòng tình ái thì bao nhiêu dây oan gia nghiệp chướng cứ theo đó mà phát sinh, kéo dài mãi, cứ nối tiếp như vậy không bao giờ ngừng nghỉ, gây cho ta một cái vòng oan nghiệt đau khổ Luân hồi. Như bài kệ sau đây của Ngài Thanh Sĩ:

“Nghiệp cha mới vừa buông con bắt

Hết cháu rồi kế chắt nối truyền

Cứ như thế đó lưu liên

Gây nên một mối thảm duyên nhiều đời

Cha mẹ chết con rơi nước mắt

Con chết thì cháu chắt khóc ròng

Vợ thì chan chứa vì chồng

Chồng thì vì vợ đôi dòng lệ rơi

Nước mắt ấy từ đời vô thỉ

Bốn biển to đem ví không cùng

Tử sinh Sanh tử không ngằn

Dây oan đáng sợ, nợ trần đáng ghê.”

Như chúng tôi đã trình bày, cái nghiệp gia đình đã ràng buộc chúng ta không những đời này mà là nhiều đời nhiều kiếp rồi, muốn thoát ra khỏi cái vòng Luân hồi Sanh tử, muốn cắt bỏ dây oan gia nghiệp chướng này không phải dễ dàng đâu. Nếu chúng ta không đại hùng đại lực thì không thể cắt được. Như câu:

“Ái bất trọng bất sinh Ta bà

Niệm bất nhất bất sinh Tịnh độ.”

Có nghĩa là nếu chúng ta không có tình cảm luyến ái thì chúng ta không sinh ở cõi Ta bà này. Vì tình cảm luyến ái đó mà chúng ta phải sinh vào cuộc đời này luẩn quẩn hết làm người, đến làm thú trong Dục giới không bao giờ nhàm chán. Và nếu chúng ta niệm Phật mà không chuyên tâm, “Nhất tâm bất loạn” thì không thể sinh về cõi Phật được.

Cho nên cái tình cảm, cái luyến ái của gia đình thế gian là lối sống quen thuộc của con người. Từ đó gây nên bao nghiệp chướng nặng nề, khiến bị chìm đắm trôi lăn mãi trong biển khổ Luân hồi Sanh tử.

Người tu muốn chấm dứt khổ lụy tái sinh thì phải lập chí mạnh bước ra khỏi mọi trói buộc hệ lụy về năm thứ ham muốn. Phải biết tu tập xả ly, cắt đứt không luyến tiếc bất cứ cái gì, gắng công tập buông bỏ mọi lo nghĩ, mọi bám víu quá nặng về vật dục, siêng năng tháo gỡ từng hồi, từng chút mọi đeo níu vào cái tình cảm ham thích dục lạc đó.

Cho nên khóa tu Phật thất này là để tạo điều kiện cho quý vị tập cắt bớt trần duyên. Nếu quý vị chưa thể cắt được trọn vẹn, thì tập cắt 7 ngày. Như vậy khi đến đây, quý vị có còn nghĩ gì đến chuyện gia đình nữa hay không, cái đó đòi hỏi ở tâm tư của mỗi vị phải khẳng định và cố gắng buông hết, đừng có còn nghĩ gì hết.

Ông Lê Văn Bái có lẽ cũng thao thức trong vấn đề cuộc sống và muốn cắt đứt trần duyên nên đã làm bài thơ sau:

“Phù thế đã nhiều duyên nghiệp quá

Lệ lòng mong cạn chốn am không

Cửa thiền một đóng duyên trần dứt

Quên hết người quen chốn bụi hồng.”

2. Thúc liễm thân tâm.

Thúc liễm thân tâm có nghĩa là cột trói thân tâm. Quý vị thường nghe nói trong kinh Đức Phật ví tâm chúng ta là “tâm viên, ý mã.” Có nghĩa là tâm của chúng ta vốn buông lung phóng túng, lăng xăng nghĩ tưởng đủ thứ không ngừng, ví như con khỉ leo trèo nhảy nhót không biết chán, ý thức chạy rong không bờ bến giống như con ngựa chạy.

Quý vị khi ở ngoài muốn làm gì thì làm, muốn ăn thì ăn, muốn ngủ thì ngủ, đi lại tự do, buông lung phóng túng. Khi vào đây tu tập, chúng tôi tạo điều kiện để cho quý vị thúc liễm thân tâm, nghĩa là cột trói thân tâm lại bằng những Giới luật, bằng những thời khóa tu tập. Chẳng hạn như quý vị chịu ngồi đây từ sáng đến giờ là đã cột thân lại ở đây rồi, nếu để tự do có lẽ quý vị đã không chịu ngồi yên.

Trong khóa tu Phật thất, pháp tu của chúng ta là niệm Phật. Trong lúc niệm Phật, thân chúng ta ngồi yên, miệng niệm Phật, ý chúng ta có chăm chú vào câu niệm Phật, nhớ tưởng đến Phật thì tâm chúng ta không vọng tưởng điên đảo hay lăng xăng nghĩ nhớ điều xấu gì khác, vì nhờ câu niệm Phật thúc liễm tâm chúng ta lại.

Vì thế, chúng tôi thường xuyên nhắc nhở quý vị chú tâm vào từng động tác đi đứng, ăn uống… trong mọi sinh hoạt, thì mới có thể thúc liễm được cả thân và tâm.

Trong nhà Thiền thường sử dụng mười bức tranh chăn trâu để cụ thể hóa cho việc điều chỉnh tâm, rèn luyện tự tánh của chính ta từ lúc khởi điểm cho đến khi thành đạo hoàn mãn. Con trâu lúc ban đầu là trâu đen còn hung hăng chưa thuần thục, tượng trưng cho vọng tưởng điên đảo của chúng ta cứ lướt đi mãi không bao giờ dừng nghỉ. Muốn chế ngự sai sử được trâu, mục đồng phải lấy dây xỏ mũi nó, lại phải có cái roi để canh chừng dọa nạt. Hễ nó mà đi sai thì nắm mũi kéo lại, còn bướng quá thì lấy roi quất để răn đe. Cho tới chừng nào trâu đã chịu phép, người chăn mới bỏ dây bỏ roi. Khi trâu đã thuần phục, lúc đó mục đồng mới hoàn toàn thảnh thơi ngắm nhìn bốn bề bát ngát trời xanh mây trắng.

3. Trau giồi Giới đức.

Khi vào đây tu học là chúng ta học cái hạnh làm Phật, tu cái hạnh để thành Phật. Phần đông, khi được hỏi tu để làm gì, thì hầu như không ai dám trả lời là tu để thành Phật. Như Đức Phật dạy: “Tất cả chúng sinh đều là Phật sẽ thành”, nghĩa là tất cả chúng sinh đều có khả năng thành Phật. Cho nên mục đích của chúng ta học Phật, tu Phật là để thành Phật, nhưng còn thời gian bao lâu mới thành được là do sự quyết tâm của mỗi người.

Đức Phật là bậc Lưỡng Túc Tôn, đầy đủ phước đức, Trí tuệ, là một con người toàn diện về nhân cách, nghĩa là ba nghiệp thân khẩu ý của Đức Phật là hoàn toàn thanh tịnh trang nghiêm.

Chúng ta trau giồi ba nghiệp thân khẩu ý của chúng ta cho được thanh tịnh như Đức Phật tức là trau giồi Giới đức. Bởi vì ba nghiệp đó nếu được thanh tịnh thì chúng ta mới có an lạc. Chúng tôi thường nhắc quý vị cố gắng chăm chú vào tất cả mọi oai nghi cử chỉ động tác để từ đó mà có Chánh niệm giúp cho ba nghiệp của quý vị được thanh tịnh,

Ở ngoài thế gian, các vị thấy tư cách của một ông Thầy giáo phải khác với người đạp xích lô, hay một vị nguyên thủ quốc gia, tư cách lại khác hơn người thường. Vì họ là bậc đại diện mẫu mực của quốc gia, cho nên từ cái ăn cái nói, cái đi cái đứng đều phải hết sức cẩn thận trang nghiêm nhằm thể hiện cái gì đó khiến mọi người nhìn vào phải mến phục cung kính.

Còn Đức Phật là bậc đầy đủ phước đức, Trí tuệ, đạo đức cao thượng đương nhiên nói về nhân cách oai nghi thì Ngài hơn họ rất nhiều. Còn chúng ta về đây tu học để làm Phật, thì từ lời nói, suy nghĩ, việc làm cho đến tư cách phải thể hiện giống như Phật, vì “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”, đi tu Phật mà không giống Phật thì không phải là con Phật. Cho nên, ngoài việc chuyên tâm niệm Phật, chúng ta còn cần phải chăm chú về oai nghi. Vì vậy chúng tôi thường hay nhắc nhở quý vị khi đi đứng ngồi nằm, lúc ăn uống, hoặc khi chắp tay, khi kinh hành cần cố gắng thể hiện tư cách trang nghiêm của người Phật tử.

Thí dụ khi làm bánh, muốn có loại bánh tròn thì phải dùng khuôn tròn, muốn có loại bánh vuông thì phải dùng khuôn vuông. Còn muốn làm Phật thì chúng ta phải khép mình vào khuôn khổ, vào Giới luật của Đức Phật đã chế, có làm đúng như thế thì sau này chúng ta mới có thể làm Phật, mới thành Phật được. Chúng ta muốn tu Phật, học Phật, thành Phật mà đi ngược lại giáo lý, Giới luật và oai nghi của Đức Phật là không được, vì “Thầy nào trò nấy.”

Khi đến đây là quý vị phải theo ở đây, vì khuôn khổ, nội quy ở đây là như vậy rồi, quý vị không thể tự chế ra cái của mình rồi cho là mình đúng bắt chùa phải theo. Chúng tôi khép quý vị vào nội quy, vào khuôn khổ là để quý vị trau giồi Giới đức. Nếu quý vị chú tâm vào từng động tác từng cử chỉ thì thói quen buông lung trước đây của quý vị sẽ có sự thay đổi rất nhiều. Khi Giới đức của quý vị tốt đẹp tức là ba nghiệp thân khẩu ý của quý vị sẽ được thanh tịnh. Như trong bài thơ của Viên Minh dưới đây:

“Học đạo quý vô tâm

Làm nói nghĩ không lầm

Sáng trong và lặng lẽ

Giản dị mới uyên thâm.”

Nghĩa là làm, nghĩ, nói thuộc về ba nghiệp thân khẩu ý lúc nào cũng tỉnh giác, giữ vững Chánh niệm, không bị lầm lạc thì không gây ra tội lỗi, đau khổ cho mình và cho người. Mọi hành động cử chỉ đi đứng không phóng túng, thô tháo, bớt ăn nói ồn ào cũng là cách định tâm lắng ý. Những ngày tu tập này chính là những ngày phản tỉnh cần thiết. Đó là dịp thuận tiện để ta đi sâu vào “Nhất tâm bất loạn”.

4. Nhất tâm niệm Phật.

Nhất tâm niệm Phật là đem hết ý chí vào câu niệm Phật. Nếu miệng niệm Phật mà trong tâm vọng tưởng lăng xăng thì khó được lợi ích thiết thực.

Khi đặt ra khóa tu Phật thất chúng tôi đã bàn bạc rất kỹ việc tổ chức như thế nào đó để tạo điều kiện thuận lợi cho quý vị khỏi phải bận tâm về ăn uống, ngủ nghỉ, để quý vị có thời gian tu tập, chú tâm vào việc niệm Phật nhiều hơn. Ngoài thời khóa niệm Phật ở trên chánh điện, chúng tôi còn mở băng niệm Phật để quý vị nghe tiếng niệm Phật, lúc nào cũng nhớ Phật tưởng Phật.

Tuy nhiên trong thời khóa quý vị còn ổn định chăm chú niệm Phật, chứ ngoài thời khóa quý vị lại không chú tâm nữa, cứ ngồi lại với nhau để nói chuyện, thấy uổng lắm. Vậy mọi người hãy cố gắng nhiếp tâm niệm Phật. Nếu tu mà không nhiếp tâm thì không thành tựu được, coi như chỉ mới bước vào tới cổng thôi.

Muốn về Tịnh độ thì phải “Nhất tâm bất loạn”. Mà muốn “Nhất tâm bất loạn” thì ngay đây, bây giờ phải thực tập nó bằng công khóa và quán chiếu để lập chí hăng hái.

“Nhất tâm bất loạn” có dễ không? Trong thời khóa niệm Phật chúng ta còn chưa chắc nhiếp tâm được, huống chi trong lúc buông lung phóng túng. Chúng ta thấy đơn giản nhưng thực không đơn giản đâu, như Ngài Thanh Sĩ có bài kệ:

“Ngồi niệm Phật thì ai cũng niệm

Nhất tâm không xao xuyến ít người

Tâm như chong chóng giữa trời

Phật thì một niệm còn mười niệm ma.

Các việc xấu nhớ ra trước nhất

Kế tay chân buồn bực mỏi mê

Rồi ma buồn ngủ chạy về

Phật không niệm tới khói mê phủ vào

Chẳng cần hỏi ông nào cũng biết

Niệm thế bao giờ Phật chứng cho

Ví như nồi gạo mới vo

Bắc lên nhắc xuống bao giờ chín cơm.”

Bất cứ việc gì ở đời muốn thành công cũng đều phải trải qua sự gian khổ rèn luyện, như người làm trò xiếc, họ cũng phải khổ luyện lâu ngày mới biểu diễn hay tuyệt như thế. Tu cũng vậy, phải trải một quá trình gian khổ để huấn luyện tâm ý, chớ một sớm một chiều thì chưa ăn thua gì. Pháp tu nào cũng luôn luôn đòi hỏi sự siêng năng vô hạn từ đêm đen đến ngày trắng mới mong có kết quả sáng chói. Cho nên sự “Nhất tâm bất loạn” đòi hỏi sự quyết tâm nhiều lắm, phải kiên trì, nhẫn nại mới có thể thành công được. Như lời Thiền sư Hoàng Bá Hy Vân:

“Nếu chẳng một phen xương lạnh buốt,

Hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương.”

Theo kinh nghiệm tu hành của chúng tôi, chúng ta khó Nhất tâm được là do chúng ta đã tạo bao nhiêu nghiệp chướng từ nhiều đời nhiều kiếp. Do nghiệp chướng nặng nề nên khi niệm Phật tâm dễ sinh loạn tưởng. Tu tới khi nào nghiệp chướng nhẹ lần cho đến tiêu tan hết thì chúng ta mới có thể thanh tịnh, mới vào chánh định được. Không phải một sớm một chiều mà chúng ta có thể thực hiện được sự “Nhất tâm bất loạn”. Nên chúng ta đừng coi thường pháp niệm Phật này. Vì pháp niệm Phật là một pháp tu rất thù thắng nhằm trợ duyên cho chúng ta nhiếp tâm để mà tiêu trừ nghiệp chướng.

Thí dụ chúng ta trồng cây mít, mong muốn chừng một tháng sau cây có trái, có được hay không? Đương nhiên là không được rồi. Vì khi ta gieo hạt cho đến khi cây trổ trái, còn đòi hỏi bao nhiêu điều kiện tối thiểu cần thiết, chưa kể hạt giống có thể bị hư do sâu rầy, thời tiết hoặc hạt giống của chúng ta không tốt.

Việc tu hành cũng vậy, phải có quá trình thời gian. Nhân mới gieo mà muốn có quả, quả đâu ra liền. Mới tu muốn thành Phật ngay thì sao mà thành được. Tiến trình từ lúc gieo nhân đến kết quả còn tùy thuộc vào duyên lực, hoàn cảnh, điều kiện thích hợp và nhất là ý chí con người. Quá trình chúng ta tu đến khi thành Phật không dễ dàng đâu. Chúng tôi rất tâm đắc bài kệ sau:

“Đốn ngộ tuy đồng Phật

Đa sinh tập khí thâm

Phong đình ba thượng dũng

Lý hiện niệm du xâm.”

Hai câu đầu ý nói Phật tánh của ta với Đức Phật đồng nhau, giống nhau, nhưng chúng ta lại khác Phật ở chỗ Đức Phật đã tích lũy công đức tu hành trong nhiều đời, còn chúng ta từ vô thỉ kiếp đã tạo biết bao nhiêu tội lỗi, nghiệp chướng trần lao nên tập khí của chúng ta quá sâu dày rồi.

Câu thứ ba của bài kệ đưa ra hình ảnh một cơn gió mạnh thổi đến, mặt biển sóng dậy lên, gió đi qua rồi làn sóng vẫn chưa ngưng liền được, cứ dập tới dập lui cho đến khi hết cái trớn mới dừng lại được. Câu thứ tư có nghĩa là lý Phật tánh của chúng ta lúc nào cũng vẫn có sẵn đó nhưng mà cái niệm điên đảo vọng tưởng vẫn còn, nghĩa là chúng ta muốn dừng cái nghiệp chướng nhiều đời nhiều kiếp nhưng mà chưa dừng được, cũng giống như gió dừng nhưng sóng chưa dừng vậy.

Chúng ta Giác ngộ rồi, biết tu Phật thành Phật như vậy rồi, đốn ngộ như Phật rồi, nhưng nghiệp chướng nhiều đời nhiều kiếp của chúng ta chưa cho chúng ta yên. Cái dòng tâm thức của chúng ta đang sôi trào cuồn cuộn như sóng bay khắp chân trời mặt đất trong tâm ta, không bao giờ ngừng nghỉ phút nào, muốn dừng cho yên thì không dễ đâu. Chúng ta phải hiểu điều này và cố gắng tu tập để cho nghiệp chướng tiêu trừ dần dần, cũng như làn sóng giảm từ từ rồi mới yên. Khi sóng nghiệp từ từ lặng yên, lúc đó tự nhiên chúng ta sẽ vào được định. Phải cố gắng kiên trì đừng có nản, nếu chán nản bỏ nửa chừng thì lại càng tệ hại hơn. Đã biết nghiệp lực sâu dày thì càng phải cố gắng tu, nay không được, mai không được, càng phải quyết tâm vững chắc nhiều hơn nữa thì cũng có ngày nghiệp chướng tiêu trừ, vọng tưởng điên đảo không còn, tâm ta sẽ dễ dàng Nhất tâm.

Pháp nhiếp tâm không gì hơn phải chí thành khẩn thiết. Nếu tâm chẳng chí thành mà muốn nhiếp thì khó có thể được. Khi được Nhất tâm rồi, tâm cùng Phật hợp nhau, tâm cùng đạo hòa nhau thì mình và Phật không xa. Cho nên mục đích của người tu Phật thất phải quyết tâm đạt cho được sự Nhất tâm.

5. Chứng nghiệm sự an lạc.

Thực hiện được bốn điều cắt bớt trần duyên, thúc liễm thân tâm, trau giồi Giới đức và Nhất tâm niệm Phật, thì chúng ta sẽ đạt được mục đích cứu cánh là chứng nghiệm sự an lạc. Trong bài thơ chúc mừng Phật thất, chúng tôi có nêu lên cái ý như vầy:

“Bảy ngày tu tập cùng chung

Thân tâm thanh tịnh cõi lòng thảnh thơi

Miệng luôn nở nụ cười tươi

Uống ăn đi đứng nằm ngồi trang nghiêm

Bước chân mỗi bước tự nhiên

Kinh hành niệm Phật não phiền tiêu tan

Âm thanh trầm bỗng ngân vang

Hòa theo tiếng mõ nhịp nhàng xuống lên

Bụi trần vọng tưởng đảo điên

Lặng yên theo tiếng kinh thiền ngân nga

Nam mô Đức Phật Di Đà

Tây phương Cực lạc không xa tâm mình.”

Trong 7 ngày tu tập quý vị cố gắng trau giồi Giới đức, tinh tấn niệm Phật để thực hiện được sự trang nghiêm. Có trang nghiêm rồi thì sẽ đưa đến thanh tịnh tức là không còn phiền não nữa. Có trang nghiêm, có thanh tịnh, có tinh tấn, có Nhất tâm chúng ta mới chứng nghiệm được sự an lạc ngay trong cuộc sống hiện tại.

Ta trôi nổi trong nội thức suy tư và đối tượng bên ngoài suốt tháng năm, bồng bềnh theo cơn vui buồn giận ghét. Chúng ta không tự cứu mình trước bằng cách phản tỉnh làm lắng sạch tâm ý thì đâu có ai làm cho mình được. Nên chúng ta cần phải trút bỏ lại mọi lo toan trần thế, tự hứa gom mình vào định hướng tu tập.

Nếu lòng thanh thản không lo nghĩ

Ấy buổi êm đềm chốn thế gian.

Chúng ta tu đến khi nào đạt được sự an vui thì mới về được cõi Cực lạc. Vì Tây phương Cực lạc được gọi là cõi Tịnh độ – Tịnh độ: độ là cõi, tịnh là thanh tịnh, Tịnh độ là cõi thanh tịnh – Chúng ta muốn về cõi Tịnh độ thì chúng ta phải thanh tịnh, còn tâm cứ bực tức, phiền não, buồn giận thì không về được Tịnh độ. Phật là thanh tịnh, cho nên ta cũng phải thanh tịnh thì việc đến với Phật không còn xa.

Nếu không quyết liệt lập chí, thì ta không về Cực lạc được. Do vậy tu Tịnh độ cũng phải lập nguyện thiết tha vô hạn như kẻ tha hương chí cốt muốn về yên nghỉ nơi cố hương. Nhưng điều cần thiết nhất là phải tin sâu chắc, nguyện tha thiết mới cảm thông với Phật, mới có thể quyết định hiện đời ra khỏi Ta bà sinh về Cực lạc.

Tóm lại, trên đây chúng tôi đã trình bày rõ ràng về ý nghĩa và mục đích của khóa tu Phật thất. Đến nay, mô hình Phật thất đang trên đường phát triển mạnh. Ngoài việc tổ chức tu Phật thất mang tính tập thể ra, chúng tôi cũng đang xây dựng mô hình tu Nhập thất cá nhân. Hiện tại chúng tôi đã xây dựng được 6 cái thất. Trong hướng tới, chúng tôi sẽ thực hiện việc tu Nhập thất, và pháp tu này đòi hỏi người tu phải có bản lĩnh và phải có sự quyết tâm cao. Mong rằng sau này chúng tôi sẽ được đón tiếp các Phật tử phát nguyện chuyên tâm tu học để đạt được kết quả an vui Giải thoát.

Chúng tôi rất mừng là Khóa tu Phật thất đã tạo ra một sinh khí tu học mới, từng bước đưa Phật tử vào trong khuôn khổ nề nếp của sự tu tập, khi đi đến đâu cũng thể hiện được sự trang nghiêm thanh tịnh, vì khi quý vị đến đây đã được đào luyện tu học rất kỹ lưỡng. Chúng tôi mong rằng những hạt nhân này sẽ được đâm chồi, nẩy lộc, phát triển nhiều hơn nữa. Đây chính là sự đóng góp công sức để xây dựng cho Phật giáo Việt Nam thăng hoa và phát triển phù hợp với thời đại mới.

(Phật tử Diệu Huệ viết theo bài giảng Khóa tu Phật thất của Thầy Thích Chân Tính ngày 21/ 9/ 2000)


II. Nội Quy Khóa Tu Phật Thất

Để khóa tu Phật thất thành tựu được năm điều: Lục Hòa, Nghiêm Tịnh, Tinh Tấn, Nhất Tâm, An Lạc, Phật tử tham dự phải chấp hành những nội quy sau đây:

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Kính thưa quý Phật tử!

Với mong ước làm thế nào để đưa vấn đề tu tập của hàng Phật tử ngày càng đi vào nề nếp, quy củ theo đúng Chánh pháp của Phật, đồng thời để tạo điều kiện cho Phật tử tại gia cắt bớt trần duyên, hầu thúc liễm thân tâm, trau giồi Giới đức, Nhất tâm niệm Phật, chứng nghiệm sự an lạc trong Giáo pháp của Phật, nên khóa tu Phật thất tại chùa Hoằng Pháp ra đời.

Để quý Phật tử tham dự khóa tu Phật thất đạt được kết quả mỹ mãn, Ban Tổ chức yêu cầu Phật tử phải nắm vững chương trình tu học, tuân thủ nội quy và các oai nghi.

Quý Phật tử phát tâm vào đây là để niệm Phật thành Phật, thì phải học và tu theo hạnh của Phật. Muốn được vậy phải giữ gìn Năm giới cấm thật chu đáo. Nếu không giữ được một Giới nào thì làm sao gọi là Phật tử? Người đời không theo đạo Phật mà còn biết giữ đúng tư cách như không uống rượu, không hút thuốc, không trộm cắp thay huống hồ gì là Phật tử.

Chúng ta đến với đạo Phật là vì muốn vượt lên trên cuộc đời tầm thường của thế nhân để đạt được Chân Thiện Mỹ. Nếu chúng ta vào đạo rồi mà vẫn tiếp tục cuộc đời trôi nổi cũ hay còn tệ hơn cuộc đời thường của thế nhân thì đó chỉ làm hoen ố đạo chớ không phải là người mộ đạo.

Cho nên là Phật tử thì phải có tinh thần trách nhiệm nuôi dưỡng, hiếu thuận với cha mẹ, kính thờ sư trưởng, tu tập Thập thiện, phát tâm Bồ đề, tin sâu Nhân quả, tinh tấn tu hành, cố gắng Giữ giới để xứng đáng với danh nghĩa của người có đạo đức, nhằm đem lại hạnh phúc cho mình và cho chúng sinh. Một xã hội mà mọi người đều thực hiện Năm giới cấm ấy thì đó là một xã hội gương mẫu văn minh nhất thế giới vậy. Muốn có đạo đức thì phải theo học với các bậc đức hạnh thanh cao siêu thoát, mà Đức Phật là đấng trọn lành tiêu biểu cho nền đạo đức toàn chân, toàn thiện, toàn mỹ.

Có đạo đức, con người mới có lòng Từ bi, sáng suốt công bình, gia đình mới có hạnh phúc chân thật, xã hội mới được thực sự văn minh cả về hai phương diện vật chất và tinh thần. Người muốn học hỏi đạo lý và đức hạnh của Phật thì trước phải Quy y Tam bảo và thọ trì Ngũ giới. Sau đó người Phật tử phải tinh tấn trau giồi đức hạnh và học hỏi các phương pháp tu Giải thoát bằng cách cải thiện mọi sinh hoạt trong đời sống hằng ngày như sau:

1. Hết lòng tôn kính Phật, Pháp, Tăng là những bậc Thầy cao quý, hộ trì ngôi Tam bảo để Phật Pháp trường tồn, thường niệm Phật để tâm được an định.

2. Nghiêm trì Giới luật mà mình đã thọ để khỏi gây tạo nghiệp ác, tránh quả báo về sau.

3. Tập ăn chay kỳ, chay trường để trưởng dưỡng lòng Từ bi, vừa bớt tính hung hăng, hiếu sát và để bảo vệ sức khỏe, ít bệnh hoạn.

4. Dứt bỏ những tính hung dữ, gian tham, trộm cắp, dối trá, để trở nên con người hiền lành ngay thẳng chân chính.

5. Loại bỏ các thói hư tật xấu như cờ bạc, hút sách, ăn chơi phung phí v.v..., phải biết giữ tiết độ trong việc ăn mặc và ngủ nghỉ, tập theo lối sống đơn giản, giảm bớt những nhu cầu vật chất không cần thiết, không cầu kỳ, không lập dị, không xa hoa, không buông lung.

6. Không lười biếng ỷ lại mà phải siêng năng sốt sắng, đảm đang, tinh tấn tu học với ý chí tự lập tự cường, kiên nhẫn chịu đựng để vượt qua mọi gian lao trở ngại.

7. Làm việc phải có tinh thần trách nhiệm, việc làm phải nhẹ nhàng khéo léo, sạch sẽ, gọn gàng.

8. Hành động, cử chỉ, lời nói phải luôn luôn ôn hòa nhẹ nhàng, khiêm tốn không cống cao, ngã mạn, khinh người.

9. Đối với mình thì khắc kỷ chế ngự vọng tâm, đối với người thì đại lượng bao dung và nhiệt tâm giúp đỡ. Khuyên mọi người chung quanh đều hướng về đường lành, trau giồi đạo đức, phát huy Trí tuệ, dẹp bỏ các hủ tục mê tín dị đoan.

10. Thường nghiên cứu Kinh điển để có thể hiểu biết và thực hành đúng Chánh pháp của Đức Như Lai.

11. Mỗi tháng nên đến chùa ít nhất hai ngày sám hối để sám trừ tội chướng, ăn năn lỗi trước, tránh chừa lỗi sau.

12. Học thuộc các nghi thức tụng niệm thông thường để hòa được chúng khi tụng chung. Ngoài ra nếu có hoàn cảnh thuận tiện, mỗi tuần hay mỗi tháng nên dành ra một ngày để về chùa thọ Bát Quan Trai, để học hỏi thêm những giáo lý cao siêu hơn và được gần gũi với chư Tăng trọn một ngày trong không khí trong lành thanh tịnh, khiến cho tâm hồn hưởng được những phút giây nhẹ nhàng an lạc, mà ở tại nhà thế tục không tìm thấy được.

Tu học và thực hành được những điều trên đây là người dám làm cuộc cách mạng bản thân, bỏ tà quy chính, cải ác tùng thiện, mới xứng đáng là người Phật tử thuần thành và chân chính, để từng bước tiến lên hạnh xuất gia Giải thoát.

1/ Nội Quy

Chùa Hoằng Pháp tổ chức các khóa tu Phật thất với mục đích để giúp cho Phật tử tại gia có điều kiện thuận lợi cắt bớt trần duyên, hầu thúc liễm thân tâm, nghiêm trì Tịnh giới, tinh tấn tu tập, chứng nghiệm sự an lạc trong Giáo pháp của Phật.

Tất cả Phật tử tại gia đều có thể tham dự khóa tu. Yêu cầu phải có đủ sức khỏe và không bị bệnh truyền nhiễm, huyết áp cao, tai biến mạch máu não, bệnh đau thắt ngực. Không nhận người già yếu, đi đứng khó khăn, lẩm cẩm, tai điếc.

Để khóa tu Phật thất thành tựu được năm điều: Lục Hòa, Nghiêm Tịnh, Tinh Tấn, Nhất Tâm, An Lạc, Phật tử tham dự phải chấp hành Nội quy sau đây:

1. Giữ Năm giới đã thọ.

2. Giữ uy nghi lúc đi, đứng, nằm, ngồi.

3. Giữ thân khẩu ý thanh tịnh.

4. Chấp hành đúng nội quy và thời khóa tu tập.

5. Luôn hoan hỷ và hòa nhã đối với mọi người.

6. Hạn chế nói chuyện với nhau.

7. Không nói chuyện thế sự.

8. Không lớn tiếng nói cười.

9. Không ra khỏi phạm vi chùa.

10. Hạn chế tiếp xúc với người ngoài.

11. Không trang điểm phấn son và đeo nữ trang.

12. Không được ăn, ngủ ngoài giờ đã quy định.

13. Không được hút thuốc, ăn trầu.

14. Đến giờ ngủ nghỉ phải im lặng, không được đi lại gây náo động.

2/ Thời Khóa Tu Tập.

3 giờ 30:     Báo thức

4 giờ 00 -     5 giờ 30: Công phu niệm Phật

6 giờ 00 - 6 giờ 30: Điểm tâm sáng

7 giờ 00 - 8 giờ 30 : Nghe pháp

9 giờ 00 - 10 giờ 30: Công phu niệm Phật

11 giờ 00 - 11 giờ 45: Ăn trưa

12 giờ 00     - 13 giờ 30: Nghỉ trưa

14 giờ 00     - 16 giờ 00: Công phu niệm Phật

16 giờ 00     - 18 giờ 00: Tắm giặt

18 giờ 00     - 18 giờ 30: Ăn chiều

19 giờ 00     - 20 giờ 30: Công phu niệm Phật

21 giờ 00     - 21 giờ 30: Ngồi tịnh

21 giờ 30: Ngủ nghỉ

Ngoài các điều nêu trên, Phật tử còn phải tuân thủ những điều được hướng dẫn dưới đây:

3/ Trước Khi Đến Đạo Tràng

Phật tử muốn tham dự khóa tu cần phải:

Đăng ký với Ban Tổ chức khóa tu đúng ngày tháng quy định (có thể liên hệ qua điện thoại hoặc gởi thơ). Khi đăng ký phải ghi rõ họ tên, pháp danh, tuổi, địa chỉ rõ ràng. Khi liên hệ bằng điện thoại, quý vị chỉ gọi trong thời gian sau: Sáng: từ 7 giờ đến 11 giờ – Chiều: từ 14 giờ đến 17 giờ.

Sau khi đăng ký, nếu có duyên sự không tham dự được, phải báo cho Ban Tổ chức biết, không được tự ý chuyển phiếu đăng ký cho người khác.

Phải có áo tràng lam (theo mẫu đồng phục của chùa). Người tham dự lần đầu tiên được mượn áo tràng đồng phục.

Phải có hai bộ quần áo màu lam (nên thêu tên, pháp danh vào quần áo).

Nếu đã tham dự hai khóa mà không có áo tràng và quần áo đồng phục vẫn được dự tu nhưng không được cấp giấy chứng nhận.

4/ Khi Đến Đạo Tràng

Phải đến đúng ngày giờ đã quy định. Nếu đến trễ, Ban Tổ chức không nhận đăng ký.

Khi đi nhớ đem theo CMND (bản chính và bản photo có thị thực), cùng phiếu đăng ký đã ghi đầy đủ họ tên, pháp danh, địa chỉ đến bàn đăng ký để ghi danh.

Chỉ mang theo quần áo và những vật dụng cá nhân thường dùng, không nên đem đồ vật quý giá hoặc đắt tiền. Không đem mùng mền, chiếu gối, nệm lót, tọa cụ, bồ đoàn, phích nước, thau giặt, kem đánh răng, xà bông tắm, xà bông giặt và đồ ăn, thức uống.

Khi nhập khóa, mỗi Phật tử được phát một túi vải để đựng các thứ: tập sách, bút, thuốc uống và bàn chải đánh răng. Hành lý cá nhân của Phật tử đem theo được cất vào phòng và khóa lại.

5/ Trong Thời Gian Tu Học

1. Chọn pháp tu.

Pháp môn chính của khóa tu Phật thất là chuyên niệm danh hiệu Phật A Di Đà. Để cho việc công phu niệm Phật đạt được kết quả tốt đẹp, quý vị nên chọn một trong ba phương pháp sau đây:

- Tín tâm niệm Phật: Công phu tại chánh điện, kinh hành niệm Phật 15 phút và ngồi niệm Phật 15 phút (niệm ra tiếng).

- Chuyên tâm niệm Phật: Công phu tại giảng đường, ngồi niệm Phật 30 phút và kinh hành 15 phút (niệm thầm).

- Nhất tâm niệm Phật: Công phu tại giảng đường, ngồi niệm Phật (niệm thầm) từ 1 giờ đến 2 giờ.

2. Tu tập.

Khi nghe hiệu lệnh 3 tiếng chuông, các Phật tử mặc áo tràng chỉnh tề:

- Phật tử tín tâm niệm Phật tập trung xếp hàng đúng số thứ tự trong vòng 5 phút, chắp tay nghiêm trang, kinh hành đúng bước chân theo câu nhạc niệm Phật tiến lên chánh điện. Nếu ai tập trung trể, phải đứng bên ngoài, chờ đại chúng đi hết mới được đi tiếp theo sau, không được chạy theo chen vào hàng.

- Phật tử chuyên tâm và Nhất tâm niệm Phật tập trung tại giảng đường (nơi hành lễ) trong vòng 10 phút, ngồi theo đúng số thứ tự, không được dành chỗ ngồi. Sau 10 phút, những chỗ trống được đôn lên, người đến trể phải ngồi phía sau.

Sau khi xưng tán Đức Phật, mọi người ngồi xuống đọc bài tán Phật A Di Đà và niệm Phật. Trong lúc công phu không được nói chuyện, quay tới quay lui làm ảnh hưởng đến sự trang nghiêm thanh tịnh của đại chúng, phải cố gắng Chánh niệm chú tâm theo câu niệm Phật, miệng phải niệm từng chữ từng câu rõ ràng, tai nghe rõ ràng, danh hiệu Phật phải từ tâm ý mà lưu xuất.

Khi kinh hành, chắp tay trang nghiêm trước ngực, từng bước chân đi đúng theo câu niệm Phật, mắt nhìn về phía trước, không vừa đi vừa xá chào.

Khi ngồi niệm Phật thì ngồi thẳng lưng, chân xếp theo kiểu bán già, hai bàn tay để ngay ngắn trên đùi, bàn tay phải đặt ngửa trên lòng bàn tay trái, không lạy, không lần chuỗi hoặc dùng quạt giấy. Không ngồi duỗi thẳng chân. (Chỉ ngồi nghiêm trang niệm Phật). Không đem nước uống và khăn lên chánh điện.

Thời công phu kết thúc, Phật tử chỉnh đốn lại Y phục, lần lượt từng hàng (đã được ban Tổ chức sắp xếp) kinh hành theo câu nhạc niệm Phật đi xuống, không được chen lấn hay tách hàng xuống trước.

3. Giờ nghe pháp.

Nghe tiếng chuông báo hiệu đến giờ thính pháp, tất cả khóa sinh mặc áo chỉnh tề xếp đúng hàng, đúng chỗ Ban Tổ chức đã quy định.

Trong lúc chờ đợi Giảng sư thăng tòa, không được nói chuyện, đi lại để giữ gìn trang nghiêm thanh tịnh đạo tràng.

Trong giờ nghe pháp, phải ngồi ngay ngắn, tập trung tâm ý nghe giảng, không được đi lại hay đổi chỗ cho nhau, không ngồi tựa lưng vào tường hoặc duỗi thẳng chân.

Sau giờ nghe pháp, không nên chen lấn chạy theo Giảng sư. Nếu khóa sinh muốn chụp hình lưu niệm với Giảng sư phải xin phép Giảng sư và Ban Tổ chức, lần lượt từng đoàn thể, sau đó là các cá nhân. Tuyệt đối không được lôi kéo làm mất oai nghi, phải nhanh gọn để bảo đảm giờ công phu sáng.

4. Ăn uống.

Tất cả Phật tử tham dự khóa tu phải ăn chay trong suốt thời gian tu tập.

Mỗi ngày dùng 3 bữa sáng, trưa và chiều.

Không được ăn phi thời.

Trước giờ thọ trai, nghe tiếng chuông báo hiệu tất cả khóa sinh phải mặc áo tràng chỉnh tề, xếp hàng đúng theo số thứ tự, không chắp tay, lần lượt từng hàng đi đến trai đường.

Tại trai đường tất cả Phật tử phải ngồi đúng bàn, đúng chỗ ban Tổ chức đã sắp xếp. Trường hợp Phật tử không xếp hàng kịp đại chúng, tuyệt đối không được chạy theo chen lấn vào hàng mà phải chờ cho đại chúng đứng đúng vị trí mới xin phép vào.

Tất cả đứng đúng vị trí của mình, lắng nghe tiếng chuông hiệu lệnh và thực hành như sau: Tiếng chuông thứ nhất tất cả Phật tử chắp tay trước ngực, tiếng chuông thứ hai xá xuống, tiếng chuông thứ ba nhẹ nhàng ngồi xuống.

Khi ăn xong cũng nghe theo hiệu lệnh: Tiếng chuông thứ nhất đứng dậy thật nhẹ nhàng, nhấc ghế để lùi phía sau, chắp hai tay. Nghe tiếng chuông thứ hai xá một xá. Tiếng chuông thứ ba tuần tự rời khỏi bàn ăn.

Trong khi ăn phải giữ Chánh niệm và không được nói chuyện, không gây ồn ào trong trai đường, hạn chế tối thiểu tiếng khua chén bát. Không được mang thức ăn riêng để ăn một mình nhằm bảo đảm tính Lục hòa của khóa tu. Tránh việc khạc nhổ mất vệ sinh làm ảnh hưởng đến những người bên cạnh.

Để đảm bảo vệ sinh chung và tránh sự lây lan bệnh truyền nhiễm qua đường ăn uống, trong khi ăn nên dùng đũa gắp thức ăn, dùng muỗng để ăn.

5. Ngủ nghỉ.

Các Phật tử tham dự khóa tu phải tôn trọng nội quy ngủ và thức đúng giờ đã quy định.

Nếu không ngủ được phải nằm yên tại chỗ, không nói chuyện ồn ào, không đi lại làm động chúng.

Không được tự ý dời chỗ ngủ.

Trước giờ ngủ buổi tối có nửa giờ tịnh tọa, các Phật tử phải tập trung tại chỗ ngủ của mình, ngồi yên lặng để tĩnh tâm niệm Phật. Sau khi xả tịnh không được nói chuyện ồn ào.

Không mang túi xốp và hành lý vào phòng ngủ, trừ các túi vải do Ban Tổ chức cấp phát.

Mỗi người chỉ dùng một gối và một mền. Không lấy gối và mền lót ngồi, không trải mền để nằm.

Đúng 3 giờ 30 nghe tiếng chuông báo giờ thức chúng mới được bật đèn. Sau khi thức dậy phải xếp mùng mền gọn gàng, để đúng nơi quy định.

Không ngủ nghỉ phi thời.

Khi ngủ, nam không được ở trần, nữ không được mặc áo sát nách (hoặc áo thun, áo lá), quần ngắn.

6. Tiền bạc.

Tiền bạc, tư trang phải tự bảo quản hoặc có thể gởi cho Ban Tổ chức giữ giùm. Nếu tự giữ lấy, khi mất Ban Tổ chức không chịu trách nhiệm.

Không được kêu gọi quyên góp tiền bạc.

Mọi sự phát tâm cúng dường xin để vào thùng công đức, không cúng dường riêng cho Tăng chúng.

7. Sinh hoạt.

Trong suốt thời gian 7 ngày tu tập, các Phật tử phải mặc quần áo lam.

Không được tự ý phổ biến tài liệu khác ngoài những tài liệu của Khóa tu Phật thất.

Được phép về nhà khi có việc nhưng không nên quá 24 tiếng đồng hồ. Nếu quá 24 tiếng sẽ không được cấp giấy chứng nhận.

Các Phật tử tham dự khóa tu nên dặn dò thân nhân chỉ đến thăm vào sau các giờ thọ trai. Không được tiếp xúc với người thân nơi khu vực tu tập hoặc trong phòng ngủ của đại chúng.

Chỉ gọi điện thoại khi có việc thật cần thiết.

Ban Tổ chức dành riêng một khu vực “Tịnh tâm niệm Phật.” Tất cả Phật tử đến khu vực này chỉ niệm Phật, không được nói chuyện. Nếu có thân nhân bạn bè đến thăm không được tiếp xúc trong khu vực này.

Hành lý phải để tập trung trong các phòng đã quy định, không được đem đến chỗ ngủ nghỉ.

Phòng hành lý được mở cửa mỗi ngày 2 lần, sáng từ 5 giờ đến 6 giờ, chiều từ 16 giờ đến 18 giờ.

Phải giữ gìn sạch sẽ chung quanh khuôn viên chùa và trong các phòng để hành lý cũng như phòng ăn, phòng ngủ.

Không xả rác trong các chậu cây cảnh.

Áo tràng phải treo đúng số thứ tự. Khu vực treo áo tràng không được treo khăn và quần áo khác. Khi lấy áo tràng phải coi cẩn thận đừng lấy lộn áo người khác.

Trong các phòng ngủ không được treo áo tràng và quần áo.

Giày dép phải xếp ngay ngắn, không vứt bừa bãi. Không để dép tại hành lang các dãy lầu. Không mang dép của người khác.

Khi mất đồ dùng nên báo cho Ban Tổ chức biết.

Phụ nữ mỗi tháng đến kỳ, không được lên chánh điện, không lấy tọa cụ lót ngồi, phải cẩn thận giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ.

8. Tắm giặt, vệ sinh.

Các sinh hoạt cá nhân như tắm giặt, vệ sinh theo thứ tự ai ra trước sử dụng trước không nên tranh giành.

Trước khi vào phải gõ cửa ba tiếng để biết có người bên trong hay không. Khi vào phải khép cửa nhẹ nhàng, không nên đóng mạnh gây tiếng động, nhớ cài khóa cửa cẩn thận.

Khi vệ sinh xong nên dùng nước rửa sạch hơn là dùng giấy. Khi ra phải dội nước và rửa tay sạch sẽ. Chú ý nhớ sửa lại Y phục cho chỉnh tề.

Trong khi tắm rửa, vệ sinh không được ca hát, nói chuyện, cười giỡn với người bên ngoài. Không niệm Phật ra tiếng.

Không được mặc áo tràng vào nhà vệ sinh.

Phải tiết kiệm nước, xà bông khi tắm giặt. Không lấy xà bông của đại chúng cất xài riêng.

Không khạc nhổ, tiểu tiện trong nhà tắm.

Nam giới không ở trần hoặc mặc áo thun quần ngắn khi ra khỏi nhà tắm.

Giấy rác phải bỏ vào giỏ đựng rác, không được vứt bừa bãi hoặc bỏ xuống hầm cầu.

Đồ dùng cá nhân của phụ nữ sau khi sử dụng phải xử lý kỹ lưỡng, không được vứt bỏ bừa bãi.

Quần áo phải giặt đúng nơi, phơi đúng chỗ đã quy định. Quần áo lót phải treo kín đáo bên trong quần áo ngoài, không nên phơi bày lộ liễu mất thẩm mỹ.

Khi phơi quần áo ướt nên để ý đừng làm ướt quần áo đã phơi khô của người khác.

Nam giới và Nữ giới có khu vực nhà tắm và vệ sinh riêng biệt, không được sử dụng lẫn lộn. Không được sử dụng phòng tắm và vệ sinh của chư Tăng.

9. Kỷ luật.

Các Phật tử tham dự khóa tu phải chấp hành đúng nội quy, thời khóa tu tập cùng những hướng dẫn vừa nêu. Nếu ai vi phạm lần một nhắc nhở, lần hai sám hối trước đại chúng, và kỷ luật không được tham dự khóa tu kế tiếp.

6/ Trước Khi Ra Về.

Phải kiểm tra hành lý, tránh việc bỏ quên quần áo và đồ dùng cá nhân. Gởi trả lại Ban Tổ chức các túi vải, thẻ số thứ tự và thẻ phơi quần áo.

Chúng tôi mong tất cả Phật tử tham dự khóa tu Phật thất phải nắm rõ nội quy và thời khóa tu tập, tinh tấn hành trì, thúc liễm thân tâm, đạt được an lạc hạnh phúc trong thời gian tu tập.

Nam Mô Thường Tinh Tấn Bồ tát Ma Ha Tát.

Ban Tổ Chức Khóa Tu Phật Thất.


III. Oai Nghi Của Người Phật Tử

(Phần “Oai nghi” trong tập sách này có tham khảo và trích từ cuốn “Oai nghi của hàng Phật tử tại gia” của Thích Minh Chánh.)

1/ Tác Phong Và Hạnh Kiểm

Nhà Phật gọi tác phong là oai nghi và tế hạnh.

Tác phong là hành vi cử chỉ, lời nói, cách ăn mặc hằng ngày. Hạnh kiểm là những tính hạnh nết na. Người có hành vi cử chỉ đúng đắn, nghiêm chỉnh, tính hạnh nết na hiền hòa, vui vẻ, nhã nhặn lễ độ thì được khen là đức hạnh tốt. Trái lại nếu người có hành động, cử chỉ thô tháo sỗ sàng, tính nết thô lỗ, hung dữ, xấu xa thì không ai muốn gần.

Oai nghi tế hạnh của người Phật tử được thể hiện trong những hành động như: Xá chào, lạy Phật, đi, đứng, ngồi, nằm, ăn, uống, ngủ nghỉ v.v...

- Xá Chào

Khi gặp chư Tăng hay bạn đồng đạo, chắp tay xá chào như sau:

Đứng ngay thẳng, hai bàn chân khép lại theo hình chữ V, hai tay chắp ngang trước ngực, 10 ngón tay hướng lên. Khi chắp tay không được bọng giữa, các ngón tay không so le, không để ngang miệng, hai bàn tay không sà xuống.

Trước khi xá chào hai tay chắp trước ngực, trong khi xá toàn thân trên khom xuống một góc khoảng gần 60 độ, tay cũng xá xuống theo, kèm theo câu niệm “A Di Đà Phật.”

Không đứng xa quá 3 mét. Không đứng trên cao xá xuống, không ngồi xá, không vừa đi vừa xá, không xá một tay, không cầm vật trên tay xá, đang làm việc hoặc tay dơ bẩn không được xá, không xá theo kiểu mổ mổ.

Người Phật tử khi đến chùa và lúc ra về phải chào Thầy trụ trì.

- Lạy Phật

Khi nghe tiếng chuông thì lạy xuống, nghe dập chuông thì đứng dậy. Không đứng chính giữa chánh điện làm lễ. Không đi ngang qua chỗ người đang lễ. Không lên chỗ bục của chư Tăng hành lễ.

Khi chư Tăng đang ăn cơm, cạo tóc, đọc kinh, làm việc, kinh hành... đều không được làm lễ.

Tư thế khi lạy: Điều chỉnh thân nghiêm chỉnh, hai chân khép lại theo hình chữ V, hai tay từ tư thế chắp trang nghiêm trước ngực từ từ đưa lên trán, khom mình xuống, chống tay xuống đất xong ngửa hai bàn tay ra và trán chạm xuống đất ở giữa hai bàn tay. Toàn thân phải hạ sát đất, hai bàn chân duỗi ra, mông chạm sát trên hai gót chân. Đó gọi là “Năm vóc sát đất.”

Khi đứng dậy, tay phải chống đất, tay trái giữ tư thế chắp tay, từ từ đưa thân mình về vị trí ban đầu, đồng thời xá một xá.

Tư thế quỳ: Lưng phải ngay thẳng, đầu hơi cúi xuống, hai tay chắp ngay ngắn trước ngực.

- Tướng Đi

Người Phật tử phải đi khoan thai nhẹ nhàng, chững chạc, dù trong nhà hay ngoài đường lúc nào cũng phải giữ tướng đi cho ngay thẳng trang nghiêm nhưng không mất vẻ tự nhiên. Không được vừa đi vừa nhảy, không liếc ngó hai bên, hoặc hát nghêu ngao, không đi ưỡn ẹo, không đi nhón gót, không vừa đi vừa đưa tay lên xuống quá cao, không vừa đi vừa mặc hoặc cởi áo tràng.

Phải nhường bước cho người lớn đi trước. Không đi trước mặt Thầy, không đi ngang vai với Thầy, phải đi phía sau Thầy. Lên xe, phải nhường cho người già cả, yếu đuối lên trước. Đừng chen lấn, xô đẩy giành chỗ ồn ào làm mất tư cách của người Phật tử.

- Kinh Hành

Bước chân đúng theo tiếng niệm Phật, bước chân phải đặt xuống đúng ngay chữ “A” và chữ “Phật”, bước chân trái rơi vào chữ “Nam” và chữ “Đà.” Hai tay chắp trang nghiêm trước ngực, không lắc vai nghiêng mình, đầu hơi cúi, mắt nhìn xuống không nhìn hai bên. Đi nhiễu Phật theo chiều kim đồng hồ từ trái sang phải, khi xoay mình cũng xoay theo chiều kim đồng hồ.

- Tướng Đứng

Không đứng dựa tường, dựa ghế, dựa cột, không đứng khúm núm, không đứng chống nạnh ra oai. Khi đứng nói chuyện với chư Tăng nên đứng nghiêm chỉnh, hai bàn chân đặt theo hình chữ V, hai tay chắp hoặc buông xuống. Khi hành lễ, tụng kinh phải đứng ngay thẳng nghiêm chỉnh, hai tay chắp trước ngực. Không day qua day lại liếc ngó láo liên, không đi tới lui làm mất trật tự.

Không được đứng trên cao nói chuyện hay kêu gọi chư Tăng ở dưới thấp.

- Tướng Ngồi

Nếu ngồi trên ghế phải ngồi thẳng lưng, hai chân thòng xuống để ngay ngắn trên đất. Khi ngồi không ngoẹo đầu, ngoẹo cổ, không khom lưng, không dựa ngửa, dựa nghiêng, không ngồi úp mặt trên bàn, không ngồi chồm hổm trên ghế, không ngồi gác chân chữ ngũ, không ngồi rung đùi, không lắc lư hai chân, không gác chân lên ghế, lên bàn.

Khi tụng kinh, tọa thiền phải ngồi ngay ngắn, lưng thẳng như tường vách. Có hai cách ngồi:

- Kiết già: Bàn chân trái đặt lên đùi chân phải và bàn chân phải đặt lên đùi chân trái (kéo sát vào thân). Bàn tay phải đặt ngửa trên bàn tay trái, hai đầu ngón tay cái chạm vào nhau.

- Bán già: Bàn chân trái đặt lên đùi chân phải hoặc bàn chân phải đặt lên đùi chân trái. Bàn tay phải đặt ngửa trên bàn tay trái, hai đầu ngón tay cái chạm nhau.

Đang ngồi tự do nếu thấy chư Tăng đi qua phải đứng dậy xá chào.

Không được ngồi nói chuyện khi chư Tăng đang đứng (hoặc ngồi thiền, niệm Phật).

Khi tiếp xúc với Thầy, Thầy cho phép ngồi mới ngồi, không được tự ý ngồi trước.

- Tướng Nằm

Khi nằm ngủ hay nghỉ ngơi, không nằm nghiêng bên trái, vì trái tim nằm về phía trái của lồng ngực, tim sẽ bị đè nén, máu không lưu thông được, dễ dẫn đến ác mộng, (có thể nằm ngửa với tư thế thân ngay thẳng, hai chân khép lại, tay đặt trên bụng hoặc duỗi thẳng, nên lấy mền che phần bụng dưới lại cho kín đáo). Không nên nằm sấp vì buồng phổi bị ép làm khó thở.

Nằm theo thế cát tường tức là nằm nghiêng bên phải, chân tay duỗi thẳng (giống tư thế Đức Phật nhập Niết bàn), đây là cách nằm an lành tốt đẹp, vừa trang nhã vừa có lợi cho sức khỏe.

- Tướng Ăn

Trong chùa khi ăn cơm phải cúng quá đường. Đại chúng mặc áo tràng, khi ngồi nhớ vén vạt áo tràng phía sau cho gọn gàng, lưu ý tay áo rộng đừng cho chạm vào thức ăn.

2/ Cách Thức Cúng Quá Đường

- Tay phải kiết ấn cát tường:

Ngón tay cái đặt lên ngón áp út co sát vào trong lòng bàn tay, ba ngón tay còn lại vươn thẳng lên. Tay trái: Ngón giữa và ngón áp út co lại, ba ngón còn lại vươn thẳng lên, tạo thành thế kiềng ba chân, đặt chén vào giữa. Tay trái nâng bát đưa lên ngang trán, tay phải kiết ấn đặt ngang miệng chén.

- Tam đề, ngũ quán:

Trước khi ăn ba muỗng và quán năm pháp, dùng hai tay nâng bát ngang trán, mỗi tay chỉ sử dụng ba ngón: Ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa. Sau đó để bát trên lòng bàn tay trái, tay phải cầm muỗng xúc ba muỗng cơm quán tam đề. Sau đó để muỗng trong bát, muỗng úp xuống quay về phía trước, bàn tay phải đặt dưới bàn tay trái, nâng bát ngang chấn thủy, thầm niệm ngũ quán.

Trước khi ăn cơm nên rửa tay sạch sẽ. Phải ngồi ngay thẳng vững vàng, chẳng nên cúi sát mặt bàn, áp mặt sát vào chén mà húp canh và cơm. Khi ăn chẳng nên ngậm cơm nói chuyện. Không gãi đầu làm bụi bay qua người khác, hay vào thức ăn. Khi nhảy mũi, bị sặc cơm phải quay ra phía sau tránh phun trúng người ngồi gần. Chẳng nên nhổ khạc, ợ ngáp ra tiếng, (khi ngáp phải lấy tay che miệng), hạn chế tối đa tiếng khua chén đũa, không hả miệng lớn lúc chờ đợi cơm, lúc xỉa răng phải che miệng lại. Trong cơm có sâu kiến phải kín đáo gắp ra chớ để người ngồi gần thấy. Trên bàn ăn có món ngon món không ngon, đừng sinh tâm tham, gắp món ngon nhiều, lấn phần người khác mà chê món dở. Cần món gì ngoài tầm tay, ra hiệu nhờ người khác chuyển giùm, chẳng nên gọi to nói lớn hoặc đứng dậy lấy thức ăn. Khi ăn không hà hít chắt lưỡi khen ngon chê dở, nên quán thức ăn để chữa bệnh ốm gầy. Khi uống nước nên rót ra bát, hai tay nâng bát lên uống chậm rãi. Ăn xong trước phải đợi mọi người cùng ăn xong, đứng dậy một lượt.

Sống trong gia đình hay trong chúng phải áp dụng đúng câu “Lợi hòa đồng quân”, nghĩa là phải chia nhường nhau hưởng dụng một cách công bình, không nên giành phần hơn.

3/ Cách Thức Thỉnh Tăng Và Cúng Dường

Phật tử có duyên sự muốn cung thỉnh chư Tăng hoặc cúng dường, trước hết phải thành tâm, mặc áo tràng, tay bưng khay lễ trên đặt phẩm vật cúng dường. Tác bạch thỉnh Tăng hoặc cúng dường theo đúng nghi lễ (lạy một lạy, đứng lên rồi quỳ xuống tác bạch, hoặc đứng trang nghiêm xá một xá rồi tác bạch). Sau khi chư Tăng đã nạp thọ, lạy ba lạy rồi lui ra.

Cúng dường Tam bảo là bổn phận của người Phật tử tại gia, nhằm góp phần hộ trì Tam bảo và hoằng dương Phật pháp. Khi cúng dường nên để tịnh tài vào một đĩa nhỏ đặt trên bàn, không nên cầm tiền trên tay hoặc nhét vào túi áo chư Tăng (thiếu lịch sự).

4/ Cách Mặc Y Phục

Người Phật tử nên mặc Y phục trang nhã, kín đáo vừa hợp tầm vóc, không quá chật hay quá rộng, không dùng những màu sắc sặc sỡ, bông hoa lòe loẹt, không mặc loại vải quá mỏng, không mặc Y phục kiểu cách kỳ dị, hở hang, khêu gợi.

Khi đến dự khóa tu Phật thất, tất cả đều phải mặc Y phục màu lam.

5/ Cách Giao Tiếp Với Mọi Người

Khi giao tiếp với ai phải giữ thái độ điềm đạm hoan hỷ, không nên quá niềm nở hoặc cười cợt lả lơi, phải thành thật ngay thẳng, nhu hòa khiêm tốn, không nói hớt, không dành nói, không đùa dai.

Khi nói chuyện với Thầy phải giữ lễ độ, đứng chắp tay hoặc đứng trang nghiêm, không nên cười giỡn hoặc nói lớn tiếng. Không kết tình cha mẹ, anh chị em với người xuất gia.

Khi gặp việc gì dù khó khăn rắc rối cũng phải giữ bình tĩnh ôn hòa, không tỏ vẻ cau có bực bội.

Phải biết giữ uy tín và danh giá của mình bằng cách không nói càn hứa ẩu. Đừng nói mập mờ để người ngộ nhận, rất có hại, phải biết lắng nghe và nói đúng lúc, nói đúng lý, không nói quá nhiều, không nói lớn lối khoe khoang, không nói chê bai, không nói đùa giỡn, không nói lời khích bác.

6/ Những Phần Phụ

- Khi lên chính điện cần lưu ý:

Khi vào lễ Phật, nếu đã có nhang cắm trong lư rồi không nên thắp thêm.

Không đứng trên chính điện mặc áo tràng.

Không tùy tiện đánh chuông, trống, mõ, khánh.

Không nên tranh giành chỗ ngồi.

Tay dơ bẩn không nên cầm kinh.

Khi ngáp phải che miệng.

- Bổn phận chúng trưởng:

Thường xuyên theo dõi săn sóc nhắc nhở chúng viên của mình như khi đau ốm, ăn ngủ phi thời, không giữ đúng oai nghi. Thường xuyên báo cáo lên Ban Tổ chức biết những việc cần thiết cũng như những điều không tự giải quyết được.

Ngoài ra khóa sinh phải sống đúng tinh thần Lục hòa. Không nên thấy lỗi người khác, phải thực sự đóng góp xây dựng để giúp đỡ người thiếu sót về phong cách đạo đức. Không nên bỏ mặc làm ngơ trước sự thiếu sót của người khác về mặt tác phong.

Trên đây là những vấn đề thiết yếu trong đời sống tu tập của hàng Phật tử, quý vị cần phải lưu tâm, học hỏi và hành trì để trong những ngày tu Phật thất đạt được nhiều kết quả an vui, lợi lạc.

Nam mô Thường Tinh Tấn Bồ tát Ma Ha Tát.

Ban Tổ chức Khóa tu Phật thất.


IV. Nghi Thức Tụng Niệm Trong Khóa Tu Phật Thất

KỆ KHEN PHẬT

Đấng Pháp vương Vô thượng,

Ba cõi chẳng ai bằng.

Thầy dạy khắp trời người,

Cha lành chung bốn loại.

Quy y tròn một niệm,

Dứt sạch nghiệp ba kỳ.

Xưng dương cùng tán thán,

Ức kiếp không cùng tận.

QUÁN TƯỞNG

Phật chúng sinh tánh thường rỗng lặng

Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn

Lưới đế châu ví đạo tràng

Mười phương Phật bảo hào quang sáng ngời

Trước bảo tọa thân con ảnh hiện

Cúi đầu xin thệ nguyện Quy y.

LỄ PHẬT

Chí tâm đảnh lễ: Nam mô Tận Hư Không Biến Pháp Giới, Quá Hiện Vị Lai Thập Phương Chư Phật, Tôn Pháp, Hiền Thánh Tăng Thường Trụ Tam bảo.

Chí tâm đảnh lễ: Nam mô Ta bà Giáo Chủ Điều Ngự Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật, Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ tát, Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ tát, Hộ Pháp Chư Tôn Bồ tát, Linh Sơn Hội Thượng Phật Bồ tát.

Chí tâm đảnh lễ: Nam mô Tây Phương Cực lạc Thế Giới Đại Từ Đại Bi A Di Đà Phật, Đại Bi Quán Thế Âm Bồ tát, Đại Thế Chí Bồ tát, Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ tát, Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ tát.

KHEN PHẬT A DI ĐÀ

Di Đà thân Phật sắc vàng tươi

Tướng tốt quang minh vẹn đủ mười

Ánh sáng tỏa hình năm núi lớn

Mắt trong tợ nước bốn nguồn khơi

Hào quang hóa Phật bao nhiêu ức

Bồ tát hiện thân gấp mấy mươi

Bốn tám lời nguyện mong độ chúng

Hoa sen chín phẩm rước lên ngôi

Nam mô Tây phương Cực lạc thế Giới đại từ đại bi A Di Đà Phật.

Nam Mô A Di Đà Phật (Nhiều ít tùy thời)

Nam Mô Đại Bi Quan Thế Âm Bồ tát (3 lần)

Nam Mô Đại Thế Chí Bồ tát (3 lần)

Nam Mô Địa Tạng Vương Bồ tát (3 lần)

Nam Mô Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ tát. (3 lần)

SÁM NGUYỆN

Đệ tử kính lạy,

Đức Phật Thích Ca,

Phật A Di Đà,

Mười phương chư Phật,

Vô thượng Phật pháp,

Cùng Thánh Hiền Tăng,

Đệ tử lâu đời lâu kiếp,

Nghiệp chướng nặng nề,

Tham giận kiêu căng,

Si mê lầm lạc,

Ngày nay nhờ Phật,

Biết sự lỗi lầm,

Thành tâm sám hối,

Thề tránh điều dữ,

Nguyện làm việc lành,

Ngửa trông ơn Phật,

Từ bi gia hộ,

Thân không tật bệnh,

Tâm không phiền não,

Hằng ngày an vui tu tập,

Pháp Phật nhiệm mầu,

Để mau ra khỏi Luân hồi,

Minh tâm kiến tánh,

Trí huệ sáng suốt,

Thần thông tự tại,

Đặng cứu độ các bậc tôn trưởng,

Cha mẹ, anh em,

Thân bằng quyến thuộc,

Cùng tất cả chúng sinh,

Đều trọn thành Phật đạo.

HỒI HƯỚNG

Niệm Phật công đức vô biên

Xin đem hồi hướng mọi miền gần xa

Chúng sinh pháp giới bao la

Đều về Cực lạc Di Đà Tây thiên

Nguyện tiêu ba chướng não phiền

Nguyện khai Trí tuệ vô biên sáng ngời

Nguyện trừ tội chướng bao đời

Hành theo Bồ tát đời đời vị tha

Nguyện sinh Tịnh độ Di Đà

Hoa sen chín phẩm là cha mẹ mình

Hoa khai ngộ pháp Vô sinh

Cùng chư Bồ tát bạn lành với ta

Nguyện đem công đức tạo ra

Hướng về tất cả gần xa hưởng nhờ

Con cùng muôn loại thân sơ

Đều thành Phật đạo, đến bờ an vui.

TỰ QUY Y

Tự Quy y Phật, xin nguyện chúng sinh, thể theo đạo cả, phát lòng vô thượng.

Tự quy Pháp, xin nguyện chúng sinh, thấu rõ kinh tạng, trí huệ như biển.

Tự Quy y Tăng, xin nguyện chúng sinh, thống lý đại chúng, tất cả không ngại.

V. Nghi Thức Cúng Quá Đường

CÚNG DƯỜNG

Cúng Dường Thanh Tịnh Pháp Thân Tỳ Lô Giá Na Phật

Viên Mãn Báo Thân Lô Xá Na Phật

Thiên Bá ức Hóa Thân Thích Ca Mâu Ni Phật

Đương Lai Hạ Sinh Di Lặc Tôn Phật

Cực Lạc Thế Giới A Di Đà Phật

Thập Phương Tam Thế Nhất Thiết Chư Phật

Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát

Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát

Đại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát

Chư Tôn Bồ Tát Ma Ha Tát

Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật

Ba đức sáu vị

Cúng Phật cùng Tăng

Pháp Giới hữu tình

Đều xin cúng dường

Khi dùng cơm này

Nguyện cho chúng sinh

Vui hưởng hương vị

Của pháp và thiền.

(Cúng dường rồi để bát xuống)

CHÚ NGUYỆN XUẤT SINH

Phép Phật thật phi thường

Bảy hạt đầy mười phương

Cúng dường khắp pháp giới

Từ bi không biên cương

Án độ lợi ích tóa ha. (3 lần)

BIẾN THỰC CHÂN NGÔN

Nam mô tát phạ đát tha, nga đa phạ lồ chỉ đế, án tam bạt ra, tam bạt ra hồng (3 lần)

CAM LỒ THỦY CHÂN NGÔN

Nam mô tô rô bà da, đát tha nga đa da, đát điệt tha. Án, tô rô, tô rô bát ra, tô rô bát ra tô rô Ta bà ha. (3 lần)

PHỔ CÚNG DƯỜNG CHÂN NGÔN

Án nga nga nẳng tam bà phạ phiệt nhựt ra hồng (3 lần)

XUẤT SINH

Đại bàng chim cánh vàng

Quỷ thần nơi đồng hoang

Mẹ con quỷ La sát

Cam lồ no đầy tràn

Án mục đế tóa ha (7 lần)

KHAI NGŨ QUÁN

Phật khuyên đại chúng,

Khi ăn thực hành năm phép quán,

Tán tâm nói chuyện, tín thí khó tiêu.

Đại chúng nghe tiếng chuông,

Nhất tâm niệm:

Nam mô A Di Đà Phật

Án, tam bạt ra dà da (7 lần)

(Hai tay bưng bát ngang trán)

TAM ĐỀ

Muỗng thứ nhất: Nguyện đoạn tất cả việc ác.

Muỗng thứ hai: Nguyện tu tất cả điều thiện.

Muỗng thứ ba: Nguyện độ tất cả chúng sinh.

NGŨ QUÁN (Trong khi thọ thực, phải tưởng ngũ quán)

1. Nghĩ công tu nhiều ít so với thức ăn của người hiến cúng.

2. Xét đức hạnh của mình đủ hay thiếu mà thọ nhận cúng dường.

3. Ngăn ngừa tâm tham, sân, si là cội gốc của các tội lỗi.

4. Chính là vị thuốc hay chữa bệnh khô gầy của thân thể.

5. Vì thành đạo nghiệp nên thọ cơm này.

KIẾT TRAI

Nam mô tát đa nẫm, tam miệu tam bồ đề, cu chi nẫm, đát điệt tha. Án, chiết lệ chủ lệ Chuẩn đề Ta bà ha. (3 lần)

HỒI HƯỚNG

Người hành pháp bố thí

Thu hoạch nhiều lợi ích

Nếu vui vẻ hiến cúng

Liền có được an lạc

Thọ thực vừa xong

Nguyện cho chúng sinh

Thực hiện viên mãn

Tu học Phật pháp.

PHỤC NGUYỆN

Thân mặc Y phục, thường nghĩ công người may dệt.

Cơm ngày ba bữa, phải nhớ nỗi khổ nhà nông.

Nguyện cho người cúng, ruộng phước thêm nhiều.

Kẻ mất siêu thăng, người còn thơ thới.

Pháp giới chúng sinh, đồng thành Phật đạo.

Nam mô A Di Đà Phật.

VI. Hô Kệ Niệm Phật

(từ 21 giờ đến 21 giờ 30)

Đến giờ niệm Phật ngồi lặng yên

Ba nghiệp thanh tịnh Phật hiện tiền

Tin sâu lời Phật hằng niệm Phật

Chí tâm hướng đến cảnh Tây thiên.

Biển ái sóng bao la

Nhận chìm cả Ta bà

Muốn thoát Luân hồi khổ

Phải gấp niệm Di Đà.

Ngưỡng mong đại chúng Nhất tâm đồng niệm Phật.

NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT (3 lần)

(Sau khi tịnh niệm xong, đọc kệ hồi hướng)

Nguyện đem công đức này

Hướng về khắp tất cả

Đệ tử và chúng sinh

Đồng sinh về Tịnh độ