Giá trị sống

Mỗi chúng ta là mỗi hạt minh châu quí giá, dù bạn là cá thể nhỏ bé nhất tận cùng của một phân tử trong không gian vũ trụ, thì nó vẫn có một giá trị, một địa vị như nhau. Điều này được thể hiện qua triết lý Phật giáo mà thông điệp của đức Giáo chủ Gotama đã khẳng định: “Tất cả mọi chúng sinh đều có giọt máu cùng đỏ, giọt nước mắt cùng mặn, đều có Phật tánh và sẽ thành Phật”.

Thế nhưng, kể từ ngàn xưa cho đến nay, nhân loại vẫn là nhân loại, con người vẫn là con người, không có một sự đột phá vượt ra ngoài cái vòng quanh quẩn đó, nhằm hướng đến cái thông điệp tối thượng về "bản lai diện mục", cái giá trị thực của chính chúng ta.

Sở dĩ con người vẫn luân hồi trong cái vòng luẩn quẩn đó, vì đã đánh mất đi viên minh châu của mình, đánh mất đi cái giá trị cao quí nhất của bản thân, do chính tự mỗi cá thể, mà không do ai khác. Chính ngay lòng tham lam, sân hận và tính đố kị của bạn, nó đã cướp mất đi bản chất cao thượng của bạn, bản chất đó là đạo đức và phẩm hạnh. Đạo đức và phẩm hạnh chính là hạt minh châu cao quý và có giá trị trong mỗi chúng ta,  cần phải được giữ gìn và phát huy.

Tuy nhiên, để tìm lại hạt minh châu hay cái giá trị chân thực đó, không phải một sớm một chiều mà ta có thể làm được. Nó đòi hỏi ta cần phải có sự công phu  tu tập, trau dồi phẩm hạnh, sống nếp sống đạo đức. Nghĩa là ta phải như người chiến sĩ, tự nỗ lực chiến đấu không ngừng trong mọi lĩnh vực, trong mọi thời gian. Hay nói cách khác, bạn không những xa lìa lối sống hèn hạ thấp kém với những thứ giả – thật, hư – ảo của thế giới vật chất bên ngoài mà bấy lâu bạn đã lầm tưởng theo đuổi nó. Bạn cần phải hướng về thế giới nội tại (tâm linh) của chính bạn nhằm gạn lọc, loại bỏ những uế trược phiền não, những tập khí bất thiện.

Theo quan điểm của Phật giáo, một con người càng nhiều phiền não thì người đó được đánh giá thấp, càng ít phiền não thì được đánh giá cao, bất kê người đó có hoàn cảnh ra sao. Bởi vì càng nhiều phiền não người đó càng điên đảo, càng tự làm hại mình, vì phiền não sẽ tác động bên ngoài làm khổ những người xung quanh, cũng như lời đức Phật dạy: “Người có niệm ác không khác gì nuôi dưỡng kẻ thù trong nhà, nó làm hại mình còn hơn kẻ thù hại mình. Trái lại, người có niệm thiện, niệm lành thì niệm thiện, niệm lành đó còn giúp đỡ mình hơn cha mẹ, bà con giúp đỡ mình nữa”.

Nếu trong chính tự thân của bạn không giữ gìn và phát huy đạo đức hay Phật tính của chính bạn thì đồng nghĩa với chính tự thân mình đi vào hố sâu vực thẳm. Như người gánh đá nặng trên vai, đi trên con đường bùn lầy, đá đã nặng thì bùn lầy càng lún sâu hơn. Một khi bạn sống thiếu đạo đức, đánh mất đi phẩm chất cao thượng của chính mình, thì lẽ tất nhiên đời sống thường nhật của bạn càng nảy sinh những đức tính xấu xa và thô bạo, gây ra những hành động bất thiện, tham, sân, si thức dậy, tạo cơ hội cho tập khí – uế tạp trần cảnh xâm nhập vào A-lại-da của bạn, khiến đời sống của bạn nặng nề thêm bởi sóng trần dục vọng cuốn trôi. Nó đưa bạn vào cõi hương phấn của dục lạc rồi nhận chìm lấy bạn dưới đáy sâu của muôn ngàn tội lỗi, và thật sự bạn đã đánh mất bản chất cao quý đó.

Do đó, đức Phật với lòng thương tưởng chúng sinh,  Ngài ra đời phá bỏ vọng tưởng tình thức, mở ra cánh cửa kho tàng tri kiến Phật, chỉ cho người ta thấy căn tánh chân thường đó, khiến con người bừng tỉnh, như từ kiếp vô thỉ đến giờ, chẳng biết chân tánh xưa nay trong sạch, chỉ nhận bốn đại, năm uẩn làm thân, sáu thức vọng tưởng làm tâm thì nay mới có thể giác ngộ “tình thức là vọng, căn tánh là chân” mà thấy được kho tàng tri kiến Phật và nhận ra chân tánh, biết rõ vọng thức, hồi tâm ngộ nhập tánh chân thật, chóng bỏ thức tình vọng tưởng, chứng nghiệm kho tàng tri kiến ấy.

Cho nên, một trong những giá trị và tiêu chuẩn để bạn trở về với bản chất cao quí của chính bạn, là tìm về với ánh sáng minh châu mà bạn đã đánh mất. Hơn ai hết, bạn cần phải tự ý thức chính mình, tự nhận biết nguyên nhân của sự đánh mất và tự tạo cho mình một công thức mới để minh châu ấy trở về với chính bạn. Hay nói cách khác, để tạo cho mình một đời sống có giá trị thì bạn cần phải tuân theo hai định luật căn bản sau:

Thứ nhất, giá trị sống bạn cần có, là phải đặt căn bản trên định luật nhân quả, nghĩa là bạn sống theo một lối sống có giá trị, thì lối sống đó không mất đi, không vô cớ biến thành ra một cái khác vô bổ và chúng có kết quả trong bạn, trong tôi và trên toàn bộ con người (cả hai mặt thân và tâm). Chẳng hạn như bạn gieo trồng một lý tưởng sống là bố thí, hiến tặng hay chia sẻ thì chẳng lẽ bạn sẽ có kết quả ngược lại, về mặt thân là bạn sẽ chịu kết quả nghèo túng, và về mặt tâm là bạn càng trở nên keo kiệt hay sao? Hoặc bạn thực hành để loại trừ tính khí nóng giận của mình mà nó ra kết quả ngược lại càng ngày càng nóng giận hơn thì thiệt nực cười, chỉ trừ bạn thực hành sai, tương tự bạn có thể thực hành những giới luật căn bản trong Phật giáo như: không sát sinh, không trộm cướp, không tà hạnh... là những giá trị sống đem lại giá trị thực sự cho chính bạn. Như vậy, chính định luật Nhân quả làm cho cuộc sống thành ra giá trị, vì nó không thể đưa đến cái khác được, không thể thành ra cái không giá trị và đó cũng chính là bản lai mà bạn cần tìm về.

Thứ hai, nhờ vào định luật nhân quả mà những giá trị sống đưa bạn đến kết quả là hạnh phúc của cả thân và tâm, đưa bạn và con người tiến lên cao mà không phải đi xuống thấp. Làm một hành động như bố thí, về thân bạn sẽ có được hạnh phúc là không thiếu thốn, về tâm là lòng bạn có niềm vui, bao la, rộng mở. Đứng về mặt tâm mà nói, ngay khi bạn cho cái gì, bạn hưởng ngay niềm vui và hạnh phúc đó. Khi bạn cho đi một tấm lòng tốt, thì lòng tốt thêm tràn đầy nơi bạn, như khi cầm một cái gì thơm hương cho ai, trước khi người đó nhận được, thì bạn sẽ có mùi hương ấy ở trong tâm hồn bạn.

Tóm lại, cội nguồn của mọi hành động, lời nói, ý nghĩ thiện chính là đạo đức và phẩm hạnh. Đạo đức và phẩm hạnh càng bao la, rộng rãi mà bạn trang trải đối với mọi người, mọi vật thì bạn sẽ thấy trong tâm hồn bạn có một năng lực mạnh, một hướng sống mạnh, có giá trị sống thực sự đưa đời sống bạn thăng hoa trong từng sát-na. Phẩm hạnh và đạo đức là những chất liệu sẵn có trong bạn trong tôi và trong tất cả mọi người. Nó càng rộng rãi bao nhiêu thì lòng vị kỷ, thói hư, tật xấu lần lượt bị tiêu diệt, vì chính đó là cội nguồn của mọi bất hạnh và đau khổ, nó đưa bạn vào cửa tử của sự sống có giá trị.

Vì vậy, trong kinh Pháp Cú, đức Phật có dạy rằng: “Không ai có thể làm cho ta trở nên trong sạch, cũng không ai làm cho ta ô nhiễm; trong sạch hay ô nhiễm là tự nơi ta, chính ta làm cho ta ô nhiễm, và cũng chính ta làm cho ta trong sạch”.

Trọng Hiếu
Theo: lieuquanhue