Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2008 tại Việt Nam

Đối với Phật giáo Việt Nam đây là một sự kiện trọng đại bởi 2000 năm có mặt tại Việt Nam, lần đầu tiên với vai trò là Phật giáo nước chủ nhà đón tiếp trên 1000 vị khách quốc tế đại diện giới Phật giáo, các học giả, chính khách đến từ gần 100 quốc gia trên thế giới và đông đảo Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong nước, ngoài nước cùng nhau tập trung về Hà Nội tổ chức Đại lễ Phật đản - Đại lễ văn hóa tôn giáo được LHQ công nhận là hoạt động văn hóa tôn giáo của LHQ.

70 ngày trước giờ khai mạc Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2008 tại Việt Nam


Tính từ hôm nay (3/3/2008) chỉ còn 70 ngày, Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc hay Đại lễ Tam hợp Đức Phật (theo thuật ngữ quốc tế) hay Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc (theo cách gọi truyền thống của Việt Nam) sẽ được tổ chức tại thủ đô Hà Nội (từ 13 - 17/5/2008).

Đối với Phật giáo Việt Nam đây là một sự kiện trọng đại bởi 2000 năm có mặt tại Việt Nam, lần đầu tiên với vai trò là Phật giáo nước chủ nhà đón tiếp trên 1000 vị khách quốc tế đại diện giới Phật giáo, các học giả, chính khách đến từ gần 100 quốc gia trên thế giới và đông đảo Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong nước, ngoài nước cùng nhau tập trung về Hà Nội tổ chức Đại lễ Phật đản - Đại lễ văn hóa tôn giáo được LHQ công nhận là hoạt động văn hóa tôn giáo của LHQ.

Đại lễ Phật đản LHQ 2008 được Chính phủ Việt Nam đăng cai và phối hợp với GHPGVN, Uỷ ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Phật đản LHQ (IOC) đồng tổ chức.

Do Việt Nam là nước đa tôn giáo, để đảm bảo cho hoạt động của Đại lễ với hình thức sinh hoạt văn hóa tôn giáo của một tôn giáo được LHQ cổ súy, Chính phủ Việt Nam đã quyết định thành lập Ban Điều phối Quốc gia tổ chức Đại lễ Phật đản LHQ 2008 tại Việt Nam để điều phối tổ chức hoạt động giữa GHPGVN, IOC và các cơ quan Nhà nước.

Ban Điều phối Quốc gia được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ gồm đại diện các bộ, ban, ngành TW và 04 địa phương gồm: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Ninh Bình cùng đại diện của GHPGVN và IOC người Việt Nam. Trưởng ban Ban Điều phối Quốc gia là Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ; giúp việc cho Ban Điều phối Quốc gia có 7 Tiểu ban, trong đó GHPGVN và IOC trực tiếp đảm nhiệm 4 Tiểu ban là:

- Tiểu ban Lễ nghi - Văn hóa, do Hòa thượng Thích Thanh Tứ - Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS, GHPGVN, Phó Trưởng ban Ban Điều phối Quốc gia làm Trưởng Tiểu ban.

- Tiểu ban Nội dung, do Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Phật giáo Quốc tế TW GHPGVN, Phó Trưởng ban Ban Điều phối Quốc gia làm Trưởng Tiểu ban;    

- Tiểu ban Lễ tân - Giao tế, do GS. Lê Mạnh Thát, Chủ tịch IOC, Tổng Thư ký Ban Điều phối Quốc gia làm Trưởng Tiểu ban.

- Tiểu ban Trang trí - Khánh tiết, do Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Hoằng pháp TW GHPGVN, Uỷ viên Ban Điều phối Quốc gia làm Trưởng Tiểu ban.

03 Tiểu ban còn lại do các cơ quan Nhà nước chủ trì gồm: Tiểu ban Tuyên truyền, An ninh và Hậu cần.

Tuy nhiên, trong hoạt động của từng Tiểu ban có sự phối hợp chặt chẽ giữa 3 thành phần gồm cơ quan Nhà nước, GHPGVN và IOC, đảm bảo sự nhịp nhàng và thống nhất trong chỉ đạo chung của Ban Điều phối Quốc gia theo phương thức Trưởng Tiểu ban chịu trách nhiệm chính trước Trưởng ban Ban Điều phối Quốc gia. Giúp việc cho các Trưởng Tiểu ban là nhân sự thuộc quyền quản lý trực tiếp của Trưởng Tiểu ban, phối hợp trợ giúp chuyên môn các lĩnh vực liên quan có nhân sự các ngành, các đơn vị được phân công cụ thể.

Với 70 ngày còn lại là khoảng thời gian không nhiều để thực hiện khối lượng công việc rất lớn trước khi diễn ra Đại lễ tại thủ đô Hà Nội và tổ chức các hoạt động hưởng ứng Đại lễ tại các địa phương:

- Tiểu ban Lễ tân - Giao tế: đang gấp rút hoàn thành danh sách khách mời trong nước và quốc tế; giấy mời, phối hợp với Tiểu ban Hậu cần và các Tiểu ban chuẩn bị điều kiện ăn, ở, đi lại… cho các đoàn khách trong nước và quốc tế. Chuẩn bị các nội dung liên quan đến việc đón khách, hướng dẫn đại biểu tham gia Đại lễ…

- Tiểu ban Nội dung: Chuẩn bị Đề án tổng thể của Đại lễ, đề án khai mạc, bế mạc, Hội thảo… Dự thảo các văn kiện, các bài phát biểu, người dẫn chương trình, phiên dịch và thẩm định các ấn phẩm có liên quan tới nội dung Đại lễ, dịch các văn kiện ra tiếng nước ngoài…

- Tiểu ban Nghi lễ - Văn hóa: Chuẩn bị nội dung thể hiện nghi lễ - văn hóa, vừa mang nét Phật giáo vừa thể hiện truyền thống của Phật giáo, truyền thống văn hóa Việt Nam qua các nội dung nghi lễ Phật giáo, triển lãm văn hóa, nghệ thuật, biểu diễn văn nghệ, hội chợ, chiêm bái thắng tích Phật giáo tại Khu Du lịch Văn hóa Bái Đính (Ninh Bình), Yên Tử (Quảng Ninh) tham quan thắng cảnh thiên nhiên Vịnh Hạ Long - di sản văn hóa thế giới (Quảng Ninh)… các hoạt động rước xe hoa, thả đèn lồng, thắp nến cầu nguyện hòa bình…

- Tiểu ban Trang trí - Khánh tiết: Chuẩn bị nội dung trang trí tại khu vực trung tâm Hội nghị, các trung tâm, đường phố chính, sân bay, tại trung tâm của một số địa phương… Tính toán số lượng băng-zôn, cờ, khẩu hiệu để thực hiện đủ số lượng theo yêu cầu và đáp ứng đúng thời gian…

- Tiểu ban Tuyên truyền: Chuẩn bị đề án tuyên truyền trước, trong và sau Đại lễ. Với lực lượng phóng viên, cung cấp thông tin, phương tiện, thiết bị, phạm vi, thời gian tuyên truyền trên các kênh chương trình khác nhau. Theo Đề án, Đại lễ sẽ được truyền hình trực tiếp. Cùng với các hoạt động tuyên truyền chính thống, các hoạt động thi viết, thi tìm hiểu về Phật giáo, về Đại lễ Phật đản đã được triển khai…

- Tiểu ban An ninh: Tích cực chuẩn bị, lựa chọn các cách thức giúp cho việc cấp visa, nhập cảnh của khách quốc tế được thuận lợi, chuẩn bị công tác đảm bảo an ninh trong thời gian diễn ra Đại lễ vừa thuận tiện, an toàn và trọng thị, tỏ rõ sự chu đáo và mến khách của người Việt Nam.

- Tiểu ban Hậu cần: Chuẩn bị khẩn trương phương tiện đưa đón, đi lại của đại biểu, điều kiện ăn, ở cho khách trong và ngoài nước. Chuẩn bị quà tặng, vật phẩm lưu niệm của Ban Tổ chức Đại lễ tặng đại biểu. Đảm bảo kinh phí và các điều kiện vật chất cho các các hoạt động thông suốt.

Đại lễ Phật đản LHQ 2008 tại Việt Nam là hoạt động quốc tế rất lớn, được tổ chức trong khi chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm và điều kiện về vật chất, phương tiện còn hạn chế. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, sự chủ động của GHPGVN, IOC và các ngành, các cấp, các địa phương, sự quyết tâm và thống nhất cao của Ban Chỉ đạo Quốc gia cùng những lực lượng có liên quan tham gia tổ chức Đại lễ là cơ sở bước đầu cho Đại lễ Phật đản LHQ 2008 sẽ được tổ chức thuận lợi.

Chuẩn bị cho Đại lễ Phật đản đối với Phật giáo cả nước, GHPGVN đã có Thông bạch số 10/TB/HĐTS ngày 07/01/2008 và văn bản số 84/CV/HĐTS ngày 25/02/2008 hướng dẫn chi tiết Phật giáo các tỉnh (thành phố) thực hiện tổ chức hoạt động hưởng ứng Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc và tổ chức Đại lễ Phật đản theo truyền thống của Phật giáo Việt Nam.

Ban Tôn giáo Chính phủ có văn bản số 67/BĐPQG-PG ngày 04/02/2008 gửi Uỷ ban Nhân dân, Ban Tôn giáo các tỉnh (thành phố) trực thuộc Trung ương chỉ đạo các ngành, các cấp chủ động phối hợp giúp Phật giáo địa phương tổ chức tốt Đại lễ Phật đản 2008 theo tinh thần Thông bạch của GHPGVN, đảm bảo trang trọng, an toàn và đúng pháp luật.

Tổ chức IOC liên hệ với Phật giáo các nước, làm đầu mối trong trao đổi về tổ chức Đại lễ Phật đản tại Việt Nam, chuẩn bị danh sách khách mời quốc tế, hướng dẫn, giúp đỡ các vị này trong thời gian ở Việt Nam. IOC đang tích cực chuẩn bị Hội nghị trù bị Ban thường trực IOC quốc tế lần thứ 2 tại Việt Nam (vào trung tuần tháng 3/2008).

Trong công tác chuẩn bị các thành phần tham gia công tác tổ chức, tham gia Ban Điều phối Quốc gia và các Tiểu ban đang gấp rút để hoàn thành công việc đảm bảo tiến độ.

Về kinh phí, những hoạt động chính của Đại lễ được Chính phủ đài thọ, Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của Thái Lan, nước đã 3 năm liên tiếp tổ chức Đại lễ Phật đản LHQ (2005, 2006, 2007), ngoài những khoản kinh phí chính của Đại lễ do Chính phủ cấp, Ban Tổ chức còn phát động sự ủng hộ, tài trợ tự nguyện của các nhà hảo tâm khắp cả nước thông qua các hoạt động hỗ trợ cho Đại lễ, qua tài lực, phương tiện… để đảm bảo cho hoạt động tại thủ đô và tất cả các địa phương thêm phong phú, đa dạng và hiệu quả.

GHPGVN đã thành lập Ban Vận động tài trợ, ủng hộ cho việc tổ chức Đại lễ Phật đản LHQ 2008, nhiều doanh nghiệp, nhiều nhà hảo tâm đã đăng ký hỗ trợ tài vật với tình cảm rất thiện chí, với mong muốn góp phần vào thành công của Đại lễ.

Đại lễ Phật đản LHQ 2008 đối với Việt Nam ta không thuần túy là một lễ hội văn hóa tôn giáo tầm cỡ quốc tế, đây còn là cơ hội để tỏ rõ với thế giới về  tự do tín ngưỡng, tôn giáo, đại đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc ở Việt Nam, đồng thời cũng thể hiện đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng tiến bộ với phương châm “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới”.

Đại lễ Phật đản LHQ 2008 là dịp để đông đảo đại diện Phật giáo các nước trên thế giới họp mặt ở Việt Nam, tôn vinh Phật giáo Việt Nam, đề cao giá trị tốt đẹp của Phật giáo, hòa hợp, đoàn kết, hòa bình, hữu nghị, cùng nhau xây dựng cuộc sống tốt đẹp. Sự tôn vinh trở nên có ý nghĩa rất lớn khi được Đại Hội đồng LHQ công nhận và cổ súy.

Để Đại lễ Phật đản LHQ 2008 tổ chức được tốt đẹp, để đất nước, con người và Phật giáo Việt Nam thực sự là hình ảnh thân thiện trong con mắt bạn bè quốc tế, để mọi người có tình cảm với đất nước Việt Nam hòa bình, tươi đẹp, mỗi người dân không chỉ tự hào về việc Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản LHQ 2008 mà cần phải có trách nhiệm từ ý thức tới tình cảm, tinh thần xây dựng để trợ duyên cho Đại lễ thành công.

Bùi Hữu Dược (*)

(*) Ông Bùi Hữu Dược - Vụ trưởng Vụ Phật giáo - Ban Tôn giáo Chính Phủ