Lợi ích khi lìa bỏ tham dục

Là con người, ít nhiều thì ai cũng có lòng tham. Nói con người không tham là chưa chính xác. Có nhiều cái để tham, tạm khái quát qua các mặt: tài, sắc, danh, thực, thùy. Muốn kềm chế lòng ham muốn không phải dễ, vì hầu như không bao giờ người ta thấy mình đầy đủ. Để có một cuộc sống thanh bạch, nhẹ nhàng, không phiền não, lo âu, sợ sệt, chúng ta cần biết đủ, tức là sống thiểu dục tri túc. Điều này không phải ai cũng làm được, bởi lòng tham vốn không đáy.

LỢI ÍCH KHI LÌA BỎ THAM DỤC

TT. Thích Chơn Thanh

Thái Nam Thắng lược ghi

Là con người, ít nhiều thì ai cũng có lòng tham. Nói con người không tham là chưa chính xác. Có nhiều cái để tham, tạm khái quát qua các mặt: tài, sắc, danh, thực, thùy. Muốn kềm chế lòng ham muốn không phải dễ, vì hầu như không bao giờ người ta thấy mình đầy đủ. Để có một cuộc sống thanh bạch, nhẹ nhàng, không phiền não, lo âu, sợ sệt, chúng ta cần biết đủ, tức là sống thiểu dục tri túc. Điều này không phải ai cũng làm được, bởi lòng tham vốn không đáy.

Thế gian, dù có bao nhiêu, đa số mọi người vẫn cứ thấy thiếu. Chỉ có hạng người biết đủ mới không có cảm giác luôn thấy mình chưa đủ và không bị lòng ham muốn dằn vặt mà thôi. Cuộc đời Đức Phật là một tấm gương sáng về vấn đề này. Là một thái tử, Ngài có đầy đủ tiền tài, danh vọng, cung vàng, điện ngọc, vợ đẹp, con ngoan v.v… nhưng Ngài sớm nhận biết những thứ đó không làm cho Ngài an lạc. Ngài đã vì lý tưởng lớn lao, vì nhân loại, vì muốn chỉ tri kiến Phật cho chúng sanh tỏ ngộ mà khước từ tất cả hạnh phúc thế gian.

Có thể nói, người có quyền lực, tiền tài, danh vọng mà dám từ bỏ, không tham đắm, đó mới là người có ý chí tối thượng. Người đã thiếu mà còn tham thì lại càng thêm khổ. Cũng như vậy, nhu cầu luôn làm cho con người cảm thấy thiếu, mà càng thấy thiếu thì lại càng khổ. Biết mình sống tạm đủ, không bon chen danh lợi thì nhất định sẽ có phần nào an lạc. Trong kinh dạy rất rõ: “Nếu biết đủ thì nằm đất cũng thấy đủ; Nếu không biết đủ dù ở thiên đường cũng không xứng ý”.

Do tham đắm nên nghiệp mới lôi kéo con người triền miên trong sanh tử luân hồi. Bản tánh tham đã có trong nhiều đời nhiều kiếp, muốn gột rửa nó thì phải trải qua quá trình tinh tấn tu tập. Đứa trẻ ba bốn tuổi thấy những sinh vật nhỏ bé như cào cào, bươm bướm v.v… nó liền muốn bắt, đó là tập khí muốn chiếm hữu. Hoặc khi đưa vật gì màu xanh, màu đỏ nó chụp lấy ngay, không lấy được nó khóc xanh mặt. Tánh tham này có từ trong bụng mẹ.

Những tánh tham ấy không phải ngày một ngày hai mà lìa bỏ được. Phải kiên nhẫn gột rửa dần dần. Như cái áo trắng dính bẩn lâu ngày không giặt, nếu chỉ giặt một lần, giặt sơ sơ thì không thể sạch được. Điều quan trọng là ta thấy được vết bẩn ấy và quyết tâm tẩy nó đi. Tập từ những bước đơn giản, ví như tập cho mình tánh giản dị trong cuộc sống, chẳng hạn như bữa ăn hàng ngày không quá cầu kỳ, chỉ cần làm sao vừa đủ để nuôi thân. Như vậy, chúng ta không phải lao tâm khổ tứ vì chuyện ăn mặc và có nhiều thời gian để tu tập.

Có thể nói, trên bước đường tu tập, đường đi lên rất khó còn đường đi xuống lại rất dễ, bởi tiền tài, sắc dục có sức rất mạnh, thường dễ lôi kéo, cám dỗ con người. Do đó, cần phải chế ngự năm căn, không để cho nó sai xử, dẫn dắt, phải biết làm chủ hành động của mình.

Nên nhớ, nghiệp cũ chưa dứt bỏ hết thì không nên tạo thêm nghiệp mới. Nếu chưa biết hút thuốc thì đừng hút, bởi khi huân tập rồi thì khó mà bỏ được. Cũng như vậy, điều tốt chưa sinh thì khiến nó phát sinh, điều tốt đã có rồi thì làm cho nó phát triển hơn nữa. Bằng sự nỗ lực, mỗi người trong chúng ta cố gắng khắc kỷ và làm hòn đảo cho chính mình, đừng để sóng tham dục nhận chìm, bởi việc tốt thì khó làm mà việc xấu lại dễ huân. Chúng ta hãy giữ vững lập trường, ý chí, không chạy theo ngũ dục, trần cảnh, tự chế ngự thân tâm và thực tập sống với tinh thần biết đủ để an vui.

Đức Phật nói người ngu si ám độn thì bị đắm chìm trong buông lung. Người không lấy trí tuệ làm nền tảng của sự nghiệp thì không biết cái nào là phải - trái, tội - phước, v.v... Do đó họ có thể làm bất cứ điều gì, để rồi kết quả là đọa lạc trong cảnh khổ nhiều kiếp.

Người trí không buông lung tham đắm nên họ chẳng lo sợ gì, còn kẻ ngu si luôn ôm nhiều lo sợ. Người có trí như người đứng ở trên lầu cao nhìn xuống muôn vật, biết rõ sự tốt - xấu, thấu tỏ người ngu - trí. Trước khi làm việc gì, chúng ta cần suy nghĩ đến hậu quả của nó. Việc xấu cho dù có mang đến danh lợi nhất thời chúng ta cũng không làm. Việc nào đáng nói mới nói, nói cho đúng sự thật, đúng thời và đúng chỗ. Bậc trí là người đứng trên danh lợi, tài sắc, đứng ngoài các tội lỗi của thế gian. Như mình thấy những người nghiền rượu, xì ke, mình biết được hậu quả của nó và không để vướng vào các tệ lậu đó. Người sống trong sự cám dỗ của tham dục khó có thể nhận ra điều dở, xấu của mình. Thế nên, chúng ta phải tập quán sát các pháp thế gian như mộng, như huyễn để thức tỉnh sự tu tập, bởi chỉ có đạo đức và trí tuệ là không bao giờ tan hoại. Trí tuệ, đạo đức phát sinh từ sự tu tập của chính mình. Nó là cái không thể mua bán, chiếm đoạt, cũng không thể do một quyền năng nào đó ban tạo mà có được. Ở đời, không để nhiễm dục lạc trần gian là điều rất khó, tuy nhiên, người hiểu biết sẽ không để cuộc sống của mình đắm chìm trong dục lạc. Chúng ta phải sống và tu tập như thế nào để trở thành người cư trần mà không nhiễm trần, luôn phòng hộ các căn không để buông lung.

Như chuyện như anh chàng đi tìm thầy học kiếm, tuy không được học kiếm ngay mà phải làm công việc nấu cơm, dọn dẹp. Nhưng chính những việc ấy tập cho anh tính kiên nhẫn và sự thuần thục, nhanh nhẹn trong từng thao tác của công việc. Một hôm, trong lúc anh ta đang nấu cơm, vị thầy đột nhiên xuất hiện và chém gươm xuống, anh ta phản xạ rất nhanh và tránh được nhát kiếm. Từ đó về sau, anh ta luôn tập cho mình sự phòng hộ trong mọi tình huống, bởi vì lưỡi gươm bất cứ lúc nào cũng có thể cướp đi mạng sống quí giá của anh ta. Cũng như vậy, chỉ một phút lơ là đắm nhiễm, ngũ dục lạc thế gian sẽ đoạn mất căn lành khiến chúng ta đời đời đau khổ.

Tuy nhiên, nói vậy không phải để mọi người chán ghét tất cả mọi thứ thuộc về thế gian mà chúng ta nên hiểu rằng những thứ ấy chỉ là phương tiện, không phải là cứu cánh. Thế gian này chỉ là tương đối, vì thế, không phải cái gì cũng vừa ý mình, nếu không biết sự giả tạm của nó mà đắm nhiễm vào đó, không khéo sẽ bị khổ không dứt vì tham muốn.

Chúng ta cũng không nên để cho sự khắc kỷ đi đến mức cực đoan, ở phương tiện nào chúng ta nên sống theo phương tiện đó, chẳng hạn như khi ăn uống, không phải vì từ bỏ mọi ham muốn mà bỏ đi những thứ ngon tốt, chọn ăn những thứ dở xấu. Làm như thế là thiếu trí tuệ và cố chấp. Tự tạo cho mình cuộc sống thoải mái, đơn giản, không cầu kỳ thì sẽ được an vui cả thân lẫn tâm. Sự an vui này là thành quả của việc lìa tham và biết đủ.

Mỗi ngày, trước khi đi ngủ chúng ta nên suy xét từ sáng đến giờ mình đã làm những việc gì, từ ý nghĩ, lời nói đến hành động, xem việc nào sai trái thì ăn năn, chừa bỏ, việc nào tốt thì cố gắng làm tốt hơn. Trong cuộc sống, điều gì mình không muốn mà nó đến với mình thì nên khắc phục và cố gắng tĩnh tu. Đức Phật từng dạy: “Bậc trí chăn giữ tâm mình không buông lung như nhà giàu chăn giữ của quí”. Nếu chúng ta cứ để cho trần cảnh và những việc trái ý nghịch lòng mặc sức tạo cơ hội cho tham sân si nổi lên thì việc chế ngự thân tâm rất khó có kết quả. Đối với những chuyện vui buồn, tâm rất dễ chiêu cảm, cho nên chuyện gì cũng thâu tóm vào trong tâm thì chúng ta rất khó có được sự tự tại. Như trong kinh Pháp Cú, đức Phật có dụ: “Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột, kẻ tâm không tu thế nào cũng bị tham dục lọt vào tàn phá”.

Đức Phật thường đưa ra những ví dụ cho chúng sinh hiểu, như trong kinh Pháp Hoa, phẩm Phương Tiện, Người muốn đưa chúng sinh từ Tam thừa trở về Nhất thừa, nên đưa ra dụ “nhà lửa”. Trong nhà chỉ có một cái cửa, mà những người con chẳng hiểu gì là nhà, gì là cửa, cũng không biết được sự nguy hại của lửa nên cứ mãi chơi giỡn trong đó, chẳng chịu thoát ra. Cũng như chúng sinh trong ba cõi không biết được tham dục là khổ nên chẳng chịu tu. Đức Phật nói khổ trước rồi mới chỉ bày phương tiện sau, bởi Bồ Tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả. Đức Phật biết tâm chúng sinh sợ đi trên con đường dài xa nên mới đưa ra phương tiện Tam thừa như xe dê, xe hươu, xe trâu tùy theo sức chở mà đưa chúng sinh đến bờ an vui. Khi chúng sinh đã hiểu, áp dụng được phương tiện, ra khỏi sự nguy hiểm, lúc đó Phật mới chỉ bày ngoài Phật thừa ra không có thừa nào khác.

Có thể nói, nếu không tỏ được đạo thì chúng ta giống như hình cây, tượng gỗ, hớn hở trong sự phiền não nguy ngập mà không nhàm chán. Vì thế, chúng ta nên luôn luôn tự xét lấy mình, đừng để thân tâm buông lung đắm nhiễm các dục ở đời. Chúc quí Phật tử giữ gìn tốt ngũ giới, biết thiểu dục tri túc để tiến tu.

Xin cảm ơn naicon đã sửa lỗi chính tả