Xác định tính chất và bối cảnh ra đời bài cảm xúc khi đọc Phật sự đại minh lục của Trần Thánh Tông qua nghiên cứu so sánh

Thơ Thiền Việt Nam có mối liên hệ khăng khít với thơ Thiền Trung Hoa, bởi đạo Phật ở Việt Nam cũng có mối liên hệ gắn bó như vậy với đạo Phật Trung Quốc. Một số bài viết trước đây đã đề cập đến vấn đề văn bản học của các tác phẩm văn học Phật giáo Việt Nam và phần nào đã chỉ ra mối liên hệ cụ thể ở một số bài thơ Thiền giữa nhà sư hai nước(1).

XÁC ĐỊNH TÍNH CHẤT VÀ BỐI CẢNH RA ĐỜI BÀI CẢM XÚC KHI ĐỌC PHẬT SỰ ĐẠI MINH LỤC CỦA TRẦN THÁNH TÔNG QUA NGHIÊN CỨU SO SÁNH

PHẠM TÚ CHÂU

Thơ Thiền Việt Nam có mối liên hệ khăng khít với thơ Thiền Trung Hoa, bởi đạo Phật ở Việt Nam cũng có mối liên hệ gắn bó như vậy với đạo Phật Trung Quốc. Một số bài viết trước đây đã đề cập đến vấn đề văn bản học của các tác phẩm văn học Phật giáo Việt Nam và phần nào đã chỉ ra mối liên hệ cụ thể ở một số bài thơ Thiền giữa nhà sư hai nước(1). Đây là vấn đề hết sức quan trọng và cũng vô cùng lý thú, chẳng những giúp chúng ta tìm ra sự lẫn lộn về văn bản của không ít tác phẩm thơ Thiền Việt Nam, mà rộng hơn, còn cho thấy bối cảnh sáng tác của số thơ Thiền đó, cũng là cho thấy sự tiếp xúc và cảm nhận về Thiền học Trung Hoa của các tác gia thơ Thiền Việt Nam.

Theo hướng tìm tòi của những người đi trước, chúng tôi cũng tìm thêm được một vài tư liệu có phần chắc cho thấy bối cảnh khi Trần Thánh Tông làm bài thơ Cảm xúc khi đọc Phật sự đại minh lục. Nguyên văn bài thơ như sau:

Tứ thập dư niên nhất phiến thành,
Lao quan khiêu xuất vạn trùng quynh.
Động như không cốc phong xao hưởng,
Tĩnh nhược hàn đàm nguyệt lậu minh.
Cú lý ngũ huyền thân thấu đắc,
Lộ đầu thập tự nhậm tung hoành.
Hữu nhân vấn ngã hà tiêu tức,
Vân tại thanh thiên thủy tại bình.

Hải Thạch dịch:

Bốn mươi năm lẻ một tấm thành,
Cửa khổ muôn trùng, vượt nhẹ tênh.
Động tựa hang không, gào gió táp,
Tĩnh như đầm lặng, rọi trăng thanh.
Năm huyền nghĩa lý gồm thâu được,
Bốn ngả dọc ngang mặc sức mình.
Ai kẻ hỏi ta sinh với diệt,
Mây trên trời biếc, nước trong bình(2).

Câu kết “Vân tại thanh thiên, thủy tại bình” trong bài thơ của Trần Thánh Tông trên đây vốn có xuất xứ từ một công án, công án đó như sau:

“Quan Thứ sử Đỉnh Châu là Lý Cao muốn hỏi thiền sư Dược Sơn về đạo, nhiều lần mời nhưng nhà sư không chịu đến, đành tự đến yến kiết vậy. Tới nơi, nhà sư Dược Sơn cứ cầm quyển kinh mà đọc, không thèm ngoảnh lại, người theo hầu bèn đánh tiếng:

- Quan Thái thú đến rồi đấy ạ !

Lý Cao nổi nóng lên, nói:

- Thì ra thấy mặt không bằng nghe tên.

Rồi phất tay áo đi ra. Bấy giờ Dược Sơn mới nói:

- Sao Thái thú chỉ trọng tai nghe mà khinh mắt thấy vậy ?

Lý Cao bèn chắp tay tạ lỗi, rồi hỏi:

- Như thế nào là đạo ?

Nhà sư đưa tay chỉ lên trời và dưới đất nói:

- Đã hiểu chưa ?

Lý Cao đáp:

- Chưa hiểu.

Nhà sư nói:

- Mây trên trời biếc, nước trong bình.

Lý Cao vui mừng lễ tạ, rồi đọc bài kệ:

Luyện đắc thân hình tự hạc hình,
Thiên chu tùng hạ lưỡng hàm kinh.
Ngã lai vấn đạo vô dư thuyết,
Vân tại thanh thiên, thủy tại bình(3).

Chúng tôi tạm dịch:

Ngàn thông dưới gốc, kinh đôi quyển,
Luyện được thân hình tựa hạc hình.
Hỏi đạo, đáp không thừa một ý,
Mây trên trời biếc, nước trong bình.

“Dược Sơn” là Dược Sơn Duy Nghiễm, một đại sư nổi tiếng của Thiền tông thời giữa và cuối đời Đường. Ông là học trò của thiền sư Thạch Đầu Hy Thiên, thiền phong cao nhã, cổ kính, rất được người đương thời kính nể. Lý Cao là người ở Lũng Tây (tỉnh Cam Túc ngày nay), làm quan tới Thứ sử, Thái thú, rồi Tiết độ sứ Sơn Nam, đồng thời còn là người nhiều năm nghiên cứu đạo Thiền. Vì thế, khi Dược Sơn trỏ vào hai điểm phía trên và phía dưới và nói thêm một câu, thì Lý Cao như được khai khiếu, hiểu ngay được đạo là gì. Dựa vào câu danh ngôn của Duy Nghiễm, Lý Cao đọc bài kệ ca ngợi thiền sư, ghi lại buổi giảng đạo độc đáo, đồng thời, cũng để tỏ rằng mình đã tới được ngộ cảnh.

Vậy ngộ cảnh đó là gì ? Lý Cao đã lĩnh hội như thế nào về câu gợi ý của thiền sư Duy Nghiễm ?

Hẳn Lý Cao tỉnh ngộ ra rằng nước trong bình cố định, tù túng, mây trên trời tự do, phóng khoáng giữa bát ngát bao la. Con người xem ra tự do hơn vạn vật, nhưng lại có bao nhiêu phiền não trói buộc, khiến họ không thoát ra được để đến với ngộ cảnh. Làm thế nào phá vỡ được cái “bình” đóng khung cuộc đời, để con người được tự ý ruổi rong, đến được nơi muốn đến như mây trên trời biếc ?

Một khía cạnh nghĩa khác, nước trong bình tĩnh lặng, có thể “bắt hình dong”, còn mây trên trời thì không thể nào nắm bắt được bằng giác quan. Phật tính, Thiền tâm, Chân như, Như như, Đạo... những tên gọi khác của bản thể vũ trụ cũng như vậy, chỉ có thể chứng được bằng sự chuyển hóa tinh thần tự thân sau khi được điểm hóa, khai ngộ, để trong giây phút màu nhiệm đó đột nhiên bừng tỉnh ra. Đó chính là sự đốn ngộ, bởi theo Thiền tông, nhận thức về Đạo không hề có quá trình, từ sự không hiểu đến hiểu chỉ xảy ra trong tích tắc. Người tham thiền trước hết phải “minh tâm”, sau đó mới có thể “kiến tính”, không thể truyền dạy bằng cách hỏi đáp như truyền thụ kiến thức thông thường. Về điểm này, có thể liên hệ với công án Tùy theo cơ duyên mà ứng đối trong Thuợng sĩ ngữ lục của Trần Tung:

“Một ngày kia, sư rảnh rang, môn đệ đứng hầu đằng trước đằng sau. Bấy giờ có một môn tăng hỏi:

- Thế nào là đạo ?

Sư đáp:

- Đạo không ở trong câu hỏi, câu hỏi không ở trong đạo”(4).

Trở lại với bài thơ của Trần Thánh Tông, có thể thấy nhà vua làm thơ này cũng để biểu đạt ngộ cảnh của mình khi đọc đến câu gợi mở “Mây trên trời biếc, nước trong bình” của Thiền sư Duy Nghiễm xưa kia.

Hai câu đầu chỉ thời gian dài thành tâm tìm kiếm và giây phút thoát ra khỏi mọi sự trói buộc của nhân sinh. Câu ba, tư nói về sự động tĩnh, hai trạng thái biểu hiện của bản thể vũ trụ, của Chân như, Như như, song động mà tĩnh, tĩnh mà động, động tĩnh không là hai mà chỉ là một bởi “Như như bất động, động diệc Như như” (Như như không động, động cũng là Như như). Mọi khái niệm, mọi sự vật khi biểu hiện ra có khi trái ngược nhau, mâu thuẫn nhau, thì rốt cuộc đều quy về một mối là Chân như. Điều này đã được Tuệ Trung Thượng Sĩ thuyết giải trong bài Vạn sự quy Như sau đây:

Từ không hiện “có”, “có” “không” thông,
Có có, không không, rốt cuộc chung,
Phiền não, bồ đề nguyên chẳng khác,
Chân như, vọng niệm thảy đều không.
Thân như mộng ảo, nghiệp như bóng,
Tâm tựa gió lành, tính tựa bồng.
Đừng hỏi tử sinh, ma với Phật,
Muôn sao hướng Bắc, nước về Đông.
(Trúc Thiên dịch)(5)

Bốn câu cuối ở thơ Trần Thánh Tông có cấu trúc tương tự bốn câu đầu. Hai câu năm, sáu cho thấy mức độ thấu suốt của sự ngộ đạo, đã có thể tùy ý tung hoành nơi ngã tư, không cần biết đâu là đông, tây, nam, bắc mà vẫn không hề lầm đường lạc lối. Câu bảy đề cập đến sinh diệt, sống chết, cũng tức là động tĩnh đã nói đến ở hai câu ba, bốn, để rồi kết bằng nhắc lại động tĩnh của “mây trên trời biếc” và “nước trong bình”. Tầng ý nghĩa và cảm xúc của nhà thơ được thể hiện theo hình xoáy trôn ốc và đỉnh cao là sự ấn chứng một công án của Thiền sư Duy Nghiễm.

Công án “Mây trên trời biếc, nước trong bình” là một trong những công án rất nổi tiếng đời Đường. Kể từ trước đến thời Ngũ đại (907 - 960) đã có tới gần hai ngàn công án, do đó, hình thành nên dòng thơ Thiền vịnh công án, bao gồm vịnh ý nghĩa công án và Thiền sư ra công án rất thịnh hành ở thời Tống. Thơ thiền vịnh “Mây trên trời biếc, nước trong bình” có không ít, có thể chia thành ba loại: 1. Vịnh thiền sư ra công án mà thường là ca ngợi. 2. Vịnh nội dung công án, bầy tỏ sự lĩnh hội, thấu suốt của mình. 3. Nhận định về nội dung công án, bổ sung thêm kiến giải của mình.

Về loại một, có thể dẫn bài thơ của Thiền sư Bắc Hải Tâm sau đây:

Vân tại thanh thiên, thủy tại bình,
Bình sinh can đảm hướng nhân khuynh.
Hoàng kim tự hữu hoàng kim giá,
Chung bất hòa sa mại dữ nhân(6).

Chúng tôi tạm dịch:

Mây ở trời xanh, nước ở bình,
Trước người, can đảm tự bình sinh.
Hoàng kim đúng giá hoàng kim đấy,
Trộn cát đem rao bán chẳng đành(6).

Bắc Hải Tâm ca ngợi khí phách can đảm không chịu hạ mình của Thiền sư Duy Nghiễm trước quan Thứ sử Lý Cao, song khí phách này không chỉ là khi phách quật cường của những nhà Nho có khí tiết, mà cao hơn là sự tu trì đã đến độ “nhậm vận” và “tự tại”, mặc cho cảnh ngộ và ngoại cảnh có biến đổi như thế nào, cũng giữ lòng thanh tĩnh, không nao núng, sợ hãi. Đó chính là phong thái của người ngộ Đạo triệt để, như vàng mười, không lẫn một hạt cát, hạt bụi, chứ đâu phải cố tình làm ra vẻ cao ngạo, hợm hĩnh để chưng với người ?

Về loại thơ vịnh công án thứ 3, có thể dẫn những bài sau đây. Trước hết là bài vịnh của Thiền sư Thiên Ninh Hoài Liên:

Lũng Tây hiền tướng đăng Dược Kiểu,
Vân tại thanh thiên, thủy tại bình.
Phong tĩnh vân tiêu, không độc lộ,
Thiên môn Ngọc Nữ bất tằng quynh(7).

Chúng tôi tạm dịch:

Lũng Tây hiền tướng lên Sơn Kiểu,
Mây ở trời xanh, nước ở bình.
Gió lặng mây tan, “không” lộ rõ,
Cổng trời Ngọc Nữ ngỏ thênh thênh.

Hiền tướng Lũng Tây chỉ Lý Cao, quan Thứ sử học rộng lại chịu khó tham thiền. Sơn Kiểu là núi Dược Sơn, nơi Thiền sư Duy Nghiễm trụ trì và đắc đạo. Bốn chữ “gió lặng mây tan” cho thấy Thiền sư Thiên Ninh Hoài Liên chưa thỏa mãn với “vân tại thanh thiên", mà muốn đưa mức độ liễu ngộ lên một tầng cao hơn, tức là không còn mây, không còn gió. Đến đây, ta có thể liên hệ với giai thoại phổ biến trong Thiền lâm, đó là chuyện về hai bài thơ của nhà sư Thần Tú và nhà sự Tuệ Năng. Khi Thần Tú biểu lộ sự ngộ đạo của mình bằng bài kệ với câu mở đầu “Thân như bồ đề thụ” (thân như cây bồ đề) thì Tuệ Năng đã đạt tới độ “kiến tính” cao hơn, tỏ rõ qua bài kệ với câu mở đầu “Bồ đề bản vô thụ” (Vốn chẳng có cây bồ đề). Chỉ khi nào không còn mây, gió cũng lặng thì cái tâm “không” ấy mới thực sự lộ ra, đúng như lời các vị tổ sư thường nói: “Ký vô nhất thiết tâm, hà dụng nhất thiết pháp ?”. Tâm bằng không, pháp cũng bằng không thì lúc đó “Ngọc Nữ” mới mở cổng trời rộng thênh cho người tu thiền đạt tới chính quả.

Một bài vịnh khác cũng thuộc loại thứ ba là bài vịnh của Thiền sư Thiên Mục Văn Lễ:

Nhược trần kiến diện thái huyền thù,
Vân, thủy trùng tân cuống hoặc cừ.
Mạn thuyết đương thời tằng tỉnh ngộ,
Khước tương ngư mục đương minh châu(8)

Chúng tôi tạm dịch:

“Kiến diện” phô bày quá khác nhau,
“Nước, mây" mê hoặc lại người sau.
Đương thời tỉnh ngộ khoan đừng nói,
Mắt cá e đà lộn hạt châu.

“Kiến diện” là từ dùng hình tượng hóa việc nhận thức tự ngã để kiến tính, khai ngộ của Thiền tông. Đó là việc rất khó, chắc gì lúc thoạt nghe câu “vân, thủy” (tức Vân tại thanh thiên, thủy tại bình) Lý Cao đã hiểu ngay được ? Thậm chí Thiền sư Văn Lễ còn cho rằng điều mà Lý Cao tưởng là tỉnh ngộ ra ấy chỉ là sự lầm lẫn tai hại: mắt cá tưởng lầm là hạt minh châu ! Bài thơ này chẳng những phủ nhận sự tỉnh ngộ của Lý Cao, mà còn nghi ngờ cả sự khai ngộ của Thiền sư Duy Nghiễm, với lời lẽ mới khắc bạc làm sao ! Nhưng nếu hiểu theo nghĩa ngược lại, thì đây là một cách nêu điều ngờ vực, để rồi trong quá trình ngờ vực đó, mà đạt tới giá trị đích thực của sự giác ngộ.

Trở lại với loại thơ vịnh thứ hai, có thể dẫn chứng bằng bài thơ của Thiền sư Viên Thông Tiên:

Vân tại thanh thiên, thủy tại bình,
Đan tiêu bả thủ cộng quân hành.
Hồi đầu bất giác hàn canh hiểu,
Nhất phiến hồng quang hải thượng sinh(9).

Chúng tôi tạm dịch:

Mây ở trời xanh, nước ở bình,
Bầu hồng tay dắt mặc song hành.
Quay đầu bất giác đêm đà rạng,
Vầng đỏ kia đang ló biển xanh.

Trong bài thơ trên, “quay đầu” là một thuật ngữ nhà Phật. Kinh Phật có câu: “Khổ hải vô biên, hồi đầu thị ngạn” (biển khổ vô biên, ngoảnh lại là bờ), vì vậy quay đầu, ngoảnh lại... đều có nghĩa là giác ngộ. Khi đã giác ngộ rồi, đêm khuya lạnh lẽo sẽ tan, để bừng thấy một vầng hồng rực rỡ, chói lòa. Đó là ý thơ chỉ ngộ cảnh “minh tâm kiến tính” của nhà Thiền học, cũng là điều Viên Thông Tiên muốn tỏ bày.

Bài thơ này, về ý, có cấu trúc tương tự như bài Độc Phật sự đại minh lục hữu cảm của Trần Thánh Tông. Ý “Lao quan khiêu xuất vạn trùng quynh” (đã nhảy ra khỏi hàng vạn lần cửa tù ngục) của Trần Thánh Tông được Viên Thông Tiên thể hiện ở câu thứ hai. Đó là con người tự do, không còn bị phiền não trói buộc nữa, thì mới có thể dắt tay nhau dạo bước giữa bầu trời rực hồng. Còn ý trong hai câu cuối cùng của Viên Thông Tiên, thì nhà vua đời Trần chỉ diễn tả gọn trong có một câu: “Cú lý ngũ huyền thân thấu đắc” (Tự mình đã hiểu thấu được lẽ huyền diệu trong câu chữ).

Qua một số bài thơ Thiền vịnh công án trên đây, ta đã có thể nhận định không lầm rằng: bài Độc Phật sự đại minh lục hữu cảm thuộc loại thơ vịnh công án và công án ấy là “Vân tại thanh thiên, thủy tại bình”(10) của Thiền sư Duy Nghiễm. Thơ vịnh công án có đặc điểm là thường nhắc lại công án đó trong bài vịnh, không phải là sự vay mượn câu, ý như trong thơ thông thường.

Hẳn là ở đời Trần, một triều đại hầu như đồng thời với nhà vãn Tống, các nhà sư và nhà Thiền học nước ta cũng đã có nguyện vọng bày tỏ sự thấu hiểu về Đạo của mình qua những bài thơ vịnh công án và có thể đã có cả những bài bày tỏ sự bổ sung, điều chỉnh một cách hiểu nào đó của người đi trước, theo hiểu biết của mình. Theo chúng tôi, bài Ngôn hoài của Dương Không Lộ rất có thể là như vậy.

Đến đây, tên bài Độc Phật sự đại minh lục hữu cảm (Cảm xúc khi đọc Phật sự đại minh lục) do nhóm soạn thảo Thơ văn Lý Trần II, quyển Thượng, mà chúng tôi là một thành viên, dựa vào văn cảnh trong Thánh đăng ngữ lục để đặt cho bài thơ trên dường như không còn thích hợp. Một lẽ do nội dung, tính chất như trên trình bày, một lẽ nữa xem xét lại văn cảnh, thì văn cảnh cũng dường như chưa hẳn đã hiểu được như thế(11). Đây là điều chúng tôi còn cần tiếp tục tìm tòi và tra cứu.

Dù sao kết quả của việc tra cứu so sánh thơ Thiền giữa hai nước cũng giúp chúng tôi - với tư liệu hiện có trong thời điểm hiện nay - tiến thêm được một bước trong việc tìm hiểu tính chất và bối cảnh ra đời của một bài thơ thiền rất đặc sắc của Trần Thánh Tông.

CHÚ THÍCH

(1) Xem thêm Hà Văn Tấn: Vấn đề văn bản học các tác phẩm văn học Phật giáo Việt Nam, Tạp chí văn học, số 4, năm 1992.

(2) (4) (5). Thơ văn Lý Trần, T.II, Q.Thượng. Nxb. KHXH. H. 1988.

(3) (6) (7) (8) (9): Thiền thi T. Hạ, Nxb. Tứ Xuyên văn nghệ, Thành Đô, 1996, tr.632 - 637. Sách có ở Thư viện Trường Đại học Tứ Xuyên.

(10) Theo Ngụy Nhất Chân: Hoa nhài đầu mùa mưa (Vũ quí tối sơ đích mạt lị), Phật giáo văn hóa số 6 năm 1997, thì ý của câu “Vân tại thanh thiên thủy tại bình” là: “nếu anh là một đám mây thì anh có thể tiêu dao trên tầng không. Nếu anh là một giọt nước, anh cũng có thể tự tại trong bình. Vạn vật trong thiên hạ, bất kể nhỏ to, sang hèn đều có chỗ dung thân của mình. Con người ta cũng như thế, mỗi người cũng có chỗ đứng riêng và ở vị trí của mình, ai cũng có thể thể hiện giá trị tồn tại của chính mình. Nếu đã như thế, thì việc gì còn oán trời mênh mông, hiềm bình chật hẹp ? Đời người khó tránh lên voi xuống chó, song nếu có thể ở yên như mây trên trời, nước trong bình, đạt đến mức đại độ được mất tùy duyên, tâm không tăng giảm, bèn có thể an tường tự như, viên dung tâm ý, liễu ngộ được chân đề của xuất thế cùng nhập thế, như vậy thì tinh thần ắt bước tới cảnh giới cao hơn.

(11) Nguyên văn Thánh đăng ngữ lục ở câu ngay trước bài thơ viết: “Thường khai phật sự. Đại minh lục hữu thi vân...". Trước đây hiểu là “thường mở xem Phật sự đại minh lục, có thơ rằng...“ và sửa lại cách chấm câu. Còn nếu theo cách chấm câu vốn có, thì hiểu là “Thường mở phật sự (công việc nhà phật: tụng kinh sám hối, cũng có thể đàm đạo về lẽ huyền của đạo Phật). Sách Đại minh lục có thơ rằng: ....."

Hiểu theo cách sau thì phải xem có sách Đại minh lục hay không, sách của nước nào, có chép bài thơ Thiền nói trên của Trần Thánh Tông hay không v.v... Những điều này còn chờ tìm thêm tư liệu mới có thể giải đáp cặn kẽ được./.