Ba bài thơ vịnh cảnh chùa Liên Phái của Thiền sư Mai Quang

Chùa Liên Phái nằm trong ngõ Liên Phái, phường Ô Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Trong hệ thống chùa cổ ở Hà Nội hiện nay thì đây là một ngôi chùa có vị trí khá đặc biệt cả về lịch sử truyền đạo cũng như những quy mô chùa cảnh mà nó còn giữ được. Về quy mô, chùa gần như giữ được nguyên vẹn cấu trúc, mặc dầu có lúc một phần đất chùa đã dùng làm việc khác, nay đều được khôi phục. Ngày nay, rất ít chùa trong khu vực nội thành có được quy mô hoành tráng như thế. Đặc biệt phần di sản văn hóa Hán Nôm còn lưu giữ được khá nhiều. Hoành phi, câu đối, biển gỗ, bia đá... rất phong phú.

BA BÀI THƠ VỊNH CẢNH CHÙA LIÊN PHÁI CỦA THIỀN SƯ MAI QUANG

NGUYỄN THỊ DƯƠNG

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Chùa Liên Phái nằm trong ngõ Liên Phái, phường Ô Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Trong hệ thống chùa cổ ở Hà Nội hiện nay thì đây là một ngôi chùa có vị trí khá đặc biệt cả về lịch sử truyền đạo cũng như những quy mô chùa cảnh mà nó còn giữ được. Về quy mô, chùa gần như giữ được nguyên vẹn cấu trúc, mặc dầu có lúc một phần đất chùa đã dùng làm việc khác, nay đều được khôi phục. Ngày nay, rất ít chùa trong khu vực nội thành có được quy mô hoành tráng như thế. Đặc biệt phần di sản văn hóa Hán Nôm còn lưu giữ được khá nhiều. Hoành phi, câu đối, biển gỗ, bia đá... rất phong phú. Riêng số bia đá hiện còn trong chùa có tới 56 chiếc, được gắn chặt vào bờ tường của khu tiền đường, nhà tổ, hoặc có mái che nên được bảo vệ rất chắc chắn, không thể suy chuyển. Chùa Liên Phái cũng là một cơ sở in ấn kinh sách trước đây, hiện ở chùa còn giữ nhiều ván khắc gỗ. Đặc biệt là bộ ván khắc Tứ phần hành sự sao tư trì ký còn khoảng hơn 800 ván gỗ. Sách Thiền sư Việt Nam của Hòa thượng Thanh Từ viết rằng: “Sư tổ đời thứ hai của chùa Liên Phái là Hòa thượng Đỗ Đa, đi Trung Quốc xin kinh, là người mở đầu hoằng dương luật Tứ phần. Từ đây mà Phật giáo nước nhà được trùng hưng rạng rỡ”.

Tìm đọc tư liệu Hán Nôm hiện còn ở Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm thì thấy người khai sáng ra cảnh chùa vốn là Thiền sư Trịnh Thập (1697-1733), em ruột của chúa Trịnh Cương. Khi còn tại gia, ông có dinh tư riêng tại phường Bạch Mai, huyện Thọ Xương. Khu đất dinh thự có diện tích rộng tới 6 mẫu đất bắc bộ. Sau vườn lại có gò đất cao 7,8 thước. Một hôm ông sai người đào gò đất để làm ao thả cá, bỗng phát hiện ra một cọng sen rất lớn. Ông cho rằng đây là điềm lành, báo cho cần phải xuất gia, bèn viết sớ dâng lên, xin xả tục. Ý nguyện của ông được nhà vua chấp nhận. Thế là dinh tử đổi nhà thành chùa, đặt tên là Liên Tông. Thiền sư cho xây thêm một tòa tịnh thất để niệm Phật hàng ngày, gọi là viện Ly trần. Sau này tới đời Nguyễn, do kiêng húy tên vua Thiệu Trị là Miên Tông, nên chùa đổi ra thành Liên Phái.

Thời Lê Trịnh, đạo Phật được coi trọng. Nhiều vị chúa Trịnh đã quan tâm đến việc xây dựng, tu bổ một số ngôi chùa như chùa Phúc Long ở làng Lãng Ngâm huyện Gia Định, nay thuộc Gia Bình, Bắc Ninh do Trịnh Tráng lập năm Phúc Thái 8 (1648), được Trịnh Cương trùng tu năm Vĩnh Thịnh 15 (1719); chùa Thiền Tây thuộc địa phận núi Tam Đảo, huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Phú, chùa Độc Tôn làng Cát Nê, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên đều do Trịnh Cương cho xây dựng năm Bảo Thái thứ 8 (1728); chùa Sùng Nghiêm, Quỳnh Lâm được Trịnh Giang trùng tu năm Vĩnh Khánh thứ 2 (1730), và chùa Hồ Thiên trấn Kinh Bắc, chùa Hương Hải ở Chí Linh, Hải Dương được xây dựng năm Vĩnh Hựu thứ 2 (1736). Chùa Liên Phái đã xuất hiện trong hoàn cảnh lúc đạo Phật được hâm mộ trở lại ở cả Đàng Trong và Đàng Ngoài, sau cuộc nội chiến Lê - Mạc, rồi Trịnh - Nguyễn phân tranh. Điều đặc biệt nữa của ngôi chùa này là đây chính là chốn tổ của phái Liên Tông tại Việt Nam với các vị sư tổ kế truyền tâm ấn. Tấm bia khá lớn bên trái trong nhà Tam bảo Trùng hưng Liên Phái tự Ly trần viện biệt chí, liệt kê 8 vị tổ sư từ đời thứ nhất là Thiền sư Trịnh Thập đến vị tổ thứ tám, làm Giám tự viện, tự là Từ Đức:

- Tổ thứ nhất: Chân Nguyên tổ sư. Các triều đại đều tặng phong làm pháp chủ, truyền pháp cho sư tổ Khai Sơn.

- Tổ thứ hai: Sư tổ Khai Sơn, tặng phong Thượng sĩ cao thiền Hòa thượng, dựng nên ngôi chùa trên mảnh đất riêng của mình, sai đệ tử là Đỗ Đa Hòa thượng đi Bắc quốc thụ phép Tam đàn. Đỗ Đa thỉnh kinh Tam tạng về. Nước ta có đủ Tam đàn từ đấy.

- Tổ thứ ba: Sư tổ Bảo Sơn.

- Tổ thứ tư: Sư tổ Từ Phong.

- Tổ thứ năm: Sư tổ Chân Như.

- Tổ thứ sáu: Sư tổ Từ Hòa.

- Tổ thứ bảy: Hòa thượng Phúc Điền, lãnh tụ Thiền gia, rường cột Phật pháp.

- Tổ thứ tám: Tăng chùa Cổ Bi, pháp danh Từ Đức, làm Giám tự.

Đồng thời trong khu vực nhà tổ còn có một tấm biển gỗ khá lớn, khắc 3 bài thơ tứ tuyệt của một vị Giám tự viện là Mai Quang, viết năm Khải Định nguyên niên (1919), nhân dịp Liên viện vừa mới tu sửa lại rất trang nghiêm, trước cảnh thu sang “cúc giục thôi tùng chi hậu”, Thiền tư nhàn rỗi thong dong liền hứng khởi vịnh đề, để tỏ bày nỗi lòng. Vị Giám tự này chính là sư tổ Mai Quang đời thứ 9. Thiền sư họ Lương, đi tu từ năm 12 tuổi. Trước khi đến chùa Liên Phái, sư từng theo học các tổ chùa Trường Tín, Vĩnh Nghiêm, Quang Bảo,... Trong quá trình tu đạo, sư đã góp nhiều công sức xây dựng chùa Vĩnh Linh, Tự Khoát, Phú Xá, Hoàng Kim (đều thuộc huyện Thanh Trì). Ba bài thơ chính là tình cảm của Thiền sư đối với chốn tổ đồng thời còn nhắc tới cả lịch sử ngôi chùa và cả tên gọi Hà Nội xưa. Chúng tôi xin phiên âm giới thiệu toàn văn như sau:

Kỳ nhất:

Long Biên danh thắng biệt Liên Tông.

Tùng cúc thanh thanh nhất vọng trung.

Thiên thụy hữu hoa thành tĩnh cảnh,

Bá vương sự nghiệp Phật gia phong.

Kỳ nhị:

Nguyện học thanh tu trưởng đạo nha,

Đại thiên kinh quyển kiến chân gia.

Hồi ức bách niên lai vãng sự,

Đạo minh đức lập lão hàm đa.

Kỳ tam:

Truyền đăng Canh tuất kỷ tinh đa,

Tổ ấn trùng huy cổ sái khai.

Phong cảnh khởi ưng tiền độ thắng,

Tăng tu công đức đắc khoan hòa.

Liên Phái tự Giám viện Mai Quang phụng đề.

Dịch nghĩa:

Kỳ nhất:

Trong số danh thắng Long Biên thì chùa Liên Phái có vị thế riêng.

Tùng cúc xanh xanh thu vào tầm mắt.

Trời hiện điềm lành có hoa sen nên thành cảnh Phật,

Dòng dõi bá vương lại giữ nếp nhà theo Phật.

Kỳ nhị:

Nguyện học gắng rèn để mầm đạo nảy sinh,

Qua nghìn vạn kinh quyển thấy rõ bậc chân gia.

Nhìn lại sự việc xưa nay, trong vòng trăm năm,

Khi đạo rạng đức ngời thì cũng là lúc cái già đã đến.

Kỳ tam:

Kế truyền từ năm Canh Tuất nay kể mấy năm.

Tổ ấn lại sáng, cảnh chùa được mở mang.

Phong cảnh có lẽ còn đẹp hơn cả trước đây,

Làm nhiều điều công đức sẽ được thư thái.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Di tích lịch sử văn hóa Việt Nam, Ngô Đức Thọ chủ biên, Nxb. KHXH, H. 1991.

2. Lịch sử Phật giáo Việt Nam. Nguyễn Tài Thư chủ biên, Nxb. KHXH, H. 1988.

3. Thiền sư Việt Nam, Tu viện Chơn không, 1978.

4. Tuyển tập văn bia Hà Nội. Tập II, Nxb. KHXH, H. 1978.

Thông báo Hán Nôm học 2003, tr.153-161