Vài ý niệm về Công án thiền Bát Nhã

Đạo Phật là đạo tỉnh thức. Tỉnh thức do tuệ giác mà ra. Tuệ giác chỉ có thể chế tác được bằng quán chiếu nhìn sâu, nghe rõ, thực tập miên mật, tinh chuyên, chứ không phải do kiến thức. Tuệ giác không phải là kiến thức, kiến thức có thể là trở lực, (sở tri chướng) ngăn cản sự khai phá ra chân tướng của thực tại.

Có nhiều hàng trí thức có khả năng lớn trong lãnh vực Phật học nhưng đó mới chỉ là kiến thức, lý thuyết về Phật pháp mà không phải là tuệ giác. Vì chưa có tuệ giác nên khó nắm bắt được Công án. Công án chỉ có thể giải quyết bằng năng lượng của Định và Tuệ, mà muốn có được hai năng lượng này trước hết phải đạt được công phu Chánh niệm. Nếu không, mọi nhận xét, phân tích, phê phán, v.v... bằng tri thức đều chỉ là hí luận mà thôi.

Khi đi vào thiền quán chúng ta cần phải có một đề tài, trong Thiền môn có một tên riêng để gọi, đó là Công án. Do đó Công án không gì khác hơn là một đề tài để thiền quán. Những đề tài cho công án thì bao la, tùy theo tâm tính của học trò mà Thiền sư cho một công án thích hợp. Khi nhận được công án rồi thiền sinh miệt mài quán chiếu để tìm sự giải thoát, đi đến đích của công phu thiến quán, được coi như là giác ngộ. Có biết bao nhiêu giai thoại về Thiền, đọc qua không phảI dễ hiểu vì bản chất của giác ngộ như đã nói ở trên, không phải do kiến thức mà có được. Song Thiền hướng tới cái gì, đâu là mục tiêu thật sự của nó? Sau đây là lời giải thích của Takashina Rosen, người được xem như nhân vật Phật giáo vĩ đại nhất của Nhật Bản ngày nay:

“Mục tiêu của Thiền dĩ nhiên là để kiến tánh và chứng ngộ, nhưng đó không phải nơi an trụ cuối cùng… Trên quan điểm chứng ngộ, chân lý là bình thường, không có gì đặc biệt. Liễu xanh, hoa thắm, lửa nóng và gió luôn luôn thổi… Nơi an trụ cuối cùng của Thiền, mạch sống của Phật giáo chính là Thiền - trong - hoạt - động, không lạc ra ngoài sinh hoạt tự nhiên của đời sống bình thường hằng ngày. Như vậy, dù không để ý đến ngày và đêm, chúng ta đều sống trong Phật pháp và áp dụng nó. Vậy thì cần gì phải giác ngộ và tu tập? “Đi cũng thiền và ngồi cũng thiền”. Nhưng không phải thế, nước đã đun sôi và sau đó để nguội chắc chắn phải khác với nước thường mặc dù cả hai đều nguội. Phải có sự khác biệt giữa một thường dân và môn đệ đã trải qua công phu tu luyện lâu dài. Nếu không thế, tu tập thiền định ắt là vô dụng” (2).

Chúng ta cũng có thể hiểu rằng Công án mà Thiền sư Nhất Hạnh vừa đưa ra có tên là “Bát Nhã”. Nếu Thiền sư Takashina Rosen nhận định một khía cạnh của Thiền là “Thiền trong hoạt động”, thì công án của Thiền sư Nhất Hạnh cũng không khác. Đó là sinh hoạt của đất nước Việt Nam hiện tại. Thí dụ như “Một ngàn năm Thăng Long”, “Độc lập,Tự do,Hạnh phúc đang ở đâu?” v.v… Sự kiện Bát Nhã thể hiện những vấn đề đó của đất nước nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng.

Thiền sư Nhất Hạnh viết:

Chỉ khi nào thấy rằng Bát Nhã là vấn đề chính của bản thân ta, nó có liên hệ trực tiếp đến hạnh phúc, đau khổ của ta, của tương lai ta và tương lai đất nước dân tộc ta, và chừng nào chưa giải quyết được công án Bát Nhã thì ta còn ngủ không yên, ăn không yên, làm việc không yên, thì lúc ấy Bát Nhã mới thực sự là một công án. Niệm có nghĩa là nhớ tưởng, là canh cánh bên lòng, là nâng công án lên từng giây từng phút trong đời sống hàng ngày của mình để quán chiếu, không phút giây nào xao lãng. Niệm phải liên tục không được gián đoạn ...“.

Bát Nhã là một bối cảnh trong rất nhiều bối cảnh hiện nay tại đất nước ta. Khi nói đến Tu viện và Tăng thân Bát Nhã Ts. Nhất Hạnh muốn nói đến những dối trá, bạo động, mạo danh... mà côn đồ và bọn chủ chốt thuê mướn đã bạo hành ở đó. Công án Bát Nhã là một tiêu biểu như rất nhiều Công án khác để quán chiếu, hầu tìm ra con đường giải thoát cho đất nước khỏi cơn bĩ cực, một con đường tạo hạnh phúc thực sự cho người dân, một con đường đưa đất nước đi lên. TS. Nhất Hạnh đã giải bày đầy đủ hơn trong bài “Bát Nhã là một Công án Thiền”.

Trong phần dẫn nhập trước khi vào đề, Thiền sư đã hướng dẫn trong hai câu như sau:

Đừng đi tìm cái anh muốn thấy. Việc làm đó vô ích.

Không đi tìm nhưng cho cái thấy tự đến, cái thấy ấy sẽ giải phóng được cho anh.

Nếu chúng ta cố đi tìm trong những sách nói về thiền, cố đi tìm để chứng minh với mọi người công án là gì, việc làm này quả thực vô ích. Công án Bát Nhã mà Thiền sư muốn đề cập đến là ở câu “Không đi tìm nhưng cho cái thấy tự đến”. Cho đến giờ chúng ta đã thấy được những gì về pháp nạn đã xảy ra nơi tu viện Bát Nhã? Chúng ta hãy để cái thấy cho những diễn tiến trong suốt năm qua tại Tu viện này. Chuyện côn đồ quấy phá những vị tu sĩ tại đây, hoặc là chuyện những Phật tử đội lốt đến đại náo tu viện, chuyện tự xưng là Phật tử rồi vào chùa muốn làm gì thì tự ý. Muốn chửi rủa, phỉ báng tu sĩ, muốn ném phân vào quí tôn túc… thì tha hồ làm hay sao? Đã vậy công an và những người gọi là chính quyền đứng trơ ra đó, không can ngăn không bênh vực tu sĩ, không bênh vực những người dân lành thì có phải là đồng loã với côn đồ. Hơn thế nữa, họ đã bỏ tiền công quỹ để thuê mướn những côn đồ này, có phải là ném đá dấu tay không? Tôi xin hỏi, có Phật tử chân chính nào dám làm những chuyện bạo động đó trong chùa không? Có dám gieo nghiệp ác đó không? Tôi chắc là không.

Chúng ta hãy để cho cái thấy về một sự đảo điên hiện nay lại có thể xảy ra dưới sự cai trị của chế độ này, thay vì dùng luật pháp để bảo vệ dân lành, bảo vệ người tu thì họ đi bảo vệ bọn côn đồ được họ thuê mướn. Chính vì thế cho nên mới có chữ Pháp nạn Bát Nhã, đây là một trong những quốc nạn mà người dân Việt Nam hiện nay đang lãnh đủ. Chúng ta đừng đóng kín vì những thành kiến nữa, hãy mở lòng nhìn một cách khách quan để thấy những chuyện bạo hành xảy ra tại tu viện Bát Nhã. Chúng ta có thể tham khảo những đoạn phim, những hình ảnh, những lời chia sẻ của mọi tầng lớp từ quí Tôn túc, Tu sĩ, Phật tử, Công an, Phát ngôn viên, Chính phủ, chuyện bảo lãnh của Thượng tọa Chùa Phước Huệ v.v.. Nhờ đó cái thấy về Bát Nhã có thể tự đến với chúng ta khi đó Công án Bát Nhã không còn quá khó hiểu.

Pháp nạn Bát Nhã là mấu chốt nho nhỏ cho mọi người thấy một đường lối cai trị không có đạo đức, xây dựng trên sự ngụy biện và lừa đảo. Những người ủng hộ Đảng thì sống phì da, sung sướng trên mồ hôi và nước mắt của tầng lớp lao động nghèo khổ (1). Người nào ngay thẳng và thành thật, dám nói lên những lẽ phải, dám trình bày những điều oan trái thì gặp khó khăn trăm đường, phải vào tù ra khám. Đây là thoại đầu để đi vào Công án Bát Nhã.

Bây giờ tôi xin chia sẻ thêm đôi chút về Pháp môn Làng Mai mà tôi được biết. Ở Làng Mai các tu sĩ và thiền sinh không tu theo những truyền thống Thiền tông như ngày xưa, không nhận lấy một công án từ Thiền sư rồi ôm lấy để miệt mài đi tìm giác ngộ. Công án ở Làng Mai là sống trong chánh niệm, làm việc trong chánh niệm, ăn trong chánh niệm, thở trong chánh niệm. Có nghĩa là sống, thở, làm việc, nghỉ ngơi, ăn uống, cười nói, hành giả luôn luôn nhận diện rõ những gì đang làm, đang đến và đang đi… tất cả đều trong chánh niệm. Có thể nói là tất cả các Pháp môn của Làng Mai là hướng dẫn đại chúng những phương pháp sống sao cho có chánh niệm. Và chánh niệm có nghĩa là mình làm gì mình biết là mình đang làm gì, mình đang thở là mình biết mình đang thở. Biết rằng nếu không có chánh niệm tức là thất niệm. Chánh niệm là Phật và thất niệm là Ma. Chỉ cần dừng lại và quán chiếu là mình đang làm giống Phật hay là giống Ma, để tránh những ác nghiệp có thể xảy ra. Có một Pháp môn Làng Mai được gọi là “Hiện pháp lạc trú”, có nghĩa là ta hạnh phúc liền giây phút này, không cần ôm công án nhọc nhằn khổ sở cả đời, một khi không ngộ thì cả đời ôm khối ưu tư ? Tại Làng Mai không hành trì những công án như thế..

Nếu ai đủ duyên lành, được về Làng Mai dự một khóa tu một hay vài tuần, thì chắc là tình trạng hiểu biết về Làng Mai cũng như về Phật pháp sẽ trung thực và đúng đắn hơn. Chúng ta có cụm từ “đến để mà thấy”, do đó trước khi muốn phê bình thì phải đến nơi nhìn và tìm hiểu cho rõ. Ngày xưa bác Bùi Tín về Làng Mai và sau đó đã viết một bài rất có giá trị với tựa đề là ”Có Một Đạo Phật Như Thế” . Khi viết về Làng Mai chúng ta nên làm như thế, đừng đi cóp bi hoặc dịch lại những bài của các tác giả khác nói về Pháp môn Làng Mai. Như vậy bài viết chỉ là một cơn gió thoảng mà không có ấn tượng, không phản ánh chân thực nên không có chiều sâu, không hướng dẫn và cũng không giúp đọc giả được gì, tất cả chỉ là một sự phơi bày hời hợt cho những ảo tưởng. Rồi một ngày nào đó, không có chánh tư duy nên bị một làn gió ngược lại sẽ không đứng vững, sẽ bị “cuốn theo chiều gió”.

Theo như sự hiểu biết của tôi thì phần lớn công án của Ts. Nhất Hạnh không có gì khó hiểu. Thí dụ như “An lạc từng bước chân”, “Mắt thương nhìn cuộc đời”, “Thở và cười” v.v… Những bài học dễ hiểu nhưng không phải ai cũng làm được. Nếu đến được Làng Mai thì chúng ta sẽ thấy quí vị Tu sĩ và Cư sĩ đang thực tập những công án đó. Có những người viết về công án không hẳn là sai, nhưng đó không phải là lối giải đáp công án của Làng Mai. Không phải như lối xưa với những công án như “con chó có hay không có Phật tính”, rồi nghiền ngẫm có khi cho đến chết vẫn chưa biết “con chó có hay không có Phật tính”.

Trong thời gian gần đây, Thiền Tông tại Việt Nam cũng có những sự thay đổi. Hòa Thượng Thích Thanh Từ, trong cuốn “Trên con đường Thiền Tông” Ngài viết như sau: ”Các Thiền sư thường nói Giáo là lời Phật nói hay là miệng của Phật, Thiền là tâm của Phật, tâm và miệng của Phật không hai. Vì tâm và miệng của Phật không hai nên Thiền và giáo không hai, vì vậy Tu viện Chơn Không chúng tôi chủ trương Thiền Giáo song hành”.

Việt Nam đang kỷ niệm một ngàn năm Thăng Long. Chúng ta hãy nhìn lại lịch sử, nhà sử văn Gs Nguyễn Lang đã viết rất nhiều, chúng ta chỉ cần đọc những bài viết dễ hiểu đó là thấy tiền nhân trong thời Lý, thờì Trần. Những vi thiền sư, tu sĩ đã giúp vua làm chính tri. Chính trị thời đó là dùng chánh pháp để trị dân, nên Việt Nam trong những giai đoạn đó rất thanh bình, thịnh vượng. Chúng ta có thể nói rằng, làm chính trị có hai hình thức là trực tiếp và gián tiếp. Chính phủ đang trị dân là làm chính trị trực tiếp. Những đảng phái (đa đảng), nếu may mắn được thành trước khi đất nước rơi vào tay Trung quốc, đứng ra cổ động tranh cử với hy vọng là lên nắm được chính quyền, đây cũng là việc làm chính trị trực tiếp. Những trường hợp còn lại chỉ là làm chính trị gián tiếp, nói đúng hơn là giúp cho những người đang trị dân làm việc cho chính đáng. Do đó những phê bình xây dựng của người dân không thể gọi là làm chính trị. Tuy nhiên chính quyền hiện thời vẫn thường tìm mọi cách gán ghép những người phê bình việc làm không đúng của nhà cầm quyền, rồi họ chụp mũ cho những người phê bình hay đóng góp ý kiến là làm chính trị, để có cớ bắt bỏ tù. Chúng ta có thấy tên Đảng CS bây giờ đã lỗi thời rồi không? Lý thuyết cho Đảng của mấy vị tổ sư CS đưa ra thời trước, bây giờ có được thực hiện đúng như vậy không? Còn CHXHCN như thế nào mà học sinh ở lứa tuổi đến trường giáo dục phải đóng tiền học phí, ở những nước tư bản còn chưa có chuyện đó, có phải là chính sách ngu dân không? Thật là ngoài phạm vi của CHXHCN. Người nghèo khi có bịnh tật thì chỉ được phép chờ chết. Thậm chí người có tiền khi vào bịnh viện cấp cứu mà thân nhân chưa kịp đem tiền tới thì cũng nằm đó chờ chết. Còn nhiều nữa mà không thể kể hết ra ở đây được. Chúng ta có thấy là tên nước cần phải đổi không? Có phải cái tên CHXHCN cần phải đổi cho thích hợp với hoàn cảnh để dể ăn dể nói không?

Thứ trưởng ngoại giao vì không được Thiền Sư tiếp kiến, lợi dụng việc này để chỉ trích Thiền sư. Nếu chúng ta để ý đến lời của cô phát ngôn viên thuộc Bộ Ngoại giao phát biểu trước đó thì chúng ta cũng biết là chính phủ không có thiện chí, tìm cách chối quanh co. Muốn gặp gỡ Thiền Sư chỉ là để giăng bẫy chứ đâu phải do thật lòng. Phát ngôn viên của Làng Mai có nói với vị này: “Tăng thân Bát Nhã là những người Việt Nam, tu tập tại Việt Nam, dưới sự bảo trợ của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, thì chính quyền Việt Nam nên nói thẳng với những tu sĩ tại Bát Nhã. Làng Mai hướng dẫn và cung cấp những giáo thọ để những tu sĩ tại Bát Nhã tu theo Pháp môn Làng Mai, ngoài ra không có pháp chế trực tiếp trong chuyện này”. Có rất nhiều Thượng Tọa đứng ra bảo lãnh để Tăng thân Bát Nhã được về chùa địa phương dưới sự bảo trợ của các vị. Tất cả những đơn xin trên của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đệ trình lên Uỷ Ban Tôn giáo Chính phủ đều bị từ chối. Thiện chí của Chính phủ từ đầu đã không có thì chuyện đòi qua Pháp gặp Thiền Sư để làm gì? Hay là Thiền Sư cứ chi ra vài tỷ đồng thì mọi việc sẽ được ổn ngay!

Dựa trên căn bản của đạo Phật là Từ, Bi, Hỷ và Xả cho nên Ts Nhất Hạnh đã hướng dẫn đệ tử: Ngồi yên bất bạo động, không những không thù không ghét những người đến quấy phá, hành hung vô lễ mà còn thương họ, còn băng bó vết thương cho họ khi họ vì phá mình, vì bạo động mà bị thương tích. Đệ tử của Thiền sư ngồi thiền quán và tụng kinh, không có bất cứ một phản ứng chống đối nào, vậy là phạm vào luật pháp Nhà nước sao? Chính phủ VN qua đại diện là cấp ủy địa phương, tráo trở lừa lọc, lúc nói không có bảo lãnh thì không được tu, lúc có bảo lãng thi nói không chấp nhận việc bảo lãnh. Lúc nói Tu Viện Bát nhã là chuyện nội bộ, hồi nói chính quyền không chấp nhận đơn xin. Còn bao nhiêu điều ngang trái nữa? Sao không ai mang những sự thật đó soi sáng giúp người đọc hiểu rõ sự thật, đâu là chánh pháp. Được như vậy công viết của ta có phải hữu ích bao nhiêu? Còn Ban tôn giáo chính phủ là ai? Họ là người phục vụ cho tôn giáo như cái tên của họ hay là công cụ để kiểm soát và giới hạn quyền tự do tôn giáo. Tôn giáo là tôn giáo, chính phủ là chính phủ, đem bốn chữ ghép lại thành Tôn giáo Chính phủ cho thấy một cuộc tình gượng ép, Tôn giáo kết hôn với Chính phủ để thành ra cái Ban này. Có phải chính phủ dùng chữ mà lừa dân giữa ban ngày không?

Trong “Công Án Bát NHã” Thiền sư không lên án ai, không lên án một tổ chức nào. Nếu có là tiếng chuông thức tỉnh những tri giác sai lầm của con người nói chung và của những người có thẩm quyền nói riêng, thương xót cho những người vì thế đã đưa họ tạo nên nghiệp dữ. Đó là lòng từ bi của Thiền sư, không phải là lên án. Có những người không bằng lòng khi tưởng Thiền Sư phê bình những việc làm của Đảng. Nói lên tiếng nói của lương tâm, của đạo đức, của lẽ phải là điều nên nói lắm chứ. Những tiếng nói cảnh tỉnh những vô minh của cấp lãnh đạo đang đưa đất nước đến chỗ trầm luân, tại sao lại không nói? Thiền sư đã vạch đường cho nhà nước đi, chỉ đi trên con đường Ngài chỉ dẫn là những nhà cầm quyền kia có cơ hội để ngô, dân bớt lầm than.

 Khi viết những lời phê phán chúng ta phải hiểu rõ đối tượng mình phê phán. Khi chưa tới Làng Mai tu tâp, học hỏi và hiểu biết hoàn toàn không biết và không hiểu về những gì mà Pháp môn Làng Mai dành cho những người bạn đến từ những tôn giáo khác mà chúng ta phê phán thì thiệt tội nghiệp cho Làng Mai và tôi nghiệp cho cả người viết nữa. Bài viết của tác giả Hoàng Phi Long đã trình bày khá nhiều nên tôi không nói tiếp ở đây. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh thêm là những kinh điển được Ts Nhất Hạnh và Làng Mai chuyển dịch từ tiếng Hán, tiếng Phạn, tiếng Pali ra tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp và gần đây sang tiếng Đức, tất cả đều từ những tạng kinh điển của Phật giáo từ xưa truyền lại. Trong những buổi lễ Phật, tụng kinh, dâng hương đều hoàn toàn có nội dung như bất cứ mọi ngôi chùa Phật giáo khác. Về hình thức thì có một số thay đổi cho phù hợp, thí dụ như những tu sĩ và thiền sinh tu theo Pháp môn Làng mai dù xuất thân từ nước nào, khi về Làng Mai ai cũng có cơ hội được tụng những bài kinh từ chính ngôn ngữ của mình. Đó là một hạnh phúc rất lớn. Mỗi lần họ đến Làng Mai là được tụng kinh Bát Nhã bằng tiếng mẹ đẻ, nhờ đó mà mọi người hiểu nội dung bài kinh rất thấu đáo, chỉ còn hạ thủ công phu để tu tập thôi.

Ts. Nhất Hạnh vẫn thường khuyên nhủ những thiền sinh đến Làng Mai tu tập nên giữ lấy tôn giáo gốc của mình. Chúng ta ai cũng biết rằng tôn giáo đóng một vai trò rất quan trọng trong truyền thống dân tộc và văn hóa. Có người không còn đì đến nhà thờ nhưng không có nghĩa là họ không còn thương Chúa. Những người bạn này đến với đạo Phật mà họ phải bỏ hết những truyền thống, cội nguồn của họ là điều không hay. Đạo Phật lại có khả năng hội nhập và thích ứng với truyền thống và mọi nền văn hóa nơi nó được truyền đến. Điều này chắc chắn chúng ta ai cũng đã biết, đạo Phật ở Tây Tạng không hoàn toàn giống như đạo Phật ở Trung Hoa, ở Thái Lan hay là ở Nhật Bản. Vì vậy cho nên có rất nhiều Pháp môn khác nhau, con số 84 ngàn Pháp môn để cho chúng ta thấy là có rất nhiều. Để giúp cho những thiền sinh cũng như những đọc giả có cơ hội tự mình tu tập tại gia, Ts. Nhất Hạnh đã viết kèm thêm những cuốn sách như “Living Buddha, Living Christ” v.v… Đây là những cuốn sách dành cho những người bạn có đạo Thiên Chúa hay Tin Lành v.v… đến tu tập theo Phật Pháp cùng với chúng ta. Đây là một sợi dây nối liền giữa tôn giáo mà họ đã theo để cùng đi trên con đường thực tập theo Pháp môn của Làng Mai, của đạo Phật. Họ đã có cơ hội biết rõ như vậy nên họ rất hạnh phúc. Chính vì thế mà con số thiền sinh nước ngoài qui y Tam Bảo và thọ 5 giới rất nhiều. Qui y Tam Bảo tức là họ đã chọn hướng đi về nương tựa Phật, Pháp và Tăng. Chúng ta thấy con đường như vậy có tốt đẹp cho đôi đàng không?

Một khi chúng ta chỉ trích, phê bình đạo Thiên Chúa, Tin Lành hay một đối tượng, người phê bình phải có cái nhìn chánh niệm, phải dùng con mắt thiền quán mới thấy được. Thiền Sư đâu có chỉ cho chúng ta nói những lời nói thiếu xây dựng, có tính cách đã kích, làm như thế vô tình đã tạo ra những căm thù và hiềm khích mà một người Phật tử chân chính không nên làm. Trở lại chuyện tu tập của những người Phật tử như chúng ta, chúng ta đâu có đi tìm hiểu Phật pháp trong những cuốn sách viết cho tín đồ đạo khác làm gì. Thiền sư Nhất Hạnh và Làng Mai viết và chuyển dịch hầu hết là những sách và kinh điển thuần túy về Phật giáo, chúng ta nên lựa và đọc những sách thích ứng với mình. Kinh điển của Đức Phật truyền lại nhiều vô tận, chúng ta đâu có thể đọc hết để hiểu Phật pháp. Kinh điển hay Pháp môn giống như những vị thuốc chữa trị cho tâm, chúng ta chỉ cần chọn những liều thuốc thích hợp với căn bịnh của mình mà dùng. Đừng uống sai thuốc rồi chê thuốc dở.

Một vài người đã dùng thuật ngữ để xuyên tạc, Pháp môn Làng Mai chủ trương nam nữ tu chung, trái với truyền thống nam nữ tu riêng của Việt Nam. Nam nữ tu chung ở đây là tu chung Pháp môn Làng Mai. Tại Làng Mai ở Pháp, tăng sĩ ở xóm Thượng và sư cô ở Xóm Hạ và Xóm Mới, cách xa nhau từ vài cây số đến mấy chục cây số. Ở tu viện Bát Nhã Tăng và Ni cũng ở trong những xóm riêng biệt. Và hầu hết những nơi khác trên thế giới, những tu sĩ theo Pháp môn Làng Mai đều ở những tăng xá và ni xá riêng. Hơn nữa, một trong những điều kiện để trở thành một tu viện thì cần phải có đủ bốn chúng, thiếu một trong bốn chúng sẽ không thể là một tu viện. Tu viện khác Phật học viện. Tôi cũng muốn nói thêm là giới luật của Tăng thân Làng Mai cũng là giới luật của các tu sĩ thuộc Giáo hộì Phật giáo Việt Nam. Tức là thọ giới sa di gồm có 10 giới, thọ giới tì kheo có trên 250 giới và tì kheo ni có trên 350 giới. Ngoài ra Ts Nhất Hạnh và Làng Mai còn qui định thêm nhiều giới luật mới mà thuở Đức Phật còn tại thế chưa có, như là những giới luật khi đi ra đường, khi đi chợ, khi xử dụng điện thoại, khi vào internet, khi đọc e-mail v.v… đều phải có đệ nhị thân, không ai được phép làm một mình. Có người viết là “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén” thì những tu sĩ ở Việt Nam hay là ở Làng Mai ai cũng biết, là trong chùa có những giới luật gọi là giới rơi rụng, chuyện liên hệ nam nữ là vi phạm vào giới luật này. Những tu sĩ khi phạm vào giới này bắt buộc phải rời khỏi tu viện. Ai cũng biết là trong cuộc đời tu hành, chuyện nam nữ là một trở lực rất lớn, muốn tiếp tục đường tu thì phải vượt qua trở lực này. Nếu chúng ta chịu tìm hiểu một chút thì đã thấy những nam nữ tu sĩ tại tu viện Bát Nhã quá thành công trong chặng đường thử thách đó. Gần 5 năm tu hành tại tu viện Bát Nhã, những tu sĩ tại đây đã giữ gìn giới luật rất nghiêm mật, mặc dù họ còn rất trẻ, phần đông ở tuổi 18 đôi mươi như chúng ta đã biết. Đúng ra chúng ta phải tán thán về những đức hạnh này của các tu sĩ một thời đã sống và tu tập tại tu viện Bát Nhã.

Những giả thuyết sai sự thật là hành động vô trách nhiệm, ai bảo những vị tu sĩ dưới 18 tuổi tại tu viện Bát Nhã là đi xuất gia mà không có ý kiến của cha mẹ và người giám hộ? Những vị này đã được vị thầy truyền giới là thượng toạ Đức Nghi, viện chủ tu viện Bát Nhã và trực thuôc vào Giáo hội Phật Giáo Việt Nam tryền giới. Chiếu theo pháp luật Việt Nam và nội quy của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, những vị xuất gia nói trên đã làm đúng theo pháp luật và Giáo chỉ. Chỉ vì khi TT Đức Nghi sau một thời tuyên bố là không bảo lãnh cho những vị tu sĩ này nữa, vì một lý do riêng hay là do áp lực của chế độ, đưa đến chuyện côn đồ vào hành hung tại tu viện Bát Nhã và Pháp nạn Bát Nhã cũng bắt đầu từ đó.

Trong bài Bát Nhã một công án thiền, phải chăng thiền sư Nhất Hạnh muốn nhắc nhở mọi người Việt nam chúng ta, trong cũng như ngoài nước hãy cùng nhau nhìn lại một truyền thống đạo Phật từ bi do ông cha, tổ tiên chúng ta trao truyền lại. Viên ngọc quí giá kia bao năm đã bị bụi thời gian che đậy. Hôm nay đây viên ngọc quí đã và đang được những người con của đất nước mang ra làm trong sáng trở lại, giờ đây đã sáng ngời. Những người đó là những thanh thiếu niên trẻ đầy nhiệt huyết, được tu luyện cho bông bi trí khởi lên, họ là người xứng đáng nối tiếp sự nghiệp của tổ tiên, một truyền thống đáng quí, đáng được gìn giữ. Một Tăng đoàn áo lam đã và đang tu tập tâm từ bi, không những không được che chở mà còn bị đánh bật ra khỏi tu viện, làm tổn thương trên mọi bình diện. Chúng ta hãy nhìn lại một xã hội, một chính phủ một nhà cầm quyền… Bát Nhã ở đây không đơn thuần chỉ có 400 tu sĩ đã sống và hành đạo tại tu viện Bát Nhã. Bát nhã ở đây không phải là thiền đường, Bát Nhã ở đây không phải là những gì nắm bắt được. Bát nhã ở đây là ý thức của mỗi chúng ta, mỗi đảng viên, mỗi công an, mỗi cán bộ… là truyền thống, là lịch sử Việt Nam. Nếu mỗi người chúng ta đặt mình vào trường hợp Tăng thân Bát Nhã, như chính chúng ta đang bị nhục mạ, đang bị tổn thương, đang bị cấm tu chung trong một đoàn thể tu học, đang bị mất tự do, đang bị … Thế kỷ thứ hai mốt vừa bắt đầu, thế giới đang thực hiện toàn cầu hóa, để cho hòa bình, tự do được thăng tiến. Còn chúng ta, người dân nước Việt đã và đang bị thiệt thòi, đang thụt lùi trên mọi mặt, nhân quyền, tự do… Người dân Việt Nam đừng để chế độ đương thời làm mờ đôi mắt, đừng rơi vào những lừa gạt, đổi trắng thay đen, theo đường lối không có đạo đức của xã hội đen để trị Nước. Người dân Việt Nam yêu nước, thương dân đâu, chúng ta hãy cùng nhau đứng chúng, cùng nhau quán chiếu công án Bát Nhã.

--------------------

Chú thích

(1) Đảng viết hoa vì nó trở thành danh từ riêng, ở VN không có một Đảng nào khác hơn Đảng CS. Ngày xưa tên Đảng là Lao động, họ biết rằng có một ngày họ sẽ phụ lòng giới này nên họ đã kịp thời đổi tên là Cộng Sản. Rồi một ngày không xa họ sẽ lấy một tên khác gì đó… Họ đã chuẩn bị trước hết rồi, tiền bạc họ đã có đầy đủ để trở thành một đảng tư bản, như ở bất cứ một xứ tư bản nào khác. Tội nghiệp cho phút giao thời, nhiều người đã nói lên cái sự thật đó mà phải ngồi tù oan ức.

(2) Thiền vị trên đầu lưỡi. BẠCH HẠC dịch.

Theo phusa