Quanh chuyến trở về của một Thiền sư

TS Nhất Hạnh về Việt Nam theo điều kiện do ông đưa ra: “Chúng tôi đã nói với chính phủ rằng tôi sẽ về nếu họ cho tôi đi lại và gặp gỡ các nhà lãnh đạo Phật giáo khác”. “Chúng tôi chấp nhận sự thiếu tự do để được tiếp cận với đồng bào”. Nhưng chấp nhận đối mặt và đối thoại không có nghĩa là chấp nhận quan điểm của đối phương; đó cũng chỉ là một trong những phương cách đấu tranh, để đối đầu với quốc gia có nền chính trị độc tài Trung Quốc, toà thánh Vatican và giáo hội sở tại đã áp dụng phương thức đối thoại và thương thuyết; một mặt chấp nhận sự chi phối nhất định của chính quyền, mặt khác vẫn không ngừng đấu tranh, theo đuổi mục đích phát triển giáo hội và phục vụ giáo dân.

Quanh chuyến trở về của một Thiền sư
Trần Bình 

Bài “Trở về Việt Nam giữa cơn cuồng nộ chính trị” [1] của chúng tôi đã gây nhiều phản ứng từ phía độc giả, quanh một số vấn đề sẽ được đào sâu thêm trong bài viết hôm nay. Ngoại trừ một số bạn đọc có quan điểm cực đoan mà sự phê phán có khi còn kèm theo lời lẽ khiếm nhã, chúng tôi có niềm tin rằng người Việt chúng ta dù khác biệt chính kiến nhưng cùng chia sẻ mối quan tâm đến tình hình đất nước vẫn có thể trao đổi quan điểm để vấn đề thêm sáng tỏ, khi được soi rọi từ nhiều góc cạnh khác nhau. Niềm tin ấy đã thôi thúc chúng tôi mạnh dạn tiếp tục bày tỏ ý kiến về một số vấn đề rất “nhậy cảm”, quanh chuyến trở về thăm quê hương của Thiền sư Thích Nhất Hạnh (TS TNH).

Tôn giáo và chính trị

Trong bài viết tựa đề “A Long Journey Home” trên tạp chí Time, số báo ngày 24/1/2005, ông Kay Johnson đã viết: “Các phân tích gia nói là việc Hà Nội bố ráp các Phật tử và đốc nhân ngoài vòng không phải vì lý thuyết vô thần cộng sản, mà chỉ là lo ngại về chính trị.” “Không phải lo sợ chuyện tôn giáo, theo lời Tiến sĩ David Koh chuyên gia về Việt Nam tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, đó là nỗi lo sợ tôn giáo bị lợi dụng bởi ngoại nhân để lật đổ chính phủ cộng sản Việt Nam”. Ông Matt Steinglass, nhà báo đang sống ở Hà Nội, thường xuyên viết cho tờ Globe (Mỹ), cũng đã có nhận định tương tự như trên trong một bài viết gần đây, nhân chuyến trở về của TS TNH: “Lãnh tụ của Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam mà thiền sư Thích Nhất Hạnh đòi tới thăm phần lớn đều bị quản thúc nhiều năm tại chùa. Thế nhưng các vụ đó, dù là nghiêm trọng đấy, song vẫn chỉ liên quan đến một số rất nhỏ những tín đồ người Việt. Nói chung người Việt Nam được tự do thực hành tôn giáo mà họ chọn lựa chừng nào họ còn đứng ngoài chính trị. Việt Nam vẫn là một nước theo chế độ độc đảng, và bất cứ tổ chức nào, dù là nhà thờ hay câu lạc bộ bóng đá, mà hễ dính dáng vào hoạt động chính trị thì hình như đều bị rắc rối. Và cho dù bị chỉ tên là nước cần được chú ý đặc biệt (về vấn đề tự do tôn giáo – ND thêm), song những đụng độ giữa chính phủ và các nhóm tôn giáo ở Việt Nam thường xảy ra do chuyện chính trị nhiều hơn là do chuyện tôn giáo. Ta thử xem xét vụ các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Người Thượng ở đây (họ vẫn thường được gọi như vậy) bắt đầu theo đạo Tin lành từ những năm 1950 do ảnh hưởng của các nhà truyền đạo Mỹ. Bây giờ thì những người bảo thủ của Việt Nam coi họ là không đáng tin cậy về chính trị, bởi vì có rất nhiều người trong họ trong thời chiến tranh đã chiến đấu trong phe Hoa Kỳ, và cũng vì nhóm người lưu vong đóng ở Mỹ kêu gọi thành lập một vùng độc lập ở miền núi quê hương họ.”

Thật vậy, từ “cộng sản” giờ đây thật ra chỉ còn trên danh hiệu khi tại Việt Nam nền kinh tế tư bản đang được hình thành và các sinh hoạt xã hội không liên hệ đến chính trị đã thông thoáng hơn trong những năm gần đây. Mặt khác, vẫn chưa có một dấu hiệu nào cho thấy cộng sản Việt Nam sẵn sàng từ bỏ địa vị độc tôn trong sinh hoạt chính trị. Và vì thế, bằng mọi cách chính quyền Việt Nam sẽ ngăn chận sự hình thành các đoàn thể hoạt động độc lập, nhất là các tổ chức tôn giáo có khả năng thách thức quyền lực của Đảng Cộng sản, như đã từng xảy tại Ba Lan trước đây và miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Vì vậy, chúng tôi thiển nghĩ chuyến trở về Việt Nam của TS TNH sẽ không thay đổi cái nhìn của thế giới, theo quan điểm của các nhà nghiên cứu như các ông Kay Johnson, David Koh và Matt Steinglass đối với cộng sản Việt Nam về chính sách tôn giáo, trừ phi Việt Nam sẽ nhân nhượng để Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) được phục hồi và hoạt động độc lập, điều rất khó có thể xảy ra trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay.

Đối thoại hay thỏa hiệp?

TS TNH đã trở về Việt Nam theo những điều kiện do chính ông đưa ra: “Chúng tôi đã nói với chính phủ rằng tôi sẽ về nếu họ cho tôi đi lại và gặp gỡ các nhà lãnh đạo Phật giáo khác”. “Chúng tôi chấp nhận sự thiếu tự do để được tiếp cận với đồng bào”. Nhưng chấp nhận đối mặt và đối thoại (với cộng sản Việt Nam) không có nghĩa là chấp nhận quan điểm của đối phương; đó cũng chỉ là một trong những phương cách đấu tranh. Lợi hay hại, ai bị ai lợi dụng cũng còn tùy vào bản lãnh của mỗi bên. Khi người Tây phương xâm nhập, khống chế khu vực Á châu vào thế kỷ 18, 19 với uy thế quân sự vũ bão, Việt nam và Trung Quốc đã phản ứng bằng cách chống trả một mất một còn; Nhật Bản và Thái Lan đã chọn con đường thương thuyết, tạm thời nhân nhượng để bảo tồn và phát triển đất nước. Ngày nay, đối đầu với các quốc gia có nền chính trị độc tài như Việt Nam và Trung Quốc, toà thánh Vatican và giáo hội sở tại đã áp dụng phương thức đối thoại và thương thuyết; một mặt chấp nhận sự chi phối nhất định của chính quyền, mặt khác vẫn không ngừng đấu tranh, theo đuổi mục đích phát triển giáo hội và phục vụ giáo dân. Ở thế mạnh của một cường quốc đứng đầu thế giới, Hoa Kỳ đã từ lâu thay thế chính sách bao vây, cô lập địch thủ số một của mình là Trung Quốc bằng chính sách đối thoại, vì nhận ra rằng sự hội nhập của Trung Quốc vào cộng đồng quốc tế là con đường ngắn nhất để thay đổi đất nước này theo hướng phát triển hoà bình và dân chủ. Trong hoàn cảnh của Việt Nam hiện nay, chúng tôi thiển nghĩ một nước Việt Nam càng phát triển về kinh tế, càng hội nhập và tiếp xúc với thế giới bên ngoài thì triển vọng dân chủ hoá đất nước càng được sớm sủa hơn. Nghèo đói và dốt nát là chất dinh dưỡng màu mỡ cho độc tài sinh sôi nảy nở. Bạn quan tâm đến đất nước và tha thiết cho một Việt Nam giàu mạnh và dân chủ ư? Thế thì hãy mạnh dạn về Việt Nam, càng nhiều người càng tốt, càng thường xuyên càng hay, để giúp đồng bào hiểu biết thêm về dân chủ mà góp phần cho công cuộc đấu tranh dân chủ. Việt Nam có khoảng 38 ngàn sinh viên đang du học ở nước ngoài và số người Việt trong nước xuất ngoại ngày càng đông đảo. Thế thì tại sao ta lại chống đối? Vì nếu người Việt trong nước có dịp tiếp xúc, học hỏi nền văn minh và dân chủ từ nước ngoài, mai sau có thể sẽ là nhân tố tích cực cho công cuộc đổi mới đất nước và phát triển dân chủ. Và bạn lại càng có thêm cơ hội tiếp xúc, chỉ rõ ra cho đồng bào mình biết thế nào là một xã hội dân chủ và văn minh.

Phản chiến và thân cộng?

Một lập luận quen thuộc thường được nêu lên để kết án cuộc đấu tranh của GHPGVNTN (Ấn Quang) trước năm 1975 là thân cộng vì giáo hội đã chống lại sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam. Trong cuộc chiến tranh giữa hai miền Nam Bắc, lồng trong cuộc tranh chấp ý thức hệ giữa hai khối cộng sản và tư bản, thân phận của nước nhược tiểu bị ngoại bang đặt để trên bàn cờ quốc tế là nỗi bất hạnh của dân tộc, giai đoạn đen tối của lịch sử nước nhà. Một miền Bắc được trang bị chủ nghĩa ngoại lai và nguồn tiếp liệu quân sự vô tận của Nga, Tàu. Một miền Nam lệ thuộc ngoại bang. (Nếu không đồng ý, xin bạn thử tự hỏi: Ai đã viện trợ vũ khí cho thực dân Pháp giai đoạn 1945-1954? Ai đưa ông Diệm và ông Nhu về nước? Ai đã chủ mưu lật đổ và hạ sát ông Diệm và ông Nhu? Ai quyết định trong việc đổ và rút quân Mỹ? Ai ký hiệp định Paris với miền Bắc?). Trước tình huống bế tắc và thương đau của đất nước, những người thường được gọi là thành phần thứ ba, trong đó có GHPGVNTN mà TS TNH chỉ là sứ giả, đã vận động cho một miền Nam tự chủ, dân chủ, dân tộc và tự quyết, có khả năng đối đầu và đối thoại với miền Bắc về một giải pháp hoà bình cho Việt Nam. Cho dù đây chỉ là ước vọng có tính ảo tưởng vì thân thân phận của quốc gia nhược tiểu Việt Nam đang nằm trong vòng kiềm tỏa của ngoại bang, song đó là nguyên vọng rất chính đáng, không thể kết án là thân cộng. Hơn thế nữa, giữa chủ thuyết vô thần cộng sản và đạo Phật đầy tính nhân bản không thể có điểm chung.

Những người quy kết TS TNH thân cộng cũng thường nhắc đến con số rất sai lệch về trận chiến Bến Tre mà Thiền sư đã trích dẫn từ bài tường thuật của một phóng viên người Mỹ, trong buổi thuyết giảng tại New York, sau biến cố 11. 9. TS TNH đã phạm lỗi khi thiếu thận trọng trong việc trích dẫn, song nếu nhìn vào nội dung của buổi thuyết giảng, thì điều này đã không phát xuất từ thái độ chính trị, vì sự việc được nêu lên không phải để kết án phe phái chiến tranh, khơi dậy hận thù, mà ngược lại nhằm truyền đạt một thông điệp hòa bình: đứng trước sự thống khổ của con người do chính con người gây ra, xin hãy tin vào sự hiện hữu của Phật tính và khả năng chuyển hóa tâm linh nơi mỗi chúng sinh mà mở lòng từ bi hỉ xả, tránh cảnh đời đời oan oan tương báo.

Cuộc chiến huynh đệ tương tàn Bắc Nam thấm thoắt đã ba mươi năm. Đối với thế hệ sinh sau 1975, chiếm đến khoảng 70% dân số, thì cuộc chiến năm xưa chỉ là cái bóng xa mờ. Song, đối với nhiều người đã lớn lên trong khói lửa chiến chinh, vết thương chiến tranh vẫn âm ỉ. Biết đến bao giờ người Việt chúng ta mới đoàn kết được như người Trung Hoa, đặt lợi ích đất nuớc lên trên lợi ích cá nhân, đảng phái, và gạt bỏ được những định kiến, hận thù, theo bước tiền nhân cùng đắp xây nước nhà, làm vẻ vang nòi giống. Những con dân nước Việt đang thực sự ưu tư cho tiền đồ dân tộc sẽ phải tìm ra giải đáp cho bài toán nan giải, làm thế nào cân bằng được hai vế của phương trình: góp sức cho công cuộc xây dựng xứ sở hôm nay được phồn vinh, đồng thời đẩy mạnh tiến trình dân chủ hoá đất nước cho mai sau.

03.03.2005