Chùa Đình Quán Và Văn Bia Của Trạng Bùng

Chùa có tên cũ Bà Bông tự sau đổi Phúc Quang tự, xây theo kiểu chữ đinh, nhà tổ và nhà khách ở cạnh phía bắc và sau. Chùa còn nhiều di vật quý như quả chuông đồng lớn Bà Bông tự đúc năm Gia Long thứ 18 (1819); 8 bia đá, trong đó có 3 tấm bia lớn ghi việc trùng tu chùa trong các niên hiệu vua: Quang Hưng (1802 - 1819). Đặc biệt có bài văn bia của Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan

Chùa Đình Quán Và Văn Bia Của Trạng Bùng

Đỗ Thỉnh


Cách đây ít lâu tôi đã cùng các cụ trong ban Sử địa phương đến khảo sát chùa Đình Quán ở thôn Đình Quán, xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm, Hà Nội.

Đây là ngôi chùa cổ xây dựng trên khu đất cao hướng tây bắc. Nếu đi trên quốc lộ 32 Hà Nội - Sơn Tây (ở cây số 12) nhìn lên chùa, ta sẽ có cảm giác chùa xây trên quả đồi thấp hình con rùa, trông rất nguy nga tráng lệ.

Chùa có tên cũ Bà Bông tự sau đổi Phúc Quang tự, xây theo kiểu chữ đinh, nhà tổ và nhà khách ở cạnh phía bắc và sau. Chùa còn nhiều di vật quý như quả chuông đồng lớn Bà Bông tự đúc năm Gia Long thứ 18 (1819); 8 bia đá, trong đó có 3 tấm bia lớn ghi việc trùng tu chùa trong các niên hiệu vua: Quang Hưng (1802 - 1819). Đặc biệt có bài văn bia của Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan (1527-1613).

Trong các bia trùng tu có bia ghi “… Chùa được xây dựng từ thời Trần…”, có bia ghi “chùa là đại danh lam” v.v. Có những chứng tích để giúp chúng ta có thể khẳng định đây là ngôi chùa rất cổ. Đó là đầu tháng 3 - 1984 cách chùa chừng vài chục mét về phía bắc (có thể xưa là đất nội tự) người làng đào ao đã tìm thấy ngôi mộ cổ trong quan ngoài quách, toàn bộ quan tài được phủ một lớp than dày 0,4m. Đây là nét đặc biệt trong cấu trúc mộ quách gỗ củi được biết xưa nay. Đồ tùy táng trong ngôi mộ chủ yếu là đồ trang sức: một vòng chuỗi làm bằng đồ mã não được trau chuốt tinh vi đẹp mắt, 6 vòng tay, 1 hộp thuốc có nắp đậy, 1 chiếc trâm cài đầu và một số cúc áo bằng kim loại màu vàng… Với tư liệu hiểu biết của trên dưới 10 ngôi mộ cổ cùng loại được khai quật và nghiên cứu ở Việt Nam thì có thể khẳng định mộ Đình Quán có niên đại thuộc thời Trần (thế kỷ XIII-XIV). Lần đầu tiên một ngôi mộ thuộc thời Trần được biết đến ở Hà Nội…”(1).

Người ta đoán rằng có một nàng công chúa con vua Trần đã ra đây xây ngôi chùa này rồi tu ở đó cho đến khi mất. Đến khoảng thời Lê sơ (thế kỷ XV) có một bà vãi quê làng Bông Cời, huyện Thanh Oai (Hà Tây) lên ở chùa, bỏ tiền ra tu sửa chùa, mua 3 mẫu ruộng hậu vào chùa rồi ở chùa cho đến khi mất. Nhân dân địa phương nhớ ơn bà, đổi tên là chùa Bà Bông tạc tượng bà thờ phụ ở phía bắc trong tam bảo.

Đến cuối thể kỷ XVI, chùa lại được trùng tu, khởi công năm 1588, khánh thành năm 1592, mời Trạng Bùng viết văn bia, đã ghi tên là chùa Bà Bông và đến thời Gia Long (1819) khi đúc quả chuông còn lại đến nay cũng ghi là Chùa Bà Bông.

Văn bia của Phùng Khắc Khoan đã nêu lên vị trí ngôi chùa, về triết lý đạo Phật, về tam giáo đồng nguyên và biểu dương những người góp tiền làm việc công đức. Sau đây trích văn bia (bản dịch)(2):

“Bài ký trên bia ghi việc tu tạo chùa Bà Bông. Thờ Phật ở chùa, việc đó đã có từ lâu. Nay chùa Bà Bông là nơi danh thắng vào bậc nhất của xã Phù Diễn (3) trong huyện (Từ Liêm). Cổ nhân sáng lập ra chùa thành di tích đến nay vẫn còn mà sửa chữa xây dựng lại tất phải đợi loại cây đàn lớn… (đoạn này ghi tên 10 người đứng lên hưng công) cùng nhà sư trụ trì chùa là Lê Pháp Đăng, tự Mậu Hóa, quê ở huyện Quảng Xương, phủ Tĩnh Gia, thừa tuyên Thanh Hoa xuất gia theo đạo lớn và mọi người lớn nhỏ trong thôn Đình Quán. Các vị tín thí này cùng nhau để tâm làm điều thiện, rộng mở lòng thiền, tu sửa chùa vào tháng giêng năm Mậu Tý (1588). Chùa được tu sửa các phòng trong ngoài, trên dưới, tô lại tượng Phật… Các đồ tế lễ v.v. Nay việc sửa chữa đã hoàn thành, các vị lại mua đặt ruộng đất, ao hồ hiến vào làm đất tam bảo, nhờ ta viết ra để mọi người biết việc này. Ta tuy là học nho nhưng về đạo Phật thì phải nói rằng chưa… (chữ mờ không đọc được) .

Khổng Tử nói rằng: “ở Tây phương có thánh nhân” ý nói Phật cũng là thánh nhân vậy. Ta đâu giám lạm lấy sự bắt đầu của lòng từ bi quảng đại để làm điều khuyến thiện của người đời. Nay có vị hội chủ Phan Đức Cơ, Phạm Mậu Nhân… Cùng các vãi trong thôn Đình Quán và mọi người tôn sùng đạo Phật, nào có biết Phật tức là tâm…Nếu như việc cầu Phật để làng ta theo làm điều thiện thì việc đó cũng chính là Phật đã xuất thân và nhập vào lòng mình vậy. Các sãi vãi lấy tâm của ta làm tâm của họ, điều đó cũng là tâm của Phật .Vì lẽ đó mà khắc vào đá cứng để lưu truyền mãi mãi .

Bài minh viết rằng:

Chùa tại Phủ Diễn,
Bảng yết Bà Bông.
Lòng thiền các vãi,
Xuất của góp công.
Hoàn thành chùa quý,
Sừng sững bia cao,
Muôn đời còn mãi,
Vạn phúc quy về.

(Ghi tên các vị hội chủ chùa và những người Công đức tu sửa chùa Đình Quán). Ngày lành tiết trung thu, năm Nhâm Thìn (1592). Kiệt tiết tuyên lực công thần, đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Công bộ thượng thư kiêm Quốc tử giám tế tửu Mai Lĩnh hầu Phùng Khắc Khoan người xã Phùng xá, huyện Thạch Thất soạn bia văn…”

CHÚ THÍCH

(1) Trích bài của Phạm Quốc Ân (Viện Bảo tàng Lịch sử VN) đăng báo Hà Nội mới số 5010, ra ngày 28-3-1984 .

(2) Bản dịch do cụ Nguyễn Viết Liên, nguyên phó ban Sử xã cung cấp .

(3) Thôn Đình Quán lúc đó thuộc xã Phù Diễn, tổng Cổ Nhuế