Nạn đốt vàng mã hoang phí vẫn tiếp diễn

Mỗi năm có hàng tỷ đồng cháy rụi cùng vàng mã. Bà Hoa ở Thanh Xuân (Hà Nội) cất công về tận làng Cót, đặt một mâm vàng mã cao đến hơn một mét với giá 500.000 đồng cho lễ Nguyên tiêu. Quan niệm "lễ cả năm không bằng Rằm tháng Giêng", bà Hoa cũng như nhiều người cho rằng, đây là dịp tốt nhất để gửi tiền, vàng, quần áo cho người cõi âm.

Bà Hoa cho biết, mấy ngày sau Tết, cả nhóm bạn buôn bán của bà rủ nhau đi lễ Chùa Hương, đền Bà Chúa Kho, riêng tiền sắm vàng mã đã mất hơn một triệu đồng cho mỗi cửa lễ.

Đó cũng là lý do mà tại các chùa, đền nổi tiếng như phủ Tây Hồ, chùa Quán Sứ, Phúc Khánh... nhất là chùa Hương, đền Bà Chúa Kho... những lò hóa vàng mã thường xuyên đỏ lửa, cây cối xung quanh héo khô vì hơi nóng, khói và tàn tro bay nghi ngút. Thành lò hóa mã tróc lở hết lớp xi măng trát ngoài vì sức nóng. Phật tử phải xếp hàng chờ đến lượt đốt mã.

Bác Minh bán vàng, mã từ hơn 10 năm nay phố Lương Văn Can, cho biết: "Trước đây, người dân chỉ mua một ít tiền, vàng hoặc một vài bộ quần áo tượng trưng để đốt cho ông bà, tổ tiên. Song bây giờ xu hướng đốt nhiều vàng mã ngày càng tăng. Trung bình mỗi gia đình sắm mã cúng Rằm khoảng 30.000-50.000 đồng/lễ, nhà nào khá giả thì 200.000-300.000 đồng. Những gia đình quan chức và dân buôn bán giàu có sắm lễ tới vài triệu là chuyện thường". Ở cửa hàng của bác Minh, mỗi ngày có khoảng gần hai chục người đến đặt hàng và mua lẻ rất đông. Ngoài quần áo, giày dép, tiền vàng, vật dụng thông thường, đồ mã bây giờ có cả xe hơi, điện thoại di động, thậm chí cả mỹ phẩm, máy tính xách tay...

Theo thống kê của Cục Văn hóa - Thông tin cơ sở, làng Cót (Từ Liêm, Hà Nội) và làng Đông Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) hiện là nguồn sản xuất, cung cấp vàng mã lớn nhất cho các tỉnh thành lân cận. Mỗi ngày ở đây tiêu thụ gần 3.000 kg giấy. Phố Hàng Mã, Lương Văn Can và các chợ lớn trong thành phố Hà Nội là điểm bán buôn, bán lẻ hàng mã, dịp này luôn tấp nập. Năm nay, giá vàng mã cao hơn năm ngoái do được xếp vào danh sách 8 loại hàng hóa phải chịu thuế thu nhập đặc biệt từ cuối năm 2003. Tuy vậy, sức tiêu thụ mặt hàng này không hề giảm, đồng nghĩa với việc có hàng tỷ đồng sẽ bị thiêu rụi trong dịp Rằm tháng Giêng này.

Bà Đỗ Kim Thịnh, Cục phó cục Văn hóa - Thông tin cơ sở, tỏ ra rất bức xúc trước tình trạng lạm dụng, quá đà trong việc thể hiện tín ngưỡng của một số người dân. Bà cho rằng: "Đốt vàng mã tràn lan và hoang phí như hiện nay là một biến tướng của lối sống thực dụng thời kinh tế thị trường. Quan niệm "trần sao âm vậy" khiến nhiều người đốt mã như "hối lộ cõi âm" chứ không còn là chăm lo đến tổ tiên, tín ngưỡng".

Trước tình trạng lãng phí trong việc đột vàng mã, năm nay, các cơ quan văn hóa chủ trương nỗ lực hơn nữa trong việc vận động phật tử thay đổi thói quen đốt vàng mã, tiền giấy và lập Quỹ không đốt vàng mã như chùa Liên Hoa (TP HCM). Từ năm 1998 đến nay, Quỹ không đốt vàng mã của chùa đã tiết kiệm được trên 1 tỷ đồng, dành để hỗ trợ người nghèo, nhân dân trong vùng thiên tai, bão lụt...

Theo: VnExpress.net