Lễ hội Phật đản xưa ở nước ta

Từ khi đất nước ta bước sang  thời kỳ độc lập tự chủ hoàn  toàn, song hành cùng với  sự phát triển của đất nước, Phật giáo Đại Việt đã tự khẳng định vai trò của mình không chỉ trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng mà còn tham gia tích cực trong việc phục hưng mọi giá trị văn hóa của dân tộc.

Một trong những việc làm có ý nghĩa và giá trị thiết thực đối với dân chúng là tổ chức các lễ hội Phật giáo mang tính quốc gia vào các dịp Phật Thành đạo, Phật đản, Vu lan do Phật giáo tổ chức dưới sự bảo trợ của triều đình. Một mặt nhà nước kết hợp với Phật giáo tổng kết các thành tựu của quốc gia trên mọi lĩnh vực, tuyên dương công đức của các cá nhân và tập thể đã đóng góp cho nước nhà. Mặt khác, nhà nước cũng muốn phô diễn và thị uy với các sứ giả lân bang biết về sức mạnh của Đại Việt. Qua đó, nhà vua cũng tuyên cáo những chủ trương và đường hướng hoạt động của nước nhà như thông điệp sống hòa bình thân thiện, an lạc trước thời khắc lịch sử Phật đản sinh. 

phatdansanh 2.jpg

Không phải ngẫu nhiên mà Lễ hội Phật đản ở nước ta được tổ chức quy mô hoành tráng mang tính lễ hội của dân tộc, vì thực ra ngay từ thời kỳ đầu Phật giáo mới du nhập, Đại lễ Phật đản đã được cộng đồng Phật giáo bấy giờ tôn vinh. Cơ sở để thực thi mô hình tổ chức lễ Phật đản đã được định hình từ một nền Phật giáo quyền năng trước đó, xuất phát ở trung tâm Phật giáo Giao Châu với các hình thái sinh hoạt tín ngưỡng, học thuật phát triển khá linh hoạt. Đến thế kỷ VI, khi dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi ra đời thì chùa Pháp Vân trở thành một trong những trung tâm Phật giáo bấy giờ. Dòng thiền này còn được gọi là dòng thiền Pháp Vân, qua một thời gian hoạt động, bắt đầu hình thành một hệ tư tưởng mới để đáp ứng nhu cầu lịch sử được xuất phát từ thực tiễn cuộc sống. Nhiệm vụ của những người Phật giáo lúc này là cần mở một hướng đi mới cho Phật giáo, vừa phát triển tâm linh của đời sống đạo, vừa đáp ứng được yêu cầu đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân để thể hiện ý chí độc lập tự chủ của dân tộc trong vấn đề bảo vệ đất nước và đạo pháp. Lý Nam Đế, Triệu Quang Phục, Lý Phật Tử là những gương mặt đầu tiên đứng ra đảm nhiệm trọng trách này. Nhưng đáng nói hơn hết là ba vị danh tăng Pháp Hiền, Thanh Biện và Định Không dần dần thiết lập quan điểm về Phật thể mà mỗi người phải tự tìm thấy ngay chính bản thân mình nói riêng và trong cuộc hành trình tìm cầu hạnh phúc thực sự của một dân tộc khát khao độc lập, tự chủ nói chung.

Trong ý nghĩa, ngôi chùa không chỉ là trung tâm văn hóa, giáo dục, học thuật của Phật giáo mà còn là nơi quy tụ, kết nối sự yêu thương, tinh thần đại đoàn kết cả dân tộc được thể hiện trên mọi lĩnh vực. Do đó, nhu cầu tổ chức lễ hội của Phật giáo là quy luật tất yếu. Một mặt nó đáp ứng và giúp cho mọi người khi nhìn thấy sự tôn vinh hình ảnh Đức Phật đản sinh mà phát nguyện tự tìm thấy Đức Phật của mình trong chính bản thân mình; mặt khác từ đây sẽ kết nối liên thông giữa mọi tầng lớp trong xã hội, hãy đến với nhau bằng tinh thần từ bi, trí tuệ, vô ngã, vị tha theo thông điệp "Dù ai buôn bán ở đâu/Tháng Tư ngày tám rủ nhau hội chùa”. Chúng ta cũng nên biết rằng vào thời điểm này có 3 lễ hội lớn là hội Khám, hội Dâu và hội Gióng diễn ra như ca dao thường nói: “Mồng bảy hội Khám/Mồng tám hội Dâu/Mồng chín đâu đâu/Kéo về hội Gióng”. Tuy nhiên, sử sách vẫn ghi nhận ngay tại chùa Pháp Vân, tức là chùa Thiền Định bấy giờ ngoài việc dịch kinh, thuyết giảng còn là nơi diễn ra Lễ hội Phật đản với một không khí hân hoan, đông đúc. Ngoài phần nghi lễ Phật giáo: niêm hương, tụng kinh, cầu nguyện, rước Phật mang tính chất “lễ”, còn có phần “hội”, nghĩa là quần chúng trở thành chủ thể tham gia các hoạt động  vui chơi, giải trí như trò vè, chồng kiệu… mà Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn đã dẫn theo sách Thập di ky của Lý Tứ Xuyên: “Lại xét Thập di ky của Lý Tứ Xuyên thì người Cổ Châm hàng năm hội họp ở chùa Thiền Định làm lễ Phật đản” (1) . Cũng cần nói thêm, khi Phật giáo được truyền vào Giao Châu, sau một thời gian Phật Quang bản địa hóa giáo lý thì đến lượt Khâu Đà La là nhà sư thứ hai bản địa hóa Phật điện. Sự xuất hiện hình ảnh Phật điện trong tín ngưỡng như là nhân tố quan trọng, tích cực cùng đồng hành với dân tộc trong sự nghiệp chống lại sự đồng hóa văn hóa nô dịch Trung Hoa và phát triển văn hóa nước nhà. Ta có thể nói, tín ngưỡng chủ đạo Phật giáo Giao Châu bấy giờ là tín ngưỡng Tứ pháp. Văn bản được xem là sớm nhất ghi nhận về cội rễ hình thành hệ Tứ pháp này là Cổ Châu Pháp Vân Phật bản hạnh ngữ lục. Có ý kiến cho rằng, tác phẩm này, có thể được viết vào khoảng thời gian 1322 và văn thể có nhiều điểm tương đồng với văn thể của Thiền uyển tập anh, do đó tác giả hai tác phẩm này là một (2). Hình ảnh rước Phật Tứ Pháp trong ngày Lễ Phật đản để cho dân chúng mọi nơi được dịp chiêm ngưỡng lễ bái cầu nguyện là điều tất nhiên.

phatdansanh 1.jpg

Như đã nói, chùa là tâm điểm diễn ra lễ hội văn hóa của dân tộc, nó mặc nhiên đi vào tâm thức người dân thời bấy giờ. Người dân luôn trông chờ đến ngày lễ hội Phật đản hàng năm để được chiêm ngưỡng, thực hành hạnh nguyện sống theo lời Phật dạy, để tìm được tiếng nói con tim, kết nối yêu thương “Mỗi người mỗi nước mỗi non/Khi vào cửa Phật, chung con một nhà”. Thế nên lễ hội Phật đản cũng được dân ta xem như là lễ hội văn hóa dân tộc trong quá trình tiếp biến, bản địa hóa đạo Phật. Mồng tám tháng Tư có lễ Láng diễn ra ở Bắc Ninh thật trang nghiêm, hoành tráng nhưng cũng thể hiện tính chất vui chơi, giải trí sau những năm tháng lao động khổ cực mùa màng đồng áng mà sách sử ghi: “Huyện Từ Sơn, trong núi có chùa Đại Lâm, lại có chùa Thần Quang, đằng trước trông ra sông Thiên Đức, cây thông trắc xanh tươi, hàng năm đến ngày mồng tám tháng Tư trai gái tụ họp ở đây cùng nhau múa hát” (3) . Theo thời gian, qua từng thời kỳ lịch sử, cứ thế Lễ hội Phật đản hàng năm trở thành lễ hội truyền thống, không thể không tham dự: "Vào ngày mồng tám tháng Tư/Chẳng xem hội Láng cũng hư mất đời”.

Đến khi Lý Thái Tổ lên ngôi, khai sáng ra vương triều nhà Lý, tồn tại hơn 200 năm thì Phật giáo Đại Việt đã chuyển sang nền Phật giáo thế sự để đáp ứng nhu cầu xây dựng phát triển của đất nước qua một thời kỳ mới. Một thời kỳ mà cả dân tộc mở ra trang sử độc lập, tự chủ không chỉ trên biên giới cương thổ mà độc lập tự chủ trên tất cả lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo. Cũng dễ hiểu, bởi vì Phật giáo Đại Việt luôn tự đặt sự tồn vong, phát triển của đất nước trong sự tồn vong và phát triển đạo pháp của nước nhà. Hay nói cách khác, khi Phật giáo nước nhà được phát triển hưng thịnh thì sẽ góp phần thúc đẩy phát triển đất nước giàu mạnh, nhân dân được hạnh phúc an lạc. Cho nên, Lễ hội Phật đản được các triều đại nhà Lý chú trọng tổ chức thành Quốc lễ. Sách Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 2 viết: “Từ đời Lý, mỗi năm hội Phật đản đã được tổ chức thật lớn lao rồi. Vua Lý Thánh Tông có lẽ là người đầu tiên đã làm cho Lễ Phật đản trở thành Quốc lễ lớn. Lễ tắm Phật bằng nước Ngũ vị hương được cử hành sáng mồng tám tháng Tư tại chùa Diên Hựu. Vua, hoàng hậu, các hoàng tử và công chúa cùng triều thần bách quan đều có mặt. Dân chúng các nơi tụ về rất đông để dự lễ. Sau khi chư tăng tụng kinh Phật Thuyết Dục Tượng Công Đức, thì nước thơm được giội lên tượng Phật. Trong khi đó, vua quan và quần chúng chắp tay hướng về niệm Phật”.

Sau lễ tắm Phật là lễ phóng sinh. Vua bước lên kim đài dựng ở trước chùa. Chư Tăng tụng kinh Kim Quang Minh trong khi một lồng chim được dâng lên. Kinh vừa dứt, vua đưa tay vào lồng bắt một con chim thả cho bay lên. Dân chúng hô lên vạn tuế rồi cùng thả chim rợp trời. Đời các vua sau đều làm theo vua Thánh Tông trong ngày Phật đản. Lễ tắm Phật và phóng sinh được tổ chức vào buổi sáng, tối có lễ phóng đăng, thả hàng nghìn đèn trôi trên sông hồ” (4).

phatdansanh 3.gif

Như vậy, vào thời Lý, ngày Phật đản trở thành ngày Quốc lễ cho cả nước. Theo các tài liệu Quốc sử chép, mỗi năm Lễ hội Phật đản đều được tổ chức thật hoành tráng nhằm biểu trưng sức mạnh cả dân tộc thông qua việc không chỉ biểu dương những thành quả đạt được của đất nước Đại Việt trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, tín ngưỡng tôn giáo cho dân chúng xem và thưởng thức mà còn có sự chứng kiến của cả các vua quan, hoàng hậu, đại thần trong nước, cùng với sứ thần các nước lân bang thân hữu, chư hầu quanh ta tham dự. Trên hết, là tạo ra các giá trị tâm linh mà người dân Đại Việt phải cần nhận thức và thực thi trong sự kết nối yêu thương và đoàn kết tạo ra sức mạnh cả dân tộc đang vươn lên sánh vai các cường quốc.

Đại Việt sử ký toàn thư 2 còn ghi cứ mỗi năm, trước khi Đại lễ Phật đản diễn ra thì các công trình mang tính tầm vóc của quốc gia chuẩn bị đón mừng Phật đản được hoàn thành để cúng dường Tam bảo. Chẳng hạn dưới triều vua Lý Thái Tổ trị vì thì xây dựng chùa chiền, thỉnh Phật tôn trí như đã nói trên. Đến thời Lý Thái Tông, vào mùa xuân, tháng 2, năm 1035, vua xuống chiếu “Phát 6 nghìn cân đồng để đúc chuông đặt ở chùa Trùng Quang. Chuông đúc xong, sai người kéo đến chùa". Mùa xuân năm sau, 1036, khánh thành pho tượng Phật Đại Nguyện và ân xá thiên hạ. Tháng 10, 1049, vua ra chiếu chỉ dựng chùa Diên Hựu, về sau trở thành địa điểm tổ chức Quốc lễ Phật đản hàng năm.

Nhưng Quốc lễ Phật đản được tổ chức quy mô và hoành tráng nhất trong lịch sử nước ta phải đợi đến thời vua Lý Nhân Tông trị vì mà sau này Đại Việt sử ký toàn thư 2 ghi, nhưng cụ thể và rõ nét khiến ta dễ hình dung là qua tài liệu thư tịch cổ còn bảo lưu là Bia tháp Sùng Thiện Diên Linh. Nhưng trước đó, dấu ấn của Quốc lễ Phật đản diễn ra hàng năm dưới thời vua Lý Thánh Tông cũng được ghi vào tâm khảm người dân, và có giá trị tác động vào đời sống văn hóa và giáo dục, thúc đẩy sự phát triển đất nước và hoằng dương Phật pháp khiến cho các nước lân bang trọng nể, đánh giá cao. Tháng Tư, năm 1055 tạo dựng chùa Sùng Khánh, phát 1 vạn 2 nghìn cân đồng để đúc chuông, vua đích thân làm bài minh ca ngợi. Vào năm 1057 dựng chùa Thiên Phúc và Thiên Thọ, đúc hai pho tượng Phạn Vương và Đế Thích bằng vàng để đón mừng Phật đản. Vào năm 1071, mùa xuân, tháng Giêng vua viết bia chữ “dài 1 trượng 6 thước” đặt ở chùa Tiên Du đạt kỷ lục lớn nhất trong thời điểm đó. Và vào ngày tám tháng Tư, nhân dịp Quốc lễ Phật đản, vua Lý Nhân Tông đích thân tắm Phật dưới sự chứng minh của chư Tăng và hoàng hậu, đại thần, sứ thần, dân chúng tham dự buổi lễ.

Trong ngày Quốc lễ Phật đản năm 1071 này, Đại Việt sử ký toàn thư chỉ ghi vắn tắt ngoài sự kiện vua tham dự lễ tắm Phật, còn có ghi thêm đôi dòng “Cho các sư đi nhiễu xung quanh tụng kinh cầu nguyện cho vua sống lâu”. Tuy nhiên, bia Sùng Thiện Diên Linh viết một cách chi tiết hơn: “Để mồng một hàng tháng, để mùa xuân hàng năm, nhà vua ngồi xe ngọc, đến mở tiệc chay, bày hương án làm lễ cầu an, đặt bồn chậu để làm lễ tắm Phật, tạo dáng tin thành cho dân chúng, … hàng năm làm lệ thường” (5).

Rõ ràng, Quốc lễ Phật đản được tổ chức hoành tráng qua các nghi thức lễ tắm Phật, phóng sinh, phóng đăng, cầu an, chẩn tế, bạt độ, cầu quốc thái dân an đã làm cho nền Phật giáo thế sự được hiện thực hóa ở đời. Nó làm cho Phật giáo luôn ở vị thế cao và có vai trò quan trọng tác động tích cực trong việc xây dựng đất nước, cũng như giữ nước dài lâu trong xu hướng thịnh vượng. Thực tế, bất cứ một nền độc lập, tự chủ của một quốc gia nào phát triển phồn thịnh đều được thiết lập từ cơ sở “dân có giàu, nước mới mạnh”, mà ngày nay trở thành tiêu chí cho mọi quốc gia hướng đến, nhưng đó cũng là cách nói của cha ông ta ngày xưa “dân có an, quốc gia mới thái bình” (Quốc thái dân an).

Do đó, thông qua ngày Quốc lễ Phật đản này mà xác lập mục tiêu hướng đến của cả dân tộc trong việc xây dựng một nước Đại Việt phồn vinh. Trong đó, các giá trị tâm linh, văn hóa, giáo dục cần được duy trì và tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đó chính là sự kết nối truyền thông tình yêu thương trong các mối quan hệ giữa con người với con người, con người với môi trường sống, giữa gia đình và xã hội, giữa người dân và vua quan, đại thần lãnh đạo đất nước nhằm tạo ra sức mạnh đoàn kết toàn dân thực thi một đời sống hạnh phúc thật sự. Điều này được nhân dân Đại Việt thời đó đúc kết và hát ca trong ngày Quốc lễ Phật đản và lễ hội dân tộc: "Vào chùa thắp một nén nhang/Khói lên nghi ngút bốn phương nhà chùa”.

Như vậy, ngày Quốc lễ Phật đản trở thành ngày lễ hội cả dân tộc, tất cả mọi người dân đều được sống trong cảnh giới Phật quốc ngay giữa cõi đời khi mà bốn phương tám hướng đều trở thành nhà chùa. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi mỗi người dân đồng tâm thực thi sứ mệnh mà dân tộc và đạo pháp giao phó. Cụ thể là mỗi cá thể dù xuất gia hay tại gia đều phải tạo một năng lượng định tuệ cho chính bản thân mình, sau đó phải tham gia phò tá đất nước mà vua Lý Nhân Tông với tư cách là một Phật tử thuần thành trong vai trò là một nhà lãnh đạo tối cao của đất nước đề xuất. Kết quả, việc tổ chức Quốc lễ Phật đản không chỉ là ngày làm cho các giá trị tâm linh “Phật tính” hiển lộ mà còn là ngày tổng kết các thành tựu của đất nước ta trên các lĩnh vực từ văn hóa cho đến kinh tế, chính trị, … để dân chúng và các nước lân bang ghi nhận. Chúng ta có thể thấu hiểu điều đó qua sử sách, nhất là bia Sùng Thiện Diên Linh ghi lại về việc thiết kế lễ đài Phật đản thật hoành tráng và rất quy mô:

“Dựng đài cao Quảng Chiếu, nhắm sân trước Đoan Môn. Trong nêu một cột; ngoài đặt bảy tầng. Uốn hình cung nâng lấy sen vàng; mây lồng nhiễu che cho ngọn lạp. Dấu cơ vi ở dưới đất, như bánh xe xoay chuyển; rực ánh sáng giữa trời, như bóng ác chói chang. Lại có bảo thánh rực rỡ trang nghiêm; điện vàng viện báu. Do ý thánh dựng nên; đặt tượng vàng hai dãy. Dáng tỏ linh văn, hình phô kỳ lệ. Lại có hai tòa lầu hoa, trong treo chuông vàng, khắc chú tiểu mình mặc áo nâu sồng; vặn máy ngầm giơ vồ chuông lên đánh. Nghe vỗ bao gươm mà đứng nghiêm quay mặt; nhìn thấy thánh minh mà khom cật cúi đầu. Những việc này đều nảy sinh từ ý nhà vua, muốn sao được vậy” (6).

Sức mạnh Đại Việt thời đó, được phô diễn và phát huy cao độ qua việc tổ chức Quốc lễ Phật đản hết sức kỳ công, trầm hùng. Mọi người dân từ những cương vị khác nhau và tùy theo khả năng từng người mà đóng góp cho đất nước từ tâm lực cho đến tài lực. Nó cũng minh chứng cho chúng ta thấy, thời đó, trình độ văn hóa, kỹ thuật công nghệ cơ học, kiến trúc xây dựng và điêu khắc, chạm trổ cực kỳ tinh xảo, mỹ thuật pha màu trong vật liệu xây dựng thật kỳ độc đáo, nhất là sự phối màu thật huyền ảo, lung linh sống động… tất cả đã tạo ra một diện mạo của một nước Đại Việt thật hùng cường và tráng lệ khiến cho dân ta thật tự hào và các nước lân bang thán phục mà bài văn bia Sùng Thiện Diên Linh ghi nhận: “Nhân dân hòa hợp; trăm họ yên vui. …Họp các nước chư hầu mà yến thưởng, làm chân chủ của đất trời….” (7).

Vậy là việc xây chùa, độ Tăng vào thời Lý là công việc không chỉ có ý nghĩa trong lĩnh vực tôn giáo mà thông qua con đường này làm cho mọi tiềm lực của quốc gia được bộc lộ và hiển bày cụ thể qua các thành tựu mà chúng ta đạt được trên các lĩnh vực. Do đó, ta chẳng ngạc nhiên gì khi Chu Văn Thường khẳng định điều này trong bài văn bia An Hoạch sơn Báo Ân tự bi ky khoảng vào năm 1100: “Người dựng chùa là để mãi mãi giữ lấy nước nhà”. Hệ quả tất yếu là Phật đản được trở thành ngày Quốc lễ hàng năm vào thời Lý-Trần.
-------

Chú thích:
(1) Quốc sử quán, Đại Nam nhất thống chí, (bản dịch), Hà Nội, 1962. (2) Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 1, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1999, tr.136. (3) Quốc sử quán (sđd), tr.72. (4) Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 2, tr.476, Nxb Văn Học, Hà Nội, tái bản, tr.476 (5) Nguyễn Công Bật, Đại Việt Quốc đương gia đệ tứ đế Sùng Thiện Diên Linh, Thơ văn Lý Trần, tập I, Nxb KHXH, Hà Nội, 1977, tr.405. (6) Nguyễn Công Bật, Đại Việt Quốc đương gia đệ tứ đế Sùng Thiện Diên Linh, Thơ văn Lý Trần, tập I, Nxb KHXH, Hà Nội, 1977, tr.404-405. (7) Nguyễn Công Bật, Đại Việt Quốc đương gia đệ tứ đế Sùng Thiện Diên Linh, Thơ văn Lý Trần, tập I, Nxb KHXH, Hà Nội, 1977, tr.405-406.