“Bí mật phía sau nhục thân của các vị thiền sư”

Với công trình khoa học mang tên gọi “Bí mật phía sau nhục thân của các vị thiền sư”, PGS.TS Nguyễn Lân Cường đã làm sáng tỏ những điều bí ẩn trong lịch sử nhục thân, đưa ra đề xuất về phương pháp độc đáo gìn giữ nhục thân sau khi viên tịch vốn chỉ có trong đạo Phật...

Những bí mật cùng bao điều kỳ diệu tâm linh về nhục thân của các vị thiền sư luôn là sự quan tâm của mọi người. Di hài nhục thân của các thiền sư Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường ở chùa Đậu và thiền sư Như Trí ở chùa Tiêu Sơn (Bắc Ninh) được coi là những dấu ấn tâm linh và di sản văn hóa đặc biệt trong lòng dân tộc.

Lần đầu tiên, những bí mật phía sau nhục thân của các vị thiền sư sẽ được PGS.TS Nguyễn Lân Cường - Phó Tổng Thư ký Hội khảo cổ học Việt Nam “bật mí” từ những công trình nghiên cứu về khoa học nhân chủng mà ông đã cùng các nhà khoa học tu bổ và bảo quản nhục thân 3 vị thiền sư nói trên trong suốt hơn 20 năm qua.

Phục dựng nhục thân thiền sư.

Với công trình khoa học mang tên gọi “Bí mật phía sau nhục thân của các vị thiền sư”, PGS.TS Nguyễn Lân Cường đã làm sáng tỏ những điều bí ẩn trong lịch sử nhục thân, đưa ra đề xuất về phương pháp độc đáo gìn giữ nhục thân sau khi viên tịch vốn chỉ có trong đạo Phật, như lời của Hòa thượng Thích Thanh Tứ.

Dưới ánh sáng của khoa học, lần đầu tiên, PGS.TS Nguyễn Lân Cường lý giải được vì sao thiền sư Vũ Khắc Trường có cánh tay quá dài so với tỉ lệ của cơ thể, xác định các chứng tích về tư thế ngồi của thiền sư khi viên tịch là sự chủ động sắp đặt…

PGS.TS Nguyễn Lân Cường đã dành 5 năm chắp bút công trình về Phật giáo, mang đến cho người đọc những thông tin có gía trị về thiền táng hiện mới chỉ có ở Việt Nam và Trung Quốc.

Trong cuộc họp báo ra mắt cuốn sách vào chiều 1/12, ông tâm sự: Tôi chỉ giản dị hy vọng sẽ đem đến cho lớp trẻ niềm say mê với nền văn hóa độc đáo của dân tộc, và tiếp tục những công trình nước về các nhục thân mà các ông đã khởi xướng.

Ảnh phục dựng nhục thân thiền sư:

Thanh Hằng