Có một xưởng may cờ Phật giáo của người khuyết tật

image

Bất cứ một xã hội nào cũng luôn có người ốm đau, gặp thiên tai, nghèo đói; có người không tự nuôi sống bản thân như trẻ mồ côi, người già yếu cô đơn, người khuyết tật …

...đó chính là nhóm người dễ bị tổn thương hay nhóm người yếu thế cần sự giúp đỡ cưu mang của cộng đồng. Mỗi xã hội đều có phương pháp giải quyết khác nhau nhưng mục tiêu chung nhất vẫn là nhằm thỏa mãn những nhu cầu cơ bản của nhóm người nói trên và giảm bớt khó khăn cho họ.

Việt Nam có hơn 5,3 triệu người khuyết tật, chiếm 6,4% dân số, trong đó trên 69% người khuyết tật trong độ tuổi lao động. người khuyết tật mong muốn được tiếp cận với dịch vụ Y tế, phục hồi chức năng, giáo dục, văn hóa, học nghề và có việc làm để đảm bảo đời sống thực sự bình đẳng và hòa nhập cộng đồng.
Đức Phật khi xưa trong nhiều kiếp tu hành Ngài đã từng bố thí cho chúng sinh cả thân mạng của mình, phải chăng vì thấm nhuần tư tưởng nhân bản, nhân văn của đạo Phật của Đức Phật mà cứ mỗi khi mùa mưa bão đến người dân cả nước lại san sẻ chắt chiu nào tiền, nào gạo, nào thực phẩm thuốc men ... để cứu giúp những số phận không may mắn. Nó không chỉ thể hiện tinh thần Từ bi cứu khổ của tôn giáo mà nó còn phản ánh hệ thống an sinh xã hội của một đất nước, một quốc gia.
Tuy nhiên, việc cứu trợ xã hội nếu chỉ dừng lại ở mức độ cho “con cá” mà chưa hướng đến tính ổn định lâu dài tức cung cấp “chiếc cần”thì chưa phải là cứu cánh. Chính từ nhận thức đúng đắn này mà sư Thầy Thích Đàm Chung trụ trì chùa Phổ Linh – Tây Hồ - Hà Nội sau nhiều trăn trở, suy tư đã mạnh dạn kêu gọi các Mạnh Thường Quân cùng các tín đồ Phật tử đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng, trang bị một dàn máy may cùng máy vắt sổ để mở cơ sở may gia công cho các đối tượng thuộc diện khuyết tật, nghèo đói, mồ côi đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau tại cơ sở chùa Tăng Long, thôn Phú Đô, xã Mễ Trì huyện Từ Liêm – Hà Nội.
Ban đầu, mọi việc không hề đơn giản. Nhiều khó khăn nảy sinh khi guồng máy bắt đầu hoạt động; nào chuyện tìm giáo viên dạy cắt may, tìm đầu ra, nguồn hàng giá rẻ từ các đầu mối, nào chuyện sinh hoạt đời sống vv...khiến lắm lúc tưởng như cơ sở sắp tan rã đến nơi. Nếu chỉ để nhận các em về nuôi cơm ngày ba bữa thì qúa đơn giản, vấn đề là ở chỗ làm sao để các em tự nuôi sống bản thân mình bằng chính khả năng của mình; điều này không chỉ giúp các em tự thân vận động mà hơn hết nó còn giúp các em có thái độ tự tin hòa nhập với cộng đồng, xóa tan mọi định kiến, thành kiến của người đời với tất những gì mà các em đang gánh chịu. Xuất phát từ bi nguyện của người con Phật, sư Thầy Thích Đàm Chung đã vượt lên bao khó khăn, vướng mắc và tìm ra hướng đi tốt đẹp nhất cho gần hai chục con người tại cơ sở nuôi dạy người khuyết tật chùa Phú Đô.
Tính đến thời điểm từ tháng 8 năm 2007 cho đến nay cơ sở đã tạo công ăn việc làm cho 17 đối tượng độ tuổi 19 đến 45. Số lượng người tuy chưa nhiều nhưng việc làm đó không những ổn định đời sống, đảm bảo mức sinh hoạt tối thiểu cần thiết cho các đối tượng bằng việc may gia công các mặt hàng thủ công như cờ Phật giáo, khẩu trang,....mà còn giúp một số thanh thiếu niên sau khi thành nghề đã trở về địa phương tự túc lao động, ( 3 đối tượng đã thành nghề trở về địa phương) còn các đối tượng khác đều được hưởng mức thu nhập hàng tháng từ 350 nghàn đồng đến 450 nghàn đồng.
Tiếp chuyện với tôi sư Thầy cho hay: “nếu chỉ mình tôi thì không làm nên cơ ngơi này đâu, cũng may là có các Phật tử hảo tâm nhiệt tình đóng góp công của, các giáo viên tận tình hướng dẫn vv... các chùa trong thành phố vì thương tình nên “tiêu thụ “ sản phẩm giúp chứ lắm khi nhìn nguồn hàng đã may xong cứ chất chồng, chất đống mà chưa có đầu ra cũng lo lắng đến mất ăn, mất ngủ”.
Tiếp xúc với mọi người ở đây tôi mới thấy thương cảm cho nhiều mảnh đời, nhiều số phận éo le ngang trái khác nhau và cũng học thêm được nghị lực sống thật đáng nể nơi họ. Em T vóc người nhỏ thó, liệt hai chân, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải thực hiện trên ...xe lăn thế nhưng, trong em luôn tuôn trào niềm tin yêu cuộc sống và con người, không hề mặc cảm tự ti với hình thể không hoàn hảo của mình. Không riêng gì tôi mà bất cứ ai khi gặp T đều có thể đọc được niềm hạnh phúc và sự tự tin tràn đầy trong mắt em. Khi tôi ngỏ ý muốn có vài bức hình chụp chung với mọi người nơi đây làm kỷ niệm, ai nấy đều ái ngại vì sợ tôi đưa lên ...báo. Cuối cùng, tôi phải dùng đến “nghiệp vụ” mọi người mới đồng ý để tôi làm bác phó nháy.
Chia tay mọi người ra về, hình ảnh T ngồi trên chiếc xe lăn hai tay nhanh thoăn thoắt đưa từng đường kim, mũi chỉ trên bàn máy như đang đang dệt nên chính số phận của mình cứ khiến tôi day dứt mãi. Nó làm tôi chợt nhói lòng khi thấy không ít một bộ phận giới trẻ hiện nay thiếu hẳn đi sự nhận thức về giá trị đích thực của cuộc sống, họ chỉ biết trông chờ, sống gửi bằng tài sản của cha, mẹ, họ thừa thời gian nhưng lại không biết phải sáng tạo thời gian đó như thế nào ngoài cách chơi thuốc lắc, chơi game, hoặc đi tìm cảm giác phiêu linh bằng những đêm dạt vòm đầy nguy hiểm với bao chuyện bi, hài; và khi hệ quả xảy ra thì lại chỉ biết oán trời đất bất công, trách lòng người đen bạc...Và tôi thầm ước rằng phải chi có thêm nhiều cơ sở tạo được công ăn việc làm như cơ sở của chùa Phú Đô này để nhiều người hơn nữa có cơ hội học tập, lao động và cống hiến sức mình cho xã hội.
Thế mới hay, đem lại cho người khác một bữa ăn đã là quý hóa mà hơn thế nữa giúp cho người khác tự làm ra một bữa ăn, ổn định đời sống sinh hoạt của chính họ mới đích thực là hướng đi, cách nghĩ, cách làm đúng đắn đầy tính nhân bản của Phật giáo.