Phật giáo trong tôi

Chân lý chỉ có một, nhưng mỗi người đến với chân lý bằng con đường khác nhau. Con đường nào đi nữa, thì đó cũng là hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời, may mắn tìm giữa đêm đen một ngọn đuốc soi đường. Con rùa mù gặp được bộng cây, đã khó, nhưng gặp được Phật pháp càng khó hơn. Muôn nghìn lần tri ân Phật, tri ân thầy tổ, tri ân bạn bè đồng đạo, tri ân cả cuộc đời thăng trầm của tôi, đã dìu tôi đi những chặng đường dài.

Tôi sinh ra ở một vùng quê nghèo, nhưng ruộng vườn xanh mướt, thênh thang, dưỡng nuôi sự hồn nhiên và phóng khoáng. Vùng quê ấy còn là mảnh đất Phật giáo, dưỡng nuôi chất thuần hậu, hiền lương của người dân. Trong ký ức tuổi thơ tôi, rõ ràng như mới hôm qua, là bóng chùa thấp thoáng sau tàng lá xanh xanh, là tiếng chuông ngân nga thanh thoát, là hương của bông sen, bông trang ướp đẫm trời chiều. Những ngày rằm, tôi theo ngoại vào chùa, nghịch ngợm với những chú quy có chiếc mai màu vàng sáng, cho chú ăn chuối, rồi lật ngửa chú lên mặc cho chú quơ bốn cái chân chậm chạp cầu cứu, sau đó lật mình lại được, rồi len lén bò đi, không hờn không dỗi. Bây giờ trở lại chùa xưa, mấy chú quy đã theo hầu sư ông bên kia cõi Phật, chỉ còn lại ngọn tháp lặng lẽ trong gió đồng bằng chở tình yêu về với hư không.

Phật giáo khởi đầu với tôi như thế, vô tư, không ràng buộc giáo điều, không mảy may suy nghĩ. Sư ông gởi cho tôi tờ phái quy y có ghi cái tên Diệu Kim lạ hoắc, tôi bật cười cất nhanh vào tủ, rồi chẳng còn biết nó lưu lạc nơi đâu. Miền quê nào chẳng vậy, quy y đến đó thì thôi, những đứa cùng tử như tôi cũng lưu lạc như mảnh giấy kia giữa chợ đời nhộn nhạo.

Nhưng may cho tôi, đưa đẩy làm sao tôi lại về công tác tại thị xã Sa Đéc, vào đúng giai đoạn Phật giáo của tỉnh Đồng Tháp đang hồi cực thịnh. Tôi bước chân đến ngôi chùa Bửu Quang của Tỉnh Hội vào đúng ngày Phật Đản, và nghe được bài pháp đầu tiên trong đời. Như có một luồng điện chạy qua người, tôi cảm nhận mình đang tắm trong một vầng ánh sáng choáng ngợp. Cái cảm giác ấy, không bao giờ trở lại nữa, sau này. Nhưng bù lại là những tháng ngày hạnh phúc khi tôi được ngồi nghe thầy giảng, được cầm quyển sách lên chiêm nghiệm từng lời Phật dạy. Tôi học với nhiều thầy, những vị giảng sư của Đồng Tháp và các tỉnh lân cận, chăm chú không dám bỏ lỡ từ bài học vỡ lòng dễ nhất. Như con kiến kiên nhẫn nhặt từng hạt tấm nhỏ nhoi, tôi tranh thủ từng giờ phút nghỉ ngơi giữa công việc bộn bề để đi học Pháp, học bao nhiêu vui bấy nhiêu, giằng co với cơm áo gạo tiền, chứ không dám nghĩ mình theo đuổi trọn vẹn. Lại càng không dám nghĩ mình sẽ có ngày làm được cái gì cho thầy, cho Phật, đền ơn đức quá lớn đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi những ngày bơ vơ, khốn khó.

Chớp mắt mà đã mười năm…
Mười năm tôi vẫn phải chạy theo cái nghiệp đời mình đã trót gieo. Nhưng mười năm ấy khác hẳn những tháng ngày trước kia, tôi như có thêm tai, thêm mắt để nhìn đời, bình tĩnh hơn trước những vô thường, nhân quả, có sức mạnh hơn để sống cùng muôn nghìn cái khổ…

Và bắt đầu ước mơ thoát khỏi vòng quẩn quanh nhỏ bé của cái tôi chấp ngã, ước mơ mình làm được điều gì đó cho những người chung quanh mình bằng một tấm lòng yêu thương chân thực.

Tôi nhớ, hồi còn ngồi ghế nhà trường, tôi đã đọc ở đâu đó một câu rằng: “Nếu không làm được trăng sao chiếu sáng cả bầu trời, thì hãy làm một ngọn đèn nhỏ đủ thắp sáng một căn phòng”. Không ngờ câu ấy lại trở về với tôi. Và tôi mỉm cười bước vào đời với hành trang là ngọn đèn nhỏ xíu trong tim. Tôi đã chọn cho mình những việc làm rất nhỏ, trong tầm tay, không ước mơ cao xa, huyễn hoặc. Một cuốn tập cho em bé học trò nghèo, một cái áo cho cụ già neo đơn, một câu an ủi cô bạn thất tình…Rất nhiều thứ nhỏ nhoi như thế, góp phần xoa dịu những nỗi buồn, góp phần giành lại niềm vui. Nhiều người nghĩ rằng họ đang bất hạnh, và không có gì để cho người khác. Nhưng tôi lại nghĩ, mình có quá nhiều hạnh phúc mà mình không biết, đừng nhìn mãi vào cái chưa có, hãy nhìn vào cái đã có, và cứ cho đi sẽ thấy mình “giàu” và hạnh phúc vô cùng. Thậm chí mình đâu đã nghèo tới nỗi thiếu một nụ cười?

Và tôi đặc biệt quan tâm đến nông thôn, vùng sâu vùng xa, nơi tôi đã từ đó ra đi. Bởi vì đất nước ta nông thôn chiếm đa số, chính mảnh đất rộng lớn ấy mới có nhiều việc cho chúng ta thực hiện. Tôi thấy mình may mắn được học hành cũng như được tiếp cận kho tàng giáo lý tuyệt vời của Đức Phật, thì mình phải càng thương những người dân quê thiếu thốn điều kiện học tập. Hiện nay, nhiều vị tăng ni trẻ khi lên thành phố học, đã không muốn trở lại vùng nông thôn để hoằng pháp. Họ nghĩ rằng người dân ở vùng biên địa cái nghiệp nặng lắm, khó học pháp lắm, như trong kinh Phật cũng đã đề cập. Nhưng tôi vốn là một nhà báo, có cơ hội đi rất nhiều địa phương, tiếp xúc với nhiều đối tượng, tôi hay quan sát đời sống, tâm lý, ước mơ, sở trường và sở đoản của người dân mỗi vùng, tôi lại tin rằng họ hoàn toàn có thể tiến bộ, không đến nỗi quá yếu kém như chúng ta vẫn thành kiến. Đành rằng ở nông thôn có những hạn chế nhất định, nhưng không phải là bó tay hoàn toàn. Nếu chúng ta thực lòng yêu thương người dân, thực lòng muốn giúp họ đến với ánh sáng Phật pháp, thì chúng ta sẽ tìm ra con đường sáng tạo, và đặc biệt, chư Phật sẽ gia hộ cho chúng ta. Tôi tin ở sự cảm ứng này. Tôi tin ở Đức Phật, một lòng thành kính hướng về Ngài, vì Ngài không bao giờ bỏ rơi những đứa con hết lòng vì cuộc sống.

Trong nỗi ưu tư cũng như trong niềm tin ấy, tôi đã mạnh dạn thử nghiệm những bước hoằng pháp đầu tiên cho nông thôn quê tôi. Quả là không phụ lòng tin cậy. Những bà con Phật tử, những em thiếu nhi, đã có nỗ lực đáng khâm phục. Họ say mê học pháp, họ trong trẻo làm theo lời Phật dạy bảo. Bản chất thuần lương của họ lại chính là ưu điểm mà người thành phố không bằng. Nhìn những em thiếu nhi thuộc làu làu những bài Tam quy, Ngũ giới, Thập thiện nghiệp, Vô thường, Nhân quả, Tứ nhiếp pháp… tôi mừng muốn rơi nước mắt. Tuổi thơ của tôi chỉ dừng lại ở tờ phái quy y, còn các em bây giờ đã vượt xa, có một kiến thức đàng hoàng để không rơi vào mê tín, để trở thành những công dân tốt trong tương lai, biết làm điều thiện, biết cống hiến cho xã hội, đem hạnh phúc cho người chung quanh. Ngoài chuyện học Phật pháp, chúng tôi còn tổ chức cho các em những trò chơi, sinh hoạt tập thể, ca hát, câu đố cây cỏ, câu đố lịch sử, địa lý v.v… làm nên không khí vui tươi, lành mạnh và sinh động ở vùng nông thôn xa xôi. Chúng ta đang giữ gìn lớp trẻ chống lại móng vuốt khủng khiếp của ma túy và các tệ nạn khác, thì Phật giáo góp một phần quan trọng. Phật tử chúng ta vừa đi tìm cái “tĩnh” trong tâm hồn, đi tìm sự giải thoát cao siêu, nhưng chúng ta cũng không xa rời cuộc sống, vẫn đồng hành với con người trên đường thoát khổ, không thờ ơ trước những bức xúc  xã hội. Chân đế là tuyệt đẹp và vĩnh hằng, nhưng Tục đế vẫn hiện diện từng ngày ta sống. Mỗi người góp một bàn tay tích cực dựng xây, thì chính mảnh đất này là Cực lạc, có đâu xa.

Và tất cả những điều nhỏ bé đó tôi xin dâng lên Đức Phật, cảm thấy chưa đủ để đền ơn đức của Ngài đã cho tôi ngọn đuốc sáng, sáng cả cuộc đời. Cũng chưa đủ để đền ơn thầy tổ đã cho tôi những giọt mưa pháp mát lành. Chợt chạnh lòng, một kiếp người, ta “nhận” biết bao nhiêu, nhận của Đức Phật, của thầy, của cha, của mẹ, của anh em, bè bạn, đồng bào, của cả nhân loại và chúng sanh… Vậy mình đã “cho” được bao nhiêu?

 

Diệu Kim