Nghĩ về Thánh Phật

Cũng vào lúc ấy, một ý tưởng nảy sinh trong tôi, rằng cái hiện tại tức thời bị giới hạn cùng cực bởi phạm vi của nó, và lờ mờ trong bụi bặm do bởi cơn lốc của những sự kiện cùng thời dấy lên. Vô số lần lịch sử đã chứng minh rằng, sự gần gũi trong thời gian che khuất tầm nhìn, khiến chúng ta không thể lãnh hội một cách trọn vẹn tính phi thường của những vĩ nhân giữa chúng ta.

Sinh thời, đã biết bao lần Đức Phật bị xúc phạm và đối đãi bất công do lòng oán thù, chống đối của những bộ óc tầm thường; đã biết bao lần người ta gieo rắc những lời vu khống sai lầm nhằm làm giảm tính vĩ đại siêu việt của Ngài!

 

Hàng trăm người thường xuyên gặp gỡ Đức Phật nhưng đã không bao giờ có thể cảm nhận được khoảng cách bao la về mặt tinh thần giữa họ và Ngài; ở những nơi công cộng, tính siêu phàm của Ngài đã bị lãng quên. Chính điều này đã không cho phép tôi thấy Ngài giữa chỗ bụi bặm và mịt mù của những sự cố đương thời.

thanhphat2.jpg

Những nhân cách vĩ đại luôn có một vị trí bất tử trong khoảnh khắc họ sinh ra, từ khoảnh khắc hiện tại trở về với quá khứ và thẳng đến tương lai. Tôi đã thấy điều này trong cái ngày ấy tại Bồ đề đạo tràng. Tôi đã thấy một ngư dân nghèo từ Nhật Bản xa xăm, vượt biển cả đại dương, đến đó để sám hối một số lỗi lầm đã tạo. Hoàng hôn chậm rãi trôi qua nơi chỗ vắng vẻ và tĩnh lặng của bóng đêm, ngư dân ấy vẫn ngồi chắp tay trong sự tập trung cao độ, lặp đi lặp lại câu: “Con xin trở về nương tựa Đức Phật”. Nhiều thế kỷ đã qua đi kể từ ngày hoàng tử Thích Ca rời bỏ cung vàng điện ngọc ra đi vào trong đêm tối, nỗ lực để chứng minh rằng con người có thể giải thoát khỏi khổ đau. Và ở đó, trong đêm đó, trước tôi là người khách hành hương Nhật Bản, trong nỗi đau đớn sâu thẳm, đang cầu nguyện và kiếm tìm một chỗ trú ẩn nơi Đức Phật. Đối với sự ăn năn khiêm tốn đó, Đức Phật đã gần gũi hơn và thật hơn bất cứ ai trên cuộc đời này có thể thấy được bằng  cảm quan; sự hiện hữu bất tử của Ngài đã chạm đến cuộc sống của người lỗi lầm nghèo khổ đang tìm kiếm giải thoát. Từ ánh sáng là nguồn cảm hứng của ngọn đuốc tinh thần tỏa ra từ Ngài, người tín đồ ấy đã nhìn thấy Đức Phật tối cao.

Nếu Thánh Phật xuất hiện trước người cùng thời của mình như một ông vua đầy uy vũ hay một vị tướng chiến thắng, hẳn là Ngài đã có thể dễ dàng gây ấn tượng đối với thời đại đó và đã gặt hái danh dự cho chính bản thân. Nhưng niềm danh dự thừa thãi như đã hiện hữu trong sinh thời của Ngài đã trôi vào trong quên lãng theo dòng thời gian. Đối tượng của Ngài có thể giật mình hoảng sợ bởi sự lộng lẫy huy hoàng của Ngài, giới bần hàn ngưỡng mộ sự giàu có, kẻ yếu đuối thán phục quyền uy, nhưng chỉ có một nhân cách có thể công nhận và tuyên bố là Con Người tối thượng đối với mọi thời đại, ấy là người nỗ lực để chứng đạt sự toàn thiện tâm linh. Đó là lý do tại sao ngày nay chúng ta thấy Thánh Phật ngồi trong đại định trên ngai vàng của trái tim nhân loại, một sự biểu hiện huy hoàng trong quá khứ xa xăm vượt qua biên giới thời đại của Ngài và tiếp tục siêu việt hiện tại. Ngài chính là nơi mà con người, do bị cấu xé bởi khát vọng và ý thức một cách đau đớn về những khuyết điểm của mình, vẫn thường đến và nói rằng: “Con xin nương tựa nơi Đức Phật”. Bằng việc lãnh hội sâu sắc trong tinh thần con người qua sự hiện hữu của Ngài xuyên suốt mọi thời đại mà chúng ta nhận ra được sự biểu hiện chân thật nhất về Ngài.

Những con người bình thường như chúng ta tự bày tỏ mối liên hệ của mình với người khác: Chúng ta được nhận biết bởi giai cấp, nòi giống và tập thể mà chúng ta thuộc về. Rất ít người sanh ra trên trái đất này tự sáng chói, không vay mượn người khác, là những con người có giá trị được biểu lộ một cách trọn vẹn trong ánh sáng chân thật của riêng họ. Chúng ta thấy sự biểu hiện từng đặc tính của Con Người trong những nhân vật nổi tiếng hoặc vì trí tuệ, hiểu biết, đức tính anh hùng hay nghệ thuật lãnh đạo đất nước của họ; những người thống trị kẻ khác bằng ước muốn riêng, nặn đúc lịch sử theo mẫu thức từ dục vọng của riêng mình. Nhưng sự biểu hiện trọn vẹn của Con Người chỉ thấy được ở một mình Đức Phật, một nhân cách tiêu biểu cho con người của mọi thời đại, mọi lãnh thổ; ý thức của con người này không hề bị vỡ vụn bởi những bức tường thành tập quán về thời đại hay quốc gia.
Người tự hiển lộ trong chân lý, cái chân lý nói theo ngôn ngữ của Upanishad (Áo Nghĩa Thư): "Một mình người biết sự thật, người biết tất cả chúng sinh như biết về mình. Người là nhân cách toàn vẹn, hiểu biết sự thật, và người tự chiếu sáng mình trong vẻ huy hoàng về nhân tính của riêng mình”. Theo Upanishad: "Ai tự thấy mình trong tất cả và tất cả trong mình không bao giờ có thể còn bị che khuất”.

Ngài vẫn hiển hiện trong mọi thời gian, nhưng sự hiển hiện này lại lờ mờ trong đại đa số con người ngày nay. Chúng ta có thể bắt gặp những thoáng hiện về chân lý trong một số người, nhưng đa phần còn bị che khuất đằng sau tầm nhìn. Khi trái đất lần đầu được tạo ra, toàn bộ địa cầu bị bao bọc trong hơi nước dày đặc; chỉ có những chóp núi cao nhất nổi lên trên lớp che phủ của hơi nước, có thể thấy được trong ánh sáng rõ ràng. Cũng vậy, với ý thức lờ mờ, hầu hết nhân loại ngày nay đang bị bủa vây trong niềm kiêu hãnh và quyền lợi riêng của mình; cái chân lý nơi mà tinh thần được tự do vận hành vẫn chưa được phát triển trong họ.
Những sáng tạo của con người vẫn còn chưa hoàn hảo; vì làm thế nào chúng ta có thể nhận ra được sự thật trong con người đằng sau bức màn dày đặc này của bất toàn nếu như chân lý ấy không đột nhiên hiển lộ trong một con người siêu việt và tự chói sáng nào đó? Thật quá may mắn cho loài người, vì cái chân ngã ấy đã được thắp sáng nơi Thánh Phật, đã biểu hiện như một nhân cách được tất cả nhân loại chấp nhận bằng trái tim của mình. Vậy thì cái gì có thể ngăn che Ngài đằng sau cái nhìn - những bức tường hạn hẹp gì của thời gian, không gian hay sự khao khát đối với việc hoàn thành những mục tiêu tầm thường trước mắt?

Vào lúc kết thúc việc tu tập khổ hạnh của mình, Thánh Phật đã vươn dậy và tự hiển lộ mình với thế giới. Trong vẻ huy hoàng của sự hiển lộ đó, một Ấn Độ chân chính đã hiển bày. Nguồn sáng này lan tỏa, vượt lên trên biên giới địa lý của Ấn Độ, làm cho sự giáng lâm của Ngài trở nên bất diệt trong lịch sử loài người. Ấn Độ trở thành mảnh đất của khách hành hương, nghĩa là con người từ những quốc gia khác đã hội tụ về đây bằng mối quan hệ họ hàng, vì xuyên qua những lời dạy của Đức Phật, Ấn Độ đã chấp nhận mọi người như là thân quyến. Ấn Độ không lãng quên ai, do vậy không ai không thừa nhận Ấn Độ. Những bức rào về chủng tộc, quốc gia bị quét sạch bởi cơn thủy triều chân lý, và bức thông điệp của Ấn Độ đã đến với con người của mọi chủng tộc ở khắp nơi. Đáp ứng cho lời mời gọi này, vô số người đã đến từ Trung Hoa, Miến Điện, Nhật Bản, Tây Tạng và Mông Cổ; những chướng ngăn của biển cả, núi rừng đã nhường bước trước tiếng gọi không thể cản ngăn được này. Từ những vùng đất xa xôi, con người đã tuyên bố sự xuất hiện của Siêu Nhân; họ nói rằng họ đã thấy Siêu Nhân sáng chói như mặt trời, xé toạt bức màn tăm tối. Họ đã truyền cho lời công bố này một sự thể hiện bất diệt qua hàng ngàn hình tượng bằng đá ở đồng bằng và sa mạc. Bằng sự lao động không ngừng, họ bày tỏ niềm tôn kính của mình trong hình ảnh, tranh tượng và tháp miếu. Dường như họ muốn nói rằng sự tôn thờ của mình về một con người vượt quá tầm với thông thường của thế nhân hẳn phải được bày tỏ bằng cách thành tựu một điều gì đó mà hầu như khó có thể. Được kích thích bằng một nguồn cảm hứng kỳ diệu, trong bóng đêm thăm thẳm, họ vẽ tranh ảnh trên tường vách của các hang động, khuân vác những tảng đá khổng lồ lên trên chóp đỉnh của những ngọn núi để xây dựng chùa chiền. Kỹ năng của họ đã xuyên vượt đại dương và đã làm sản sinh ra những tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời ở những vùng đất xa xôi. Nhưng các nghệ nhân ấy không muốn công bố tên tuổi mà chỉ muốn truyền thụ cho con cháu hậu thế cái phép mầu đã truyền cảm hứng cho họ: “Nơi Đức Phật con xin về nương tựa”. Tại Borobudur ở Java, tôi đã thấy những câu chuyện về lễ Thánh đản của Đức Phật được khắc chạm trên hàng trăm hình tượng xung quanh ngôi tháp, mỗi mẫu hoàn hảo là một nghệ thuật của từng nghệ nhân, được khắc chạm bằng cả tấm lòng và nỗi đau bất tận. Đây là một ví dụ tức thời về sự đào luyện nghệ thuật và thực hành khổ hạnh - sự nhất tâm kiêng cử tất cả mọi dục vọng đối với kết quả của công việc, đối với tên tuổi và tiếng tăm, và chỉ nhắm đến việc dâng hiến tất cả sự tốt đẹp nhất trong con người để ca ngợi Ngài, một con người xứng đáng được tôn thờ và tưởng nhớ đối với mọi thời gian. Nhân loại đã kinh qua những đớn đau và thử thách lớn lao để hoàn thành những gì đáng dâng hiến lên Đức Phật. Họ bảo rằng chỉ bằng sự sáng tạo siêu việt của những thiên tài hào phóng, nói bằng loại ngôn ngữ của nhân loại mang tính toàn cầu họ mới có thể thực sự tuyên bố rằng Đức Phật đã đến vì con người của mọi thời đại. Đó là những gì mà người ta tự hỏi về mình rằng sự tự biểu lộ của họ cần phải ngang qua công việc gian khổ, trường kỳ, những công việc có thể biểu thị được sự chiến thắng và niềm thanh thoát của tâm hồn. Như vậy chúng ta đã thấy trong những ngày tháng xa xưa của quá khứ, việc thờ phụng Đức Phật được thiết lập trong tất cả sự mãnh liệt của nó xuyên suốt lục địa phía đông to lớn này rồi lan tỏa khắp mọi ngõ ngách hẻo lánh, những nơi không có lối vào; vầng hào quang của Ngài đã hiện ra trong các đồng bằng xa vắng, những hang động đơn độc và đến tận những đỉnh núi cao ngút ngàn. Một sự cúng dường cao quý hơn nữa được đặt dưới chân Ngài khi Đại đế A Dục công khai thú nhận những lỗi lầm của tự thân trong những dòng chữ được khắc chạm trên đá, công bố niềm tự hào về tôn giáo yêu thương và bất bạo động, để lại trên những trụ đá của đức vua một biểu tượng vĩnh cửu của sự kính cẩn vô biên đối với đấng Pháp vương. Thử hỏi đã từng có một vị vua nào như Hoàng đế A Dục trên cuộc đời này chưa nhỉ?
Bậc đạo sư mà nhân loại đã từng hàm ơn đức linh cảm và tính cao thượng lại trở nên cần thiết đối với con người thời nay, thậm chí còn tha thiết hơn thời đại của Ngài. Sự ngu đần thảm khốc của việc phân biệt chủng tộc, đẳng cấp và những bức rào sắc da độc hại phô bày như là tôn giáo đã nhuộm bẩn trái đất này với máu; hận thù lẫn nhau, chết chóc nhiều hơn bạo động đang lăng nhục con người ở mọi ngõ ngách. Ngày nay, trong vùng đất bị nhiễm độc bởi dã tâm giết chóc đồng loại, chúng ta khao khát một lời nói từ Ngài, Người đã công bố sự yêu thương từ mẫn như là con đường hướng đến giải thoát cho tất cả chúng sanh. Cầu sao con người tuyệt thế này lại xuất hiện trong cuộc đời để cứu vớt những điều tốt đẹp trong con người khỏi sự diệt vong. Đức Phật không bao giờ tước đoạt món quà to lớn nhất mà con người có thể hiến tặng cho kẻ khác - đó là sự kính trọng. Công việc từ thiện - điều mà Ngài gọi là một đức hạnh - không cốt ở việc bố thí từ những nơi an ổn, tránh tiếp xúc với người nhận. Bố thí chân chính là dâng hiến chính mình. Người ta đã nói rằng muốn cho bất cứ cái gì thì phải cho với cả thiện ý: tính ưu việt của lòng mộ đạo hay sự kiêu hãnh giàu có. Đó là lý do tại sao tập Upanishad (Áo Nghĩa Thư) nói rằng: Cho với sự sợ hãi (Bhiya deyam). Rằng tôn giáo đang bị than oán bởi sự thực hành về nó khiến chúng ta có thể mất đi sự kính trọng đối với người khác. Vào những thời đại sau của Ấn Độ, việc thực hành tôn giáo diễn tiến song hành với những tư tưởng gieo rắc niềm bất kính đối với con người khắp cả mọi chiều hướng. Nguy hiểm của vấn đề này không chỉ ở phương diện tinh thần mà còn là sự thật của việc kinh nghiệm trực tiếp, chứng tỏ rằng đây là trở lực lớn nhất trong con đường độc lập chính trị. Thử hỏi chính trị có thể giải quyết vấn đề này bằng những phương tiện có nguồn gốc từ bên ngoài hay không? Thánh Phật đã từ bỏ địa vị cao quý và giàu sang để nỗ lực kiếm tìm sự giải thoát cho con người khỏi sầu khổ và đau đớn. Ngài đã không phân biệt con người trên nền tảng giai cấp, không một ai mà Đức Phật khinh thị là người mọi rợ hay không cao quý. Đức Phật đã từ bỏ mọi thứ của Ngài, thậm chí vì một người thấp kém và ngu dốt nhất của loài người; giáo lý thiền định của Ngài được truyền cảm hứng bằng tình yêu đối với con người khắp mọi nơi không một chút phân biệt. Có phải ngày nay vầng hào quang của bức thông điệp ấy đã biến mất khỏi Ấn Độ rồi chăng?

Bằng cách điềm nhiên tọa thị, loại tội lỗi gì chúng ta đã thừa kế trong việc gây ra những rào cản giữa con người và con người? Chúng ta đã có một kho tàng sung mãn, nhưng có gì còn sót lại từ kho tàng ấy không? Đó không phải là những cuộc tấn công từ bên ngoài, đập phá nhà cửa, san bằng tường vách vườn tược ư? Nhưng hãy còn nữa, giam mình trong bốn bức thành, chúng ta ngày nay đang xây dựng thành lũy để giữ gìn cái mơ ước vì tình họ hàng đối với con người, chúng ta bố trí thị vệ tại các cổng chính vào chùa tháp để làm giới hạn ngay cả quyền thờ phụng của người dân. Chúng ta không thể tiết kiệm sự giàu có, thứ bị làm giảm thiểu bằng việc biếu tặng và tiêu xài; trong cái hộp chủ nghĩa bè phái, chúng ta đã khóa chặt sự sung mãn của tình thương, thứ mà càng cho thì càng tăng trưởng. Cái kho đạo đức công bằng của chúng ta đã trở nên không thể phân biệt với những thứ mang tính chất trần tục. Ấn Độ, cái xứ sở mà một thời được xem là biểu mẫu sáng chói về nhân tính bởi sự kính trọng mọi người, ngày nay đã giới hạn cùng cực cái lý tưởng đó: bởi sự bất kính con người, Ấn Độ đã tự khiến mình trở nên không xứng đáng đối với sự kính trọng của kẻ khác. Con người đã trở thành kẻ thù tồi tệ nhất của con người do vì hắn tách khỏi sự thật, và rồi nhân tính của hắn trở nên mờ mịt. Đó là lý do tại sao chúng ta thấy con người khắp hành tinh này nghi kỵ, sợ hãi và thù oán lẫn nhau; và đó là lý do tại sao nói đây đúng là thời điểm đã đến để khẩn cầu Con Người Tối Thượng trong những từ ngữ này: “Hãy tự biểu lộ nhân tính của mình để cho Người có thể tự hiển thị”.
Thánh Phật đã nói: Chiến thắng hận thù bằng từ bi, nhưng thế giới chỉ nhìn thấy sự chấm dứt chiến tranh khủng khiếp chỉ bằng loại chiến thắng khác. Chiến thắng để đưa đến niềm tôn vinh cho một nhóm người của phe tham chiến là chiến thắng của sức mạnh vũ lực. Nhưng cậy vào sức mạnh bạo tàn thì không phải là nguồn sức mạnh tối cao của con người, vì sự chiến thắng đó đã chứng tỏ không có lợi và chỉ gieo mầm mống về một mối chia rẽ mới. Sức mạnh của con người nằm ở lòng từ bi. Sự bạo tàn chưa tàn rụi trong con người không cho phép họ nhận ra sự thật này, sự thật mà bậc đạo sư đã tỏ lòng kính lễ khi dạy rằng tất cả hận thù, cho dù là của mình hay của người, đều phải được chiến thắng bằng lòng không hận. Trừ phi con người tuân theo huấn thị này thì cuộc sống của họ mới không nối kết với sự thất bại. Chiến thắng bằng thù hận và trả thù bằng những phương tiện sức mạnh bạo tàn không mang lại hòa bình, chỉ có từ bi mới đem lại an bình. Chừng nào con người không thừa nhận điều này trong đời sống chính trị và xã hội của mình, chừng ấy nguy hại và lo lắng còn tiếp tục. Ngọn lửa mâu thuẫn giữa các tiểu bang sẽ không bao giờ bị tiêu diệt, sự tàn nhẫn hung ác và những đe dọa khắc nghiệt của những trại tập trung quân lính sẽ khiến cho cuộc sống càng ngày càng gia tăng tính không thể khoan dung - sẽ không bao giờ có sự chấm dứt đối với nỗi đau đớn và thống khổ này.

Do vậy, đã đúng lúc để nhớ đến Đức Phật, một người đã nỗ lực để cản ngăn con người khỏi sự điên rồ về niềm hy vọng tạo thành công bằng bạo động, và kêu gọi nhân loại hãy chinh phục hận thù bằng tình thương. Chính vào lúc này, khi mà con người khắp thế giới đang bị lăng nhục, đúng là lúc chúng ta nên nói rằng chúng con xin trở về nương tựa Đức Phật (Buddham saranam gacchami). Đức Phật sẽ là chỗ trú ẩn của chúng ta, vì Ngài là người đã biểu hiện lý tưởng của Con Người trong chính mình, người đã nói về sự giải thoát, thứ giải thoát không phải là một thực tại tiêu cực mà là một thực tại tích cực - cái giải thoát vốn không phải đến từ những công việc yếm thế, chán chường mà đến từ sự tu tập của sự tự bố thí ngang qua hành động đúng đắn (Chánh nghiệp); và thứ giải thoát không đơn thuần ở chỗ loại bỏ sân hận và dã tâm mà còn ở chỗ nuôi dưỡng một lòng từ vô lượng và một ước muốn tốt đẹp hướng đến tất cả chúng sanh. Bị lóa mắt bởi những động lực tư lợi, bởi sự bạo tàn và bởi lòng tham không bao giờ thỏa mãn, trong những ngày này chúng ta tìm về nương tựa nơi Đức Phật, người đã đến thế giới này để hiển lộ trong chính nhân cách của riêng mình cái chân ngã của Con Người Toàn Năng.

 

RABINDRANATH TAGORE - HƯƠNG VÂN dịch