Các tu sinh theo pháp môn Làng Mai bị buộc rời chùa Phước Huệ

Hàng trăm tu sinh theo pháp môn Làng Mai của Thiền sư Thích Nhất Hạnh bị buộc rời khỏi chùa Phước Huệ, Lâm Đồng trước cuối tháng 12. Đây là lần thứ hai các tăng sinh này bị trục xuất kể từ cuối tháng 9 tới nay. Trà Mi liên lạc các bên liên quan để tìm hiểu vụ việc.

Chua Phuoc Hue
Chùa Phước Huệ ở Lâm Đồng
Sáng thứ sáu ngày 11/12, trụ trì chùa Phước Huệ, Thượng tọa Thích Thái Thuận, đã ký vào biên bản cam kết với chính quyền sẽ yêu cầu các tu sinh Làng Mai rời khỏi chùa trước thời hạn chót là cuối tháng này. Kể từ hôm thứ tư, xuất hiện một đám đông khoảng 100 người hằng ngày tụ tập la ó trước cổng chùa, ngăn cản cuộc gặp giữa phái đoàn giới chức Châu Âu với Thượng tọa Thích Thái Thuận, đồng thời đòi vị trụ trì phải trục xuất gần 200 tăng sinh đang tá túc nơi đây.

Trong cuộc trao đổi với chúng tôi vào tối ngày 11/12, Thượng tọa Thích Thái Thuận cho biết thêm chi tiết:

“Theo văn bản 1185 (của Ban Tôn giáo Chính phủ) và công văn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam số 553, chính quyền không cho nhóm người này ở nữa, có những cái buộc mình phải dứt khoát (bắt họ) đi.”

VOA: Thưa Thượng tọa, xin được hỏi thăm nội dung chi tiết của các văn bản mà ông vừa nói?

Thượng tọa Thích Thái Thuận: Trong các văn bản đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam chỉ đạo các tỉnh tạo điều kiện cho các vị này trở về các đơn vị của các tỉnh, theo tinh thần của văn bản của Ban Tôn giáo Chính phủ 1185. Cho nên chính quyền địa phương họ bắt tôi phải thực hiện cho đúng.

VOA: Theo tinh thần của văn bản này, cho tới cuối tháng này, Thượng tọa sẽ không nhận bảo lãnh cho các tu sinh theo Thiền sư Thích Nhất Hạnh nữa, phải không ạ?

Thượng tọa Thích Thái Thuận: Dạ vâng.

VOA: Đại diện chính quyền địa phương gồm những ai tiếp xúc với Thượng tọa và yêu cầu của họ như thế nào?

Thượng tọa Thích Thái Thuận: Chính quyền thị xã Bảo Lộc. Trong cuộc tiếp xúc này, họ yêu cầu cụ thể tôi phải đọc văn bản đó lên cho tăng thân họ biết và đồng thời tác động họ đi về càng sớm càng tốt. Sự việc này xảy ra như vậy không phải chỉ mới hôm nay, mà họ đã họp và đề cập với tôi về việc này trước đây cả một tuần. Sáng nay chỉ tiêáp tục để ký mà thôi, vào 9 giờ sáng ngày 11/12.

VOA: Hôm thứ tư vừa qua có một phái đoàn Châu Âu đến tiếp xúc làm việc với Thượng tọa ở chùa Phước Huệ. Khi sự việc xảy ra đã có một đám đông hơn 100 người tới..

Thượng tọa Thích Thái Thuận: Dạ vâng, tại họ đã áp lực trước đó rồi ngày hôm nay tôi mới ký. Họ đến suốt 3 ngày như vậy.

VOA: Việc đám đông cả trăm người đến quấy nhiễu chùa như vậy, Thượng tòa có nhờ chính quyền địa phương can thiệp như thế nào không?

Thượng tọa Thích Thái Thuận: Tôi gọi công an, tôi nhờ địa phương nhưng họ không đến.

VOA: Thượng tọa có xác định được đám đông đó thuộc những thành phần nào không?

Thượng tọa Thích Thái Thuận: Tôi xin xác định cụ thể đây không phải là Phật tử, mà trong đó công an cũng có, các vị nhân viên chính quyền cũng có, và phần nhiều là những người lạ mặt.

VOA: Khi làm việc với địa phương ký bản cam kết hôm nay, Thượng tọa có nêu lên điều đó không?

Thượng tọa Thích Thái Thuận: Tôi cũng có nêu lên tất cả những sự việc đó.

VOA: Và họ hồi đáp như thế nào?

Thượng tọa Thích Thái Thuận: Họ nói đây là những người Phật tử, do bức xúc mà kéo đến. Họ nói họ không thể can được.

VOA: Trước những gì đang diễn ra, cảm nghĩ của Thượng tọa như thế nào?

Thượng tọa Thích Thái Thuận: Tôi thấy đây cũng là một việc bức xúc cho chính chúng tôi và các tăng ni Phật tử nói chung bởi vì làm như thế này không phải là tinh thần văn hóa của Việt Nam nữa, nó có vẻ bạo động quá, bạo động một cách mà tôi không biết dùng từ gì hơn để tả nữa.

Sau quyết định của thầy trụ trì chùa Phước Huệ, 192 tu sinh Làng Mai đang tá túc tại đây kể từ khi bị trục xuất khỏi Tu viện Bát Nhã sẽ đi về đâu? Chúng tôi hỏi thăm một sư cô trong số này. Cô cho biết:

Phuoc Hue temple
“Giờ thật ra, quý thầy, quý sư cô ai cũng buồn hết. Mình không có hướng đi nào, mình chưa biết đi về đâu. Trong thời gian tá túc ở đây, mình cũng hy vọng sẽ được giải quyết một chỗ ở mới ổn thỏa. Nhưng cho tới bây giờ không được giải quyết gì hết mà còn phải rời khỏi nơi đây. Chắc chắn về địa phương thì tụi em không thể sống được rồi bởi vì rất là khó, không phải địa phương nào cũng thực tập theo pháp môn mà quý thầy, quý sư cô ở đây đang thực tập. Pháp môn Làng Mai rất ít chùa thực tập. Nếu mình về chùa đó mà không thực tập theo chùa đó thì chắc chắn sẽ gây nhiều bất tiện, mà chỉ thực tập theo mình thì chắc chắn là không được. Thật sự tụi em thực tập chỉ muốn sống tốt và giúp ích cho xã hội. Trước đây khi ở Bát Nhã, Phật tử đến chùa thực tập rất đông. Vấn đề là pháp môn Làng Mai thu phục được rất nhiều giới trẻ. Vì sao người ta không muốn mình tiếp tục thì cái đó là vấn đề tế nhị mà rất khó nói.”

Để ghi nhận ý kiến của chính quyền về phản ảnh của giới tu sinh, tăng sĩ, chúng tôi liên lạc với ông Dương Kim Viên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, một trong những giới chức làm việc trực tiếp với Thượng tọa Thích Thái Thuận liên quan vụ việc.

Ông Viên, Phó Chủ tịch, khẳng định:

“Họ phản ánh thế là không đúng đâu. Chính quyền địa phương không trù định việc đó, không xác nhận việc đó chị à.”

VOA: Thế nhưng vụ việc này đã xảy ra, ông giải thích như thế nào, thưa ông?

Ông Viên, Phó Chủ tịch: Việc đó là do thầy Thích Thái Thuận thầy tự nguyện nhận thức điều đó, và thầy phải tự viết ra cái [bản cam kết] đó.

VOA: Dạ, nhưng theo chỗ chúng tôi ghi nhận được từ thầy thì thầy cùng các tu sinh nói rằng có một áp lực của một đám đông hơn 100 người và rằng chính quyền địa phương tạo áp lực, buộc thầy phải ký vào biên bản đó, thưa ông?

Ông Viên, Phó Chủ tịch: Không bây giờ thế này, chị có thể gọi lại cho thầy trụ trì chùa Phước Huệ xem. Việc đó ai áp lực đâu mà chính thầy nhận thức được vấn đề đó, và chính thầy tự giác điều đó. Chứ ở đây chính quyền chẳng ai bắt buộc gì cả. Chính quyền ở đây là… việc bình thường thôi, bởi vì tôn giáo là vấn đề của bà con nhân dân. Và tất cả mọi người đều thực hiện theo các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước và theo thông lệ quốc tế.

VOA: Thưa ông vì sao có việc buộc những người này phải rời khỏi chùa Phước Huệ?

Ông Viên, Phó Chủ tịch: Ban Trị sự Tôn giáo Trung ương Giáo Hội Phật giáo Việt Nam có văn bản. Chị có thể gọi họ sẽ giải thích cho chị. Tôi đang có một số việc nữa, chị thông cảm cho tôi nhá.

Tiếp tục tìm hiểu nguyên do của những áp lực trục xuất các tăng sinh Làng Mai ra khỏi nơi tu tập và cả nơi tá túc, chúng tôi liên hệ với ông Nguyễn Thanh Tịnh, Trưởng phòng Nội vụ thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, cũng là một trong những giới chức hữu trách làm việc trực tiếp với thầy trụ trì chùa Phước Huệ.

Ông Tịnh, Trưởng phòng Nội vụ: Alô?

VOA: Thưa đây có phải ông Tịnh không ạ?

Ông Tịnh, Trưởng phòng Nội vụ: Mà hỏi làm cái gì?

VOA: Chúng tôi xin được hỏi thăm vụ việc ở chùa Phước Huệ, thưa ông?

Ông Tịnh, Trưởng phòng Nội vụ: Muốn hỏi vụ chùa Phước Huệ thì gọi hỏi trên Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đó. Họ sẽ trả lời cho cô biết. Khi nào cô có giấy giới thiệu thì xuống đây làm việc với tôi.

VOA: Chúng tôi muốn tìm hiểu nội dung văn bản liên quan vụ việc ở chùa Phước Huệ. Chúng tôi vừa thưa chuyện với Ủy ban. Xin ông cho biết...

Ông Tịnh, Trưởng phòng Nội vụ: Cô muốn làm việc với tôi thì mai có giấy giới thiệu của Ủy ban Nhân dân tỉnh, thì xuống làm việc với tôi.

VOA: Vì chúng tôi ở xa…

Ông Tịnh, Trưởng phòng Nội vụ: Xa thì thôi.

Từ chối trả lời câu hỏi của chúng tôi, người đứng đầu Phòng Nội vụ thị xã Bảo Lộc đã cúp ngang cuộc điện đàm.

Sau khi bị trục xuất bằng võ lực ra khỏi Tu viện Bát Nhã cách đây hơn 2 tháng, 192 người trong nhóm gần 400 tu sinh Làng Mai đã đến tá túc ở chùa Phước Huệ. Số còn lại có người về địa phương, có nhóm kéo nhau ra Huế.

Cuối tháng trước, Liên hiệp Châu Âu ra Nghị quyết về Nhân quyền Việt Nam, kêu gọi chính phủ Hà Nội tuân thủ các quy ước quốc tế về tự do tôn giáo, trong đó có đề cập đến vụ việc ở Tu viện Bát Nhã. Việt Nam ngay lập tức lên án Nghị quyết này, nói rằng đó là một văn kiện xuyên tạc sự thật.

Trong một chương trình sau, chúng tôi sẽ gửi đến quý vị cuộc phỏng vấn đại biểu Quốc hội Châu Âu, ông Marc Tarabella, nguyên Chủ tịch và hiện là thành viên Phái đoàn của Quốc hội EU đặc trách liên hệ với các nước Đông Nam Á liên quan đề tài này.

Theo: voanews.com