Lưới trời lồng lộng...

Khất thực đúng pháp vốn không nhận tiền bạc, chỉ nhận vật thực vừa đủ cho một bữa ăn. Do đó, những ai khất thực mà nhận tiền bạc là phi pháp. Những người đi khất thực phải mặc áo vàng, đầu trần, chân đất, đi với phong thái rất khoan thai điềm tĩnh, thong thả. Người đi khất thực nhằm hướng thẳng mà đi, không nhìn nghiêng ngó hay quay đầu lại. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để nhận diện “sư giả”, vì họ rất chú trọng đến việc xin tiền bạc hơn là xin đồ ăn uống. Thời gian khất thực đúng pháp là trong buổi sáng và chấm dứt trước 12 giờ trưa. Những ai khất thực kéo dài sau 12 giờ trưa đến chiều tối đều phi pháp, là “sư giả”.
Dù đội lốt là các tăng ni, làm việc “từ thiện” dưới bất kỳ hình thức tinh vi nào, những “sư giả” cuối cùng cũng bị lộ nguyên hình là các đối tượng lừa đảo. Nhiều người trở về trong sự giàu sang, nhưng cũng có không ít người kết thúc “sự nghiệp” trong chốn lao tù. 
Lưới trời lồng lộng...

Nguyễn Văn C - người đóng giả sư tại Cơ quan CSĐT quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Q.Đ

Nhờ sự cảnh giác cao độ của nhân dân nên các “sư giả” liên tục phải đối diện với pháp luật. Những người dân tại Phường Cửa Nam, thành phố Vinh, Nghệ An vẫn còn nhớ hình ảnh cuối tháng 7/2007 có 2 “sư cô” chuyên lởn vởn tại nội thành Vinh. Đi tới đâu, 2 “sư cô” này cũng sử dụng chiêu bài bán nhang lấy tiền cúng tiến cho “nhà chùa”. Dưới vỏ bọc ấy, 2 “sư cô” đã khiến nhiều người dân hướng tâm thiện đã dính lừa. Đến khi Công an phường Cửa Nam tiến hành “mời” 2 “sư cô” về trụ sở...mua nhang thì mặt họ tái nhợt. Tại đây, 2 đối tượng lộ nguyên hình những kẻ giả sư gồm: Võ Thị L.(SN 1977) và Phạm Thị H. (SN 1971), cùng trú tại xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ, Nghệ An. Các “sư cô” thành khẩn: Do thấy nhiều người trong xã đi làm ăn hiệu quả nên cũng rủ nhau bỏ ruộng hành nghề.

Cũng là người dân ở xã Nghĩa Đồng (huyện Tân Kỳ) tìm kế mưu sinh bằng nghề “giả sư”, Nguyễn Văn T. (SN 1965) lại hoạt động rất táo bạo và liều lĩnh. Trước đó, T bỏ quê vào huyện Long Khánh (Đồng Nai) tìm việc. Tình cờ gặp một người mang dáng vẻ thầy tu, độ tuổi chừng 47 - 48. T. xin về “đầu quân” cho thầy tu mới gặp. Trên thực tế, dù chưa kịp “tu” ngày nào nhưng T. có cả tay nải, “giấy giới thiệu lưu hành” của chùa Bửu Long do hòa thượng Thích Thông Bửu(?!) ký; Giấy chứng nhận hội viên mang tên Nguyễn Văn Hùng, pháp danh: Minh Ngọc - Phó Ban hội từ thiện quỹ tình thương chùa Bửu Long... Tất cả đồ nghề này, “sư phụ” bán cho “đệ tử” Tứ với giá 150.000đ!

Nguyễn Văn T. khăn gói bắt đầu chuyến quyên góp, bán nhang dạo từ Long Khánh đến ngã ba Dầu Giây. Mặc dù số tiền thu được đã hơn “vốn đầu tư” ban đầu, y cùng một “đồng môn” tìm đến Cửa hàng điêu khắc mỹ thuật Võ Xuân (số 16 đường Phi Long, quận Tân Bình) xin tờ hóa đơn ghi giá mua tượng Phật bằng gỗ 10 triệu đồng. Sau đó bọn chúng mang hóa đơn đến các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, nói là vừa mua tượng Phật cho chùa Bửu Long để xin tiền quyền góp. Các hộ gia đình nhẹ dạ đã đưa tiền, không mảy may nghi ngờ. Thậm chí còn nhiều hộ khác mở rộng lòng từ bi ủng hộ số tiền lớn.  Hành vi lừa đảo bằng chiêu “quyên góp tiền để xây chùa, nuôi 65 trẻ mồ côi, khuyết tật” tại phường Tân Phong (Biên Hòa, Đồng Nai) cuối cùng cũng bị lật tẩy. Đang hành nghề, thấy công an xuất hiện, hai gã giả danh thầy tu đã bỏ chạy. Nhưng sau đó, Nguyễn Văn T. bị bắt cùng các tang vật, gồm lịch, nhang và sổ ghi tiền quyên góp.

Đa số những đối tượng giả sư, ngoài hành nghề khất thực, quyên góp còn sử dụng nhiều chiêu khác để “moi” tiền của người dân. Hình thức này, sớm hay muộn cũng đều bị vạch trần. Như vụ ngày 17/12/2008, Bình Khánh, TP Long Xuyên, An Giang đã bắt được 2 đối tượng giả  ni cô. Hai đối tượng khai tên Nguyễn Thị Th. (SN 1978) và Dương Thị H. (SN 1982), cùng ngụ xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An. Do không có việc làm, cả hai rủ nhau vào   tìm việc, được một đối tượng (không rõ tên) gạ gẫm, nhận làm giấy   lưu hành giả của Tỉnh hội Phật giáo tỉnh An Giang cùng 2 bộ đồ ni cô... với giá 400.000 đồng để “làm ăn”. Sau đó, Th và H được đối tượng này  về tỉnh An Giang “hoạt động” với danh nghĩa ni cô của chùa Long Hòa, thị trấn Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, An Giang để vận động bà con địa phương đóng góp trùng tu chánh điện chùa và hỗ trợ nuôi một số trẻ mồ côi tại chùa.

Nhóm đối tượng giả làm người tu hành, thực hiện trót lọt hàng chục vụ trộm ở đình, chùa, đền, miếu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bị công an bắt giữ năm 2008.


Hay như “sư thầy” Nguyễn Văn C. 28 tuổi, nghề nghiệp làm ruộng, quê ở thôn Vũ Dương, Bồng Lai, Quế Võ, Bắc Ninh, đã bị   Công an phường Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội bắt giữ năm 2008. Nguyễn Văn C. khai  do quen biết một ngôi chùa phía Nam, được nhà chùa giao việc bán nhang giúp, lợi dụng   bán nhang, đối tượng đã đội lốt người tu hành, lấy tên là thầy Hùng ở chùa Hàm Long, đi khất thực. Nguyễn Văn C. đã nhiều lần mặc quần áo nhà tu đi khất thực khắp các ngõ ngách ở Hà Nội. Y gõ cửa từng nhà, đứng xin tiền cho tới khi gia chủ cho mới chịu đi. Riêng buổi sáng ngày 21/7/2008, đối tượng đã đi gõ cửa hầu hết các gia đình, cửa hàng trên nhiều phố cổ trước khi bị   bắt quả tang tại phố Lê Lai.

Nhận diện “sư giả”

Một sư giả đang chờ xe trên đường Nguyễn Tri Phương, TP HCM. Ảnh: Báo NLĐ


Hiện nay, “sư giả” không chỉ hoạt động ở lĩnh vực khất thực mà còn lộng hành hơn trong các lĩnh vực khác như quyên góp, vận động (xây chùa, nuôi trẻ mồ côi, cứu trợ bão lụt...) và bán hương với giá cực đắt (với lời biện hộ là để ủng hộ chùa). Đa phần, các “sư giả” chuyên quyên góp và bán hương đèn này lại mặc y phục chư Tăng Ni hệ phái Bắc tông. Họ sục sạo khắp các hang cùng ngõ hẻm từ thành thị cho đến nông thôn, bấm chuông kêu cửa xông vào tận nhà, chào mời mua bán, gây phiền phức cho không ít người...

Tại các thành phố lớn như Hà Nội, tình trạng giả danh nhà sư đi quyên góp tiền bạc không phổ biến, nhưng rải rác xuất hiện một số người mặc áo nhà sư đến vận động quyên góp để xây dựng chùa. Một số người còn trình cả giấy chứng nhận của nhà chùa để làm tin cho mọi người. Tuy nhiên, khi xem kỹ giấy chứng nhận và con dấu, không cần tinh ý cũng dễ dàng phát hiện là giả danh nhà sư.  Số “nhà sư” này hầu hết nhìn bộ dạng đều khả nghi. Họ không mặc áo nhà sư theo phái khất thực, đi đứng “hiên ngang”, ăn nói giọng rất “chợ búa”. Người dân dễ dàng bắt gặp hình ảnh những “nhà sư” ngồi quán cà phê, hút thuốc lá phì phèo công khai giữa bàn dân thiên hạ. Theo Điều luật của Phật giáo, việc làm trên không cấm nhưng với nhà sư, việc hút thuốc và uống cà phê chỉ nên thực hiện ở chùa.

Trong một lần trả lời báo chí, Hòa thượng Thích Thiện Tánh, Phó Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP HCM khẳng định, sau năm 1975 việc khất thực của nhà sư gần như không còn, cũng không được cấp phép. Những người mặc áo nâu sòng đi ngoài đường để xin tiền hiện nay đều là “sư giả”. Hiện tại, Giáo hội Phật giáo vẫn chưa có thẩm quyền cũng như biện pháp chế tài để hạn chế tình trạng trên. Trước mắt vẫn phải nhờ đến người dân, các ban ngành cùng sự kết hợp của các cơ quan truyền thông để làm mọi việc sáng tỏ hơn, thông tin nhiều hơn đến những Phật tử về sự giả danh này.

Chư Tăng Ni thuộc hệ phái Bắc tông không đi khất thực, chỉ có một bộ phận chư Tăng thuộc hai hệ phái Nam tông và Khất sĩ (đắp y quấn, màu vàng hoặc vàng sẫm) mới đi khất thực. Vì thế, các “sư” nào khất thực mà mang y phục Bắc tông tức mặc áo tràng (màu vàng, lam hoặc nâu) và các “sư” nữ trùm khăn đều là “sư giả”. Khất thực đúng pháp vốn không nhận tiền bạc, chỉ nhận vật thực vừa đủ cho một bữa ăn. Do đó, những ai khất thực mà nhận tiền bạc là phi pháp. Những người đi khất thực phải mặc áo vàng, đầu trần, chân đất, đi với phong thái rất khoan thai điềm tĩnh, thong thả. Người đi khất thực nhằm hướng thẳng mà đi, không nhìn nghiêng ngó hay quay đầu lại. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để nhận diện “sư giả”, vì họ rất chú trọng đến việc xin tiền bạc hơn là xin đồ ăn uống. Thời gian khất thực đúng pháp là trong buổi sáng và chấm dứt trước 12 giờ trưa. Những ai khất thực kéo dài sau 12 giờ trưa đến chiều tối đều phi pháp, là “sư giả”.
Hồng Giang