DUY BIỂU HỌC Giảng luận -KỆ THỨ 21-25

KỆ THỨ 21

 

Cũng như bóng theo hình

Mạt na theo tàng mãi

Là cơ chế tự tồn

Là bản năng dục ái.

Thức này là cơ chế tự tồn (mecanisme autopreservation). Chúng ta đừng nghĩ rằng thức này chỉ có khuynh hướng xấu thôi. Tại vì trong đó cũng có những hạt giống tốt. Thức mạt na khi mà giác ngộ nó trở nên một cái tác dụng rất mầu nhiệm, gọi là Bình đẳng tánh trí. Bình đẳng tánh trí tức là cái khả năng có thể thấy được cái một trong tất cả và tất cả trong một. Trong thức này có tác dụng tư lượng có tác dụng bảo tồn. Tự tồn cơ chế (mécanisme de préservation). Khi mình ngủ mà có người đến đánh thức mình dậy thì cái giật mình thức dậy đó là tác dụng của thức thứ bảy. Khi một người tới đánh mình một cái mà mình né liền lập tức, phản ứng rất mau lẹ để tránh né thì nó thuộc về thức thứ bảy, lúc đó thức thứ sáu và các thức khác chưa đủ thì giờ để suy nghĩ.

Thành ra đi lạc trong rừng, đi vào trong những tình trạng rất nguy hiễm thì cái thức này làm việc rất mạnh, nó xúi mình trốn nó bảo mình làm thế này làm thế kia để bảo tồn sinh mạng của mình nhưng có khi nó bảo rất là sai. Tại vì nó bị che lấp. Có khi nó bảo mình làm cái mà đáng lý mình không làm, tại vì nó là hữu phú. Thành thử là nó muốn sống nhưng mà nó lại đi vào con đường chết. Trong tâm lý học có một ví dụ là có con rắn nó bị con muỗi cắn rất là đau, nó giận lắm nhưng mà không có cách gì để giết con muỗi. Thành ra trong khi thao thức để trả thù thì con rắn nằm ra để cho một chiếc xe đi ngang nghiến chết con muỗi cho biết tay. Nhưng mà khi nghiến chết con muỗi thì con rắn đó cũng chết luôn.

Ta đừng có nghĩ con rắn nó dại như vậy mà con người cũng thế. Con người nhiều khi cũng dại như vậy đó. Đôi khi mình muốn phạt người kia, muốn làm cho đau khổ người yêu mình, mình tàn hại cái thân thể mình để cho người yêu mình khổ chơi. Cái chuyện này xảy ra rất nhiều. Mình làm tình làm tội, mình tự tử để cho người kia đau khổ. Cái đó cũng về cái sức mạnh của thức thứ bảy.

Nói theo tâm lý học bây giờ thức này nó hành động theo cái nguyên tắc của dục ái. Nó thỏa mãn những cái dục ái của mình, nhưng mà sự thỏa mãn này có thể đưa tới sự tiêu diệt mình. Đường lối vận hành của thức này là đi theo con đường tìm kiếm những cái dục lạc. Nhưng vì thức này bị bao che thành ra nó không có đem lại hạnh phúc nhiều. Nó nghĩ là nó đi tìm hạnh phúc, kỳ thực những cái kết quả đưa tới là những cái khổ đau nhiều hơn là hạnh phúc. Buồn nhiều hơn vui.

 

KỆ THỨ 22

 

Sơ địa khi đạt tới

Dứt phiền não sở tri

Bát địa hết câu sinh

Alaya phóng khí.

 

Trên con đường thực tập của một vị Bồ-tát, người ta đi ngang qua mười giai đoạn gọi là thập địa, và địa vị thứ nhất gọi là sơ địa. Sơ địa gọi là hoan hỷ địa (the realm of joy). Tức là khi mình mới tu học mình đi vào trong địa hoan hỷ. Hoan hỷ là tại vì mình đã có thể chấm dứt được những phiền não, những cái nhiều khê, những cái ồn ào, những cái bận rộn ở trong cuộc đời. Mình đi vào trong con đường tu hành thì mình bỏ được rất nhiều những cái ràng buộc, nhiêu khê thành ra mình có rất nhiều niềm vui. Cái địa thứ nhất của các vị Bồ-tát là hoan hỷ địa. Nhưng mà người ta không ở trong địa đó hoài, người ta phải đi sang địa thứ hai. Tại vì bị dính vào cái địa đó và chỉ lo ham chơi thôi thì không có đi xa được, và không có thỏa mãn được cái sự kỳ vọng của Bụt, các bị Bồ-tát và những người thân thuộc mình, các loài chúng sanh, phải đi sang địa thứ hai. Và trong địa đầu thì mình bắt đầu dứt được những cái chướng ngại gọi là phiền não chướng sở trdi chướng. Chướng này tức là abstache. Affliction obstacle gọi là phiền não chướng. Phiền não tức là afflicion. Còn sở tri chướng, nó thuộc về phương diện trí tuệ nhiều hơn là tình cảm. Ví dụ như là tham, sân thì nó thuộc về phiền não chướng. Những cái giận, những cái buồn, những cái thất vọng, những cái lo lắng, những cái đau khổ như vậy, nó là những cái chướng ngại gọi là phiền não chướng. Còn cái sự u mê của mình, cái sự không thấy được sự thực của mình gọi là sở tri chướng. Nói một cách khác hơn sở tri tức là cái thấy của mình, cái biết của mình mà trong đạo Bụt gọi là chướng ngại, tại vì cái thấy đó là cái thấy sai như là cái tuệ của anh chàng thức thứ bảy. Những cái quan điểm của mình, những cái nhận thức của mình, những cái thấy của mình, những cái mình học được gọi là sở tri (les connaissancas, knowledges).

Ở trong đạo Phật thì chúng ta gọi đó là sở tri, tức là những cái mình biết. Và chính những cái mình biết nó không cho mình tiến bộ: “Cái đó tôi biết rồi, tôi không cần học nữa”. Ví dụ như mình bước lên nấc thang thứ tư, mình nhìn xuống mình thấy mình đã cao quá rồi, và mình nghĩ rằng mình không thể nào bỏ được nấc thang thứ tư. Trong đạo Bụt, mình biết rõ rằng nếu mình không bỏ được nấc thang thứ tư thì mình không bao giờ leo lên nấc thang thứ năm. Và vì vậy cho nên cái sở tri của mình, dầu có quý đến mấy mình cũng phải bỏ như thường. Đây là một đặc điểm của đạo Bụt. Dầu cái nhận thức của mình, dầu cái trí tuệ của mình đạt được, có giá trị, nhưng theo tinh thần đạo Bụt, mình cũng phải bỏ. Tại vì nếu không bỏ thì mình chận đứng con đường tiến bộ của mình và không có đường tiến thủ nữa.

Cho nên cái biết của mình, cái hiểu của mình, cái tri thức của mình dầu ở trong đó nó có giá trị, nó cũng là chướng ngại, gọi là sở tri chướng. Knowledge as obstacle. Thành ra người nào bị kẹt vào những kiến thức của mình và cho rằng kiến thức của mình là chân lý tuyệt đối là những người đó bị sở tri chướng. Người đó có thể có bằng cấp, có những hiểu biết hơn người nhưng mà người đó bị sở tri chướng. Còn những người nào mà có những tri thức mà mình tiếp thu được và biết rằng mình có khả năng bỏ những cái đó để đi xa hơn nữa. Người đó không có sở tri chướng. Sở tri là những cái chướng ngại. Ví dụ như là nước mà nó đóng thành những tảng băng và nó làm cho dòng sông không có chảy được nữa. Và cũng thứ nước đó mà không đóng thành băng thì nó vẫn để cho dòng sông trôi chảy như thường. Cái kiến thức trong con người của mình, mình cần tới nó nhưng mà mình phải sử dụng nó một cách rất là thông minh. Mình nói rằng cái này có thể là chưa hoàn mỹ. Tội phải nhìn sâu nhìn kỹ và đây có thể thấy được cái sự thật sâu hơn và đúng hơn nữa.

Khoa học là vậy. Khoa học có thể tìm ra những nguyên lý những khám phá nhưng nếu mà mình bị kẹt vào những nguyên lý, những khám phá đó thì không bao giờ mình có thể đi xa hơn. Thành thử những nhà khoa học nào mà có sở tri chướng thì những nhà khoa học đó không thể đi xa được. Những nhà khoa học nào phá được sở tri chướng thì có thể tìm ra được những điều mới. Tại vì chính mình không có thỏa mãn những điều hôm nay mình có.

Cho nên trong mỗi người chúng ta có những cái thấy, những cái hiểu, những kiến thức và nếu cái thấy, cái hiểu, cái kiến thức đó mà mình cho là số một rồi tức là con đường tiến thủ của mình bị chặn lại, đó gọi là sở tri chướng.

Đây là một quan niệm rất đặc biệt ở trong đạo Bụt. Mình phải buông bỏ những hiểu biết của mình, những kiến thức của mình.

“Sơ địa khi đạt tới, dứt phiền não sở tri. Bát địa hết câu sinh. Alaya phóng khí”.

Bắt đầu bỏ được những phiền não và sở tri. Ví dụ như mình muốn thực hiện một công tác gì đó, mà nếu có sự đau buồn nhiều quá thì mình bị tê liệt, cái đó gọi là phiền não chướng. Chướng ngại là phiền não. Mình buồn quá, khổ quá hay là ham muốn quá đó là những chướng ngại. Và chướng ngại thứ hai là sở tri chướng.

Bát địa hết câu sinh”. Tức là khi đạt tới địa thứ tám. Ở địa thứ nhất thì bắt đầu dứt phiền não chướng và sở tri chướng. Nhưng tới bát địa thì mới hoàn toàn hết cái gọi là câu sinh. Câu sinh là cái gì? Nó có một sự níu chặt vào ngã gọi là ngã chấp. Mà chúng ta thấy qua bốn phiền não là ngã si, ngã kiến ngã ái. Đó là ngã chấp. Ngã chấp có hai loại: ngã chấp do huân tập nên trong cuộc đời của mình và một thứ ngã chấp khi sinh ra nó đã có sẵn rồi, cái hạt giống của ngã chấp đó đã có sẵn rồi, chứ không phải do giáo dục và huân tập mà có. Cái thứ hai đó là là câu sinh ngã chấp. Câu sinh tức là cùng có một lần khi mình sinh ra. Câu tức là Together như là câu lạc bộ, là cái chỗ mình tới vui chung với nhau. Inherance tức là cái ngã chấp đó nó có tính cách câu sinh. Khi mẹ sinh ra đã có ngã chấp đó rồi. Đến địa thứ tám, câu sinh ngã chấp mới chuyển hóa hoàn toàn. Địa thứ tám là Pháp vân địa.

Alaya phóng khí tức là lúc bây giờ alaya được buông ra, thảnh thơi, hoàn toàn không có bị níu kéo nữa (release), tức là Bồ-tát. Mà Bồ-tát từ địa thứ nhất là sơ địa cho đến địa thứ tám vẫn còn níu, và đến pháp vân địa, là địa thứ tám ròi thì thức thứ tám hoàn toàn được buông thả. Thức thứ bảy hết che lấp và trở thành một cái thức gọi là bình đẳng tánh, bình đẳng trí. Thành ra cái câu sinh ngã chấp nó rất nặng, nó lâu đời khi mới sinh ra đã có thức thứ bảy rồi và thức thứ bảy đã, đang tiếp tục nắm.

 

KỆ THỨ 23

 

Nương vào ý làm căn

Pháp trần làm đối tượng

Ý thức được phát sinh

Phạm vi nhận thức rộng.

Bài thứ hai mươi ba mở đầu cho lĩnh vực của thức thứ sáu. Chúng ta biết rằng năm thức của cảm giác - năm thức đầu - tức là nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức thân thức, thức nào cũng có căn cứ để phát sinh ra. Căn cứ của nhãn thức là con mắt. Căn cứ của nhĩ thức là cái tai. Căn cứ của tỷ thức là cái mũi. Căn cứ của thiệt thức là cái lưỡi. Và căn cứ của thân thức là thân thể. Cho nên, thức thứ sáu cũng có một cái căn cứ gọi là ý. Ý tức là thức thứ bảy. Vậy thì ý thức là căn cứ của tư duy, của tưởng tượng, của nhận thức, của cảm giác. “Nương vào ý làm căn, pháp trần làm đối tượng”. Pháp trần tức là một trong sáu thức trần. Trần tức là đối tượng của nhận thức của sáu thức đầu. Một bên là căn, một bên là trần. Sáu căn là nhãn, thĩ, tỷ, thiệt, thân, ý. Sáu trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Và pháp trần tức là trần thứ sáu. Vậy thì thức thứ sáu này tiếng Phạn gọi là mano vijnana - ý thức. Nó nương vào mạt na làm căn cứ, và nó lấy pháp trần làm đối tượng. Và khi căn xúc tiếp với trần thì nó làm phá sinh ra thức. “Ý thức được phát sinh”, mới đọc thì giống như là Bụt chủ trương Duy Vật Chủ Nghĩa. Tức là thức sinh ra là do căn và trần. Căn là vật chất mà trần cũng vật chất, và khi mà căn và trần sát nhập vào nhau thì nó sinh ra thức, giống như tâm do vật sinh ra. Có một nhà học giả Bỉ khi viết tới chỗ này, phẩm bình câu nói này của Bụt, khi mà căn nó chạm vào trần sinh ra thức, thì ông ta nói rằng nói như vậy thì chưa hay lắm, tại vì nó giống như một nhà duy vật chủ nghĩa. Nhưng vì ông không có nhìn kỹ và biết rằng căn và trần chỉ là tăng thượng duyên, chứ chưa phải là nhân duyên. Cho nên ông ta mới nói như vậy.

Nhân duyên là hạt giống của ý thức, nó nằm ở trong tàng thức. Những câu đó lập đi lặp lại nhiều lần trong kinh điển: khi mà tai chạm với tiếng sinh ra nhĩ thức. Cái đó không phải là cái nhìn theo duy vật. Nó không phải như vậy. Tại vì những điều kiện kia không phải là những điều kiện đầy đủ để phát sinh ra thức, chỉ là một số điều kiện thôi.

Cố nhiên điều kiện phải đầy đủ thì mới có thể phát sinh ra hiện tượng được. Có những điều kiện tất yếu - là căn bản - và cũng phải có điều kiện phụ thuộc nữa. Khi mà cả hai điều kiện đó đầy đủ thì lúc đó mình mới thấy được sự phát sinh của một hiện tượng. Vậy thì “nương vào ý làm căn, pháp trần làm đối tượng, ý thức được phát sinh, phạm vi nhận thức rộng”, tức là phạm vi nhận thức của ý thức rất là rộng rãi. Rộng rãi như thế nào? cht đọc bài hai mươi bốn thì sẽ thấy.

 

KỆ THỨ 24

 

Thông ba tánh ba lượng

Tiếp xúc cả ba cảnh

Đủ thiện, ác, bất định

Biệt cảnh và biến hành.

Đó là câu trả lời, thuộc về phạm vi nhận thức của thức thứ sáu. Ba tánh tức là thiện, ác vô ký. Thức thứ sáu này có thể là thiện, nhất là khi nó thực tập chánh niệm. Có thể là ác, nhất là khi nó chìm đắm trong thất niệm. Và nó có thể là vô ký. Vô ký tức là trung tính. Đó là ba tánh.

Bây giờ tới ba lượng. Lượng tức là hình thái của nhận thức (pramana, valuable soucre of knowledge). Lượng thứ nhất gọi là hiện lượng. Hiện lượng tức là nhận thức trực tiếp không cần qua trung gian của sự suy luận (direct preception). Ví dụ như là mình thấy cái bình trà, mình biết rằng đây là cái bình trà không cần suy nghĩ gì hết. Một suy nghĩ trực tiếp không cần qua trung gian suy luận thì gọi là hiện lượng. Lượng thứ hai là tỷ lượng. Tỷ lượng tức là cái nhận thức cần phải qua trung gian của suy luận. Tiếng Anh là inferance. Hiện lượng, mình dùng chữ pratyaksa. Tỷ lượng, mình dùng chữ anumana. Nhưng mà trong trường hợp hiện lượng mà sai, mà không chính xác, hay tỷ lượng mà không có chính xác thì mình gọi là phi lượng. Còn phi lượng gọi là apramana (the wrong perception).

Ví dụ như mình thấy ngoài vườn một con ma. Chính mắt mình thấy rõ ràng một con ma mặt áo trắng, áo dài, mà nói không ai tin. Mình thấy rõ ràng không phải là nghe hay suy luận gì hết. Mình thấy rõ ràng một con ma mặt áo trắng phất phơ, nhưng mà có thể đó là một tàu lá chuối lấp loáng dưới bóng trăng. Thì đó là một nhận thức trực tiếp, một cái direct perception, chứ không phải là suy luận. Nhưng trong trường hợp này không phải là một chân hiện lượng. Chân hiện lượng tức là hiện lượng đúng. Còn khi mà hiện lượng sai thì gọi là tợ hiện lượng. Tợ tức là nó giống như đúng, nhưng mà kỳ thực nó không có đúng. Cũng như đang đi ngoài đường thấy sợi dây mà cho là con rắn đó là tợ hiện lượng. Đó là nhận thức trực tiếp, nó làm cho mình sợ; nhưng sai lầm thì gọi đó là tợ hiện lượng. Thành ra nhiều khi mình quả quyết: “Chính mắt tôi trong thấy mà. Tôi không có nghe ai nói hết. Tôi không có suy nghĩ gì hết. Đó là cái chuyện rõ ràng”. Ấy vậy mà nó vẫn là tợ hiện lượng. Đôi khi còn nói: “Có anh đó đứng với tôi. Anh đó thấy nữa chứ không phải mình tôi thấy’, mà nó vẫn tợ hiện tượng như thường. Chứ không phải nhiều người thấy như vậy mà cái đó là sự thật đâu.

Ví dụ như bầu cử tổng thống. Có nghĩa là mình đi tìm số đông, thấy ông này hơn ông kia, giỏi hơn ông kia, đáng tin hơn ông kia. Mà chưa chắc cái người mình bầu ra là người đáng tin cậy và giỏi hơn. Có phải như vậy không? đợi chừng năm năm sau sẽ biết. Tỷ lượng cần tới cái suy tính. Mà nếu mình suy tính giỏi, suy tính có phương pháp cũng có thể đạt tới sự thật.

Ví dụ như nhà khảo cổ. Nhà khảo cổ đào được một số những vật liệu dưới lòng đất. Và căn cứ trên những số vật liệu mà ông ta tìm ra, ông ta có thể dựng được lại khung cảnh sinh hoạt của những bộ lạc ngày xưa. Có thể là đúng, nhưng mà có thể trong đó có cái sai.

Nhà học giả Lê Văn Siêu có dùng một ví dụ là buồn cười để cho mình thấy chuyện này. Ông nói là ví dụ mình tới một cái vùng chưa bao giờ có văn mình loài người nào hết thì tự nhiên mình đào dưới đất thấy có máy đánh chữ rét rồi thì mình mới nói rằng ngày xưa cách đây năm, sáu ngàn năm dân chỗ này đã biết dùng máy đánh chữ. Như vậy tức là có bằng cớ đàng hoàng, nhưng mà có sai. Cái sự đoán định đó sai, gọi là tợ tỷlượng. Ví dụ như mình đứng ở đây mình nhìn đàng xa thấy có một đám khói bốc lên sau một bụi cây hay một bức tường. Mình không thấy cái gì hết ngoài đám khói và bức tường, rồi mình quả quyết đàng sau bức tường đó có một chiếc xe hơi đang rồ máy. Đôi khi mình nghe tiếng rồ máy nữa mà mình thấy khói lên, thì mình nghĩ rằng, mình quyết đoán rằng: “Tôi cá với anh sau bức tường đó có chiếc xe hơi đang rồ máy”. Nhưng có thể không có chiếc xe hơi. Tiếng máy rồ có thể từ tủ lạnh đến. Và khói kia có thể là sương. Sương khói ở đường kia thôi. Và trong trường hợp đó nó không phải là chân tỷ lượng, nó là tợ tỷ lượng.

Thành ra mình nghi người ta là tợ tỷ lượng nhiều lắm. Những cái nghi của mình, mình đặt ra. Thằng nhỏ vừa mới nhận được quà giáng sinh. Một cái đồng hồ đeo tay. Nó rất mê. Tại cái đồng hồ này nó biết nói. Tới sáu giờ nó nói: “Il est six heures”. Thành ra nó thích lắm, nó mê lắm. Nhưng không biết tại sao, nó vừa vô, đi ra thì đồng hồ mất. Không biết đứa nào đó đã… thổi cái đồng hồ của mình. Thì lúc đó nó có nhiều đau khổ. Và tự nhiên, nó thấy thằng bạn đi ngang qua, nó nhìn, nó thấy thằng bạn này khả nghi quá: “Sao cái thằng này hôm nay cói vẻ ăn cắp quá! Nó không lấy thì ai lấy?”. Nhưng mà không dám nói. Thì lát nữa thấy con bé khác nó đi ngang qua. Con bé này cũng thấy khả nghi quá. Trong đầu mình, nó vẽ biết bao nhiêu là: “Đúng rồi! Hình như là ngày hôm qua, khi mà mình nhận quà giáng sinh có nó mà. Cặp mắt nó có vẻ thèm thuồng mà”. Mình căn cứ trên những dữ kiện đó để mà đi tưói một sự đoán định. Thì tỷ lượng là căn cứ và một vài cái dữ kiện nào đó để đi tới một sự đoán định, một kết luận đó. Và nếu kết luận đó đúng là chân tỷ lượng. Nếu kết luận đó sai là tợ tỷ lượng.

Chúng ta nên biết rằng cái khả năng, cái giá trị của nhận thức ta, nó rất là hạn hẹp. Và chúng ta thường đem cái nghi, cái giận, cái buồn, cái tham của chúng ta ra để mà nhìn đời.

Cho nên chúng ta hiểu lầm tùm lum. Không có đem mắt thương và mắt hiểu nhìn đời mà đem mắt nghi, mắt giận mà nhìn đời. Và chúng ta khổ vì cái tợ tỷ lượng của của ta dài dài. Thành ra mình phải giúp mình khi mà mình có một nhận thức và mình khổ vì cái nhận thức đó thì mình hãy nói rằng: “cái nhận thức của mình đây là chân tỷ lượng hay tợ tỷ lượng?”. Nó sẽ giúp mình. Mình nói với người kia: “ Anh nè, em có cái nhận thức này nhưng mà không biết cái nhận thức đó là chân tỷ lượng hay tợ tỷ lượng, anh giúp em đi”. Nói như vậy thì đỡ vô cùng. Chứ cứ ngồi đó mà giận, mà nghi và cứ đổ riết cho người kia thì khổ vô cùng vì người kia là người bạn đường của mình, người thân thuộc của mình, người mà mình phải sống nhiều năm nhiều tháng chung. Thì mình phải nhờ người đó giúp đỡ, chứ mình cứ đóng cho mình cái tháp ngà của nhận thức riêng mà nghi, mà giận, mà buồn, mà tức cái người đó thì cả hai bên đều lãnh đủ.

Đã là người bạn đồng hành với nhau trong đạo hay là trong đời, thì mình phải biết giúp đỡ nhau ở những chỗ đó. “Hiện bây giờ tôi đang khổ đây, tôi đang khổ vì nhận thức của tôi, và tôi không biết nhận thức của tôi là chân hay là tợ”. Vấn đề đầu tiên mà tôi đặt ra là tôi xét lại coi thử nhận thức của tôi là chân hiện lượng hay là tợ hiện lượng. Và sau khi tôi xét rồi mà một mình tôi chưa tìm ra thì tôi sẽ nhờ người kia. Chúng ta phải nhờ nhau. Chúng ta đang đau khổ. Và cái đau khổ của chúng ta cũng như cái hạnh phúc của chúng ta có dính líu tới cái đau khổ hạnh phúc của người kia. Và tốt hơn hết là tới với người kia hỏi: “Bây giờ, tôi đang đau khổ, tôi đang hiểu rõ như vậy, tôi đang thấy như vậy, có cách gì cho tôi thấy rằng cái mà tôi nghe đó, cái tôi thấy đó nó là sự thật hay là tại vì tôi nhận thức nó ra như vậy”.

Chúng ta biết rằng có nhiều nguyên do, có nhiều điều kiện. Nó có những điều kiện chính và những điều kiện phụ. Trong một kinh ở trong Tăng Nhất A Hàm (Angutara Nikaya), Tăng Chi Bộ. Bụt có nói như thế này, nhận thức phần lớn là sự hồi tưởng để so sánh. Mình nhận thức cái gì đó, tức là mình lấy cái hạt giống cũ ra để so sánh. Nhiều khi mình không có nhận thức được cái sự vật chính thức mà mình nhận thức cái hạt giống ở trong lòng mình. Và vì vậy cho nên, cái nhận thức của mình, có thể không dính dáng tới cái đối tượng thật sự của nhận thức.

Ví dụ một người Cơ đốc giáo có thể có một ý niệm về một người Hồi giáo, hay là một người Nam có thể có một ý niệm về một người Bắc, thì bản thân của người Bắc mình chưa đạt tới được, nhưng mà mình có một ý niệm về người Bắc mà mình đạt được, mình có được do đọc sách hay do nghe người ta nói chuyện mà có một ý niệm về người Bắc như thế nào, người Nam như thế nào, người Trung như thế nào. Chúng ta có từng cái hộp sẵn, chúng ta bỏ vào trong đó: Người Bắc hì họ hay vậy đó, người Trung thì họ hay vậy đó, người Nam họ hay vậy đó. Tất cả chúng ta đều là nạn nhân của cũng cái như vậy. Người Cơ Đốc họ nói người Do Thái là vậy đó, người đạo Hồi là vậy đó. Chúng ta có những cái hộc có sẵn ở trong alaya, khi nào chúng ta nắm được cái gì thì chúng ta bỏ vào hộc đó. Nhưng mà chúng ta bỏ lộn tùm lum. Cam thảo mà chúng ta bỏ lộn vào chỗ của quế chi. Là tại chúng ta bị lầm bởi cái danh từ. Nó cái này là quế chi nhưng kỳ thực nó là cam thảo. Thành ra khi mà gặp một người Bắc, một người nói anh này từ Bắc tới, tự nhiên mình có một ý niệm rồi. Và ý niệm đó ngăn cản không cho mình biết được anh kia. Đó là một trở ngại, một chướng ngại. Ý niệm của mình về Do Thái giáo ngăn cản mình không cho mình biết được cái người dó, tự thân người đó. Ý niệm về người Hồi giáo, nó ngăn cản vì vậy nên cái tri giác mà gọi là tưởng, cái tưởng của mình, Bụt nói phần lớn chẳng qua là hồi tưởng. Dễ sợ như vậy. Thành ra, mình không có đạt tới thực tại. Thực tại có thể rất là mới mẽ, rất là tươi mát nhưng mà mình không sờ mó được cái hạt giống của nó ở trong tàng thức của mình thôi. Ví dụ như là những người không có thích Giáng Sinh, nghe tới cái lễ Giáng Sinh là dội liền, tại vì họ đã đau khổ trong không khí Giáng Sinh. Vì vậy cho nên bất cứ Giáng Sinh nào, Giáng Sinh ở đâu đều không có đáng tiếp xúc. Như vậy là mình có thành kiến, thành kiến đó là ý niệm Giáng Sinh mà mình có trong lòng. Vì vậy cho nên Bụt là Người, có thể nói là Người đầu tiên đã nói lên cái câu nói đó: Tưởng chỉ là hồi tưởng, tưởng chỉ là thói quen hồi tưởng. Thành ra cái nhận thức của mình về thế giới, về con người, với vạn vật mình ít khi đi thẳng tới được chân hiện lượng hay là chân tỷ lượng, mà thường là tợ hiện lượng và tợ tỷ lưọng, tức là suy luận.

Lượng thứ ba là phi lượng. Thức thứ bảy - Mạt na - lượng của nó là gì? Tùy duyên chấp ngã lượng vi phi. Mình có học câu đó không? Lượng của thức thứ bảy (Mạt na) là phi lượng. Tại vì cái đó không phải là cái ngã mà nó cứ cho là cái ngã, nên lượng của nó là phi lượng. “Thông ba tánh, ba lượng, tiếp xúc cả ba cảnh”. Ba cảnh là tánh cảnh, đới chất cảnh độc ảnh cảnh.

Chúng ta biết rằng thức thứ tám (Alaya thức) cảnh của nó là tánh cảnh. Thức thứ bảy không có đạt tới được tánh cảnh nhưng mà thường tới đới chất và độc ảnh cảnh. Và năm thức giác quan, khi hoạt động độc lập, không có hoạt động chung với thức thứ sáu thì nó cũng đạt tới tánh cảnh. Cái thấy, cái nghe, cái ngửi, cái nếm, cái xúc chạm của mình mà nếu không có sự phân biệt, so đo của thức thứ sáu vào thì, thì nó đạt đến tánh cảnh. Khi có sự phân biệt, so đo của thức thứ sáu vào thì hết tánh cảnh, chuyển sang đới chất. Thức thứ bảy thì đới chất, nhưng mà thức thứ sáu này cũng đạt tới đới chất và độc ảnh, gọi là tam cảnh. Tam tánh, tam lượng thông tam cảnh: thông ba tánh ba lượng tiếp xúc ba cảnh. Trong giấc mơ của chúng ta, trong giấc mơ mình có thể buồn, có giận, có vui, có sự ưa thích, có hy vọng, có tuyệt vọng thì cái cảnh tượng mà chúng ta tiếp xúc trong giấc mơ: người, vật, sông và núi, cảnh tượng đó mình gọi là cảnh tượng độc ảnh.

Khi mà chúng ta ngồi thiền, chúng ta hình dung ra, chúng ta quán tưởng một cái núi: là núi vững vàng, thì hình ảnh cái núi đó là hình ảnh độc ảnh. Tuy là hình ảnh độc ảnh mà ta có chánh niệm thì hình ảnh đó đó, nó thực hơn. Chúng ta tiếp xúc được rõ ràng hơn và sắc bén hơn là khi chúng ta mở mắt ra để nhìn cái núi mà tâm chúng ta bị thất niệm.

Vì vậy cho nên độc ảnh không hẳn là nó không thật đâu, nó cũng thật. Trong những bài thiền tập có hướng dẫn, có hai bài giúp chúng ta mài dũa lại cái giác quan của chúng ta để có thể tiếp xúc được với những cái mầu nhiệm trong cuộc đời. Cái giác quan của chúng ta, cái nhận thức của chúng ta cần phải được mài dũa lại cho sắc bén, để khi chúng ta nhìn bông hoa, chúng ta tiếp xúc được với bông hoa. Nhìn màu trời xanh, chúng ta tiếp xúc được màu trời xanh. Khi chúng ta sống trong thất niệm lâu ngày thì giác quan của chúng ta cũng như nhận thức của chúng ta, nó mòn, nó mỏi, nó lu mờ, thành thử thế giới đối với chúng ta rất là mờ ảo, rất là cùng mòn. Và sống như vậy thì không có hạnh phúc. Khi mà thấy mà trời xanh của thế giới độc ảnh có thể rất đẹp. Đối khi cảnh tượng trong mộng còn đẹp hơn cảnh tượng ở ngoài.

Cái ý niệm về ba cảnh, có lẽ nó đã được sáng tạo và diễn bày ỏ đại học Nalanda. Đại học Nalanda - tức đại học Phật giáo được thiết lập vào khoảng thế kỷ thứ năm, thứ sáu: miền Bắc thành Vương Xá độ chừng tám cây số. Một đại học rất nổi tiếng, gần một ngàn Thầy tới học. Vào thế kỷ thứ bảy. Trung Quốc có Thầy Huyền Trang đi qua học ở đó. Và khi Thầy tới đó thì viện trưởng viện đại học Nalanda là Thầy Giới HIền (Silabhadra). Sila là Giới. Bhadra là Hiền, đã 105 tuổi. Và đó là một trong mười vị đại luận sư Duy Thức, vị viện trưởng trước tên là Hộ Pháp (Dhama-pala) đã tịch rồi. Và Thầy Huyền Trang đã học với Thầy Giới Hiền một số Thầy khác. Nhưng mà nhận thức về Duy Biểu học của Thầy Giới Hiền và các Sư ở trường đại học đó đã chịu ảnh hưởng rất sâu đậm của Thầy Dhamapala. Cho nên Duy Thức của Thầy Huyền Trang rất nặng về tư tưởng của Dhamapala. Chúng ta biết rằng có mười vị đó. Giới Hiền cũng là một vị và chúng ta có những vị khác mà hiện bây giờ chúng ta có thể nghiên cứu được. Ví dụ như Thầy An Huệ (Sthiramati). Tại vì có một giáo sư đã khám phá ra được một bản tiếng Phạn của Thầy An Huệ chú giải về ba mươi bài tụng Duy Biểu. Và giáo sư đó đã công bố bản đó và đã dịch ra tiếng Pháp, bây giờ chúng ta đã có bản dịch bằng tiếng Anh và bản dịch bằng tiếng Quan thoại căn cứ trên đó. Vì vậy cho nên, chúng ta có thể biết được quan điểm của Thầy An Huệ, có khác với quan điểm của Thầy Dhamapala. Cái nhìn, cái hiểu về Duy Biểu có khác, chúng ta đã biết rằng Duy Biểu của Thầy Thế Thân (Vashub-handhu) sau này đã tiếp nhận những kiến thức và những tuệ giác của Thầy Trần Na.

Thầy Trần Na là một thuyết gia rất lỗi lạc. Thầy rất giỏi về Nhận Thức luận và về Luận lý học. Thầy đưa yếu tố nhận thức luận và yếu tố luận lý học vào trong Duy Biểu học và tạo thành Duy Biểu mới. Và khi mà Thầy Huyền Trang đi qua đại học Nalanda thì được học Duy Biểu mới. Nhận thức luận là một môn triết học đặt vấn đề là: “Trí thức của chúng ta có thể đạt tới cái thực tại hay không?” chúng ta biết rằng sau khi Thầy Huyền Trang về nước, Thầy có xướng xuất ý niệm và ba cảnh, tức là ba phạm vi nhận thức. Thức thứ tám thì đạt được tới cảnh nào; thức thứ bảy thì đạt được tới cảnh nào; thức thứ sáu thì đạt được tới cảnh nào, gọi là cái lý thuyết về tam cảnh, Thầy Huyền Trang có truyền lại một bài kệ ngắn mà chúng ta phải biết về ba cảnh: “Tánh cảnh bất tùy tâm”. Nghĩa là cái thực tại này, cái thực tại trong chính bản của nó (the reality in itself, the thing in itself). Ví dụ như cái hoa này. Cái hoa này qua nhận thức của tôi có thể là nó khác. Nhưng bản thân thực tại của cái hoa, tôi không chắc tôi đã dính tới được, sờ mó tới được, đạt tới được, cái đó gọi là tánh cảnh. Còn hình ảnh cái hoa ở trong đầu tôi, có thể chỉ là, một hình ảnh đới chất mà thôi, tùy theo cái giá trị nhận thức của tôi và những hạt giống ở trong tôi. Như là ở bên Đức có một hôm cô Chân Không nói chuyện với một anh chàng Việt Nam về nhận thức thì cô mới chỉ cái nón len ở trên bàn, và cô nói: “bây giờ, anh nhìn cái nón len đi thì anh có cái nhận thức như thế nào?” người thanh niên nói: “Cái này là cái nón len chứ có gì đâu!” thì cô Chân Không nói: “Khi tôi nhìn cái nón len tôi thấy cô Chân Vị”. Thì cái anh kia đâu thể thấy được cái điều đó. Cái nón len của anh ta có thể có màu sắc của cái quá khứ của anh ta. Anh ta có thể có cái nội kết vui hay buồn, ưa hay ghét về cái nón len. Anh đem cái nhận thức của anh, anh trùm lên cái nón len. Và nón len của anh là nón len của đới chất cảnh. Còn nón len của cô Chân Không cũng là nón len của đới chất cảnh, tại nón len có dính líu tới cô Chân Vị. Còn nón len, tự thân nó là tánh cảnh. Thì trong số hai người đó, người nào đạt được tánh cảnh của cái nón len, chuyện đó là chuyện chúng ta phải cẩn thận.

Vậy thì “tánh cảnh bất tùy tâm”, tức là cái thức tại trong cái tự thân của nó không có bị dính líu không đi theo cái tâm của mình. Không phải là tâm mình buồn mà cái cảnh đó nó buồn. Không phải tâm mình vui, mà cái cảnh nó vui. Không phải tâm mình thích mà cái cảnh nó hấp dẫn. “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu, người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” cái đó là cảnh tùy tâm. Còn cái này là tánh cảnh bất tùy tâm. Khi người ta hỏi mình: “Tánh cảnh là gì?” - Tánh cảnh là thực tại mà nó không có chịu méo mó theo nhận thức của mình. Không phải vì mình ưa thích mà nó đẹp hơn; không phải vì mình ghét bỏ mà nó xấu hơn. Như trong kinh có nói về năm thứ dục lạc: tài, sắc, danh, thực,thùy với sáu trần là: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, ví dụ như là tiếng, hương, hay là vị. Ví dụ như hương nước hoa chẳng hạn. Nước hoa dầu là nước hoa Samsara hay Poison, nó chỉ là nước hoa thôi. Còn cái chuyện mình dính vào nước hoa, thích nước hoa và ghét nước hoa, hay là bị nội kết với nước hoa… cái chuyện đó hoàn toàn là do mình, nó không chịu trách nhiệm.

Ở nước Pháp có thứ nước hoa gọi là Je revure, I will be back. Tên này rất là hay. Tức là khi mình đã… Je revure có nghĩa là em sẽ trở lại hoặc anh sẽ trở lại, khi mà người ta bôi nước hoa đó, thì mình nhận thức được thứ nước hoa dó và mình đồng nhất nước hoa đó với cái người đó, cái đó là chuyện của mình. Nước hoa không có chịu trách nhiệm. Rồi khi mà người kia, họ về nhà thì cái mùi nước hoa đó trở thành một thứ nội kết; nội kết êm ái! Ở trong Kiều có bốn chữ là “Hương gây mùi nhớthì mình đổ tội cho mùi hương là không đúng. Cái trách nhiệm là hạt giống ở trong mình, cái nội kết ở trong mình, nói đúng là cái tâm của mình. Và vì vậy nên Bụt có nói ở trong nhiều kinh là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, nó không có tội tình gì cả. Bụt có nói rõ ràng cái đó không phải là dục. Sắc, thanh,hương, vị, xúc và pháp không phải là dục, không phải là khổ. Chính cái sự vướng mắc của mình vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp mới chịu trách nhiệm.thành ra cái tâm của mình, nó đoán định, nó quyết định sự vướng mắc của mình chứ không phải là tánh cảnh. Tánh cảnh bất tùy tâm là như vậy.

Độc ảnh duy tùy kiến”. Còn độc ảnh thì hoàn toàn tùy thuộc ở nơi kiến phần của thức. Kiến phần là phần chủ thể. Tại vì thức có hai phần: phần đầu là kiến, phần thứ hai là tướng, bây giờ mình quên cái phần thứ ba đi là tự thể phần. Và nó không cần phải có gốc ở tánh cảnh. Mình có ở trong tâm thức của mình rồi. Cho nên khi mà Hàn Mạc Tử nói rằng: “Làm sao giết được người trong mộng?” thì người trong mộng đó là một hình ảnh độc ảnh. Giết người trong mộng thì khỏi phải đi tù. Còn giết người ở tánh cảnh thì nguy lắm. Mà những cái đau khổ của mình, nhưng cái trầm luân của mình không phải do cái người ở tánh cảnh mà do cái người ở độc ảnh rất nhiều.

Đối chất thông Tình, Bản”. Đới chất cảnh có liên hệ tới Tình và Bản. Cái này mình học từ trước rồi. Tình là người tình, đó là thức thứ bảy. Bản là thức thứ tám. Thức thứ bảy nó phát hiện rừ thức thứ tám và nó ôm lấy thức thứ tám. Đới chất là một sáng tạo phẩm của thức thứ bảy khi tiếp xúc với thức thứ tám mà đối tượng đó không phải là tánh cảnh, đối tượng đó là đới chất. “Đới chất thông Tình, Bảntức là cái cảnh đới chất, cái cảnh không phải là tánh cảnh, không phải là độc ảnh cảnh, nó là một cái cảnh có đèo theo một chút bản chất của tánh cảnh, cái cảnh đó có liên hệ giữa Tình và Bản, tức là giữa thức thứ bảy và thức thứ tám.

“Tánh, chủng, đẳng, tùy ưng”. Đây là một câu để bổ túc cái tánh cảnh và hạt giống, vân vân. Nó tùy theo từng trường hợp kia mà đi đôi với nhau. Thành ra tính chất thiện, ác hay vô ký, và những hạt giống mà từ đó chúng được phát sinh, những cái đó… (đẳng là vân vân). Nó có liên hệ tới chuyện phát hiện của những cảnh đó. Thành ra đây là một bài kệ mà Thầy Huyền Trang truyền lại cho Thầy Khuy Cơ. Khuy Cơ tức là một cao đệ của Thầy Huyền Trang, rất giỏi về Duy Biểu. Và Thầy Khuy Cơ là Tổ tông phải Duy Biểu tại Trung Hoa, bài này giúp chúng ta nhớ về ba tánh.

“Thông ba tánh, ba lượng, tiếp xúc cả ba cảnh” đây trả lời cho câu “phạm vi nhận thức rộng”. “Đủ thiện, ác, bất định, biệt cảnh và biến hành”. Thiện, ác ở đây tức là nói về tâm sở. (Mental Formations, Mental…), nó đi đôi với thức thứ sáu, gồm có biến hành (5), biệt cảnh (5), thiện (11), ác và bất định. Tức là có đủ loại tâm sở: năm mươi mốt thứ. Trong khi đó thức thứ tám chỉ có tương ưng với năm biến hành. Còn thức thứ sáu, tương ưng với tất cả năm mươi mốt tâm sở, trong đó có những tâm sở bất định. Tâm sở bất định là tâm sở có thể thiện hay ác.

 

KỆ THỨ 25

 

Là gốc của thân, khẩu.

Có thẩm mà không hằng.

Tạo tác nghiệp dẫn mãn.

Đóng vai kẻ gieo trồng.

Là gốc của thân, khẩu”. Tức là những động tác của thân thể mình, nó có gốc rễ từ ý thức. Ý thức nó sai sử thân làm. Và những lời nói của mình nó cũng phát sinh từ ý thức. Đây là chúng ta đang nói về ba nghiệp, ba loại hành động. Nghiệp là hành động. Hành động của thân thể, hành động của lời nói và hành động của suy tư, hành động của thân và miệng, nó có gốc rễ từ ý thức, cho nên nói là gốc của thân khẩu.

Có thẩm mà không hằng”. Thẩm tức là suy tính, đo lường, nhận thức. Mà không hằng, nghĩa là nó không có hoạt động liên tục hay là có khi nó được ngừng nghỉ.

Tạo tác nghiệp dẫn mãn”. Tức là chính nó đóng vai trò hành động. Hoạt động có hai loại: một hoạt động hấp dẫn, nó kéo mình đi tới một phương hướng nào đó, gọi là dẫn nhiệt. “Ma đưa lối, quỷ dẫn đường” là trong trường hợp mình chịu đi theo con ma. Còn nếu mà “Bụt đưa lối Tăng dẫn đường” thì rất là hay, đi đường khác. Cái đó gọi là dẫn nghiệp. Dẫn tức là đưa đường. Mãn nghiệp tức là làm cho dính cái hành động đó. Tức là, hướng đi là một chuyện mà còn hành động ở trong cái hướng đi đó để cho nghiệp được chín mùi: nói chung về hay phía thiện và bất thiện. Và những hành động (nghiệp) mà nó làm chín đi cái nhân quả dị thục thì gọi là mãn nghiệp. Vì vậy thức thứ sáu quan trọng lắm. Nó tạo tác ra hai loại nghiệp là hướng đi của mình, và hành động đưa tới quả dị thục của mình.

Đóng vai kẻ gieo trồng”. Nó là người làm vườn. Chúng ta đã từng nói rằng thức thứ tám (alaya), nó là đất, nó là vườn, nó giữ gìn hạt giống, nó làm mọc lên hoa, lá, trái. Và bây giời chúng ta nói thức thứ sáu là người làm vườn, tức là người gieo hạt giống, người tưới tẩm, người chăm sóc. Cho nên vai trò của thức thứ sáu trong việc đưa mình, dìm mình xuống địa ngục hay là đưa mình tới giải thoát, đó là vai trò chính. Nó đóng vai trò khởi xướng. Nếu mà gieo bắp thì sẽ được bắp. Gieo đậu thì sẽ được đậu gieo gió thì gặp bão.

 

Thiền sư Nhất Hạnh