Oan khuất khó giải ở suối giải oan

Ngay trong khu thắng tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, nơi lưu trữ huyền thoại thiêng liêng về 300 cung nữ thời Trần, một công ty đã ngang nhiên đem cát, đá, xi măng… làm biến dạng con suối đẹp!

“Phá” suối thiêng không phép!

Tham dự buổi lễ tưởng niệm 701 năm đức Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn và khởi công xây dựng tượng Ngài trên An Kỳ Sinh – Yên Tử hôm 16-12 vừa qua, nhiều nhà báo ngỡ ngàng trước một cảnh tượng không thể tin nổi đang diễn ra tại suối Giải Oan, khu vực dẫn lên chùa Giải Oan  - Yên Tử.

Cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp đã bị bê tông hóa, biến dạng một cách tệ hại. Lòng suối bị khơi rộng trở thành một cái “ao” nông cạn, dòng nước chảy tự nhiện bị “đắp đập be bờ” ngăn lại khiến nước đục ngầu.

Những khối đá dưới lòng suối bị đào xới bừa bãi. Chính ình ngay giữa ao là một tòa lầu 8 mái hao hao cầu Thê Húc ở Hồ Gươm. Đỡ cho các xông trình này là hàng chục cột lớn căm thẳng xuống dòng nước.

“Tác giả” của công trình này chính là Công ty cổ phần phát triển Tùng Lâm (Công ty Tùng Lâm). Được biết việc thi công đã diễn ra từ lâu. Khi chúng tôi đến thì ở trên lầu có một đội văn nghệ đang hóa trang và chỉ một lúc sau từ nơi vốn vắng lặng này, trên loa đã rộn rã tiếng đàn ca.

Chẳng lẽ người ta muốn biến không gian này thành nơi biểu diễn? Liên lạc với ông Nguyễn Đình Trung – Phó chủ tịch UBND thị xã Uông Bí, ôn cho biết: “Trước đó họ cũng không xin phép. Ai dám cho phép việc đấy! Ở những khu vực di tích quốc gia thì phải xin ý kiến cấp trên chứ địa phương làm sao dám cho phép!”.

Câu hỏi không lời đáp

Chúng tôi đã gặp ông Lê Trọng Thanh – Phó Giám đốc công ty Tùng Lâm để tìm hiểu sự việc thì ông Thanh từ chối. Theo ông Trịnh Công Lập – Giám đốc Ban quản lý các di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh, các ngành chức năng ở đây đã phát hiện việc xây dựng công trình và vào cuộc, kiểm tra. Theo ông Lập, hướng chỉ đạo là phải khắc phục ngay chứ không để tình trạng “bê tông hóa” như thế.

Tuy nhiên, một khi công trình đã xây dựng bề thế và kiên cố như vậy thì liệu có thể khắc phục như thế nào để trả lại vẻ tự nhiên cho con suối thiêng? Chúng tôi đã hai lần liên lạc với ông Hà Quang Long – Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Linh nhưng ông Long đều từ chối trả lời. Việc này cũng tương tự khi chúng tôi liên lạc với ông Nguyễn Thành Phố - Chủ tịch UBND thị xã Uông Bí.

Từ khu vực xây dựng ở suối Giải Oan là con đường gạch được vây bủa bằng hàng chục bộ khung bê tông mái ngói đỏ. Cả không gian “phản thiên nhiên” này như một công trường đang hoàn thiện thi công. Nếu không sớm có hành động xử lý thẳng tay của các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh và cả Bộ VH-TTDL thì chả mấy nữa, sắc thiên nhiên khu vực chân núi Yên Tử có lẽ sẽ đổi khác.

Theo thông tin chúng tôi mới nhận được thì hiên nay, Cục Di sản văn hóa cũng đã vào cuộc, cử cán bộ đến kiểm tra, theo dõi sự việc và yêu cầu địa phương báo cáo.

“Đại đức Thích Đạo Hiển – Phó Ban trị sự Giáo Hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh cho biết: Suối Giải Oan là di tích cực kỳ quan trọng của khu danh thắng Yên Tử, nó gắn liền với tâm linh người Việt mấy trăm năm nay. Nơi đây, từng hòn đá, hòn sỏi ghi dấu bao nhiêu sự tích, dấu chân và niềm tin của hàng triệu lượt du khách. Chúng tôi không ủng hộ việc uốn nắn dòng, mở mang dòng suối hoặc nạo vét hoặc làm bất cứ điều gì vi phạm đến di tích gốc”.

“Động đến suối Giải Oan nằm trong khu vực bảo vệ của ngành văn hóa là phá vỡ cảnh quan nghiêm trọng. Đó là điều đau đớn mà những người tu hành, phật tử và người trân trọng Phật giáo Trúc Lâm không chấp nhận được.”  (theo báo NTNN)