Chính phủ Pháp bày tỏ sự cảm thông với các Tăng sinh Bát Nhã

Các tu sĩ Phật giáo thuộc Tăng đoàn Làng Mai ở Pháp và đại diện Tăng thân Bát Nhã ở Lâm Đồng đang cố vận động chính phủ Pháp cho phép bốn trăm tu sinh nam nữ, bị đuổi khỏi tu viện Bát Nhã và sắp phải rời chùa Phước Huệ 31/12 này, được cư trú tạm thời ở Pháp.

Photo courtesy of HelpBatNha

Tăng đoàn Làng Mai tuần hành trên đường phố Paris, vận động chính phủ Pháp và công luận quốc tế can thiệp cho hàng trăm tu sinh Bát Nhã.

Trình thỉnh nguyện thư

Thứ Sáu tuần trước, ngày 18 tháng 12 năm 2009, sư cô Elizabeth Giác Nghiêm, tăng thân Làng Mai ở Pháp, đã cùng một số tăng sinh khác đến điện Elysée để trình thỉnh nguyện thư xin tổng thống Nicolas Sarkozy giúp các tăng sinh Bát Nhã ở Lâm Đồng sắp phải rời khỏi chùa Phước Huệ trong nay mai, được qua nương náu ở Pháp để tiếp tục con đường tu học.

Đến thứ Hai tuần này, thầy Trung Hải, đại diện của tăng thân Bát Nhã, lại đến gặp vị đặc sứ nhân quyền trong Bộ Ngoại Giao Pháp, ông Francois Zimeray, với yêu cầu tương tự.

Từ Paris, thầy Trung Hải nói với đài Á Châu Tự Do: “Buổi họp mặt  hôm đó vào khoảng 12 giờ trưa, ngoài Trung Hải ra thì còn có sư cô Giác Nghiêm người Pháp,  sư cô Tôn Nghiêm là người Pháp, sư chú Pháp Linh là người Pháp, cô Minh Tri là người Pháp gốc Việt hiện là phó chủ tịch Hiệp Hội của Tổng hội Phật Giáo Pháp, và ông Olivier là chủ tịch tổng Hội Phật Giáo Pháp.”

Chúng tôi không hề muốn tị nạn mà chỉ muốn xin cư trú tạm một thời gian cho tới khi nào chính phủ của chúng tôi cho phép chúng tôi tu học chung với nhau ở Việt Nam.

Thầy Trung Hải

Về phía chính phủ Pháp, ngoài đặc sứ nhân quyền Bộ Ngoại Giao Francois Zimeray, còn cóđại diện Pháp tại Liên Hiệp Quốc về vấn đề nhân quyền, và bà Berger, đặc trách vùng Đông Nam Á trong Bộ Ngoại Giao Pháp.

Theo thầy Trung Hải, cuộc tiếp xúc hôm thứ Hai diễn ra một cách tốt đẹp:

“Sau khi giới thiệu phái đoàn mỗi bên thì ông Zimeray nói rằng chính phủ Pháp và ngài tổng thống đã nhận được thư  yêu cầu của chúng tôi và buổi họp mặt hôm nay là để bàn sâu hơn. Chúng tôi cũng đã trình bày rất rõ rằng chúng tôi không hề muốn tị nạn mà chỉ muốn xin cư trú tạm một thời gian cho tới khi nào chính phủ của chúng tôi cho phép chúng tôi tu học chung với nhau ở Việt Nam thì chúng tôi sẽ lập tức trở lại Việt Nam.

Ông Francois Zimeray bày tỏ sự đồng cảm và chia sẻ chân thành. Ông nói Pháp là quê hương của nhân quyền, Pháp hiện tại đang có mối liên hệ rất tốt và đang là nơi hướng về của những người hoạt động những người muốn nuôi lớn ý thức về nhân quyền và những giá trị khác của con người. Vì vậy biết chuyện này thì Pháp chia sẻ rất sâu sắc và sẽ làm hết sức của mình để mà có thể bảo bọc được cho chúng tôi.

Và một điều quan trọng làm cho chúng tôi cảm động, đó là đặc sứ nhân quyền Pháp nói rằng chúng tôi đừng bỏ cuộc, những con người như vậy ban đầu thường gặp khó khăn, và để mà làm được việc này nước Pháp cũng gặp nhiều khó khăn, vì vậy ông yêu cầu chúng tôi đừng bao giờ bỏ cuộc. Chúng tôi có niềm tin là sau cuộc gặp gỡ này sẽ có một giải pháp tốt đẹp cho các thầy các sư cô ở bên nhà.”

Cư trú tạm thời

Nếu được chính phủ và Bộ Ngoại Giao Pháp cấp visa tạm trú, các tăng sinh Bát Nhã sẽ qua nương náu tại Tung Tâm Làng Mai ở Paris trong một thời gian để cùng nhau tu học mà chính phủ sở tại không phải lo lắng cưu mang họ về mặt đời sống. Sư cô Elizabeth Giác Nghiêm khẳng định như vậy:

“Chúng tôi tuyệt đối không khẩn cầu chính phủ Pháp giúp đỡ về tiền bạc hay những thứ khác vì các tăng thân Bát Nhã sẽ tạm trú trong Trung Tâm Làng Mai của chúng tôi tại Pháp, sẽ sinh hoạt sẽ tu học theo cung cách chúng tôi đang sinh hoạt ở đây.

Dù gặp khó khăn bên Việt Nam nhưng các tu sinh Bát Nhã không có ý muốn xin tị nạn tại Pháp đâu, họ sẽ trở về Việt Nam  nếu được cho tu học cùng nhau tại Việt Nam.”

Theo như tinh thần của buổi họp và phản hồi của Bộ Ngoại Giao Pháp thì chúng tôi thấy có vẻ như Pháp sẵn sàng đón nhận chúng tôi.

Thầy Trung Hải

Sư cô Elizabeth Giác Nghiêm cũng bày tỏ niềm hy vọng ngày 31 tháng 12,  tức ngày các tăng sinh Bát Nhã bắt buộc phải ra khỏi chùa Phước Huệ, không phải là những ngày cuối củng của tăng đoàn Làng Mai ở Việt Nam.

Hầu hết mấy trăm tăng sinh Bát Nhã, dù bị đánh đập bị sỉ nhục và bị xua đuổi, không ai muốn rời bỏ Việt Nam. Đại diện của họ là thầy Trung Hải nhắc đi nhắc lại như vậy khi được hỏi liệu chuyện vận động sự can thiệp từ chính phủ Pháp có mang lại giải pháp nào không:

“Theo như tinh thần của buổi họp và phản hồi của Bộ Ngoại Giao Pháp thì chúng tôi thấy có vẻ như Pháp sẵn sàng đón nhận chúng tôi và đã bàn tới giải pháp làm loại visa nào cho những người này và bàn tới những vấn đề chi tiết hơn.

Bên Bộ Ngoại Giao Pháp cũng đã hướng dẫn chúng tôi những bước cần thiết nhưng mà chúng tôi xin lỗi là chưa thể thông báo được những nội dung cụ thể đã bàn. Chúng tôi có hứa với họ như vậy.

Thực sự chúng tôi cũng biết điều kiện thực  tế rất khó, thời gian này là thời gian nghỉ lễ, và nước Pháp hiện tại cũng đang lo rất nhiều việc trong các quan hệ quốc tế khác. Chúng tôi làm hết sức những gì mình có thể thôi.”

Và có một niềm hy vọng cao hơn mà thầy Trung Hải và những anh chị em tăng thân của ông ở Việt Nam muốn mọi người hiểu là:

“Một hy vọng mà chúng tôi đặt cao hơn là hy vọng nhờ vào tiếng nói của người Pháp, của chính phủ Pháp, mà những bậc đang lãnh đạo  đất nước của chúng tôi hiểu được nguyện vọng của những người trẻ chúng tôi mà mở một con đường.

Chúng tôi hoàn toàn không muốn rời khỏi đất nước, chúng tôi không muốn tạo  ra một tiền lệ rằng cứ khi nào gặp kháo khăn thì chạy ra khỏi đất nước. Nhưng chúng tôi thấy nếu ở trong nước thì chúng tôi sẽ không có cơ hội để tu tập không có cơ hội nuôi dưỡng cái lý tưởng bất bạo động và cái lý tưởng phụng sự của mình.

Chúng tôi đang chịu rất nhiều sức ép và chúng tôi chỉ muốn một điều là nhờ vào những cái này mà chính phủ của chúng tôi nghĩ lại khi muốn đuổi những đứa con của mình ra khỏi gia đình của mình. Đó là hy vọng lớn nhất của chúng tôi.”

Với  sư cô Elizabeth Giác Nghiêm, những tăng thân trẻ tuổi của Bát Nhã đáng khâm phục và cần được cứu vớt qua cơn hoạn nạn. Theo sư cô, họ đã chứng tỏ được tinh thần vô uý bất bạo động trước những người sẳn sàng đẩy họ vào nghịch cảnh, liên tục sỉ nhục, thậm chí khạc nhổ lên đầu lên mặt trong lúc họ tọa thiền để lắng tâm và cầu nguyện.

Theo: rfa.org/vietnamese