Văn hóa ở nơi cửa chùa

Hàng nghìn năm nay, ngôi chùa đã trở thành hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống và tâm thức của mỗi người Việt Nam, nhiều ngôi chùa còn là địa chỉ văn hóa - lịch sử, nơi lưu giữ một số giá trị vật chất - tinh thần của quá khứ... nên đã trở thành địa chỉ để du khách đến thăm. Với nhiều người Việt Nam, chùa là không gian "linh thiêng", an lành, ở đó sự ồn ào, náo nhiệt của cuộc sống, những vật lộn, bon chen, và giận dữ, khổ đau của cuộc đời dường như đã bị đẩy lùi.

Khi qua tam quan vào tiền đường, chính điện... khung cảnh tĩnh lặng của ngôi chùa có thể khiến cho mỗi người, dù là tín đồ hay không, cũng cảm thấy "cái tâm" bình an, thanh thản. Nhưng dăm năm trở lại đây, cùng với việc người đến thăm viếng chùa ngày một đông đảo, nhất là vào ngày rằm, mồng một hằng tháng, những tháng đầu năm mới, vào mùa Vu Lan,... thì vẻ thanh tịnh, tôn nghiêm của nhiều ngôi chùa đang bị xáo trộn. Vốn biết cửa chùa luôn rộng mở, không phân biệt tuổi tác, không phân biệt kẻ hèn người sang, nhưng không hiểu vô tình hay cố ý, mà một số người đã mang theo cả thái độ, hành vi thiếu nghiêm túc, thậm chí phản cảm, thiếu đứng đắn, vào trong chùa. Nhiều người coi chùa chiền như nơi chốn để họ thoải mái thể hiện bản thân. Trong một lễ cầu siêu cho vong linh Anh hùng liệt sĩ ở tỉnh nọ, có sự hiện diện của khá đông đại biểu, người ta thấy vài ba nhóm thiếu nữ mặc váy ngắn cũn cỡn, đi lại thoải mái, cười cợt, õng ẹo với các chàng trai ăn mặc thiếu lịch lãm. Rồi trước bàn thờ Tam Bảo của ngôi chùa khác, có vị bệ vệ, quần áo sang trọng, đi đi lại lại và hét vào điện thoại di động các câu nói thiếu văn hóa. Rồi ngày rằm tháng giêng, ở một số ngôi chùa, mọi người không nhường nhịn mà chen lấn, xô đẩy, giẫm đạp lên nhau để vào được bên trong nhà Tổ, để chộp túi lộc mà sau lễ cầu an nhà chùa chia phần cho chúng sinh. Có người đến chùa còn tự do ăn uống, nghỉ ngơi ở bất cứ vị trí nào. Bên các hàng cột, bên các lối đi, hay giữa thảm cỏ trong vườn chùa, là vỏ bánh kẹo, vỏ lon bia, lá gói bánh, túi ni-lông... vứt bừa bãi hoặc chất thành đống. Tùy vị trí của từng ngôi chùa ở trên núi cao hay dưới đồng bằng mà quạt giấy, quạt nan, gậy chống... bỏ lại chỏng chơ. Thêm nữa là sự cố xảy ra từ việc hóa vàng mã, thắp hương ở một số ngôi chùa đã buộc nơi quản lý di tích phải treo hay dán những tấm biển, tờ giấy ghi rõ "đề nghị quý khách không thắp hương", "cấm đốt vàng mã"... bên bàn thờ. Có lẽ vì thế, có người mang hương ra cắm ở các gốc cây, cột đá, tường rào, rồi xì xụp khấn vái, khiến có người lần đầu đến thăm lại lầm tưởng đó cũng là nơi thờ một vị thần thánh nào đó. Rồi người này theo người khác, nối tiếp nhau bày biện hương hoa, để sau khi họ rời khỏi chùa, nơi ấy trở thành bừa bộn.

Các hiện tượng trên, trước hết có căn nguyên từ việc du khách đến chùa chưa ý thức được cần phải ứng xử như thế nào cho phù hợp với một cơ sở thờ tự trang nghiêm, phù hợp với các chuẩn mực ứng xử ở nơi công cộng. Một điều dễ nhận thấy là ở một số ngôi chùa, vai trò của ban quản lý cũng như của chính nhà chùa đối với hành vi thiếu văn hóa - văn minh của người đi lễ còn khá mờ nhạt. Ở một số nơi, công việc của ban quản lý, của người có trách nhiệm là ghi chép danh sách người đăng ký làm lễ và thu tiền công đức. Ở nơi khác thì ngày thường cũng như ngày lễ, ít thấy thành viên ban quản lý yêu cầu người đi lễ hành xử sao cho lịch sự, cũng như góp ý đâu là cách thức bày tỏ lòng thành kính khi vào chùa. Ðó cũng là lý do khiến người đi chùa còn thiếu ý thức đã không bị khiển trách, nhắc nhở. Vì thế, trước khi dư luận tỏ thái độ không đồng tình với một số du khách nước ngoài ăn mặc, đi lại, nói năng chưa nghiêm túc khi vào chùa, thì nhiều người trong chúng ta cũng cần phải nghiêm khắc với chính mình để nhận được sự tôn trọng của du khách.

Trong thực tế, người đến chùa có thể vì các mục đích khác nhau. Có người đến để cầu xin sự chở che của Ðức Phật, có người đến để tham quan nơi danh lam thắng cảnh, có người muốn giữ cho thân tâm luôn được an lạc... Thiết nghĩ, dù mục đích thế nào thì ngoài việc mỗi người cần có hiểu biết nhất định về chùa và Ðức Phật, thì mỗi người cũng cần trang bị cả năng lực tự ý thức về trách nhiệm của mình trong mỗi hành vi ứng xử nơi công cộng, tại các địa danh văn hóa - lịch sử, tránh những biểu hiện tiêu cực đáng chê trách.

NGUYỄN KIM