Ly kỳ bảo vật Việt Nam - Chuông đồng bị... khoan đỉnh

image

Một quả chuông đồng được đúc dưới thời vua Quang Trung, tuy không phải chuông lớn, nhưng có điểm đặc biệt là khi đánh lên lại có tiếng ngân vang xa kỳ lạ.

Làng La Chữ, thuộc xã Hương Chữ, huyện Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên - Huế) nằm cách trung tâm TP Huế khoảng 7 km. Đây là ngôi làng còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Bên cạnh hệ thống đình làng, miếu mạo cổ kính..., chùa làng La Chữ cũng là một trong những điểm văn hóa cổ xưa đáng chú ý. Trong chùa hiện còn có một quả chuông đồng được đúc vào thời Tây Sơn, với nhiều dấu ấn văn hóa độc đáo.

Quả chuông được đúc vào năm Quang Trung thứ 4 (1791), do vợ chồng võ tướng Điện tiền Thái bảo Ngự giá Quận công Võ Văn Dũng, một vị võ tướng dưới triều Tây Sơn cùng với nhạc phụ (bố vợ) là ông Lê Công Học đứng ra làm hội chủ cúng dường. Chuông cao 0,92m, đường kính miệng chuông 1,78m.

Đây là quả chuông chùa độc đáo và kỳ lạ nhất ở Huế vì các hoa văn trên chuông không hề mang nặng dấu ấn của văn hóa Phật giáo mà được trang trí bằng bộ “Tứ thời”: Xuân - Hạ - Thu - Đông. Theo đó, các hoa văn, họa tiết được trang trí theo các ô: ô Xuân tượng trưng cho sự mềm mại của phái đẹp với các hoa văn như lược sưa, lược dày, gương hoa; ô Hạ được trang trí ngọn lá và thanh gươm, biểu thị cho sự quyết liệt của các đấng mày râu; ô Thu có hai bầu rượu quấn dải lụa mềm mại; ô Đông trang trí hình chiếc quạt lá vả và cuốn sách. Dưới các ô có hình 8 vị võ tướng tay cầm khí giới.

Các hoa văn độc đáo trên chuông với các ô Xuân - Hạ - Thu - Đông

“Thiến” chuông để khỏi vang đến tai vua

Theo các bô lão trong làng cho biết, võ tướng triều Tây Sơn Võ Văn Dũng lấy bà Lê Thị Vi là con gái thuộc dòng họ Lê của làng La Chữ. Làng La Chữ đã có nhiều công đóng góp cho triều đình và ngược lại, võ tướng Võ Văn Dũng cũng là người con rể có nhiều công lao được dân làng yêu quý. Sau khi triều Tây Sơn định đô ở Phú Xuân đã cho xây dựng tại làng La Chữ một dinh trấn lớn do võ tướng Võ Văn Dũng trấn thủ. Thời điểm này, làng La Chữ có mua 40 sào ruộng của làng An Đô bên cạnh. Sau khi triều Tây Sơn đặt dinh trấn tại đây, làng đã hiến toàn bộ 40 sào ruộng đó cho triều đình để làm bãi luyện voi. Nữ tướng Bùi Thị Xuân chính là người đã phụ trách công tác huấn luyện voi chiến tại đây. Qua bao nhiêu biến thiên của lịch sử, đến nay bãi luyện voi của triều Tây Sơn vẫn còn dấu tích, với những vũng voi nằm vẫn lún sâu xuống đồng ruộng thành những vũng lớn.

Đến khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua (năm 1802), để “xóa sổ” những tàn tích của vương triều cũ, ngoài việc phá hủy tông miếu, mồ mả... nhiều giá trị văn hóa của triều Tây Sơn theo đó cũng bị nhà Nguyễn trưng thu, phá hủy. Đặc biệt, các loại hiện vật bằng đồng đa số đều được trưng dụng làm nguyên liệu để đúc vũ khí. Thế nhưng, chính sự gắn bó của làng với vương triều Tây Sơn trước đó nên dân làng La Chữ lúc ấy vẫn có nhiều biện pháp đặc biệt để bảo vệ quả chuông “thoát nạn” tận diệt của nhà Nguyễn.

Ông Lê Công Mầu - một bô lão nguyên là giáo viên dạy văn của trường Quốc học Huế, từng làm trưởng làng, cho biết quả chuông đồng này tuy không phải chuông lớn, nhưng có điểm đặc biệt là khi đánh lên lại có tiếng ngân vang xa kỳ lạ. Tương truyền, sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi, các bô lão trong làng sợ tiếng chuông vang đến tai vua và bị tịch thu bèn cho “thiến” chuông nhằm giảm bớt tiếng vang. Đó là cách khoan trên đỉnh nhiều lỗ, rồi trám chì vào. Sau đó, dân làng vẫn chưa yên tâm nên đã tự xóa nhòa tên của võ tướng Võ Văn Dũng vốn được khắc trên thân chuông. Mỗi lần có quan binh triều Nguyễn đến lùng sục trong làng, các bô lão đã mang chuông giấu xuống giếng làng rồi dùng cây cối che khuất để ngụy trang, không cho quan binh nhìn thấy. Chính vì thế mà trải qua nhiều thăng trầm, đến nay quả chuông quý vẫn còn được lưu giữ tại chùa làng La Chữ.

Theo: thanhnien.com.vn