Thương mại hóa Thiếu Lâm Tự: Lợi hay hại?

Ngôi chùa Thiếu Lâm, tọa lạc tại xã Đăng Phong, thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) là nơi rất yên bình và là chiếc nôi của môn phái võ Thiếu Lâm từ hơn ngàn năm qua. Nhưng giờ đây nhà sư Thích Vĩnh Tín - trụ trì chùa - lại biến ngôi chùa được xây dựng vào năm 495 này thành điểm du lịch và vì vậy mà ông trở thành tâm điểm của sự chỉ trích.

Nhà sư Thích Vĩnh Tín bị phê phán là chạy theo mục đích thương mại một cách thái quá. Dự án kinh doanh gây tranh cãi mới nhất của "Giám đốc chùa Thiếu  Lâm" là biến nơi thờ Phật thành điểm du lịch “đẻ trứng vàng”. Cụ thể là chính quyền xã Đăng Phong đã liên kết với Cục Du lịch Trung Quốc xúc tiến một dự án du lịch liên danh sử dụng tên chùa Thiếu Lâm. Công ty mới này được thiết lập nhằm quảng bá văn hóa Thiếu Lâm và du lịch tới Tung Sơn.

Nhà sư Thích Vĩnh Tín bắt đầu trụ trì chùa Thiếu Lâm từ năm 1999. Ý tưởng táo bạo của ông khiến nhiều người nghi ngại rằng phải chăng nhà sư muốn thương mại hóa một di sản cổ đại của Trung Quốc. Song, lên tiếng bảo vệ cho các dự án kinh doanh của mình, nhà sư đã tuyên bố: “Chùa Thiếu Lâm là chiếc nôi của võ thuât vì thế chúng ta phải có trách nhiệm lớn trong việc quảng bá kung fu”.

Đây không phải là lần đầu tiên nhà sư Thích Vĩnh Tính trở thành tâm điểm của sự chỉ trích. Cách đây hai năm nhà sư 44 tuổi này đã bị chỉ trích dữ dội khi nhận một chiếc ô tô sang trọng như hình thức để “thưởng” cho những đóng góp tích cực đối với nền du lịch bản địa. Cách đây vài ngày, nhà sư trụ trì này - đồng thời còn là Phó Chủ tịch Hội Phật giáo Trung Quốc - lại ở thế thủ khi có nhiều thông tin nói rằng chùa Thiếu Lâm sẽ được cổ phần hóa. Nhà sư Thích Vĩnh Tín đã ra sức bác bỏ “tin nhiễu” về việc ngôi chùa sẽ được “góp vốn” vào một công ty du lịch và sẽ lên sàn giao dịch vào năm 2011 cả ở Hong Kong và Trung Quốc. Theo nhà sư, mục đích chính của ông là “tổ chức các hoạt động tôn giáo nhằm đáp ứng nhu cầu của các tín đồ”.

Chùa Thiếu Lâm đã là chủ đề của nhiều bộ phim võ thuật Hong Kong và Trung Quốc. Ở hải ngoại ngôi chùa này nổi tiếng nhất sau khi làm bối cảnh cho serie phim truyền hình trong những năm 70 do cố diễn viên Mỹ David Carradine thủ vai chính. Cũng như hầu hết các ngôi chùa khác ở Trung Quốc, Thiếu Lâm tự đã bị hủy hoại nặng và bị đóng cửa vào thời Cách mạng Văn hóa (1966 -1976). Ngôi chùa đã được khôi phục lại mặc dù không còn là một nơi thờ Phật đúng nghĩa như nhiều người mong đợi.


Dù chỉ trích thế nào thì người ta cũng không thể phủ nhận được công lao quảng bá kung fu của nhà sư Thích Vĩnh Tín. Thành phố Trịnh Châu hiện có hơn 80 câu lạc bộ võ thuật và trường dạy võ với hơn 6.000 môn đệ. Năm ngoái, chùa Thiếu Lâm đón hơn 1,6 triệu lượt khách tham quan và tháng 3/2006 Tổng thống Nga Vladimir Putin là nguyên thủ quốc gia nước ngoài đầu tiên tới thăm Thiếu Lâm tự.

Nhờ vào cách tiếp thị khôn ngoan của nhà sư trụ trì mà giờ đây bất cứ công viên chủ đề nào ở Trung Quốc cũng không thể theo kịp bảng thành tích thương mại của Thiếu Lâm tự. Năm ngoái, ngôi chùa được lấy làm bối cảnh cho phim sử thi võ thuật với kinh phí dàn dựng gần 20 triệu USD mang tựa đề Thiếu Lâm của đạo diễn Benny Chan với sự tham gia diễn xuất chính của các huyền thoại điện ảnh Hong Kong Thành Long, Lưu Đức Hoa và Tạ Đình Phong cùng ngôi sao Trung Quốc Phạm Băng Băng. Trung tâm Văn hóa Thông tin Chùa Thiếu Lâm Tung Sơn cũng sẽ hợp tác với Công ty Điện ảnh Emperor của Hong Kong và các tập đoàn Điện ảnh Trung Quốc là Huayi Brothers và Beijing Silver Moon Productions. Đây là một dự án có quy mô lớn và qua đó cho thấy nhà sư trụ trì chùa Thiếu Lâm rất cẩn trọng trong việc bảo vệ thương hiệu ngôi chùa.

“Chúng tôi không vội vã lao vào một dự án điện ảnh chỉ với mục đích thương mại. Phải mất một thời gian dài chúng tôi mới tìm được các đối tác phù hợp có đủ những yếu tố cần thiết cho một dự án mang tính quy mô”, nhà sư Thích Vĩnh Tín nói.

Cách đây bốn năm, chùa Thiếu Lâm đã tổ chức cuộc thi Tìm kiếm Ngôi sao kung fu toàn cầu trên truyền hình và qua đó tạo cơ hội cho những người thắng cuộc nhanh chóng trở thành ngôi sao. Tháng 6/2008, ngôi chùa này đã lập trang web để những người yêu thích võ thuật có thể mua các vật dụng để học và luyện võ. Rõ ràng Thiếu Lâm tự giờ đây vừa là chốn tâm linh nhưng cũng là nơi nhạy bén về thương mại.

Lương Tuấn Vĩ (TT&VH)