Cô giáo ưa cãi lộn


Trong trấn có một ngôi trường tiểu học. Trước đây vài năm, do giáo viên dạy kém chất lượng, nên lượng học trò cứ ít ỏi dần. Ông hiệu trưởng rất lấy làm đau đầu, dự định sẽ tuyển một đội ngũ giáo viên có chất lượng. Sau đó, ông đã mời thêm các giáo viên tốt nghiệp từ trường sư phạm để dạy tiểu học, nên thành tích của học sinh càng ngày càng cao. Bộ mặt của trường do đó càng ngày càng khả quan hơn.

Trong số những người mà trường bổ về có một nữ giáo viên giỏi. Có lẽ do điều kiện tìm việc không mấy khả quan nên cô mới đến trấn này để dạy học. Trình độ của cô rất cao, khả năng truyền đạt tốt, tuy còn trẻ nhưng cô rất được xem trọng. Mọi người hay kháo nhau rằng, cô này tương lai sẽ phát triển tốt. Ngoài ra, đối với mọi người cô đều rất nhiệt tình, nếu có chuyện gì nhờ giúp đỡ, chắc chắn cô sẽ dốc hết sức mình.

Tuy vậy, không phải cô giáo này không có khuyết điểm. Mà khuyết điểm lớn nhất của cô chính là tính nóng nảy. Cô lên lớp hay nặng nhẹ với học trò, khiến hiệu trưởng đã phải nhiều lần khuyên nhủ. Hễ nhìn thấy ai đó làm điều gì không đúng, dù không liên quan đến cô, cô vẫn đến góp ý, có khi còn cãi cọ to tiếng với mọi người.

Có hôm, cô giáo này gây sự với một người trong trấn. Người đó bảo cô hãy về mà kiểm soát lại hành vi bản thân. Cô về tới nhà, suy nghĩ xem mình có gì không đúng, bắt đầu phản tỉnh lại hành động từ trước tới giờ, rằng có làm gì sai không. Suốt đêm, cô xem xét lại những việc đã phát sinh trong giai đoạn này, cảm thấy mọi việc đều chính xác, không tìm được chỗ nào phạm lỗi cả.

Vì điều này mà cô cảm thấy khổ não, nên lên núi thỉnh giáo sư phụ Trí Duyên. Cô kể chuyện vừa mới xảy ra cho sư phụ nghe, kể xong mỗi câu chuyện, cô đều hỏi sư phụ, quan điểm của cô có chính xác không?

Sư phụ Trí Duyên gật đầu nhiều lần, đồng ý với tất cả quan điểm của cô.

Cô lại cảm thấy mình càng không có lỗi. Cô hỏi sư phụ, nếu như tất cả việc làm của cô đều chính xác, vậy thì tại sao có nhiều người không hiểu, lại còn hay gây sự với cô?

Sư phụ đáp: Tuy mỗi việc làm và suy nghĩ của cô đều đúng, nhưng phương pháp xử lý lại có vấn đề. Nếu không nghĩ đến việc mình làm có tổn thương đến lòng tự trọng của người khác hay không, thì làm càng nhiều, làm càng tốt, cũng trở nên vô ích.

Suy nghĩ có khi chính xác, kết quả chưa chắc đã chính xác. Khi xử lý một việc tranh luận, khiêm tốn để thể hiện ý kiến bất đồng của mình là điều vô cùng cần thiết.

Thánh Tâm dịch