VAI TRÒ PHỤ NỮ TRONG CỘNG ĐỒNG XÃ HỘI

Thời Đức Phật tại thế, bà Ma-ha ba-xà-ba-đề cùng với hằng trăm cung nữ ở thành Ca-tỳ-la-vệ đã được Đức Phật cho xuất gia và về sau, cũng đã có những vị Tỳ-kheo Ni chứng đắc Sơ quả cho đến quả vị A-la-hán. Như vậy, giáo đoàn của Đức Phật đã công nhận sự hiện diện của hàng Tỳ-kheo Ni, công nhận sự bình đẳng nam nữ trong mọi lĩnh vực, ngay cả sự chứng đắc Thánh quả. Đức Phật cũng khẳng định hàng nữ cư sĩ tại gia có thể làm công việc cứu nhân độ thế của Bồ Tát. Theo kinh điển Đại thừa, hàng tứ chúng của Đức Phật gồm có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo Ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di đều được coi là hiện thân của Bồ tát, nối hót theo Phật để tự tu tập rèn luyện bản thân, vừa làm lợi ích cho cuộc đời, xã hội.

Từ xa xưa, hàng nữ giới tu hành thời Đức Phật tại thế đã được ghi lại trong kinh điển Địa thừa, thể hiện sự hiểu biết trong sáng, năng lực siêu việt và đạo hạnh đáng kính ngưỡng. Đến đầu thế kỷ XX ở Việt Nam, nhiều tấm gương Ni giới làm nên đạo nghiệp, không những cho đất nước Việt Nam mà còn có tiếng vang toàn thế giới, như Ni Trưởng Diệu Tịnh, Ni trưởng Diệu Không, Ni trưởng Như Thanh, Ni trưởng Huỳnh Liên…đã khởi đầu cho việc hình thành và phát triển của Ni giới Việt Nam. Tính đấn nay, chư Ni đã xây dựng được giáo đoàn lên đến hàng vạn người.

Ngày nay, số lượng chư Ni ở Việt Nam đông hơn chư tăng, trong đó có nhiều vị tốt nghiệp học vị thạc sĩ, tiến sĩ. Vì vậy, thiết nghĩ chư Ni có thể tham gia vào mọi lĩnh vực hoạt động. Không luận là nữ lưu hay nam giới, bất kể là người xuất gia hay tại gia, đều có khả năng làm lợi ích chúng sanh, theo tinh thần của Kinh Hoa Nghiêm đã gợi mở. Có như vậy, chúng ta mới tận dụng được chất xám của tất cả mọi người thuộc mọi thành phần xã hội, vừa thể hiện được chân lý bình đẳng của Đức Phật dạy, vừa xây dựng thế giới Ta-bà được an vui và phát triển bền vững.

 

I.Những tấm gương phụ nữ trên thế giới

Rất nhiều những gương sáng tốt đẹp của phụ nữ trên thế giới trong những thập Niên vừa qua được toàn thể nhân loại biết đến như các bà: Nữ hoàng Anh, Thủ tướng Anh, Tổng thống Ấn Độ, Thủ tướng Ấn Độ, Thủ tướng Do Thái, thủ tướng Na Uy, Phó thủ tướng Úc Đại Lợi, Tổng thống Phi Luật Tân, Thủ tướng Pakistan, các bà Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, Đại sứ của Hoa Kỳ tại Liên Hiệp quốc…Phụ nữ đã tích cực góp phần xây dựng tiến bộ xã hội nền văn minh của nhân loại, có những vị lừng danh thế giới từ đầu thế kỷ XX đến nay. Họ hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau: chính trị, khoa học, giáo dục, nghệ thuật…Nổi bật là các tên tuổi như: Gloria Arroyo (Tổng thống Philippines), Hillary Clinton (Đệ nhất phu nhân Tổng thống Mỹ Bill Ckinton), nhà bác học Marie, Curie, Valentina Tereskova (nữ phi công đầu tiên bay vào vũ trụ), diễn viên marilyn Monroe (người phụ nữ hấp dẫn nhất thế kỷ XX), Công nương Diana, Tống Khánh Linh… (Những Người Phụ Nữ Lừng Danh Trên Thế giới của Trần Mạnh Thường)

II.Phụ nữ trong công tác giáo dục

Trong lĩnh vực giáo dục, phụ nữ chiếm đa số thành phần giảng dạy ở bậc trung tiểu học, đặc biệt ở nước ngoài phụ nữ chiếm tỷ lệ trên 50% cán bộ giảng dạy ở Đại học và các trường Cao Đẳng Kỹ thuật và các ngành khác như y tế, thương mại, tài chánh, dịch vụ cộng đồng, sắc tộc…Nổi bật về giáo dục, chúng ta thấy có bà Bishop là Bộ trưởng giáo dục của Liên bang Úc Châu trong suốt ba nhiệm kỳ của Thủ tướng John Haward. Bà đã đưa ra chính sách giáo dục rất hữu hiệu nhằm đào tạo nhân tài cả về mặt khả năng chuyên môn và đạo đức, trong đó bà ban bố nghị định thư mời các tôn giáo đến dạy giáo lý và đạo đức cho các học sinh từ tiểu học cho đến đại học. Đây là việc làm hết sức quan trọng mở ra đường hướng thoát khỏi sự suy sụp về mặt tinh thần và đạo đức trong xã hội, nhất là trong giới trẻ. Người ta ghi nhận có đến 30% nam nữ sống với nhau nhưng không sống chính thức như là vợ chồng chỉ là “ bạn trai-ban gái” (Boy Friend- girl friend) trong xã hội Tây phương, và hơn 50% ly dị trước 10 năm kể từ khi họ chính thức lấy nhau. Điều đó đã để lại xã hội rất nhiều hệ quả nghiêm trọng. Do vậy đưa ra biện pháp giáo dục tôn giáo và đạo đứctrong học đường là một nhiệm vụ vô cùng tốt đẹp và bức thiết. Phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong nhiệm vụ ấy.Phụ nữ vừa là người mẹ, người thầy trong công việc quản lý, giáo dục con cái trong gia đình không phạm tội và các tệ nạn xã hội.

Tại Việt Nam, mặc dù giáo dục đạo đức đã đưa vào học đường từ tiểu học, nhưng trong thời đại ngày nay, các vấn đề về cướp giật, giết người, lừa gạt, tham ô, hối lộ vẫn là vấn đề bức thiết cần giải quyết triệt để. Do đó, nhiệm vụ giáo dục nói chung hay giáo dục đạo đức xã hội nói riêng không chỉ là vấn đề cá nhân của bất kỳ ai mà vấn đề của tất cả mọi người.

III. Phụ nữ trong lĩnh vực Tôn giáo

Về mặt tôn giáo, phụ nữ có một đức tính đặc biệt bẩm sinh đó là đức tính từ bi.Các bạo chúa đa phần là người nam như Thành Các Tư Hãn, Hitle, Tần Thủy Hoàng, Mut…Từng giết hàng triệu người, phụ nữ không có tính hiếu sát như thế. Do đó, đức tánh từ bi vốn rất quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống, giáo dục, xã hội hay tôn giáo.

Ở Trung Quốc, thời Lục tổ Huệ Năng có Hoàng đế Võ Tắc Thiên khi đọc kinh Hoa Nghiêm phẩm Nhập Pháp Giới đã đề bốn câu kệ:

Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp,

Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ,

Ngã kiêm kiến văn đắc thọ trì,

Nguyện giải Như Lai chơn thật nghĩa.

Từ đó đến giờ, nhiều vị giảng sư đại đức chưa ai sửa một chữ nào và chúng ta vẫn tụng mỗi ngày cho đến ngày nay, không thiếu một ý, không dư một ý. Bà hiểu thâm sâu Phật pháp hoàn toàn tuyệt vời. Chúng ta nghĩ rằng lòng từ bi của đức Thế Tôn rất bao la vô lượng, ngày đã chấp nhận và tạo điều kiện cho người nữ tu học, vai trò người nũ được năng lên vô tiền khoáng hậu mà chưa một tôn giáo nào sánh bằng Phật giáo. Anh-giáo của nước Anh có thể tôn người nữ làm Linh mục nhưng không thể cho người nữ làm Giám mục, trong khi đó trong giáo pháp đức Thế Tôn chấp nhận phụ nữ có khả năng chứng tứ quả A-la-hán, là quả vị cao nhất trong thời đó. Kinh Pháp Hoa nói Long nữ tám tuổi chứng quả Phật rất nhanh, trong kinh Thắng Man Phu Nhân, những lời đối đáp giữa Đức Phật và Thắng Mang phu nhân cho thấy trí tuệ tuyệt vời của bà thì chỉ là những vị thị hiện làm người nữ mới làm được điều đó.

Trong thế kỷ XXI, vai trò phụ nữ càng rõ ràng hơn. Tại Đài Loan các nữ tu Phật giáo đã đóng góp rất tích cực trong mọi lĩnh vực sinh hoạt tôn giáo và cộng đồng xã hội, điển hình như Hội Phật Quang Sơn trên thế giới do HT. Tinh Vân sáng lập, chu Ni đã có công sắp xếp hoàn tất bộ Phật Quang Đại Từ Điển trong 10 năm. Hội Từ Tế do Pháp sư Chứng Nghiêm thành lập tại Đài Loan sớm nhanh chóng lan rộng khắp nơi trên thế giới. Một hội từ thiện giáo dục rất quy mô về hình thức cũng như về nội dung với những thành quả rực rỡ.

Trên đây là xét nữ tu ở ngoại quốc, còn trong nước Việt Nam trong những năm qua, Nữ tu cũng làm nên nhiều Phật sự đặc biệt. Các vị Ni trưởng đã cống hiến trọn đời mình cho đạo pháp, Ni trưởng Diệ Tịnh, Ni trưởng Như Thanh, Ni trưởng Diệu Không. Các vị đã thành lập nhiều trường Phật học và các tự viện cho Ni chúng, đồng thời cũng góp phần trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trong thời kỳ đất nước bị xâm lăng.

Ni trưởng Diệu Không xuất thân từ một gia đình danh gia vọng tộc, nhằm buổi giao thời giữa hai nền văn hóa, nên thiếu thời Ni trưởng đã được hấp thụ một nền giáo dục dung hòa cả hai truyền thống Đông, Tây. Từ nhỏ Người đã có chí hướng muốn góp phần nhỏ trong việc bảo tồn và phát huy truyền thống Á Đông, nêu cao tính bình đẳng nam nữ cũng như tìm cầu giáo lý Phật-đà.

*Ni trưởng đã dịch thuật các bộ Kinh Luận như:

1.Thành Duy Thức Luận Thuật Lý.

2.Du Già Sư Địa Luận.

3.Đại Trí Độ Luận.

4.Hiện Thực Luận.

5.Trung Quán Luận Lược Giải.

6.Kinh Lăng Già Tâm Ấn.

7.Kinh Duy Ma Cật.

Với cuộc đời hành đạo đáng khâm phục và đã để lại cho đời nhiều thành tựu như vậy, Ni trưởng Diệu Không đã cảm hóa và tiếp độ nhiều đệ tử. Rất nhiều đệ tử của Ni trưởng đã thành công trong sự nghiệp hành đạo của mình, phải kể đến trước tiên là Ni trưởng Trí Hải, bậc giáo thọ sư đáng kính trọng tại Đại học Vạn Hạnh có những trước tác giá trị nổi tiếng. Ngoài những hoạt động giáo dục, hoằng pháp, Ni trưởng còn dành nhiều thì giờ cho việc phiên dịch, biên soạn và in ấn kinh điển để giúp Tăng Ni, Phật tử có thêm tài liệu nghiên cứu học tập, mà tổng số lên cả trăm tác phẩm. Đặc biệt nổi tiếng là những bản dịch:

*Câu Chuyện Dòng Sông của đại văn hào Hermann Hesse,

*GanDhi Tự Truyện,

*Câu Truyện Triết Học

*Thanh tịnh Đạo Luận

*Thắng Man

*Tạng Thư Sống Chết

*Giải Thoát trong Lòng Tay.

Ni trưởng còn trước tác một số tác phẩm, quan trọng nhất là các bản toát yếu Kinh trung Bộ (3 tập).

Ni trưởng Trí Hải như một đóa Ưu đàm tươi thắm ngát hương chợt bị bão tố vô thường cuốn đi vào cõi vô cùng để lại bao nỗi ngậm ngùi tiếc thương. Nhưng không hương vẫn thơm ngát bay khắp muôn phương, đó là hương giới đức, hương định tuệ, hương giải thoát của một đời Ni trưởng.

Ngoài tấm gương của một số vị Ni trưởng có quá trình hành đạo nổi bật vẻ vang trong lịch sử Phật giáo nước nhà, còn rất nhiều tấm gương các vị Ni trưởng, Ni sư đã góp phần không nhỏ trong sự nghiệp hoằng pháp độ sanh như Ni trưởng Đàm Thanh, Ni trưởng Như Lý, Ni trưởng Liễu Tánh, Ni trưởng Thể Thanh, Ni trưởng Như Hải…Đó là Chư Tôn đức Ni theo Phật giáo Bắc Tông suốt đời vì đạo, vì đời mà vong kỷ, lợi tha./.

* Thích Nữ Xuân Liên

(Trích tham luân Hội nghị Phật giáo thế giới lần thứ XI tại Tp. Hô Chí Minh, Viêt Nam)