Củng Cố Cấp Bách Trên Nền Tảng Tăng Đoàn

alt

Nhận định tổng quan của hàng ngũ Tăng bảo từ thời đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, cho đến những thế kỷ và năm tháng cận đại, chúng ta đại diện cho hàng ngũ “Chúng Trung Tôn”, “Sứ giả Như Lai” trong thời cận đại. Nếu chúng ta cung tâm mà xét: “Như thị quán” từ thời đức Phật, chư Tổ cho đến ngày nay, cần rút ra con số chính thức về ưu, khuyết điểm của số lượng và chất lượng của nhị Bộ Đại Tăng để làm bài học cho Tăng đoàn trong hiện tại và mai hậu.
Thời đức Phật còn tại thế hàng Tăng bảo căn tánh lanh lẹ, phước trí nhị nghiêm, giới thể tròn đầy, tu chứng rõ rệt (thời chánh pháp). Vì thế đức Phật khai ngộ, độ mê đạt đến lý chơn thường, phổ độ quần sanh rất thuận duyên. Bởi thế sau mười hai năm chứng quả vô thượng Bồ Đề, hàng tứ chúng đệ tử của Phật, gồm thánh Tăng và phàm Tăng, nhóm phàm Tăng thường phạm phải “thập triền, thập sử tức thành hữu lậu chi nhân” tam độc ngũ dục chưa đoạn trừ căn tội, nên thường xảy ra những lỗi lầm đáng tiếc. Bởi thế, đức Phật tùy bệnh nhân (tâm thân bệnh) Ngài chế ra giới luật để đối trị bệnh nhân (danh, chủng, tánh, tướng) để phân định căn bệnh nặng nhẹ (khai, giá, trì, phạm) bằng cấp bậc của giới Ngài chế định về "Thanh văn giới", (chỉ, trì, tác, phạm) và Bồ Tát thông hành giới là giới đại thừa (tác,trì, chỉ, phạm) chỉ bậc tu chứng (Phật) mới kham nhiệm “Hòa Thượng đường đầu”. Ngoài ra, Ngài đem sở tu, sở chứng để hoằng hóa độ sanh suốt chiều dài lịch sử 45 năm đi khắp ngũ ấn để cứu độ chúng sanh đủ bốn giai cấp Bà la môn, Sát đế lợi,Tỳ xá,Thủ đà la. Việc hoằng hóa độ sanh của Ngài đã đưa nhân loại số đông phước trí nhị nghiêm, trí tánh thường minh đạo tâm bất thối, kết thành tinh hoa bằng kim ngôn vô giá bởi “Bởi tam tạng giáo điển”- ngày hôm nay ta được thừa hưởng. Tuy nhiên, "nếu phải đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai" trên đường hành đạo của Ngài cũng gặp lắm chông gai, như nhóm lục sư phá hoại, Đề Bà Đạt Đa chống đối và muốn tiêu diệt đạo giải thoát của Ngài. Chẳng những Ngài không tị hiềm với phần tử trên, mà Ngài vận sức Từ Bi, Trí Tuệ để chinh phục hàng ngoại đạo, ma quân, trở về với con đường chân, thiện, mỹ, tự tại giải thoát và giác ngộ. Đức Phật còn khẳng định "nếu không có Đề Bà Đạt Đa phá hoại thì Ngài khó thành đạo sớm".
Qua tấm gương "tứ vô lượng tâm" (từ, bi, hỷ, xả) của đức Phật, hàng Tăng bảo trong thời cận đại của chúng ta, cần học hỏi và hành trì, thực hiện yếu lý nào để áp dụng cho cuộc sống đời thường và đồng trị tâm bệnh của chúng ta, hầu đem lại niềm tin đối với hàng tứ chúng và xứng danh là "Trưởng Tử Như Lai", "Truyền ĐăngTục Diệm", "Kế Thế Khai Lai"…?
Ngày đức Phật sắp "song lâm tịch diệt" Ngài gọi tứ chúng đệ tử Phật để giáo thị lần cuối. Ngài A Nan bạch Phật: "Ngài đã là pháp thân, kim thân chứng quả vô thượng bồ đề thì chỗ đến, chỗ đi Ngài tự tại vô ngại, xin Ngài hoãn lại một thời gian để cứu độ cho chúng sanh đang trầm luân trong biển sanh tử. Ngài trả lời là thân tứ đại phải trả về cho tứ đại, nay ta đã tròn đủ 80 tuổi đối với định luật của cuộc đời không ngoài luật sanh, lão, bệnh, tử. Dù ta có sống thêm trăm tuổi mà hành giả không lo công phu, tu tập, cầu thoát ly sanh tử thì sống thêm chẳng ích lợi là bao. Chi bằng khi ta nhập diệt mà các ông biết tôn trọng Ba la đề mộc xoa và giữ giới thanh tịnh đạo pháp sẽ được cửu trụ, "Tỳ Ni tạng trụ, Phật pháp cửu trụ, Tỳ Ni tạng diệt, Phật pháp diệc diệt".
Thật vậy! Cách Phật đã xa, Tăng đoàn thiếu tinh tấn, chuyên cần thanh tịnh. Vì thiếu "ngũ hạ dĩ tiền chuyên tinh giới luật, ngũ hạ dĩ hậu phương nải thính giáo tham thiền" thọ giới mà ít trì giới, hoặc thọ giới mà học giới chưa chuyên sâu, nên phạm giới và khuyết giới chúng ta không am tường, đây là một lỗi lớn cho hàng Tăng bảo và Bổn sư của giới tử "giáo bất nghiêm sư chi đoạ"!
Trong thời cận đại kinh tế thị trường mở cửa, tam độc, ngũ dục có chỗ dung thân, nào: tệ nạn xã hội, ma túy, bệnh thế kỷ, trà đình tửu điếm lan tràn và đang thiêu đốt nhân loại và tứ chúng đệ tử Phật hầu như bất trị, nếu không có "tam vô lậu học" kìm chế răng đe và chí hướng "xuất trần thượng sĩ". Hơn thế nữa, chúng ta luôn phản quang tự kỷ, "phát túc siêu phương, tâm hình dị tục, thiệu long thánh chủng, chấn nhiếp ma quân, dụng báo tứ ân bạt tế tam hữu". Cũng như "Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy" của người phát tâm xuất gia, xuất phiền não gia, xuất tam giới gia". Những yếu tố trên là dây thừng cột buộc chúng ta phải tuân theo quỹ đạo của đường giải thoát, giác ngộ vượt khỏi con đường sanh tử "sanh tử sự đại".
Ngoài ra, những sách lược hữu hiệu nhất, khi chúng ta được ở trong hàng tứ chúng "chúng trung tôn" hay "đấng lương cho Phật pháp" rất cần những bậc tài cao, đức trọng, biết đóng góp tài mọn của mình bằng thân giáo, khẩu giáo và ý giáo, biết hy sinh cái riêng để đóng góp cho cộng đồng, lợi lạc quần sanh. Đối với tự thân cần cầu tam bảo chứng minh, phát lồ sám hối, hạ thủ công phu, thọ trì giáo điển, tha lực tam bảo chứng minh gia bị cho ta "cải ác tùng thiện, tội tự tiêu diệt".
Trong thời cận đại này, "pháp nhược ma cường, Phật cao nhất xích, ma cao nhất trượng". Hãy trực nhân vô thường 'thị nhật dị quá,mạng diệt tùy giảm, như thiểu thuỷ ngư, tư hữu hà lạc, đại chúng đương cần tinh tấn, như cứu đầu nhiên đảng niệm vô thường, thận vật phóng dật".
Cầu chúc đại chúng hành giả an cư năm 2009 (PL.2553) phước trí nhị nghiêm, chánh y song vận, cửu trụ ta bà hóa độ quần mê, thân tâm an lạc.
HT. Thích Nguyên Trực