Vai Trò Của Trụ Trì


alt
Ngọn đuốc Chánh pháp được thắp sáng muôn nơi là do Tăng, Ni hoằng hoá. Khi một vị Tăng hay Ni đến trụ trì một ngôi chùa, tự, viện nào, thì vai trò hoằng pháp lợi sanh rất là trọng đại. Phải sống làm sao? Hoằng pháp như thế nào mà cả “trăm họ” đều cảm phục đức hạnh, tài năng của mình, để quy hướng tu tập theo giáo pháp của Như Lai và phụng trì ngôi Tam bảo mỗi ngày một hưng thạnh với địa phương mình đến. Đó là thể hiện vai trò “Trụ pháp vương gia, trì Như Lai tạng”.
Thế nên, vai trò của vị Trụ trì ở đây chính là sự nghiệp giữ gìn và phát huy giáo pháp của Như Lai. Đây là lý tưởng cao đẹp nhất của một vị Tăng sĩ.
Trụ: An trụ ở đời mà xây dựng ngôi nhà Chánh pháp.
Trì: Giữ gìn và phát huy giáo pháp của Như Lai.
Qua hai chữ “Trụ trì” chúng ta nhận thấy trách nhiệm hoằng hóa lợi sanh của một vị trụ trì trong một ngôi chùa rất là trọng đại, vì nó quyết định cả vận mệnh tồn tại và phát huy giáo pháp của một cơ sở giáo hội tại địa phương, chứ không phải về ở một ngôi chùa chỉ làm “ông từ” đốt nhang cho Phật.
Vậy, muốn phát huy sự nghiệp trí huệ của Phật Đà, điều trọng yếu là vị Tăng hay Ni ấy, tự thân giới hạnh phải trong sáng, phong cách phải đoan nghiêm, đời sống phải bình dị, chân thật… để làm bực mô phạm đạo đức cho hàng đệ tử và quần chúng. Trong đời sống phải thể hiện được tinh thần Bi –Trí - Dũng một cách nhuần nhuyễn, khéo léo, nhu cương đúng lúc, đúng việc, từ, nghiêm phân minh. Lại phải am hiểu tập quán tại địa phương, pháp luật Nhà nước, để tùy duyên hóa độ, phương tiện cảm hóa.
Đối với đệ tử xuất gia, phải dạy dỗ nghiêm minh. Nếu đệ tử phóng túng buông lung theo ngũ dục, thì phải trị phạt cho nghiêm, không thể để trở thành “ung nhọt” cho Tăng đoàn, tiếng nhơ cho đạo pháp, tiếng xấu cho Thầy Tổ “Giáo bất nghiêm Sư chi đọa”.
Khi làm Thầy độ đệ tử, phải dùng trí để khai tâm mở đạo, lòng từ để cảm thông tha thứ lỗi lầm, thường quan tâm đời sống lúc thân tâm bệnh hoạn… Nhưng có lúc phải dùng dũng khí để hàng phục con ma nghiệp chướng của đệ tử.
Xưa ở một ngôi chùa nọ, thường xảy ra mất trộm đồ đạc trong chùa, trong chúng phiền phức bất an… Nhưng nhiều lần bắt được thủ phạm là chú tiểu trong chùa, vị trụ trì nhiều lần quở phạt, nhưng “chứng nào tật nấy”, trong chúng hết chịu nổi bèn cùng nhau đắp y quỳ gối xin Thầy hãy đuổi “ông tiểu” tệ hại ra khỏi chùa, không thì chúng con sẽ ra đi, không thể ở chung với con người hư đốn ấy. Thầy trụ trì từ tốn, nghiêm nghị nói: “Các con đã đầy đủ Tăng tướng, đạo hạnh trong sáng, thì đi bất cứ nơi nào cũng có chỗ thâu nạp, cung kính cúng dường, Thầy đâu phải lo. Riêng chú Tiểu này, đạo hạnh khiếm khuyết, tánh nết xấu xa ai mà chứa chấp, không khéo chú sẽ trở thành sâu mọt trong xã hội. Thôi thì các con cứ ra đi, để Tiểu ở lại với Thầy.
Chú tiểu nghe được những lời Thầy dạy các sư huynh như thế, lòng chú xấu hổ cảm động… òa khóc nức nở, quỳ trước Thầy và đại chúng xin chặt một ngón tay, thệ nguyện từ nay không dám trộm cắp nữa, xin các sư huynh tha thứ cho đệ mà ở lại tu học cùng với đệ.
Qua câu chuyện trên đã thể hiện được tinh thần Bi –Trí - Dũng một cách tế nhị và sâu sắc của vị trụ trì. Người làm trụ trì cần phải có đủ tinh thần thủ, xả, nhân, minh. Nếu thiếu một trong bốn yếu tố ấy là nguy, còn thiếu hết, thì người làm trụ trì tất hỏng, sự hoằng hóa khó mà phát triển.
Có thể nói, tinh thần của đạo Phật là nhiếp hóa (cảm hóa và nhiếp phục). Muốn nhiếp phục quần chúng, trước phải tự nhiếp, sau đó mới nhiếp tha. Tự nhiếp: Chính bản thân mình phải tu dưỡng ba nghiệp, đạo hạnh tròn đủ, để làm gương cho Phật tử noi theo. Nếu chính tự thân của vị trụ trì thiếu đạo đức, thiếu lòng vị tha, vô ngã… thì lấy gì nhiếp hóa người. Là một tu sĩ, khi chúng ta muốn nhiếp hóa người bằng con đường đạo đức, chúng ta phải có trái tim nhân hậu, trái tim đầy tình người, tình đạo. Và điều quan trọng hơn nữa là lời nói việc làm phải đi đôi, nhà Thiền gọi là “Tri hành hợp nhứt, hạnh giải tương ưng”. Nếu chúng ta không thực hiện được những điều này, thì con đường hoằng hóa chỉ là ảo tưởng, không bền vững được lâu dài.
Lại nữa, trên con đường nhiếp hóa của vị trụ trì, phải cần có nhiều phương cách để cảm hóa như:
- Ban cho pháp, tài vô úy để cảm hóa
- Dùng ngôn ngữ để cảm hóa
- Dùng thân khẩu ý để cảm hóa
- Dùng sự thân cận, đồng nghiệp để cảm hóa.
Với vai trò nhiệm vụ là trụ trì một cơ sở hạ tầng của giáo hội, là nơi tiếp mọi thành phần trong quần chúng, nên vai trò truyền đạo của vị trụ trì cũng có nhiều phương cách khác nhau, nên phải tùy duyên hóa độ, không phải nhứt thiết theo một khuôn mẫu nào, nhưng không thể bỏ qua quy cũ, đạo đức của người xuất gia.
Có thế đạo Phật mới hòa nhập vào cộng đồng xã hội, vào lòng người Phật tử, quần chúng một cách Chơn - Thiện - Mỹ. Và thể hiện đúng nghĩa:
“Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của Tổ tông”.
Hay:
Tiếng chuông thức tỉnh lan xa mãi
An ủi đất lành bớt khổ đau”.
Thầy là: “Mái chùa che chở, Tiếng chuông thức tỉnh”.
TN.Đồng Liên