PHẬT GIÁO NHẬP THẾ VÀ SỰ PHÁT TRIỂN

Phật Giáo từ Ấn Độ du nhập vào Việt Nam từ cuối thế kỷ thứ II. Trải qua hơn 1000 năm, Phật Giáo đã hòa nhập vào tâm hồn và cuộc sống của người Việt và đã hình thành nên bản sắc của Phật Giáo Việt Nam mà tiêu biểu nhất là Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử (1299) mang tinh thần của một Đạo Phật nhập thế.

Vì vậy, có thể nói đặc tính của Phật Giáo Việt Nam chính là tinh thần nhập thế cứu đời. Tinh thần nhập thế của PGVN chính là tinh hoa của Bồ Tát đạo trong kinh điển Đại thừa. Nhờ có tinh thần ấy mà Ông Vua-Phật-Tử Trần Nhân Tông đã hai lần lãnh đạo toàn dân đánh thắng quân Nguyên Mông, giữ yên bờ cõi và đem lại cuộc sống thanh bình no ấm cho toàn dân Việt thời bấy giờ.

Ngày nay, trong bối cảnh đời sống xã hội đất nước ta nói riêng, toàn thế giới nói chung, Đạo Phật Việt Nam tiếp tục con đường dấn thân cứu đời mà ông cha ta ngày trước đã mở ra. Tinh thần nhập thế được thể hiện bằng nhiều phương tiện, trong đó, hoạt động từ thiện xã hội là phương tiện khả thi và cần kíp nhất nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo cơ duyên cho một bộ phận bà con đang gặp khó khăn vươn lên trong cuộc sống, sớm hòa nhập vào đời sống xã hội hôm nay.

Tôi xin chia sẻ một vài cảm nghĩ và kinh nghiệm trong hoạt động từ thiện xã hội mà bản thân đã và đang thực hiện một cách có kết quả tại địa phương Kiên Giang :

1) Vận dụng kho tàng giáo lý PG để vận động Phật tử chung tay làm từ thiện:

Phật Giáo có cả một kho tàng quý báu về lý Nhân quả - Nghiệp báo, về bốn tâm vô lượng Từ-Bi-Hỷ-Xả, về Vô thường -Vô ngã v.v… Đấy chính là nền tảng của một xã hội nhân ái, bình đẳng và văn minh nếu những bài học giáo lý ấy biến thành hiện thực trong cuộc sống. Có thể nói, xã hội Việt Nam từ ngàn xưa đã có truyền thống nhân ái cũng đều bắt nguồn từ những bài học giáo lý nói trên. Ngày nay, chúng ta cần vận dụng và phát huy giáo lý nhà Phật một cách hiệu quả để mọi người cùng với nhà chùa đưa những bài học giáo lý ấy đi vào cuộc sống, góp phần xây dựng một đời sống xã hội nhân ái, an lạc cho tất cả mọi người.

2) Đến với những người đang khốn khó và chia sẻ nỗi bất hạnh với họ chính là con đường mà Phật Giáo đã dùng để đến với dân tộc Việt :

Đạo Phật, sở dĩ được người Việt cách đây 2000 năm chấp nhận một cách nhanh chóng là bởi vì giáo lý PG đáp ứng được tâm tư nguyện vọng của một dân tộc đang khốn khổ dưới ách nô lệ của giặc phương Bắc. Giáo lý vô thường, nhân quả, nghiệp báo v.v… đã mang lại cho dân ta niềm lạc quan và tin tưởng vào sức mạnh của chính mình trước thế lực đô hộ. Bài học đó đến nay vẫn còn giá trị cho chúng ta trước những con người đang gánh chịu nhiều bất hạnh trong cuộc sống. Vì vậy, hoạt động từ thiện hôm nay chính là con đường chủ động đưa Đạo Phật đến với quần chúng. Con đường này sẽ đưa chúng ta đi đến mục tiêu góp phần xây dựng xã hội an lạc theo tinh thần Phật Giáo.

3) Hoạt động từ thiện phải nhắm đến kết quả căn cơ  và lâu dài chớ không chỉ giúp người ta cơm ăn áo mặc nhất thời :

Bấy lâu nay, đa số chúng ta thường làm từ thiện theo kiểu “cho người ta gạo ăn mà không giúp người ta tự trồng lúa để ăn lâu dài”. Việc làm đó là cần thiết trước mắt nhưng không phải là việc làm căn cơ có tính chiến lược. Hơn nữa, nếu chúng ta làm từ thiện theo cách ấy là vô tình chúng ta đã tạo ra một lớp người suốt đời chỉ biết trông chờ vào đồ cứu tế, nhưng thử hỏi đồ cứu tế ấy sẽ giúp họ sống được mấy ngày ? Chúng ta hãy làm một bài toán thống kê thử xem trong bao nhiêu năm qua, các chùa đã vận động Phật tử đóng góp cứu trợ hết bao nhiêu tiền ? Theo tôi, con số ấy thật là lớn lao. Nhưng rất tiếc, bao nhiêu tiền do Phật tử đóng góp đó đến nay gần như chẳng còn lưu lại một hiệu quả nào, nếu có chăng là giúp họ có cơm ăn áo mặc trong vài ngày và những người được cứu tế đó vẫn sống thiếu nghèo suốt đời.

Trong khi chung quanh ta còn có rất nhiều, rất nhiếu trường hợp bất hạnh mà nếu được giúp đỡ một cách đúng đắn, chúng ta sẽ giúp họ cải thiện được cuộc sống một cách căn cơ và lâu dài. Chúng tôi muốn nói đến những mầm non đất nước đang cần bàn tay giúp đỡ của chúng ta. Đó là những trẻ em mồ côi, những trẻ em nhà nghèo phải lao động trước tuổi mà đáng lý ra các em phải được đến trường để trau dồi kiến thức, hoàn thiện nhân cách để sau này góp sức xây dựng đất nước.

Đất nước ta trong thời kỳ hội nhập thế giới vẫn còn tồn tại nhiều vết thương do chiến tranh để lại, trong đó nổi bất hạnh và đáng âu lo nhất là một bộ phận không nhỏ các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tổ chức nuôi dạy các em, chẳng những mang một ý nghĩa nhân ái mà còn thể hiện trách nhiệm của Phật Giáo trước tương lai đất nước, đồng thời cũng là một cách hoằng dương chánh pháp gián tiếp nhưng rất hiệu quả. Những em này sẽ từ trong cái nôi Phật Giáo bước ra đời mai sau, hình thành nên một lớp người hữu ích cho xã hội và cho Đạo pháp.

Nhân đây, chúng tôi cũng xin phép nói thêm một chút về giáo dục thanh thiếu đồng niên trong Phật Giáo. Dường như giới xuất gia chúng ta chưa quan tâm lắm về việc này. Mặc dù hiện nay chúng ta đã có tổ chức giáo dục thanh thiếu đồng niên là Gia Đình Phật Tử, nhưng qua hiện thực sinh hoạt của các đơn vị GĐPT hiện nay thì theo thiển ý chúng tôi là chưa đủ để nói lên sự quan tâm sâu sắc của hàng ngũ Tăng Già đối với sự nghiệp chăm sóc lớp măng non trong giới Phật tử tại gia vốn là những mầm non còn tiềm ẩn của Phật Giáo Việt Nam.

Hiện nay, trong thời đại phát triển cực thịnh của các trò chơi điện tử qua mạng và khi một bộ phận không ít thanh thiếu niên đang ngày đêm nhắp chuột lang thang trong thế giới Internet. Hậu quả là không ít em đã ảnh hưởng bởi lối sống phương Tây : đó là tính hưởng thụ và tính bạo lực. Rồi đây, các em sẽ dần dần xa rời truyền thống nhân ái, vị tha của dân tộc ta. Phật Giáo chúng ta , đặc biệt là Chúng Trung tôn chúng ta, có suy nghĩ gì trước tình trạng đó ?

Nói tóm lại, chúng tôi cho rằng muốn phát triển Phật Giáo Việt Nam để từ đó có đủ thế và lực góp phần xây dựng xã hội Việt Nam hôm nay và mai sau, chúng ta cần đặt lên hàng đầu công việc giáo dục thanh thiếu đồng niên bao gồm các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và cả những con em Phật tử của chúng ta.

4) Nên tổ chức cơ sở từ thiện Phật Giáo như thế nào ?

a- Về cơ sở vật chất :

Hiện nay, trong cả nước có rất nhiều cơ sở từ thiện của Phật Giáo như : chăm sóc trẻ khuyết tật, nuôi dạy cô nhi, chăm sóc người già không nơi nương tựa…Nhưng tuyệt đại đa số đều được tổ chức ngay trong khuôn viên nhà chùa. Điều đó, theo chúng tôi là không phù hợp và có thể đưa đến những điều bất cập như sau :

- Chùa là nơi trụ xứ của chư tăng, ni. Chùa là chốn tôn nghiêm, thanh tịnh phù hợp với đời sống xuất thế của chúng Trung Tôn. Việc nuôi dạy, chăm sóc các đối tượng bất hạnh của xã hội và bố trí họ sống chung đụng với người xuất gia trong một không gian hẹp sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sự tu tập của tăng, ni và Phật tử, thậm chí làm ảnh hưởng đến mọi sinh hoạt và làm mất đi tính trang nghiêm của ngôi già lam.

- Việc ăn uống của các đối tượng được nuôi dạy, chăm sóc cũng là một vấn đề khiến chúng ta cần suy nghĩ. Nếu bắt họ ăn chay trường đạm bạc như chúng ta thì e rằng không hợp lý. Nhưng tổ chức nấu nướng ăn mặn cho họ ngay trong chùa lại là điều chúng ta không thể làm.

- Một cơ sở từ thiện đặt chung trong chùa sẽ hạn chế sự phát tâm ủng hộ của các nhà hằng tâm hằng sản. Đây là một vấn đề tế nhị mà bản thân chúng tôi đã tâm đắc từ mấy năm qua khi chúng tôi thành lập trung tâm TTXH Phật Quang.

Trên đây, chúng tôi chỉ tóm gọn một số bất cập. Còn khá nhiều điều bất tiện khi đặt cơ sở từ thiện trong khuôn viên nhà chùa mà chúng ta đều đã thấy rõ.

Sở dĩ nhiều chùa phải đặt cơ sở từ thiện ngay trong chùa là vì trước đây chưa có  Pháp  lệnh  tín  ngưỡng - tôn giáo. Nay, Pháp lệnh  đã  ra đời cho phép các hoạt động tôn giáo, trong đó có hoạt động từ thiện, được tổ chức ngoài phạm vi cơ sở tôn giáo. Do đó, chúng ta cần sớm vận dụng và triển khai việc này để trả ngôi chùa trở về đúng với chức năng và tính chất của nó.

Từ những thực tế bất cập nêu trên, nhất thiết chúng ta phải có một cơ sở từ thiện nằm ngoài khuôn viên tự viện để chăm sóc và nuôi dạy các đối tượng nêu trên một cách có hiệu quả. Chúng tôi xin lấy Trung tâm TTXH Phật Quang để làm ví dụ minh chứng:

Tại trung tâm Phật Quang, chúng tôi hiện nuôi dạy 120 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn theo chế độ hoàn toàn nội trú. Mục đích của Trung tâm là dạy đạo đức PG, dạy chữ và dạy nghề giúp các em sau này có một số vốn học thức nhất định và có một nghề để tự mưu sinh . Tuy nhiên mục tiêu quan yếu nhất mà chúng tôi nhắm đến là giáo dục các em trở thành một con người biết nhân quả, tội phước và sống hợp đạo lý theo truyền thống nhân ái vị tha của dân tộc Việt Nam.

Trung tâm có diện tích là 3 hecta, trên đó xây dựng đầy đủ các công trình phục vụ cho học tập, giải trí và các sinh hoạt nội trú như : phòng học chữ, phòng học nghề, phòng học các môn ngoại khóa như vi tính, Anh văn, đàn organ, thư viện, nhà ăn, phòng ngủ, sân chơi, vườn cây xanh, hội trường, nhà vệ sinh v.v…Tóm lại, một trung tâm giáo dục nhất thiết phải được xây dựng như thế mới đem lại hiệu quả giáo dục. Thử hỏi trong khuôn viên chùa thì làm sao đáp ứng được cho yêu cầu đó?

Tại trung tâm Phật Quang, các em học tập, vui chơi, lao động với một thời khóa biểu khép kín từ 5 giờ sáng cho đến 20 giờ 30 mỗi ngày dưới sự hướng dẫn của đội ngũ thầy cô giáo và giám thị. Một thời khóa biểu sinh hoạt như thế không thể nào lồng ghép vào thời khóa sinh hoạt của một ngôi chùa mà không bị trở ngại cho cả hai bên.

b-Về nhân sự :

Những người trực tiếp quản lý, chăm sóc và giáo dục đối tượng nhất thiết phải là tăng, ni hoặc những phật tử thuần thành có vốn Phật Pháp , có trình độ chuyên môn và bằng cấp tương xứng với chức vụ đang giữ. Tuy nhiên, quan trọng hơn hết là họ phải có phẩm chất của một phật tử chân chính. Bởi vì chính họ là những người hằng ngày gần gũi với các đối tượng, trao truyền kiến thức, uốn nắn từng lời nói và hành vi của đối tượng. Họ là tấm gương để các đối tượng noi theo, hay nói cách khác, họ là khuôn để cho ra sản phẩm sau này.

Qua 6 năm điều hành Trung tâm Phật Quang, bản thân chúng tôi luôn trăn trở về nguồn nhân lực từ phía tăng, ni. Dường như chúng ta chưa có một chương trình đào tạo nhằm trang bị cho tăng ni về ý nguyện, kiến thức và kỹ năng để quý thầy, quý cô ra đời phục vụ nhân sinh theo mô hình từ thiện xã hội này. Trên diễn đàn hôm nay, chúng tôi tha thiết kiến nghị Giáo Hội xem xét lại vấn đề vừa nêu để PGVN càng xứng đáng là một tôn giáo nhập thế góp phần xây dựng xã hội.

c- Nội dung và phương pháp giáo dục:

Nền giáo dục Phật Giáo là một nền giáo dục nhân bản, khai phóng và dân chủ. Chúng ta không nhằm đào tạo những con người khoa bảng hay những nô lệ cho tri thức. Giáo dục PG nhằm đào luyện một con người với những phẩm chất tốt đẹp nhất để làm chất liệu xây dựng một xã hội văn minh, bình đẳng, dân chủ và tràn đầy tình thương đối với chúng sanh.

Dĩ nhiên, nội dung giáo dục trong một cơ sở Phật Giáo là vẫn phải theo đúng chương trình của ngành giáo dục quốc gia. Tuy chương trình hiện nay còn nhiều bất cập và nặng nề cần phải được dần dần sửa đổi, nhưng ở đây chúng tôi sẽ không lạm bàn về vấn đề này. Điều chúng tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh là phương pháp giáo dục ở một cơ sở từ thiện Phật Giáo.

Nói về phương pháp giáo dục, chúng ta vẫn áp dụng các nguyên tắc sư phạm và tiếp thu những ứng dụng khoa học tiên tiến nhất của ngành giáo dục trong nước, Tuy vậy, dù muốn dù không, trong một cơ sở từ thiện Phật Giáo thì từ nội dung đến phương pháp giáo dục đều mang dấu ấn của đạo Phật. Thí dụ : học sinh của chúng ta sẽ tiếp thụ một nền giáo dục lấy từ bi làm đầu; học sinh của chúng ta trước hết phải học lễ nghĩa, sau mới học đến tri thức ; trong cơ sở giáo dục của chúng ta nhất định không có học sinh nào ngồi nhầm lớp vì thành tích của nhà trường; cũng sẽ không có thầy cô nào bắt học sinh đóng học phí cho những buổi học thêm ngoài giờ v.v…

Trong cơ sở từ thiện của PG sẽ tràn đầy tình thương. Chính tình thương là chất liệu cho trí tuệ đơm hoa. Đó là những gì mà chúng tôi đã áp dụng tại Trung tâm Phật Quang trong 6 năm qua. Chúng tôi có một kinh nghiệm thực tế rất quý báu trong việc giáo dục trẻ em cá biệt (đối tượng học sinh của chúng tôi đa số là dạng học sinh vì hoàn cảnh khó khăn mà trở nên cá biệt). Kinh nghiệm đó là : khi có một học sinh phạm lỗi, các giám thị ở trung tâm không mắng mỏ hay đánh phạt mà kiên trì nói chuyện với em, dùng tình thương mà cảm hóa em. Từ đó về sau, em không bao giờ phạm lại lỗi ấy nữa. Phương pháp giáo dục thân cận bằng tình thương sẽ giúp cho các em dễ phục thiện nhất.

5) Mấy kiến nghị về việc nuôi dạy trẻ em bất hạnh tại các cơ sở từ thiện Phật Giáo trong thời điểm hiện nay:

Trung ương Giáo hội cần chủ trì cho việc hợp nhất tất cả các cơ sở từ thiện Phật Giáo có chức năng nuôi dạy trẻ em bất hạnh vào một tổ chức chung có tính cách một Hiệp Hội . Hiệp hội này mang tính độc lập cao, cùng hoạt động trên cơ sở tự nguyện, hợp tác và tương trợ lẫn nhau, trong đó vai trò của Ban Từ thiện Xã hội Trung ương Giáo hội PGVN là người chủ trì , kết nối và hỗ trợ .

Việc kết hợp các cơ sở từ thiện PG có cùng chức năng như trên sẽ mang lại những lợi ích sau đây :

a-Thống nhất về tổ chức :

Hiện nay, các cơ sở nuôi dạy trẻ đều ra đời theo cách tự phát. Mỗi nơi làm theo một kiểu riêng tùy theo các điều kiện chủ quan và khách quan của mình. Do đó thiếu sự thống nhất trong tổ chức. Nếu kết hợp lại, chúng ta sẽ thành một thể thống nhất. Mặc dù cơ ngơi mỗi nơi có lớn, nhỏ khác nhau nhưng về cách tổ chức nhân sự là như nhau. Từ đó hiệu quả giáo dục tại mỗi nơi sẽ xích lại gần nhau và dần dần sẽ tiến đến chỗ tất cả sản phẩm làm ra đều giống nhau. Đó chính là sản phẩm của nền giáo dục Phật Giáo đóng góp cho xã hội.

b-Thống nhất về phương pháp giáo dục:

Hiện nay, mỗi cơ sở nuôi dạy trẻ có một quan điểm và phương pháp giáo dục khác nhau tùy theo hoàn cảnh ở mỗi nơi. Thí dụ : có nơi nhằm mục đích đào tạo con người tương lai ra đời phục vụ xã hội ; có nơi dự định nuôi các em lớn lên để đi xuất gia ; có nơi cũng chưa định hướng được tương lai cho các em.

Từ quan điểm khác biệt ban đầu ấy nên phương pháp nuôi dạy cũng khác nhau : có nơi tổ chức dạy học và dạy nghề ngay tại cơ sở; có nơi chỉ nuôi mà không dạy (gởi các em ra học trường công lập học); có nơi dạy các em theo hướng làm người xuất gia trong tương lai. Từ đó , tuy cùng được đào tạo trong môi trường Phật Giáo nhưng sản phẩm làm ra lại khác nhau.

Khi kết hợp với nhau, chúng ta sẽ cùng nhau ngồi lại bàn bạc, cân nhắc và định hướng chung cho quan điểm và phương pháp giáo dục. Như vậy, sản phẩm chúng ta làm ra mới mang tính đặc trưng của nền giáo dục Phật Giáo. Nhất là, chúng ta sẽ không làm phí phạm nhân tài cho Đạo pháp và Dân tộc một khi chúng ta đã có cơ hội nhưng vì không thống nhất tổ chức và không có đinh hướng chung mà chúng ta đã để cho cơ hội trôi qua.

c-Tương trợ nhau trong hoạt động: Hiện nay, mỗi cơ sở chúng ta hoạt động biệt lập nhau nên thiếu tính tương trợ. Thậm chí, từng lúc từng nơi, chúng ta đã ngấm ngầm tranh giành nhau nguồn tài trợ, gây ra mất đoàn kết và tạo nên một hình ảnh không mấy tốt đẹp về những con người Phật Giáo làm từ thiện qua cái nhìn của xã hội. Nếu kết hợp với nhau, chúng ta sẽ chia sẻ cho nhau về vật chất, về kinh nghiệm nuôi dạy và học hỏi nhau ở những điểm mạnh của từng nơi. Và quan trọng hơn hết là chúng ta tạo được hình ảnh tốt đẹp và uy tín của những cơ sở từ thiện Phật Giáo trong cả nước (hay ít ra là tại khu vực phía Nam).

KẾT LUẬN :

Với truyền thống nhập thế của PGVN, chúng ta tiếp cận với những vấn đề xã hội để thấu hiểu và trang trải tình thương lên con người. Từ đó chúng ta chung tay cùng xã hội giải quyết những khó khăn của đời sống một bộ phận nhân dân.

Hoạt động từ thiện xã hội của Phật Giáo, trước hết là nhằm xoa dịu nỗi khổ của những con người đang chịu điều bất hạnh trong cuộc sống.

Hoạt động từ thiện cũng là cơ hội để Phật Giáo đi sâu và gắn kết với cộng đồng dân tộc, đóng góp cho đất nước những gì tốt đẹp nhất từ giáo lý từ bi, vô ngã… Đó là con đường hoằng pháp hiệu quả nhất từ xưa đến nay.

Hoạt động từ thiện chính là phương tiện hữu hiệu nhằm thực hiện châm ngôn Đạo pháp - Dân tộc của Giáo hội PGVN.

Hoạt động từ thiện Phật Giáo phải gắn kết giữa Từ bi và Trí tuệ. Ngoài việc xoa dịu nỗi đau của con người, chúng ta cần phải gắn liền với đào tạo con người để cung cấp cho xã hội. Bao nhiêu tiền của bố thí cũng không bằng tạo ra một con người với những phẩm chất tố đẹp để góp phần xây dựng đất nước.

Cuối cùng , hoạt động từ thiện của Phật Giáo cần có định hướng chung và mang tính căn cơ, chiến lược để  hiệu quả của nó chắc chắn và lâu dài.

(Tham luận "Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc 2009" tại Đà Nẵng)

Đại đức THÍCH MINH NHẪN
UV Ban Hoằng pháp TW
Đơn vị PG Kiên Giang

--------

NGUỒN THAM KHẢO :

1/-Báo cáo Đại hội đại biểu PGVN toàn quốc lần VI-2008
2/-Truyền Thống Văn Hóa & PGVN – Minh Chi – NXB Tôn Giáo 2003
3/-Lịch Sử PGVN – Lê Mạnh Thát – NXB
4/-Đạo Phật Việt Nam – Thích Đức Nghiệp – NXB.TP.Hồ Chí Minh 1995
5/-Bồ Tát Đạo hay Con Đường Lý Tưởng tập I, II, III – Minh Đức – Thanh Lương – NXB TPHCM  1999
6/-Kỷ Yếu 50 năm GĐPT VN – Phân ban HD.GĐPT Thừa Thiên-Huế - 2001
7/-Dưỡng Dục Con Cái – Carol Cooper – NXB Phụ Nữ 2004