Vai Trò Của Phật Giáo Trong Việc Giáo Dục Thiếu Niên

Bà Chou Sa Ngoun vô cùng tuyệt vọng. Michael Ngoun, con trai bà trốn học, sử dụng ma túy, bị cảnh sát bắt giữ, đêm không về nhà, và tụ tập với trẻ xấu. Không điều gì bà làm có thể chuyển hóa được con. Bà đã thử trừng phạt, la hét, khóc lóc, tư vấn, chuyển trường hoặc gởi con vào quân đội nhưng không được nhận vì cậu chưa đủ tuổi. Cuối cùng gia đình bà làm một cuộc viếng thăm Cam bốt vào năm 2004 và để Michael ở lại một ngôi chùa cho chư tăng nuôi dạy. Sau hai năm sống đời tu sĩ, Michael đã trở về nhà vào tháng 1, 2006 với bằng cấp tốt nghiệp trung học, một số kỷ năng chuyên môn và một ý nguyện sẽ sống một đời sống tốt hơn. Michael nói rằng: “Tôi đã học được rằng chúng ta nên từ bỏ những điều chúng ta ham muốn mà bằng lòng với những điều chúng ta có. Tôi đã học về đời sống của chúng ta sau khi chết và được dạy dỗ rằng nếu chúng ta hành điều thiện thì đời sau chúng ta sẽ hạnh phúc.”
Michael bắt đầu trốn học do sự khuyến dụ của các trẻ lớn tuổi hơn trong xóm. Bà đưa cậu đến trường cửa trước, cậu lẻn ra bằng cửa sau. Cậu nói dối cha mẹ, học toàn là điểm F, không làm những việc trong nhà, và đôi khi không về nhà. Vào năm 2002 cậu bị bắt vì trộm hàng hóa ở một cửa hàng. Năm sau thì bị bắt vì trộm tư gia, trộm xe. Lúc Michael 14 tuổi, gia đình bà chuẩn bị đi Cam Bốt và để Michael ở lại chùa ở Krolong, một ngôi làng trong vùng Kampong Cham không điện nước, chỉ có một vài cái điện thoại. Thoạt đầu, Michael rất giận dữ và định trốn đi nhưng không tiền, không vé máy bay và không có nơi nào để đi. Cậu tuyệt thực  và xin được một cơ hội khác nhưng mẹ cậu bảo cậu chỉ được về nhà sau khi cậu đã sống ở chùa một thời gian và thay đổi cách sống của cậu. Biết mình không còn sự chọn lựa nào nữa, cậu đành phải đắp y, cạo đầu và tác bạch xuất gia.
Chùa Krolong cũng là một trường học tôn giáo nằm ở trung tâm của làng. Mỗi sáng Michael phải thức dậy từ lúc 5:45 sáng. Cậu hứng nước, trải tọa cụ và đặt bàn, chuẩn bị khăn cho vị thầy tế độ và một vị trưởng lão khác. Sau đó cậu mới dọn chỗ cho mình, thỉnh thầy và vị trưởng lão cùng ăn sáng. Họ nghĩ ngơi trong 10 phút rồi ra sân làm việc cho chùa và sân trường. Cậu và các vị sa di trẻ khác học cách trộn hồ, đổ gạch và xây dựng hàng rào. Cậu bắt đầu hiểu và nói đưọc tiếng Cam bốt cũng như học kinh và những lời dạy của Đức Phật. Cậu tắm ở giếng nước và cùng các vị tăng khác mang bình bát đi khất thực từng nhà. Họ không thể từ chối thực phẩm hay xin thêm. Họ phải chấp nhận tất cả những gì họ được cúng dường. Thực phẩm xin được, được để vào một dĩa chung và đó là bữa ăn cuối cùng trong ngày mà mọi người cùng ăn trước ngọ.
Một đêm cậu nằm mơ thấy 12 ngạ quỷ trong kinh điển của Đức Phật hiện ra và khuyến dụ cậu đừng sống đời phạm hạnh. Cậu vô cùng sợ hãi và khi thức giấc cậu không thấy cảnh chùa là nhà tù nữa. Lúc đó cậu đã sống trong chùa được chín tháng. Khi mẹ cậu điện thoại cho cậu, cậu xin được ở lại chùa thêm một thời gian nữa. Bà đồng ý và thu xếp cho cậu học hết chương trình trung học hàm thụ. Mấy tháng sau cậu tốt nghiệp và xin mẹ được trở về.
Khi về đến phi trường Seattle-Tacoma cậu vẫn còn đắp y và giữ đúng điều luật của tu sĩ là không va chạm với phụ nữ nên cậu không thể ôm mẹ cậu được. Khi trở về lại nhà, cậu nhận thấy thực phẩm mà cậu nhớ mấy năm qua bỗng trở nên vô vị và thành phố quá ồn ào. Cậu được mời đi chúc phúc ở các chùa và tư gia. Mẹ cậu hãnh diện nói, mọi người đảnh lễ cậu và tỏ lòng tôn kính cậu.
Vào một ngày thứ bảy cậu đã xả giới tại chùa White Center để trở về cuộc sống bình thường. Bây giờ cậu đã có thể ôm mẹ cậu và tìm việc làm. Cậu dự định sẽ đóng góp một phần lợi tức cho chùa ở Cam Bốt vì cuộc sống ở đó rất thiếu thốn.
Như Quang lược dịch từ bài viết “Get Thee to a Temple” đăng trong báo “The Seattle Times

 

Như Quang

Nguồn: phapluan.net