TRUYỀN DẠY GIỚI LUẬT SONG HÀNH VỚI PHÁT HUY NĂNG LỰC CỦA NI GIỚI MỘT BIỆN PHÁP PHÁT TRIỂN NI ÐOÀN VIỆT NAM BỀN VỮNG

Ðức Phật, một trong bốn vị sáng lập tôn giáo vĩ đại, là ngýời có những phương pháp truyền bá tôn giáo đặc thù siêu tuyệt để lại nền tảng luân lý đạo đức chủ yếu và hoàn hảo nhất được thế giới biết đến. Ngài là vị thầy đầu tiên đem đạo đức làm cốt tủy và nền móng để xây dựng tôn giáo của mình. Tăng đoàn Phật giáo, nhất là giới nữ hạnh phúc được kế thừa kho tàng giáo lý, tiêu biểu như giới luật Phật chế đã gồm đủ hai yếu tố pháp luật và đạo đức. Ðó chính là mạng mạch của Tăng già. Thế tôn là người đầu tiên đề xướng phong trào chống lại và xóa bỏ những chủ trương bất bình đẳng giữa con người. Ngài đã đóng góp quan trọng vào việc đặt nền móng triết lý bình đẳng giới tính ở xã hội Ấn Ðộ cổ đại, một việc làm mà trong xã hội ngày nay cũng không hoàn toàn thực hiện được.

Do vậy, truyền thừa, giảng giải giới luật cho Ni giới trong khi phát huy tiềm năng ở Ni giới trẻ trong thời đại ngày nay là việc quan thiết. Tại sao chúng tôi lại đề cập đến việc giáo dục giới luật song song với sự phát huy năng lực của Ni giới trong khi bàn đến việc xây dựng và phát triển Ni giới vững mạnh? Hai điều này có liên quan gì với nhau?

Trước hết, sơ lược về sự đóng góp to lớn của Ni giới Việt Nam.

Là một trong hai thành phần quan trọng trong bốn chúng đệ tử của Phật, một nhân sự cấu tạo nên Tăng đoàn Phật giáo. Nhiều thế hệ qua, Ni đoàn Phật giáo đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc xương minh Phật pháp cũng như phát triển xã hội. Tuy nhiên sau khi Thế Tôn nhập diệt, do quan điểm cho rằng nữ giới xuất gia làm chánh pháp giảm đi năm trăm năm và nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan khác, sự quan tâm Ni giới có phần giảm bớt và có Giáo đoàn Ni hoàn toàn vắng bóng trong thời gian khá dài. Những thập niên gần đây, khi vai trò của người phụ nữ trong đời sống xã hội đã được khẳng định, tỉ lệ nữ giới tham gia vào đội ngũ lãnh đạo ngày càng tăng. Ðặc biệt, trên thế giới xuất hiện những nữ chính khách, nữ tổng thống. Trong lĩnh vực tôn giáo, Ni giới cũng được quan tâm hơn. Các Hội nghị phụ nữ Phật giáo thế giới lần lượt được tổ chức, dề ra phương hướng, hành động tạo điều kiện cho Ni giới phát triển và giúp cho thế hệ Ni giới trẻ phát huy khả năng tăng sự và tự tin hơn.

Hòa nhập với xu hướng phát triển của Ni giới năm châu, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn tạo điều kiện cho Ni giới Việt Nam từng bước nâng cao và phát huy năng lực của mình trong sự nghiệp phát triển đất nước, phụng sự xã hội và xương minh Phật giáo nước nhà. Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc trong quá trình dựng nước và giữ nước. Ni giới cũng góp phần không nhỏ trong công cuộc này.

Khoảng nửa thế kỷ đầu tiên, đã xuất hiện những nữ tu ở các chùa quê vùng Phú Thọ, Thái Bình. Các vị phần đông là những vị nữ tướng từng theo hai bà Trưng Trắc, Trưng Nhị, công chúa Bát Nàn, công chúa Thánh Thiên hay bà Lê Chân... phất cờ khởi nghĩa đánh quân xâm lược giành quyền tự chủ thống nhất đất nước. Nhưng vị Ni sư đầu tiên hoằng pháp lợi sanh, xiển dương pháp Phật thì phải kể đến Ni sư Diệu Nhân (1041-1113), bậc tôn túc kiệt xuất trong hàng Ni chúng Việt Nam thời Lý. Ni sư nghiêm trì giới luật, tinh tấn hành thiền thể ngộ sâu sắc giáo lý Ðại thừa và thường đem giáo lý Ðại thừa giảng giải cho mọi người. Người an nhiên tự tại xem thường sanh tử và chứng đắc để lại bài kệ đắc pháp: “Sanh lão bệnh tử, tự cổ thường nhiên, dục cầu xuất ly, giải phược thêm triền, mê chi cầu Phật, hoặc chi cầu thiền, thiền Phật bất cầu, uổng khẩu vô ngôn.” (Sinh già bệnh chết, từ xưa thường vậy, muốn cầu thoát ly, cởi trói thêm buộc. Mê mới tìm Phật, lầm mới cầu thiền, thiền Phật chẳng tìm, ngậm miệng không nói.).

Theo bước chân hoằng hóa của quý Ni trưởng, Phật giáo ở miền Bắc dần dần truyền vào phương Nam. Nối tiếp chí nguyện xuất gia hành ðạo của Ni sư Diệu Nhân, nhiều thế hệ Ni giới kế thế xiển dương chánh pháp, phát triển Phật giáo. Ðọc Hành Trạng Chư Ni Việt Nam do Sư cô Thích nữ Như Nguyệt biên soạn chúng ta sẽ rõ hơn và càng cảm kích trước sự xả thân, hành đạo của quý Ngài.

Chư Ni trưởng rất quan tâm đến việc giảng dạy đào tạo Ni tài, xây dựng chùa chiền, tịnh xá nuôi Ni chúng. Khi đất nước khó khăn, đạo pháp lâm nguy nhiều Ni sư, Ni trưởng sẵn sàng hy sinh thiêu thân, vì sự trường tồn của đạo pháp. Thời bình, quý Ni trưởng tham gia góp sức trong nhiều lĩnh vực văn hóa, xã hội như viết sách báo, công tác từ thiện, phúc lợi xã hội… Nhắc đến phương diện sáng tác truyền bá giáo pháp trong giai đoạn thập niên 30 của thế kỷ XX, có thể nói rất nhiều cây bút nữ tham gia, tiêu biểu là ba vị Cố Sư trưởng Diệu Không, Ni cô Huệ Tâm và Sa-di Ni Diệu Phước (theo cách xưng hô của tạp chí Viên Âm bấy giờ) về sau có thêm nhiều cây bút nữ xuất sắc khác đặc biệt như Ni trưởng Trí Hải… Trong các bài viết của quý Ngài, bằng thể loại nào cũng đều thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến việc nâng cao đạo đức cho nữ lưu. Ðặc biệt trong thời kỳ đó quý Ni trưởng luôn tỏ bày nỗi niềm thao thức và dấn thân không mệt mỏi cho sự nghiệp chấn hưng, thống nhất Phật giáo Việt Nam. Ni sư Huệ Tâm, nữ tác giả đầu tiên xuất hiện trên nguyệt san Viên Âm số 13, năm 1935, được xem là người đi đầu trong công cuộc đề xướng chủ trương thống nhất Phật giáo Việt Nam. Ưu tư về sự phát triển của Phật giáo nước nhà, khi thấy số lượng Ni xuất gia ngày càng đông và xét tình trạng đất nước đương thời cần có sự đoàn kết Ni giới, quý Ni trưởng trong ban lãnh đạo Ni chúng bấy giờ như Sư trưởng Như Thanh, Sư trưởng Huyền Học, Sư trưởng Diệu Không... đã tùy thời tổ chức các đại hội, hoạt động cho Ni giới với những mục tiêu cụ thể phù hợp từng giai đoạn lịch sử nước nhà như: Ðại hội Ni giới Nam Việt được tổ chức vào ngày 06/07/1956 nhằm mục đích chấn chỉnh Ni chúng sống theo kỷ cương theo luật Phật. Ðến năm 1964 cơ sở Ni bộ hai miền Trung, Nam hợp nhất thành Ni bộ Bắc tông trực thuộc Tổng vụ Tãng sự. Năm 1972, Ðại hội Ni bộ Bắc tông được tổ chức trọng thể tại chùa Huê Lâm, thành phố Sài Gòn đánh dấu chặng đường 16 năm hình thành và phát triển vô cùng to lớn của Ni bộ Bắc tông.

Nhìn chung, trong tất cả những hoạt động của mình, chư Ni trưởng đều nhằm mục đích củng cố, xây dựng hệ thống quản trị, chăm lo chấn chỉnh Ni giới đưa họ vào khuôn khổ trau giồi phong thái uy nghi “phát túc siêu phương, tâm hình dị tục, thiệu long thánh chủng” của nữ lưu.

Chư Tôn túc Trưởng lão hành đạo như thế, còn giới Ni giới trẻ ngày nay đã hoạt động Phật sự như thế nào?

Trong mối tương quan hòa hợp giữa Phật giáo và quốc gia, sự hưng vong của Phật giáo đều ảnh hưởng rất lớn đến sự thịnh suy của nước nhà và ngược lại khi đất nước thái hòa nhân dân an cư lạc nghiệp thì Phật giáo càng có điều kiện để phát triển hơn. Ngày nay trong xu thế toàn cầu hóa, khoa học phát triển như vũ bão, các phương tiện truyền thông phát triển vươn đến tầm cao, sự liên lạc thu nhận thông tin giữa các quốc gia với nhau giữa người và người vô cùng nhanh chóng và tiện lợi. Những sự phát triển này được giới Ni trẻ tiếp xúc và tận dụng triệt để vào đời sống tu tập và hành đạo. Ðiều này tuy có ích lợi rất nhiều trong việc tìm kiếm phương tiện phát triển tri thức, tuy nhiên cũng có nhiều nguy hại khó lường. Vì sao? Chư Ni ngày nay có nhiều cơ hội hơn trong việc tham vấn và học hỏi, rất nhiều Ni sinh sau khi học tại các trường trong nước lại có điều kiện đi du học ở các nước bạn. Ða phần trong số du học sinh chỉ chú trọng việc trau dồi tri thức nâng cao trình độ và dường như học vị bằng cấp là mục tiêu họ theo đuổi? Thế nên, có một số Ni quên đi mục tiêu chính của người xuất gia, bỏ qua việc học tập và tuân thủ những oai nghi mà người xuất gia cần phải có. Có những vị nói lý thuyết cao siêu, tự cao tự đại về sở học của mình mà xem thường những thanh quy nơi chốn thiền môn nơi họ xuất thân.

Về mặt hoạt động xã hội, trước trào lưu nhập thế hành đạo, nhiều Ni trẻ đem tất cả tâm huyết phụng sự chúng sanh. Chư Ni tham gia vào các mặt hoạt động từ thiện xã hội, nơi nào, tỉnh nào cũng có những mái ấm cơ sở nuôi trẻ mồ côi, người già neo đơn không nơi nương tựa. Nói về mặt chãm sóc giúp đỡ các đối tượng xã hội, các Sư cô làm khá tốt nêu cao đức từ bi của người con gái Như Lai. Tuy nhiên, có cơ sở do vì trình độ tu tập của một vài Ni trẻ đứng đầu cơ sở còn non kém, nhân sự ít nên suốt ngày bận rộn với công việc từ thiện, có vị lơ là thời khóa tu tập thậm chí bỏ luôn cả những buổi tụng giới. Mỗi năm tính lại số lần đi tụng giới không quá đầu ngón tay. Trong Luật Yết Ma Yếu Chỉ có ghi lại câu chuyện ngài Ca-tân-nâu (Kiếp-tân-na) vào ngày bố-tát thuyết giới vì nghĩ rằng: “Ta là người thanh tịnh đệ nhất rồi, ta nay hoặc đến hoặc không đến nơi thuyết giới đều không cần thiết”. Với tha tâm thông quán chiếu tâm đệ tử, Thế Tôn biết và đã hiện ra trước ngài Ca-tân-nâu dạy: “Pháp thuyết giới nên phải cung kính, tôn trọng tuân theo, nếu ông không cung kính pháp Bố tát, tôn trọng tuân theo thì ai sẽ cung kính tôn trọng tuân theo? Thế nên ông phải đến không nên không đến. Nên đi bộ đến không nên dùng thần túc bay đến. Tôi cũng sẽ đến” (Pháp Yết Ma Yếu Chỉ, Thích Bình Minh dịch).

Ðức Thế Tôn thuyết pháp giảng kinh diễn giải Tỳ-Ni vì muốn thâu nhiếp chúng đệ tử khiến cho chánh pháp tồn tại lâu dài. Trong Tỳ Bà Sa Luật quyển 1 có ghi: “Nếu người xuất gia có tín tâm thường sinh tàm quý, siêng học giới luật, thì Phật pháp sẽ tồn tại. Bởi thế nếu muốn Phật pháp trụ thế lâu dài trước hết phải học Luật tạng, vì học mới có lợi ích cho hành giả”.

Chư Ni trẻ tham gia công tác xã hội cũng chính là một cách hành đạo, đem chánh pháp truyền rộng trong nhân gian, hướng người vào đạo. Ðây là một điều người tu sĩ cần có khi hoằng pháp trong xu hướng hội nhập toàn cầu ngày nay và cũng là những điều mà chư Ni tiền bối đã từng thực hiện. Thế nhưng, chư Ni này lại quên đi “Trong các cách giáo hóa của Phật, Giới luật là hơn hết”, “Tỳ Ni tạng là mạng mạch của Phật pháp. Tỳ Ni tạng còn thì Phật pháp còn”. Quý vị ấy đã quên trau giồi giới đức cho mình như vậy thì phỏng có ích lợi cho đời sống tu tập chăng và làm sao chánh pháp có thể tồn tại dài lâu được?

Hoằng pháp ở vùng sâu vùng xa, những nơi ánh sáng Phật pháp chưa đến được là điều cần khuyến khích. Những năm gần đây với sự khuyến hóa đem ánh sáng Phật giáo đến vùng sâu, nhiều Ni trẻ chỉ mới thọ giới vài ba năm lìa thầy đi học, sau khi học xong nghiễm nhiên nhận trụ trì, nhận đệ tư, trong khi tự thân chưa thông hiểu hết các phép tắc luật nghi. Trong Yết Ma có ghi lại câu chuyện Tỳ-kheo Hòa Tiên chỉ mới hai tuổi hạ đã nhận nuôi đệ tử bị đức Phật quở trách “Việc ông làm trái oai nghi, trái pháp sa môn, trái hạnh thanh tịnh, trái hạnh tùy thuận, việc đó không nên làm. Chính thân ông còn phải nhận người dạy bảo, sao lại dạy bảo người khác”. Những vùng quê xa xôi là nơi rất cần có người “Tự thân thực hành Phật pháp, có khả năng nói pháp cho người hiểu. Nhờ hiểu pháp mà họ giữ giới với tâm chân chánh, nhân giới sanh định, nhân định được đạo quả” và nhờ vậy khiến cho chánh pháp tồn tại lâu dài. Chư Ni đi nhận chùa hành đạo khi chưa thông hiểu hai bộ luật Tỳ-kheo, Tỳ-kheo Ni, hạ lạp chưa đủ 10 tuổi, chưa biết cách hướng dẫn đệ tử tu tập thì làm sao có thể làm thầy được vì như thế là đã “… nhận chìm đệ tử xuống ác đạo, lại còn làm cho Phật pháp suy vong”.

Thực trạng một số Ni trẻ hành đạo quá sớm tuy có nhiều điều bất cập như thế, nhưng trên thực tế vẫn có rất nhiều Ni có khả năng tâm huyết, có đạo hạnh được huấn luyện bởi các bậc tôn túc danh tiếng, có trình độ Phật học tương đối đang cần Giáo hội quan tâm giúp đỡ cho họ có cơ hội đem tâm huyết phát huy tài năng của mình phụng sự đạo pháp.

Vậy Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày nay đã khuyến khích phát huy tài năng của lực lượng chư Ni này như thế nào?

Thực tế, trong những năm gần đây, lực lượng Ni giới được cơ cấu vào các ban ngành của Phật giáo: văn hóa, giáo dục, từ thiện xã hội, truyền thông… ngày càng nhiều. Nhiều vị Ni tỏ rõ thực lực của mình trong công tác giáo dục, hoằng pháp và phúc lợi xã hội góp phần giảm bớt căng thẳng tâm lý và đem lại lợi ích thực tiễn cho quần chúng. Chư Ni Việt Nam tham gia tích cực trong công tác từ thiện, xóa đói giảm nghèo, đem lại ánh sáng cho người mù, đem lại niềm vui cho các trẻ em vùng sâu vùng xa, đem nụ cười cho các em bị bệnh tim, những trẻ em thiếu may mắn, góp phần giảm bớt gánh nặng xã hội. Trong lĩnh vực giáo dục, vai trò Ni giới ngày càng được nâng cao và có vị trí xứng đáng trong các học viện Phật giáo. Học viện Phật giáo tại Thành phố Hồ Chí Minh, vị trí của Giáo thọ Ni được đề cao, chư Ni được khuyến khích thuyết pháp, thuyết trình tại các hội thảo. Trong Ban Hoằng pháp Trung ương có nhiều Ni tham gia.

Thành tựu ngày nay của Ni giới Việt Nam rất lớn lao và trên nhiều lĩnh vực. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã luôn bảo vệ quyền lợi, phát huy và nâng cao vai trò và năng lực của Ni giới. So với một số nước trên thế giới, Ni giới Việt Nam đã có đýợc sự tôn kính từ ngàn năm trước cho đến ngày nay. Ni giới Việt Nam đã có những quyền lợi mà Ni giới một số nước chưa có được như quyền được thọ giới, quyền được học hành… mà Hội nghị Phụ Nữ Phật giáo Thế giới đã từng lên tiếng can thiệp cho Ni giới các nước ấy. Tuy nhiên, do hạn chế một số địa phương hoặc do tư tưởng bộ phái, tông môn hoặc do sự chấp chặt thiển cận xem thường Ni giới, dựa vào pháp Bát Kỉnh hạn chế tài năng và tâm huyết của Ni giới. Có những nơi dù vẫn sử dụng Ni giới vào lĩnh vực giáo dục nhưng có tính cách áp đặt, thay đổi môn dạy hoặc ngưng việc giảng dạy của chư Ni không có thông báo trước. Thậm chí, Ni sinh cũng ít được quan tâm hơn Tăng sinh. Có một nghịch lý ở một vài trường Phật học, đó là luôn đề cao vai trò của những nam giảng sư bên ngoài do họ mời đến và không ngại ngùng phê phán coi thường môn học do ban giám hiệu nơi đó giao cho Giáo thọ Ni đảm nhận. Chúng ta nên nhận thấy, với người xuất gia thì chư Ni có đủ đạo hạnh, phẩm cách để hướng dẫn cho những tân học Ni của mình. Là tu sĩ điều cần thiết nhất vẫn là “chất tu” chứ không phải là “tú”, cần có đức hạnh cao hơn tài năng, đạo Phật cần “người tú có tu” và sợ thay những “người tu không tu”. Do vậy, rất mong Giáo hội quan tâm bồi dưỡng, tạo điều kiện phát huy năng lực, khuyến khích sự đóng góp của lực lượng Ni có tài năng và tâm huyết này, Giáo hội một số địa phương cần xem xét lại trong khi sử dụng chất xám Ni giới trong lĩnh vực giáo dục và cần phải hoạch định thiết lập một hệ thống giáo trình giáo án cho các trường Phật học.

KẾT LUẬN

Với Bát Kỉnh Pháp, Ðức Phật đã đưa người nữ trở về đúng vai trò của mình trong đời sống xuất thế. Ðể cho nữ giới được xuất gia và giáo đoàn Ni hình thành, Ngài đã khéo léo dùng phương tiện đưa ra Bát Kỉnh Pháp nhằm xoa dịu sự chống đối của Tăng già và sự phản ứng của xã hội. Ðiều này càng khẳng định hơn trí tuệ siêu tuyệt và lòng bi mẫn vô biên của Ngài. Có những lúc Ngài nêu lên những yếu điểm hay tính xấu của phụ nữ, chỉ vì Ngài muốn người nữ biết vậy mà tiến tu, và nam giới thấy được nguy hại của sự đắm sắc trên lộ trình giải thoát, Ngài không phân biệt đối xử với Ni giới. Thiết nghĩ, khởi nguyên từ việc tuân hành Bát kỉnh pháp, Ni đoàn Phật giáo được hình thành và từ sự hành trì giới luật nghiêm mật mà giáo đoàn Ni thời Phật tại thế ngày càng phát triển, có nhiều Trưởng lão Ni đắc quả không thua kém Trưởng lão Tăng và được Thế Tôn ngợi khen như tối thắng về pháp lạc đệ nhất là Tỳ-kheo Ni Mahàprajàpati Gotami; tối thắng về đại trí tuệ là Tỳ-kheo Khema; tối thắng về đầy đủ thần thông là Tỳ-kheo Ni Uppalavanna; tối thắng về trì luật là Tỳ-kheo Ni Patàcàrà… Quý Ni trưởng trong hàng lãnh đạo Ni giới từ xưa đến ngày nay dù tham gia Phật sự rất nhiều, nhưng quý Ngài luôn nghiêm trì giới luật, phản tỉnh tự thân, hành xử theo lối sống thiền môn: “Ngồi đi đứng thảy đều thiền định, nói hay im động tĩnh như nhiên”.

Thế nên, trong thời đại ngày nay dù khoa học có tiến bộ đến đâu, tự thân có tri thức khoa học và thành đạt trong xã hội như thế nào, những người đã đứng vào hàng ngũ tăng già nhất là những nữ tu sĩ Phật giáo không thể xao nhãng với việc hành trì giới luật. Bởi vì:

"Giới là cách trang sức

Nhỏ trẻ già đều hợp

Trí tuệ làm của báu

Phước không ai trộm được".

Một đất nước muốn được ổn định và vững mạnh không thể thiếu hai yếu tố: Pháp luật và đạo đức. Một đoàn thể muốn được tồn tại và phát triển cũng không thể thiếu một trong hai yếu tố này. Ngày nay, người xuất gia ngày càng đông đa phần hướng ngoại. Việc thành lập các Phân Ban Ðặc Trách Ni giới là rất thiết thực để có điều kiện kiểm soát chư Ni. Ngưỡng mong chư Tôn đức Tãng Ni quan tâm hơn nữa trong công tác giáo dục đặc biệt là bồi dưỡng nhân sự giảng dạy luật học cho Ni giới giúp họ phân định rõ ràng giới tướng và bổn phận của người xuất gia. Phụ nữ Việt Nam hằng năm đều có ngày 20-10 kỷ Niệm ngày Phụ nữ Việt Nam. Ni giới Việt Nam ngày nay tự hào và ghi nhớ mãi bước ngoặt lịch sử của mình - ngày 01-09-2009, ngày Phân Ban Ðặc trách Ni giới Trung ương GHPGVN ra đời.

Ngưỡng mong chư Tôn túc trong ban lãnh đạo quan tâm hơn, tạo điều kiện cho Ni giới có năng lực phát huy tiềm năng của mình, những Ni giới đang phụng sự biết cách phụng sự tốt hơn và không trái lời Phật dạy. Như vậy, ước nguyện thành lập một Giáo hội Nữ lưu của chư Ni tiền bối đã đýợc thành tựu, bổn phận của Ni giới ngày nay là làm sao cho Ni đoàn Việt Nam tồn tại và phát triển vững mạnh. Muốn thế, không biện pháp nào tốt hơn tự thân Ni giới mỗi người phải “Xóa bỏ tâm phân biệt khác thầy khác tổ, riêng chùa riêng am” và “Ðoàn kết thương yêu nhau, chung hiệp ý kiến cùng nhau tham cứu kinh điển nghiêm tịnh giới luật.”

 

Ni giới Khánh Hòa

(Trích tham luận Hội nghị Phật giáo thế giới lần thứ XI tại Tp. HCM, Viêt Nam)