Thiền sư Nhất Hạnh nói về vụ Bát Nhã

Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Thiền sư Thích Nhất Hạnh gọi vụ Bát Nhã là "vấn nạn cần giải quyết" trong bài luận 'Bát Nhã là một công án Thiền' mới được công bố.

Thông cáo trên website Làng Mai của trường phái Thiền nổi tiếng thế giới cho hay ngoài hai lá thư ngắn ký bằng bút hiệu Nguyễn Lang gửi cho Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Minh Triết và giới Nhân sĩ và Trí thức cũng như những lá thư gửi riêng cho học trò thì "đây là lần đầu tiên Thiền sư Thích Nhất Hạnh chính thức lên tiếng về vụ nhà cầm quyền Việt Nam giải tán Tăng thân Bát Nhã hôm cuối tháng 12/2009".

Bài viết mới được chính thức công bố hôm thứ Hai 25/01.

Mở đầu bài viết, Thiền sư Nhất Hạnh gọi vụ Bát Nhã, trong đó các tăng sinh của ông bị buộc phải rời khỏi nơi tu tập, là "Pháp nạn của Phật giáo Việt Nam trong những thập niên đầu của thế kỷ 21".

Ông cũng gọi đây là một "công án" và giải thích:

"Công án là một vấn nạn cần phải giải quyết bằng niệm, định và tuệ chứ không thể chỉ bằng trí năng của ta. Nếu chưa giải quyết được thì mình chưa có hướng đi, chưa có an lạc và hạnh phúc."

Thiền sư Nhất Hạnh phân tích công án này từ góc độ của nhiều nhân vật liên đới, như tăng thân Làng mai, công an, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban Tôn giáo Chính phủ.

Ông đặt vấn đề: "Tại sao mình chỉ muốn tu thôi mà người ta không cho mình tu?" và "Tại sao phải giải tán cho được Bát Nhã dù phải áp dụng những biện pháp như thuê côn đồ, vu khống, lừa gạt, đánh đập, đe dọa?"

Ông cũng gọi các biện pháp giải tán Bát Nhã "những thủ đoạn gian trá, thấp hèn, trái với lương tâm con người".

Thiền sư Thích Nhất Hạnh khẳng định: "Ý Đảng phải đi theo với lòng Dân".

Lòng dân là muốn cho mọi người công dân ai cũng có cơ hội được nói lên cái thấy cái nghĩ của mình mà không sợ bị trừng phạt, đe dọa và tù tội. Lòng dân là muốn tách rời tôn giáo ra khỏi chính trị và chính trị ra khỏi tôn giáo.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh

"Lòng dân là muốn cho mọi người công dân ai cũng có cơ hội được nói lên cái thấy cái nghĩ của mình mà không sợ bị trừng phạt, đe dọa và tù tội. Lòng dân là muốn tách rời tôn giáo ra khỏi chính trị và chính trị ra khỏi tôn giáo."

Khi đạt được lòng dân như trên, theo ông, Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ thành công trong việc quy tụ sự đoàn kết và ủng hộ của xã hội.

Vị thiền sư cáo buộc đã có bàn tay của không chỉ những thế lực thù nghịch bên trong nội bộ chính quyền, mà cả từ bên ngoài, trong việc xua đuổi, trấn áp tăng ni theo Làng Mai.

"Pháp môn Làng Mai có thể là cơ hội hiếm có để hiện đại hóa đạo Phật ở Việt Nam. Vậy thì tại sao ta lại chịu áp lực của Trung Quốc để đàn áp và tiêu hủy ngay một nguồn sinh lực quý báu của ta?"

Chính phủ Việt Nam luôn nêu quan điểm chính thức là những rắc rối liên quan Làng Mai trong vụ Bát Nhã hoàn toàn là "mâu thuẫn nội bộ" và tự do tôn giáo được tôn trọng ở trong nước.

Tuy nhiên một số chính phủ nước ngoài và tổ chức nhân quyền đã lên tiếng bày tỏ quan ngại trước vụ việc này.

Hiện toàn bộ số tăng thân theo Làng Mai đã rút khỏi chùa Phước Huệ và hoàn toàn ly tán.

Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/01/100125_thichnhathanh_ple...