Xuân trong cửa Đạo

Khi bước chân vào cửa đạo, chúng ta nhận thấy mỗi người đều có tâm trạng khác nhau, tùy theo nghiệp lực của mỗi người mà có sự sai biệt về tâm tưởng. Tôi còn nhớ một bài thơ đã đọc rất lâu:

Chân bước nhẹ lên thềm hoa cửa Phật

Lòng từ bi nao nức bỗng dâng trào

Nhìn khói hương nghi ngút tận bàn cao

Thầm khấn nguyện chúng sanh đời bớt khổ.

xuantrongchau-1.jpg

Người tu cần phải xây dựng ngôi chùa ngay trong tự tâm của mình.  Ảnh: N.S.

Bài thơ này không biết có từ bao giờ, nhưng chắc chắn rằng đã xuất hiện trong thời chiến tranh. Cho nên, nhìn ra cuộc đời, tác giả thấy tất cả mọi người đều khổ, mỗi người khổ một cách, mỗi người phải gánh chịu một hoàn cảnh sống bất như ý. Và một câu thơ của cố thi sĩ nổi danh là Vũ Hoàng Chương cũng nói lên tâm trạng u sầu này:

Xuân sang mà vẫn là Thu trong lòng.

Nghĩa là trời đất đã chuyển sang bầu không khí tràn đầy sức sống mới, đã khoác lên chiếc áo xuân tươi thắm, nhưng lòng người vẫn mang nỗi buồn vô tận.

Riêng tôi thuở mới tu, cũng nhìn thấy bức tranh đời ảm đạm như vậy; nhưng may mắn thay, nhờ nhân duyên căn lành với kinh Pháp Hoa, khi tôi đọc phẩm Như Lai thọ lượng thứ 16, nhận ra được ý Phật dạy rằng trong tam giới không có sinh tử, nhưng vì vô minh, vọng kiến ngăn che, nên sanh các tánh ham muốn khác nhau, tạo tội sai biệt…

Với sự quán tưởng cuộc đời này thay đổi trong từng sát na tâm, cuộc đời chỉ là ảo ảnh phù du không thật, có đó rồi mất đó; vì thế, tôi mới phát tâm đi tìm những gì không sinh tử, những gì nằm ngoài sinh tử mà Đức Phật đã nói. Và khi trầm tư phẩm Như Lai thọ lượng, quán sát về Đức Phật thường trú và hình dung ra thế giới vĩnh hằng bất tử, tôi thấy lòng mình an vui lạ thường khiến cho bức tranh ảo ảnh cuộc đời hầu như biến mất; nói cách khác, như Phật dạy ở trong sinh tử mà không có sinh tử. Nhận chân được yếu nghĩa này, trước mắt tôi chỉ có thế giới Phật và Bồ tát, nơi đó mọi người sống với trí tuệ, với từ bi, với thanh tịnh, giải thoát.

Từ đó, mở ra cho tôi sự tỏ ngộ về cuộc đời này luôn luôn có hai mặt, mặt sinh tử và mặt không sinh tử. Ở mặt sinh tử thì mùa Xuân có đến rồi mùa Xuân phải tàn; còn ở mặt không sinh tử mới có mùa Xuân vĩnh hằng bất diệt. Thật vậy, khi thâm nhập được mặt không sinh tử, mới có niềm an lạc tuyệt diệu, giúp cho tôi hình dung được thế giới Cực lạc, thế giới thanh tịnh của chư Phật nhiều hơn là thế giới mà tôi đang sống với những người xung quanh. Vì vậy, tôi thường nhắc đến việc cần làm của người tu là xây dựng ngôi chùa tâm linh nằm ngoài thế giới vật chất và ngôi chùa tâm linh được hình thành một cách nhẹ nhàng đơn giản, chỉ cần chúng ta đặt tâm vào thế giới thanh tịnh của Phật, của Bồ tát, là chúng ta được an lạc ngay tức thì, vì thế giới đó hoàn toàn an lạc và tâm linh chúng ta an trụ nơi đó cũng an lạc theo.

xuantrongchua-2.jpg

Tuy nhiên, từ cảnh giới sống an lành vô cùng, chúng ta lại thấy chư vị Bồ tát đi vào cuộc đời dưới mọi hình thức để cứu độ chúng sinh. Nhận thấy được bước chân của chư Bồ tát bước ra từ cảnh giới hoàn toàn thanh tịnh và giải thoát, tôi phát hiện thêm yếu nghĩa thứ hai là những người tu hành thật sự thì tâm họ an trụ ở thế giới Phật, nhưng thân của họ hiện hữu trên cuộc đời này. Vì vậy, họ làm đạo không biết mệt mỏi mà tâm lúc nào cũng an vui giải thoát. Cảm nhận sâu sắc về sự hiện hữu của Bồ tát ở cả hai thế giới tương phản, một ở cõi thanh tịnh vĩnh hằng và một ở cõi Ta bà uế trược này, tôi đã cảm tác bài kệ:

Bồ tát đi vào đời

Sen nở khắp muôn nơi

Trang nghiêm cho cuộc sống

Ôi thật đẹp tuyệt vời.

Và rồi từng bước, tôi đã dấn thân hành đạo, làm từ việc nhỏ đến việc lớn, nhưng lúc nào cũng cảm nhận xung quanh mình có chư vị Bồ tát hỗ trợ theo thế liên hoàn thủ hộ Pháp Hoa, nghĩa là mình thủ hộ chúng sinh và mình cũng nhận được lực thủ hộ của chư Bồ tát. Nương vào lực gia bị thủ hộ của Phật và Bồ tát, thì sống trong sinh tử trần lao mà lòng mình vẫn an nhiên như ở Niết bàn. Cho nên từ đây, tôi nhận được yếu nghĩa sinh tử và Niết bàn là một. Vì vậy, ở trong cuộc sống có sinh tử, nhưng đạt được tâm an lạc của Niết bàn là đã tìm thấy được thế giới không sinh tử và sống trong thế giới không sinh tử, nơi đó mới hiện hữu sự an lạc vĩnh hằng.

Chúc tất cả các pháp lữ trong mùa Xuân Canh Dần, thâm nhập được thế giới Tịch Quang của chư Phật, nhưng sắc thân này vẫn hiện hữu ở trần gian để tiếp tục hoằng truyền Chánh pháp Như Lai, thành tựu được những việc làm lợi lạc cho mọi người, thắp sáng mãi ngọn đèn tuệ giác của Đức Phật trên cuộc đời này, đem đến mùa Xuân vĩnh hằng bất tận cho nhân loại.

 

HT Thích Trí Quảng