Tiền lẻ trong tâm linh ngày Tết

Với nhà Phật, hoa quả tâm thành là chính, còn vàng tiền của dương trần hay địa phủ đều bị coi là phù du, là xái... Thế nhưng, thử hỏi có mấy ai đi chùa mà không công đức một vài đồng tiền lẻ.

Chính vì thế, tiền lẻ đang ngày trở thành có giá và thu hút sự chú ý của nhiều người. Người ta dùng tiền lẻ để đi lễ chùa, đặt tại các ban, lư hương thờ như một dạng tiền hương hoa bầy tỏ lòng thành kính tự tâm và hy vọng cho những sở cầu của mình được chứng nghiệm…

Và ngay cả việc mừng tuổi bằng những đồng tiền mới lấy may, hên cho trẻ nhỏ và cụ già cũng trở thành phong tục cổ truyền được trân trọng và tuân thủ như lẽ mặc nhiên trong xã hội đã bao đời nay rồi…

alt
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong. Ảnh: Hồng Anh.

Bởi vậy, Ngân hàng Nhà nước đã gắng dung hòa được cả quản lý nhà nước, lẫn tôn trọng phong tục, tập quán và tạo thuận lợi cho người dân bằng cách hàng năm thường chuẩn bị sẵn và tung vào lưu thông khối lượng khá lớn các loại tiền mệnh giá nhỏ, còn thơm mùi mực in vào những tháng giáp tết cổ truyền dân tộc…

Tiền lẻ loại này thường đổ vào lưu thông qua các “kênh chính thức”, như lĩnh lương, thanh toán và các chi trả khác qua kho bạc, ngân hàng. Thậm chí có người còn có sáng kiến gửi tiền vào ngân hàng, sau đó ít bữa rút ra và nài nỉ nhân viên ngân hàng ưu tiên cho mình nhận tiền lẻ, đẹp coi đó như một cử chỉ chiều lòng khách quen…

Nhưng tiền lẻ còn tỏa vào lưu thông và quay vòng đến chóng mặt qua mạng lưới chằng chịt các dịch vụ đổi tiền lẻ khác “phủ sóng" cả ở thành thị và nông thôn, nhất là các trung tâm bán buôn, như phố Đinh Lễ, Hà Nội; các đại lý bán lẻ túc trực '25/24' tại cửa các đền chùa và cơ sở tâm linh khác, do cả những tay buôn chuyên nghiệp và các bà hàng xén, anh trông xe tranh thủ kiếm “lộc rơi lộc vãi”, nhưng một ngày có thể thu lời tới cả triệu đồng. Những cục tiền lẻ có thể nằm chất đống trong các thùng kính của cửa hàng, hoặc trong tay từng nhân viên tín dụng nghiệp dư len lỏi vào từng ban thờ đổi tại chỗ cho khách… Thậm chí, trong thời buổi công nghệ số này, có người nhanh nhậy còn lập hẳn những trang mạng có thương hiệu để thực hiện dịch vụ đổi tiền này.

Những “mối” lớn nhất có thể có quy mô giao dịch tới hàng trăm, chục triệu đồng mỗi ngày, còn các mối nhỏ hơn cũng có thể đạt mức tiền triệu không khó khăn lắm. “Tỷ giá” cũng không thống nhất, thường thì giá đổi tiền lẻ quay vòng từ trong các ban thờ (được rửa sạch và là ủi cho thẳng rồi bán lại cho người đi lễ) ở các điểm đình, chùa thấp hơn so với tiền 100% mới, còn nguyên serie ngân hàng, chủ yếu dành cho mừng tuổi hoặc người kỹ tính.

Tại những nơi “cầu tài đắc tài, cầu lộc đắc lộc”, như Đền bà Chúa Kho (Bắc Ninh), hay Bia Bà và Phủ Tây Hồ (Hà Nội) thì “tỷ giá niêm yết” ở đây cũng cao ngang ở khu vực Đinh Lễ, Bờ Hồ - hay phố Quang Trung - Hà Đông - Hà Nội vậy. Những cọc tiền các mệnh giá 10.000 đồng, 5.000 đồng, 500 đồng và 200 đồng, còn nguyên giấy niêm phong của ngân hàng, được trao đổi với tỷ lệ lãi “trong mơ” của tín dụng ngân hàng.

Tỷ lệ chênh lệch trung bình là 10%, thấp nhất lãi 5%, còn cao nhất tới thậm chí 40% (trong khi tiền gửi cả năm trong ngân hàng cũng chỉ nhận lãi tối đa bằng một phần ba hoặc một nửa mức đó) tùy theo chênh lệch cung-cầu, loại tiền (mệnh giá càng thấp, giá đổi càng cao, tiền 200 đồng thì đổi 100.000 đồng chỉ được nhận 60.000 đồng, tức lãi suất tới 40%…

Từ ngân hàng tới tay người có nhu cầu dùng tiền lẻ thường qua tới 6, 7 cửa, sau đó nhà chùa lại mất công đổi lần cuối cho các điểm dịch vụ ngoài cổng chùa… Vì thế, bà con ta nên điều chỉnh, từ bỏ dần thói quen cúng chùa kiểu dàn trải, bỏ đều tiền nhỏ vào các cửa, mà nên chỉ tập trung tiền định công đức vào một chỗ, một cửa duy nhất, bằng loại tiền lớn, thông dụng có ghi sổ, ghi phiếu chứng nhận và có một hòm công đức chung…

Làm như vậy có nhiều cái lợi. Thứ nhất, Nhà nước đỡ mất kinh phí in nhiều tiền nhỏ hàng năm. Thứ hai, bà con thuận tiện và không lo bị áy náy vì cảm thấy có lỗi trong khi đi chùa vì không kịp chuẩn bị tiền lẻ, hoặc quên không đặt tiền lẻ đều khắp các ban thờ, hòm công đức, hơn nữa lại đỡ hẳn khoản chi phí vô nghĩa và tốn kém cho dịch vụ thị trường đổi tiền đắt đỏ. Thứ ba, nhà chùa không mất công thu gom và chịu phí tổn đổi tiền nhỏ; đồng thời, cảnh chùa, đình thờ tự thêm phần tôn nghiêm.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong
Viện Nghiên cứu Kinh tế Xã hội Hà Nội

Theo vnexpress