Tăng đò chất lượng cao cho khách trảy hội chùa Hương

Đại đức Thích Minh Hiền, Trụ trì chùa Hương khẳng định đây sẽ là một mùa lễ hội mang đậm dấu ấn Phật giáo trong buổi họp báo về lễ hội du lịch chùa Hương năm 2010 diễn ra sáng 5/2 tại UBND huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội.

Nhiều hạng mục, công trình đã được cải tạo, xây mới để tránh ách tắc và tạo cảnh quan thanh sạch cho du khách về du xuân, trẩy hội chùa Hương. Cùng với đó là sự đa dạng, mới mẻ trong các hoạt động ngày khai hội và các hoạt động của tuần lễ văn hóa Phật giáo lớn nhất từ trước đến nay gắn với chủ điểm 1.000 năm Phật giáo Thăng Long - Hà Nội sẽ là điểm nhấn đặc biệt của lễ hội chùa Hương năm 2010.

Tuần lễ Phật giáo lớn nhất từ trước đến nay

Khai hội vào ngày mùng 6 tháng Giêng, lễ hội chùa Hương là lễ hội khai mạc sớm nhất và kéo dài nhất trong năm (đến hết tháng 3 âm lịch) nên việc chuẩn bị để đón hàng vạn lượt khách hành hương mỗi ngày, đã được UBND huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội hoàn tất ngay từ cuối năm 2009.

Du xuân, thưởng ngoạn phong cảnh "đệ nhất trời Nam", lòng mỗi người hướng về chùa Hương còn là sự tìm tòi, thưởng thức văn hóa Phật giáo. Và năm nay, khi Hà Nội đang hướng đến kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, lễ hội chùa Hương cũng được chọn là lễ hội điển hình chào mừng ngày đại lễ.

Đại đức Thích Minh Hiền, Trụ trì chùa Hương cho biết: Hướng về 1.000 năm Phật giáo Thăng Long - Hà Nội đã được Giáo hội Phật giáo Việt Nam chuẩn bị từ hơn nửa năm nay, trong đó không thể thiếu lễ hội Phật giáo ở chùa Hương. Tuần lễ văn hóa Phật giáo sẽ được khai mạc vào đúng ngày Khánh đản (19/2 âm lịch) với nhiều hoạt động thể hiện bề dày của văn hóa Phật giáo trong tiến trình 1.000 năm hình thành và phát triển của Thăng Long-Hà Nội. Bảo tàng cổ vật Phật giáo, với những cổ vật được  chính các chư vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, tăng ni và phật tử dày công tìm tòi, lưu giữ.

Riêng phòng tranh về Phật giáo, sẽ dành để trưng bày những sáng tác của các họa sĩ là phật tử tiền bối và đương đại sẽ khai mạc vào đúng ngày khai hội, mùng 6 tháng Giêng.

 

Đặc biệt, tại Tuần lễ văn hóa Phật Giáo, ngoài các chương trình ca múa nhạc, điểm nhấn sẽ là lễ hội hoa đăng tại động Hương Tích với 500 ngọn nến cúng giàng dâng lên Bồ Tát Quán Thế âm; thả đèn hoa sen trên suối Yến. Đại đức Thích Minh Hiền cũng khẳng định, các chùa, các vị thượng tọa, tăng ni… trong quần thể danh lam chùa Hương đã chuẩn bị trùng tu khánh đường, chỉnh trang phòng nghỉ… để sẵn sàng đón du khách hành hương.

Một nét mới độc đáo nữa của lễ hội chùa Hương năm nay là sự xuất hiện của các "thuyền văn hóa" chở các nghệ sỹ hát phục vụ bà con về trẩy hội trên dòng suối Yến. Đây cũng là sáng kiến của Ban tổ chức thay vì tổ chức nghệ thuật cố định ở một điểm, để du khách nào cũng có thể được thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc, mang đậm dấu ấn của vùng đất Phật giáo.

alt

Du khách đi đò trên suối Yến trước ngày khai hội.

Có đò chất lượng cao

Theo ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức thì năm nay, du khách đến với chùa Hương sẽ cảm nhận được nhiều sự thay đổi lớn. Đến thời điểm này, cầu Hội bắc qua suối Yến đã được mở rộng mặt cầu từ 20m lên 40m, chắc chắn sẽ giảm áp lực tắc đường trong những ngày cao điểm.

Dòng suối Yến cũng được xử lý thả 40 tấn vôi cục, trả lại màu nước trong vắt làm mát lòng du khách. Đặc biệt, năm nay để đảm bảo cảnh quan môi trường, chống lại hành động xả rác bừa bãi, làm tổn hại đến dòng suối Yến, Ban tổ chức lễ hội chùa Hương sẽ áp dụng hình thức xử phạt 50.000 đồng về hành vi vứt rác không đúng nơi quy định. Một tổ công tác cũng mới được thành lập để theo dõi xử lý hành vi này.

Nét mới của lễ hội chùa Hương năm nay còn là sự xuất hiện của gần 200 đò chất lượng cao được đưa vào phục vụ đưa đón du khách. Đò chất lượng cao là loại đò to, mỗi đò lắp 12 ghế ngồi giống ghế ở sân vận động, có lối đi rộng tạo cảm giác thoải mái cho du khách thưởng ngoạn thắng cảnh.

Tuy nhiên, ông Hậu cũng thừa nhận so với 4.600 con đò chở khách truyền thống, thì số đò chất lượng cao trước mắt sẽ chỉ được đáp ứng việc chuyên chở khách nước ngoài. Số đò này chủ yếu được chuyển đổi ở thôn Yên Vĩ; số ít đò chất lượng cao còn lại sẽ dành cho những khách có hợp đồng trước với nhà nghỉ Công Đoàn. Đò chất lượng cao được ấn định giá 35.000 đồng/người. Giá vé đò cũ vẫn giữ nguyên: 25.000 đồng/người. Ông Hậu cho biết, sang năm toàn bộ số đò cũ sẽ được chuyển đổi sang đò chất lượng cao

 

Thông tin giao thông về chùa Hương sẽ liên tục được cập nhật trên kênh VOV giao thông
Đại đức Thích Minh Hiền cho biết, nhằm tránh tình trạng tắc đường từ tuyến chính đến đường lên động, giúp người dân tiết kiệm thời gian và có lộ trình tham quan lễ hội hợp lý, Ban tổ chức lễ hội chùa Hương đã phối hợp cùng kênh VOV giao thông (Đài Tiếng nói Việt Nam) thường xuyên cập nhật thông tin giao thông xung quanh khu vực chùa Hương, các tuyến đường về chùa Hương, rồi phát trên loa, đài để các tăng ni, phật tử lựa chọn được lộ trình phù hợp. Theo đó, từ ngày mùng 1 Tết (tức ngày 14/2), kênh thông tin này sẽ hoạt động thường xuyên và kéo dài cho đến hết tháng 3 âm lịch. (PV)

Giá vé khứ hồi đối với người lớn là 70.000 đồng/người; vé một chiều: 40.000 đồng/người; vé khứ hồi trẻ em là 40.000 đồng/người; vé một chiều là 25.000 đồng/người. Năm nay, khu nhà chờ cho du khách lên cáp treo đã được mở rộng, xây dựng thêm nhà chờ có sức chứa khoảng 1.000 người. Các đường zích zắc dành để xếp hàng lên cáp treo cũng được mở rộng, tránh tắc đường ở cáp treo. Được biết, ngoài những thay đổi trên, năm nay vấn nạn chèo kéo khách du lịch sẽ được Ban tổ chức lễ hội theo dõi và xử lý kiên quyết.


Thu Uyên - Thanh Huyền