Làng quê… không hái lộc Xuân

alt

Hái lộc hay… “phá lộc”?

Sau đêm giao thừa, nhìn cây cối xác xơ càng thấy buồn cho ý thức của nhiều người và e ngại cho sự hỗn tạp, xô bồ trong văn hóa, lối sống của một bộ phận người dân. Tuy nhiên ở một làng quê nhỏ không xa Hà Nội là mấy lại không hề có chuyện hái lộc, bẻ cây vào đầu năm mới.

Vào lúc giao thừa, trên các trục đường, tuyến phố, đình, chùa… chuyện hái lộc, bẻ cành, thậm chí bứng cả cây hoa công cộng về nhà không hiếm. Theo quan niệm của nhiều người thì cành cây càng to, càng tươi tốt thì năm mới càng được nhiều lộc (!). Nhìn cảnh chen lấn, xô đẩy, giẫm đạp, triệt phá cây cối mà thấy xót xa, nhiều chuyện bi hài…

Nhưng tại một làng quê nhỏ thuộc địa phận tỉnh Bắc Ninh cảnh “hái lộc” hỗn tạp ấy lại không hề diễn ra. Sau thời khắc giao thừa, tôi có mặt tại đình làng thôn Phù Yên, xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong, Bắc Ninh (nơi thờ danh tướng Phạm Đô Côn thời nhà Lý). Mặc dù đồng hồ đã chỉ quá 12h đêm nhưng không hề thấy bóng dáng của một ai đi hái lộc xuân đầu năm.

Ông Ngô Văn Bang- thủ từ đình Phù Yên cũng không khỏi ngỡ ngàng: Năm nay, phong tục hái lộc xuân đầu năm ở quê tôi thật lạ. Các năm trước, cứ đúng giao thừa, người già, thanh niên, trẻ con thi nhau trèo lên cây đề, si, đại hái lộc. Ra xuân, những cây cối trong đình đều trơ trọi, xác xơ. Nhưng năm nay chuyện đó tuyệt nhiên không hề có.

Ông Bang nói thêm: Những năm gần đây, nhiều nét văn hóa Tết đã và đang mai một hoặc không còn nguyên nghĩa. Nhiều tục lệ tồn tại bao đời nay ít nhiều đã nhuốm màu thực dụng làm ý nghĩa của nó phôi phai. Nếu chú ý một chút thì từ “hái” đã mang đầy đủ ý nghĩa nâng niu, nhỏ bé rồi.

Theo quan niệm cổ truyền, vào thời khắc giao thừa hoặc sớm mồng Một Tết, hái một cành lộc nhỏ nơi đền, chùa, miếu, am… sẽ được Thần, Phật ban cho tài lộc, may mắn suốt năm. Cành lộc ấy chỉ cần rất nhỏ, hái từ các loại cây có sức sống mạnh mẽ như si, đề, đa… là được. Tuy nhiên, hiện nay ở một số nơi người ta bẻ, bứt, thậm chí lấy dao rựa chặt bất cứ loại cây nào có thể, cho dù đó là cây cảnh, hoa trong lễ hội hoặc cả những nơi cấm hái khiến cây cối nát tan. Tục hái lộc đầu xuân vốn tốt đẹp và mang ý nghĩa nhân văn là thế bỗng trở thành cái cớ cho một số người có hành vi phá hoại.

Theo ông Bang, sở dĩ năm nay chuyện hái lộc xuân đầu năm của làng không diễn ra bởi thứ nhất: trước Tết khoảng 1 tuần, làng đã họp các hộ gia đình quán triệt về việc cấm bẻ cây, hái lộc. Thứ 2, người dân biết đình chùa là nơi tôn nghiêm, sạch sẽ; nơi giao hòa giữa trời và đất. Không bẻ cây, hái lộc là giữ gìn cái đức cho thế hệ sau…

Ông Đặng Văn Khuy, người làng Phù Yên chia sẻ: Chuyện người dân đi hái lộc đầu xuân đã quen thuộc và trở thành nét văn hóa Tết trong đời sống. Hái lộc đầu xuân với cái “tâm” thanh tịnh, trong sáng, lòng thành, ước mong giản dị. Vẻ đẹp ngàn xưa ấy được lưu truyền đòi hỏi ngày nay mỗi chúng ta phải biết giữ gìn, nâng niu, trân trọng.

Du Xuân, hái lộc từ năm sau, xin đừng giành giật, triệt phá mầm xanh. Hãy tâm niệm chỉ một chút gọi là lấy phước. Đấy mới thực là giá trị sâu xa của nét đẹp văn hóa, mỹ tục ngàn năm cần lưu giữ!

 

Minh Hiếu