Ba tuyệt tác bất hủ sinh ra từ "ao làng"

Những tác phẩm tuyệt đẹp truyền đời từ thế kỉ này qua thế kỉ khác và không bị mai một. Chúng sinh ra từ làng.

Trải qua gần một thế kỷ khảo sát, mô tả, giới nghiên cứu và công luận cũng dần đi tới thống nhất rằng Văn hoá Làng là cốt lõi của văn hoá Việt từ thế kỷ 19 trở về trước.

Trên mảnh đất “làng tôi” ấy, người Việt đã “gieo trồng” được ba dòng mỹ thuật đẳng cấp quốc tế.

Người con gái xinh đẹp của quá trình "Ấn Độ hóa"

Khi làn gió và dòng phù sa văn hoá Ấn Độ, nghệ thuật Phật giáo và Ấn giáo tràn về phía Đông Nam đã sinh ra những người con trai cường tráng và kiêu dũng là nghệ thuật Angkor và nghệ thuật Java-Indonesia với các quần thể thác đá hùng tráng.

So với hai nền điêu khắc đồ sộ, vừa tao nhã vừa phi phàm đó thì mỹ thuật Chăm có lẽ là người con gái xinh đẹp sinh ra trong quá trình “Ấn Độ hoá”.

3 tuyệt tác bất hủ sinh ra từ

Tháp Chàm Mũi Né (Bình Thuận).

Trên dải đất dọc miền Trung Việt Nam suốt hơn 800 năm từ thế kỷ thứ 6, 7 trở đi đã bừng nở một nền mỹ thuật đặc sắc. Không phải các tháp đá quá cỡ, kỳ bí tưởng chỉ có thánh thần siêu nhân mới tạo ra nổi mà là các tháp gạch nung xinh đẹp gần gũi, ấm áp như bàn tay con người, nhu hoà cùng cảnh vật làng quê được xây dựng với một kỹ thuật tuyệt đỉnh đến nay còn là một bí ẩn.

Quần thể Mỹ Sơn với hơn 70 ngọn tháp có lẽ là di tích kiến trúc hoàn hảo và đồ sộ nhất của dân tộc Việt Nam nếu không bị bom Mỹ “thảm sát” vào những năm 1970. Điêu khắc Chăm làm bằng sa thạch nâu và xanh có một vẻ nhu mì, uyển nhã khó tin.

Các vũ nữ, tiên nữ, các bệ thờ và diềm trang trí, các vị thần và những thần vật hiện hình trong một ngôn ngữ điêu khắc rất phồn thực, linh hoạt với tỷ lệ kích cỡ rất thân mật với con người.

Nghệ thuật Chăm ảnh hưởng sâu sắc tới nghệ thuật của người Kinh ở phía Bắc Việt Nam. Khai quật thành phố cổ Thăng Long người ta càng thấy rõ sự giao hoà hạnh phúc ấy.

Gốm men nâu độc nhất vô nhị

Cũng từ thời Lý – Trần (thế kỷ 11 – 14) trở đi, ở Bắc Bộ, nghệ thuật gốm phát triển rực rỡ, trở thành một trung tâm gốm xuất sắc nhất của châu Á.

Nếu gốm men ngọc ảnh hưởng tinh tuý của gốm Trung Hoa hết sức tinh vi, tế nhị chau chuốt từ xương gốm, màu men tới hoa văn tràn ngập, phức tạp thì gốm men màu nâu thực sự là độc nhất vô nhị Việt Nam.

3 tuyệt tác bất hủ sinh ra từ

Tượng Phật Bà nghìn mắt nghìn tay.

Xương gốm thô dày và hình dáng vạm vỡ, mộc mạc. Trên nền men ngã phập phồng, những nét bút, nét khắc rất chắc khoẻ, hồn nhiên, biểu cảm trực tiếp xúc cảm nghệ sĩ là các hình ảnh men nâu không bị câu thúc bởi bất kỳ khuôn thức giáo điều hay suy lý khô khan nào.

Có người cho rằng gốm men nâu xuất khẩu từng ảnh hưởng tới gốm Thiền Nhật Bản bởi sự gần gũi thẩm mỹ của hai dòng gốm này. Sau sự phát triển gốm men làm trắng thời Lê có bóng dáng gốm sứ Trung Hoa lại là sự bùng phát một dòng gốm “thuần Việt” là gốm nhiều màu có chạm khắc và gốm tam thái (ba màu vàng, lục, đỏ) thời Mạc (thế kỷ 16).

Thời này có những nghệ sĩ đã ghi tên mình lên tác phẩm. Đó cũng là những nghệ sĩ duy nhất “hữu danh” trong suốt ngàn năm khuyết danh của mỹ thuật Việt. Tiếc thay, gốm tam thái thời Mạc gần như đã thất truyền.

Mấy năm trước đây một món đồ gốm tam thái Việt Nam của bảo tàng Istanbul Thổ Nhĩ Kì được định giá tới hơn 24 triệu USD.

Điêu khắc gỗ của đình chùa làng Bắc Bộ

Cũng từ nhà Mạc, thế kỷ nghệ thuật kiến trúc điêu khắc gỗ của các đình chùa làng Bắc bộ phát triển triển rực rỡ để tạo nên giai đoạn nghệ thuật cổ điển vào các thế kỷ 17 - 18.

Hàng trăm ngôi đình là những kiến trúc gỗ hoành tráng nhất của Việt Nam, một toà nhà đa chức năng (tín ngưỡng, hành chính – văn hoá) có một kết cấu chuẩn mực và vẻ đẹp không thể nhầm lẫn.

Các phù điêu trải dài trên các vì kèo mô tả toàn cảnh sinh hoạt làng Việt với sự hân hoan và tự do hiếm có. Trong khi đó, các chùa làng từ Chùa Dâu, Bút Tháp, Chùa Thầy tới Tây Phương cũng đạt tới sự hoàn mỹ, thanh nhã của một quần thể kiến trúc gỗ phức hợp.

Trong lòng các ngôi chùa u tịch, khoan hoà ấy là những bảo tàng điêu khắc gỗ sơn thếp với không ít các kiệt tác như Ngọc Nữ ở Chùa Dâu, Quan Âm nghìn mắt nghìn tay và các tượng chân dung ở Bút Tháp, ba pho Tam thế Chùa Thầy, các vị Tổ và Kim Cương chùa Tây Phương… đậm đặc sức Việt Nam và có thể sánh ngang bất kỳ kiệt tác thế giới nào.

 

* Tittle do TS tự đặt

Hoạ sĩ, nhà nghiên cứu Nguyễn Quân (Theo Nông thôn ngày nay)